Trang

Thứ Năm, 1 tháng 4, 2021

CUỘC KHỔ NẠN CỦA CHÚA KITÔ TRONG BỐN SÁCH TIN MỪNG

  

CUỘC KHỔ NẠN CỦA CHÚA KITÔ TRONG BỐN SÁCH TIN MỪNG

 

 

Trong các sách Tin Mừng, chúng ta có bốn câu chuyện riêng biệt về Cuộc Khổ Nạn của Chúa Giêsu, mỗi câu chuyện bổ sung cho những câu chuyện kia, để rồi chỉ khi xem xét cẩn thận và so sánh tất cả, chúng ta mới có thể hiểu được toàn bộ câu chuyện một cách đầy đủ và rõ ràng. Cả ba sách Tin Mừng đầu tiên giống nhau rất chặt chẽ trong bố cục chung của chúng, thực sự chặt chẽ đến độ người ta có thể cho là có một kiểu liên kết văn chương trong đó; nhưng Tin Mừng thứ tư, mặc dù người viết rõ ràng đã quen thuộc ít ra là với cung giọng chung của câu chuyện được ba sách kia kể lại, lại cho chúng ta một câu chuyện độc lập.

 

Nếu chúng ta bắt đầu bằng cách đánh dấu vào bất kỳ một trong những câu nào có nội dung trong cả hai cuốn còn lại của các sách Tin Mừng Nhất Lãm, rồi đọc những câu này liên tục, chúng ta sẽ thấy rằng chúng ta có trong đó một bản trình thuật ngắn gọn nhưng đầy đủ về toàn bộ câu chuyện khổ nạn. Tất nhiên là có rất ít chi tiết, nhưng tất cả những điều cốt yếu của câu chuyện đều có ở đó. Trong Tin Mừng Thánh Máccô các câu được đánh dấu sẽ như sau: 14: 1, 10-14, 16-18, 21-23, 26, 30, 32, 35-6, 41, 43, 45, 47-9, 53-4, 65 đến 15: 2, 9, 11-15, 21-2, 26-7, 31-33, 37-9, 41, 43, 46-7. Sự thay đổi ngôn từ là điều cần thiết để làm cho các câu Tin Mừng trôi chảy liên tục. Đôi khi việc phân đoạn sẽ không hoàn toàn trùng khớp với câu. Có thể câu hạt nhân này, là câu mà nhờ đó các trình thuật hiện tại của chúng ta dường như đã có sự phát triển, thể hiện một cách chính xác ít nhiều một số câu chuyện nguyên bản và cổ xưa hơn, cho dù bằng văn bản hay chỉ đơn thuần là truyền miệng thì cũng không quan trọng bao nhiêu, được biên soạn trong những ngày đầu tiên tại Giêrusalem. Câu chuyện ban đầu này, cho đến nay chúng ta có thể đánh giá từ những gì chung cho cả ba Tin Mừng Nhất Lãm, bao gồm sự phản bội, sự chuẩn bị của Bữa Tiệc Vượt qua, Bữa Tiệc ly, với một trình thuật ngắn gọn về việc thiết lập Bí tích Thánh Thể, Cơn Hấp hối trong Vườn Cây Dầu, việc bắt giữ và đưa Chúa Giêsu ra trước Caipha, cùng với việc tra xét Ngài ở đó và kết án vì tội phạm thượng. Sau đó, là sự chối Chúa của Phêrô và việc đưa Chúa ra trước mặt Philatô. Tiếp theo là câu hỏi của Philatô : “Ông có phải là vua dân Do Thái không?”  và câu trả lời của Chúa, “Ông đã nói ra điều đó”, với nỗ lực của Philatô giải thoát Ngài vì là ngày lễ, nhưng đã thất vọng trước sự đòi hỏi của dân chúng xin tha cho Baraba. Sau chuyện này, Philatô yếu ớt khuất phục trước sự khăng khăng của họ, và sau khi đã cho đánh đòn Chúa Giêsu, Philatô giao nộp Ngài đem đi đóng đinh trên thập giá. Bản thân câu chuyện về Sự đóng đinh là một câu chuyện ngắn. Câu chuyện bị giới hạn trong việc rút thăm chia áo, tấm bảng buộc tội trên đầu, sự chế nhạo của các thầy thượng phẩm, bóng tối linh thiêng, và bức màn của Đền thờ bị xé ra làm hai. Sau cái chết của Chúa Giêsu chúng ta có lời thú nhận của viên đại đội trưởng, lời cầu xin Philatô cho tháo xác Chúa Giêsu, và việc chôn cất, được bọc trong một tấm vải lanh trắng, trong ngôi mộ mới của Giuse được đục sẵn trong núi đá gần đó.

 

Để phân biệt điều gì là đặc biệt đối với mỗi Thánh sử, chúng ta phải chú ý đến một loạt các đoạn văn bổ sung đáng chú ý được tìm thấy cả trong Thánh Matthêu và Thánh Máccô. Không có sự trùng hợp tương tự nào giữa Thánh Matthêu và Thánh Luca, hoặc giữa Thánh Máccô và Thánh Luca. Những đoạn được lấy này là trong Thánh Máccô, như sau: Máccô 14:15, 19-20, 24-28, 31, 33-4, 37-40, 42, 44, 46, 50-2, 55- 8, 60-4; 15: 3-8, 10, 16-20, 23-4, 29-30, 34-6, 40, 42. Chúng có đặc tính mở rộng hơn là bổ sung. Vẫn còn một số đoạn trong đó có tầm quan trọng đáng kể, chẳng hạn như sự chế nhạo Chúa bởi những người lính ở Prætorium – Dinh Tổng Trấn, và tiếng kêu từ Thánh giá, “Lạy Thiên Chúa, Thiên Chúa của con, sao Ngài bỏ rơi con?” Có thể loạt bài này cũng là một phần của câu chuyện gốc bị Thánh Luca bỏ qua, Luca là người có nhiều thông tin đặc biệt về cuộc Khổ nạn. Một lời giải thích khác là Thánh Máccô đã mở rộng bản tường thuật ban đầu, và tác phẩm của ngài sau đó đã được Thánh Matthêu sử dụng . Những đoạn văn được chỉ tìm thấy ở Thánh Máccô là không quan trọng lắm. Câu chuyện về người thanh niên khỏa thân chạy trốn thường được coi là một hồi ức cá nhân. Chỉ mình Thánh Máccô nói về Đền thờ “do tay con người làm ra”, và ngài cũng là người duy nhất lưu ý rằng các nhân chứng giả không đồng ý với nhau. Thánh Máccô cũng đề cập rằng Simon người Cyrênê là “cha của Alexander và của Rufus”, không nghi ngờ gì bởi vì những người mà ngài đang nhắm viết cho đều biết những cái tên này. Cuối cùng, ngài là người duy nhất ghi lại sự kiện Philatô yêu cầu bằng chứng về cái chết của Chúa Kitô. Trong Tin Mừng Thánh Matthêu các nét riêng thì nhiều hơn và có một tính cách đặc biệt hơn. Đương nhiên, trong Tin Mừng Thánh Matthêu, được viết cho một nhóm độc giả là người Do Thái, có sự nhấn mạnh về vai trò của Chúa Giêsu là Đấng Kitô. Có một số đoạn mới thêm có những đặc điểm nổi bật và đặc biệt. Chúng bao gồm việc rửa tay của Philatô, giấc mơ của vợ Philatô, và sự phục sinh của các thánh tổ tông sau cái chết của Chúa Kitô, với trận động đất và việc các ngôi mộ bị bật vỡ. Những nét đặc biệt làm cho trình thuật của Thánh Luca về cuộc khổ nạn mang tính riêng biệt thì rất nhiều và quan trọng. Cũng như Thánh Matthêu nhấn mạnh đến tính cách của Đấng Mêsia, thì Thánh Luca nhấn mạnh vào toàn bộ tình yêu thể hiện nơi Chúa Giêsu, và cho thấy cuộc Khổ Nạn của Chúa Giêsu là hành động vĩ đại nhờ đó ơn cứu chuộc của nhân loại đã được hoàn tất. Thánh Matthêu là người duy nhất ghi lại lời tuyên bố của Philatô rằng ông không tìm thấy lý do nào nơi Chúa Giêsu để kết án; và cả cuộc tra hỏi trước Hêrôđê. Chỉ một mình Thánh Matthêu nói với chúng ta về thiên thần đã đến thêm sức mạnh cho Chúa Giêsu trong cơn hấp hối trong vườn Cây Dầu và, nếu cách diễn tả là đúng, về những giọt máu hòa với mồ hôi rơi xuống đất. Đối với Thánh Luca, một lần nữa, chúng ta mắc nợ ngài đối với sự hiểu biết của chúng ta về không dưới ba trong số bảy từ trên Thập giá: lời cầu nguyện cho những kẻ giết Ngài; đoạn nói về tên trộm ăn năn; và lời thốt ra sau hết: “Lạy Cha, con xin phó dâng linh hồn con trong tay Cha”. Cuối cùng, chỉ một mình Thánh Luca là người cho chúng ta biết về tác động gây ra đối với những người nhìn xem, là  những người trước đó không lâu lòng mang đầy hận thù, và cách họ quay trở về “đấm ngực ăn năn”.

 

Đặc điểm truyền thống của sách Tin Mừng thứ tư là được viết muộn hơn ba sách còn lại, sau khi ba sách này đã trở thành một phần tài sản tôn giáo của các Kitô hữu nói chung, và hoàn toàn được hình thành qua một cuộc nghiên cứu về cuộc khổ nạn. Mặc dù hầu như tất cả các chi tiết của câu chuyện đều mới, và toàn bộ đều được vạch ra trong một kế hoạch không có gì dựa trên cơ sở thông thường của các tác giả Tin Mừng Nhất Lãm, nhưng kiến thức về những gì các tác giả Tin Mừng Nhất Lãm đã viết đều đã được hàm chứa trong đó, và gần như là cần phải có trước khi có thể hiểu được đầy đủ sự trình bày tiếp sau đó của sách Tin Mừng này. Hầu hết các sự kiện quan trọng, hoàn toàn liên quan đến các sách Tin Mừng trước đó, hoàn toàn bị bỏ qua trong sách Tin Mừng thứ tư, một cách rất khó hiểu nếu chúng ta không có chìa khóa như thế. Ví dụ, không đề cập đến việc thiết lập Bí tích Thánh Thể, cơn hấp hối trong vườn Cay Dầu, hoặc việc xét xử và kết án trước Caipha. Mặt khác, chúng ta có một số lượng lớn các sự kiện không có trong các sáchTin Mừng Nhất Lãm. Chẳng hạn, việc Philatô háo hức muốn trả tự do cho Chúa Giêsu và ông chỉ khuất phục khi cuối cùng có một mối đe dọa nhất định từ các nhà lãnh đạo Do Thái; sự hiện diện của Đức Mẹ dưới chân Thập giá, và lời  trối cuối cùng của Chúa Giêsu cho Đức Mẹ và thánh Gioan. Điều quan trọng nhất có lẽ là ngọn giáo của người lính đâm vào cạnh sườn và máu cùng nước chảy ra. Một lần nữa, chỉ một mình Thánh Gioan là người cho chúng ta biết về mệnh lệnh phải đánh dập gãy chân của tất cả mọi tử tội, và rằng chân của Chúa Giêsu Kitô không bị đập gãy, bởi vì Ngài đã chết.

 

Ngay từ cái nhìn đầu tiên, có vẻ như có sự khác biệt giữa trình thuật của Tin Mừng thứ tư và trình thuật của các tác giả Tin Mừng Nhất Lãm, cụ thể là về ngày chính xác của cuộc đóng đinh, liên quan đến câu hỏi liệu Bữa Tiệc Ly, theo nghĩa chặt chẽ, có phải Bữa Tiệc Vượt Qua hay không. Nếu chúng ta chỉ có trình thuật của các tác giả Tin Mừng Nhất Lãm, chúng ta gần như chắc chắn quyết định rằng đó là Bữa Tiệc Vượt Qua, vì các tác giả Tin Mừng Nhất Lãm nói về việc chuẩn bị Lễ Vượt Qua, và không gợi ý rằng bữa ăn mà họ mô tả là bất cứ điều gì khác. Nhưng Thánh Gioan dường như đã bỏ nhiều công sức để chứng tỏ rằng Bữa Tiệc Vượt qua đã không được ăn cho đến ngày hôm sau. Thánh Gioan chỉ ra rằng người Do Thái sẽ không vào tòa án của Philatô, vì họ sợ sự ô uế, là điều có thể ngăn cản họ ăn Lễ Vượt Qua. Thánh Gioan rõ ràng đến nỗi chúng ta khó có thể nhầm lẫn ý nghĩa của ngài, và một số đoạn trong các Tin Mừng Nhất Lãm dường như thực sự chì về cùng một hướng. Ví dụ, ông Giuse Arimathia đã mua được vải lanh và các loại hương liệu để mai táng, điều này hẳn nhiên đã không thể thực hiện được vào đúng ngày lễ. Hơn nữa, một đoạn văn, thoạt nhìn có vẻ mạnh mẽ nhất theo hướng Bữa Tiệc Ly là Bữa Tiệc Vượt Qua, lại có một ý nghĩa hoàn toàn khác khi cách đọc được chỉnh sửa lại. Chúa Giêsu nói với các Tông đồ của Ngài rằng: “Thầy những khát khao mong mỏi ăn lễ Vượt Qua này với anh em trước khi chịu khổ hình. Bởi vì, Thầy nói cho anh em hay, Thầy sẽ không bao giờ ăn lễ Vượt Qua này nữa, cho đến khi lễ này được nên trọn vẹn trong Nước Thiên Chúa” ( Luca 22:15). Khi giờ ăn lễ Vượt Qua đã đến thì hẳn nhiên là Chúa Giêsu đã chết rồi, loại lễ Vượt Qua đó hẳn nhiên đã qua đi rồi, và Nước Thiên Chúa hẳn nhiên đã đến rồi.

 

 

Chú thích:

 

  • Trích dẫn APA. Barnes, A. (1911). Cuộc Khổ nạn của Chúa Kitô trong Bốn Phúc âm. Trong Từ điển Bách khoa Công giáo. New York: Công ty Robert Appleton. Nihil obstat. Ngày 1 tháng 2 năm 1911. Remy Lafort, STD, Người kiểm duyệt. Imprimatur. + Hồng Y John Farley, TGM New York.
  • Cập nhật ngày 1 tháng 3 năm 2021 từ New Advent: http://www.newadvent.org/cathen/11530a.htm
  • Bài báo này được chép lại cho New Advent của Douglas J. Potter. Dâng hiến cho cho Thánh Tâm Chúa Giêsu Kitô.

 

 

Phêrô Phạm Văn Trung chuyển ngữ.

 

https://www.newadvent.org/cathen/11530a.htm

 

https://thanhlinh.net/node/146364

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét