Trang

Thứ Bảy, 5 tháng 1, 2019

Lễ Hiển Linh: Đại lễ “truyền giáo” nhất trong mọi đại lễ

Lễ Hiển Linh: Đại lễ “truyền giáo” nhất trong mọi đại lễ

 
Đại lễ Hiển Linh là đại lễ “truyền giáo” nhất trong tất cả các đại lễ của năm phụng vụ. Trong bài đọc thứ hai của ngày đại lễ này, Thánh Phaolô nói với chúng ta rằng Đức Chúa Cha có một kế hoạch (Thánh Phaolô gọi là ‘mầu nhiệm’) đã được lập từ muôn đời. Kế hoạch của Thiên Chúa là tạo cho mình một Gia đình bao gồm và ôm giữ trong vòng tay yêu thương của Người tất cả các dân tộc trên thế giới thuộc mọi thời đại.
 
Kế hoạch vĩ đại này đã được thể hiện một cách hoàn hảo nơi Chúa Giêsu, Con Thiên Chúa. Chúa Giêsu là nhà truyền giáo thượng hạng: Đức Chúa Cha đã sai Người đến trần gian để khởi động kế hoạch cứu độ phổ quát của mình. Kế hoạch ấn tượng này thật vĩ đại, thật phổ quát, thật hoành tráng khiến Chúa Giêsu Kitô ngay từ đầu đã quyết định phải cần vô số các nhà truyền giáo khác. Theo lời của Thánh Phaolô trong bài đọc thứ hai, các nhà truyền giáo phải trợ giúp Chúa Giê-su trong việc phân phát ân sủng của Thiên Chúa.
 
Thánh Phaolô chỉ là một trong số nhiều người được giao cho nhiệm vụ phân phát ân sủng của Thiên Chúa. Tất cả chúng ta, theo ý Đức Chúa Cha, phải coi mình là những nhà truyền giáo, tức là những người được sai đi để thực hiện việc phân phát ân sủng của Thiên Chúa, được sai đến với tất cả mọi người ở mọi nơi để chia sẻ với người khác ân sủng của Thiên Chúa và do đó để thực hiện kế hoạch vĩ đại của Thiên Chúa.
 
Trong ngày Đại lễ Hiển Linh, chúng ta dừng lại và suy ngẫm về khởi đầu của việc thực hiện kế hoạch vĩ đại của Đức Chúa Cha: các đạo sĩ đại diện cho tất cả các dân tộc trên trái đất ở mọi thời đại là đối tượng mà Chúa Giêsu được mạc khải. Chúa Giêsu đã đến để cứu độ tất cả những dân tộc đó.
 
Khi mô tả kế hoạch của Đức Chúa Cha, Thánh Phaolô nhắc nhở chúng ta một cách nhẹ nhàng, nhưng mạnh mẽ, phải khắc phục mặc cảm tự tôn bẩm sinh và phải tích cực rao giảng Tin Mừng để tất cả những người mà chúng ta được sai đến cũng có thể nhận ra rằng họ được trở nên đồng thừa tự và đồng thông phần với lời hứa của Người trong Chúa Giêsu Kitô.



Chúng ta có thể nói rằng kế hoạch của Thiên Chúa có hai chiều: chiều ngang và chiều dọc. Chiều dọc là chuyển động Thiên Chúa đến với chúng ta; chiều ngang là chuyển động chúng ta đến với người khác.

Đầu tiên là chiều dọc: Đức Chúa Cha đến với chúng ta trong Con của Người là Chúa Giêsu, Thiên Chúa làm người. Và cùng với Chúa Giêsu, tất cả các loại hồng ân của Thiên Chúa được đổ tràn lên chúng ta. Hồng ân đầu tiên là Chúa Thánh Thần, nơi Người chúng ta được nhận làm con của Thiên Chúa, làm thành viên của Gia đình Thánh và được hưởng hạnh phúc vĩnh cửu. Với Chúa Thánh Thần, chúng ta cũng nhận được dòng chảy ân sủng qua các Bí tích phục vụ cho từng nhu cầu thiêng liêng của chúng ta qua các giai đoạn khác nhau của cuộc đời. Qua Chúa Thánh Thần, chúng ta cũng nhận được Thánh Kinh và nhiều hồng ân khác: ơn tha thứ tội lỗi, những ân huệ Chúa ban, những sự an ủi, ánh sáng, hướng dẫn, những cảm hứng, sức chịu đựng, lòng quyết tâm, ý chí và nhiều tiện nghi cần thiết trong hành trình cuộc sống.

 

Bây giờ, khi nhận ra những hồng ân của Thiên Chúa dành cho chúng ta vô cùng phong phú, chuyển động thứ hai bắt đầu: chúng ta đến với những người xa gần khác để chia sẻ với họ ân sủng của Thiên Chúa: theo lời của Thánh Phaolô, chúng ta thực hiện việc phân phát ân sủng của Thiên Chúa
 
Chuyển động Thiên Chúa đến với chúng ta phải tác động đến chúng ta một cách sâu sắc và lâu dài khiến chúng ta hoàn toàn tràn ngập lòng biết ơn và cảm thấy bắt buộc một cách không thể cưỡng lại phải trở thành những nhà truyền giáo và thực hiện nhiệm vụ phân phát ân sủng của Thiên Chúa.
 
Tuy nhiên, giữa chuyển động dọc và chuyển động ngang, chúng ta vẫn có quyền tự do lựa chọn: như các đạo sĩ, chúng ta có thể dâng lên Chúa Giêsu lòng tôn kính: dâng hiến bản thân một cách hào phóng, toàn diện và liên lỉ cho thánh ý của Đức Chúa Cha, một tiếng “Xin Vâng” rộng lượng, toàn diện, liên lỉ cho thánh ý của Thiên Chúa kích hoạt một sự hoán cải hàng ngày. Hoặc, như Hêrôđê, chúng ta có thể cảm thấy “vô cùng bối rối” và từ chối Chúa Giêsu, hồng ân của Thiên Chúa. Phản ứng sai lầm này chỉ có thể tạo ra bóng tối, sợ hãi, cảm giác muốn giết người, cái chết và thậm chí tự hủy diệt.

Trong ngày Đại lễ truyền giáo Hiển Linh, chúng ta hãy tỏ lòng tôn kính đối với Chúa Giêsu như các đạo sĩ. Chúng ta sẽ không dâng cho Người vàng, nhũ hương và một dược, nhưng chúng ta dâng lên Người lòng biết ơn của chúng ta vì hồng ân của Thiên Chúa, và dâng hiến bản thân cho thánh ý của Người, dâng lên Người niềm vui của chúng ta vì ân sủng của Thiên Chúa và dâng lên Người sự dấn thân chia sẻ với mọi người gần xa ân sủng của Thiên Chúa.



Có thể chúng ta sẽ thắc mắc có thể làm người phân phát ân sủng của Thiên Chúa bằng cách nào, có thể dùng cuộc sống để rao giảng Tin Mừng bằng cách nào, có thể làm những nhà truyền giáo bằng cách nào. À, có một danh sách nhỏ những cách chúng ta có thể sử dụng để thực hiện chuyển động ngang của mình. Tuỳ theo tình trạng sức khỏe, địa vị, tuổi tác, chúng ta có thể dành cho người khác thời gian sẵn có của mình, chúng ta có thể dành cho họ sự đồng hành, sự thoải mái, sự đảm bảo cầu nguyện, động viên, khuyến khích, tình yêu chân thành, thậm chí kỷ luật, một tấm gương về liêm chính, một tấm gương về việc dung cảm chịu đựng trong những điều kiện bất lợi. Hơn nữa, chúng ta có thể và cần nói chuyện với những người không phải là Kitô hữu về Chúa Giêsu, về hồng ân lớn lao của Thiên Chúa và về vẻ đẹp của đức tin Công giáo của chúng ta, khuyến khích họ tin vào Chúa Giêsu. Cuối cùng, chúng ta có thể cổ vũ cho ơn gọi truyền giáo trong gia đình và giáo xứ. Ngày nay Chúa cần nhiều nhà truyền giáo hơn bao giờ hết để ân sủng và ơn cứu độ của Người có thể đến với tất cả những ai chưa biết đến Người.



Chúng ta đừng ngồi ở nhà, nghĩa là, đừng tự giới hạn trong công việc hàng ngày mà hãy ra ngoài, hãy tiếp cận với người khác để đưa Chúa Giêsu đến với họ. Chúng ta cũng hãy đi, như các đạo sĩ, và bắt đầu cuộc hành trình đưa chúng ta đến những đất nước xa xôi, nơi nhiều người vẫn đang chờ đợi ánh sáng của Tin Mừng.
 
Tác giả: Lm. Dino Vanin, PIME

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét