Trang

Thứ Bảy, 24 tháng 11, 2018

Lucetta Scaraffia: “Kitô hữu là tôn giáo cách mạng cho phụ nữ”


86


lavie.fr, Bénédicte Lutaud, 2017-01-10
Trong tác phẩm khảo luận Hàng Cuối của mình, bà Lucetta Scaraffia nêu lên sự cách biệt giữa sứ điệp giải phóng phụ nữ của kitô giáo ngay từ thời đầu và thái độ của Giáo hội đối với phụ nữ.
Bà Lucetta Scaraffia được cho là “người bênh vực cho nữ quyền ở Vatican”, bà là nhà báo, là sử gia, cách đây bốn năm, bà thành lập phụ trương phụ nữ “Phụ nữ, Giáo hội, Thế giới, Donne Chiesa Mondo” của báo L’Osservatore Romano. Bà là một trong các phụ nữ hiếm hoi được trình bày trước các giám mục và Đức Giáo hoàng trong lần họp thượng hội đồng về gia đình tháng 10 năm 2015. Thất vọng sau kinh nghiệm này, bà xuất bản quyển Hàng cuối. Các phụ nữ và Giáo hội(Du dernier rang. Les femmes et l’Église, nxb. Salvator), trong đó bà nêu lên nghịch lý: kitô giáo, ngay từ thời ban đầu đã làm cho phụ nữ được giải phóng, nhưng qua bao nhiêu thế kỷ, Giáo hội theo tôn ti thứ trật đã không ngừng đặt họ ra ngoài lề.
Trong quyển sách của bà, bà viết, Giáo hội phải hiểu sự mở ra cho phụ nữ chỉ là “hoàn tựu những gì đã có từ nguồn gốc, của sứ điệp Phúc Âm”.
Kitô giáo được ra đời như một tôn giáo cách mạng cho phụ nữ. Chúa Giêsu đối xử với họ đặc biệt khác với người đương thời của Ngài. Ngài xem họ là những người có thể hiểu hết và giao phó cho họ các sứ điệp quan trọng. Thay vì kết án một phụ nữ là có tội (người đàn bà làm điếm, người phụ nữ Samaritanô), ngài thấy cách đối xử của họ do một thôi thúc “khao khát tình yêu”. Đối với tín hữu kitô, phụ nữ ngang hàng với đàn ông ở điểm phụ nữ có thể có cùng “sự nghiệp” thiêng liêng như đàn ông: là thánh! Trong trọn lịch sử của Giáo hội, các nữ thánh góp phần xây dựng truyền thống kitô. Trong hôn nhân cũng vậy, họ có cùng các quyền, các bổn phận được giao cho đàn ông cũng như cho đàn bà. Mới đầu, sự bất khả phân ly của hôn nhân là để bảo vệ người phụ nữ khỏi bị ruồng bỏ nếu họ bị vô sinh. Các bà vợ được xem như những con người, cũng như người chồng, chứ không phải là bộ máy sinh con.
Có sự đọc lại Sách Thánh trong những năm gần đây, qua công việc của nhiều nữ thần học gia, nhất là sau Công đồng Vatican II…
Một vài phụ nữ đã làm công việc này trước đó: bà Adrienne von Speyr hoặc nữ thánh Edith Stein chẳng hạn. Nhưng cũng nhất là Thánh Têrêxa Avila, nhà chú giải lớn của kitô giáo và Thánh Catơrina Siêna, tiến sĩ Giáo hội. Nhưng đó cũng là ngoại lệ! Sau Công đồng Vatican II, đây cũng là cuộc cách mạng văn hóa đích thực trong Giáo hội: con số các nữ thần học gia và các nhà chú giải đọc lại Sách Thánh và hiểu Chúa Giêsu đã có một tương quan đặc biệt và trước thời của mình với phụ nữ. Chúng ta có thể kể đến bà Anne-Marie Pelletier (bà viết lời nói đầu cho quyển sách của sử gia Lucetta Scaraffia), bà Hanna-Barbara Gerl-Falkovitz người Đức hay nữ sử gia người Ý Gabriella Zarri. Dù vậy các tác phẩm của họ không bao giờ được trích ra trong các quy tắc của các nghiên cứu trong các chủng viện, các phân khoa thần học, vv.). Người ta còn e ngại các nghiên cứu chỉ để dành phục hồi quyền, trong khi nó phục vụ cho toàn Giáo hội.
Sau thượng hội đồng gia đình, bà đăng một bài xã luận trên báo Thế giới (Le Monde), bà giải thích bà cảm thấy mình “không tồn tại”.
Tôi không nghĩ là chúng ta đi đến điểm đó. Nhưng tôi rất thất vọng. Tôi là giáo sư của Hội đồng Quốc gia luân sinh lý từ tám năm nay, và người ta không bao giờ đối xử với tôi như vậy! Các giám mục không nhìn tôi. Nếu ở buổi họp tôi nói được ba phút, thì trong nhóm làm việc của tôi, tôi không được quyền nói cũng không được quyền bỏ phiếu. Tôi đã phải đấm bàn: “Tôi phải nói!” Vì tôi là giáo sư, vì tóc tôi đã bạc, nên người ta nhường tôi. Khi đến lúc phải quyết định cho tương lai phụ nữ, họ không bao giờ nghĩ đến phụ nữ, trong khi phụ nữ chiếm hai phần ba sĩ số các dòng!
Bà giải thích chuyện này trong quyển sách của mình: vậy mà cơn khủng hoảng gia đình liên quan trực tiếp đến phụ nữ.
Cơn khủng hoảng gia đình có là do phụ nữ được giải phóng. Trong thượng hội đồng, cũng như trong Tông huấn Niềm vui Yêu thương hậu thượng hội đồng của Đức Phanxicô, gia đình được đề cập đến như một cái gì trừu tượng. Người ta không nói đến sự thay đổi trong tương quan giữa đàn ông và đàn bà. Trước đây, gia đình được xây dựng trên sự hy sinh của phụ nữ. Bây giờ họ không thể chịu đựng được hy sinh. Thế thăng bằng đã thay đổi. Rất nhiều gia đình chỉ có một phụ nữ và một em bé. Vậy mà trong số các cặp được mời đến tham dự thượng hội đồng, chỉ có các cặp “bình thường”, những cặp “hoàn toàn”. Giáo hội phải giải thích sự thay đổi này. Không nói gì mặc nhiên ngầm hiểu phụ nữ phải tiếp tục hy sinh. Các ông phải học, không được để tất cả gánh nặng gia đình trên vai phụ nữ. 
Giáo hội đã không biết phản ứng trước sự giải phóng phụ nữ và cách mạng tình dục?
Trong cách mạng tình dục cũng có các khía cạnh tích cực, bắt đầu với việc nâng giá trị của lạc thú. Nhưng Giáo hội đã để cho mình bị ảnh hưởng bởi chủ nghĩa nữ quyền, mà không có một độ lùi để phê phán, Giáo hội vứt bỏ toàn bộ cách mạng tình dục này. Giáo hội không biết dựa trên kho tàng minh triết của tổ tiên về các các mối quan hệ của con người, kể cả vấn đề khiêu dâm.
Bà nghĩ gì về lời kêu gọi gần đây của Đức Phanxicô đào sâu “thần học phụ nữ” và ủy ban nghiên cứu về phụ nữ làm phó tế của ngài?
Đức Phanxicô mời chúng ta suy nghĩ lại, nên có một cái nhìn chú tâm đến phụ nữ trong trọn truyền thống kitô giáo. Các nữ thần học gia đẩy mạnh việc khởi đi từ sách Sáng Thế: Thiên Chúa tạo dựng người đàn ông và người đàn bà theo hình ảnh của Ngài. Điểm này có nghĩa Thiên Chúa vừa là nam vừa là nữ! Các Tổ phụ Giáo hội cũng đã nêu lên phụ nữ tính của Thiên Chúa được diễn giải bởi Thần Khí… Các nhà chú giải mời gọi nhấn mạnh đến tầm quan trọng của phụ nữ trong Phúc Âm, như Thánh Marta, người phụ nữ Samaritanô hay Thánh Maria-Mađalêna. Còn về chức phó tế của phụ nữ, tôi nghĩ quan trọng là ngài mở ra một con đường để thảo luận, nhưng người ta sẽ không để ngài đi đến cùng. Dù sao, Đức Giáo hoàng cũng tìm cách mở một con đường. Ngài nói những điều rất dụng ý, để phụ nữ có thể dựa vào đó.
Đức Hồng y Quốc Vụ Khanh Parolin gần đây đã khẳng định, nếu chúng ta không nghe tiếng nói của phụ nữ trong những thời điểm lấy quyết định lớn của Giáo hội thì chúng ta sẽ đánh mất các đóng góp cần thiết. Điều này đánh dấu một ý thức mới?
Tôi nghĩ, thật sự đây là một lời tuyên bố rất quan trọng. Cho đến bây giờ: dù Đức Phanxicô đã có những lời nói rõ ràng để chống lại việc gạt phụ nữ ra ngoài lề Giáo hội, nhưng người ta đã để điểm trọng tâm ra ngoài: sự việc các thứ bậc trong giáo hội gần như hoàn toàn không quan tâm đến tiếng nói của phụ nữ. Như thử họ không có khả năng suy nghĩ sáng suốt cho đời sống Giáo hội. Nhưng tôi nghĩ, chính phụ nữ mới can thiệp và mới đưa ra các đề xuất. Sẽ rắc rối hơn cho một cải cách đi từ trên xuống. Nếu con số phụ nữ trong Giáo hội không chấp nhận để tình trạng này bị lên thang thì họ sẽ đòi hỏi hơn và lúc đó tình hình có thể thay đổi.
Marta An Nguyễn dịch
http://phanxico.vn/2018/04/02/lucetta-scaraffia-kito-huu-la-ton-giao-cach-mang-cho-phu-nu/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét