Trang

Thứ Sáu, 11 tháng 10, 2019

2 CUỘC ĐỜI MÔSÊ


CUỘC ĐỜI MÔSÊ
BÀI MỘT (Phần 2)

BA GIAI ĐOẠN TRONG CUỘC ĐỜI MÔSÊ

3. Thiên Chúa xuất hiện, Môsê tái khám phá ơn gọi của ông.

"Đúng bốn mươi năm sau, một thiên sứ hiện ra với ông tại sa mạc núi Xi-nai, trong ngọn lửa của một bụi cây đang cháy. Ông Mô-sê ngạc nhiên khi thấy thị kiến ấy. Đang khi ông lại gần để xem cho rõ, thì có tiếng Chúa phán với ông: Ta là Thiên Chúa của cha ông ngươi, Thiên Chúa của Áp-ra-ham, I-xa-ác và Gia-cóp. Ông Mô-sê phát run lên, không dám nhìn nữa. Bấy giờ Chúa phán với ông : 'Cởi dép ở chân ra, vì nơi ngươi đang đứng là đất thánh ! Ta đã thấy rõ cảnh khổ cực của dân Ta bên Ai-cập và đã nghe tiếng chúng kêu than, nên Ta xuống giải thoát chúng. Bây giờ, ngươi hãy đi ! Ta sai ngươi sang Ai-cập'” (Cv 7, 30-34).

Môsê đã quị ngã, thất bại và thất vọng. Ông lui vào cuộc sống riêng trong thời gian khá dài, 40 năm. 40 năm khốn khổ. Chắc chắn, ông đã trải qua những dằn vặt, những đau buồn da diết, những đêm không ngủ vì phiền muộn. Chúng ta có thể tưởng tượng mình là Môsê, đang chăn chiên trong sa mạc, trải qua rất nhiều đêm giữa trời đầy sao và cát vàng vô tận, mất ngủ và tự dằn vặt: tôi đã phạm lỗi gì mà Chúa bỏ tôi, mọi người chống đối tôi, trong khi tôi đầy thiện chí đối với họ. Tại sao họ không nghe tôi? Tôi muốn đem lại cho họ điều tốt đẹp mà?

 Một câu hỏi được nêu ra ở đây: Trong 40 năm ở xứ Madian, tại sao Môsê lại chọn nghề chăn chiên? Ông có thể là một thương lái giầu có nhờ đó, dễ quên đi thất bại nhục nhã ở Ai Cập? Tại sao ông lại chọn nghề chăn chiên, một nghề luôn phải sống hầu như đơn độc và xa cách mọi người? Theo thánh Grêgôriô de Nysse, cuộc sống chăn chiên của Môsê cho thấy ông không sợ hãi, dù phải trốn chạy. Ông luôn đối mặt với thất bại và ngày qua ngày chắc ông luôn tự hỏi, tại sao ông thất bại, tại sao ông phải đau khổ, tại sao việc đó lại xảy ra như vậy? Và ai đã để cho nó xảy ra?

Dần dần, chính những đau khổ, dằn vặt thanh luyện Môsê, giúp ông tỉnh thức đợi chờ. Ông tự thanh luyện khỏi sự tự tin mù quáng vào những phương pháp, những kỹ thuật, những khả năng, những chương trình của riêng mình. Ông hiểu rằng không chỉ nói với người khác một câu là họ theo mình. Trách nhiệm hướng dẫn người khác rất khó khăn, phức tạp, đòi phải xem xét, phải suy nghĩ kỹ càng, chín chắn về những ý nghĩ ta có về người khác, và còn phải để ý xem thực sự họ là người thế nào.

Nhờ được thanh luyện như vậy, có lẽ Môsê có một cái nhìn hoàn toàn mới mẻ về cuộc sống. Ông nhận ra mình không thể làm được gì nếu không có bàn tay Thiên Chúa phù trợ.

Cũng nhờ trải qua những năm tháng thanh luyện, Môsê hiểu sáng kiến của Thiên Chúa là gì: không phải ông đi tìm Chúa, nhưng chính Chúa tìm ông và tìm ông chính nơi ông đang sống. Nơi Môsê đang sống là đâu? Sa mạc, một nơi đáng thương, một nơi bị nguyền rủa. Kinh thánh diễn tả sa mạc là nơi chó sói, rắn rít, bọ cạp ở; nhưng đó cũng là nơi Thiên Chúa hiện diện và tỏ vinh quang của Ngài.

Chúng ta suy nghĩ một chút về Môsê của giờ phút này. Ông đã hoàn toàn thay đổi, ông thực sự hoán cải. Sự nhận biết Chúa của ông rất khác với trước đây.

Trước đây, ông coi Chúa như một ông chủ khắc nghiệt, dùng người rồi vứt bỏ. Để phục vụ vị Chúa đó, phải làm rất nhiều việc: làm cách mạng, hi sinh địa vị cao sang, bước đến với anh em đông bào, liều mạng sống vì họ, để rồi cuối cùng, bị khinh chê, cười nhạo và bỏ rơi. Bây giờ, ông mới hiểu Chúa là Đấng giầu lòng thương xót. Chúa yêu thương ông, quan tâm đến ông, săn sóc ông dù ông thất bại, bị quên lãng, bị loại trừ. Và Thiên Chúa đó không phải là một Thiên Chúa khác lạ đối với Môsê: “Ta là Thiên Chúa của cha ông ngươi, Thiên Chúa của Abraham, Thiên Chúa của Isaac, Thiên Chúa của Giacóp”.

Trước đây, Môsê hành động như chính ông là người chịu trách nhiệm về dân Israel, như ông là người coi sóc dân ông, như chỉ có ông hiểu rõ anh em đồng bào mình và những nỗi khổ cực của họ. Bây giờ, ông mới hiểu, không phải ông thấy nỗi khổ của dân Israel, mà là Thiên Chúa thấy dân Người trong cảnh lầm than bất hạnh.

Những nhận thức rõ ràng đó giúp ông sẵn sàng đón nhận ơn gọi và sứ mạng Chúa trao. Giờ đây, ơn gọi và sứ mạng đó rõ ràng hơn, minh bạch hơn.

Môsê hiểu nền tảng cốt yếu của ơn gọi là gì. Trước hết, ơn gọi đó do Thiên Chúa khởi xướng. Sau hai giai đoạn của cuộc đời đầy đắng cay, đau khổ, tan vỡ ảo tưởng, ông mới khám phá ra chính Thiên Chúa mới là Đấng khởi xướng công trình cứu độ, chứ không phải ông. Ông chỉ là người được sai đi thực hiện chương trình của Ngài. Khi Môsê khám ra điều đó, Chúa sai ông đi: “Ta sai ngươi đến với Pharaô để đưa dân Ta là con cái Israel ra khỏi Ai Cập.”

Nhìn dưới khía cạnh đức tin, ba giai đoạn trong cuộc đời Mô-sê là những giai đoạn trong hành trình đức tin của ông. Chúa thanh luyện ông từng bước và hoàn toàn đổi mới đức tin của ông. (Về đức tin của Mô-sê: thư Do Thái 11, 23-29; đọc thêm về đức tin của các tổ phụ: thư Do Thái ch.11 và 12, 1-4).

Để hiểu ơn gọi của Mô-sê và của chúng ta rõ hơn, chúng ta cùng nhau suy gẫm về lòng thương cảm của Chúa Giêsu, người mục tử nhân hậu, nhiệt tâm theo Mt 9, 35-10,1: “Bấy giờ, Người nói với môn đệ rằng: Lúa chín đầy đồng, mà thợ gặt lại ít. Vậy anh em hãy xin chủ mùa gặt sai thợ ra gặt lúa về."

Chúa Giêsu như muốn nói: “Anh em đừng nghĩ anh em phải làm việc như đó là công việc của anh em. Anh em phải hiểu anh em đang làm việc cho chương trình của Thiên Chúa. Đừng như Môsê trong giai đoạn đầu của cuộc đời ông. Hãy để Thiên Chúa dẫn dắt anh em.” “Xin chủ mùa sai thợ gặt” có ý nghĩa gì? Có nghĩa là: xin hãy giúp chúng con xứng đáng là những người Chúa sai đi. Sai đi không phải để làm những gì chúng con thích, thực hiện chương trình chúng con đã hoạch định; nhưng luôn ý thức rằng chúng con được sai đi để làm theo chương trình của Chúa.

Chúng ta thấy có sự tiến triển trong ơn gọi của Môsê. Cũng như ông, chúng ta đã và sẽ trải qua những kinh nghiệm rất đau đớn, nhờ đó, chúng ta hiểu ngày một sâu xa hơn chân lý nền tảng của mọi ơn gọi: không phải chính chúng ta hoạt động và đổi mới, nhưng chính sáng kiến của Thiên Chúa thấm nhập toàn bộ đời sống và làm biến đổi tất cả những gì đã xảy đến và sẽ xảy đến nơi chúng ta và nơi mọi người.

Câu hỏi gợi ý:

1. Trong cuộc đời Kitô hữu của tôi, tôi đang ở giai đoạn nào của Môsê? Tôi có thể ở cả 3 giai đoạn về một khía cạnh nào đó.  Mỗi ngày, mỗi công việc, mỗi dự định tôi làm đều có thể đang diễn tiến theo 3 giai đoạn trên.

2. Đau khổ, chán nản, thử thách, thất bại trong đời sống có làm tôi quị ngã không? Nếu chưa gặp đau khổ, thử thách, thất bại, có thể chúng ta gặp thất bại về đời sống đạo: chưa xây dựng được đời sống đạo sâu xa, còn sống quá hời hợt, bề ngoài.

3. Những đau khổ, thử thách, thất bại (có khi do chính tôi, có khi do người khác) có làm tôi chai lì, xơ cứng, không còn muốn đối diện với chính mình, không còn muốn nhìn lại đời sống mình cách trung thực không?

4.  Những điều đó có thanh luyện tôi, giúp tôi khám phá ra chân lý này: tôi không thể làm gì nếu chỉ dựa vào sức riêng mình không?

5.  Tôi có chiếm quyền làm chủ của Chúa không? Nếu có, sự chiếm quyền đó biểu lộ thế nào và đâu là nguyên nhân?

 (Xin đọc Cv 7, 20-34 & cuộc đời Môsê trong Xuất hành)

[1] Các bài suy niệm phỏng dịch từ “Vie de Moise, vie de Jesus et existence pascale”, Éd. St.-Augustin-St-Maurice, Suisse, 1994



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét