Nói gần nói xa, chẳng qua nói thật
Vũ Văn An
Trong tiếng Việt, có nhiều từ điển diễn tả cách nói năng của người ta. Chúng tôi xin kể ra đây một số cách nói quen thuộc dùng để che dấu sự thật, làm lệch lạc sự thật, hoặc cản trở người khác nhận ra sự thật, lãnh hội sự thật, làm chậm “bước đi” của sự thật, nghĩa là những điều tiêu cực đối với sự thật:
Nói bóng nói gió: Nói xa xôi hiểu ý ở ngoài lời.
Nói cạnh nói khóe: Nói gần nói xa để châm chọc, đả kích.
Nói chặn: Nói trước để ngăn ngừa điều người ta sắp nói, sắp làm.
Nói chua: Nói chanh chua nhằm làm người ta khó chịu.
Nói dóc: Nói khoác lác và bịa đặt cho vui hay để ra vẻ ta đây. Chỉ được cái nói dóc!
Nói dối: Nói sai sự thật một cách cố ý, nhằm che dấu điều gì.
Nói điêu: Nói những điều không có thật về người khác. Đừng nói điêu cho người khác.
Nói gần nói xa: Nói gần gần xa xa, chứ không nói thẳng. Nói gần nói xa, chẳng qua nói thật: nói thẳng cho rồi! Tác phong học gọi nói thẳng là quả quyết. Chúa Kitô nhấn mạnh điều này khi đưa ra nguyên tắc căn bản: Có nói có, không nói không, thêm bớt đều là ma qủy. Khi Philatô hỏi: Ông có phải là Vua không, Người đáp: Ông nói đúng, tôi là vua (Ga 18:37). Khi Công Nghị Do Thái hỏi; Vậy ra Ông là Con Thiên Chúa? Người đáp: Các ông nói đúng, chính là tôi (Lc 23:6). Sự thật thẳng thừng. Không xa gần gì cả. Nếu Ngưòi biết xa gần bóng gió, ví von, có thể Người đã thoát nạn. Như: còn tùy các ông hiểu vua (Con Thiên Chúa) là gì, nếu... thì không phải, nếu...thì có thể.
Nói gở: Nói ra những lời cho là có thể báo trước hoặc đưa đến việc chẳng lành.
Nói hớt: Nói trước lời mà người khác chưa kịp nói.
Nói hươu nói vượn: Nói khoác lác, không thật, không thực tế.
Nói kháy: Nói xa xôi để khích bác, trêu tức.
Nói khoác: Nói những điều quá xa sự thật, quá xa những điều mình thấy hoặc làm, để người ta phuc mình.
Nói lái: Nói khác đi một tổ hợp hai ba âm tiết bằng cách chuyển đổi phần vần hay phần phụ âm đầu, hoặc phần thanh điệu, có thể có đổi cả trật tự các âm tiết, để bông đùa hoặc chơi chữ, châm biếm. [...
Nói lảng: Nói sang chuyện khác, cốt để tránh chuyện đang nói.
Nói láo: Nói những chuyện nhảm nhí, không đứng đắn (người Bắc), nói dối (người Nam).
Nói leo: Nói chen vào chuyện của người trên khi không được hỏi đến.
Nói lóng: Nói bằng cách chen vào một số từ ngữ với nghĩa quy ước mà chỉ một nhóm ít người biết riêng với nhau.
Nói mát: Nói dịu nhẹ như khen, nhưng thật ra là mỉa mai, chê trách.
Nói mò: Nói một cách hú họa, không căn cứ. Thầy bói nói mò.
Nói móc: Nói nhằm châm chọc điều không hay của người khác một cách cố ý.
Nói ngang: Nói trái với lẽ phải, thiếu thiện ý trong việc bàn bạc, làm cản trở công việc. Đã không làm lại còn nói ngang. Đôi khi thêm: nói ngang bứa, hoặc, nói ngang phè (ngang hết chịu nổi).
Nói ngoa: Nói phóng đại, xa sự thật
Nói nhăng nói cuội: Nói nhảm nhỉ, vu vơ. (Nhăng là quấy quá nhảm nhí; cuội là Chú Cuội trên Cung Trăng vốn bị coi là Tổ Nói Láo, nên phải ngồi ôm cây trên Mặt Trăng như câu ca dao bình dân: “Bắc thang lên đến tận mây, Hỏi sao Cuội phải ấp cây cả đời? Cuội nghe hỏi thế Cuội cười, Bởi hay nói dối nên ngồi ấp cây”. Người ta cũng nói: hứa nhăng hứa Cuội, tán nhăng tán Cuội.
Nói (dối) như Cuội: Cuội nổi tiếng về tài nói dối. Vì bố mẹ chết sớm, Cuội được ông chú bà thím mang về nuôi nấng. Ngay từ thuở nhỏ, Cuội đã có trí thông minh, hóm hỉnh và biết cách nói dối tài tình. Đã nhiều phen, Cuội lừa dối làm ông chú bà thím tức lộn ruột đến phải bắt Cuội bỏ rọ ngâm sông. Nhưng nhờ tài nói dối, Cuội đã lừa được kẻ chui vào rọ chết thay cho mình... Đúng là nói dối như Cuội.
Nói như Ông Bành Tổ: Bành Tổ là người đời Đường đời Nghiêu (Trung Quốc) được Vua Nghiêu phong ở đất Bành Thành, có tiếng là người sống lâu đến bẩy trăm tuổi. Nên việc gì cũng biết cũng thông. Nhưng kiểu nói Nói như Ông Bành Tổ ám chỉ một người còn ít tuổi nhưng cứ huênh hoang như mình đã lịch lãm như người sống đã 7 trăm năm (thực ra những lời họ nói đáng ngờ, sai sự thật).
Nói như trạng: Trạng nguyên là người bao năm đèn sách, bao lần lều chõng đi thi và đỗ đầu kỳ thi đình, nên rất thông tuệ, uyên bác. Tuy nhiên, nói như trạng ám chỉ người có vốn hiểu biết ít ỏi, nhưng cứ hợm hĩnh coi mình như ông tiến sĩ.
Nói như thánh phán: Thánh là hiện thân của cõi siêu nhiên, thần bí, đứng trên con người; do đó phán gì chả đúng, nói gì cũng linh nghiệm. Tuy nhiên, nói như thánh phán ám chỉ cũng phàm phu tực tử như ai nhưng lại nói như thể biết đủ điều huyền nhiệm bí ẩn. Kiểu nói khác: nói thánh nói tướng.
[...]
Nói như vẹt: Nói nhưng không hiểu điều mình nói, chỉ lặp lại điều người khác nói như con vẹt.
Nói phách: Nói khoác lác, vẻ kiêu căng tự phụ.
Nói quanh: Nói không đi thẳng vào vấn đề, để tránh nói sự thật.
Nói trống không: Nói mà không nêu rõ đối tượng muốn nói đến; nói một cách vô lễ, thiếu những từ ngữ xưng hô cần thiết.
Nói tục: Nói những lời thô tục thiếu thanh nhã. Kiểu khác: nói tục nói tĩu.
Nói vu: Bịa đặt truyện xấu gán cho người nào đó để làm mất danh dự, uy tín. Đây là một trong những khí giới mà kẻ hèn nhát hay dung để bôi tro trát trấu lên kẻ vô tội sau khi không làm hại họ được cách nào khác hơn. [...]
Nói vụng: Nói riêng với nhau về những điều không hay, không tốt của người khác.
Nói xấu: Nói sau lưng về những điều không hay, không tốt của người khác nhằm bôi nhọ, giảm uy tín của họ.
Nói xỏ: Nói xa xôi, nhằm châm chọc một cách ác ý.
(Các chữ liệt kê lấy của Minh Tâm, Thanh Nghị, Xuân Lâm, Từ Điển Tiếng Việt; Viện Ngôn Ngữ Học, Kể Chuyện Thành Ngữ, Tục Ngữ).
Kỳ tới: Đèn Soi Bước Con Đi
Vietcatholic News
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét