Chúng ta đã nghe nhiều đóng góp của các tham dự viên Thượng Hội Đồng Amazon mà phần lớn là người thuộc chính vùng này. Nhưng trong số các tham dự viên, có hai vị không thuộc vùng này, tuy nhiên các vị đã tham dự trong tư cách được chính Đức Giáo Hoàng Phanxicô bổ nhiệm và một trong hai vị còn là thành viên của Ủy Ban Soạn Thảo Tài Liệu Sau Cùng của Thượng Hội Đồng.

Hai vị đó là Đức Hồng Y Christoph Schönborn của Vienna và Đức Hồng Y Oswald Gracias của Ấn Độ.


Đức Hồng Y Schönborn

Đức Hồng Y Christoph Schönborn của Vienna là thành viên của Ủy Ban Soạn Thảo Tài Liệu Sau Cùng của Thượng Hội Đồng Giám Mục về Vùng Amazon. Ngài nói với Đài Phát Thanh Vatican về việc lên tiếng của ngài tại Thượng Hội Đồng và suy nghĩ của ngài đối với các hình thức thừa tác vụ mới.

Đức Giáo Hoàng Phanxicô, tuần này đã bổ nhiệm bốn thành viên cho nhóm chịu trách nhiệm soạn thảo tài liệu cuối cùng của Thượng Hội Đồng Amazon. Một trong các vị đó là Đức Hồng Y Christoph Schönborn của Vienna.

Ủy ban soạn thảo hiện đang họp để tập hợp thành một tài liệu các khuyến nghị của các nhóm làm việc nhỏ từ các cuộc thảo luận của họ tại Thượng Hội Đồng.

Tài liệu cuối cùng của Thượng hội đồng sau đó sẽ được bỏ phiếu vào ngày áp chót của cuộc tụ họp. Sau đó, nó sẽ được đệ trình lên Đức Giáo Hoàng Phanxicô để ngài tùy nghi hoặc sử dụng hoặc không sử dụng trong việc viết tông huấn hậu Thượng Hội Đồng.

Ký giả Linda Bordoni đã hỏi Đức Hồng Y về các thách đố của việc kết hợp rất nhiều giọng nói khác nhau đến thế vào một trình thuật gắn bó.

Đức Hồng Y Schönborn mô tả trách nhiệm của mình, trong tư cách một thành phần của ủy ban soạn thảo, như một thách đố nhưng bày tỏ sự tin tưởng rằng trong thực tế, các đề nghị phát xuất từ các nhóm ngôn ngữ khác nhau thực sự không quá đa dạng.

Ngài nói, “một số câu hỏi và đề nghị rất giống nhau ở hầu hết các nhóm”.

Về công việc thực sự soạn thảo tài liệu, Đức Hồng Y cho biết chủ yếu được thực hiện bởi vị Tổng tường trình viên – Đức Hồng Y Hummes và hai đồng nghiệp của ngài - và giải thích rằng trong tư cách ủy ban soạn thảo, “chúng tôi sẽ phải duyệt lại bản thảo đầu tiên mà chúng tôi sẽ nhận được vào chiều thứ Bảy, sửa đổi nó, đưa ra các đề nghị của chúng tôi, và sau đó bản văn đã sửa đổi sẽ được đem ra thảo luận trong các nhóm ngôn ngữ”.

Ngài nói rằng các nhóm sau đó đưa ra các đề nghị sẽ được ủy ban soạn thảo tổng hợp, và cuối cùng, bản dự thảo cuối cùng sẽ được đệ trình lên Phiên họp toàn thể, được thảo luận và sau đó được sửa đổi nữa. Bước cuối cùng diễn ra vào thứ Bảy sau đó với một cuộc bỏ phiếu cuối cùng về các đề nghị trong bản văn.

Vai trò ‘lắng nghe’

Về sự can thiệp của chính ngài ở Hội trường Thượng hội đồng, Đức Hồng Y nói rằng ngài đã không đưa ra đề nghị “vì tôi ở đây với tư cách là một trong số ít người châu Âu trong Thượng hội đồng, và tôi nghĩ vai trò của chúng tôi chủ yếu là lắng nghe”.

Vì vậy, ngài nghĩ rằng tốt nhất là đặt câu hỏi và không đưa ra các đề nghị.

“Câu hỏi đầu tiên của tôi là: ‘Sự kiện 60% dân số Kitô giáo ở vùng Amazon ít nhiều theo phái Ngũ Tuần có nghĩa gì?’ Điều này có ý nghĩa gì đối với chúng ta, Giáo Hội Công Giáo mà rất nhiều người dân của chúng tôi đã rời khỏi Giáo Hội Công Giáo cổ truyền, nó có ý nghĩa gì đối với công việc mục vụ của chúng ta?”

Đức Hồng Y Schönborn nói, câu trả lời từ Thượng Hội Đồng là cần phải có một nền mục vụ không những chỉ viếng thăm - mà còn hiện diện nữa. Nếu những cộng đồng này, vốn phân tán trên cả hàng trăm kilômét trong vùng Amazon, được một linh mục đến thăm mỗi năm một lần, thì theo ngài, đó không phải là nền mục vụ hiện diện.

Ngài nhấn mạnh, “Phái Ngũ tuần hiện diện ở hầu hết các ngôi làng”, vì vậy thách đố không phải chủ yếu là các thừa tác vụ mới mà là sự hiện diện tốt hơn. Và hiện diện có nghĩa là ở tại chỗ, và có nghĩa là người ta sống ở đó”.

Vai trò phụ nữ

Ngài nói tới việc ngài rất có ấn tượng khi lắng nghe các phụ nữ và nghe nói về vai trò có tính quyết định của họ trong các ngôi làng.

Ngài nói, “họ đã làm những gì họ có thể làm và ngay cả những gì thậm chí không phải là một thừa tác vụ đã được thiết lập nhưng họ vẫn đã làm: họ rửa tội, họ chủ trì lễ tang, họ cố gắng chúc lành cho các cuộc hôn nhân”.

Đức Hồng Y Schönborn lưu ý rằng trong Giáo Phận Vienna của ngài, trong những năm qua, ngài đã trao một quyết định về việc chủ trì tang lễ cho phụ nữ. Ngài lưu ý, họ làm việc này trong môi trường Công Giáo truyền thống của Áo, và họ rất được chấp nhận.

Đức Hồng Y nhấn mạnh, một nền mục vụ hiện diện là thách đố chính.

Về các hình thức mới của thừa tác vụ

Điểm thứ hai được Đức Tổng Giám Mục Vienna tập chú liên quan đến mong muốn có các hình thức mục vụ mới, được một số tham dự viên Thượng hội đồng phát biểu.

Ngài nói, “Tôi đã nói lên sự ngạc nhiên của tôi rằng chức phó tế vĩnh viễn không hiện diện nhiều ở vùng Amazon, trong khi ta lại thảo luận nhiều về viri probati”.

Ngài nói, ở Áo họ đã có các viri probati vì Công đồng Vatican thứ hai đã “cho phép chúng tôi được phong chức những người đàn ông đã kết hôn, từng làm chứng tốt bằng đời sống gia đình của họ, hoặc đời sống chuyên nghiệp của họ, bằng đức tin Kitô giáo của họ, để trở thành các phó tế vĩnh viễn”.

Ngài nói, “Vậy, tại sao không bắt đầu với các phó tế viri probati trong các thôn làng? Hãy chuẩn bị họ làm giáo lý viên, làm phó tế, trước khi hỏi liệu họ có thể trở thành linh mục hay không?”

Đức Hồng Y Schönborn đã nhấn mạnh rằng có những giai đoạn cho mọi cuộc phong chức linh mục và giai đoạn đầu tiên là trở thành một phó tế.

Ngài kết luận, đã 50 năm, kể từ Vatican II, người ta đã bắt đầu với các phó tế vĩnh viễn, “vì vậy tôi nghĩ đáng đặt những câu hỏi này!”.


Đức Hồng Y Ấn Độ Oswald Gracias

Đức Hồng Y Ấn Độ Oswald Gracias là một Nghị phụ Thượng hội đồng được Đức Giáo Hoàng Phanxicô bổ nhiệm. Trong một cuộc phỏng vấn với Vatican News, ngài nhìn Thượng hội đồng và các vấn đề của nó theo viễn ảnh Ấn Độ.

Là một nghị phụ, được Đức Giáo Hoàng Phanxicô bổ nhiệm, Đức Hồng Y Gracias là chủ tịch Hội đồng Giám mục Công Giáo Ấn Độ (CBCI), nơi quy tụ các giám mục nghi lễ Latinh của Ấn Độ cũng như hai Giáo hội nghi thức phương Đông - Syro-Malabar và Syro Malankara.

Ngài từng là chủ tịch của Hội đồng Giám mục Công Giáo Ấn Độ (CCBI) theo nghi thức Latinh trong 3 nhiệm kỳ và cũng là cựu chủ tịch của Liên Hội đồng Giám mục Châu Á (FABC).

Lắng nghe những can thiệp khác nhau của Thượng hội đồng cho đến nay, Đức Hồng Y Gracias nói rằng ngài cảm thấy Giáo hội thực sự là một thân thể. Ngài nhận xét rằng châu Á, cũng như Ấn Độ, có những thách đố tương tự như người dân Amazon.

Đức Hồng Y bày tỏ lòng biết ơn của mình đối với Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã đề cử ngài vào Thượng hội đồng vì ngài học hỏi được rất nhiều về những thách đố của người dân Amazon, hơi khác một chút nhưng như nhau về căn bản, như làm cho các giá trị Tin Mừng hiện diện và vươn tay ra với người nghèo ở các khu ngoại vi.

Đam mê đối với người dân

Một khía cạnh khác của Thượng hội đồng khiến Đức Hồng Y ngạc nhiên là sự quan tâm nhiệt tình của các giám mục Amazon dành cho những người nghèo khó đang đau khổ của các ngài. Các giám mục là tiếng nói của những người không có tiếng nói. Các ngài lắng nghe tiếng kêu than của người dân chống lại bạo lực, bóc lột, bất công và quan tâm sâu sắc đến tương lai của họ. Do đó, được hiện diện trong Thượng hội đồng là một kinh nghiệm học tập và là nguồn cảm hứng tốt đối với Đức Hồng Y Gracias.

Bóc lột người bản địa

Theo Đức Hồng Y Gracias, điều xuất hiện mạnh mẽ trong các can thiệp là việc bóc lột người dân bản địa. Ngài nói điều này cũng đang xảy ra ở Ấn Độ.

“Người Adivasis và các người bộ lạc là người bản địa của chúng tôi. Đất của họ đang bị lấy đi. Pháp luật đang được thông qua nhằm tước đoạt những đặc quyền mà họ vốn có”.

Đức Hồng Y 74 tuổi giải thích rằng nhiều người trong số những cư dân nguyên thủy này không có giấy tờ chứng minh thích đáng. Họ không quen với tất cả những điều này nhưng họ đã sống ở vùng đất của họ nhiều thế kỷ qua. “Đùng một cái, có người đến nói với họ rằng họ không có giấy tờ thích hợp, vì vậy đất của họ sẽ bị lấy mất”.

Nạn phá rừng

Đức Hồng Y Gracias nhấn mạnh rằng Ấn Độ cũng có vấn đề phá rừng nhưng ở mức độ thấp hơn ở Amazon nơi nó đang hoành hành. Ở Ấn Độ, các công ty doanh nghiệp đang chiếm đất. Ngài than thở rằng mầu xanh của đất nước đang dần giảm đi.

“May mắn thay, chính phủ đang nói đến sự cần thiết phải chăm sóc khí hậu”, nhưng trên thực tế, các doanh nghiệp đã làm khác hẳn.

Thiếu mục tử

Vấn đề thứ ba xuất hiện tại Thượng hội đồng, là sự thiếu hụt trầm trọng các linh mục ở vùng Amazon. Các tín hữu không có Bí tích Thánh Thể cả sáu tháng hoặc một năm. May mắn thay, đây không phải là tình hình ở Ấn Độ, nhưng sự bóc lột người dân bản địa được cảm nhận rất mạnh mẽ ở Ấn Độ.