Một thượng hội đồng để cứu Amazon và Giáo hội (3/3)
cath.ch, Jean-Claude Gérez, 2019-09-22
Trong khu vực mục vụ của Assurini, một vùng nông thôn khó tiếp cận của Bang Para, miền bắc Ba Tây, linh mục Jose Geraldo Magella Vidal năm nay 53 tuổi một mình làm việc để hỗ trợ Giáo hội công giáo thiếu phương tiện, nhưng không thiếu thiện chí.
Linh mục Geraldo, người dân ở đây quen gọi cha với tên này, phanh chiếc xe pick-up của mình trên triền dốc. Trước mặt cha là con đường đất đỏ lầy lội không thể đi được, con đường dài cả mấy cây số biến thành bãi trượt băng bùn lầy. Vài chục mét bên dưới, một người đi xe gắn máy cùng với một người đàn ông đến giúp một tay để đẩy chiếc xe của anh bị dấn sâu trong bùn lầy dưới hố nước sâu. Một trong hai người nói với linh mục: “Ngay cả chiếc 4 × 4 của cha cũng không đi được cha à. Có người đã đi tìm xe máy ủi, nhưng họ chỉ đến được vào buổi chiều”.
Quay trở lại xe, cha Geraldo dùng điện thoại di động để hỏi. Không có mạng. Cha nói: “Dù sao cũng rất hiếm trong vùng này. Như thế chúng ta sẽ thay đổi đường đi. Vì nếu đi đường vòng để đi dâng thánh lễ ở cộng đoàn “4 Bocas” tôi phải đi mất nửa ngày. Tôi sẽ nhờ anh đi xe gắn máy nhắn tôi chỉ có thể đến vào cuối tuần. Tôi nghĩ dù sao họ cũng thích tôi dâng lễ vào ngày chúa nhật. Cũng đã lâu rồi họ không có thánh lễ!”
Cha mỉm cười nói thêm: “Bạn thấy đó, đó là công việc của một linh mục ở Amazon. Chúng tôi phải yêu những chuyện bất ngờ và chấp nhận thích nghi với thực tế!”
Khi đường quá xấu, linh mục Geraldo tiếp tục đi bộ © Jean-Claude Gerez
Diện tích mục vụ trải dài trên 5000 cây số vuông
Ở đây người dân gọi cha là cha Geraldo, mỗi thứ ba từ hừng đông cha đã rời thành phố Altamira, một thành phố có 120,000 dân, vùng đất mênh mông của giáo phận Xingu, 370’000 cây số vuông ở Bang Para, trung tâm vùng Amazon phía Ba Tây. Cha đi chuyến phà đầu tiên lúc 6 giờ sáng. Sau 45 phút băng qua sông Rio Xingu, một nhánh sông nhiều người qua lại ở dòng sông Amazon, cha đến khu vực mục vụ Assurini được Đức Giám mục Mgr Erwin Kräutler thành lập năm 2008, bây giờ ngài là Giám mục danh dự sau khi đã phục vụ ở đây gần 40 năm. Cha Geraldo cho biết: “Khu vực này rộng hơn 5000 cây số vuông, gồm có 30’000 giáo xứ ở rải rác trong 50 cộng đồng.”
Xin đọc thêm: Đức Giám mục Erwin Kräutler: “Thượng hội đồng phải quyết định phong chức phó tế cho phụ nữ”
Trong một thời gian dài, Assurini được xem như vùng xa tất cả mọi thứ, nơi người thành phố thỉnh thoảng đến nghỉ cuối tuần. Cha cho biết: “Nhưng bây giờ dân số đã thay đổi. Ngày nay có nhiều gia đình ở đây từ chối không muốn sống trong các khu vực tái định cư đô thị tập thể (RUC) ở ngoại ô Altamira. Năm 2012, khi nhà nước xây đập thủy điện Belo Monte, họ được bồi thường một số tiền ít ỏi, họ dùng tiền này để mua mảnh đất nhỏ, họ thích sống ở đây. Khi rời Altamira, nhiều người trong số này đã trung thành với Giáo hội công giáo. Nhưng vì không có mục vụ tại đây nên ít người ở lại”.
Chỉ một linh mục trong sa mạc mục vụ
Cha Geraldo nhận thức được tất cả các việc này trước khi bắt đầu phiêu lưu. Linh mục Geraldo cho biết: “Tôi gốc thuộc giáo phận Mariana ở Bang Minais Gerais, miền trung Ba Tây. Tôi làm việc trong Phong trào Tin Mừng Đại chúng (MEPE) và cùng làm việc với Phong trào Nạn nhân Đập Thủy điện (MAB). Khi chương trình xây đập Belo Monte đưa ra, tôi thuyết phục giám mục gởi tôi đến đây làm truyền giáo.” Và thế là năm 2011, linh mục Geraldo đến Altamira. Cha làm việc ở nhiều giáo xứ trong vùng và cùng đồng hành với người dân bị ảnh hưởng bởi việc xây đập Belo Monte.
Nhà nguyện Sao Sebastiao cũng được dùng để làm trường học | © Jean-Claude Gerez
Cha Geraldo nhớ lại: “Tháng 3 năm 2018, Đức Giám mục Joao Muniz Alves, giám mục hiện tại ở đây đã hỏi ba mươi cha xứ của giáo phận xem có ai tình nguyện đi truyền giáo ở Assurini thay thế một linh mục người bị đã lớn tuổi hay không.” Giám mục cho biết, điều kiện sống ở đây bấp bênh và công việc truyền giáo rất khó khăn. Ngài cũng nhấn mạnh đến tầm quan trọng của khía cạnh xã hội của người truyền giáo tương lai và mối quan tâm của ngài đối với việc bảo vệ môi trường. Cha Geraldo nhớ lại: “Không chút do dự, tôi nhận lời ngay. Nhưng tôi thực sự không lường được thế nào là linh mục duy nhất trong vùng sa mạc mục vụ này.”
Để có một “viri probati” rộng lớn hơn
Giai đoạn cộng đoàn “4 bocas” bị hoãn lại để chú tâm cho Sao Sebastiao do Mocotto, một cộng đoàn có gần 200 gia đình cách bến tàu ba giờ đường. Ở trong rừng già nhiệt đới, thị trấn lớn trải dài trên con lộ chính bằng đất, có hai trạm xăng, trường học, một ngôi chợ nhỏ, một trạm y tế, nhà nguyện bằng gỗ và ba… nhà thờ tin lành. Ông Seu Sebastião Nobrega, 66 tuổi, giáo dân ở Oliveira người sinh hoạt nhiệt thành cho giáo xứ giải thích: “Cha Geraldo đến thăm chúng tôi một hoặc hai lần mỗi tháng và đã giúp chúng tôi rất nhiều trong việc xây nhà nguyện. Nhưng tiếc là quá ít để giữ giáo dân trong khi có rất nhiều nhà thờ tin lành ở đây và tất cả các mục sư đều sống ở đây”.
Khi được hỏi chân dung “lý tưởng” của ông về vấn đề “các ông đức hạnh đã lập gia đình có thể chịu chức” (viri probati) chủ đề sẽ được đề cập đến trong Thượng hội đồng Amazon diễn ra ở Rôma vào ngày 6 đến 27 tháng 10 sắp tới, ông Seu Sebastião nhăn mặt: “Vì không có đủ linh mục và vì không có ơn gọi nơi các người trẻ nên những người đàn ông đã lập gia đình có thể chịu chức, tôi đồng ý với nguyên tắc này. Nhưng cá nhân tôi, tôi cảm thấy không cáng đáng được trách nhiệm này vì có rất nhiều việc phải làm và vì tuổi tác và sức khỏe không cho phép”. Để có thể thay đổi, ông Seu Sebastião đề nghị nên mở vấn đề này ra với những người đàn ông trẻ hơn. Thậm chí là phong chức cho phụ nữ.
Phụ nữ tích cực hơn trong công việc truyền giáo
Sandra, con gái 37 tuổi của ông hiểu vấn đề, cô có cái nhìn dứt khoát: “Tôi hy vọng Thượng hội đồng Amazon sẽ cho phép phụ nữ làm phó tế. Vì tôi thấy ở Amazon bây giờ chính phụ nữ là những người tích cực nhất trong việc truyền giáo”. Cô Sandra là mẹ của hai người con, cô cho rằng kinh nghiệm này giúp người phụ nữ dấn thân nhiều hơn và hợp pháp hơn vào công việc của Giáo hội. Cô giải thích: “Tôi di cư đến ở Guyana trong vòng mười năm, tôi làm việc với những người đãi vàng trong rừng. Tôi đi nhà thờ tin lành vì không có nhà thờ công giáo gần đó. Và tôi biết có rất nhiều người như tôi”.
Sandra, giáo viên, cô muốn dấn thân nhiều hơn trong sứ vụ | © Jean-Claude Gerez
Trở về nhà sau khi được chữa lành ung thư vú, cô Sandra hứa sẽ dấn thân nhiều hơn nhưng với điều kiện là tôi được “huấn luyện về mặt thần học”. Tài trợ cho các nhà truyền giáo vẫn là một vấn đề. Cô nói: “Tôi là cô giáo. Tôi không thể bỏ toàn thì giờ vào sứ vụ mà không có thu nhập thêm”. Một thực tế được cha Geraldo thông cảm: “Vấn đề tài chính thường là trở ngại chính ngăn chận sự dấn thân của giáo dân. Thượng hội đồng phải suy nghĩ đến vấn đề này. Trong số các điểm cần xem lại, tôi nghĩ chúng ta cần nhấn mạnh đến tầm quan trọng của bổn phận đóng vào quỹ thập phân”.
Năm lễ rửa tội, một thánh lễ và một sinh nhật
Tiền quỹ thập phân này đặc biệt có kết quả trong suốt thời gian cha đến cộng đoàn Villa Ressaca ngày hôm sau. Sau một đêm nằm võng ở mái hiên nhà ông Seu Sebastião và bị muỗi cắn không thương tiếc, cha Geraldo lại lên đường. Sau nhiều giờ trên các con đường gập ghềnh để đến bản làng có 120 gia đình, cha cho biết: “Chương trình gồm có năm lễ rửa tội, một thánh lễ và một bữa ăn sinh nhật trong nhà giáo dân! Tôi rất thích dâng lễ ở nhà giáo dân, giúp chúng tôi tạo mối tình thân và gần gũi với nhau”. Nhất là trong một khoảng không gian nhỏ bé.
Nhà nguyện công giáo rất sơ sài | © Jean-Claude Gerez
Thu vào một góc đàng sau bàn thờ dựng tạm, cha Geraldo đứng trước khoảng sáu mươi người tập trung dưới mái hiên của một căn nhà rộng lớn; chung quanh là các cây ca cao đầy trái chín. Cha hỏi: “Ai là cha mẹ đỡ đầucc các em rửa tội?” Trong số các người được chọn có một bà đi tới: “Thưa cha, con ở trong nhóm Hội đồng của Chúa, như vậy có là một vấn đề không?” Cha Geraldo trả lời: “Chuyện này không quan trọng với cha, điều quan trọng là chúng ta gặp nhau trong lời cầu nguyện!” Trong thánh lễ, cha hỏi: “Ai mừng sinh nhật của mình hôm nay?” Một em bé tuổi vị thành niên rụt rè tiến lên. Cha Geraldo nói: “Con à? Vậy thì mình có hai người, hôm nay cũng là sinh nhật của cha!”
Nhà thờ là chỉ để cho những dịp lễ quan trọng
Vào cuối buổi lễ, chung quanh lò thịt nướng là các trao đổi về các khó khăn của Giáo hội ở Amazon. Một ông ngoài năm mươi có bàn tay xương xẩu nói: “Người dân chỉ đến nhà thờ trong những dịp lễ quan trọng như rửa tội, đám cưới, tang lễ.” Một bà ngồi bên cạnh ông nhớ lại: “Trước đây đi nhà thờ là dịp duy nhất để có sinh hoạt xã hội. Nhưng từ khi vùng này có điện, người dân thích ở nhà xem truyền hình, thanh niên thì thích lướt mạng hơn là đến nhà thờ nghe Lời Chúa.” Một bà mẹ đỡ đầu cho một người rửa tội nói: “Còn tôi, tôi đến nhóm Hội đồng của Chúa vì ở đó tôi cảm thấy mình được đón nhận. Tôi nghĩ vai trò của Giáo hội là nói về Chúa, chứ không phải là sinh hoạt xã hội”.
Nhà nguyện công giáo rất sơ sài | © Jean-Claude Gerez
Ông Elisvaldo Crispim Gomes không đồng ý. Ông sống bên bờ sông Rio Xingu, cách đập thủy điện Belo Monte vài cây số đường chim bay, ông 42 tuổi người vóc dáng thon thả và rất thích “đọc Lời Chúa.”. Ông cho rằng: “Giáo hội phải bảo vệ những người nghèo khổ nhất đứng trước những người quyền lực, nhất là khi môi trường bị nguy hiểm”. Và ông hiểu mình đang nói gì. Cách đây hai mươi năm, Viện Thực dân và Cải cách nông nghiệp quốc gia (Incra) cho ông và bốn anh chị em của ông 50 mẫu đất bên bờ sông Rio Xingu để canh tác. Ít nhất ông và gia đình có cái gì để sống đúng phẩm giá cho đến ngày đập Belo Monte được xây.
“Vùng đất dưới nước”
Ông Gomes kể: “Tôi là nạn nhân của rất nhiều áp lực từ phía tập đoàn xây đập thủy điện, họ buộc tôi phải rời vùng đất của tôi với một số tiền bồi thường không xứng đáng, nhưng tôi cự lại”. Người nông dân đã cố gắng huy động các láng giềng của mình để cùng tập thể để nói lên quyền của mình. Linh mục Geraldo cùng đồng hành với họ trong việc này, cha lấy làm tiếc: “Nhưng việc này đã không làm được, cuối cùng các người láng giềng đã được đền bù xứng đáng nhưng ông Gomes phải trả giá vì bị cho là kẻ nổi loạn. Dù vậy, điều tệ nhất vẫn chưa đến. Ông Gomes kể: “Một buổi sáng, tôi ra khỏi nhà. một phần đất của tôi chìm dưới nước. Kể cả con đường vào làng. Chúng tôi bị cắt đứt với thế giới bên ngoài”.
Giai đoạn này đã làm ông Gomes lung lay trong niềm tin của mình. Ông thú nhận: “Khi Đức Giám mục Erwin Kräutler chiến đấu chống xây đập Belo Monte, tôi nghe ngài nhưng tôi nghĩ, con đập này sẽ mang đến cho người dân vùng này một đời sống tốt hơn. Nhưng tôi chưa hiểu tầm quan trọng của hiểm nguy”. Bây giờ ông xác quyết vai trò của Giáo hội công giáo là “cứu ngôi nhà chung đang bị nguy hiểm”. Và ông kết luận: “Năm ngoái tôi đã tích cực tham dự hai cuộc họp chuẩn bị cho Thượng Hội đồng được tổ chức ở cánh mục vụ Assurini. Tôi nhận thấy có rất nhiều mối lo âu. Vì vậy tôi hy vọng với Thượng Hội đồng, cả thế giới sẽ nghe tiếng kêu tuyệt vọng đau khổ của người dân vùng Amazon”.
Một Thượng Hội đồng cốt tử cho hành tinh
Sau gần một tuần dọc ngang vùng mục vụ Assurini trên chiếc xe 4 × 4, cuối cùng linh mục Geraldo đi bộ đến cộng đoàn “4 bocas”. Trễ, vì con đường thật sự không thể đi được. Sau hai giờ đi bộ dưới ánh mặt trời chói chang, đôi giày đôi khi bị kẹt trong bùn, cuối cùng linh mục cũng đến được ngôi nhà nguyện màu be. Bên trong gần một chục người đang chờ dự thánh lễ. trong bài giảng, cha Geraldo nhắc đến Thượng hội đồng Amazon: “Cuộc họp sẽ diễn ra ở Rôma vào tháng mười dưới trách nhiệm của Đức Giáo hoàng Phanxicô là nền tảng cho tương lai của vùng Amazon. Và đó cũng nền tảng tương lai của hành tinh. Để cứu công trình tạo dựng của Thiên Chúa chúng ta”.
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét