Phúc Âm hóa trong xứ đạo
PHÚC ÂM HOÁ TRONG XỨ ĐẠO
Mục lục
4.1 Cộng tác với Chúa Thánh Thần và thực hành Lời Chúa
4.2 Thoát khỏi não trạng tự vệ
4.3 Hoạt động của các đoàn thể
WHĐ (12.04.2021) - Trong Phúc Âm của Thánh Marcô, thấy có đoạn: Chúa bảo các Tông Đồ: "Chính anh em hãy lánh riêng ra một nơi thanh vắng mà nghỉ ngơi đôi chút." Vì kẻ lui người tới quá đông, nên các ông chẳng có thì giờ ăn uống nữa. Vậy, thầy trò xuống thuyền đi lánh riêng ra một nơi. Thấy các ngài ra đi, nhiều người hiểu ý, nên từ khắp các thành, họ cùng nhau theo đường bộ chạy đến đó trước cả các ngài. Ra khỏi thuyền, Chúa Giêsu thấy đám người rất đông thì chạnh lòng thương, vì họ như bầy chiên không người chăn dắt. Và Chúa bắt đầu dạy dỗ họ nhiều điều.” (Mc 6, 31-34).
Khi đọc đoạn trên đây, tôi đã suy tư rất nhiều về công cuộc Phúc Âm hoá của Giáo hội, đặc biệt việc thực hiện Phúc Âm hoá từ trong xứ đạo.
Thầy trò Chúa Giêsu truyền giảng Phúc Âm có sức thu hút quá lớn, rất nhiều người lui tới, “chẳng có thì giờ ăn uống”, nên phải lánh vào một nơi “thanh vắng” để nghỉ ngơi, nhưng dân chúng vẫn tìm theo. Trước tình cảnh này, thầy trò không “nghỉ ngơi” nữa, mà “bắt đầu dạy dỗ họ nhiều điều”. Đây là điều mà bản thân tôi cũng như những người thực hiện Phúc Âm hoá trong các xứ đạo cần suy nghĩ và noi theo.
Trong bản Tài liệu làm việc (Instrumentum laboris, IL) của Đại Hội Thường Kỳ lần thứ XIII của Thượng Hội Đồng Giám Mục, «Tân Phúc Âm hoá để truyền bá đức tin Kitô Giáo», số 81 có nhắc đến: “người ta mong đợi nhiều từ các giáo xứ được coi như là một cửa ngõ, mở ra cho mọi người ở mọi nơi trên trái đất, mở ra cho đức tin và cho một kinh nghiệm về Hội Thánh” . Nên giáo xứ có tầm quan trọng trong việc Tân Phúc Âm Hoá.
1. Chỉ dẫn của Lời Chúa
Trong Tân Ước, rất nhiều nơi nhắc đến việc truyền giảng Phúc Âm. Thánh Gioan Tẩy Giả đã “khuyên dân nhiều điều khác nữa, mà truyền giảng Phúc Âm cho họ.” (Lc 3,18). Ngay từ lúc khởi đầu sứ mệnh, Chúa Giêsu đã làm một việc tương tự, Chúa Giêsu “rảo qua các thành phố, làng mạc, truyền giảng và loan báo Phúc Âm Nước Thiên Chúa” (Lc 8, 1), kêu gọi người ta tin vào Phúc Âm: "Thời kỳ đã mãn, và Nước Thiên Chúa đã đến gần. Anh em hãy sám hối và tin vào Phúc Âm." (Mc 5, 15). Chính Chúa Giêsu là nội dung của Phúc Âm: “Khởi đầu Phúc Âm Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa” (Mc 1, 1), và cả cuộc sống của Chúa Giêsu cũng là Phúc Âm, “Tôi bảo thật các ông: Hễ Phúc Âm được truyền giảng đến đâu trong khắp thiên hạ, thì nơi đó việc cô vừa làm cũng sẽ được kể lại để nhớ tới cô” (Mc 14, 9). Chúa Giêsu triệu tập môn đệ và sai họ đi làm cùng một việc ấy, “Chúa lập Nhóm Mười Hai, để các ông ở với Chúa và để Chúa sai các ông đi giảng dạy.” (Mc 8, 14). Trước khi lên trời, Chúa đã truyền cho các môn đệ: "Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, truyền giảng Phúc Âm cho mọi loài thụ tạo.” (Mc 16, 15), vì Thiên Chúa muốn mọi người đều được cứu: “Thiên Chúa muốn cho mọi người được cứu độ và nhận biết chân lý ” (1 Tm 2, 4).
Thật vậy, Chúa Giêsu đem Phúc Âm cho mọi loài thụ tạo, và chính Chúa là Phúc Âm, chứ không phải chỉ là tin mừng, tin vui nhất thời.
Nhưng việc truyền giảng Phúc Âm, ngay từ đầu đã mang tính giáo hội, nghĩa là một cộng đoàn của kẻ tin. Nên “Nhu cầu truyền bá đức tin, một sự kiện cơ bản mang tính giáo hội và cộng đoàn chứ không có tính cách cá nhân” (IL, 39). Sách Tông Đồ Công Vụ cũng cho thấy rõ điều đó: “Các tín hữu chuyên cần nghe các Tông Đồ giảng dạy, luôn luôn hợp thông với nhau, siêng năng tham dự lễ bẻ bánh, và cầu nguyện không ngừng.... Tất cả các tín hữu hợp nhất với nhau, và để mọi sự làm của chung.... Họ đồng tâm nhất trí, ngày ngày chuyên cần đến Đền Thờ” (x. Cv 2, 42-47). Cộng đoàn này khởi đi từ những nhóm nhỏ luôn hợp nhất với nhau, cùng cầu nguyện, “cùng bẻ bánh”, nhờ đó mà phát triển không ngừng, như ngày nay chúng ta gọi là giáo xứ.
2. Giáo huấn của Hội Thánh
Từ lúc sơ khai, Hội Thánh đã ý thức mạnh mẽ sứ mệnh truyền giảng Phúc Âm. Thánh Phaolô Tông Đồ là vị thừa sai hăng hái cho dân ngoại; qua mọi thời đại, Hội Thánh vẫn luôn tiếp tục sứ mệnh của các Tông đồ, không ngừng truyền giảng Phúc Âm đến mọi nơi, cho mọi người. Rất nhiều hội dòng đã được thành lập cho công việc này. Hội Thừa Sai Paris là một điển hình.
Hội Thánh qua dòng lịch sử, muốn mọi người ý thức sứ mệnh hàng đầu là truyền giảng Phúc Âm, đồng thời xây dựng Giáo hội địa phương, xây dựng các cộng đoàn (x. Ad Gentes, AG, 11), nên “phải tổ chức các hội đoàn và các nhóm người lo việc tông đồ giáo dân, để có thể đem tinh thần Phúc Âm thấm nhập toàn thể xã hội.” (AG, 15). Các nhà truyền giáo “phải gầy dựng những cộng đoàn tín hữu sao cho họ biết sống xứng đáng ơn gọi của mình” (AG, 15). Hội Thánh có trách nhiệm truyền giảng Phúc Âm cho người ngoài Công giáo (x. AG, 6), trước tiên bằng lời nói và việc làm (x. AG, 14). Cách sống của con người ngày nay thay đổi quá nhanh về mọi mặt, nhất là về phương diện truyền thông, hầu như ngày nào cũng có đủ loại tin tức, thông tin mới, làm cho người ta khó đánh giá và lựa chọn. Nếu chỉ loan báo Tin Mừng, như thể người ta loan tin quảng cáo, rao vặt, Phúc Âm của Chúa khó đạt tới kết quả. Hội Thánh mong muốn qua việc truyền giảng Phúc Âm, để “lôi kéo con người vào trong mối liên hệ mật thiết với Chúa Cha và Chúa Thánh Thần.” (IL, 23), vì “Đức tin Kitô Giáo là một cuộc gặp gỡ và quan hệ đích thực với Chúa Giêsu Kitô.” (IL, 18). Nên cần đến “một cuộc tân Phúc Âm Hoá” (IL, 13) Chính các “cộng đoàn Hội Thánh cơ bản” hay các “cộng đoàn Kitô nhỏ” (x. IL, 80) đảm đương được việc này. Thật ra giáo xứ là đơn vị cơ bản cho việc Phúc Âm Hoá, vì thấy “người ta mong đợi nhiều từ các giáo xứ được coi như là một cửa ngõ, mở ra cho mọi người ở mọi nơi trên trái đất, mở ra cho đức tin và cho một kinh nghiệm về Hội Thánh.” (IL, 81) và “các giáo xứ có trách nhiệm trở thành những trung tâm thực sự cho việc truyền bá và làm chứng về kinh nghiệm Kitô giáo và là nơi để chăm chú lắng nghe người ta và quan tâm tới nhu cầu của họ.” (IL, 81). Không còn nghi ngờ gì nữa, chính giáo xứ có một vai trò rất quan trọng trong việc Phúc Âm hoá.
3. Nhận định
Tìm hiểu lý luận Phúc Âm hoá tương đối dễ hơn thực hành cụ thể, nhất là thực hành tại xứ đạo. Cản trở thì nhiều, chủ yếu đến từ hai phương diện: khách quan và chủ quan.
3.1 Cản trở bởi khách quan
Hiện nay, Việt Nam theo kinh tế thị trường, nhưng không phải mọi thứ đều theo quy luật của kinh tế thị trường, đời sống người dân còn rất khó khăn, nhiều người phải lo chuyện cơm áo, con cái học hành, làm tốn hao hết thì giờ, đôi khi không còn sức để nghĩ về trách nhiệm của Kitô hữu. Người khác lại chạy theo lối sống hưởng thụ, chỉ tìm thoả mãn nhu cầu vật chất, không còn giữ lòng đạo chân chính. Công nhân viên chức và cả học sinh thì phải chạy theo thành tích, làm thêm, học thêm tràn lan, ngay cả ngày Chúa Nhật cũng không được nghỉ, không có giờ đến nhà thờ, đến lớp giáo lý. Đây chính là khó khăn cho các mục tử lo việc Phúc Âm hoá.
3.2 Cản trở bởi chủ quan
a. Nhiều người vẫn giữ quan niệm thời trước Công đồng Vatican II, cho rằng việc Phúc Âm hoá là việc của các linh mục, tu sĩ; việc của giáo dân là cầu nguyện hỗ trợ, vâng phục hàng giáo sĩ thôi. Phần lớn giáo dân tách biệt cuộc sống đạo và đời. Ra xã hội không khi nào nhắc đến niềm tin của mình. Phần thì do sự ngại ngùng mắc cỡ, phần thì do chế độ chính trị hạn chế. Có những công chức, khi còn tại vị, thì gác niềm tin của mình qua một bên, chỉ lo giữ chức vụ. Cuộc sống của những người này dễ bị phân hoá. Có lần anh công an khu vực chở tôi đi xức dầu cho một cán bộ cao cấp có 50 năm tuổi Đảng, người này trong suốt thời gian làm việc, không dám cho ai biết mình là người Công giáo, trước khi chết, thấy không còn gì để mất nữa, chỉ sợ mất linh hồn thôi. Một số người khác lại tự hạn chế niềm tin của mình trong khuôn viên nhà thờ hay trong gia đình, tưởng rằng Đạo chỉ ở trong những phạm vi đó thôi. Họ vẫn tham gia sinh hoạt của xứ đạo, có người cũng tỏ ra hăng hái nữa, nhưng không thể đem niềm tin vào trong đời sống. Họ chỉ như “con thoi”, qua lại giữa đạo và đời. Như vậy, càng không thể nói đến Phúc Âm hoá được.
b. Khi thống nhất đất nước, sinh hoạt tôn giáo bị hạn chế mọi mặt, việc hạn chế này gây ra hai phản ứng: bằng mọi giá, tiếp tục việc Phúc Âm hoá cho xã hội chung quanh hay tự đóng khung mình trong một số lĩnh vực:
- Kiên trì Phúc Âm hoá
Một số mục tử rất quan tâm đến đoàn chiên, bất chấp mọi khó khăn, không những cố gắng duy trì đời sống đức tin trong xứ đạo, mà còn không ngừng tìm cách Phúc Âm hoá nơi mình sinh sống. Kết quả rất đáng khích lệ. Ngay tại nơi vùng sâu vùng xa, những nơi phải trèo đèo lội suối, lục lội sông nước, nơi những dân tộc thiểu số, những nơi mà mọi điều kiện tối thiểu đều thiếu thốn, không có cơ sở vật chất, chẳng có nhà thờ nhà thánh gì, nhưng người ta vẫn theo đạo rất đông, lòng đạo lại đầy nhiệt huyết.
Vậy, điều hiển nhiên là nếu trong vùng dân cư khác mà có tinh thần truyền giảng Phúc Âm, việc Phúc Âm hoá được chú trọng, thế nào cũng mang lại hiệu quả đích thực.
- Phản ứng tự vệ
Vì gặp hạn chế, khó khăn, một số địa phương tìm cách tự vệ, để giữ lấy đời sống đức tin trong xứ đạo. Dần dần dẫn đến tình trạng đóng khung chính mình, mất đi tinh thần truyền giảng Phúc Âm, chỉ lo việc giữ đạo mà thôi. Hậu quả rất đáng báo động, chẳng những không Phúc Âm hoá được ai, mà còn ngăn cản người ta đến với đạo, đến với nhà thờ và cản trở đạo đi vào đời. Hiện tượng rõ nét nhất là hầu hết các nhà thờ, ngoài giờ dâng Thánh Lễ, đều cửa đóng, then cài. Chuyện người ta trước khi đi làm hay đi làm về, ghé qua nhà thờ để viếng Mình Thánh Chúa đã trở thành “cổ tích”.
Tại nhiều xứ đạo, tình trạng “quan liêu”, “cửa quyền” tràn lan, giáo dân muốn gặp cha sở không dễ, phải qua nhiều “cửa ải”, nào là ông trùm, ông biện, trưởng khu... Gặp được cha sở hay không, còn phải tuỳ thuộc vào “tâm trạng” của những “ông / bà” này. Có nơi còn quy định giờ làm việc hệt như một cơ quan hành chính. Tình trạng “bàn giấy” cũng không ít, bất cứ việc gì cũng “đòi” đủ thứ giấy tờ, thủ tục, mà những thứ “đòi” ấy không hề thấy trong bất cứ khoản nào của “giáo luật”. Có lần tôi chứng nhận cho một người đã học xong khoá giáo lý dự bị hôn nhân. Đầu đề tôi viết “Giấy Chứng Nhận”, giáo xứ nọ không chịu, buộc tôi phải viết lại đầu đề là “Giấy Chứng Nhận Giáo Lý Hôn Nhân” mới được, nếu không thì không cử hành hôn phối cho hai anh chị này. Lại có hai anh chị muốn kết hôn, một người gốc Bắc, nhưng di cư vào Nam đã sáu năm, muốn làm lễ cưới tại Miền Nam, khi xin bằng chứng rửa tội, cha sở nơi anh rửa tội đòi hai anh chị phải về Bắc trình diện với cha, cha mới cấp. Có người đã cư trú tại một giáo xứ 14 năm, nhưng không làm “thủ tục” nhập họ, cha sở không chịu làm lễ hôn phối.
Tệ hơn nữa là biến bí tích thành việc thủ tục. Có một thời gian dài, nhà nước cấm làm lễ ngoài những giờ đã đăng ký, nên tất cả mọi bí tích đều cử hành vào giờ lễ thường ngày. Nhưng hiện giờ người ta không cấm nữa, vậy mà có một số linh mục lại tự “cấm” mình. Các bí tích, như: hôn phối, thêm sức, lễ an táng đều cử hành vào 4 giờ 30 sáng. Hậu quả là mọi người phải thức khuya dậy sớm không cần thiết, nghiêm trọng hơn là làm mất đi ý nghĩa phụng vụ. Chẳng hạn như lễ hôn phối, vì làm quá sớm, nên người thân, bạn bè không tham dự được đông, lắm khi chỉ có đôi tân hôn và hai người làm chứng mà thôi. Lễ xong không ai chúc mừng, mà chính đương sự cũng không cảm thấy quan trọng, vì Giáo hội buộc phải làm thì làm, chỉ chiếu lệ thôi. Về nhà rồi, khi ăn tiệc mới là quan trọng, mới là việc đáng mừng. Còn khi có lễ Thêm Sức, Đức Cha phải lên đường từ hai giờ sáng, không biết trong khi cử hành Thánh Lễ, Đức Cha có buồn ngủ không.
Ngoài ra, còn rất nhiều việc như: số tiền xin lễ hôn phối, quy định giờ xin chứng nhận bí tích, từ chối đi kẻ kiệt... không thể kể hết được. Nói chung, quá chú trọng nguyên tắc hành chánh mà mất đi tình người, mất đi tinh thần mục vụ, thử hỏi cung cách “mục vụ” và “giữ đạo” như vậy, làm sao có thể truyền giảng Phúc Âm, làm sao thực hiện Phúc Âm hoá được?
4. Suy nghĩ và trao đổi
Để chuẩn bị bước vào Năm Đức Tin và chuẩn bị hội nghị Liên Hội Đồng Giám Mục Châu Á, nhằm hưởng ứng công cuộc Phúc Âm hoá của Hội Thánh, từ những suy tư và kinh nghiệm trong quá trình mục vụ tại giáo xứ, tôi mạn phép đóng góp vài gợi ý nhỏ.
Xét thấy công cuộc Phúc Âm hoá cần thực hiện trước tiên trong xứ đạo, vì xứ đạo là nền tảng của Giáo hội địa phương. Những việc cần làm là: (1) Cộng tác với Chúa Thánh Thần và thực hành Lời Chúa; (2) Giải phóng khỏi não trạng tự vệ; (3) Thay đổi cách thức hoạt động của các đoàn thể...
4.1 Cộng tác với Chúa Thánh Thần và thực hành Lời Chúa
Mọi Kitô hữu đều được Chúa gọi, linh mục cũng không ngoại lệ, nên phải kết hợp mật thiết với Chúa, nhờ ơn Chúa Thánh Thần. “Vì không có Thầy, anh em chẳng làm gì được” (Ga 15, 5). Chúa Thánh Thần là nguyên lý hợp nhất của Giáo hội, qua Giáo hội, “Lửa Thánh Thần” của Đức Kitô đã bùng lên trên toàn thế giới từ hơn 20 thế kỷ qua. “Khi Đấng Bảo Trợ đến, Đấng mà Thầy sẽ sai đến với anh em từ nơi Chúa Cha, Người là Thần Khí sự thật phát xuất từ Chúa Cha, Người sẽ làm chứng về Thầy.” (Ga 15,26). Thánh Thần thánh hoá chúng ta, làm cho chúng ta thành nghĩa tử của Chúa Cha. (x. Rm 8,15). Sách Tông Đồ Công Vụ cho thấy rõ, sau khi lãnh nhận Chúa Thánh Thần, các tông đồ mới có thể Phúc Âm hoá chính mình và cho thế giới, vì Chúa Thánh Thần giúp các tông đồ nhớ lại và hiểu rõ những gì Chúa Giêsu đã dạy họ trước đây, tức là nhớ lại Lời Chúa. Điều quan trọng là biết lắng nghe Lời Chúa, Lời Chúa là lương thực cho tâm hồn và là sức sống. Vì “Thầy mới có những lời đem lại sự sống đời đời” (Ga 6, 68). Nên “Lời Chúa và Chúa Thánh Thần là hai bàn tay của Đấng Tạo Hoá, tái tạo người cũ thành người mới theo hình mẫu Con Người Mới là Đức Giêsu Kitô”[1].
4.2 Thoát khỏi não trạng tự vệ
Ơn gọi tu trì tại Việt Nam quá phong phú, làm cho nhiều nước có truyền thống Công giáo phải ngạc nhiên. Các linh mục, tu sĩ cũng đóng góp nhiều cho Giáo hội, đây là điều rất đáng trân trọng. Tuy nhiên, sức công phá do những “di chứng” lịch sử để lại cũng rất lớn, làm cho một số linh mục tự co cụm lại trong phạm vi nhà thờ của mình, nên mới phát sinh những tình trạng không mong muốn, chẳng hạn: có linh mục không làm gì, để cho giáo dân làm hết, như việc dạy giáo lý phải được linh mục xem là bổn phận và quyền quan trọng của mình, không thể phó mặc hết cho giáo lý viên. (x. Maximum Illud, Tông Huấn «Việc quan trọng nhất» ra ngày 30-11-1919). Ngược lại, có linh mục bao hết mọi việc do không tin tưởng giáo dân, không để cho giáo dân có cơ hội trưởng thành trong các công tác của giáo xứ. Muốn thay đổi não trạng, có lẽ cần một thời gian dài, “bách niên thụ nhân” mà (trăm năm trồng người).
Thiết nghĩ các vị hữu trách cần quan tâm hơn nữa đến các cộng sự thuộc quyền. Nếu có linh mục không “cửa quyền”, không tự “làm luật”, làm khó giáo dân, hết mình sống cho đoàn chiên, sống cho những người mình gặp gỡ, chính giám mục cũng nên ghi nhận và lấy đó mà nêu gương cho các linh mục khác noi theo. Còn các chủng sinh được đào tạo để phục vụ chứ không phải để làm “quan”. Chủng sinh cần được đào tạo về mọi mặt, cả đạo lẫn đời, tức là những gì cần trang bị cho vị thừa sai đích thực trong tương lai (x. Maximum Illud). Việc giúp xứ trong kỳ hè hay thực tập mục vụ giữa các năm học cũng cần chương trình rõ ràng cho từng năm, không chỉ phó mặc cho cha xứ bảo gì làm đó…
4.3 Hoạt động của các đoàn thể
Nhìn chung, số người dự lễ, tham gia các đoàn thể của Giáo hội tại Việt Nam rất đông, những hình thức sinh hoạt cũng phong phú, đó là điều đáng mừng, xem ra tạo cho chúng ta cảm giác thỏa mãn. Nhưng thật ra bên trong, có bao nhiêu người thật sự sống niềm tin trong gia đình mình, nơi khu phố mình sinh sống hay nơi mình làm việc, hay ý thức việc Phúc Âm hoá cho chính cuộc sống của mình?
Tại giáo xứ, không chỉ tổ chức những lễ hội hoành tráng, những cuộc rước kiệu với lòng đạo đức bình dân, nhưng còn nên tập cho giáo dân ý thức niềm tin của mình, ít nhất dám nhìn nhận mình là Kitô hữu trong một môi trường đa số là người ngoại giáo. Chuyện về một cô y tá xin việc tại một bệnh viện lớn, ghi rõ mình là người Công giáo. Khi được nhận vào làm việc rồi, cô không những không nhận tiền bồi dưỡng hay quà cáp của bệnh nhân, mà còn tận tình giúp đỡ những người cần giúp đỡ, luôn làm tròn bổn phận của mình. Những nhân viên trong bệnh viện mới tò mò tìm hiểu, có người cho biết, cô ấy là người Công giáo. Đó chính là Phúc Âm hoá môi trường mình đang sống vậy. Một việc không kém phần quan trọng là tăng cường nhận thức về sứ mệnh Phúc Âm hoá của mỗi Kitô hữu trong công cuộc chung này.
5. Kết luận
Phúc Âm hoá là việc cấp bách, lý luận không thiếu, vấn đề là thực hành, mà thực hành tại giáo xứ là cơ bản nhất. Mọi người đều có trách nhiệm trong việc Phúc Âm hoá, mà linh mục chánh xứ có một vai trò không ai thay thế được. Việc Phúc Âm hoá của toàn Giáo hội thành công hay không, còn tuỳ thuộc vào việc Phúc Âm hoá tại giáo xứ có làm được hay không?
Trích Bản tin Hiệp Thông / HĐGM VN, Số 73 (Tháng 11 & 12 năm 2012)
[1] Huấn từ của Đức Hồng Y Gioan Baotixita Phạm Minh Mẫn nhân dịp tĩnh tâm năm linh mục 2012.
https://www.hdgmvietnam.com/chi-tiet/phuc-am-hoa-trong-xu-dao-41748
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét