Chúa Nhật II Phục Sinh

–Lm Inhaxiô Hồ Thông–

Phụng Vụ Lời Chúa Chúa Nhật II Phục Sinh năm B tiếp tục tưởng niệm biến cố Phục Sinh và những thành quả mà biến cố nầy đem lại trong suốt Mùa Phục Sinh cho đến lễ Ngũ Tuần.

Cv 4: 32-35

Đoạn trích sách Công Vụ nầy trình bày cuộc sống gương mẫu của các Ki-tô hữu tiên khởi: chia sẻ cho nhau nhu cầu cần thiết trong cuộc sống hằng ngày như “cơm ăn áo mặc”.

1Ga 5: 1-6

Thánh Gioan nhắc nhở chúng ta rằng niềm tin vào Đức Giê-su Phục Sinh đã biến đổi những mối quan hệ giữa con người với nhau và giữa con người với Thiên Chúa.

Ga 20: 19-31

Trong Tin Mừng Gioan hôm nay, Đức Giê-su Phục Sinh hiện ra với các môn đệ, đặc biệt với thánh Tô-ma, qua người môn đệ cứng lòng tin nầy, Ngài nhắn gởi đến tất cả chúng ta: “Phúc thay những người không thấy mà tin”.

BÀI ĐỌC I (Cv 4: 32-35)

Trong suốt Mùa Phục Sinh, Bài Đọc I, trích dẫn từ sách Công Vụ Tông Đồ, trình bày cho chúng ta một cái nhìn bao quát trên cuộc sống cộng đồng tiên khởi, cộng đồng Ki-tô hữu tại Giê-ru-sa-lem.

Như chúng ta biết, sách Công Vụ bao gồm hai phần: phần thứ nhất vạch lại thuở ban đầu của Giáo Hội trong đó nêu bật nhân cách của thánh Phê-rô, vị thủ lãnh của Giáo Hội. Phần thứ hai dâng hiến cho hoạt động truyền giáo của thánh Phao-lô, vị Tông Đồ của dân ngoại, trong đó thánh Lu-ca là người đồng hành và là môn đệ của thánh nhân: tác giả tường thuật những biến cố mà mình được dự phần vào hay biết rất rõ.

Để mô tả thời kỳ mà tác giả đã không được trải nghiệm, thánh Lu-ca đã lợi dụng thời gian sống hai năm ở Pa-lét-tin khi thánh Phao-lô bị giam cầm ở Xê-da-rê (59-60), để điều tra, tìm hiểu từ những chứng nhân mắt thấy tai nghe. Chúng ta thấy những dấu vết của sự tra cứu tận nguồn này ở nơi văn phong, từ vựng, những ngữ điệu sê-mít điểm xuyến phần thứ nhất của sách. Trong khi đó, tác giả biên soạn phần thứ hai tùy thuộc vào chính kinh nhiệm của riêng mình.

Sự kiện Ki-tô giáo lan tràn nhanh chóng đã đánh động thánh Lu-ca. Thánh ký khám phá sức sống kỳ diệu của Giáo Hội tiên khởi, vừa ở nơi tác động của Chúa Thánh Thần (tác động nầy chiếm một chỗ quan trọng trong sách Công Vụ), vừa ở nơi sức mạnh lời chứng của các Tông Đồ cũng như cuộc sống gương mẫu của các Ki-tô hữu tiên khởi.

Ba lần thánh Lu-ca phác họa đời sống của các Ki-tô hữu nầy, chắc chắn hơi được lý tưởng hóa nhưng thật sự là mẫu mực, được phân phối theo chu trình ba năm Phụng Vụ: Bản tóm lược thứ nhất (Cv 2: 42-47) vào Chúa Nhật II Phục Sinh năm A, bản tóm lược thứ hai (Cv 4: 32-35) vào Chúa Nhật II năm B, và bản tóm lược thứ ba (Cv 5: 12-16) vào Chúa Nhật II Phục Sinh năm C.

Bản văn, trích dẫn hôm nay thuộc vào Chúa Nhật II năm B, nêu bật những nét đặc trưng của cộng đoàn tiên khởi như sau:

1.Một lòng một ý:

Cộng đoàn Ki-tô hữu Giê-ru-sa-lem chắc chắn là một tập thể hỗn hợp gồm những người Ki-tô hữu gốc Do thái bản địa và những người Ki-tô hữu gốc Do thái hải ngoại hay còn gọi những Ki-tô hữu chịu ảnh hưởng văn hóa Hy-lạp (Cv 2: 9), họ sống cùng nhau tại Thành Thánh và các vùng phụ cận, thuộc đủ tầng lớp: giàu cũng như nghèo, dân thường cũng như tư tế (Cv 6: 7), không phân biệt nam hay nữ (Cv 5: 14). Bất chấp những nguồn gốc và tầng lớp khác nhau, họ đồng một lòng một ý với nhau: một niềm tin duy nhất gắn bó họ lại với nhau, đó là niềm tin vào Đức Ki-tô Phục Sinh vinh quang.

Thánh Lu-ca cũng không cố tình che dấu những bất đồng, những tranh cãi nhỏ nhặt trồi lên ở giữa lòng cộng đoàn hỗn tạp nầy, ví dụ như những lời kêu trách của các Ki-tô hữu Do thái hải ngoại đối với những Ki-tô hữu Do thái bản địa, nhưng những bất đồng mà thánh ký gợi lên không tác động đến sự duy nhất trong cùng một niềm tin của họ.

2.Mọi sự đều là của chung:

Sự duy nhất niềm tin nầy tạo nên đức ái huynh đệ được cụ thể hóa bởi việc đặt của cải chung, điều nầy hàm chứa việc người giàu chia sẻ cho người nghèo những nhu cầu thiết yếu trong cuộc sống hằng ngày như cơm ăn áo mặc. Việc chia sẻ nầy không bắt buộc, nhưng hoàn toàn tự nguyện. Phần tiếp theo nêu gương ông Ba-na-ba, một thầy lê-vi thuộc đảo Sýp. Có một thửa đất, “ông bán đi lấy tiền đem đặt dưới chân các Tông Đồ” (Cv 4: 37).

Mẫu gương của cộng đoàn Ki-tô hữu Giê-ru-sa-lem chắc chắn tạo nên những làn sóng thi đua. Lời chứng gần nhất với lời chứng của sách Công Vụ là cộng đoàn Ki-tô hữu Carthage cuối thế kỷ thứ hai. Cảnh tượng cộng đoàn nầy phô diễn cuộc sống huynh đệ đã lay động nhà biện giáo Tết-tu-li-a-nô lừng danh và không lạ gì đã lôi kéo nhà biện giáo nầy theo. Ông hết lòng ca ngợi đức ái sống động của cộng đoàn nầy ở nơi việc chia sẻ của cải, lòng ưu ái đối với những người nghèo.

3.Không ai phải thiếu thốn.

“Tất cả những người có ruộng đất, nhà cửa, đều bán đi, lấy tiền đem đặt dưới chân các tông đồ”. Dường như thánh Lu-ca muốn mặc cho hành vi nầy một sắc thái phụng vụ. Quả thật, trong thời kỳ Ki-tô giáo tiên khởi, những của lễ mà các tín hữu dâng hiến đều được định vị trong khung cảnh phụng vụ, đặc biệt là việc cử hành Thánh Thể. Phụng sự Thiên Chúa hàm chứa “phục vụ anh em”. Không phải bàn Tiệc Thánh Thể dâng hiến mẫu gương tuyệt vời nhất ở đó mọi người, giàu cũng như nghèo, đều đón nhận cùng một của ăn thức uống đó sao?

4.Mỗi người được phân phát tùy theo nhu cầu:

Ngôn từ thánh Lu-ca sử dụng ở đây thật đáng chú ý. Động từ “phân phát” được dùng ở đây cũng là động từ Đức Giê-su đã sử dụng khi Ngài bảo chàng thanh niên giàu có: “Hãy bán tất cả những gì anh có mà phân phát cho người nghèo” (Lc 18: 22). Việc ám chỉ đến câu chuyện Tin Mừng này kết thúc bức phác họa của thánh Lu-ca về cộng đoàn tiên khởi.

BÀI ĐỌC II (1Ga 5: 1-6)

Sau bài trích dẫn sách Công Vụ Tông Đồ, Phụng Vụ Lời Chúa đề nghị chúng ta suy niệm các bản văn của thánh Gioan: các thư và Tin Mừng Gioan, chung cho ba cả ba năm Phụng Vụ Lời Chúa Mùa Phục Sinh. Điều này phù hợp với một truyền thống rất lâu đời (chỉ trừ Chúa Nhật III Phục Sinh được trích từ Tin Mừng Lu-ca về hai người môn đệ trên đường Em-mau).

Ba bức thư không đề tên tác giả được quy cho thánh Gioan. Quả thật, tư tưởng và văn phong rất gần với sách Tin Mừng Gioan nên không thể không xếp chúng vào cùng một tác giả. Thư thứ nhất dài nhất và quan trọng nhất trong số ba bức thư nầy dường như gởi cho các cộng đoàn miền Tiểu Á bị tác động bởi các trào lưu ngộ đạo. Thánh Gioan nhấn rất mạnh trên đức tin. Chính nhờ đức tin mà chúng ta nhận ra Đức Giê-su là Đấng Ki-tô (Đấng Mê-si-a) và là Con Thiên Chúa. Không thể tin vào Thiên Chúa mà không tin vào Đấng Ki-tô.

Thánh Gioan liên kết mật thiết đức tin với đức ái, vì tiêu chuẩn của đức tin Ki-tô giáo chính truyền là đức ái đối với anh em đồng loại, nghĩa là, “yêu người đích thật” là hoa trái của “mến Chúa thực lòng”. Cuối cùng, thánh Gioan cũng liên kết đức tin với lời chứng của Chúa Thánh Thần.

1.Gắn bó với Đức Ki-tô.

Hành vi đầu tiên của đức tin là gắn bó với Đức Giê-su Ki-tô. Hành vi nầy dẫn đưa chúng ta vào trong cung lòng của Chúa Cha, Đấng sinh chúng ta ra làm con cái Thiên Chúa về phương diện siêu nhiên, và liên kết chúng ta với nhau trong mối tử hệ tình yêu nầy đến nỗi đức ái huynh đệ Ki-tô giáo là hệ luận tức khắc của đức tin.

Những khẳng định nầy là đòn đáp trả chí mạng cho những diễn từ sai lạc của hai trào lưu tư tưởng: học thuyết của những Ki-tô hữu gốc Do thái và ngộ đạo thuyết, đang hoành hành ở giữa lòng các cộng đoàn mà bức thư nầy gởi đến.

A.Học thuyết của những Ki-tô hữu gốc Do thái:

Trào lưu thứ nhất xuất phát từ những Ki-tô hữu gốc Do thái. Những người nầy không chấp nhận Đấng Ki-tô bị đóng đinh, vì thế họ phân biệt giữa Đức Giê-su, một phàm nhân là con của ông Giu-se và bà Ma-ri-a, và một nhân vật được biến đổi thành Đấng Ki-tô nhờ phép Rửa và nhờ việc Thánh Thần xức dầu tấn phong. Trở thành Đấng Ki-tô (nghĩa là Đấng được xức dầu tấn phong), Đức Giê-su đã có thể công bố một sứ điệp siêu việt và thực hiện các phép lạ, nhưng Đức Ki-tô thiên giới nầy tự tách ra khỏi Đức Giê-su phàm nhân vào giây phút Tử Nạn. Vì tự bản tính thần linh, Đức Ki-tô thiên giới nầy không thể nào chịu đau khổ và phải chết được.

Từ đó, chúng ta hiểu điểm nhấn của thánh Gioan: “Phàm ai tin rằng Đức Giê-su là Đấng Ki-tô, kẻ ấy đã được Thiên Chúa sinh ra” (5: 1a). Trong một đoạn văn trước đó, với một giọng điệu mãnh liệt hơn, thánh Gioan viết: “Ai là kẻ dối trá, nếu không phải là kẻ chối rằng Đức Giê-su là Đấng Ki-tô? Kẻ ấy là tên phản Ki-tô, là kẻ chối Chúa Cha và Chúa Con” (2: 22). Hai tước hiệu: Đấng Ki-tô và Con Thiên Chúa, không ngừng được lập đi lập lại trong bức thư nầy.

B.Ngộ đạo thuyết:

Trào lưu ngộ đạo nầy xuất phát từ những Ki-tô hữu gốc lương dân. Họ nhạy bén trước những tư tưởng thần bí của các tôn giáo mầu nhiệm rất thịnh hành vào lúc đó, đặc biệt trong miền Tiểu Á nầy được xem như chiếc nôi của trào lưu này. Những người truyền bá trào lưu tư tưởng nầy cho rằng không cần thiết phải qua Đức Ki-tô để đến Thiên Chúa. Con người có thể hiệp thông với Thiên Chúa qua ơn thần khải nội tâm, sự xuất thần hay thậm chí nghi thức khai tâm.

Chống lại những suy luận nầy, thánh Gioan đề cập đến tử hệ thần linh mà Chúa Cha ban ngay tức khắc cho những ai tin vào Con của Ngài. Ai tin rằng Đức Giê-su là Đấng Ki-tô, người ấy thật sự sinh ra từ Thiên Chúa. Người nầy không thể nào không yêu mến Chúa Cha, bởi vì chính Chúa Cha là tác giả của cuộc sinh hạ siêu nhiên nầy.

Ngược lại với những suy luận trừu tượng nầy, thánh Gioan nêu lên việc thực hành “mến Chúa” và “yêu người” như tiêu chuẩn cơ bản của Ki-tô giáo chính truyền.

2.Đức Tin và Đức Ái:

Từ đó, thánh Gioan mạnh mẽ xác quyết: “Căn cứ vào điều nầy, chúng ta biết được mình yêu thương con cái Thiên Chúa” (5: 2a). Đức ái Ki-tô giáo cắm rễ sâu vào tận nguồn mạch Thiên Chúa. Thánh nhân tố cáo ngụy đức ái theo đó yêu thương anh em của mình chỉ là một thứ tình cảm thuần túy nhân bản. Cội nguồn yêu thương độc nhất và chân thật là Thiên Chúa.

“Đó là chúng ta yêu mến Thiên Chúa, và thi hành các điều răn của Người” (5: 2b). Những điều răn nầy đã được xác định ở 3: 23, ở đó Chúa Cha đòi hỏi con người: phải tin vào Con của Ngài và phải yêu thương nhau. Việc đòi hỏi nầy không là gánh nặng: “Quả thật, yêu mến Thiên Chúa là tuân giữ các điều răn của Người. Mà các điều răn của Người có nặng nề gì đâu” (5: 3). Ở đây ám chỉ đến lời của Đức Giê-su: “Vì ách tôi êm ái, và gánh tôi nhẹ nhàng” (Mt 11: 30). Thánh Âu-gút-ti-nô đã quảng diễn lời nầy trong một biểu thức danh tiếng: “Ở đâu có tình yêu ở đó không có sự nhọc mệt; hay nếu có sự nhọc mệt, thì sự nhọc mệt được yêu” (De bono viduitatis, 26).

Đừng quên rằng những dòng nầy được ngỏ lời với những Ki-tô hữu trung thành sống điều răn kép: đức tin và đức ái, trong hoàn cảnh đầy khó khăn. Vị tông đồ an ủi họ: “Vì mọi kẻ đã được Thiên Chúa sinh ra đều thắng được thế gian” (5: 4a). Đây là một chủ đề mang đậm nét Gioan: người Ki-tô hữu sẽ chiến thắng thế gian (thế gian được hiểu theo nghĩa thế giới tội lỗi, từ chối tin như trong sách Tin Mừng thứ tư). Trong thư thứ nhất của thánh Gioan nầy, động từ “chiến thắng”  lập đi lập lại đến sáu lần.

“Và điểu làm cho chúng ta thắng được thế gian, đó là nhờ lòng tin” (5: 4b). Chúng ta lưu ý rằng thánh Gioan xưng hô: “chúng ta”, như thế thánh nhân liên kết mình vào cùng một cuộc chiến với những tín hữu của ngài. Thánh nhân nâng đỡ và khích lệ họ khi nhắc cho họ nhớ lý do cuộc khải hoàn của họ: đối diện với mọi diễn từ sai lạc, họ đã giữ vững niềm tin vào tính toàn vẹn bất khả phân của Đức Giê-su. Vừa là Đấng Ki-tô vừa là Con Thiên Chúa, Đức Giê-su đã tỏ mình ra không chỉ trong nước Thánh Tẩy của Ngài nhưng cũng trong máu Tử Nạn của Ngài, nghĩa là không chỉ trong nước mà thôi như những nhà ngụy giáo khẳng định, nhưng cả trong máu hiến tế của Ngài nữa. Đây không là một Đức Giê-su phàm nhân, nhưng Con Thiên Chúa nhập thể đã đổ máu mình ra.

Chắc chắn thánh Gioan cũng nghĩ đến ân ban cao vời của Đấng Ki-tô, dù đã chết vẫn để máu và nước chảy ra từ cạnh sườn bị đâm thâu của mình (x. Ga 19: 34-35). Vị Tông Đồ là chứng nhân nhãn tiền của những dấu chỉ về bí tích Thánh Tẩy và bí tích Thánh Thể.

3.Chúa Thánh Thần làm chứng:

Nếu nước và máu là những chứng từ hữu hình, thì cũng có một chứng từ vô hình khác, chứng từ của Chúa Thánh Thần. Vì thế, chân lý chiến thắng sự sai lạc, đức tin chiến thắng lạc giáo, điều nầy chứng thực sức mạnh của Chúa Thánh Thần, chính Ngài bảo tồn sự thật.

Ở nơi lời nhắc nhở đạo lý nầy, chúng ta nhận ra một cuộc bút chiến. Vài trào lưu ngộ đạo tự nhận mình là “thuộc Thần Khí” và viện dẫn những ơn đặc sủng của mình cũng như ánh sáng “thần khải” của mình là “thuộc Thần Khí”. Ấy vậy, hành động của Thần Khí chỉ được xem là chính truyền nếu hoạt động nầy làm cho sự thật của Đức Giê-su hiện diện, bởi vì Chúa Cha làm chứng cho Chúa Con khi sai phái Chúa Thánh Thần đến. Đoạn trích thư này kết thúc với việc ghi nhận Ba Ngôi Thiên Chúa. Việc ghi nhận Ba Ngôi Thiên Chúa thường hằng được lập đi lập lại trong bức thư thứ nhất này của thánh Gioan.

TIN MỪNG (Ga 20: 19-31)

Đây là một trong những trang Tin Mừng thiết lập niềm xác tín của chúng ta: “Đức Giê-su của niềm tin thật sự là Đức Giê-su của lịch sử”. Chính các Tông Đồ chứng thực sự kiện Phục Sinh. Hơn nữa, nhờ sự cứng lòng tin của một trong số họ, vài ngày sau đó, các ngài hưởng được một sự kiểm chứng.

Theo truyền thống, bản văn nầy được đọc vào Tuần Bát Nhật Phục Sinh, bởi vì thánh ký nói với chúng ta Đức Giê-su hiện ra cho thánh Tô-ma “tám ngày sau”, nghĩa là cũng vào “chiều ngày thứ nhất trong tuần” sau đó. Quả thật, chúng ta đọc thấy nơi bài tường thuật nầy hai tình tiết: Đức Giê-su Phục Sinh hiện ra cho mười Tông Đồ không có thánh Tô-ma vào buổi chiều ngày thứ nhất trong tuần và Ngài hiện ra cho các Tông Đồ, đặc biệt cho thánh Tô-ma, cũng vào buổi chiều thứ nhất trong tuần sau đó. Việc chỉ dẫn thời điểm nầy rất quý: ngày thứ nhất trong tuần chính là ngày những người Ki-tô hữu đã chọn rất sớm để cùng nhau tham dự việc bẻ bánh, như vậy nhấn mạnh tính chất phục sinh của việc cử hành Thánh Thể.

1.Đức Giê-su Phục Sinh hiện ra cho các môn đệ không có thánh Tô-ma (20: 19-23)

Các Tông Đồ họp nhau lại gồm mười vị không có thánh Tô-ma. Dường như Tô-ma đã không tha thiết gì đến việc hội họp với các Tông Đồ khác nữa. Chúng ta có thể phỏng đoán rằng chính thánh Phê-rô đã quy tụ họ để thông báo cho họ những sự cố vừa mới xảy ra: việc khám phá ngôi mộ trống: khăn che mặt không để lẫn với những băng vải liệm, sự kiện bà Ma-ri-a Mác-đa-la trong số vài người phụ nữ nói đã thấy Đức Giê-su Phục Sinh và Ngài đã nói với bà…

Các Tông đồ đang sống trong bầu khí hoang mang vừa hy vọng lẫn sợ hãi: “Nơi các môn đệ ở, cửa đều đóng kín, vì các ông sợ người Do thái” (20: 19). Diễn ngữ: “vì sợ người Do thái”, được lập đi lập lại nhiều lần trong Tin Mừng Gioan, thậm chí trước cuộc Thương Khó, như cha mẹ của anh mù từ lúc mới sinh chỉ trả lời vòng vo “vì sợ người Do thái” (9: 22). Trong Tin Mừng thứ tư, người Do thái trước hết chỉ giáo quyền Giê-ru-sa-lem. Họ đã ra án tử cho Thầy phải chăng nay họ sẽ ra tay với các môn đệ?

Đức Giê-su thình lình xuất hiện giữa họ, dù “cửa khóa then cài”. Ngài tự đặt mình ở giữa nỗi sợ hãi của họ cũng như Ngài đã đồng hành bên cạnh nỗi buồn phiền của hai môn đệ trên đường Em-mau (Lc 24: 13-32). Nỗi sợ hãi và buồn phiền sẽ sớm trở thành niềm vui.

A.Bình an cho anh em.

Theo các Tin Mừng Nhất Lãm, bà Ma-ri-a báo tin Chúa đã sống lại cho các môn đệ, nhưng bà đã gặp phải sự cứng lòng tin của các môn đệ (Mc 16: 9-11; Lc 24: 11); sau đó, Chúa Giê-su đích thân hiện ra với các môn đệ và “khiển trách các ông không tin và cứng lòng” (Mc 16: 14; Lc 24: 25). Theo Tin Mừng Gioan, trong lần hiện ra này, không có bất kỳ lời quở trách nào, Chúa Giê-su Phục Sinh chỉ đem đến cho các môn đệ bình an như Ngài đã hứa: “Thầy để lại bình an cho anh em, Thầy ban cho anh em bình an của Thầy. Thầy ban cho anh em không theo kiểu thế gian” (Ga 14: 27; 16: 20-22).

Thật ra “bình an” là lời chào thường ngày của người Do thái, nhưng lời chào của Đức Giê-su trong bối cảnh này chẳng bao giờ là thường tình cả. Đức Giê-su đem đến sự bình an của Ngài cho những môn đệ nầy, những người đã bỏ rơi Ngài vì thất vọng. Bình an mà Ngài đem đến cho họ qua sự hiện diện và sự tha thứ của Ngài: không một lời quở trách, không một ám chỉ nào đến bất kỳ khuyết điểm nào của họ, cả nỗi cô độc mà họ đã bỏ rơi Ngài một mình trong cuộc khổ nạn của Ngài.

B.Những chứng tích của cuộc khổ nạn:

Để họ nhận ra Ngài, Đức Giê-su cho họ thấy những chứng tích ở “tay và cạnh sườn” của Ngài như chính thức đồng nhất hóa “thân thể phục sinh” của Ngài với “thân thể chịu đóng đinh” của Ngài. Ở đây, chúng ta thẩm định tầm quan trọng của việc khám phá ngôi mộ trống: một mặt, thân thể mang lấy những vết thương cuộc khổ nạn của Ngài không bị phân hủy trong ngôi mộ; mặt khác, chính thân thể ấy mà Ngài hiện ra với các ông, chứ không như một bóng ma hay một ảo giác: một thân thể đang sống, có thể đụng chạm, gặp gỡ tiếp xúc. Lúc đó, “các môn đệ vui mừng vì được thấy Chúa” (20: 20). Niềm vui này được Đức Giê-su báo trước rồi: “Thật, Thầy bảo thật anh em: anh em sẽ khóc lóc và than van, còn thế gian sẽ vui mừng. Anh em sẽ lo buồn, nhưng nỗi buồn của anh em sẽ trở thành niềm vui” (Ga 16: 20).

Chúng ta ghi nhận rằng thánh Gioan viết: “Người đưa cho các ông xem tay và cạnh sườn (20: 20), trong khi thánh Lu-ca trong bài trình thuật song song viết: “Người đưa tay chân ra cho các ông xem” (Lc 24: 40). Thánh Gioan là thánh ký duy nhất tường thuật tình tiết người lính Rô-ma lấy lưỡi đòng đâm thâu cạnh sườn của Đức Giê-su. Thánh ký đã chứng kiến “máu” cùng “nước” chảy ra, đây là hai ân ban tột cùng từ cái chết của Đức Ki-tô. Ở nơi hai ân ban này, thánh ký đã hiểu cuộc sinh hạ Giáo Hội trong “nước” (bí tích Thánh Tẩy) và trong “máu” (bí tích Thánh Thể). Trong bản văn hôm nay, thánh ký nhấn mạnh thêm một lần nữa Giáo Hội chào đời vào buổi chiều Phục Sinh, dưới hơi thở của Thần Khí và bởi lệnh truyền sai đi thi hành sứ mạng. Thật tương phản đến ngạc nhiên, với những người sợ hãi giam mình trong căn phòng cửa khóa then cài, Đức Giê-su ra lệnh cho họ lên đường, ra đi loan báo Tin Mừng Phục Sinh “cho hết tất cả mọi người” không phân biệt một ai.

C-Sứ mạng sai đi:  

Chúa Giê-su Phục Sinh chính thức ủy quyền cho các môn đệ: “Như Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai anh em” (20: 21). Trong lời công bố này, nguồn gốc sứ mạng của Đức Giê-su là Chúa Cha: “Như Cha đã sai Thầy”, nguồn gốc sứ mạng của các môn đệ là Chúa Giê-su: “Thầy cũng sai anh em”, như Ngài đã nói trong lời nguyện tư tế của Ngài: “Như Cha đã sai Con đến thế gian, thì Con cũng sai họ đến thế gian. Vì họ, Con xin thánh hiến chính mình Con, để nhờ sự thật, họ cũng được thánh hiến”(17: 18-19).

Khi sai các môn đệ, Đấng Phục Sinh không để cho họ phải đơn độc trong sứ mạng của họ, vì sự hiện diện và quyền năng của Ngài sẽ ở với họ ở nơi ân ban Thánh Thần: “Nói xong, Người thổi hơi vào các ông và bảo: ‘Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần’” (20: 22). Một lần nữa, chúng ta thường nghĩ về Chúa Thánh Thần được ban vào ngày lễ Ngũ Tuần, nhưng đó là việc Chúa Thánh Thần ngự xuống một cách chính thức và công khai để hướng dẫn sứ mạng của Giáo Hội tại thế. Đối với Tin Mừng Gioan, ân ban Thánh Thần, tự bản chất là mầu nhiệm, bắt nguồn từ cuộc Vượt Qua của Đức Giê-su bao gồm Tử Nạn, Phục Sinh và Vinh Thăng của Ngài.

D.Ân ban Thánh Thần:

Khi ban Thánh Thần, Chúa Giê-su hiện thực những gì Ngài đã hứa. Trước đây, vào dịp bế mạc Lễ Lều, Đức Giê-su trích dẫn Kinh Thánh khi áp dụng vào chính mình: “Từ lòng Người, sẽ tuôn chảy những dòng nước hằng sống”, và được người kể chuyện giải thích: “Đức Giê-su muốn nói về Thần Khí mà những kẻ tin vào Người sẽ lãnh nhận. Thật thế, bấy giờ họ chưa nhận được Thần Khí, vì Đức Giê-su chưa được tôn vinh” (7: 38-39). Vào lúc Ngài chịu chết, Chúa Giê-su ban Thánh Thần cho nhân loại, biểu tượng nước và máu chảy ra từ cạnh sườn bị đâm thâm của Ngài. Giờ đây, Đức Giê-su đã được tôn vinh, vì thế Ngài ban Thánh Thần trên các môn đệ, Đấng mà trong diễn từ Cáo Biệt, Chúa Giê-su đã hứa với các môn đệ, sẽ thế vì Ngài, hiện diện và hoạt động với họ (x. 14: 16-17, 26; 15: 26; 16: 7-15).

Cách thức Chúa Giê-su ban Thánh Thần nhắc nhớ câu chuyện sáng tạo: Thiên Chúa đã thổi sinh khí vào A-đam (x. St 2: 7) như thế nào, thì Chúa Giê-su thổi hơi vào các môn đệ cũng như vậy. Ngoài ra, cách thức này cũng nhắc nhớ thị kiến của ngôn sứ Ê-dê-ki-en về dân Ít-ra-en được tái sinh vào thời sau hết khi Thiên Chúa phán với các bộ xương khô: “Đây Ta sắp cho thần khí nhập vào các ngươi và các ngươi sẽ được sống” (Ed 37: 5, 9-10). Trong ánh sáng này, việc Đấng Phục Sinh thổi hơi vào các môn đệ có thể được thấy như một cuộc tạo dựng mới vào thời cánh chung. Thiên Chúa đã thổi hơi ban sự sống cho nhân loại, nay Chúa Giê-su thổi hơi ban sự sống mới cho các môn đệ. Các môn đệ lãnh nhận sự sống này nhờ Thánh Thần, vì thế họ cũng được sinh ra một lần nữa bởi ơn trên (x. 3: 3-8). Ở đây, các môn đệ có kinh nghiệm về mối dây liên kết giữa họ với Thầy qua hơi thở ban sự sống của Đức Giê-su, như trong diễn từ Cáo Biệt, Chúa Giê-su đã hứa với các môn đệ: “Chẳng bao lâu nữa, thế gian sẽ không còn thấy Thầy. Phần anh em, anh em sẽ được thấy Thầy, vì Thầy sống, anh em cũng sẽ được sống” (14: 19).

Đ.Tha thứ và cầm giữ:

Ở đây, sứ mạng của các môn đệ được trình bày cách cụ thể: “Anh em tha tội cho ai, thì người ấy được tha; anh em cầm giữ ai, thì người ấy bị cầm giữ” (20: 23). Theo Tin Mừng Gioan, tội chủ yếu là không nhận biết Đức Giê-su hiện thân Mặc Khải Thiên Chúa (x. 8: 24; 9: 39-41; 15: 22, 24). Dựa trên những lời Đức Giê-su nói và những việc Đức Giê-su làm, mỗi người phải tự xét xử chính mình là tin hay không tin. Công việc của Chúa Thánh Thần cũng được Chúa Giê-su mô tả như thế: “Khi Người đến, Người sẽ chứng minh rằng thế gian sai lầm về tội… vì chúng không tin vào Thầy” (16: 8-9). Có Chúa Thánh Thần ở cùng, các môn đệ cũng làm chứng rằng phán quyết của Thiên Chúa được hoàn tất ở nơi Đức Giê-su, Ngài là Chiên Thiên Chúa, Đấng xóa bỏ tội trần gian (1: 29). Những ai chấp nhận lời chứng của các ngài, tội của họ được tha; trái lại, những ai từ chối lời chứng của các ngài, tội của họ sẽ bị cầm giữ.

Hai mệnh đề: “Anh em tha tội cho ai” và “Anh em cầm giữ ai”, cho thấy tính hữu hiệu lời chứng của các môn đệ. Đồng thời, hai mệnh đề thụ động thần linh: “Người ấy được tha” và “người ấy bị cầm giữ”, cho thấy chính Thiên Chúa ẩn mình ở nơi lời phán quyết của các môn đệ. Sứ mạng của Đức Giê-su hình hành nên cuộc xét xử: được cứu độ hay bị kết án như thế nào, thì lời chứng của các môn đệ cho sứ mạng này cũng đòi hỏi được tha tội hay bị cầm giữ như thế.  

Vì mục đích của sứ mạng nầy, Đức Giê-su tái tạo họ, chúng ta có thể nói như vậy, khi thổi Thần Khí của Đấng Phục Sinh trên họ và ban cho họ được quyền tha thứ cho anh em mình… như Ngài đã hứa với họ: máu Ngài đã đổ ra để tha thứ tội lỗi. Đó là sự phong nhiêu của biến cố Tử Nạn và Phục Sinh của Ngài.

2.Chúa Giê-su phục sinh hiện ra cho các môn đệ, đặc biệt cho thánh Tô-ma (20: 24-29):

Chắc chắn thánh Tô-ma gắn bó mật thiết với Đức Giê-su. Thánh nhân đã yêu mến Ngài và tin vào Ngài. Vào lúc lên Giê-ru-sa-lem sau cùng, thánh nhân đã nói lên trọn tấm lòng của mình đối với Thầy khi mời gọi các bạn: “Cả chúng ta nữa, chúng ta cùng đi để cùng chết với Người” (11: 16). Nhưng ông không ngờ Ngài phải chịu chết ô nhục trên thập giá, cái chết nầy đã làm giấc mơ của ông tan thành mây khói. Niềm thất vọng lẫn nỗi buồn phiền khiến ông tách biệt khỏi các bạn đồng môn khác. Chúng ta biết được nhân cách của Tô-ma chỉ nhờ Tin Mừng thứ tư. Tin Mừng nầy ba lần đưa thánh nhân vào hoạt cảnh (11: 16; 14: 5-7; 20: 14-29).

A.Những đòi hỏi của thánh Tô-ma.

Với một tâm trí thực tiển, trước đây trong bữa Tiệc Ly thánh nhân đã nêu lên cho Đức Giê-su một câu hỏi thực tế và thẳng thắn: “Thưa Thầy, chúng con không biết Thầy đi đâu, làm sao chúng con biết được đường ?” (Ga 14: 4-5); vì thế, thánh nhân từ chối tin vào sự kiện Phục Sinh nếu không có bằng chứng do chính mình kiểm chứng. Khi đòi hỏi “thấy” Đức Giê-su Phục Sinh, thánh nhân cũng không hơn gì các môn đệ khác. Dù đã nghe lời chứng của bà Ma-ri-a Ma-đa-la, nhưng họ đòi hỏi thấy mới chịu tin. Tuy nhiên, những đòi hỏi của thánh Tô-ma không đơn giản muốn được thấy, nhưng còn muốn được đụng chạm đến thân thể của Chúa Phục Sinh. Điều này làm cho ước muốn của thánh nhân càng trở nên sinh động hơn. Trong mỗi người chúng ta ẩn hiện một dáng dấp nào đó của thánh Tô-ma: “Nếu tôi không thấy dấu đinh ở tay Người, nếu tôi không xỏ ngón tay vào lỗ đinh và không đặt bàn tay vào cạnh sườn Người, tôi chẳng có tin” (20: 25).

B.Chúa Giê-su Phục Sinh đáp trả thánh Tô-ma:

Đức Giê-su Phục Sinh cảm thương người môn đệ có tâm hồn nhiệt thành nầy đang đắm chìm trong nỗi phiền muộn, trong khi các môn đệ khác hớn hở vui mừng. Vì thế, Ngài chấp nhận đáp ứng những đòi hỏi của thánh nhân.

Tám ngày sau (tức Chúa Nhật sau đó), Chúa Giê-su lại hiện đến với các môn đệ, đặc biệt với Tô-ma khi bảo ông: “Đặt ngón tay vào đây, và hãy nhìn xem tay Thầy. Đưa bàn tay ra mà đặt vào cạnh sườn Thầy” (20: 27a). Truyền thống cho rằng thánh Tô-ma nghi ngờ, tuy nhiên chúng ta không gặp thấy động từ “nghi ngờ” trong bản văn. Thay vì đó, Chúa Giê-su kêu mời thánh Tô-ma: “Đừng cứng lòng nữa, nhưng hãy tin” (20: 27b), nghĩa là chuyển đổi từ “không tin” (“apistos”) sang “tin” (“pistos”). Bản văn nhấn mạnh nhu cầu “thấy” để “tin”.

C.Thánh Tô-ma tuyên xưng đức tin:

Bản văn không nói cho chúng ta biết thánh Tô-ma có thực sự làm đúng như Thầy bảo, nhưng đúng hơn ông lập lại điều mà thánh Gioan đã nói về người môn đệ Chúa yêu khi chứng kiến các dấu chỉ trong ngôi mộ: “Ông đã thấy và ông đã tin” (20: 8). Khi được thấy bằng chứng của biến cố Phục Sinh, ngay lập tức thánh Tô-ma tuyên xưng đức tin của mình: “Lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con!” (20: 28).

Dù lúc đầu không tin, nay thánh nhân không chỉ tin, nhưng còn tuyên xưng đức tin của mình: “Lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con” (20: 28). Lời tuyên xưng này họa lại lời tuyên xưng của Tv 35: 23: “Lạy Thiên Chúa, lạy Chúa con thờ”. Đây cũng là Danh mà Thiên Chúa xưng với dân Ít-ra-en: “Ta là Đức ChúaThiên Chúa của ngươi” (Xh 20: 2). Thật có ý nghĩa biết bao, trước đây Chúa Giê-su đã nói với thánh Tô-ma: “Nếu anh em biết Thầy, anh em cũng biết Cha Thầy. Ngay từ bây giờ, anh em biết Người và đã thấy Người” (14: 7). Nay với lời tuyên xưng của mình, thánh Tô-ma làm rõ ra những hàm ý ở nơi lời khẳng định của Đức Giê-su. Dĩ nhiên, người đọc đã biết vị thế độc nhất này của Đức Giê-su như đã được làm rõ ra ngay từ khởi đầu Tin Mừng:

“Thiên Chúa, chưa bao giờ có ai thấy cả;

nhưng Con Một vốn là Thiên Chúa

và là Đấng hằng ở nơi cung lòng Chúa Cha,

chính Người đã tỏ cho chúng ta biết” (1: 18).

Trong Tuần Lễ khai mạc sứ vụ của Chúa Giê-su, các môn đệ đã ban cho Chúa Giê-su một loạt những tước hiệu, điều này chỉ ra một sự hiểu biết tiệm tiến về Ngài. Ở đây, thánh Tô-ma ban cho Đấng Phục Sinh một tước hiệu sau cùng, tước hiệu vĩnh viễn: Đức Giê-su là Chúa” và là Thiên Chúa”. Tin Mừng Gioan kết thúc với lời khẳng định tuyệt đối về Thần Tính của Đức Giê-su. Lời tuyên xưng của thánh Tô-ma cho thấy niềm tin của ông vượt quá những gì thánh nhân đã thấy. Những gì thánh nhân đã thấy là Thầy mình đã chết nay sống lại, nhưng ông tuyên xưng Thần Tính của Đức Giê-su Như vậy, dù được diễm phúc thấy Thầy sống lại, nhưng cũng không miễn trừ đức tin của ông.

E.Phúc thay những ai không thấy mà tin:

Qua lời tuyên xưng của ông, Chúa Giê-su nhắn gởi đến những tín hữu của mọi thời: “Vì thấy Thầy, nên anh tin. Phúc thay những người không thấy mà tin” (20: 19).  Đây là mối phúc duy nhất của Tin Mừng Gioan. Trước hết, mối phúc nầy chính xác dựa trên lời chứng của các Tông Đồ trong đó lời chứng của thánh Tô-ma là thấm thía nhất. Chính nhờ lời chứng của người môn đệ Chúa yêu đã thấy những băng vải liệm trong ngôi mộ trống, cũng như nhờ lời chứng của những người đã gặp gỡ chính Đấng Phục Sinh mà những ai sau này cũng có khả năng tuyên xưng đức tin như thánh Tô-ma. Đó cũng lời cầu nguyện Tư Tế của Đức Giê-su: “Con không chỉ cầu nguyện cho những người này, nhưng còn cho những ai nhờ lời họ mà tin vào Con, để tất cả nên một, như Cha ở trong Con và Con ở trong Cha để họ cũng ở trong chúng ta” (17: 20-21).

Đó là những tín hữu sau nầy mà thánh Phê-rô ca ngợi đức tin của họ trong thư thứ nhất của thánh nhân: “Tuy không thấy Người, anh em vẫn yêu mến, tuy chưa được giáp mặt mà lòng anh em vẫn kính tin. Vì vậy, anh em được chan chứa một niềm vui khôn tả, rực rỡ vinh quang, bởi đã nhận được thành quả của đức tin là ơn cứu độ con người” (1Pr 1: 8-9). Mục đích của sách Tin Mừng Gioan đã được hoàn tất mỹ mãn: những biến cố được sưu tập cho thấy Thần Tính của Đức Giê-su đến nỗi nhờ tin người đọc có sự sống nhờ Ngài.

https://kinhthanhvn.net/goi-y-bai-giang/goi-y-bai-giang-chua-nhat-ii-phuc-sinh.html