Trang

Thứ Sáu, 11 tháng 10, 2019

Guzmán Carriquiry: “Đức Phanxicô ghét nạn giáo sĩ hóa và trần tục hóa của các giáo dân”

Guzmán Carriquiry: “Đức Phanxicô ghét nạn giáo sĩ hóa và trần tục hóa của các giáo dân”



lavie.fr, Marie-Lucile Kubacki, Rôma, 2019-10-09
Guzmán Carriquiry, người giữ chức vụ cao nhất chưa bao giờ được giao cho một giáo dân, ông biết năm đời giáo hoàng. Ông là khách mời của Thượng hội đồng Amazon đã khai mạc vào ngày chúa nhật vừa qua. Là người thân cận với Đức Giáo hoàng, ông trả lời báo La Vie.
Ông tiếp chúng tôi tại nhà ông, chỉ cách Vatican hai bước. Năm nay 75 tuổi, “tiến sĩ” Carriquiry như người ta vẫn thường gọi ông như thế, là một huyền thoại. Được Đức Phaolô-VI đưa về Rôma, sắp gần nửa thế kỷ, ông là người “ở tận cùng thế giới”, vùng Montevideo, Uruguay, ông biết năm đời giáo hoàng liên tục và bây giờ ông giữ chức vụ cao nhất chưa bao giờ giao cho một giáo dân: phó chủ tịch Ủy ban giáo hoàng về Châu Mỹ La Tinh. Là người thân cận Đức Phanxicô, ông biết ngài từ 50 năm nay, ông là chuyên gia được mời trong các cuộc họp mà bây giờ các cuộc họp này đã trở thành huyền thoại, đó là cuộc họp Puebla (1979) và Aparecida (2007), các cuộc họp tiên phong mở đầu cho cải cách Giáo hội. Kín đáo, người có văn hóa, nói tiếng Pháp hoàn hảo, ông tiếp chúng tôi và bàn về các văn hào Pháp Péguy, Mauriac và Bernanos –, ông là người mở đường cho bao nhiêu giáo dân nam nữ khác và tự hào vì chưa bao giờ là “giáo dân bị giáo sĩ hóa”. Một hình thức mà ông gằn mạnh trong suốt cuộc nói chuyện với chúng tôi; kim chỉ nam của ông khi có cuộc họp Thượng hội đồng Amazon đang diễn ra mà ông là một trong các khách mời nặng ký.
Ông tự cho mình là “giáo dân không bị giáo sĩ hóa”, ông muốn nói gì về điều này?
Một giáo dân bị giáo sĩ hóa là người khi nào cũng đeo theo cái áo chùng của các tu sĩ, đồng hóa với họ, chờ ý kiến của cha xứ để lặp lại. Đó, đó là giáo sĩ hóa theo kiểu tàn dư ngày xưa. Và rồi có kiểu giáo sĩ hóa “hiện đại”: người khi nào cũng “cổ động cho giáo dân”, xem đây là cuộc đấu tranh với các giáo sĩ để tái phân bố lại quyền lực giáo hội. Đó là thực tế của một giáo dân bị ám ảnh bởi gần gũi với bàn thờ nhiều hay ít, hoặc người có tiếng nói tư vấn hay có quyền biểu quyết trong hội đồng mục vụ, hoặc có quyền hay không có quyền có một sứ vụ. Đó là nghĩ tất cả những chuyện này thì quan trọng hơn là làm mạnh lên chứng từ của cái đẹp, của tình yêu hôn nhân, của gia đình, dấn thân trong việc dạy dỗ con cái, tham dự vào đời sống dân sự của nước mình, làm chứng cho Chúa Kitô qua công việc của mình, qua học hành, qua nghề nghiệp, qua tất cả môi trường sống của mình. 
Tôi luôn giữ trong lòng xác quyết cơ bản: hiệp thông càng lớn thì tự do càng lớn.
Điều gì ngăn cản ông không làm “nửa giáo sĩ-nửa giáo dân”, ông là người đã làm ở Giáo triều bao nhiêu năm?
Đó là cái ôm của vợ tôi… người đã giải thoát cho tôi khỏi vòng ôm ngộp thở của một Giáo triều rất giáo sĩ hóa! Bà đóng một vai trò quan trọng, bà chia sẻ tất cả công việc của tôi, bà đóng một vai trò rất tích cực. Nhưng đó là cũng là gia đình, tôi có một con trai, ba con gái và mười đứa cháu, tôi quan tâm đến đời sống ở Châu Mỹ La Tinh,  đến chính trị quốc tế, đến các trào lưu văn hóa, đọc các bài vở đa dạng, không phải chỉ những chuyện chỉ dính đến… đạo. Và rồi tôi luôn giữ trong lòng xác quyết nền tảng: hiệp thông càng lớn thì tự do càng lớn. Tôi làm việc cật lực, tôi rất tôn trọng thẩm quyền, nhưng tôi có ý kiến về các vấn đề, các tiêu chuẩn để đánh giá riêng của tôi… Nhưng không bao giờ tôi là người “dạ dạ, vâng vâng”! Đó là điều tôi mong ước, dù các giới hạn của tôi nhưng tôi có thể là người đi trước của nhiều nam nữ giáo dân có khả năng, những người yêu Giáo hội và thậm chí tham dự nhiều hơn trong Giáo triều la mã. Và không phải chỉ ở ban truyền thông Vatican hay Bộ giáo dân, gia đình và đời sống thánh hiến. Không, trong tất cả các ban bộ! Vì sao lại không ở trong Hội đồng các giám mục, giáo sĩ, giáo dục công giáo, tín lý?
Còn giáo hoàng, ý kiến của ngài về vai trò của giáo dân là gì?
Ngài ghét nạn giáo quyền hóa cũng như ghét thói thời thượng của giáo dân. Giáo sĩ hóa là hạn chế tầm nhìn của Giáo hội chỉ vào quyền lực giáo sĩ. Không quan tâm đến chứng từ quan trọng nhất của sự thánh thiện, của tính xác thực là ở việc mình là đồ đệ-người truyền giáo của Chúa Kitô đã có thể có được nhờ một phụ nữ: Đức Trinh Nữ Maria. Một chuyện nữa mà Đức Phanxicô ghét là đồng hóa với thế giới thời thượng. Khi đức tin chỉ còn là các thời kỳ đứt đoạn, chỉ là những lúc tham dự vào các nghi thức của Giáo hội, trong khi đời sống gia đình, nghề nghiệp, thì giờ tự do giải trí, dùng tiền bạc bị đồng hóa với loại văn hóa thống trị, lương dân của thời buổi này. Thời thượng là khi đời sống kitô giáo bị sống trong sự nứt rạn của hai đời sống song song, một là sống với các biểu hiện của lòng mộ đạo, nhận ra chính mình trong một vài khía cạnh kitô giáo và mặt kia là mặt thời thượng, nơi Tin Mừng và Chúa Kitô dường như không còn liên quan gì đến mình. Khi Đức Phanxicô nghĩ đến giáo dân, ngài xem hai sự việc này là cơ bản: rửa tội và thuộc về dân thánh thiện trung thành với Chúa.
Đừng nghĩ rằng thái độ thương xót của giáo hoàng là chấp nhận các lệch lạc man rợ của văn hóa tiêu thụ và trình diễn.
Giáo hoàng bác bỏ ý tưởng về một tầng lớp giáo dân ưu tú, nhưng làm sao sống đời sống kitô trong các xã hội ngày càng xa văn hóa kitô mà không cắt đứt với người khác?
Nhiều tín hữu kitô xem Giáo hội là nơi ẩn núp để chống bị ngoại giáo hóa, thế tục hóa, cũng như các sự dữ của thế giới, họ núp trong Giáo hội, họ luôn chỉ chỏ để phán xét mọi chuyện, mọi người! Đức Phanxicô tin rằng lòng thương xót là điều kiện cần thiết để đến gần với mọi người ở thời buổi này. Và chúng ta phải bắt đầu bằng cách nhận biết làm thế nào với lòng thương xót, Chúa đã đối xử với chúng ta như thế nào. Đừng nghĩ rằng thái độ lòng thương xót của giáo hoàng là chấp nhận các lệch lạc man rợ của loại văn hóa tiêu thụ và trình diễn, hay của sự buông thả các nguyên tắc cơ bản, mà các nguyên tắc này làm cho Giáo hội là dấu hiệu nghịch lý giữa lòng thế gian. Thậm chí ngài còn nói nghiêm hơn các vị tiền nhiệm của mình về vấn đề phá thai, trợ tử cũng như nạn thống trị ý thức hệ và văn hóa liên hệ đến giới tính. Nhưng chúng ta phải biết nhận định các thể thức qua đó tín hữu kitô phải làm chứng, kể cả ở nơi công cộng. Họ không được ngồi yên, không được dựng lên các bức tường. Đó là sự cân bằng, sự phân định tế nhị mà các mục tử, các giáo dân dấn thân phải làm, tránh rơi vào bẫy làm vì lợi ích chính trị.

Tại Haut-Maroni, giữa rừng già vùng Amazon của Guyane, một nhà truyền giáo Dòng Chúa Thánh Thần cử hành thánh lễ cho một cộng đoàn công giáo nhỏ người bản địa. Một trong công việc người bản địa sống ven bờ sông sẽ được chịu chức phó tế vĩnh viễn. © Emeric Fohlen/Hans Lucas
Ông sẽ có mặt Thượng hội đồng Amazon, nơi sẽ thảo luận có một khả thể cho các ông đã lập gia đình chịu chức, nhưng cũng có thể sẽ tạo ra các sứ vụ mới.
Tôi có một vị trí rất đặc biệt về điều này. Chắc chắn các cộng đoàn ở rải rác trong các vùng đất mênh mông bị đau khổ, ở đó hiếm khi có các linh mục đến  dâng thánh lễ và cho rước lễ. Và thực tế này đã là lý do để tạo áp lực cho việc phong chức các ông đã lập gia đình và chín chắn đức hạnh, những người viri probati. Tôi không đồng ý vì nhiều lý do. Tôi biết rất rõ, bậc sống độc thân không phải là luật thánh nhưng là luật giáo hội – chúng ta nói về mẹ vợ của Thánh Phêrô trong Tin Mừng, có nhiều linh mục phương Đông lập gia đình trong Giáo hội công giáo, ngay cả ở các người Anh giáo, điều này không làm cho tôi bị sốc. Nhưng bậc sống độc thân còn có một cái gì hơn là luật Giáo hội! Đó là một ơn, một ơn lớn mà từ 2000 năm nay, hàng triệu người đàn ông đã để trái tim của họ không bị chia cắt, tất cả chỉ để phục vụ Chúa và dân của Ngài! Phải suy nghĩ hai lần trước khi quyết định mở một cánh cửa, bởi vì khi đã mở cánh cửa thì dòng nước sẽ ùa chảy qua tất cả!

Hơn 70% tín hữu kitô ở vùng Amazon đã gia nhập vào các cộng đoàn giáo phái phúc âm hơn là cộng đoàn công giáo: vì sao vậy?

Ông sẽ nói đây không phải là chủ đề của thượng hội đồng khu vực, nhưng đây là chủ đề cho một thượng hội đồng của Giáo hội hoàn vũ?

Chính xác! Đây là tính đồng nghị của các giám mục trên toàn thế giới chung quanh vị kế nhiệm Thánh Phêrô, người tham khảo ý kiến của họ. Và rồi cẩn thận, bởi vì người ta thường vội vã có thành kiến kỳ thị, rằng người bản địa vùng Amazon không có khả năng sống bậc sống độc thân của linh mục… Và đó là suy nghĩ của thực dân Pháp, Anh và Hà Lan vào thời châu Phi bị đô hộ. Ở giáo phận Sololá-Chimaltenango, Guatemala, một giáo phận có mật độ người dân bản địa cao nhất Châu Mỹ La Tinh, chủng viện đầy cả chủng sinh bản địa. Dòng Salê là Dòng có nhiều linh mục xuất thân từ nhiều cộng đoàn bản địa khác nhau trong vùng Amazon. Nhưng một vài vùng pháp lý của giáo hội ở Amazon lại không có một ơn gọi của người bản địa nào trong vòng 20 năm: các cộng đoàn này thiếu cái gì? Hơn 70% tín hữu kitô ở vùng Amazon đã gia nhập vào các cộng đoàn của giáo phái phúc âm hơn là vào các cộng đoàn công giáo: vì sao? Các cộng đoàn công giáo thiếu gì? Đó là câu hỏi thiết yếu cần được thảo luận trong thượng hội đồng hơn các câu hỏi khác, những câu hỏi có thể tạo chia rẽ trong Giáo hội… Các câu hỏi thiết yếu khác cũng liên quan, đó là làm cách nào giúp  các người bản địa có được đời sống vật chất, văn hóa và tinh thần đầy đủ để khỏi vướng vào cuộc sống bấp bênh, trở thành công dân của thế kỷ 21 và vẫn giữ môi trường sinh thái của họ, điều rất quan trọng cho Châu Mỹ La Tinh và cho toàn thế giới.

Thượng hội đồng Amazon: một bước tiến về việc tu sĩ lập gia đình?

Nhưng nếu chúng ta loại ra trường hợp các người viri probati, đâu là giải pháp để đáp ứng với sự vắng bóng thánh lễ ở một vài vùng?

Đức Phanxicô luôn xin: vì sao kinh nghiệm chức phó tế không phát triển nhiều hơn ở vùng Amazon? Chúng ta có thể tạo ra các mục vụ Lời Chúa và bí tích Thánh Thể mở ra cho các ông cũng như các bà. Hiện nay có 1200 linh mục Cô-lông-bi ở Mỹ, ở Canada và ở Tây Ban Nha: chúng ta không thể đào tạo một số người này để họ được gởi về từng nhóm nhỏ làm việc ở đó từ 3 đến 5 năm sao? Chúng ta có thể hình dung một lời kêu gọi rộng lớn “ơn đức tin” fidei donum trên toàn thế giới. Hoặc ủy thác các quản hạt, các giáo hạt tông đồ cho các linh mục và các gia đình xuất thân từ các cộng đoàn Canh tân Đặc sủng và các phong trào khác…

Ông Guzmán Carriquiry, chuyên gia uy tín, giáo dân người Uruguay, 75 tuổi, phó chủ tịch Ủy ban giáo hoàng Châu Mỹ La Tinh, là dự thính viên Thượng hội đồng Amazon diễn ra tại Rôma từ ngày 6 đến 27 tháng 10-2019.

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét