Tin tức về Thượng Hội Đồng Amazon trên các trang mạng tiếng Anh không có nhiều. Lưu lượng tin tức ít hẳn so với các Thượng Hội Đồng trước đây, nhất là so với Thượng Hội Đồng về gia đình. Hôm nay 21/10, Vatican news vắn tắt đưa tin về phiên họp toàn thể thứ 14 và cuộc họp báo ngày 21/10.


Phiên họp toàn thể thứ 14

Phiên họp trên diễn ra vào sáng thứ Hai, 21/10, dưới sự chủ tọa của Đức Giáo Hoàng Phanxicô và sự hiện diện của 184 nghị phụ.

Đức Hồng Y Claudio Hummes, Tổng tường trình viên, trình bầy dự thảo Tài Liệu Sau Cùng. Bản này thu thập các can thiệp đã đưa ra trong thời gian qua, nhất là từ các nhóm nhỏ, và sẽ được đưa ra thảo luận trong các nhóm nhỏ, một cách “tập thể”.

Các sửa đổi sẽ được lồng vào Tài Liệu Sau Cùng bởi vị Tổng tường trình viên và các vị Thư Ký Đặc Biệt, với ý kiến của các chuyên viên. Sau đó, bản văn sẽ được Ủy Ban Soạn Thảo duyệt lại; và vào chiều thứ Sáu tới, nó sẽ được đọc một lần nữa tại Phòng Họp của Thượng Hội Đồng, trong phiên họp toàn thể thứ 15. Cuối cùng, vào chiều thứ Bẩy, trong phiên họp toàn thể thứ 16, các nghị phụ sẽ bỏ phiếu thông qua tài liệu.

Vatican News không đưa tin gì về nội dung phiên họp toàn thể thứ 14. Tuy nhiên, họ có loan tin: Phiên họp khởi đầu bằng buổi đọc kinh Thần Vụ. Sau đó là bài giảng của Đức Tổng Giám Mục Héctor Cabrejos Vidarte của Trujillo, Mexico, vị cũng là Chủ tịch của CELAM tức Liên hội đồng các giám mục Châu Mỹ La Tinh và vùng Caribbean.

Đức Tổng Giám Mục mời gọi các vị hiện diện nhìn vào gương sáng Thánh Phanxicô Assisi và “Ca Khúc Tạo Vật” của ngài. Vì theo Đức Tổng Giám Mục, “đối với Thánh Phanxicô, cái đẹp không phải là chuyện thẩm mỹ, mà là chuyện tình yêu, huynh đệ bằng bất cứ giá nào, ơn thánh bằng bất cứ giá nào”. Thánh nhân ‘ôm ấp mọi tạo vật bằng một tình yêu và tận tụy chưa từng thấy, nói với chúng về Chúa và khuyên nhủ chúng ca tụng Người. Theo nghĩa này, Thánh Phanxicô quả là người phát khởi tình cảm đối với thiên nhiên thời trung cổ”.

Đức Tổng Giám Mục Trujillo nói rằng ba từ ngữ “biết, nhìn nhận, phục hồi” là 3 tiêu mốc trong hành trình thiêng liêng của Thánh Phanxicô; nghĩa là, biết Thiên Chúa cao cả, nhìn nhận các ơn phúc của Người, và dâng lời ca tụng Người. Nếu, đối với Thánh Phanxicô, tội là việc tước đoạt “không những ý chí mà còn cả điều tốt” mà Chúa thực hiện nơi con người; thì trái lại, ca tụng có nghĩa là phục hồi. Đức Tổng Giám Mục nói, “Con người thiếu khả năng ca tụng Thiên Chúa như họ đáng lý phải làm, vì tội đã làm thương tổn mối tương quan con thảo của họ” với Chúa.

Bởi thế, như chính Thánh Phanxicô quả quyết trong “Ca khúc”, chính các tạo vật thi hành công việc trung gian để đem lời ca tụng dâng lên Thiên Chúa. Thực vậy, các tạo vật có thể lấp đầy khoảng trống do con người tạo ra, những hữu thể, vì tội lỗi, không còn xứng đáng dâng lời ca tụng nữa. Đức Tổng Giám Mục nói rằng “Thánh Phanxicô khám phá nơi Thiên Chúa thế đứng của sáng thế và khôi phục Sáng Thế cho Thiên Chúa, vì ngài thấy nơi Người không những Chúa Cha của mọi người, mà còn của mọi loài nữa”.

Phiên họp buổi sáng đã kết thúc với một vị khách đặc biệt; vị này tập chú vào chủ đề sinh thái toàn diện, nhất là trong tương quan với việc thay đổi khí hậu.

Cuộc họp báo ngày 21 tháng 10

Tiếp sau phiên họp toàn thể thứ 14 của Thượng Hội Đồng Amazon vào buổi sáng, văn phòng Báo Chí của Tòa Thánh đã tổ chức cuộc họp báo để một số tham dự viên Thượng Hội Đồng trả lời các câu hỏi của báo chí về một số vấn đề.

Bộ trưởng Truyền thông, Tiến sĩ Paolo Ruffini, đã mở đầu cuộc họp báo. Ông xác nhận rằng Đức Hồng Y Claudio Hummes, Tổng giám mục hưu trí của Sào Paulo, đã trình bày dự thảo bản văn về điều sẽ là tài liệu cuối cùng của Thượng Hội Đồng. Bản văn chứa các chi tiết về những gì đã được thảo luận trong cả các phiên họp toàn thể lẫn các nhóm làm việc nhỏ. Những vấn đề này bao gồm hội nhập văn hóa, và hoán cải truyền giáo và sinh thái, và nhiều vấn đề khác. Tuy nhiên, thông điệp chính được đề nghị là “diễn trình lắng nghe vẫn chưa kết thúc”.

Bà Marcivana Coleues Paiva

Bà Marcivana Coleues Paiva đại diện cho người bản địa Sateré-Mawé ở bang Amazonas, Ba Tây. Bà đề cập đến vai trò tích cực của phụ nữ trong lãnh thổ của mình. Bà cũng cho biết Bà đến Thượng hội đồng với tư cách là nhân chứng cho người dân bản địa sống trong bối cảnh đô thị. 35.000 người trong số họ sống riêng ở thành phố Manaus. Người dân bản địa di cư đến các thành phố nơi họ phải đối đầu với kỳ thị và thường tự coi mình như “người vô hình”.

Đức Giám Mục Domenico Pompili

Đức Giám Mục Domenico Pompili phát xuất từ Rieti, Ý. Một trận động đất kinh hoàng xảy ra trong giáo phận của ngài hồi tháng 8 năm 2016 đã khiến hơn 250 người thiệt mạng và hàng ngàn người mất nhà cửa. Tái thiết vẫn còn lâu mới hoàn thành. Ngài nói rằng, Amazon là “một phúng dụ” cho một trái đất bị thương, và ngài phê phán “sự chú ý quá mức đối với các vấn đề kinh tế dành ưu đãi cho các thành phố lớn hơn là cho các vùng nông thôn”.

Cha Dario Bossi, M.C.C.J.

Cha Dario Bossi, M.C.C.J. là Bề Trên Cả của các nhà truyền giáo Comboni ở Ba Tây và đã sống 15 năm qua ở nước này. Ngài đề cập đến tác động của việc khai thác khoáng sản và thiệt hại gây ra bởi các công ty đa quốc gia. Ngài nói, khu vực của Ngài nằm ở trung tâm của Amazon. Nó bao gồm “mỏ lộ thiên lớn nhất để khai thác sắt”, một khu vực bao gồm 900 kilômét và trải rộng trên 100 cộng đồng.

Ngài nói, phá rừng là một vấn đề, bởi vì các công ty sử dụng gỗ để sản xuất nhiên liệu đang gây ô nhiễm. Ngài nói về ảnh hưởng của 30 năm chất thải độc hại đối với dân số và về việc thủy ngân trong nước ảnh hưởng đến trẻ em như thế nào.

Cha Bossi nói rằng một mạng lưới đại kết hợp tác với Hội đồng Giám mục Ba Tây, chứng tỏ ý thức và cam kết của các ngài về việc tìm giải pháp.

Đức Hồng Y Christoph Schönborn, O.P.

Đức Hồng Y Christoph Schönborn, O.P., Tổng Giám mục Vienna và Chủ tịch Hội đồng Giám mục Áo, đã nói với các nhà báo tại cuộc họp báo rằng Ngài đã dành hai tuần ở Thượng hội đồng Amazon để “nghe các kinh nghiệm của họ”. Tại Thượng Hội Đồng, Ngài nói rằng Ngài đã học được điều này “chúng ta không có gì để dạy Amazon”, nhưng chúng ta cần hiểu đâu là việc đóng góp của chúng ta. Ngài nói, Thượng Hội Đồng cung cấp một cơ hội để xem xét những người bị “chính trị thế giới lãng quên”, và để “đem tiếng nói” cho những người ở Vùng Amazon có cuộc sống đang bị đe dọa.

Theo ngài, các đề nghị tại Thượng hội đồng về hàng phó tế vĩnh viễn, là nhằm mục đích “giúp đỡ thừa tác mục vụ tại vùng lãnh thổ rộng lớn này”. Đề cập đến 180 phó tế vĩnh viễn phục vụ trong Tổng giáo phận Vienna của mình, Đức Hồng Y cho biết ngài nghĩ rằng hàng phó tế vĩnh viễn “hữu ích và có ý nghĩa đối với đời sống của Giáo hội”.

Một câu hỏi về khai mỏ

Cha Dario Bossi đã trả lời một câu hỏi về ảnh hưởng của chủ nghĩa duy khai khoáng, tức diễn trình khai thác tài nguyên thiên nhiên để xuất khẩu. Ngài khẳng định, không có gì bền vững trong diễn trình này. “Không hề có công lý liên thế hệ”. Cha Bossi đã đưa ra ví dụ về cộng đồng của chính ngài, một cộng đồng đã đứng lên chống lại thứ bạo lực này, và kêu gọi bồi thường. Ngài nói, họ bắt đầu bằng cách xây dựng một khu định cư mới cách xa các khu vực bị ô nhiễm, một dấu hiệu cho thấy “với chính các cộng đồng Amazon, người ta có thể tìm thấy hy vọng”.

Một câu hỏi về ấn tượng

Đức Hồng Y Christoph Schönborn được hỏi ngài học được gì từ Thượng hội đồng này và ngài đem theo được gì về Vienna. Ngài trả lời rằng Ngài rất ngạc nhiên bởi sự “can đảm của người dân bản địa đã sống trong đe dọa cả 500 năm”. Ngài nói, chúng ta phải “cảnh giác và chú ý đến việc những người này phải sống dưới áp lực, dưới nguy cơ bị tuyệt chủng trong nhiều thế kỷ có nghĩa lý gì. Ngài nói thêm, Mặc dù Giáo hội đã sử dụng tiếng nói của mình để bảo vệ họ trong quá khứ, nhưng điều đó vẫn chưa đủ. Ngài kết luận Chúng ta cần phải chú ý đến “những người không có tiếng nói”.

Một câu hỏi về các quyền lợi

Bà Marcivana Coleues Paiva trở lại vấn đề đô thị hóa; bà nói rằng việc trở thành “vô hình” ở các thành phố lớn có nghĩa là người bản địa không có quyền lợi nào. Bà nói, thừa tác vụ bản địa đóng một vai trò quan trọng trong việc mang lại cho những người sống ở khu vực thành thị “sự hỗ trợ và tính hiển thị”. Bà nói thêm, bản sắc văn hóa của họ gắn liền với lãnh thổ của họ. Họ không có bản sắc nếu không có đất đai riêng.

Một câu hỏi về các phó tế vĩnh viễn

Đức Hồng Y Schönborn được hỏi một câu hỏi tiếp theo liên quan đến vấn đề các phó tế vĩnh viễn. Ngài trả lời bằng cách gợi ý rằng nhiều linh mục nên sẵn sàng phục vụ ở Amazon. Ngài nói, “Châu Âu có rất nhiều giáo sĩ, nhưng công lý yêu cầu chúng ta phải làm điều gì đó". Đức Hồng Y nói, Thượng hội đồng đã thảo luận về vấn đề “liên đới ơn gọi”, và đồng ý rằng “toàn bộ Giáo hội có trách nhiệm chung đối với Amazon’.

Một câu hỏi về sự phát triển

Câu hỏi cuối cùng được đặt ra cho bà Marcivana Coleues Paiva và liên quan đến loại phát triển mà dân của bà vốn hy vọng. Bà nói, nền linh đạo của dân tộc bà tập chú vào trái đất, nơi mà “từ đó chúng tôi đã phát xuất. Đó là lý do tại sao chúng tôi có một mối liên hệ mạnh mẽ như vậy đối với trái đất”. Bà Marcivana Coleues Paiva kết luận, tổ tiên của chúng tôi đã chăm sóc trái đất cả hàng ngàn năm. Bà nói, đó là lý do tại sao, “tiếng kêu từ Amazon là phải chăm sóc mẹ trái đất”.