7. Ba người đàn bà của Bi Kịch: Đức Maria, Beatrice và Thánh Lucia



Khi cử hành mầu nhiệm nhập thể, nguồn ơn cứu độ và niềm vui cho toàn thể nhân loại, Dante không thể không hát những lời ca tụng Đức Maria, Mẹ Đồng trinh, người, bằng sự chấp nhận trọn vẹn và hoàn toàn đối với kế hoạch của Thiên Chúa, đã giúp cho Ngôi Lời trở nên xác phàm. Trong tác phẩm của Dante, chúng ta tìm thấy một luận thuyết tuyệt vời về Thánh Mẫu Học. Với chất trữ tình tuyệt vời, đặc biệt trong lời kinh của Thánh Bernard, nhà thơ đã tổng hợp suy tư của thần học về nhân vật Đức Maria và sự tham dự của ngài vào mầu nhiệm Thiên Chúa:

“Lạy Mẹ đồng trinh, nữ tử của Con Mẹ,
Khiêm tốn và cao trọng hơn mọi tạo vật khác,
Giới hạn đã định của lời khuyên vĩnh viễn,
Mẹ là người đem lại sự cao quý
Cho bản tính nhân loại đến nỗi Đấng tạo dựng ra nó
Không khinh khi tự biến mình thành tạo vật của nó” (Đoạn XXXIII, 1-6).

Điều nghịch lý mở đầu và hàng loạt các tương phản tiếp theo tôn vinh tính độc đáo của Đức Maria và vẻ đẹp kỳ diệu của ngài.

Chỉ cho thấy đấng diễm phúc được trình bầy trong bông hồng mầu nhiệm, Thánh Bernard mời gọi Dante chiêm ngắm Đức Maria, đấng đã ban cho Ngôi Lời nhập thể một khuôn mặt con người:

“Giờ đây, hãy nhìn vào khuôn mặt rất giống
Khuôn mặt Chúa Kitô; vì độ sáng của nó chỉ
Có thể chuẩn bị cho ngươi thấy Chúa Giêsu Kitô” (Đoạn XXXII, 85-87).

Mầu nhiệm Nhập thể một lần nữa được sự hiện diện của Tổng lãnh thiên thần Gabriel gợi lên. Dante hỏi Thánh Bernard:

"Thiên thần là ai mà một cách hết sức hân hoan
Đã nhìn vào đôi mắt Nữ vương của chúng ta,
Say mê đến nỗi như như được tạo ra từ lửa? " (103-105).

Thánh Bernard trả lời:

“Ngài là người đem cành vạn tuế
Đến Mẹ Maria, khi Con Thiên Chúa
Được lệnh mang lấy gánh nặng của chúng ta”(112-114).

Các câu nhắc đến Đức Maria có rất nhiều trong Bi Kịch Thần Thiêng. Trong Purgatorio, ở mỗi bước trên đường, ngài đều hiện thân cho các cuộc chiến chống lại các thói hư; ngài là ngôi sao mai giúp nhà thơ xuất hiện từ khu rừng tối tăm và tìm kiếm núi Thiên Chúa; ngài là sự hiện diện không cùng, qua lời khẩn cầu danh ngài,

“Danh của loài hoa đẹp mà tôi từng cầu khẩn
Sáng chiều… ”(Đoạn XXIII, 88-89),

đã chuẩn bị để người hành hương gặp gỡ Chúa Kitô và mầu nhiệm Thiên Chúa.

Dante không bao giờ đơn độc trong cuộc hành trình của Ông. Ông để mình được hướng dẫn, đầu tiên bởi Virgil, một biểu tượng của lý trí con người, và sau đó là Beatrice và thánh Bernard. Giờ đây, nhờ sự chuyển cầu của Mẹ Maria, Ông có thể leo lên quê hương trên trời của chúng ta và tận hưởng trọn vẹn niềm vui vốn là khát vọng suốt đời của ông:

“Và tinh chế
Trong trái tim tôi vị ngọt ngào từ nó sinh ra” (Đoạn XXXIII, 62-63).

Chúng ta không được cứu một mình, nhà thơ dường như lặp lại, ý thức được nhu cầu của mình:

“Tôi đến không phải từ chính tôi” (Inf. X, 61).

Cuộc hành trình cần được thực hiện với sự đồng hành của người khác, những người có thể hỗ trợ chúng ta và hướng dẫn chúng ta bằng sự khôn ngoan và thận trọng.

Ở đây ta thấy sự hiện diện của các người đàn bà trong thi phẩm có ý nghĩa xiết bao. Khi bắt đầu cuộc hành trình gian khổ của Dante, Virgil, người hướng dẫn đầu tiên của ông, đã an ủi và động viên Dante kiên trì vì có ba người đàn bà đang cầu bầu cho ông và sẽ hướng dẫn những bước đi của ông: Đức Maria, Mẹ Thiên Chúa, đại diện cho đức ái; Beatrice, đại diện cho đức cậy; và Thánh Lucia, đại diện cho đức tin. Beatrice được giới thiệu trong những câu thơ xúc động sau đây:

“Tôi là Beatrice, người mời gọi bạn tiến bước;
Tôi đến từ đó, nơi tôi sẵn lòng trở về;
Tình yêu đã thúc đẩy tôi, khiến tôi phải lên tiếng” (Inf. II, 70-72).

Vì vậy, tình yêu dường như là phương thế duy nhất để cứu rỗi chúng ta, tình yêu thần thiêng biến đổi tình yêu con người. Beatrice, đến lượt nàng, nói tới sự chuyển cầu của một người đàn bà khác, Đức Trinh Nữ Maria:

"Một Mệnh Phụ dịu dàng trên Thiên đàng, người buồn rầu
Trước trở ngại này, trở ngại mà tôi gửi bạn tới,
Để sự phán xét nghiêm khắc ở trên cao kia bị bẻ gẫy”(94-96).

Thánh Lucia lúc đó can thiệp, nói với Beatrice:

“Này Beatrice,… lời ngợi khen Thiên Chúa đích thực,
Tại sao không giúp đỡ chàng, người yêu bạn như thế,
Vì bạn, chàng đã phát sinh từ bầy đàn thô thiển?" (103-105).

Dante nhận ra rằng chỉ có ai được tình yêu thúc đẩy mới có thể thực sự hỗ trợ chúng ta trong cuộc hành trình và đưa chúng ta đến sự cứu rỗi, đến cuộc sống đổi mới và do đó đến hạnh phúc.

8. Thánh Phanxicô, người phối ngẫu của Công Nương Nghèo

Trong bông hồng trắng tinh khiết của những người được diễm phúc, với Đức Maria ở trung tâm rạng rỡ của nó, Dante đặt một số vị thánh mà cuộc đời và sứ mệnh được ông mô tả. Ông trình bầy họ như những người nam và người nữ, trong những biến cố cụ thể của cuộc sống và bất chấp nhiều thử thách, đã đạt được mục đích tối hậu của cuộc đời và ơn gọi của họ. Ở đây tôi sẽ chỉ đề cập đến Thánh Phanxicô thành Assisi, như được mô tả trong Khổ thơ XI của Paradiso, lãnh vực của những người khôn ngoan.

Thánh Phanxicô và Dante có nhiều điểm chung. Thánh Phanxicô, cùng với các môn đệ của mình, rời khỏi tu viện và đi vào giữa dân chúng, trong các thị trấn nhỏ và đường phố của các thành phố, rao giảng cho họ và thăm nhà của họ. Bất thường đối với thời đại đó, Dante đã quyết định sáng tác thi phẩm tuyệt vời của mình về thế giới bên kia bằng tiếng bản địa, và đưa vào câu chuyện của mình các nhân vật cả nổi tiếng lẫn ít người biết, nhưng có phẩm giá bằng với những người cai trị thế giới này. Một đặc điểm chung khác cho cả hai là sự nhạy cảm của họ đối với vẻ đẹp và giá trị của sáng thế như là sự phản ảnh và dấu ấn của Đấng Tạo Hóa. Trong lời diễn giải của Dante về Kinh Lạy Cha, chúng ta không thể nào không nghe thấy tiếng vọng của Ca Khúc Mặt Trời của Thánh Phanxicô:

“Muôn vật,
Ca tụng Danh Cha và sự toàn năng của Cha… ” (Purg. XI, 4-5).

Trong Khổ thơ XI của Paradiso, sự so sánh này càng rõ ràng hơn nữa. Sự thánh thiện và khôn ngoan của Thánh Phanxicô nổi bật chính vì Dante, từ trên trời nhìn xuống trái đất, thấy sự tầm thường thô thiển của những người tin tưởng vào của cải trần gian:

“Hỡi Ngài, Đấng chăm sóc những kẻ tử sinh cách kỳ cục,
Các tam đoạn luận thiếu xót xiết bao Khiến Ngài đập đôi cánh của mình quá thấp!" (1-3).

Toàn bộ lịch sử của Thánh Phanxicô, “cuộc đời đáng ngưỡng mộ” của ngài, xoay quanh mối liên hệ đặc biệt của ngài với Côg Nương Nghèo:

“Nhưng để tôi có thể tiến bước một cách đỡ tối tăm hơn, từ nay
vì hai người yêu nhau này, Phanxicô và Nàng Nghèo,
hãy nghe lời nói tản mạn của tôi” (73-75).

Khổ thơ về Thánh Phanxicô nhắc lại những khoảnh khắc nổi bật trong cuộc đời của ngài, những thử thách của ngài và cuối cùng là khoảnh khắc khi ngài đồng hình đồng dạng với Chúa Kitô, nghèo khó và chịu đóng đinh, nhận được sự xác nhận tối hậu của Thiên Chúa khi ngài tiếp nhận các dấu thánh:

“Sau khi thấy các dân tộc này bất kham đối với việc hoán cải,
và để không ỡ đó vô ích,
Ngài trở về với hoa trái hương thảo Ý Đại Lợi,
Trên tảng đá giá buốt giữa Tiber và Arno,
Từ Chúa Kitô, ngài đã nhận được dấu ấn cuối cùng,
Mà trong suốt hai năm, ngài mang trong chân tay ngài” (103-108).

9. Chấp nhận chứng từ của Dante Alighieri

Lúc kết thúc việc thoáng nhìn này về công trình của Dante Alighieri, một kho tàng kiến thức, kinh nghiệm và suy tư gần như vô tận trong mọi lĩnh vực nghiên cứu về con người, chúng ta được mời suy gẫm về tầm quan trọng của nó. Sự phong phú của các nhân vật, các câu chuyện, các biểu tượng và hình ảnh gợi hình mà nhà thơ đặt ra trước mắt chúng ta chắc chắn đánh thức lòng ngưỡng mộ, thán phục và biết ơn của chúng ta. Ở Dante, chúng ta gần như có thể nhìn thấy tiền thân của nền văn hóa đa phương tiện của chúng ta, trong đó ngôn từ và hình ảnh, biểu tượng và âm thanh, thi ca và điệu vũ hội tụ để truyền tải một thông điệp duy nhất. Vì vậy, có thể hiểu được rằng thi phẩm của ông đã gợi hứng cho việc tạo ra vô số tác phẩm nghệ thuật thuộc mọi thể loại.

Nhưng công trình của nhà thơ tối cao cũng nêu lên nhiều câu hỏi đầy khiêu khích cho thời đại chúng ta. Ông có thể truyền đạt điều gì cho chúng ta trong thời đại ngày nay? Có phải Ông vẫn có điều gì muốn nói với chúng ta hay đề nghị với chúng ta? Thông điệp của ông có liên quan hoặc hữu ích cho chúng ta không? Nó vẫn còn thách thức chúng ta hay không?
Nếu chúng ta có thể nói thay cho ông, thì ngày nay Dante không chỉ muốn được đọc, bình luận, nghiên cứu và phân tích. Đúng hơn, ông yêu cầu được nghe và thậm chí bắt chước; ông mời chúng ta trở thành bạn đồng hành của ông trong cuộc hành trình. Hôm nay, ông cũng muốn cho chúng ta thấy con đường dẫn đến hạnh phúc, con đường đúng đắn để sống cuộc sống nhân bản trọn vẹn, thoát ra từ khu rừng tăm tối trong đó, chúng ta đánh mất phương hướng và cảm thức giá trị đích thực của mình. Cuộc hành trình của Dante và viễn kiến của ông về cuộc sống bên kia cái chết không những là một câu chuyện để kể; chúng còn hơn một trình thuật về kinh nghiệm bản thân, dù đặc biệt ra sao.

Nếu Dante kể câu chuyện của mình một cách đáng ngưỡng mộ bằng cách sử dụng ngôn ngữ bình dân, đó là bởi ông có một thông điệp quan trọng để truyền tải, một thông điệp nhằm đánh động tâm trí chúng ta, biến đổi và thay đổi chúng ta ngay cả lúc này, trong cuộc sống hiện tại này. Một thông điệp có thể và nên làm cho chúng ta đánh giá đầy đủ con người thật của chúng ta và ý nghĩa của những cuộc đấu tranh hàng ngày của chúng ta để đạt được hạnh phúc, sự thành toàn và cùng đích của chúng ta, quê hương đích thực của chúng ta, nơi chúng ta sẽ hiệp thông trọn vẹn với Thiên Chúa, Tình yêu vô hạn và vĩnh cửu. Dante là một người thời ông với những nhạy cảm khác với các nhậy cảm của chúng ta trong một số lĩnh vực, nhưng chủ nghĩa nhân bản của ông vẫn hợp thời và có liên quan, một điểm tham chiếu chắc chắn cho những gì chúng ta hy vọng sẽ đạt được trong thời đại của chúng ta.

Do đó, thật phù hợp khi ngày kỷ niệm năm nay đóng vai trò một động lực làm cho công trình của Dante được biết đến và đánh giá cao hơn, dễ tiếp cận và hấp dẫn, không những đối với các sinh viên và học giả mà còn đối với tất cả những người tìm kiếm các câu trả lời cho những câu hỏi sâu sắc nhất của họ và mong muốn sống cuộc sống của họ cách trọn vẹn, bằng cách dấn thân một cách có chủ đích trên hành trình đời sống và đức tin của chính họ, với lòng biết ơn vì hồng phúc và trách nhiệm tự do.

Do đó, tôi bày tỏ một đánh giá sâu sắc đối với các thầy cô say mê truyền đạt sứ điệp của Dante và dẫn nhập nhiều người khác vào sự phong phú về văn hóa, tôn giáo và đạo đức chứa đựng trong các công trình của ông. Tuy nhiên, di sản vĩ đại này kêu gọi được tiếp cận ở bên ngoài các giảng đường trường học và đại học.

Tôi kêu gọi các cộng đồng Kitô giáo, đặc biệt là ở các thành phố gắn liền với cuộc đời của Dante, các định chế học thuật và hiệp hội văn hóa cổ vũ các sáng kiến nhằm làm cho sứ điệp của ông được biết đến nhiều hơn trong sự trọn vẹn của nó.

Một cách đặc biệt, tôi khuyến khích các nghệ sĩ đem lại cho thi ca của Dante một tiếng nói, một khuôn mặt và trái tim, một hình thức, một màu sắc và một âm thanh bằng cách đi theo con đường cái đẹp mà ông từng đi qua một cách thành thạo bậc thầy. Và do đó, truyền đạt các chân lý sâu sắc nhất và công bố, bằng ngôn ngữ nghệ thuật của họ, một sứ điệp về hòa bình, tự do và tình huynh đệ.

Vào thời điểm đặc biệt này trong lịch sử, bị bao phủ bởi những tình huống vô nhân đạo sâu xa và sự thiếu tin tưởng và triển vọng cho tương lai, khuôn mặt của Dante, nhà tiên tri của hy vọng và là nhân chứng cho khát vọng hạnh phúc của con người, vẫn có thể cung cấp cho chúng ta những lời nói và gương sáng có thể khuyến khích chúng ta trên hành trình của mình. Dante có thể giúp chúng ta tiến bước một cách thanh thản và can đảm trên hành trình đời sống và đức tin mà mỗi người chúng ta được kêu gọi thực hiện, cho đến khi tâm hồn chúng ta tìm được sự bình an và niềm vui đích thực, cho đến khi chúng ta đạt được mục tiêu cuối cùng của toàn thể nhân loại:

“Tình yêu di chuyển mặt trời và các vì sao khác” (Đoạn XXXIII, 145).

Từ Điện Vatican, ngày 25 tháng 3, Lễ trọng thể Truyền tin Chúa, năm 2021, năm thứ chín trong triều Giáo hoàng của tôi.

Phanxicô

 Vietcatholic News