Trang

Thứ Bảy, 17 tháng 11, 2018

Nói xấu, thói xấu khủng khiếp nhất trong các thói xấu?


fr.aleteia.org, Linh mục Dòng Tên Jean-François Thomas, 2018-11-05
Có phải thật sự vì yêu điều tốt, yêu điều thật mà nhiều người hùng hổ nhảy lên con ngựa chiến để đi trả thù, để loan những chuyện đồi bại về người khác như những ông tòa dữ dằn không?
Thời gian này là thời gian của các cơn cuồng hoảng tập thể, của ám ảnh điều thiện, trong khi điều ác ở dưới mọi hình thức lại được đề cao, được khuyến khích, được theo đuổi một cách không tưởng cho sự toàn hảo, một sự toàn hảo không còn đáp ứng với các tiêu chuẩn siêu việt, nhưng theo làn sóng mơ hồ của các nguyên tắc luân lý bất ổn, tương đối và hoán chuyển qua về nhau. Các vụ bê bối thực sự hay giả định đã làm rung chuyển vừa cả thế giới, vừa cả Giáo hội từ một thời gian gần đây, đã để cho các bản năng tàn bạo nhất của con người hoành hành. Có phải thật sự vì yêu điều tốt, điều thật mà nhiều người bỗng nhiên lên ngựa đi trả thù, đi gom nhặt những chuyện đồi bại về người khác như những ông tòa dữ dằn không? Không có gì mà không chắc chắn hơn. 
Đà nơi mắt người
Vậy mà khuynh hướng này lại được chia sẻ, đôi khi lại còn được nâng lên thành một đức hạnh. Chúng ta đã quên lời Chúa dạy rất rõ về chuyện này sao? Ngài bác bỏ bất cứ lời vu khống hay nói xấu nào khi Ngài mời gọi chúng ta nhìn cái đà nơi mắt mình (Mt 7, 3-5), và Ngài cũng chỉ dẫn phong cách phải theo, từ từ và dần dần để giúp kẻ phạm tội đi ra khỏi tội của mình (Nếu người anh em của anh trót phạm tội, thì anh hãy đi sửa lỗi nó, một mình anh với nó mà thôi… (Mt 18, 15). Chúng ta không quan tâm gì  đến lời giảng dạy này, chỉ muốn áp dụng biện pháp riêng của mình, cho rằng hiệu quả hơn và triệt để hơn. Thật dễ để đi dọn dẹp nhà người khác… Còn tội về miệng lưỡi thì đối với chúng ta là quá nhẹ. Nhưng Thánh Giacôbê đã cảnh báo: “Ai cho mình đạo đức mà không kiềm chế miệng lưỡi, là tự dối lòng mình, vì đó chỉ là thứ đạo đức hão” (Gc 1, 26).
Biên giới giữa vu khống và nói xấu thì rất nhỏ, vu khống là đưa ra một lỗi có thật nhưng sai, nói xấu là thì thầm để làm hại danh tiếng người khác. Người nói xấu nghĩ rằng họ làm một chuyện tốt, họ đặt mình ở bên ngoài, bên trên thân phận con người bình thường, vì họ cho rằng trong bất cứ trường hợp nào họ cũng không phải là tác giả của lỗi lầm này. Nhà giảng thuyết Massillon trong tác phẩm Mùa Chay (Petit Carême) nhấn mạnh, “nói xấu là ngọn lửa nuốt chửng làm ô nhục những gì nó chạm vào”. Thật là khó hiểu và tai tiếng khi khám phá nói xấu là căn bệnh hủi phổ biến nơi đầu óc của người tự cho mình là tín hữu kitô. Trước khi trở lại, ông Alfred Fabre-Luce phàn nàn đã nghe quá nhiều chuyện ác ý nơi các nhà văn rất công giáo mà ông lui tới. Ông đã không thoát khỏi điều này khi ông rửa tội. Còn nhà văn Molière thì không bỏ qua một dịp nào để tố cáo thói nói xấu trong tác phẩm Tartuffe của ông:
“Để chống nói xấu thì không có thành trì nào,
Vì thế, với tất cả các bài diễn văn ngu ngốc,
Chúng ta cũng chẳng có một chút tôn trọng nào.
Chúng ta cố gắng sống trong trắng hết mình,
và để cho những người gây chuyện có toàn quyền của họ.” 
Bằng lòng với các vũng bùn
Đã từng có các vương quốc sụp đổ vì nói xấu như nước Pháp ở thế kỷ thứ 18, bị đè nặng bởi các lời nói dối của những người Giăng-xen chuộng khắc khổ, những người Tam điểm, những người phóng đãng. Những người bị phá hủy bởi tin đồn lan ra, tin đồn hèn hạ vì người loan tin ẩn mặt, không để bị lộ hay bị biết. Linh mục Dòng Tên Bourdaloue nêu ra trong bài giảng danh tiếng của ngài: “Nói xấu là gì? Đó là trận bão lớn hủy hoại trong một ngày, thậm chí còn ít thời gian hơn, công việc của cả hai mươi năm làm việc, cẩn thận, cân nhắc” (Bài giảng về làm chứng dối chống Chúa Giêsu Kitô, tập II).
Bản chất của nói xấu là một đám mũi tên bắn từ một nơi ẩn núp, bay tình cờ khắp nơi nhưng chắc chắn sẽ trúng mục tiêu, bất hoặc là mục tiêu gì: chỉ cần mũi tên cắm xuống đâu đó là nọc độc phát ra. Nhỗ mũi tên chẳng chữa được gì vì vết thương đã ở đó mãi, kể cả khi người nói xấu ăn năn hoặc họ biến mất. Như văn sĩ  Boileau nói trong các bài thơ Trào phúng của ông (Satires), “nghề nói xấu là nghề ác độc”. Nhưng không vì thế mà không có người học nghề, người học nghề lại rất nhiều, họ giành nhau giải thưởng vàng. Cả Voltaire, dù đã là bậc thầy trong nghệ thuật nói xấu – đây chỉ là mặt trái của các cựu giáo sư Dòng Tên – cũng đã nhận ra tác hại của nói xấu, ông viết trong Thư của ông về vu khống: “Đồ vứt đi của minh triết, nó lại là tinh hoa của mấy người ngu.”
Thêm nữa, tiếp đó, nó lại dẫn đến việc nói xấu hết tất cả mọi người, không phải chỉ đương sự đầu tiên trong việc bêu xấu của mình. Nó xóa hết mọi đức bác ái, bây giờ tâm hồn quen với vũng bùn. Một vài người còn thích thú trong trò chơi này, kể cả những người tự cho mình ở trong ánh sáng. Nhà văn Léon Bloy, trong Máu của người nghèo cho chúng ta một mô tả tàn nhẫn mà chỉ có ông mới nắm được bí chiêu, than ôi lại rất trung thực và thực tế: “Nhìn kiểu sùng kính như mõm cá sấu, mà cái miệng nói xấu nuốt chửng hai mươi danh tiếng; nhìn hình phạt kiểu con linh cẩu háu đói, bám riết vào tất cả các phòng xưng tội, một bên là lao công kinh sợ và khiêu khích của điều bất hạnh, người làm việc mười giờ một ngày, để may chiếc thắt lưng hành xác với sợi dây thắt cổ; và bên kia là người nuốt sự ngây thơ và ăn thánh thể, người không can hệ gì đến việc đánh hơi thấy các quả tim đang thối rửa.”
Để làm điều ác chứ không phục vụ sự thật
Cũng cần phải đọc lại Thánh Tôma Aquinô trong chương IIa-IIae của Tổng luận Thần học, các câu hỏi 73 và 74 nói về thóa mạ và nói xấu. Ngài trích sách Giảng viên (10, 11): “Rắn cắn không gây tiếng động; người bí mật thóa mạ thì cũng làm như vậy.” Bản chất của thóa mạ không phải là đụng đến danh dự của đương sự nhưng là danh tiếng của họ, điều này làm trong bí mật để những người nghe các lời này hay các lời ẩn ý ngầm sẽ có thành kiến xấu với người đó. Gây thiệt hại là mục đích theo đuổi của họ, chứ không bao giờ là để bảo vệ sự thật hay chiến thắng cho điều tốt. Đó là vì sao đây là tội nặng chứ không phải là trò tiêu khiển vô hại vượt quá giới hạn (cf. q.73, art 2).
Xin đọc thêm: Đức Phanxicô kêu gọi “cuộc cách mạng dịu dàng”
Thánh Phaolô trong thư gởi Tín hữu Rôma đã nói: “Những kẻ vu khống ở xa Chúa.” Chắc chắn đây không phải là vấn đề giết người hay ngoại tình, nhưng là lời nói xấu được duy trì, và không phải chỉ được nói lên vì vô ý, nó có thể giết người, không phải về thể xác nhưng về tinh thần. Khi nghe lời vu khống mà không chỉnh lại là đồng lõa với tội. Thánh Tôma Aquinô trích lời Thánh Jérôme: “Hãy canh giữ để miệng và tai con không làm ngứa miệng, ta muốn nói con không được vu khống ai, hay con không được nghe người khác khi họ vu khống.” Trường hợp của chúng ta nặng hơn nếu chúng ta nghe, rồi sau đó chúng ta loan truyền và đó là điều thường hay xảy ra. Thánh Tôma còn đi xa hơn, chính xác ngài nói, nói xấu là vu khống đẩy đến cực đoan, một cách xấu xa bởi vì nó tìm cách chia rẽ bạn bè. Vu khống là gieo hỏa mù trong đầu người bạn này về người bạn kia, tạo chia cắt, phá hủy các dây liên kết duy nhất, đó là nói xấu: “Người vu khống muốn bôi đen danh tiếng người kia; nhất là nhấn mạnh trên lỗi của người kia, mà bản chất là để làm hại hay làm giảm danh tiếng của người kia. Nhưng người đi vu khống còn tìm cách chia rẽ bạn bè”  (q.74, bài 1). Sự mất mát của bạn mình bởi người nói xấu và đối tượng của nói xấu là cái chết thê thảm hơn là sự mất mát danh tiếng với người ngoài. Từ thời Aristote, tình bạn đã được khen ngợi như một trong các điều quý nhất mà Thánh Tôma đã nhấn mạnh: “Chúng tôi đã nói nhiều lần, tội lỗi chống người anh em sẽ nặng hơn nếu làm hại nhiều đến của cải, và còn nặng hơn nếu của cải này càng lớn. Mà một người bạn thì quý hơn các của cải bên ngoài, vì theo triết gia Aristote, ‘không ai có thể sống mà không có bạn’; và theo sách Huấn ca (Hc 6, 15), ‘không gì đổi lấy được một người bạn trung thành’. Vậy mà danh tiếng bị vu khống phá hủy tất cả, nhất là nó cần thiết để làm cho chúng ta xứng đáng với tình bạn. Như thế nói xấu là tội xấu nhất, cũng như vu khống và thậm chí cả lăng nhục vì cũng theo Aristote: ‘Tình bạn thì được yêu chuộng hơn là danh dự. Được yêu thương thì tốt hơn là được vinh dự’” (q.74, bài 2).
Đông lực của ghen tương
Tại sao lại mất nhiều thì giờ – và mất liêm sỉ, mất danh dự mình để đi nói xấu người khác, dưới chiêu đề là tố cáo điều xấu, muốn cho cái tốt chiến thắng?  Văn sĩ Joë Bousquet trong quyển tiểu thuyết cuối cùng của ông viết dưới thời nước Pháp bị nước Đức chiếm đóng: “Những kẻ nói xấu giống như những người bất hạnh không có được phần mình trong các sự kiện, phải cậy đến hàng xóm của mình để có một đời sống ký sinh” (Người đi nói xấu vì lòng tốt, Le Médisant par bonté). Do đó ghen tương là động lực chính yếu của vu khống, của nói xấu. Như thế người làm cho cái lưỡi mình nói ra những lời nói xấu là kẻ bất lực trong cuộc đời mình, cần phải đi thực bào người khác để tin mình là một cái gì. Vì thế họ ghen với các khiếm khuyết mà họ tố cáo hay họ dựng đứng lên. Họ không bằng lòng đi ra khỏi chỗ của mình, khi họ đi ra được, người mà họ bôi bẩn, họ che đậy, thêm nữa, cả một cuộc hiện sinh hỗn tạp, một cuộc hiện sinh họ mơ mà không thể có được vì sự tầm thường của họ.
Đó là vì sao những chuyện nói xấu tồi tệ nhất thường ở trong vòng bạn bè thân, những người nhận tất cả từ người mà họ tấn công, không hối hận, không ngơi nghỉ. Hơn nữa họ biết việc nói xấu ban đầu của họ sẽ nhanh chóng nhân lên gấp bội như chuột, như gián, mỗi người nghe thêm thắt vào đó chuyện kinh dị mới để có một liều lượng làm chết người. Và họ tin sẽ không bao giờ có ai, không có gì có thể xóa bỏ được, kể cả khi bỗng nhiên có những bằng chứng không thể sai được chứng minh là hoàn toàn sai. 
Một thói hư không đáy
Ai cũng biết câu chuyện của Thánh Philiphê Nêri ra việc đền tội cho một bà đi nói xấu: vặt lông con gà rồi đi rải quanh phố, sau đó đi lượm lông lại. Người phụ nữ ngạc nhiên, bà phản ứng lại vì việc đền tội thứ nhì không thể làm được. Bài học của Thánh Nêri: “Vậy thì con ơi, nói xấu cũng như lông gà đã bay theo gió. Lời nói xấu của con đã bay tứ phía; bây giờ con chụp lại nếu có thể…! Vậy thì con ra về và đừng phạm tội nữa.”
Không ai mong muốn mình là đối tượng của việc nói xấu, ngay cả cho kẻ thù ác độc của mình, mình cũng không muốn. Thích nó, trau dồi kỹ lời vu khống, tổ chức các buổi nói xấu liên tiếp, mỗi lần mỗi thêm thắt là một thói hự tật xấu không đáy, còn tệ hơn nhiều với tin đồn cần phải tố cáo. Làm cho lương tâm im tiếng là điều luôn có thể làm được, khi mặc cho mình những cái áo quá rộng của một tòa án khắt nghiệt, khi cưỡi lên những con ngựa chiến không phải là của mình. Vậy phải nên suy nghĩ lại trước khi sủa với những con chó của thời này, mà mỗi người chúng ta nghĩ rằng mình là người nắm giữ điều thiện.
Marta An Nguyễn dịch

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét