Trang

Chủ Nhật, 18 tháng 4, 2021

Con thuyền của Thánh Phêrô hay một đàn cá?

 

Con thuyền của Thánh Phêrô hay một đàn cá?

 

 

Con thuyền của Thánh Phêrô hay một đàn cá? Cuộc sống nguy hiểm trên mạng của người công giáo. Cần có một suy nghĩ mới về những gì cuộc sống trên mạng đang làm để xây dựng hoặc phá hủy…

international.la-croix.com, Massimo Faggioli, 2021-04-15

Gần đây, ba nhà lãnh đạo hàng đầu của Giáo hội ở Rôma đã nhấn mạnh đến tình trạng phân cực nguy hiểm giữa người công giáo trong thời điểm này.

Người đầu tiên là hồng y Raniero Cantalamessa, Dòng Capuxinô, nhà thuyết giảng chính thức của Phủ giáo hoàng, trong bài giảng ngày Thứ Sáu Tuần Thánh ngài ghi nhận, tình huynh đệ và sự hiệp nhất giữa người công giáo đang bị tổn thương sâu đậm. Ngài nói, chính các mục tử  của Giáo hội “phải là những người đầu tiên nghiêm túc xét mình” và“tự hỏi mình đã dẫn đàn chiên của mình theo quan điểm của mình hay theo quan điểm của Chúa Giêsu”.

Ba ngày sau đến lượt hồng y Quốc vụ khanh Pietro Parolin. Trong một phỏng vấn phát sóng ngày thứ hai 5 tháng 4 trên đài phát thanh COPE của Giáo hội Tây Ban Nha, ngài nói sự chia rẽ là có thật và chúng có hại. Hồng y Parolin nói: “Bất cứ ai nhìn tình trạng Giáo hội hiện nay cũng đều lo lắng cho những điều này, vì chúng có đó.”

Và chỉ hai ngày sau, trong buổi tiếp kiến chung hàng tuần, khi nói đến việc cầu nguyện trong sự hiệp thông với các thánh, Đức Phanxicô đã nói đến tầm quan trọng mà một số người công giáo dành cho mạng xã hội.

Ngài nói: “Những lời cầu nguyện tốt đẹp có tính “lan rộng”, chúng tự phổ biến liên tục, dù có đăng hay không đăng trên mạng xã hội: từ các phòng bệnh viện, từ các khoảnh khắc tụ tập mừng lễ đến những người phải âm thầm chịu đau khổ.”

Ngài nói thêm: “Đau khổ của mỗi người là đau khổ của mọi người, hạnh phúc của một người được truyền sang tâm hồn người khác.”

Thể chế Giáo hội im lặng một cách đáng kể

Thật đáng quan tâm để theo những gì Đức Phanxicô nói trên Internet và các phương tiện truyền thông xã hội trực tuyến. Nhà báo kỳ cựu người Ý của nhật báo Avvenire, Guido Mocellin, đã theo dõi sự hiện diện trên mạng của giáo hoàng trong một thời gian khá dài.

Báo Avvenire của Hội đồng giám mục Ý, đã là một trong những tờ báo can đảm nhất của Ý vì sự quan tâm của báo với các vấn đề xã hội và quốc tế.

Phần đóng góp của Đức Phanxicô trên mạng là điều đáng quan tâm vì thể chế Giáo hội rất im lặng về thế nào là ý nghĩa của hiệp thông của đời sống chúng ta trên mạng.

Cho đến nay, không có nỗ lực đáng kể nào của giáo huấn Giáo hội mang lại một ý nghĩa  thần học về cách mà đời sống cộng đồng trực tuyến của chúng ta tác động trên cộng đồng giáo hội và sự hợp nhất của nó.

Giáo hội công giáo luôn nhanh chóng sử dụng các phương tiện truyền thông hiện đại, nhưng chậm chạp và thận trọng trong việc đánh giá chúng.

Từ Đức Piô XI đến Đức Phaolô VI

Hơn hai hai mươi năm sau khi kỹ nghệ điện ảnh quốc gia được hình thành, năm 1936 Đức Piô XI công bố thông điệp về điện ảnh.

Hai năm sau đó, Vigilanti Cura (Cẩn thận chú ý) đã được gởi đến các giám mục Hoa Kỳ sau khi đã thiết lập “một cuộc thập tự chinh thần thánh chống lại việc lạm dụng phim ảnh và đặc biệt giao cho “Đoàn Lễ nghi” (Legion of Decency).

Một trong những văn kiện đầu tiên được Công đồng Vatican II (1962-65) thông qua là Inter Mirifica (Trong số những điều tuyệt vời), một sắc lệnh về truyền thông xã hội, phản ánh cách sử dụng các phương tiện thông tin đại chúng “để hướng dẫn tín hữu kitô và tất cả những nỗ lực vì lợi ích cho các linh hồn”

Sau đó, Vatican công bố một chỉ thị mục vụ năm 1971 để cập nhật sắc lệnh công đồng và được đặt tên là Communio et Progressio (Liên hệ và Phát triển).

Hiện nay có rất nhiều hình thức truyền thông xã hội khác nhau, đã có từ hơn 20 năm. Nhưng thể chế đã không nói gì nhiều về loại phương tiện truyền thông xã hội trực tuyến này.

Vatican trong những năm kể từ thời Đức Gioan-Phaolô II

Chỉ có một vài Giáo hội địa phương đã cố gắng, đặc biệt với tác động của kỹ thuật số trong việc dạy giáo lý và đào tạo các thừa tác viên và đặc biệt là các linh mục.

Tại Hoa Kỳ, cả Thư mục Hướng dẫn Giáo lý năm 2020 và Hồng ân Ơn gọi Linh mục năm 2016 (còn được gọi là Ratio Fundamentalis) đều đề cập đến thực tế của văn hóa kỹ thuật số như một điều cần thiết phải xem xét, như nữ chuyên gia Mỹ Daniella Zsupan- Jerome đã đưa ra.

Nhưng không có gì khác về Giáo hội và  Internet, đặc biệt là đến từ Vatican trên phương diện phản ánh trí tuệ.

Chẳng hạn, năm 2015 Đức Phanxicô đã thành lập một Bộ truyền thông mới, ngài giao cho Bộ công việc cải tổ và củng cố các hoạt động truyền thông đa dạng của Vatican.

Dù người ta nghĩ gì về cuộc cải cách đó, thì bộ mới là cơ quan điều hành và không – hoặc ít nhất là chưa – phải là nơi mà Vatican thực hiện suy nghĩ của mình về truyền thông.

Chẳng hạn trang web của Bộ có một mục cung cấp các tài liệu về thẩm quyền của Giáo hội trên các phương tiện truyền thông. Gần đây nhất là một chỉ thị mà Đức Gioan-Phaolô II công bố vào tháng 1 năm 2005. Cách đây hơn 15 năm!

Các tính năng “phụng vụ và bán-tôn giáo” của công giáo trực tuyến

Nhiều người công giáo hiện nay dường như dành nhiều thời gian trực tuyến hơn là tham dự vào các hoạt động khác, kể cả cầu nguyện.

Tuy nhiên, trên thực tế, cuộc sống trực tuyến của chúng ta có các đặc điểm phụng vụ và gần như có tính cách tôn giáo: các lễ trọng trên lịch, các vị thánh và các vị tử đạo, hệ thống cấp bậc giữa các chủ tế và cộng đoàn, các hình thức trừng phạt và dứt phép thông công, v.v.

Những đặc điểm thẩm thấu của cuộc sống trực tuyến đóng một vai trò quan trọng trong việc cực đoan hóa bản sắc tôn giáo, kể cả bản sắc công giáo, và chúng là một yếu tố dẫn đến việc gia tăng sự phân cực và chia rẽ trong Giáo hội.

Hiện tượng này là cái gọi là ecclesia discens (các thành viên của Giáo hội học hỏi) học nhanh hơn so với những người được cho là ecclesia docens (các thành viên của Giáo hội có trách nhiệm giảng dạy).

Các ecclesia docens phải lưu ý điều này.

Nữ tiểu thuyết gia và nhà tiểu luận người Mỹ, Patricia Lockwood trong quyển tiểu thuyết đầu tay của bà, Không ai nói về chuyện này (No One Is Talking About This) , theo dõi tương tác của một nhân vật chính ẩn danh với một nền tảng ảo được gọi là “cổng thông tin.”

Bà mô tả cuộc sống trực tuyến ảnh hưởng như thế nào đến cuộc sống của chúng ta theo cách có thể dạy rất nhiều điều cho các nhà lãnh đạo Giáo hội.

Ví dụ, bà nói, cuộc sống cộng đồng chúng ta trên mạng giống như đàn cá cùng nhau thay đổi hướng một cách trực giác, bỏ lại những con cô lập, những con không đi theo chung đàn cho những kẻ săn mồi.

Việc sử dụng dòng ý thức của bà phù hợp với một cộng đồng sống, trong đó thường “chúng ta sống với một tâm trí không hoàn toàn của riêng mình, ở đó chúng ta hoạt động cũng như bị động.

Khi cuồng nhiệt tôn giáo khám phá ra Internet

Thuật ngữ mà bà Lockwood mô tả áp dụng cho ngôn ngữ của những kẻ cuồng nhiệt tôn giáo trên mạng xã hội, kể cả những người tự cho mình là công giáo.

Bà lưu ý: “Điều bắt đầu như một trò chơi bằng lời nói bốc đồng và được áp dụng nhanh nhất đã sớm xuất hiện trong biệt ngữ, rồi trong học thuyết, và sau đó là trong giáo điều”.

Điều này làm cho tôi nhớ trong một vài mệnh lệnh của những quan tòa dị giáo công giáo tự xưng của thế kỷ 21, những người có số lượng người theo dõi lớn lao trên Twitter.

Bà Lockwood rõ ràng biết đôi điều về sự kết hợp nguy hiểm của Internet và sự cuồng tín tôn giáo.

Năm 2017, bà trở nên nổi tiếng với cuốn hồi ký Cha linh mục (Priestdaddy), trong đó bà kể trải nghiệm được nuôi dạy trong cương vị con gái của một linh mục cánh hữu. Cha của bà là cựu mục sư giáo phái Lutheran, sau đó ông trở lại đạo công giáo và được Vatican đặc cách cho phép giữ vợ và gia đình lại.

Nhưng cuộc sống trực tuyến này của người công giáo không phải chỉ toàn chuyện xấu.

Hình thức hiệp thông ảo mới này qua Internet có thể trở thành nơi chia sẻ các nhân đức.

Đã đến lúc có một suy tư thần học trên mạng xã hội

Một cuốn sách khác rất hay của thần học gia mới nổi người Mỹ xuất bản năm 2020 của bà Katherine Schmidt, đưa ra những hệ quả thần học và cơ hội của Internet cho Giáo hội.

Bà nói: “Trong trường hợp không có phiên bản thế kỷ 20 của các không gian định danh, nơi các thành viên của Nhiệm thể Chúa Kitô tham dự trong một trao đổi biểu tượng, thì Internet trở thành một trang web tiềm năng cho sự hiệp thông.”

Bà Schmidt viết: “Dù không bỏ qua tính chất quá khích, gây chia rẽ và thậm chí bạo lực của truyền thông xã hội trực tuyến, nhưng chúng ta có thể thấy những khoảnh khắc trao đổi mang tính biểu tượng phản ánh tình yêu không điều kiện của Chúa mà chúng ta học được trong Bí tích Thánh Thể.”

Đại dịch Covid đã thay đổi cuộc sống, làm  chúng ta tiến nhiều hơn đến không gian ảo. Và vì vậy đã đến lúc phải có các phản ánh thần học trên mạng xã hội.

Điều này cần thiết không chỉ vì số lượng người công giáo dành một phần thì giờ đáng kể của họ ở đó, mà vì mạng xã hội đã thay đổi năng động truyền thông của các nhà lãnh đạo Giáo hội – trong một số trường hợp là tai hại, và đa số là những trường hợp vô thức.

Đối với các chủng sinh và các giáo sĩ trẻ, Internet dường như đã thay thế các tài liệu học tập và đào tạo của thể chế trong một số trường hợp.

Mặt khác bà Katherine Schmidt lập luận cần phải có kiến thức kỹ thuật số đối với tất cả các bộ trưởng và các nhà lãnh đạo trong Giáo hội, cũng như giáo dân và giáo sĩ, nhưng nhất là trong chủng viện.

Các chủng viện và hội đồng giám mục khác nhau có đường hướng và chính sách ban hành, nhưng người ta tự hỏi không biết họ đang hoạt động như thế nào.

Và sẽ rất đáng kể khi xem xét các đường hướng và chính sách đối với chủng sinh và giáo sĩ ở những giáo phận mà các giám mục thường có những hành vi đáng xấu hổ trên mạng xã hội.

Việc Đức Phanxicô có một trong những tài khoản Twitter được nhiều người theo dõi không nói lên ý thức và nhận thức của Giáo hội về tác động sâu sắc của mạng xã hội đối với đời sống của người công giáo và sự hiệp thông trong Giáo hội.

Thuyền của Thánh Phêrô phải được xem là khác với một đàn cá.

Dù vậy, nhận thức bên ngoài và tự nhận thức về Giáo hội ngày càng được định hình bởi các chia rẽ thể hiển rõ trong cuộc sống trực tuyến của các thành viên.

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét