CHÚA NHẬT II PHỤC SINH
Quà tặng của lòng thương xót Chúa
Cv 4,32-35; 1 Gv 5,1-6; Gv 20,19-31

Chúa nhật II Phục Sinh được gọi là Chúa nhật Lòng Thương Xót. Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II thiết lập lễ này vào ngày 30 tháng 4 năm 2000 dựa trên lòng sùng kính của người Công Giáo đối với Thiên Chúa, do thánh Faustina Kowalska loan truyền. Qua thánh lễ này, Giáo Hội muốn cổ võ mọi người tín hữu khám phá và chạy đến lòng thương xót Chúa được biểu lộ qua Đức Giêsu Kitô, dung mạo hữu hình lòng thương xót Chúa.

Bởi thế, hôm nay, chúng ta suy niệm về những món quà mà Đấng Phục Sinh ban tặng cho chúng ta. Đó là: 1) Sự bình an; 2) Thánh Thần; 3) Ơn tha thứ.

1- Bình an cho các con

Trước hết, bình an là quà tặng đầu tiên mà Đấng Phục Sinh ban. Bình an là yếu tố quan trọng nhất để xây dựng cuộc sống và thi hành tốt sứ vụ. Có bình an sẽ có những thứ khác. Mất bình an sẽ mất hết mọi sự.

Quả thế, khi đối diện với cuộc tử nạn và cái chết tức tưởi của Thầy mình, các môn đệ rơi vào tình trạng lo lắng, sợ hãi và bất an. Họ ở trong phòng kín vì sợ người Do Thái. Khi hiện ra với các ông, Đấng Phục Sinh nói với họ: “Bình an cho anh em” (Ga 20,19). Tiếng Do Thái gọi là: “Shalom – bình an.” Người Do Thái chào nhau bằng từ này khi gặp nhau: Bình an cho anh (chị). Ở đây không chỉ là một lời chào hỏi xã giao, mà là một ơn huệ của Đấng Phục Sinh ban cho các môn đệ, như lời Chúa đã hứa trước: “Thầy ban cho anh em bình an của Thầy” (Ga 14,27).

Bình an của Chúa mang lại cho tâm hồn sự an ủi, niềm vui nội tâm và sức mạnh để vượt qua những khó khăn, thử thách của cuộc sống. Bình an Chúa ban không theo kiểu thế gian ban tặng. Vì bình an của Chúa ban thì bền vững và sâu lắng, còn bình an thế gian ban thì chóng qua và bên ngoài.

Xét như là ân huệ, bình an ở đây được hiểu là chính Đấng Phục Sinh. Vì Chúa Kitô chính là “Hoàng Tử Bình An” như lời tiên tri Isaia đã loan báo (x. Is 9,5) và được thánh Phaolô quả quyết, chính Chúa Giêsu là “bình an của chúng ta” (Ep 2,14). Bởi thế, trong thánh lễ, chủ tế lặp lại nhiều lần lời cầu chúc này: “Bình an của Chúa ở cùng anh chị em.” Điều này nhắc nhở chúng ta về tầm quan trọng của ơn bình an và chính Chúa Giêsu là nguồn mạch bình an cho tâm hồn, cho gia đình và cho tổ quốc. Ở đâu có Chúa, ở đó có sự bình an. Vì thế, chúng ta hãy mở lòng và chạy đến với Chúa, đặc biệt khi gặp khó khăn thử thách, để đón nhận bình an mà Người đã hứa ban, nhờ đó chúng ta sống và thi hành tốt sứ vụ của mình.

2- Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần (Ga 20,22)

Món quà thứ hai mà Đấng Phục Sinh ban tặng là Chúa Thánh Thần. Quả thật, Chúa Thánh Thần là Ngôi Ba Thiên Chúa, là tình yêu của Chúa Cha và Chúa Con, là Quà Tặng (Donum) của Chúa Cha và Chúa Con cho chúng ta. Cùng với Chúa Con, Chúa Cha sai Chúa Thánh Thần xuống để thực hiện một chương trình cứu độ duy nhất trong lịch sử nhân loại.

Mặc dầu Kinh Thánh đã nhiều lần nói tới sự hiện diện và hoạt động của Thánh Thần trong công trình sáng tạo, trong đời sống con người, cách đặc biệt trong Chúa Giêsu. Nhưng phải đợi đến khi Chúa Giêsu phục sinh, lời hứa ban Thánh Thần cho Giáo Hội mới được thực hiện. Thánh Gioan cho biết: Chúa Giêsu đã hiện ra với các môn đệ, Người thổi hơi và bảo: “Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần” (Ga 20,22). Ở đây cần chú ý tới hành vi Chúa “thổi hơi và ban Thánh Thần.” Trong Cựu Ước, khi sáng tạo con người, Thiên Chúa thổi hơi vào Ađam, nhờ đó ông có sự sống. Đấng Phục Sinh thổi hơi và ban Thánh Thần cho các Tông Đồ là ban sự sống mới, sức mạnh mới để họ thi hành sứ vụ được giao phó. Đây quả là cuộc tạo dựng mới! Chúa Thánh Thần là quà tặng lớn nhất của Thiên Chúa ban cho chúng ta qua Đấng Phục Sinh. Bởi lẽ, Chúa Thánh Thần là nguồn mạch mọi ơn sủng của Thiên Chúa. Kinh Thánh làm chứng về điều này cách rõ ràng, khi chưa có Chúa Thánh Thần, các môn đệ là những người nhát đảm sợ sệt, yếu đuối. Nhưng khi đầy Thánh Thần, họ trở thành những chứng nhân can đảm, hăng hái ra đi loan báo Tin Mừng cho mọi người, bất chấp khó khăn thử thách. Họ nói được các thứ tiếng lạ, cầm được rắn trong tay, làm phép lạ, trừ quỷ và chữa lành bệnh tật như Chúa Kitô đã làm. Đó là những hiệu quả của ơn Chúa Thánh Thần mang lại.

Ngày nay, Chúa Kitô Phục Sinh tiếp tục ban Chúa Thánh Thần cho chúng ta qua các bí tích, đặc biệt qua bí tích Rửa Tội và Thêm Sức. Thánh Thần sẽ đồng hành, hướng dẫn và thánh hóa để chúng ta trở thành môn đệ đích thực của Chúa Kitô. Nên ở đâu có Chúa Thánh Thần, ở đó có Giáo Hội và các ân sủng của Người. Ở đâu có Chúa Thánh Thần ở đó có sự sống, sức mạnh và sự thánh thiện.

Vì thế, mỗi ngày chúng ta được mời gọi hãy mở lòng và cầu xin Đấng Phục Sinh ban tặng Chúa Thánh Thần cho chúng ta.

3- Ơn tha tội

Quà tặng thứ ba mà Đấng Phục Sinh ban là ơn tha tội và quyền tha tội. Quả thế, ơn tha thứ là hoa quả lớn nhất cho nhân loại mà Đấng Phục Sinh mang lại qua cái chết và sự phục sinh của Người. Chúa Giêsu đã chết vì tội lỗi loài người. Người diệt trừ tội lỗi và chiến thắng sự chết. Đây là Tin Mừng mà Giáo Hội loan báo hơn hai ngàn năm qua. Chúa Kitô sống lại để giải thoát con người khỏi xiềng xích tội lỗi và sự chết; Người hòa giải con người với Thiên Chúa và dẫn tới sự sống mới, sự sống vĩnh cửu.

Đấng Phục Sinh không chỉ tha tội, mà ban quyền tha tội cho Giáo Hội: “Anh em tha tội cho ai, thì người ấy được tha. Anh em cầm giữ ai, thì người ấy bị cầm giữ” (Ga 20,23). Ơn tha thứ là dấu chỉ lớn lao về lòng thương xót Chúa với loài người qua dòng lịch sử cứu độ. Giờ đây, Đấng Phục ban quyền tha thứ đó cho Giáo Hội. Một cách cụ thể, Chúa Kitô ủy thác quyền tha tội cho Đức Giáo Hoàng, các giám mục, các linh mục khi cử hành các bí tích, nhất là bí tích Rửa Tội và Hòa Giải. Các ngài có năng quyền tha tội, tha vạ cho người mắc phải. Như thế, Đấng Phục Sinh muốn Giáo Hội trở thành cánh tay nối dài, là thừa tác viên của lòng thương xót Chúa cho con người mọi thời. Sự trao quyền tha tội cũng là quà tặng của Đấng Phục Sinh. Nhờ đó, chúng ta đón nhận được ơn tha thứ của Thiên Chúa qua thừa tác viên Giáo Hội Người.

Như thế, hôm nay, chúng ta tìm hiểu về ba món quà quý giá mà Chúa Kitô Phục Sinh ban tặng, đó là: ơn bình an, Chúa Thánh Thần và ơn tha tội. Cả ba món quà ấy là dấu chứng tuyệt hảo của lòng thương xót Chúa. Chúng ta cầu xin Chúa cho mỗi người chúng ta luôn biết chạy đến Chúa Kitô Phục Sinh để đón nhận những ơn huệ này, đồng thời chúng ta cũng được mời gọi trở thành những chứng nhân của lòng thương xót,” biết cảm thông và giúp đỡ tha nhân, nhất là với người nghèo khổ, như xưa các tín hữu đã sống khi họ sẵn sàng chia sẻ những gì mình có với người nghèo và coi mọi sự là của chung. Amen!

ĐCV Vinh Thanh - Nghệ An
http://nguoinguphu.blogspot.com/