Trang

Thứ Ba, 20 tháng 4, 2021

Loại bỏ căng thẳng trong cộng đồng

 Loại bỏ căng thẳng trong cộng đồng

Ronald Rolheiser, 2021-04-112

 

Bất cứ năng lượng nào chúng ta không chuyển hóa thì chúng ta sẽ truyền đi. Tôi nghe câu này lần đầu tiên là từ linh mục Dòng Phanxicô, Richard Rohr, nói lên một thách thức trọng tâm cho mọi người trưởng thành. Còn đây là một cách nói kitô giáo cho câu đó:

Trọng tâm để hiểu được cách Chúa Giêsu cứu rỗi chúng ta chính là nắm được sự thật của câu này: Chúa Giêsu là Chiên Thiên Chúa xóa tội trần gian. Chúng ta được cứu rỗi qua đau khổ của Chúa Giêsu như thế nào? Rõ ràng, đấy là một ẩn dụ. Chúa Giêsu không phải là con chiên, nên chúng ta cần phải thấy được hiện thực ẩn sau ẩn dụ đó. Điều gì khiến thế hệ các tín hữu kitô tiên khởi dùng hình ảnh con chiên chịu nạn để giải thích việc Chúa Giêsu đã làm cho chúng ta và cách Chúa Giêsu xóa tội chúng ta? Có một món nợ của tội lỗi mà chỉ có thống khổ của Thiên Chúa mới xóa được hay sao? Sự tha thứ cho tội lỗi chúng ta là một tương giao thiêng liêng, riêng tư giữa Thiên Chúa và Chúa Giêsu hay sao?

Những câu hỏi này không dễ trả lời, nhưng có thể nói như sau: dù cho một phần chuyện này là mầu nhiệm, nhưng không phải tất cả đều là phép mầu. Phải thừa nhận là trong chuyện này có mầu nhiệm, có gì đó vượt quá những gì chúng ta có thể giải thích bằng suy nghĩ lý tính, nhưng không có phép mầu nào ở đây cả. Những chân lý thâm sâu nằm ngoài năng lực lý tính của chúng ta không phủ định lý tính của chúng ta, mà chỉ thay thế chúng, tương tự như cách mà thuyết tương đối của Enstein làm cho toán học trung học thu

nhỏ lại. Do đó, khi chấp nhận những mầu nhiệm, chúng ta có thể thấy ra gì từ ẩn dụ Chúa Kitô là Chiên Thiên Chúa xóa tội trần gian? Hơn nữa, điều này còn đem lại thách thức gì cho chúng ta?

Đây là bối cảnh lịch sử của hình ảnh này. Vào thời Chúa Giêsu, trong Do Thái giáo, có một số nghi lễ đền tội (hòa giải) xoay quanh con chiên. Chiên được sát tế trong đền thờ như của lễ dâng Thiên Chúa để đền tội chúng ta, và một số chiên được dùng làm con chiên gánh tội. Nghi lễ con chiên gánh tội như thế này. Một cộng đồng quy tụ lại để thực hành nghi lễ xóa đi căng thẳng tồn tại trong cộng đồng vì những yếu đuối và tội lỗi của họ. Theo nghi lễ, họ sẽ trút căng thẳng và tội lỗi của mình lên con chiên (và nó trở thành vật gánh tội), và con chiên này mang hai biểu tượng, là một vòng gai trên đầu (khiến nó thấy đau đớn) và một tấm vải tím khoác trên lưng (biểu trưng cho trách nhiệm phải gánh tội cho tất cả). Họ còn đuổi con chiên ra khỏi đền thờ, ra khỏi thành phố, đuổi nó vào hoang địa để chết. Ý niệm của chuyện này là khi đổ đau đớn và tội lỗi lên con chiên, rồi đuổi nó vĩnh viễn ra khỏi cộng đồng, thì đau đớn và tội lỗi của họ cũng được đem đi, tan biến đi khi con chiên chết đi.

Thật dễ để thấy vì sao người ta dễ liên tưởng đến hình ảnh này sau cái chết của Chúa Giêsu. Nhìn vào tình yêu Chúa Giêsu dành cho chúng ta trong cuộc khổ nạn và cái chết, thế hệ tín hữu kitô tiên khởi đã đồng nhất điều này với con chiên gánh tội. Chúa Giêsu chính là con chiên gánh tội của chúng ta. Chúng ta đặt đau đớn và tội lỗi của mình lên Ngài, rồi đuổi Ngài ra khỏi cộng đồng, để Ngài phải chết. Tội lỗi của chúng ta ra đi cùng với Ngài.

Ngoại trừ một điều, là các tín hữu kitô tiên khởi không xem đây là hành động thần thông kiểu Thiên Chúa tha tội cho chúng ta vì Chúa Giêsu đã chết. Không. Tội của họ không được cất đi khi Chúa Giêsu đã làm vừa lòng Chúa Cha. Tội được cất đi vì Chúa Giêsu đã hút lấy và biến đổi chúng, cũng như cách bộ lọc lấy đi chất bẩn, chất độc khỏi nước khi hút lấy nước vậy.

Máy lọc nước hoạt động như sau, nó lấy nước nhiễm bẩn, nhiễm độc, nhưng giữ chất bẩn lại trong mình và chỉ cho ra nước sạch. Chúa Giêsu cũng vậy. Ngài nhận lấy thù hận, giữ trong mình, biến đổi nó và trả lại yêu thương. Ngài nhận lấy cay đắng và trả lại qua lòng độ lượng, nhận lấy nguyền rủa và trả lại phúc lành, nhận lấy ghen tương và trả lại khen ngợi, nhận lấy sự giết người và trả lại sự tha thứ. Thật vậy, Ngài nhận lấy hết mọi sự là nguồn gây căng thẳng trong cộng đồng, giữ trong mình và trả lại là bình an cho tất cả. Do đó, Ngài đã xóa tội của chúng ta, không phải bằng phép thần thông nào nhưng bằng cách hấp thụ, ăn lấy chúng, trở thành con chiên gánh tội của chúng ta.

Hơn nữa, như triết gia Kierkegaard từng diễn tả, việc Chúa Giêsu làm không phải là điều chúng ta nên ngưỡng mộ, mà là điều chúng ta cần noi gương. Nhà thần học Anh giáo N.T. Wright, trong quyển sách gần đây Biển chỉ dẫn bị vỡ (Broken Signposts) đã tóm lại thách thức đó như sau: “Dù chúng ta có hiểu hay không, dù chúng ta có thích hay không – mà hầu hết chúng ta chẳng và sẽ không hiểu, không thích – thì tình yêu không chỉ đối diện với hiểu lầm, thù địch, ngờ vực, âm mưu và cuối cùng là bạo lực giết người, mà còn hút lấy mọi đòn tấn công của sự dữ tối hậu vào mình, hấp thụ hết sức mạnh của nó. … Bởi vì tình yêu nhận lấy những gì tồi tệ nhất mà cái ác có thể gây ra, hấp thụ nó, và đánh bại nó”.

Những gì chúng ta không biến đổi thì chúng ta sẽ truyền đi. Đây là chân lý thâm sâu về cách chúng ta phải làm để loại bỏ căng thẳng trong gia đình, cộng đồng, giáo hội và xã hội.

 

J.B. Thái Hòa dịch

 http://phanxico.vn/2021/04/15/loai-bo-cang-thang-trong-cong-dong/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét