Gợi ý mục vụ năm 2019 - Bài 2: Gia đình là nơi đồng hành đầu tiên
Gia đình là nơi ta được đồng hành đầu tiên
Trong thực tế chúng ta rất thường nghĩ rằng các giám mục, linh mục hay tu sĩ mới là người làm nhiệm vụ Đồng hành với con người. Thực ra, không phải như vậy, vì nơi chốn đầu tiên ta được đồng hành là gia đình. Chính mẹ hay cha, và đôi khi là ông/bà, là người đầu tiên đã nắm tay dẫn đưa ta đến nhà thờ dự lễ, dạy ta biết yêu kính Chúa, biết Hội thánh, biết đức tin cho ánh sáng soi dẫn bước chân ta đi vào cuộc đời.
Đức Thánh cha Phanxicô nói:
“Gia đình không thể khước từ mình chính là nơi nâng đỡ, đồng hành, hướng dẫn con cái, cho dù cần phải tái tạo lại các phương pháp và tìmcho ra các nguồn lực mới. Cha mẹ cần phải dự tính xem mình muốn trao cho con cái những gì”[1].
Tình yêu thương được trao ban và lớn lên trong gia đình, đó là môi sinh tự nhiên cho đức tin được thông truyền và củng cố.
“Cha mẹ muốn đồng hành đức tin với con cái mình thì cần chú ý đến những biến chuyển của chúng, vì họ biết kinh nghiệm tâm linh không thể áp đặt nhưng được đề nghị trong tự do”[2]. Nếu không có sự đồng hành tự nhiên để cho tình thương yêu triển nở mỗi ngày, ngay cả giữa hai vợ chồng, “cuộcsống gia đình chúng ta sẽ không còn là một nơi của cảm thông, đồng hành và khích lệ thay vào đó sẽ là một nơi thường xuyên căng thẳng và công phạt lẫn nhau”[3].
Đồng hành với gia đình qua các gia đình
Với đức Thánh cha chúng ta xác tín rằng gia đình chính là chủ thể của việc loan báo Tin mừng trong mục vụ gia đình[4]. Cụ thể, điều đó có nghĩa là chúng ta phải nhờ gia đình để đồng hành với các gia đình khác. Đó chính là ơn gọi truyền giáo của gia đình kitô hữu[5], được Chúa kêu gọi đi ra để đồng hành trong đức tin và cuộc sống với những người sống quanh họ qua sự gần gũi giúp đỡ hầu cuộc sống gia đình họ phong phú ngập tràn hiện diện của Thiên Chúa. Không có bước đầu tiên này, mục vụ đồng hành chỉ còn là lí thuyết thiếu sự nâng đỡ thiết yếu từ phía cộng đoàn Hội thánh cụ thể.
Nhiều gia đình đã nhận ra sứ mạng này Thiên Chúa đã trao phó cho họ. Thế nhưng, Giáo hội địa phương vẫn còn chưa sử dụng đến mạng lưới các gia đình cho đủ khi đối diện với nhiệm vụ đồng hành này. Hơn nữa, cần thiết phải có một sự huấn luyện thích hợp đối với các gia đình chủ thể truyền giáo này để phát huy hữu hiệu và có trách nhiệm. Một điều rất ý nghĩa và quan trọng là các gia đình này sống trong cùng một khu vực cần liên kết với nhau thành cộng đoàn nhỏ, như các liên gia trong các giáo khu của giáo xứ, theo mô hình các Cộng đoàn Giáo hội Cơ bản (CĐGHCB). Bởi lẽ Hội thánh là sự Hiệp thông của các cộng đoàn được thể hiện sẽ là chứng từ và lời loan báo Tin mừng có sức thuyết phục nhất.
Trong tình hiệp thông Hội thánh mà gia đình được hít thở thường xuyên trong cộng đoàn giáo xứ qua sự đồng hành với các Cộng đoàn nhỏ, các khó khăn, thách đố, và cả các thương tích trong gia đình dần dần được chữa lành vì có Đức Kitô là Đầu và là Lương y thần linh hiện diện ở trung tâm. Hội thánh Chúa Kitô là một “nơi gặp gỡ ưu việt” giữa Thiên Chúa và dân mới của Người. Hội thánh là “bí tích của sự kết hợp thâm sâu con người với Thiên Chúa”. Hội thánh cũng là “bí tích của sự hiệp nhất nhân loại”. “Hiệp thông và sứ vụ kết hợp với nhau không thể tách biệt, chúng thâm nhập và bao hàm lẫn nhau”. Hiệp thông “vừa là nguồn mạch vừa là kết quả của sứ vụ”. “Hiệp thông phát sinh sứ vụ và sứ vụ được hoàn thành nơi Hiệp thông”[6]. Sự hiệp thông này thường xuyên được sống trong các cộng đoàn tín hữu địa phương. “Hội thánh Đức Kitô thật sự hiện diện trong mọi cộng đoàn tín hữu địa phương hợp pháp, là những cộng đoàn luôn gắn bó với các mục tử của mình, và Tân ước cũng gọi đó là các Gáo hội”[7].
Đó là ý nghĩa của một hiện diện mới mẻ của Hội thánh tại Á châu ngày nay.
Hội thánh chính là sự Hiệp thông của các Cộng đoàn nhỏ, đồng hành với gia đình và cùng với gia đình loan báo Tin mừng “trong gia đình” và đi ra loan báo Tin mừng cho các gia đình khác.
Câu hỏi gợi ý suy tư và thảo luận
1. Bạn hãy chia sẻ và kể kinh nghiệm đầu đời của bạn về Hội thánh và về Chúa của đức tin của bạn.
2. Những tổn thương nào thường xảy ra do các thành viên trong gia đình (ông bà cha mẹ, chồng vợ, con cái, anh em chị em…) vô tình hay hữu ý gây ra cho nhau? Bạn chia sẻ các thương tích ấy có được quan tâm chăm sóc và chữa lành trong gia đình mình hay không? Và trong đại gia đình ? trong cộng đồng Giáo hội nhỏ thân tình (liên gia) của bạn chẳng hạn?
3. Cộng đoàn Giáo hội nhỏ hay liên gia của bạn có Chúa Giêsu với Lời của Người làm trung tâm trong khi đồng hành với các gia đình và với nhau hay chưa?
4. Tính sứ vụ và hiệp thông với Hội thánh hoàn cầu và Hội thánh địa phương trong đời sống gia đình và cộng đoàn nhỏ liên gia của bạn thể hiện thế nào?
Ủy ban Mục vụ Gia đình
[1] ĐGH Phanxicô, Tông huấn Amoris laetitia (AL) 260.
[2] AL 288.
[3] AL 108.
[4] Cf. AL 200.
[5] Cf. AL 208, 230, 289.
[6] Gioan-Phaolô II, Ecclesia in Asia (EA) 24.
[7] LG 26.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét