Amazon, Đức Phanxicô lật đổ các bàn
religion-gaulmyn.blogs.la-croix.com, Isabelle de Gaulmyn, 2019-10-04
Suốt mùa hè năm nay, vùng Amazon chiếm tất cả các màn hình, các hình ảnh cháy rừng ở đây làm cả thế giới rúng động lo ngại, đến mức các nguyên thủ quốc gia cũng phải tự đặt mình vào tình cảm chung. Từ chúa nhật này, 6 tháng 10, vùng Amazon ở Rôma trong vòng ba tuần được Đức Phanxicô mời các nhà lãnh đạo công giáo trong khu vực về Rôma họp Thượng Hội đồng. Có phải đây là một cách đến lượt mình “Tòa Thánh” cảnh báo các cây số vuông bị cháy ra tro này không? Không. Bằng một trong các trực giác mà chỉ có ngài nắm giữ bí mật, Đức Phanxicô không muốn khơi dậy sự thương hại hay tình cảm. Ngài đi xa hơn nhiều, ngài không tìm kiếm gì hơn là lật đổ các bàn. Không phải bằng cách thu hút sự chú ý về vùng Amazon. Nhưng đặt vùng Amazon vào trọng tâm thế giới.
Một cuộc cách mạng cô-péc-ních đối với Giáo hội la-mã.
Ở Rôma, một số giám chức tức tối phẫn nộ, họ càu nhàu cho rằng chúng ta sẽ thấy tất cả mọi thứ trong vương quốc Giáo hoàng Phanxicô. Vì đây là cuộc cách mạng gần như có tính cách cô-péc-ních (trái đất quay chung quanh mặt trời) trong Giáo hội la-mã, một Giáo hội từ nhiều thế kỷ nay xây dựng trên ý tưởng cho rằng “kitô giáo hoàn tựu” chỉ đến từ châu Âu, với di sản, với sách vở, với thần học và Truyền thống của nó. Từa tựa như các bản đồ thế giới theo kiểu thế giới thứ ba của những năm 1980 treo trên tường ở các trường trung học, ở các văn phòng tuyên úy và lật ngược các quan điểm, đặt vào trọng tâm các vùng xa xôi mà từ hồi nào đến bây giờ chúng ta hạ cố nhìn. Trớ trêu cho lịch sử: ba trăm năm sau Matteo Ricci và vụ cãi cọ về nghi thức qua đó giáo hoàng Clément XI đã cấm linh mục Dòng Tên người Ý Matteo Ricci không được thích nghi đạo công giáo với văn hóa Trung hoa, thì một tu sĩ Dòng Tên khác lên làm giáo hoàng đã muốn Giáo hội sống theo thời đại của vùng Amazon. Một trong các thách thức là làm sao để đạo công giáo thích ứng với các đặc nét của một vùng đất xa xôi, nơi ngày nay các linh mục rất hiếm, các cộng đoàn kitô bị bỏ rơi. Nơi mà các nhà buôn với lợi nhuận dễ dàng và các mục sư giáo phái phúc âm dần dần thay thế các giáo xứ công giáo trong vùng.
Một dân tộc nạn nhân của nạn bóc lột, tàn sát và diệt chủng
Nhưng đây không phải chỉ là về nghi thức hay tổ chức nội bộ Giáo hội. Cuộc họp ở Rôma đã được chuẩn bị bằng các nghiên cứu cật lực về vùng đất này: hàng trăm cuộc họp trong khu vực rộng mênh mông 7 triệu cây số vuông được tổ chức cùng với người dân. Và họ đến Rôma tham dự với chủ đích tiếng nói của mình được nói lên. Chúng ta phải lắng nghe những lời của các ông, các bà, các nạn nhân đã trong hàng thế kỷ bị bóc lột, bị tàn sát, bị diệt chủng. Trong số các ông, các bà ở trên vùng sông Amazon và các nhánh phụ cận vẫn bị xem là các người công dân cuối cùng, họ bị khinh miệt, bị khai thác bởi các lâm tặc, các chủ chăn nuôi, chủ trang trại hay các công ty khai thác mỏ.
Vì dưới rừng cây này là một dân tộc. Vùng Amazon không phải chỉ là lá phổi của hành tinh. Chúng ta gần như đã quên vùng này, mùa hè vừa qua chúng ta mới tập trung nhìn vì nguồn dự trữ oxy của chúng ta bay thành mây khói. Rừng bị cháy là dấu hiệu của một hệ thống không công bằng sâu đậm, đưa một phần dân chúng vào cảnh khốn khổ cùng cực để đòi lại đất của họ. Tất cả đều kết nối với nhau: việc khai thác rừng, nhưng cũng là khai thác con người, bị kìm hãm đến tận trong trí tưởng tượng tâm linh của họ. Chúng ta sẽ không dập tắt các đám cháy khổng lồ này bằng máy bay xịt nước nhưng bằng tái xây dựng một hệ thống sinh thái từ người Bản địa. Các dân tộc bản địa mà Đức Giáo hoàng có can đảm nghĩ không những họ là tương lai của Giáo hội mà còn rộng hơn, tương lai của hành tinh chúng ta.
Bà Isabelle de Gaulmyn là tổng biên tập báo La Croix. Từ lâu bà chịu trách nhiệm về mục Thông tin tôn giáo của tờ báo và là đặc phái viên thường trực của báo La Croix ở Vatican, bà là tác giả quyển sách “Bênêđictô XVI, giáo hoàng bị hiểu lầm” (Benoît XVI, le pape incompris, Bayard Culture, 2008), “Phanxicô, một giáo hoàng cho tất cả” (François, un pape pour tous, nxb. Editions du Seuil, 2014) và quyển “Lịch sử của một thinh lặng” (Histoire d’un silence, nxb. Editions du Seuil, 2016).
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét