Trang

Thứ Sáu, 18 tháng 10, 2019

KITÔ HỮU VÀ CÔNG CUỘC TRUYỀN GIÁO


GÓC NHÌN ĐỨC TIN VÀ CUỘC SỐNG

Mọi Ki-tô hữu chúng ta đều biết rằng, “ ‘Bản chất Giáo Hội là truyền giáo’ (Vat II, AG 2). Giáo Hội được thành lập để truyền giáo. Từ hơn hai mươi thế kỷ qua, Giáo Hội đã luôn cố gắng thực hiện lệnh truyền này của Chúa Giêsu, nhờ đó, Tin Mừng đã được phổ biến rộng rãi khắp nơi trên thế giới. Giáo Hội bắt đầu từ một nhóm người rất nhỏ bé, nay đã trở thành một đại gia đình rộng lớn và phát triển mạnh mẽ khắp mọi nơi và mọi dân tộc” (LM Nguyễn Văn Hương, bài “Truyền giáo, sứ mạng chính yếu của người Ki-tô hữu”, NGUỒN daichungvienvinhthanh.com).

Chúng ta đã biết và nghe nói rất nhiều về công cuộc truyền giáo của Hội thánh, nhưng có lẽ, phần đông chúng ta lại nghĩ rằng công việc này là trách nhiệm thuộc hàng giáo phẩm, hàng giáo sĩ và các nhà truyền giáo chuyên biệt. Điều này dẫn đến một hệ quả đáng buồn, đó là phần đông tín hữu chúng ta lơ là đối với việc truyền giáo trong Hội thánh.

Thực vậy, “Nhiều tín hữu còn cho rằng loan báo Tin Mừng là công việc chuyên môn của linh mục, tu sĩ hay một số giáo dân chuyên nghiệp đã được học về Thần học, chứ không phải là bổn phận của chính mình. Nhiều vị có trách nhiệm lại cho rằng truyền giáo là mở những lớp giáo lý tân tòng để dạy cho người muốn theo đạo những bài học soạn sẵn hay bắt họ học thuộc lòng một số kinh. Nhiều người tích cực hơn thì mua các sách Kinh Thánh hay Tân Ước phát tặng cho anh em lương dân hay tặng quà cho họ trong những dịp lễ Tết...” (LM Nguyễn Ngọc Sơn, bài “Hiệu quả truyền giáo ở Việt Nam trong những năm gần đây - Nghi vấn và giải thích”, nguồn VietCatholic News 03 Mar 2009).

Thực tế cho thấy, một mặt, giáo dân chúng ta không quan tâm việc truyền giáo như là nhiệm vụ cấp bách của chính mình, mặt khác chúng ta chỉ lo có đạo và giữ đạo cho riêng mình, theo thói quen và nếp cũ. Nhiều người ngoài Công giáo nhìn vào việc chúng ta hành đạo thì thấy rằng chúng ta tập trung quá nhiều vào đạo hình thức, đạo sinh hoạt, đạo lễ nghi, đạo đoàn thể vv...

Thực vậy, “Nhìn vào đời sống người Kitô hữu hiện nay, chúng ta thấy có một khoảng cách khá lớn giữa điều người ta hiểu và điều người ta sống. Đời sống đạo tập trung vào các nghi lễ, các hoạt động bên ngoài hơn là vào niềm xác tín và cảm nghiệm bên trong.  


“Nhìn những cuộc hành hương với vài trăm ngàn người tham dự, mà người ở xa tiêu hàng triệu đồng, người ở gần tốn vài chục ngàn cho việc đi lại ăn ở, và nếu tính tổng cộng có thể lên tới hàng chục, hàng trăm tỷ đồng, trong khi hàng trăm ngàn học sinh vẫn còn thiếu lớp, cả triệu người tàn tật còn thiếu điều kiện sinh sống, hàng trăm ngàn người nghèo thất nghiệp đang phải chật vật kiếm ăn, thì có lẽ chúng ta phải nhìn lại cách thức bày tỏ lòng đạo của mình đối với Chúa và Đức Mẹ cho âm thầm, khiêm tốn hơn chăng?

“Nếu chúng ta chỉ rao giảng Lời Chúa như một người tiếp thị, quảng cáo Tin Mừng mà chưa phải là chứng nhân thực sự của Tin Mừng Đức Kitô với những hành động cụ thể trong đời sống thì việc truyền giáo vẫn khó đạt kết quả như lòng mong ước.” (x. LM Nguyễn Ngọc Sơn, bài và nguồn đd).


* TRUYỀN GIÁO LÀ GÌ?

Truyền giáo thường được người ta hiểu là giới thiệu Tin Mừng cho người chưa biết Chúa, và đưa họ vào Hội thánh Chúa qua việc dạy giáo lý, cử hành các Bí tích nhập đạo, và gia nhập cộng đoàn (x. Mt 28, 16.18-20). Đó là bề nổi của tiến trình gia nhập cộng đoàn Ki-tô hữu. Còn xét một cách sâu xa theo ý muốn Thiên Chúa qua Đức Giê-su Ki-tô, qua giáo huấn của Hội thánh, thì ta có thể tóm kết một số khái niệm cơ bản về truyền giáo, như sau:

-Truyền giáo là tiếp tục kế hoạch của Thiên Chúa

“Hoạt động truyền giáo không gì khác hơn, cũng không gì kém hơn là sự biểu lộ kế hoạch của Thiên Chúa, sự bày tỏ và thực hiện kế hoạch đó trong thế giới và trong lịch sử, chính trong lịch sử này rõ ràng Thiên Chúa đưa dẫn lịch sử cứu độ đến cùng đích nhờ việc truyền giáo” (Công đồng Vatican II, Sắc lệnh về hoạt động Truyền Giáo của Giáo Hội, 9; ĐGH Gioan Phaolô II, Thông điệp Sứ Vụ Đấng Cứu Độ, 41) (Nguồn giaoly.com).

-Truyền giáo là loan truyền tình thương của Thiên Chúa đến với con người

“Sứ vụ truyền giáo của Giáo Hội cốt yếu là loan truyền tình yêu, lòng thương xót và tha thứ của Thiên Chúa được mạc khải cho nhân loại qua cuộc đời, cái chết và sự phục sinh của Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta. Đó chính là việc loan báo Tin Mừng: Thiên Chúa yêu chúng ta và muốn mọi dân tộc hiệp nhất trong lòng thương xót yêu thương của Người” (ĐGH Gioan Phaolô II, Sứ điệp Ngày Thế Giới Truyền Giáo năm 2000) ( Nguồn giaoly.com).

-Truyền giáo là chia sẻ quà tặng (Đức Giêsu Kitô) mà Giáo Hội nhận được 

“Điều phân biệt Giáo Hội với những cộng đồng tôn giáo khác, đó là Giáo Hội tin vào Chúa Giêsu Kitô, và Giáo Hội không thể dấu ánh sáng quí báu đức tin dưới cái thùng (Mt 5,15), bởi Giáo Hội có sứ mạng chia sẻ ánh sáng đó với mọi người. Giáo Hội muốn dâng tặng đời sống mới Giáo Hội đã gặp được trong Chúa Giêsu Kitô, cho tất cả các dân tộc tại Á Châu, khi họ tìm kiếm sự viên mãn của sự sống, để họ có thể hiệp thông với Chúa Cha và Con Người là Chúa Giêsu Kitô trong quyền năng Chúa Thánh Thần” (ĐGH Gioan Phaolô II, Tông Huấn Giáo Hội tại Châu Á, 10) (Nguồn giaoly.com).

Xét như vậy thì ta có thể thấy rằng truyền giáo không chỉ là truyền đạt một số lý thuyết, kiến thức, giáo lý, lời dạy suông...mà chính là thông chuyển ánh sáng chân lý, sức sống thần linh vĩnh cửu, tình thương cứu độ, sự đổi mới toàn diện đến những người và những nơi đang cần đến.

* ĐỐI TƯỢNG TRUYỀN GIÁO: BẮT ĐẦU TỪ AI?

ĐGH Phan-xi-cô trong Tông Huấn Niềm Vui Tin Mừng (Evangelii Gaudium) về việc loan báo Tin Mừng trong thế giới ngày nay, đã đưa ra một phác đồ truyền giáo nhắm đến 3 đối tượng sau: (1) Cho những Kitô hữu bình thường, (2) cho những Kitô hữu không còn thực hành niềm tin và (3) cho những người chưa biết Chúa và Tin Mừng.

Thiết nghĩ, trước hết công cuộc truyền giáo nên bắt đầu từ chúng ta, những Ki-tô hữu bình thường. Tức là các tín hữu đã được chịu bí tích Rửa tội, đã gia nhập Hội thánh Công giáo và đang thực hành niềm tin của mình một cách căn bản. Chúng ta đang thuộc về đối tượng một (1), “gồm những người trong cộng đoàn giáo xứ, trong gia đình chúng ta. Mỗi người chúng ta cần phải tiếp tục Tin Mừng hóa bản thân bằng việc lắng nghe Lời Chúa, nội tâm hóa các giá trị Tin Mừng, thực hành Lời Chúa, nhờ đó chúng ta trở thành những người Kitô hữu đích thực, những người đượm chất Tin Mừng, chứ không phải chỉ là những Kitô hữu trên danh nghĩa. Từ việc Tin Mừng hóa bản thân, chúng ta có thể Tin Mừng hóa gia đình, giáo xứ và môi trường mà chúng ta sống. Có thể nói đây là phạm vi mục vụ thông thường“ (x. LM Nguyễn Văn Hương, bài và nguồn đd).


Dựa vào xếp loại và phân tích trên, chúng ta có thể nhận ra nơi nhóm đối tượng (1) ba nhu cầu chính: a- Tiếp tục Tin Mừng hóa bản thân bằng việc lắng nghe và thực hành Lời Chúa; b- Nội tâm hóa các giá trị Tin Mừng; c- Thực hiện việc Tin Mừng hóa gia đình, giáo xứ và môi trường sống chung quanh.


a-Tin Mừng hóa bản thân: lắng nghe và thực hành Lời Chúa

Trong đời sống đạo thường ngày, chúng ta có nhiều cơ hội được tiếp cận Lời Chúa để lắng nghe và thực hành. Chẳng hạn nghe các bài đọc và nghe công bố Tin Mừng trong các thánh lễ, nghe các mục tử giảng dạy, tham dự các lớp giáo lý và học hỏi Thánh Kinh, đọc và suy gẫm Lời Chúa vv...


Vấn đề là để giúp Tin Mừng hóa bản thân hiệu quả, chúng ta đã lắng nghe Lời Chúa thế nào? Chúng ta có nhiệt tình học hỏi Thánh Kinh? Chúng ta có sẵn cho mình và gia đình mình một cuốn Thánh Kinh Tân-Cựu Ước? Chúng ta có thường xuyên tham khảo sách Giáo lý Hội thánh Công giáo và các tài liệu giáo huấn của Hội thánh? Chúng ta có tham gia các đoàn-hội-nhóm trong giáo xứ chuyên trách mục vụ truyền giáo để được đào luyện về truyền giáo và thực hiện các việc truyền giáo một cách cụ thể? Chúng ta có biết lợi dụng các phương tiện truyền thông phổ biến như sách báo đạo-đời, internet, email, facebook vv...để học hỏi các vấn đề đức tin và Lời Chúa?


Bên cạnh đó, chúng ta tự hỏi xem mình đã cố gắng thực hành Lời Chúa dạy như thế nào? Chẳng hạn việc tuân thủ luật sống của người môn đệ Chúa dựa vào Tám Mối Phúc, nêu gương sáng Ki-tô hữu, tin tưởng vào Chúa quan phòng, trở nên hoàn thiện như Cha trên trời (Mt 5); Sống từ bỏ vì Nước Trời (Mt 19; Mc 10; Lc 18); Thực hành các giới răn quan trọng về tình yêu (Mt 22; Mc 12, 28-34; Lc 10); Phục vụ Đức Ki-tô trong anh em (Mt 25); Nêu gương phục vụ nhau (Ga 13) vv...

b-Nội tâm hóa các giá trị Tin Mừng

Trước khi lên đường thi hành mệnh lệnh truyền giáo của Đức Ki-tô, chúng ta phải trở nên những Ki-tô hữu chính danh. Công cuộc tái truyền giáo bản thân chính là từng giây từng phút trở nên môn đệ đích thực của Chúa Ki-tô. Việc này rất cấp thiết và đòi hỏi chúng ta phải kiên trì và tỉnh thức. Trước khi chúng ta trao ban cho người khác cái gì, chúng ta phải “có” cái ấy đã. Trước khi chúng ta rao giảng Lời Chúa, chúng ta phải là những chứng nhân đích thực. ĐGH Phao-lô VI nói: “Người thời nay tin vào chứng nhân hơn là thầy dạy”. Trước khi chúng ta truyền giáo cho người khác, chúng ta phải là những Ki-tô chính danh.

Thực vậy, “Danh hiệu Ki-tô hữu chân chính có nghĩa là tùy thuộc mọi khía cạnh đời mình vào con người của Chúa Giê-su Ki-tô và qua Ngài vào Thiên Chúa Cha. Ki-tô hữu tràn đầy nguồn sống Ki-tô can đảm khiến cho giáo huấn của Chúa Giê-su sống và hoạt động không bị thời gian xóa bỏ và làm suy yếu đi nơi chính bản thân mình. Mệnh lệnh truyền giáo được tháp vào con tim Công giáo. Cách tốt nhất để ‘Tin Mừng hóa bản thân và môi trường sống’ là nội tâm hóa Tin Mừng ấy, biến toàn bộ Tin Mừng trở nên máu thịt Ki-tô hữu.” (LM Nguyễn Văn Thượng, bài “Tin Mừng hóa nội tâm trước lệnh lên đường ”, nguồn giaophanmytho.net).


c-Thực hiện Tin Mừng hóa gia đình, giáo xứ và môi trường sống:

Song song với việc tái truyền giáo bản thân là việc Tin Mừng hóa gia đình của chúng ta, sau đó là giáo xứ và môi trường sống của chúng ta. Trước hết, phải khám phá ra nhu cầu tái truyền giáo của từng thành viên trong gia đình. Chẳng hạn, khởi xướng việc đọc Thánh Kinh và học hỏi Lời Chúa cùng với việc cầu nguyện chung trong gia đình qua giờ kinh tối hàng ngày hoặc hàng tuần. Nhắc nhở nhau năng tham dự thánh lễ và lãnh nhận các bí tích khi cần thiết. Xây dựng và củng cố mối liên kết thân ái giữa các thành viên trong gia đình, thực hành bác ái đối với nhau và nêu gương sáng cho nhau. Phải làm sao biến gia đình chúng ta trở nên một “Hội thánh tại gia” từ đó lan tỏa ánh sáng Tin Mừng ra thế giới bên ngoài.

Xét rộng hơn, gia đình Kitô hữu có nhiệm vụ làm tông đồ giáo dân. Công Đồng Vaticanô II đã khẳng định: “Từ gia đình, Ki-tô giáo thấm nhập vào tất cả các tổ chức cuộc sống và dần dần biến đổi các tổ chức ấy; nơi gia đình, vợ chồng tìm thấy ơn gọi riêng của mình là làm chứng cho nhau và cho con cái lòng tin và tình yêu Chúa Kitô. Gia đình Ki-tô giáo lớn tiếng loan truyền sức mạnh của Nước Thiên Chúa và niềm cậy trông vào một đời sống hạnh phúc. Như thế bằng gương lành và chứng tá, gia đình Ki-tô giáo thuyết phục thế gian đảm nhận tội lỗi mình, đồng thời sáng soi những kẻ đang tìm kiếm chân lý ” (x. CĐ Vat. II, Hiến chế Tín lý về GH, ch. IV “Giáo dân”, số 35).


* TRUYỀN GIÁO BẰNG ĐỜI SỐNG CHỨNG NHÂN KI-TÔ GIÁO

Truyền giáo bằng đời sống chứng tá là hình thức truyền giáo được xếp ưu tiên hàng đầu và là căn cơ nhất. Chia sẻ về đường lối truyền giáo bằng chứng tá đời sống, một tác giả đã nhấn mạnh: “Con người thời nay tin vào các chứng nhân hơn là các thầy dạy. Tin vào kinh nghiệm hơn là đạo lý, tin vào đời sống và các sự kiện hơn là các lý thuyết. Hình thức đầu tiên của việc truyền giáo là chứng tá đời sống Ki-tô hữu; hình thức này là điều không thể thay thế được. Chúa Ki-tô, Đấng mà chúng ta đang tiếp tục sứ mạng của Người, là ‘Vị Chứng Nhân’ tuyệt hảo (Kh 1,5 ; 3,14) và là khuôn mẫu cho chứng tá Ki-tô giáo. Chúa Thánh Thần đang đồng hành với Giáo hội trên bước đường của Giáo hội, đồng thời liên kết Giáo hội với lời chứng của người về Chúa Ki-tô (Ga 15, 26-27) (Nguồn Internet).

Chúng ta cũng lưu ý là một trong những cách thức hiệu quả nhất của việc truyền giáo bằng đời sống chứng tá, đó chính là nêu gương đời sống bái ái, “Truyền giáo bằng những việc làm cụ thể, bằng chính đời sống bác ái của mỗi người chúng ta. Chúng ta đến thăm viếng những người già, người nghèo, người đau khổ, người bị bỏ rơi trong xã hội. Chúng ta giúp đỡ họ, an ủi họ. Qua những việc làm cụ thể, họ nhận ra chúng ta là môn đệ Chúa Kitô. Bởi vì, lời nói lung lay, gương lành lôi cuốn. Những hành vi bác ái cụ thể là những bài giảng hùng hồn nhất về Thiên Chúa. Đây là cách thức truyền giáo hiệu quả nhất” (LM Nguyễn Văn Hương, bài và nguồn đd)./.

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét