Trang

Thứ Năm, 1 tháng 11, 2018

GĐPV : Thầy phó tế và các thừa tác viên ngoại thường đều có thể cho tín hữu rước Máu Thánh.

Giải đáp phụng vụ: Thầy phó tế và các thừa tác viên ngoại thường đều có thể cho tín hữu rước Máu Thánh.
Nguyễn Trọng Đa

 

Giải đáp của Cha Edward McNamara, Dòng Đạo Binh Chúa Kitô (LC), Khoa trưởng Thần học và giáo sư phụng vụ của Đại học Regina Apostolorum (Nữ Vương các Thánh Tông Đồ), Rôma.

Hỏi: Thầy phó tế là thừa tác viên của Chén thánh trong Thánh lễ. Khi có các thửa tác viên ngoại thường cho Rước lễ phục vụ tại một Thánh Lễ, mà trong đó có việc rước lễ dưới hai hình, liệu thầy phó tế vẫn cho người ta rước Máu Thánh, trong khi các thừa tác viên kia cho rước Mình Thánh, đúng không? Hay là thầy phó tế cho rước Mình Thánh còn các thừa tác viên kia cho rước Máu Thánh chăng? Hay là ai thực sự phụ trách việc cho rước hình nào không, thưa cha? - J. S., Mastic Beach, New York, Hoa Kỳ.


Đáp: Các quy định liên quan đến điều bạn hỏi được tìm thấy trong Quy Chế Tổng Quát Sách Lễ Rôma (GIRM):

“161. Nếu chỉ cho rước lễ dưới hình bánh, vị tư tế đưa Mình Thánh lên cao một chút trước mặt mỗi người và nói: "Corpus Christi, Mình Thánh Chúa Kitô". Người rước lễ thưa "Amen", rồi rước lễ, bằng miệng, hoặc, nơi nào cho phép, bằng tay. Sau khi nhận lấy bánh thánh, người rước lễ rước hết ngay.

“Về việc rước lễ dưới hai hình, thì giữ nghi thức mô tả dưới đây (x. các số 284-287).

“180. Ðến vinh tụng ca kết thúc kinh Tạ Ơn, thầy phó tế đứng cạnh vị tư tế, nâng chén thánh lên, đang khi vị tư tế nâng đĩa có Mình Thánh, cho đến khi giáo dân đã tung hô: "Amen".

“182. Sau khi vị tư tế rước lễ, thầy phó tế rước lễ dưới hai hình từ tay ngài, rồi giúp ngài cho giáo dân rước lễ. Nếu giáo dân rước lễ dưới hai hình, chính thầy cầm chén cho rước Máu Thánh, rồi liền đó thầy kính cẩn rước hết tại bàn thờ Máu Thánh còn lại, nều cần có thể nhờ các phó tế khác và linh mục giúp đỡ.

“286. Nếu rước Máu Thánh bằng cách uống chén thánh, người rước lễ sau khi đã chịu Mình Thánh, đi sang thừa tác viên cầm chén và đứng trước mặt. Thừa tác viên nói: “Sanguis Christi, Máu Thánh Chúa Kitô"? người rước đáp: "Amen", và thừa tác viên đưa chén, người rước cầm chén bằng hai tay đưa lên miệng. Người rước uống một chút, trả lại chén cho thừa tác viên rồi lui gót; thừa tác viên dùng khăn lau miệng chén.

“287. Nếu rước chén thánh bằng cách chấm, người rước cầm đĩa dưới miệng, tiến đến vị tư tế cầm chén thánh, và bên cạnh ngài có thừa tác viên cầm bình Mình Thánh. Vị tư tế lấy bánh thánh, nhúng một phần vào chén, rồi đưa cho vừa nói: "Corpus et Sanguis Christi, Mình và Máu Chúa Kitô", người rước nhận lấy bằng miệng, rồi lui gót” (Bản dịch Việt ngữ của Linh mục Phanxicô Xavier Nguyễn Chí Cần, Giáo phận Nha Trang).

Các quy định trên còn được bổ sung với “Norms for the Distribution and Reception of Holy Communion under Both Kinds in the Dioceses of the United States of America, Các quy định cho rước lễ dưới hai hình trong các Giáo phận Hoa Kỳ”.

“39. Mọi người rước lễ theo cách thức được mô tả bởi Quy Chế Tổng Quát Sách Lễ Rôma (GIRM), cho dù là các linh mục đồng tế (xem GIRM, số 159, 242, 243, 246), thầy phó tế (xem GIRM, số 182, 244, 246) hoặc các thửa tác viên ngoại thường cho Rước lễ (xem GIRM, số 284). Phó tế và các thửa tác viên ngoại thường không bao giờ rước lễ theo cách thức của các linh mục đồng tế. Việc thực hành của các thửa tác viên ngoại thường là sẽ rước lễ, sau khi đã cho các người khác rước lễ, là không phù hợp với luật phụng vụ.

“40. Sau khi tất cả các thửa tác viên Thánh Thể rước Lễ, Giám mục hoặc linh mục chủ tế kính cẩn trao Mình Thánh hoặc Máu thánh cho các Phó tế hoặc các thửa tác viên ngoại thường, và các vị này sẽ cho tín hữu rước lễ. Phó tế có thể giúp linh mục trong việc trao Bình Thánh hoặc Bình Máu Thánh cho các thửa tác viên ngoại thường cho rước lễ”.

Các quy định này phản ánh vai trò truyền thống của thầy phó tế như là thừa tác viên của chén thánh, mặc dù vai trò này đã bị xóa bỏ thật sự trong nhiều thế kỷ, mà trong đó việc cho rước lễ dưới hai hình là không tồn tại trong thực hành.

Chúng ta cũng phải chú ý rằng, trong khi các văn kiện như Quy Chế Tổng Quát Sách Lễ Rôma là thực sự luật phụng vụ, chúng thường mang tính mô tả hơn là tính quy định.

Điều này có nghĩa rằng chúng điều chỉnh cách thức một buổi cử hành được thực hiện trong các hoàn cảnh bình thường, nhưng chúng không cố gắng tiên liệu và xác định tất cả các biến thể có thể có, trong mọi trường hợp.

Như vậy, trong trường hợp trên, luật mô tả vai trò bình thường của thầy phó tế, nhưng không xem xét nhu cầu có các thửa tác viên ngoại thường. Điều này có tính hợp lý của nó, bởi vì nếu các quy định đề ra những gì phải làm trong mỗi trường hợp, khi các các thửa tác viên ngoại thường có mặt, thì một cách nào đó, các vị này không còn là ngoại thường nữa.

Như Huấn thị Redemptionis Sacramentum (Bí tích Cứu Độ) nhắc nhở chúng ta:

“[156] Chức vụ này phải được hiểu, theo nghĩa hẹp của nó, có tên gọi là “thừa tác viên ngoại thường cho rước lễ”, chứ không phải “thừa tác viên đặc biệt cho rước lễ”, cũng không phải là “thừa tác viên ngoại thường của Thánh Thể”, hoặc là “thừa tác viên đặc biệt của Thánh Thể”. Quả nhiên, các tên gọi đó có tác dụng nới rộng nghĩa của chức vụ đó, một cách vừa không đúng phép vừa không thích hợp” (Bản dịch Việt Ngữ của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam).

Do đó, ngôn ngữ của Quy Chế Tổng Quát Sách Lễ Rôma, mặc dù nó nhắc lại mối quan hệ đặc biệt của thầy phó tế với thừa tác của chén thánh, không giới hạn thầy vào thừa tác này. Khi hoàn cảnh đòi hỏi, thầy phó tế, như là một thửa tác viên bình thường cho rước lễ, có thể cho rước lễ cả hai hình.

Có một số trường hợp, khi thầy phó tế là thửa tác viên thật sự của chén thánh, chẳng hạn như khi Giám mục cho rước lễ dưới hai hình bằng cách chấm. Điều này là bởi vì đây là một phần thừa tác của thầy: là cùng đi với Giám mục và trợ giúp ngài. (Zenit.org 30-10-2018)


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét