Trang

Thứ Bảy, 12 tháng 10, 2019

LỜI KINH CHA MẸ DẠY

Tác giả: 
 Lm Nguyễn Ngọc Thế


LẦN LƯỢT XIN GỞI ĐẾN ANH CHỊ EM VÀ ĐỘC GIẢ CỦA THANHLINH.NET LOẠT BÀI SUY NIỆM KINH LẠY CHA VỚI TỰA ĐỀ "LỜI KINH CHA MẸ DẠY". 
----------------------

LỜI NGỎ

Chập chững bước vào cuộc đời. Trong tình yêu thương của Cha Mẹ, tôi được đưa tới thánh đường giáo xứ để nhận bí tích rửa tội, và được trở nên con cái của Thiên Chúa. Đó là một món quà quý báu của cuộc sống làm người.
Lớn lên trong mái ấm của gia đình, còn gì hơn khi được ẩn náu trong vòng tay êm ấm của Mẹ Cha.
Vòng tay ru con thơ ngủ.
Vòng tay mớm bát cháo thìa cơm.
Vòng tay chở che nâng đỡ.
Vòng tay dạy dỗ bảo ban.

Thật vậy, trong vòng tay của Mẹ Cha, tôi đã học được những bài học thật quý giá. Bài học làm người, bài học làm con cái của Thiên Chúa.
Một trong những bài học tuyệt vời nhất là lời kinh Lạy Cha, mà Mẹ Cha đã dạy.
Vẫn nhớ những buổi tối Cha Mẹ và tất cả con cái trong gia đình ngồi lại trước bàn thờ, và dâng Chúa lời kinh Lạy Cha được “gói” trong tràng chuỗi Mân Côi.
Nhìn lại sao mà đẹp quá vậy.
Cái đẹp của tình Mẹ tình Cha,
cái đẹp của một bầu khí gia đình ấm cúng,
cái đẹp của những giây phút thiêng liêng cầu nguyện trong gia đình.
Và cái đẹp của những lần ngủ gục trong giờ kinh nữa chứ.

Làm sao quên được một buổi tối khi Mẹ cầu nguyện: “Lạy Cha chúng con ở trên trời, chúng con nguyện danh Cha cả sáng, nước Cha trị đến, ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời”.

Cả nhà cần đáp lại: “Xin Cha cho chúng con hôm nay lương thực hằng ngày, và tha nợ chúng con, như chúng con cũng tha cho những người có nợ với chúng con. Xin đừng để chúng con sa chước cám dỗ, nhưng cứu chúng con cho khỏi sự dữ”.

Trớ trêu thay, trong khi mọi người trong gia đình sốt sắng đáp lại, thì thằng bé ngồi bên Mẹ lại ngủ gà ngủ gật. Điều gì xảy ra? Một cái cú Mẹ tặng ban, để cần thức tỉnh, để cần học biết lời kinh Cha Mẹ dạy.

Lời kinh Cha Mẹ dạy là lời kinh hướng về Thiên Chúa là Cha trên trời, để tôn vinh và cầu xin với Ngài, đừng để con cứ ngủ gục nhiều như thế, đừng để con cứ sa chước cám dỗ của thần dữ và của cuộc đời, xin cứu con ra khỏi sự dữ. Xin tha thứ cho con, vì con là kẻ tội lỗi, cũng xin dạy dỗ con và cho con có khả năng và thiện chí biết tha thứ cho anh chị em. Cũng xin cho gia đình con và mọi người trên thế gian, có đủ cơm ăn mỗi ngày. Tất cả xin cho Danh Cha cả sáng, nước tình yêu của Cha được trị đến, và thánh ý cao quý của Cha được thể hiện mọi nơi, cả trên trời cao cũng như dưới đất thấp.

Lời kinh Cha Mẹ dạy cùng với cái cú đầu bảo ban đã đi với tôi trong cuộc đời. Mỗi chặng đường, khi có Cha Mẹ hay không có Cha Mẹ ở bên, lời kinh đó vẫn vang lên.
Giờ đây, Cha Mẹ đã khuất, nhưng lời kinh Cha Mẹ dạy vẫn còn sống trong tôi, cùng “đồng hành với tôi” trên từng chặng đường của đời người, lúc quỳ trong nhà nguyện, khi ngồi trong ghế học viện của nhà Dòng, lúc rảo bước trên phố phường để thăm viếng và phục vụ những anh chị em bất hạnh, khi ngồi chia sẻ với anh chị em trong bầu khí thiêng liêng.

“Lời kinh Cha Mẹ dạy” giờ đây xin được là một tập sách suy niệm về kinh Lạy Cha. Một tập sách nhìn lại những tâm tình thiêng liêng qua những kinh nghiệm trên hành trình làm người, làm con cái và làm tôi tớ của Thiên Chúa. Tập sách suy niệm này cũng được gợi hứng bởi tác phẩm chú giải thiêng liêng về kinh Lạy Cha của Đức Hồng Y Carlo Maria Martini được chuyển dịch qua Pháp ngữ: « Ne méprisez pas la Parole – Đừng khinh miệt Lời ». Ngoài ra, tập sách suy niệm này cũng tham khảo nhiều tác phẩm thiêng liêng và các tác phẩm chú giải Thánh Kinh khác.

Như một nén hương chân thành, xin gởi đến hương hồn Cha Mẹ tập sách suy niệm lời kinh Lạy Cha, “Lời kinh Cha Mẹ dạy”, để cả cuộc đời, xin cố gắng là một người con như lòng Cha Mẹ ao ước; để cả cuộc đời trong ân sủng của Chúa, mỗi ngày xin cố gắng trở nên tôi tớ đẹp lòng Thiên Chúa là Cha trên trời nhiều hơn nữa.

Tất cả xin để vinh danh Chúa hơn.

Kinh Lạy Cha

7 "Khi cầu nguyện, anh em đừng lải nhải như dân ngoại; họ nghĩ rằng: cứ nói nhiều là được nhận lời.8 Đừng bắt chước họ, vì Cha anh em đã biết rõ anh em cần gì, trước khi anh em cầu xin.

9 "Vậy, anh em hãy cầu nguyện như thế này:
"Lạy Cha chúng con là Đấng ngự trên trời,
xin làm cho danh thánh Cha vinh hiển,

10 triều đại Cha mau đến,
ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời.

11 Xin Cha cho chúng con hôm nay lương thực hằng ngày;

12 xin tha tội cho chúng con
như chúng con cũng tha
cho những người có lỗi với chúng con;

13 xin đừng để chúng con sa chước cám dỗ,
nhưng cứu chúng con cho khỏi sự dữ.
(Mt 6, 7-13)
Phần mở đầu:
Vài hàng sơ lược về kinh Lạy Cha.
____________________________________
Kinh Lạy Cha, lời kinh xuyên suốt qua nhiều thời đại.

Xuyên suốt qua các thời đại, kinh Lạy Cha được các Kitô hữu đọc, cầu nguyện, suy niệm và chú giải. Những chú giải cổ xưa nhất hiện vẫn còn được giữ gìn như của Tertulian (+ khoảng 220), chú giải khác của Origine (+ khoảng 254). Cyprian thành Carthage (+ khoảng 258) đã coi kinh Lạy Cha như là “Lời cầu nguyện của Chúa - oratio domenica”[i]. Ngoài ra, Adalbert G. Hamman, với tác phẩm “Le notre père dans l´église ancienne”, đã giới thiệu những bài giảng và những chú giải về kinh Lạy Cha của những giáo phụ khác, như của Grégoire de Nysse (+ khoảng 394), của Cyrille de Jérusalem (+ khoảng 368), của thánh Augustin (+ khoảng 430), của Théodore de Mopsueste (+ khoảng 428), của Maxime le Confesseur (+ khoảng 662). Trong thời trung cổ, kinh Lạy Cha tiếp tục được các tín hữu chú ý tới qua các bài giảng, và được giải thích trong các sách giáo lý. Sách giáo lý tin lành của Luther (xuất bản năm 1529), sách giáo lý công giáo của thánh Canisius (xuất bản năm 1555) cũng như bộ sách giáo lý Rôma - Catechismus Romanus (xuất bản năm 1566) đã nêu bật ba chức năng của kinh Lạy Cha: là lời cầu nguyện nền tảng, là bản tóm lược của đức tin và là những điều luật cho cuộc sống[ii].

Ngoài ra, một số vị thánh khác cũng chú ý tới kinh Lạy Cha, như Thánh Phan-xi-cô thành A-si-si đã viết một lời cầu nguyện tán tụng Thiên Chúa với kinh Lạy Cha, thánh Tê-rê-sa thành A-vi-la thì để lại cho chị em những lời huấn dụ và giải thích kinh Lạy Cha thật sâu sắc trong tác phẩm Le chemin de perfection”. Trong thế kỷ 20 của chúng ta, cũng có rất nhiều chú giải về kinh Lạy Cha, ở đây xin kể đến Bonhöffer, mục sư và là thần học gia người Đức đã bị phát-xít Đức giết trong thế chiến thứ hai, đã viết tác phẩm “Nachfolge”, một cuốn sách thiêng liêng giải thích và suy niệm về bài giảng trên núi rất sâu sắc. Trong đó có một phần giải thích về kinh Lạy Cha. Cũng là một nạn nhân của phát-xít Đức, linh mục dòng Tên Alfred Delp, đã để lại một bài suy niệm sống động về kinh Lạy Cha. Bài suy niệm này được cha Delp viết trong phòng giam ở Berlin, khi tay của cha bị trói bởi dây xích. Bài suy niệm này, và nhiều bài suy niệm khác, cùng với 120 lá thư được Cha Delp truyền ra ngoài một cách bí mật. Ngoài ra, còn có những nghiên cứu và chú giải về kinh Lạy Cha của các nhà Thánh Kinh học, như của Joachim Jeremia với “Abba” (1966), của P. Bonnard chung với J. Dupont và F.Refoulé với “Notre Père qui est aux cieux” (1968). Cũng nên chú ý đến các chú giải Tin Mừng Mát-thêu của Piere Bonnard (1963), của Joachim Gnilka (1986), của Ulrich Luz (phần 1, 1985).... Một số sách chú giải thiêng liêng khác về kinh Lạy Cha trong thời đại chúng ta cũng cần được nhắc tới, như tác phẩmGebet und Wahrheit“ của Romano Guardini (1960), „Glaubensbekenntnis und Vater unser“ của Eugen Biser (1993), „Our Father“ (2002) của Scott Hahn, The Lord´s prayer” (2006) của nhà thánh kinh học Gerald O´ Collin SJ. Đặc biệt, đức hồng y Carlo Maria Martini SJ, một nhà thánh kinh học lỗi lạc có hai tập sách suy niệm rất hữu ích về kinh Lạy Cha: « Le notre Père » (2001), và « Ne méprisez pas la Parole » (2005). Một nhà thần học lớn của thời đại là Josef Ratzinger, Đức Thánh Cha Biển Đức XVI, cũng đã có phần giải thích kinh Lạy Cha rất hay trong tác phẩm « Jesus von Nazareth » (phần 1, 2006). Và sách giáo lý mới của Giáo Hội : « Sách Giáo Lý của Hội Thánh Công Giáo » (bản tiếng Việt, 2009) có phần thứ tư về Kinh nguyện Kitô giáo. Trong phần này có đoạn giải thích kinh Lạy Cha.

Thật vậy, không thể kể hết tất cả các tác giả xuyên suốt qua nhiều thời đại đã giải thích và suy niệm về kinh Lạy Cha. Điều đó chứng tỏ rằng, kinh Lạy Cha, lời cầu nguyện của Chúa, được trân quý và giữ gìn, cầu nguyện và sống động một cách đặc biệt trong hành trình đức tin và thiêng liêng của người Kitô hữu. Ngoài ra, kinh Lạy Cha thường được giải thích dựa trên ba cách thức căn bản: (1) giải thích trong ý nghĩa của tín lý. (2) giải thích trong ý nghĩa luân lý. Gregor von Nyssa là đại diện cho hình thức giải thích này: kinh Lạy Cha không chỉ được hiểu là lời kinh dẫn vào cầu nguyện, mà còn là sự dẫn vào đời sống theo tinh thần của Chúa dạy. Và cuối cùng, (3) kinh lạy Cha cũng được giải thích trong ý nghĩa cánh chung học[iii].

Đó là những hình thức căn bản cho việc giải thích kinh Lạy Cha mà Chúa Giê-su dạy trong môi trường xã hội của người Do-thái. Như vậy, có thể có một sự liên hệ nhất định giữa kinh Lạy Cha với Do-thái giáo hay không?

Kinh Lạy Cha trong bối cảnh của Do-thái giáo.
Trong Do-thái giáo cũng có những lời cầu xin giống như kinh Lạy Cha, đặc biệt là kinh Qaddisch và kinh cầu 18 (Schemone Esre) của các hội đường Do-thái cổ xưa. Gọi là kinh cầu 18, vì trong kinh này có 18 lời cầu xin chúc lành[iv]. Vì có những sự tương hợp này, nên một số học giả người Do-thái coi kinh Lạy Cha có nguồn gốc trong Do-thái giáo. Như Robert Aron, một nhà văn Pháp gốc Do-thái nói rằng: “Lời kinh nền tảng này của Kitô giáo, trong nhiều câu, bắt nguồn trực tiếp từ những lời cầu nguyện nền tảng của người Do-thái, nên có thể Chúa Giê-su đã cầu nguyện, hay đã lắng nghe lời cầu nguyện này ở những hội đường trong những năm sống ở Na-gia-rét”[v].

Thực tế, thì hình thức của kinh Lạy Cha có vẻ có sự liên hệ với một số lời cầu nguyện của người Do-thái. Tuy nhiên, theo nhà thánh kinh học Francois Refoulé thì, trong tính cách lịch sử, lời rao giảng của Chúa Giê-su được viết trong cái khung của những những tư tưởng và những quan niệm của xã hội Do-thái giáo... Còn trong ý nghĩa thần học, lời rao giảng của Chúa Giê-su có sự liên hệ với giao ước cũ. Nhưng không chỉ thế, lời rao giảng của Chúa Giê-su còn làm cho giao ước cũ được trở nên trọn vẹn: Anh em đừng tưởng Thầy đến để bãi bỏ Luật Mô-sê hoặc lời các ngôn sứ. Thầy đến không phải là để bãi bỏ, nhưng là để kiện toàn” (Mt 5, 17). Trong ý nghĩa này, cha Henri de Lubac đã viết như sau: “Giao ước mới khởi đi từ giao ước cũ, nhưng không phủ nhận giao ước cũ. Giao ước mới không phá hủy giao ước cũ: Trong khi làm cho giao ước cũ được kiện toàn, thì giao ước mới biến đổi và làm sống động lại giao ước cũ…Tóm lại, giao ước mới đã biến đổi những từ ngữ của giao ước cũ vào trong tinh thần”[vi]. Như vậy, kinh Lạy Cha có liên hệ với những kinh nguyện Do-thái giáo, nhưng lại mang một sắc thái khác. Trong khi những lời cầu nguyện của Do-thái giáo có vẻ dài dòng văn tự, thì lời kinh Lạy Cha lại ngắn gọn xúc tích, và tập trung vào những điều nền tảng. Thật vậy, những lời cầu xin trong kinh Lạy Cha mà Chúa Giê-su dạy mang một tinh thần mới. Ngoài ra, theo Refoulé, kinh cầu 18 của Do-thái giáo có 12 lời cầu xin, và những lời cầu xin cuối cùng tập trung vào cuộc sống của người Do-thái, cầu xin cho đời sống hiện tại và cầu xin cho tương lai. Với lời cầu xin này, người Do-thái xin với Gia-vê gầy dựng lại vương quốc mang tính cách chính trị cho dân tộc họ, xin Gia-vê dẹp tan ách thống trị của ngoại bang, và tập họp lại những người Do-thái đang tản mác, cũng như cầu xin cho nhà lãnh đạo chính trị là đấng Mê-si-a đến với dân tộc Do-thái. Tất cả những lời cầu xin này không có trong lời kinh Lạy Cha của Chúa Giê-su. Lời kinh Lạy Cha của Chúa Giê-su không mang tính cách chủ nghĩa quốc gia và không mang tính cách chính trị. Hơn nữa, lời kinh Chúa Giê-su dạy có tính cách phổ cập cho mọi người[vii].

Về mặt ngôn ngữ, cũng có sự khác biệt. Theo Luz, trong khi kinh Lạy Cha được viết bằng tiếng A-ram, thì đa số các kinh nguyện của người Do-thái được viết bằng tiếng Híp-ri. Tiếng A-ram thời đó không phải là ngôn ngữ chính thức được dùng trong các hội đường Do-thái. Chỉ có một số kinh nguyện mang tính cá nhân của nhóm người bình dân được dùng bằng tiếng A-ram. Như vậy có thể nói rằng, Chúa Giê-su đã dùng ngôn ngữ của dân chúng, chứ không dùng ngôn ngữ được sử dụng cho việc phụng vụ trong các hội đường thời đó. Và Chúa Giê-su đã không đồng tình với một số kinh sư đã bác bỏ ngôn ngữ A-ram[viii].

Đó là vài sự khác biệt căn bản và quan trọng giữa những lời kinh của Do-thái giáo với lời kinh Lạy Cha, mà Chúa Giê-su dạy trong hai tin mừng của Mát-thêu và của Luca.

Kinh Lạy Cha trong phúc âm thánh Mát-thêu và phúc âm thánh Luca.

Trong bốn Tin Mừng, kinh Lạy Cha được Mát-thêu và Luca viết lại. Ngoài ra, trong “giáo huấn của các tông đồ - Didache[ix], kinh Lạy Cha cũng được trích dẫn và bản văn này rất gần với bản văn của Mát-thêu. Ở đây, xin có cái nhìn sơ lược về kinh Lạy Cha trong hai tin mừng Mát-thêu và Luca.

Bản văn kinh Lạy Cha trong phúc âm của Luca được viết tóm tắt hơn, còn bản văn ở Mát-thêu thì đầy đủ và có nhịp điệu rõ ràng hơn, và được các cộng đoàn tiên khởi mau chóng đón nhận, cũng như được đưa vào trong phụng vụ. Nhưng tại sao bản văn kinh Lạy Cha ở Mát-thêu lại được ưa chuộng hơn? Theo Refoulé, thì có thể vì Mát-thêu không chỉ là đồ đệ (disciple), mà còn là tông đồ (Apôtre), và kết cấu của bản văn kinh Lạy Cha ở Mát-thêu thì rõ ràng và mạch lạc, có tính cách sư phạm nhiều và mang đậm lời của Chúa Giê-su. Ngoài ra, bản văn của phúc âm thứ nhất cũng đáp ứng đúng nhu cầu mục vụ của Giáo Hội tiên khởi. Đi vào hai bản văn chúng ta sẽ nhận ra thêm những điểm khác biệt và những điể m tương đồng[x].


Mt 6, 9-13

9 "Vậy, anh em hãy cầu nguyện như thế này:


"Lạy Cha chúng con là Đấng ngự trên trời, xin làm cho danh thánh Cha vinh hiển,
 
10 triều đại Cha mau đến,

ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời.

11 Xin Cha cho chúng con hôm nay lương thực hằng ngày;

12 xin tha nợ cho chúng con
như chúng con cũng tha
cho những người mắc nợ với chúng con;

13 xin đừng để chúng con sa chước cám dỗ,

nhưng cứu chúng con cho khỏi sự dữ.

Lc 11, 2-4

2 Người bảo các ông: "Khi cầu nguyện, anh em hãy nói:
 
"Lạy Cha, xin làm cho danh thánh Cha vinh hiển,
 


Triều Đại Cha mau đến,
 



3 xin Cha cho chúng con
ngày nào có lương thực ngày ấy;

4 xin tha tội cho chúng con,
vì chính chúng con cũng tha
cho mọi người mắc lỗi với chúng con, và

xin đừng để chúng con sa chước cám dỗ."


Hai bản văn rõ ràng có những điểm tương đồng, và có những từ ngữ giống nhau. Tuy nhiên, cũng có nhiều điểm khác biệt. Những điểm khác biệt rõ ràng nhất là:

1) Bối cảnh lịch sử của hai bản văn kinh Lạy Cha không giống nhau. Mát-thêu đặt kinh Lạy Cha (Mt 6,9-13) trong bài giảng trên núi (Mt 4,23 - 7,29), và trong thời điểm Chúa Giê-su bắt đầu sứ vụ của Ngài. Cụ thể, sau những giáo huấn về các mối phúc, về ánh sáng và về các lời khuyên trong cách hành văn mang tính cách mâu thuẫn ở chương 5, Chúa Giêsu tiếp tục dạy dỗ về việc bố thí, về cầu nguyện và về việc ăn chay trong chương 6. Trong chương này, Ngài đã dạy kinh Lạy Cha cho các môn đệ. Lời đầu tiên dẫn vào kinh Lạy Cha là lời Chúa kết án cách thức cầu nguyện mang tính cách giả hình và phô trương. Sau đó, Chúa chỉ ra tâm tình cần có khi cầu nguyện với Chúa Cha (Mt 6,5-6). Tiếp đến chính là lời Kinh Lạy Cha như là lời cầu nguyện tuyệt hảo nhất.
Còn Luca lại đưa kinh Lạy Cha (Lc 11,2-4) vào thời điểm trễ hơn, nghĩa là sau sứ vụ ở Ga-li-lê, Chúa Giê-su đi lên Giê-ru-sa-lem (Lc 9,51 - 19,27). Nghĩa là theo Luca, thì kinh Lạy Cha được Chúa Giêsu dạy trong thời gian cuối của cuộc đời Ngài. Như vậy, Luca giúp ta hiểu rằng: Các môn đệ say sưa nhìn Đức Giêsu cầu nguyện và khám phá thấy cầu nguyện đóng một vai trò hết sức căn bản trong đời sống của Chúa Giêsu, cầu nguyện chiếm rất nhiều thời gian trong đời sống của Người, có khi cả một đêm trọn. Thế là họ ao ước được biết cầu nguyện như Người[xi].

2) Tình tiết bắt đầu kinh Lạy Cha trong hai bản văn cũng khác nhau. Trong Luca, các môn đệ xin Chúa Giê-su dạy cho các ông cầu nguyện và Ngài đã dạy cho các ông lời kinh Lạy Cha: Có một lần Đức Giê-su cầu nguyện ở nơi kia. Người cầu nguyện xong, thì có một người trong nhóm môn đệ nói với Người: "Thưa Thầy, xin dạy chúng con cầu nguyện, cũng như ông Gio-an đã dạy môn đệ của ông.” (Lc 11,1). Còn ở Mát-thêu thì chính Chúa Giê-su là người khởi xướng và dạy dỗ kinh Lạy Cha: “Khi cầu nguyện, anh em đừng lải nhải như dân ngoại; họ nghĩ rằng: cứ nói nhiều là được nhận lời. Đừng bắt chước họ, vì Cha anh em đã biết rõ anh em cần gì, trước khi anh em cầu xin. Vậy, anh em hãy cầu nguyện như thế này…” (Mt 6, 7-9).
3) Thính giả của hai bản văn cũng khác nhau. Theo Jeremias, lời cầu nguyện kinh Lạy Cha trong Mát-thêu được gởi tới những người đã được học cầu nguyện từ thời ấu thơ, nhưng đời sống cầu nguyện của họ đang gặp phải nhiều khó khăn. Đó là cộng đoàn Kitô hữu gốc Do-thái. Còn bản văn trong Luca được gởi đến những người Kitô hữu mới, họ không phải là người Do-thái, để dạy dỗ họ cách thức cầu nguyện. Lời kinh Lạy Cha được dạy trong cả hai cộng đoàn thời đó với hai hoàn cảnh khác nhau nói lên một điều là: người Kitô hữu dù mới hay cũ đều cần phải học biết cầu nguyện với kinh Lạy Cha[xii].   

4) Bản văn của Mát-thêu khai triển lời kinh Lạy Cha với bảy lời cầu xin, còn trong bản văn của Luca chỉ có năm lời cầu xin. Ngoài ra, khi so sánh hai bản văn thì nhận thấy rằng, trong lời đầu tiên của kinh Lạy Cha, Mát-thêu viết Lạy Cha chúng con là Đấng ngự trên trời”, còn Luca chỉ viết: “Lạy Cha”. Cụm từ đàng sau mà Mát-thêu sử dụng trong câu này không có trong Luca. Tiếp đến, trong bản văn của Mát-thêu có lời cầu xin ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời”, còn Luca thì không nhắc đến lời cầu xin này. Về lời cầu xin tha thứ, đối chiếu với bản văn tiếng Hy-lạp, thì Mát-thêu sử dụng từ ngữ “opheilema - nợ”, cụ thể là: “xin tha nợ cho chúng con như chúng con cũng tha cho những người mắc nợ với chúng con”. Còn Luca thì không sử dụng từ ngữ “nợ”, mà ông dùng từ ngữ “harmatia - tội”, cụ thể là: “xin tha tội cho chúng con, vì chính chúng con cũng tha cho những người mắc lỗi với chúng con”. Phần cuối của kinh Lạy Cha, Mát-thêu nhắc đến hai lời cầu xin: “xin đừng để chúng con sa chước cám dỗ, nhưng cứu chúng con cho khỏi sự dữ”, còn Luca thì chỉ nhắc đến lời cầu “xin đừng để chúng con sa chước cám dỗ”. Đó là một vài sự khác biệt sơ lược trong hai bản văn theo mặt ngôn từ.

Ngoài ra, nhìn một cách tổng quát sẽ nhận ra rằng, bản văn kinh Lạy Cha của Luca hầu như được nhắc đến trong bản văn của Mát-thêu. Và vì bản văn của Mát-thêu đầy đủ hơn Luca, nên bản văn này đã được truyền tụng trong Giáo Hội tiên khởi. Cả sách Didache (giáo huấn của các tồng đồ) được viết vào thế kỷ thứ 2 cũng có kinh Lạy Cha trong phần giáo huấn về phụng vụ [xiii], cụ thể về việc cầu nguyện ở chương 8, 2-3.
Trong tập sách suy niệm này, xin tập trung vào bản văn kinh Lạy Cha trong phúc âm của thánh Mát-thêu.

Nguồn gốc, ngôn ngữ, thể văn và cấu trúc của kinh Lạy Cha trong tin mừng của Mát-thêu.
Kinh Lạy Cha bắt nguồn từ chính Chúa Giêsu. Vì thế, kinh Lạy Cha được gọi là “Oratio Domini – Lời kinh Chúa dạy”. “Một đàng qua những lời kinh này, Con Một Thiên Chúa quả thật ban cho chúng ta những lời mà Chúa Cha đã ban cho Người: Người là Thầy dạy chúng ta cầu nguyện. Đàng khác, là Ngôi Lời nhập thể, nên trong trái tim nhân loại của Người, Người biết rõ nhu cầu của những anh chị em loài người của Người, và Người bày tỏ những nhu cầu đó cho chúng ta: Người là mẫu mực của việc cầu nguyện của chúng ta”[xiv].

Về ngôn ngữ nguyên thủy, theo một số nhà chú giải Thánh Kinh, kinh Lạy Cha được Chúa Giê-su dạy bằng tiếng A-ram[xv]. Về thể loại văn học, thì kinh Lạy Cha thực sự là một lời cầu nguyện, nhưng không mang tính cách ca tụng hoặc thánh thi (Hymne), mà mang tính cách cầu xin[xvi]. Như thế, kinh Lạy Cha, với những lời cầu xin dâng lên Cha trên trời, muốn giúp cho những người cầu nguyện khám phá ra sự gần gũi của Cha trên trời[xvii].

Theo Ulrich Luz[xviii], một cách dễ dàng người ta có thể chia Kinh Lạy Cha trong phúc âm thánh Mát-thêu làm hai phần. Phần 1 gồm ba lời cầu xin đầu tiên hướng trực tiếp về « Cha » (câu 9-10), và phần 2 với 4 lời cầu xin hướng về  « chúng con » (câu 11-13). Theo anh em nhà Hurault, thì « trong Mát-thêu, có 12 vế làm thành 7 ý nguyện : hai con số hoàn hảo. Ba ý nguyện (con số ba ngôi) quy về Thiên Chúa, bốn ý nguyện (con số 4 phương mặt đất) liên quan đến chúng ta »[xix]. Và theo Đức thánh Cha Biển Đức 16, thì kinh Lạy Cha gồm lời mở đầu và 7 lời cầu xin. Ba lời cầu xin đầu tiên quy về những điều của Thiên Chúa trong tương quan với thế giới này, và bốn lời cầu xin sau diễn tả những niềm hy vọng, những nhu cầu và những khó khăn của chúng ta. Tiếp đến, Đức Thánh Cha so sánh kinh Lạy Cha với bảng Mười điều răn. Trong nền tảng, Mười điều răn cũng được chia làm hai phần. Phần đầu tiên là những giới răn liên quan đến Thiên Chúa (giới răn 1-3), và phần thứ hai (giới răn 4-10) là những giới răn dạy yêu thương tha nhân. Đó như là một cách thức chỉ đường dẫn vào con đường của tình yêu. Và kinh Lạy Cha cũng vậy, phần đầu tiên hướng về Thiên Chúa. Điều này có ý nghĩa: Để có thể cầu nguyện cho tốt, thì trước hết con người phải đứng trong sự thật, trong chân lý. Mà chân lý đó chính là Thiên Chúa và vương quốc của Ngài (x. Mt 6,33). Như vậy, khi bước vào cầu nguyện, chúng ta cần phải ra khỏi chính mình, và mở lòng ra với Thiên Chúa. Tiếp đến chúng ta được dẫn bước đến con đường của nhân loại, của chính chúng ta. Trên con đường đó, chúng ta đi tới chỗ cuối cùng, xuống tới chỗ mà sự dữ đang đe dọa nhân loại. Nhưng chính ở chỗ sâu thẳm hiểm nguy đó, chính ở điểm cuối cùng đó, điểm bắt đầu vẫn hiện diện, Thiên Chúa là khởi nguyên của chúng ta vẫn hiện diện bên cạnh chúng ta, và bàn tay của Ngài vừa mạnh mẽ vừa dịu dàng đang nắm lấy bàn tay yếu đuối của chúng ta và sẵn sàng che chở và cứu rỗi chúng ta[xx].

Tầm mức quan trọng của kinh Lạy Cha.
Theo Tertulian, thì Kinh Lạy Cha như là bản tóm tắt toàn bộ giáo lý đức tin và luân lý, cũng như tóm tắt toàn bộ Tin Mừng của Đức Kitô. Còn với thánh Tôma Aquinô thì: “Lời kinh Chúa dạy là lời cầu nguyện tuyệt hảo...Nhưng trong lời kinh đó, không những chúng ta cầu xin những điều chúng ta có thể ước ao cách chính đáng, mà còn theo một trật tự những điều ao ước nữa: như vậy, lời kinh này không những dạy chúng ta cầu xin, mà còn huấn luyện toàn thể tâm tình của chúng ta”[xxi].

Ngoài ra, kinh Lạy Cha nằm ở trung tâm bài giảng trên núi (Mt 5-7), và lấy lại nội dung chính yếu của Tin Mừng dưới hình thức một kinh nguyện[xxii]. Nằm trung tâm ở bài giảng trên núi, kinh Lạy Cha phải có một ý nghĩa nhất định. Theo Luz, thì sau khi các môn đệ được dạy dỗ về những huấn giáo mà họ cần tập sống để trở nên hoàn thiện (Mt 5, 20-48), thì họ được dẫn vào trong trung tâm của bài giảng trên núi để học biết cầu nguyện, và đặc biệt học biết về thánh ý của Cha trên trời. Thánh ý này không mang sắc thái hủy diệt, cũng không phải là sự đòi hỏi quá sức của con người, mà thánh ý của Cha có sức chữa lành và đem lại ơn cứu độ. Như thế, con đường tập sống nên hoàn thiện được nối kết với con đường cầu nguyện. Và từ con đường cầu nguyện, con đường tập sống theo tinh thần của Chúa lại tiếp tục được mở ra và được đào sâu hơn. Như thế, hoạt động và cầu nguyện luôn có sự nối kết chặt chẽ. Đó là điểm đặc biệt mà Mát-thêu muốn diễn tả trong bài giảng trên núi[xxiii]. Cũng trong ý nghĩa này, chúng ta đọc được trong Sách Giáo Lý của Hội Thánh Công Giáo: “Bài giảng trên núi là giáo huấn để sống, Kinh Lạy Cha là lời cầu nguyện, nhưng trong cả hai, Thần Khí của Chúa đem lại thể thức mới cho những ao ước của chúng ta, cho những biến chuyển nội tâm làm sinh động cuộc đời chúng ta. Chúa Giêsu dùng lời Người dạy chúng ta về cuộc đời mới và dạy chúng ta nài xin cuộc đời mới này bằng cầu nguyện. Sự trung thực của cuộc đời chúng ta trong Người sẽ tuỳ thuộc vào sự trung thực của lời cầu nguyện của chúng ta”[xxiv].
Kinh Lạy Cha còn là lời kinh mới tương hợp với giao ước mới. Đó chính là bầu mới chứa đựng rượu mới. Vì thế, lời kinh Lạy Cha không chỉ là lời cầu nguyện nền tảng của Kitô giáo, mà còn là một trong các bản văn nền tảng của tín lý.[xxv].

Hơn nữa, trong giáo hội tiên khởi, kinh Lạy Cha được coi là một báu vật trong kho tàng thánh của giáo hội, nên kinh Lạy Cha được giành riêng cho những tín hữu thuộc về giáo hội cách trọn vẹn. Vì thế, kinh Lạy Cha không được phép đưa cho những người ngoài giáo hội cầu nguyện. Và trong một thời gian lâu, từ thế kỷ thứ ba trở đi, người Kitô hữu được khuyên phải trân trọng kinh Lạy Cha và không được cầu nguyện cách cẩu thả. Dựa vào tầm quan trọng nền tảng và vì được tín hữu cầu nguyện thường xuyên, nên kinh Lạy Cha là lời kinh được sử dụng nhiều nhất, không có lời kinh nào sánh bằng.

Trung thành với truyền thống của Giáo Hội, kinh Lạy Cha vẫn đóng vai trò quan trọng trong Hội Thánh Công Giáo. Thật vậy, Sách Giáo Lý của Hội Thánh Công Giáo đã gọi kinh Lạy Cha là “Lời Kinh của Hội Thánh – Oratio Ecclesiae”[xxvi]. Vì thế, kinh Lạy Cha được đưa vào trong phụng vụ và kinh nguyện của Hội Thánh, ngay từ thời giáo hội tiên khởi[xxvii], cho đến hôm nay.

Kinh Lạy Cha trong phụng vụ.
Kinh Lạy Cha được đưa vào trong phụng vụ khi nào, chúng ta không thể xác định cách chính xác được nữa. Nhưng theo thánh Cyril thành Giêrusalem (+ 387), thì kinh Lạy Cha được đặt sau phần lời nguyện giáo dân, trước phần phụng vụ Thánh Thể của thánh lễ. Vào khoảng năm 400, trong giáo hội Châu Phi, kinh Lạy Cha được đặt ngay trước phần chúc bình an. Trong nghi thức phụng vụ hiện nay, ước đoán rằng chính Thánh Giáo Hoàng Gregors cả đưa kinh Lạy Cha vào và ấn định vị trí, nghĩa là trước phần chúc bình an và sau kinh nguyện Thánh Thể. Theo Sách Giáo Lý của Hội Thánh Công Giáo, “trong phụng vụ Thánh Thể, lời kinh Chúa dạy rõ ràng mang tính cách là lời kinh của toàn thể Hội Thánh, với đầy đủ ý nghĩa và hiệu năng. Được đặt giữa kinh nguyện Thánh Thể và phụng vụ hiệp lễ, kinh Lạy Cha một đàng gồm tóm mọi lời cầu xin và chuyển cầu đã được diễn tả sau kinh Khẩn cầu Chúa Thánh Thần, và đàng khác, lời kinh này gõ cửa Bàn tiệc Nước Trời mà việc hiệp lễ là tiền dự”.[xxviii]

Ngoài ra, trong giáo lý, kinh Lạy Cha đóng vai trò quan trọng như là bản tóm tắt và tổng hợp giáo lý Kitô giáo, và như lời kinh nền tảng cho tất cả mọi tín hữu. Đặc biệt, người tân tòng đón nhận kinh Lạy Cha như là bản tóm lược của chân lý mới mà họ « bước vào ». Như vậy kinh Lạy Cha như là lời cầu nguyện của những ai được tái sinh trong Chúa Thánh Thần. Thật vậy, “trong bí tích Rửa Tội và Thêm Sức, nghi thức trao kinh Lạy Cha nói lên ý nghĩa việc sinh hạ mới vào sự sống thần linh.Vì việc cầu nguyện của Kitô giáo là ngỏ lời với Thiên Chúa bằng chính lời của Thiên Chúa, nên những người “đã được tái sinh..., nhờ Lời Thiên Chúa hằng sống” (1Pr 1, 23) học kêu cầu Cha của mình, bằng Lời duy nhất mà Cha luôn đoái nhận. Và từ nay trở đi, họ có thể làm như thế, bởi vì ấn tín của việc xức dầu bằng Chúa Thánh Thần đã ghi dấu không thể xoá nhoà trong lòng họ, trên tai họ, trên môi họ, trên trọn vẹn thực tại làm con của họ”[xxix].
Và qua chính Thánh Thần Chúa, kinh Lạy Cha của Giáo Hội cũng trở nên lời kinh cầu nguyện tuyệt vời của mỗi cá nhân, của từng thành phần trong Giáo Hội[xxx].
Kinh Lạy Cha là lời cầu nguyện căn bản.
Trong phương diện thiêng liêng và đạo đức, giáo huấn của các tông đồ khuyên cầu nguyện kinh Lạy Cha mỗi ngày 3 lần (x.Did 8,3)[xxxi]. Ngoài ra, Cyprian đề nghị thêm hai lần nữa trong ngày, vào lúc bình minh và khi hoàng hôn. Còn đối với thánh Âu-tinh, thì một ngày sống sẽ không qua đi, nếu trong ngày đó người Kitô hữu không cầu nguyện với kinh Lạy Cha. Và thánh Âu-tinh cũng nhắc nhớ rằng: “Bạn hãy rảo qua mọi lời cầu nguyện có trong các Sách Thánh, như tôi thiết nghĩ, bạn sẽ thấy không có điều gì mà Lời Kinh Chúa dạy lại không chứa đựng và bao gồm”[xxxii].

Trong thời Trung Cổ, kinh Lạy Cha đóng vai trò quan trọng trong giờ kinh phụng vụ của các tu sĩ, nhưng đối với giáo dân thì kinh Lạy Cha từ từ bị quên lãng. Vào cuối thời Trung Cổ và từ thời Tin Lành cải cách, thì kinh Lạy Cha tìm lại được chỗ đứng của mình trong đời sống đạo đức của giáo dân. Với Luther,  thì kinh Lạy Cha không chỉ là bản văn nền tảng cho việc dạy Giáo Lý, mà còn là nguồn cho đời sống đạo đức[xxxiii].

Trong ý nghĩa thiêng liêng, một số vị thánh coi kinh Lạy Cha như là con đường dẫn họ đến với Cha trên trời, để khám phá sâu hơn tình yêu của Thiên Chúa là Cha. Thánh Phan-xi-cô khó nghèo, khi suy niệm kinh Lạy Cha, ngay tại hai chữ đầu tiên « Lạy Cha », thánh nhân đã « tuyên xưng » Cha trên trời là Đấng chí thánh và là Đấng tạo dựng chúng ta, cứu rỗi và an ủi chúng ta[xxxiv]. Thánh Tê-rê-sa A-vi-la, trong cuốn «Chemin de perfection», ở phần dẫn nhập vào những từ ngữ đầu tiên của kinh Lạy Cha, đã thốt lên những tâm tình sau : « Lạy Cha chúng con ở trên trời !...Ô ! thật là chính đáng khi linh hồn bước vào trong cõi thâm sâu của mình. Linh hồn có thể vươn lên trên chính mình, và lắng nghe lời của Chúa Con chỉ cho thấy nơi mà chính Cha của linh hồn đang cư ngụ, Cha đang ngự ở trên trời. »[xxxv]. Và đối với thánh Tê-rê-sa Hài Đồng thì : « Đôi lúc, khi tâm hồn tôi khô khan tột cùng đến nỗi tôi không tìm đâu ra một tâm tình hay suy nghĩ nhỏ bé nào giúp tôi kết hiệp với Thiên Chúa nhân lành, thì tôi liền nhẩm đi nhắc lại lời kinh Lạy Cha và kinh Truyền Tin. Chính những lời kinh này đã đưa lại cho tôi niềm vui, và nuôi dưỡng linh hồn tôi với những « thức ăn » thiêng liêng bổ ích [xxxvi] ».

Kinh Lạy Cha với ba thời điểm thiêng liêng.

Theo Martini [xxxvii], dựa vào cấu trúc của kinh Lạy Cha, chúng ta có thể nhận ra được ba  thời điểm thiêng liêng được diễn tả sống động qua hình ảnh của những giếng nước ở một số công viên. Thời điểm đầu tiên tương hợp với hình ảnh của các tia nước phát xuất từ nguồn nước. Thời điểm thứ hai là hình ảnh các tia nước bắn lên trên cao và hình ảnh thứ ba là lúc các tia nước rơi xuống và bắn tung tóe.

Thời điểm thiêng liêng đầu tiên là tại nguồn nước, lời cầu nguyện “lạy Cha” được cất lên trong tinh thần trẻ thơ. Nghĩa là, khi thưa “lạy Cha” là người cầu nguyện như những trẻ thơ trước mặt Cha trên trời, đang sống  động lại bí tích Thánh Tẩy. Thật vậy, tinh thần trẻ thơ là nền tảng cho những lời cầu nguyện. Thái độ của trẻ thơ đối với người Kitô hữu mang một ý nghĩa quan trọng, vì đời sống vĩnh cửu hệ tại ở tinh thần và đời sống trẻ thơ. Đối với Martini, cũng thật là ý nghĩa để nhấn mạnh rằng, chúng ta có thể kêu lên “lạy Cha” trước mỗi lời cầu xin trong lời kinh Lạy Cha: Lạy Cha, xin làm cho danh thánh Cha vinh hiển; lạy Cha, xin cho triều đại Cha mau đến; lạy Cha, xin cho ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời; lạy Cha, xin Cha cho chúng con hôm nay lương thực hằng ngày; lạy Cha, xin tha tội cho chúng con; lạy Cha, xin gìn giữ chúng con trước các cơn cám dỗ và lạy Cha, xin cứu chúng con ra khỏi sự dữ.

Thời điểm thứ hai là những lời cầu xin với Cha trên trời như là những tia nước được bắn lên trời cao: “Nước Cha trị đến, danh Cha cả sáng, ý Cha thể hiện”. Những tâm hồn đã được thanh tẩy, với sự hướng dẫn của Thần Khí Chúa đang ngẩng đầu lên hướng về trời cao, hướng về Cha để cầu nguyện với Cha, Đấng tạo dựng, Đấng là trung tâm điểm của cuộc sống.

Thời điểm thứ ba là những tia nước được bắn lên giờ đây lại rơi xuống. Nghĩa là, chúng ta đang được Thánh Thần Chúa ngự xuống và tràn đầy vào cuộc sống chúng ta. Hình ảnh Chúa Thánh Thần ngự xuống diễn tả tâm tình chúng ta đang đói khát, chúng ta đang cần đến sự thứ tha, chúng ta yếu đuối và bất cứ lúc nào cũng có thể rơi vào những cám dỗ. Vì thế, khi chúng ta cầu nguyện với kinh Lạy Cha, là lúc chúng ta đang “trằn trọc” với chính cuộc sống và sự hiện diện của mình: Lạy Cha, xin đừng để con rơi vào những cám dỗ. Cha thấy đấy, con luôn phải đối diện với biết bao nhiêu cạm bẫy, và con cũng yếu đuối, mệt mỏi, dễ vỡ và mỏng dòn biết bao. Xin hãy cứu con ra khỏi tất cả những chướng ngại nguy hiểm ngăn cản con đến để gặp gỡ Cha, tin tưởng vào Cha và yêu thương Cha. Đó là ba thời điểm thiêng liêng mà Martini diễn giải. Giờ đây xin đi vào tâm tình suy niệm lời kinh tuyệt hảo này.



[i] X. O´ COLLIN G., The Lord´s prayer, Darton, Longman and Todd Ltd., London 2006, trang (t).xii.
[ii] GOTTFRIED B./ HUNZE G., trong “Lexicon für theologie und Kirche”, zehnte Band, Herder Verlag, Freiburg-Basel-Rom-Wien 2001, cột (c.) 549.
[iii] X. LUZ U., EKK, „Das Evangelium nach Matthäus“, 1.Teilband (Mt 1-7), Benziger Verlag und Neukirchener Verlag, Zürich, Einsiedeln, Köln 1985, t.339.
[iv] Để tìm hiểu thêm về kinh cầu 18 (Schemone Esre) và kinh Qaddisch của Do-thái giáo, và so sánh các kinh này với kinh Lạy  Cha, có thể tham khảo các tác phẩm sau : (1) BILLERBECK I, t.406tt ; (2) BILLERBECK IV, t.208tt và (3) GNILKA Joachim, das Matthaeusevangelium, teil 1, t.212-213 và (4) BONNARD P., DUPONT J., REFOULE F., Notre père qui est aux cieux, t.22-28.
[v] Trích dẫn bởi Refoule, trong tác phẩm của BONNARD P., DUPONT J., REFOULE F., Notre père qui est aux cieux, Cerf, Paris 1968, t.23.
[vi] Trích dẫn bởi Refoule, trong tác phẩm của BONNARD P., DUPONT J., REFOULE F., Notre père qui est aux cieux, t.26.
[vii] X. BONNARD P., DUPONT J., REFOULE F., Notre père qui est aux cieux, t.27-28.
[viii] X. LUZ U., EKK, „Das Evangelium nach Matthäus“, 1.Teilband (Mt 1-7), t. 350.
[ix] Xem (X.) WENGST Klaus, Didache - Banabasbrief - zweiter Klemensbrief - Schrift an Diognet, Wissenschaftliche Buchgesellschaft, Darmstadt 1984, t.79.
[x] X. BONNARD P., DUPONT J., REFOULE F., Notre père qui est aux cieux, t.17-19.
[xi] X. HAMMAN Adalbert G., Abrégé de la prière chrétienne, Desclée, Paris 1987, t.47.
[xii] X. JEREMIAS J., “Das Vater-Unser”, Calwer Verlag, Stuttgart 1962, t.11.
[xiii] X. WENGST Klaus, Didache - Banabasbrief - zweiter Klemensbrief - Schrift an Diognet, t.63.
[xiv] Sách Giáo Lý của Hội Thánh Công Giáo, Bản tiếng Việt của Ủy Ban Giáo Lý Đức Tin trực thuộc Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, Nxb. Tôn Giáo, Hà Nội 2009, số 2765, t.766.
[xv] X. LUZ U., EKK, Das Evangelium nach Matthäus, 1.Teilband (Mt 1-7), t.336. Và x. BORING E., trong NIB – The new interpreter´s Bible, Volume VIII, Abingdon Press, Nashville 1995, t.202.
[xvi] X. GNILKA J., Das Matthaeusevangelium, 1. Teil, Herder Verlag, Freiburg -  Basel - Wien 1986, t.212.
[xvii] X. LUZ U., EKK, Das Evangelium nach Matthäus, 1.Teilband (Mt 1-7), t.351.
[xviii] X. LUZ U., EKK, Das Evangelium nach Matthäus, 1.Teilband (Mt 1-7), t.334.
[xix] Chú thích Mt 6 ,9 của Hurault B., trong « Lời Chúa cho mọi người », Kinh Thánh Cựu Ước và Tân Ước, bản dịch của nhóm Phiên dịch các giờ kinh phụng vụ, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội 2006, t. 1594.
[xx] RATZINGER J., Benedikt 16, Jesus von Nazareth, Herder Verlag, 3. Auflage, Freiburg – Basel – Wien 2007, t.168.
[xxi] Trích trong “Sách Giáo Lý của Hội Thánh Công Giáo”, số 2763, t.766.
[xxii] X. Sách Giáo Lý của Hội Thánh Công Giáo, số 2763, t.765.
[xxiii] X. LUZ U., EKK, Das Evangelium nach Matthäus, 1.Teilband (Mt 1-7), t.352.
[xxiv] Sách Giáo Lý của Hội Thánh Công Giáo, số 2764, t.766.
[xxv] X. LUZ U., EKK, Das Evangelium nach Matthäus, 1.Teilband, t.336-337 và x. Martini, Ne méprisez pá la Parole, t. 9.
[xxvi] X. Sách Giáo Lý của Hội Thánh Công Giáo, số 2767-68, t.767.
[xxvii] X. JEREMIAS J., “Das Vater-Unser”, t.7.
[xxviii] Sách Giáo Lý của Hội Thánh Công Giáo, số 2770, t.767-768.
[xxix] Sách Giáo Lý của Hội Thánh Công Giáo, số 2769, t.767.
[xxx] X. LUZ U., EKK, Das Evangelium nach Matthäus, 1.Teilband , t.337-340.
[xxxi] X. WENGST Klaus, Didache - Banabasbrief - zweiter Klemensbrief - Schrift an Diognet, t.79.
[xxxii] Trích trong Sách Giáo Lý của Hội Thánh Công Giáo, số 2762, t.765.
[xxxiii] X. LUZ U., EKK, Das Evangelium nach Matthäus, 1.Teilband, t.338.
[xxxiv] X. HAMMAN Adalbert G., Le notre Pére dans l’église ancienne, Les Editions Franciscaines, Paris 1995, t.222.
[xxxv] THERESE d´ Avila, Le chemin de perfection, Les édition du Cerf, Paris 1981, p.124.
[xxxvi] X. MARTINI trích dẫn trong Ne méprisez pas la Parole, Bayard, Paris 2007, t.11.
[xxxvii] X. MARTINI, C.M., Mein spirituelles Wörterbuch, Pattloch, Ausburg 1998, t.167-168.

----
Có thể xem trọn vẹn bài suy niêm ở www.loikinhchameday.webs.com

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét