Trang

Thứ Hai, 26 tháng 4, 2021

Chúng ta có thể trở lại chớp nhoáng như Thánh Phaolô không?

 Chúng ta có thể trở lại chớp nhoáng như Thánh Phaolô không?

famillechretienne.fr, Linh mục Nicolas Buttet, sáng lập Cộng đồng Thánh Thể, 2021-01-25

Hình minh họa

Được kính vào ngày 25 tháng 1, sự trở lại của Thánh Phaolô mời gọi chúng ta suy nghĩ sâu hơn ý nghĩa việc trở lại và hiến thân của ngài. Chúng ta nhìn sự trở lại như thế nào?

Các cuộc trở lại tận căn như Thánh Phaolô cò còn tồn tại không?

Thiên Chúa nhìn thấy các ước mơ trong lòng chúng ta, ngay cả khi chúng lộn xộn và xa sự thật. Thánh Phaolô đã có tấm lòng nóng bỏng muốn phục vụ Chúa, sự hung bạo của ngài đối với tín hữu kitô là dấu hiệu cho thấy ngài đã chiến đấu vì sự thật và vì tình yêu của mình với Thiên Chúa. Sự sáng rạng của ngài, dù bị mù mắt, là mặc khải về điều mà trái tim ngài nung nấu muốn biết: Đấng Thiên sai mà ngài thấy trong gương mặt của những người mà ngài bắt bớ.

Thần học về ân sủng ưu ái khẳng định rằng Thiên Chúa, Đấng nhìn thấy sự hiện hữu của chúng ta chỉ qua một ánh nhìn, đôi khi Ngài ban ơn trước cho chúng ta, lý do vì lòng nhiệt thành và lòng quảng đại của kẻ tìm kiếm Ngài và tìm cách hoàn tựu một sứ mệnh. Với Thánh Phaolô, điều này đã dẫn ngài đến tử đạo. Thiên Chúa vô cùng tôn trọng trái tim con người, bằng cách biểu lộ chính mình cho ai khát khao Ngài tuyệt đối. Nếu không có điều này, sẽ không có mạc khải vì Ngài tôn trọng tự do của chúng ta.

Sự trở lại chớp nhoáng như thế này có xảy ra ở các giáo phái kitô khác không?

Trong Tin Mừng đã có nói, khi các tông đồ phàn nàn, người ta nhân danh Chúa Giêsu mà rao giảng và chữa bệnh, Ngài đã trả lời: “Đừng ngăn cản người ta, ai không chống lại chúng ta là ủng hộ chúng ta” (Mc 9:40). Ngày nay, thậm chí còn nhiều hơn cả ngày xưa, các tín hữu kitô thuộc các giáo phái khác nhau đã trải nghiệm sự hiện diện và quyền năng của Chúa Giêsu Kitô hằng sống. Điều này giúp cho sự gần gũi thực sự của tình yêu và trái tim, đôi khi mạnh mẽ hơn nhiều so với các thành viên của Giáo hội chúng ta.

Sự hiệp thông không mong chờ này giữa các Giáo hội kitô khác nhau là con đường của một sự hiệp nhất mới trong những năm sắp tới. Đồng thời, truyền thống công giáo của chúng ta mang một điều gì đó độc đáo mà chúng ta nên nhớ: một đời sống kitô giáo sung mãn, một sự cân bằng phi thường giữa thiên nhiên và ân sủng, lời và các bí tích, tính phổ quát trong đa dạng các nền văn hóa và nghi lễ, một sự hiệp nhất xung quanh người tôi tớ của sự hợp nhất là giáo hoàng…

Sức sống của các Giáo hội kitô khác phải chất vấn người công giáo chúng ta, đưa chúng ta ra khỏi sự lạnh nhạt của chúng ta. Chẳng hạn, đâu là kinh nghiệm về lòng bác ái và hiệp thông trong các giáo xứ của chúng ta, khi chúng ta thấy tình huynh đệ nồng ấm được trải nghiệm trong nhiều Giáo phái phúc âm?

Phép rửa tội chúng ta nhận được có phải là một loại trở lại tức thì không? Dù sao, chúng ta có thể tách mình ra khỏi Giáo hội không?

Phép rửa tội không phải là thuốc chủng ngừa để chống lại cuộc chiến thiêng liêng. Trong Tông huấn Hãy Vui mừng và Hân hoan, Gaudete et exsultate, Đức Phanxicô giải thích, người tín hữu kitô phải đương đầu với cuộc chiến chống lại chính mình, chống lại tinh thần của thế giới và chống lại Thần Dữ đã làm cho mình quay lưng lại với Chúa.

Vấn đề trọng tâm của đời sống người tín hữu kitô là lòng trung thành. Điều này không bao giờ có được, nó chỉ có được trong mối liên hệ vĩnh cửu với ân sủng được ban từng ngày trong lời cầu nguyện hàng ngày. Tương tự như vậy, trong đời sống thiêng liêng, chúng ta có thể có những ơn lớn lao và quên những ơn này, chẳng hạn bị mù quáng bởi một ánh mắt mà đột nhiên trở thành người duy lý (cám dỗ được cứu rỗi bởi trực tri), hoặc người Pêlagiô (cám dỗ được cứu bằng nỗ lực của chính mình). Đây là tầm lớn lao và thảm kịch về tự do của con người.

Giáo Hội cũng phải tự chất vấn về việc tháp tùng những người tân tòng, thường quá đơn độc trong các giáo xứ, không phải lúc nào họ cũng được đón nhận trong tình huynh đệ thân tình… Làm sao không ngạc nhiên khi sau vài năm họ buông bỏ?

Tại sao Chúa cho phép trở lại với tất cả các tôn giáo

Trong thế giới vật chất, vô trùng, lòng khát khao thiêng liêng của con người nhất thiết phải bừng dậy một cách vô trật tự. Chúng ta lấy ví dụ về các thiên thần, Giáo hội công giáo đã hoàn toàn quên các thiên thần, và các thiên thần tái xuất hiện qua Thời đại mới với nhiều hoang mang. Thánh Âugutinô nói, tâm hồn con người được tạo ra cho Thiên Chúa và nó không ngơi nghỉ cho đến khi nào nó gặp được Chúa. Nhà văn Saint-Exupéry đã cho thấy, vào giữa thế kỷ 20, con người không có câu trả lời cho các lo âu thiêng liêng, từ đó kéo theo một nỗi thống khổ siêu hình to lớn. Bạo lực của những kẻ khủng bố hồi giáo là một phản ứng đối với sự biếng nhác hoặc tuyệt vọng của phương Tây. Giáo hội phải xét mình và xin tha thứ với nhiều văn hóa: Giáo hội chia sẻ đã được giao cho mình như thế nào? Có nồng nhiệt đủ để rao giảng Tin Mừng của Chúa Kitô không?

Nhà văn G. K. Chesterton đã cho thấy, ai không tin vào Chúa thì không tin vào gì cả. Họ sẵn sàng tin vào  bất cứ điều gì.

Những người mới trở lại thường quá độ, thậm chí là rất tận căn không?

Thánh Biển Đức nói với các tu sĩ lớn tuổi: “Các bạn hãy nghe các tập sinh trẻ, trong họ có thể có một ngọn lửa quá lớn, họ chưa trải qua thử thách, nhưng họ truyền đi một cái gì đó tươi mới của Tin Mừng. Về điểm này, họ là thầy của các bạn… Thời gian sẽ mang lại một khác nhau nào đó.” Tất nhiên, khôn ngoan theo Thánh Biển Đức nghĩ không liên quan gì đến tính biếng nhác vốn là mệt mỏi, thậm chí là buồn bã. Tin Mừng chứa đựng trong nó một tính cách triệt để mà không gì có thể xóa bỏ được. Thánh Phanxicô Assisi, Théophane Vénard, Antoine Chevrier, Mẹ Têrêxa… mỗi người lúc này lúc khác đều bị cho là người điên.

Chúng ta cẩn thận để không nhầm sự thánh thiện tận căn này của Tin Mừng với sự cứng rắn độc quyền hoặc loại trừ, có thể kéo theo một nỗi thống khổ nào đó trong thế giới đầy chuyển động, đôi khi bệnh hoạn và bất ổn. Sự cứng nhắc này thường đi với việc tìm kiếm một cách mạnh mẽ bản sắc và an toàn mà mình muốn phù hợp với các đòi hỏi của Tin Mừng. Trong một số vụ trở lại, cả hai chuyện này đan xen vào nhau. Các mục tử phải cảnh giác và không bước vào trò chơi nguy hiểm này, nơi đức tin được công cụ hóa và trí tuệ hóa như một cơ chế để bảo vệ chống lại lo lắng. Sự cám dỗ này có thể là giây phút tăng trưởng, nhưng cẩn thận đừng biến sự cứng nhắc thành lý tưởng, thường hướng đến sự trung thành quá mức với quá khứ. Đức Phanxicô đã thách thức: “Những ai giữ chặt quá khứ thì không có tương lai.”

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch

http://phanxico.vn/2021/04/26/chung-ta-co-the-tro-lai-chop-nhoang-nhu-thanh-phaolo-khong/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét