Trang

Thứ Hai, 26 tháng 4, 2021

Magda Hollander-Lafon: “Duy chỉ một cái nhìn cũng có thể cứu một con người”

 Magda Hollander-Lafon: “Duy chỉ một cái nhìn cũng có thể cứu một con người”

la-croix.com, Fanny Cheyrou, 2021-04-24

Ảnh: Richard Dumas

Năm 16 tuổi, bà bị đưa đến trại tập trung Auschwitz-Birkenau. Trong văn phòng tràn ngập ánh sáng của bà ở Rennes, cựu nhà tâm lý học trẻ em đã công bố một tuyên ngôn sâu sắc gởi đến giới trẻ. Năm nay 93 tuổi, bà Magda Hollander-Lafon tin rằng chúng ta cùng chịu trách nhiệm về thế giới ngày mai. Vì vậy, bà “làm phần của mình.”

Vì sao bà lại yêu cầu mọi người gọi bà là Magda?

Khi có người gọi tôi là “bà”, tôi như phải đi tìm chính tôi. Mọi người đều gọi tôi bằng tên của tôi. Magda, tôi thấy nó thật nồng ấm. Tất cả các bạn trẻ tôi gặp, cũng đến hơn 50.000 bạn trẻ trong suốt cuộc đời tôi, các em đều gọi tôi như vậy. Tôi là người gốc Hungary. Và Magda là tên phổ biến ở Đông Âu, đó là tên tắt của Mađalêna. Mẹ tôi tên là Esther và em gái tôi tên Irène.

Mẹ và em của bà như thế nào?

Chúng tôi cùng bị trục xuất chung. Ngay ngày chúng tôi đến, mẹ và em của tôi bị đưa vào phòng hơi ngạt. Mẹ tôi rất đơn sơ và luôn ở bên cạnh chúng tôi vì cha tôi luôn đi vắng. Đó là kỷ niệm tôi còn nhớ lại. Em tôi là người mong muốn được sống. Em tôi là người có nhiều năng khiếu. Chúng tôi cách nhau 4 năm. Tôi 16 và em tôi 12 tuổi. Đó là tuổi mới lớn của tôi và giữa chúng tôi luôn có mâu thuẫn. Tôi là chị lớn và em là em út, vì thế giữa chúng tôi không phải ngày nào cũng màu hồng. Đó không phải là một thảm kịch, nhưng là một kinh nghiệm sống. Em tôi là một phần câu chuyện cuộc đời của tôi. Tôi làm một khác biệt giữa ký ức và kỷ niệm. Đối với tôi, ký ức được ghi vào Lịch sử. Kỷ niệm ghi trong tâm hồn, bạn có thể dùng nó như bạn muốn. Và nó rất hay thay đổi, nó có thể thay đổi theo tâm trạng của chúng ta. Ký ức đòi hỏi nhiều hơn. Cả đời chúng ta cố gắng thanh lọc ký ức của mình.

Tiếng mẹ đẻ của bà đã không còn?

Tôi hoàn toàn quên tiếng mẹ đẻ , tôi không còn nói được nữa. Tôi không còn có thể phát âm một từ Hungary nào. Và khi có người nói chuyện với tôi bằng tiếng Hungary, tôi không hiểu. Tôi chỉ có thể đọc. Sau chiến tranh, khi trở về Hungary, tôi nhận ra, tôi đã mất ngôn ngữ của mình. Dĩ nhiên có những chữ vẫn còn lại, nhưng tôi phải suy nghĩ mới tìm ra. Tôi rất thích tiếng mẹ đẻ của tôi, tôi thấy tôi như một đứa trẻ, tôi viết được rất nhiều… Trong trại tập trung, tôi đã thấy khó khi nói với với người Hungary. Tôi nói rất ít, tôi thích nghe họ nói hơn. Một ngày nọ, có một phụ nữ cho tôi bốn mẩu bánh mì nhỏ và nói tiếng Hungary với một giọng gần như không nghe được: “Con còn trẻ, con phải sống, để nói cho thế giới biết chuyện đang xảy ra, để điều này không bao giờ xảy ra nữa.” Ngày hôm đó, tôi đã hiểu tất cả.

Kỷ niệm đầu tiên của bà khi ra khỏi trại tập trung là kỷ niệm nào?

Khi người Mỹ tìm thấy chúng tôi, chúng tôi ở trong tình trạng thảm thương khủng khiếp. Họ đưa chúng tôi đến gặp những người, những người này muốn cho chúng tôi rất nhiều thứ. Tôi nói chúng tôi không cần tất cả những thứ này, tôi chỉ cần một cái áo để thay. Sau đó những người Mỹ hỏi tôi muốn gì. Và tôi nhớ mình không thể nói mình muốn cái gì trước, ăn bánh mì hay đi tắm. Tôi xin đi tắm. Bà không thể hình dung tôi vui như thế nào khi thấy làn nước này trước mặt tôi. Tôi nhìn thấy đó cả muôn vàn màu sắc. Đó là cái chậu nhôm rất bình thường, lớn và chứa đầy nước âm ấm, không làm cho tôi bị tê cóng. Tôi đã rửa tay, rửa mặt, một mình tôi với tất cả chậu nước này. Tôi chưa trần trụi để tắm, nhưng tôi khám phá ra một cơ thể, cơ thể đó của tôi. Chỉ sau khi tắm, tôi mới ăn. Tôi không ăn, tôi nuốt.

Bà thuộc dạng cô gái nào?

Tôi rất quyết tâm, ngay cả trước chiến tranh tôi cũng không dễ, tôi đòi hỏi nhiều thứ. Tôi nghĩ chỗ của tôi ở trên các cây, tôi trèo lên cành cây với giấy bút của tôi. Tôi viết những chuyện không vừa ý. Và tôi đặt tất cả dưới chân cây. Vì tôi chắc cây sẽ nghe tôi và không nói với bất cứ ai. Năm 14 tuổi, tôi bị đuổi khỏi trường, đó là một sỉ nhục rất lớn đối với tôi vì tôi rất yêu trường học. Nước Hungary là nước bài do thái, không ai đưa tay ra cho chúng tôi. Tôi là một cô bé nổi loạn, tôi thích mọi chuyện phải công bằng. Và tôi thấy đời sống không công bằng. Đối với người do thái chúng tôi, đời sống không công bằng.

Tuần trước, bà nói với tôi qua điện thoại, “Tôi thích những câu hỏi.” Bà thích gì trong các câu hỏi?

Khi chúng ta hỏi ai một câu, chúng ta làm họ tồn tại. Chúng ta không xem họ như một đối tượng. Khi người khác đặt câu hỏi cho mình, là mình có lời nói. Với tôi, câu hỏi là hiện sinh, không có một câu hỏi nào bị cấm. Khi chúng ta không có câu trả lời cho một câu hỏi, điều đó không sao cả. Chúng ta luôn có thể trả lời: “Câu hỏi của bạn chất vấn tôi, nhưng tôi không thể trả lời.” Khi đó, bạn đã có thể diễn tả cảm nhận của mình. Và trong cảm nhận của mình, đó là tính duy nhất của mình, sự tồn tại của mình là ở đó. Không ai có thể nói giùm những gì bạn cảm nhận. Không ai có thể trả lời thay cho bạn. Một câu hỏi là một cây cầu, là mở ra với người khác.

Bà nói gì với các người trẻ bà gặp?

Khi tôi đứng trước họ, tôi nói với họ: “Các bạn là duy nhất, các bạn rất quan trọng.” Chúng ta thường xem người khác, nhất là xem trẻ em là những đồ vật, những đồ vật của chúng ta, như thể chúng thuộc về chúng ta. Không có một em bé nào thuộc về chúng ta. Chúng ta phải đồng hành với các em để chúng thuộc về chúng. Thông thường, chúng ta quyết định cho chúng. Nhiều em nói với tôi: “Magda, chưa ai nói với chúng con là chúng con quan trọng.”

Những từ đơn giản thường mang rất nhiều trọng lượng. Tôi cũng nói với các em: “Các con có trách nhiệm với cuộc sống của các con.” Điều này có thể là hiển nhiên, nhưng tôi không nghe nói nhiều về chuyện này. Mọi người mang trong mình tổn thương là không được lắng nghe. Trẻ em là người mà chúng ta cùng đồng hành cho tương lai các em. Không bao giờ để các em ở một mình, chúng ta luôn cần một ai đó để chúng ta có thể biểu lộ mình.

Đâu là câu hỏi đáng kể nhất mà các em đặt cho bà?

“Magda, làm thế nào chúng ta có thể làm việc cho hòa bình?”  Tôi trả lời với các em, chúng ta thường thích đổ lỗi cho người khác thay vì yêu thương họ. Hơn nữa, đó là tật xấu của thời đại chúng ta. Internet là một vụ án mở ra liên tục. Ở đó mọi người chia rẽ nhau, mọi người chỉ trích nhau và luôn tìm thấy chuyện sai ở người kia, thay vì nhìn thấy những gì tốt. Tôi trả lời với các bạn trẻ: “Các con tất cả không có một cái nhìn chung sao?” Chúng ta biết, với cái nhìn này, chúng ta có thể giết, có thể phán xét và lên án. Tôi nói với các em: nhìn kìa, đôi khi các con đã làm sỉ nhục. Các con có vượt lên được bạo lực và cho ai đó sức mạnh để họ tiếp tục đi không? Các con có gợi lên nơi người kia nét đẹp và động lực để sống không? Chỉ một cái nhìn trên ai đó cũng có thể giết hương vị cuộc sống trong lòng họ. Chỉ một cái nhìn duy nhất cũng có thể cứu họ. Chúng ta là những người nói lên điều tốt nhất và cả điều xấu nhất của người khác. Tại sao chúng ta lại có nhu cầu phải phán xét? Đó là những gì phải làm để có hòa bình. Đó là câu trả lời của tôi.

Điều gì làm cho bà sốc nhất khi nghe các người trẻ nói?

Chúng ta nói một câu chuyện đùa nhá. Một trong các em kể với tôi: “Khách sạn nào có nhiều sao nhất. Câu trả lời “trại tập trung Auschwitz!” Hàng trăm trẻ em trước mặt tôi, tôi hỏi các em cảm thấy gì khi nghe như thế. Các em nói, các em cười với nhau. Tôi nói với các em, à, đây thực sự là một câu nói đùa sao? Các em không nhận ra thực tế của các chữ, thực tế của các sự kiện. Chúng ta tước bỏ lương tâm của các em, nhưng tất cả những gì họ muốn là như vậy. Và tôi tự hỏi, chúng ta cho các em cái gì, những người lớn chúng ta?

Trên tất cả, chúng ta tự hỏi thế giới này là gì, nơi con người có khả năng làm được điều tốt nhất cũng như điều xấu nhất?

Thế giới này ở trong chúng ta! Nó ở trong tôi. Các bạn biết đó, nếu tôi quyết định kể cho các bạn nghe phần đời đen tối nhất của tôi, với những gì tôi thấy về nỗi kinh hoàng lớn nhất của nhân loại, tôi có thể làm cho cả một trung đoàn nản lòng. Nhưng tôi chọn nói về điều tốt. Ngày nay mọi người đều bị chia rẽ, đó là chuyện dễ làm. Truất ngôi một ai là chuyện ở trong tầm tay của bất kỳ kẻ ngu ngốc nào! Nhưng, thấy nơi người khác điều tốt nhất có thể, đó là cả một điều bổ ích.

Có cần phải biết đau khổ để trân trọng cuộc sống không?

Không nhất thiết. Có một điều chắc chắn, tất cả chúng ta đều biết đau khổ. Chúng ta phải đặt câu hỏi về sự đau khổ này: đau khổ là vì thiếu hiểu biết, vì  phán xét, vì sỉ nhục không? Nếu sự bất công làm chúng ta đau khổ, điều đó có nghĩa là chúng ta có công bình ở trong lòng. Nhưng có điều gì đó vẫn làm cho tôi tự hỏi trong bản chất con người. Làm thế nào sự tuân phục hàng loạt lại có thể được? Như trường hợp Đức Quốc xã chẳng hạn, đã chết khi còn sống, họ không còn đau khổ nữa. Vì tôi tin, sự cuồng tín loại bỏ toàn bộ nhân loại. Chúng ta nghĩ, người đàn ông đã giết người giáo sư vào tháng 10 vừa qua, họ có tình cảm không? Việc xuống tận cùng bạo lực như thế này là cả một bí ẩn lớn. Vì vậy, kết luận của tôi, khi chúng ta cảm thấy đau đớn, chúng ta có thể trả thù cho chính mình hoặc tự hỏi về nó.

Bà là người sống sót sau Lò Thiêu người Do thái. Khi bà đến Auschwitz, có người nhắc bà: “Con nhớ khai con 18 tuổi” vì thế bà thoát được phòng hơi ngạt. Làm thế nào để câu hỏi “Tại sao là tôi?” không đi theo bà suốt đời?

Tôi là người sống sót. Tôi đã tự đặt cho mình câu hỏi này khi tôi được thả năm 17 tuổi: tại sao tôi lại là người sống sót? Tất cả những điều kỳ diệu đã tan thành mây khói, người lớn tuổi, trẻ em, chẳng là gì cả. Duy nhất chỉ vì họ là người do thái. Khi tôi biết mình sắp chết, đó là một thực tế. Tôi không còn sợ chết nữa. Cũng như ngày hôm nay, tôi cảm thấy mình đang ở cuối hành trình cuộc đời. Tôi biết điều này sẽ đến với tôi không lâu nữa. Nhưng trong lòng, tôi cảm thấy bình yên, vì đó là hiện thực và tôi không còn sợ nữa. Tôi nói với tôi, tôi đã 93 tuổi, tôi đã có một đời sống trọn vẹn. Tôi có thể khiêm tốn nói với chính tôi, lâu nay tôi đã trừng phạt tôi vì đã còn sống, nhưng bây giờ tôi hiểu, cứ có mặc cảm tội lỗi suốt đời, tôi vẫn còn cho Hitler quyền và quyền lực to lớn đối với tôi. Khi tôi hiểu điều này, tôi thức tỉnh, gần như ngay lập tức. Lúc đó tôi 40 tuổi.

Tất cả im lặng trong khoảng thời gian từ khi bà ra khỏi trại tập trung năm bà 17 tuổi đến năm 40 tuổi, là dùng để làm gì?

Sự im lặng đó? Đó là tự hủy diệt. Có những im lặng nhân lành, thiêng liêng, có tác dụng xây dựng. Nhưng im lặng này, nó trừng phạt tôi vì tôi còn sống. Sau khi ra khỏi trại tập trung, tôi đã muốn chết ba lần. Tôi hiểu có một số người đã tự tử. Cái chết của những người như nhà văn Primo Levi là một nỗi đau buồn to lớn. Họ đã thất vọng. Tôi cũng thất vọng, nhưng luôn có điều gì đó đã chận tôi lại. Tôi nghĩ, tất cả những người ra đi, cho đến phút cuối, họ đều muốn sống.

Bà nói, Giáo hội đã không bảo vệ bà nhiều trong chiến tranh. Vì sao bà trở lại kitô giáo?

Sau chiến tranh, tôi được đưa vào viện cô nhi, rồi trong một trung tâm tin lành. Ở đó, có một phụ nữ xinh đẹp săn sóc tôi, tôi hỏi bà cây thánh giá bà mang trên cổ có ý nghĩa gì. Cây thánh giá này đã đánh thức các kỷ niệm trong tôi lúc tôi 7 tuổi ở Hungary, khi tôi trốn khỏi nhà vào một ngày Thứ Sáu Tuần Thánh, tôi bị cấm không được ra khỏi nhà, tôi thấy ai ra khỏi nhà thờ cũng cầm cây thánh giá trên tay, họ đánh đập người do thái ngoài cũng bằng cây thánh giá này. Điều bây giờ vẫn còn làm tôi sợ thánh lễ, sợ ngày Thứ Sáu Tuần Thánh là khi đọc Tin Mừng Thánh Gioan, họ xem người “do thái” là những người ác. Giáo hội đã truyền chuyện này. Vì thế tôi nói với linh mục, và ngay cả ngày hôm nay tôi vẫn còn nói, chúng ta không thể nói “đó là của người do thái”, nhưng là “của mọi người.” Nguy hiểm luôn ở các từ được dùng. Cũng như chữ “người ta”. “Người ta” không là ai hết, đó là một đối tượng. Hãy tỉnh thức, bạn là một người! Là người do thái, là sống trong xác quyết, vào cuối lịch sử và duy chỉ nhờ ơn Chúa, công lý và hòa bình sẽ thắng. (Bà dừng lại, xúc động trước khi kết thúc câu nói của mình.) Về hận thù và về cái chết. Theo nghĩa này, một ngày nọ, vị linh mục trả lời cho tôi, tất cả chúng ta đều là người do thái, đó là nền tảng của nhân loại. Và như tôi thường nói, trại tập trung Auschwitz có trong mỗi chúng ta. Nhưng khi tôi chứng kiến sự trỗi dậy của chủ nghĩa bài do thái ở Pháp, tôi lo lắng vô cùng. Bởi vì nếu người do thái bị nguy hiểm, nhân loại bị nguy hiểm, và Chúa cũng bị nguy hiểm.

Điều gì đã làm cho bà hòa giải với thập giá?

Để không còn sợ khi đặt câu hỏi. Khi tôi còn nhỏ, tôi sợ khi tôi thấy cây thánh giá ở ngã tư đường. Nhưng người phụ nữ tôi gặp trong trung tâm của tôi, trả lời cho tôi biết khi bà nói về tượng thánh giá của bà: cây thánh giá này là Chúa Giêsu Kitô. Sau đó, bà cho tôi quyển Phúc Âm. Tôi mở ra và tình cờ tôi đọc đoạn 25 của phúc âm Thánh Mátthêu: “Vì xưa Ta đói, các ngươi đã cho ăn; Ta khát, các ngươi đã cho uống; Ta trần truồng, các ngươi đã cho mặc.” Tôi tự nhủ: “Thật tuyệt diệu, đây là người quan tâm đến mình.” Kinh thánh thật tuyệt vời, Kinh Thánh nói về chúng ta ngày nay. Tôi không phải là người trở lại vì tôi không bao giờ bỏ cội nguồn của tôi. Nhưng tôi hiểu Chúa đã mạo hiểm khi làm người. Rằng, đó là người đã cho chúng ta biết là người là quan trọng đến như thế nào. Tôi hiểu, khi chúng ta khám phá Chúa qua con người, chúng ta không học ở Ngài như học một bài học thuộc lòng. Khi tôi ôm nhận Giáo hội, tôi còn trẻ. Hôm nay tôi là người do thái đã được rửa tội, một người do thái theo kitô giáo, tôi ở trong Giáo hội. Tôi luôn thửc tỉnh để nói, chúng ta tất cả là người do thái-kitô hữu. Tôi bước đi theo bước chân của Đấng Kitô do thái. Khi Giáo hội không quy chiếu về cội nguồn của mình, thì Giáo hội sẽ gặp nguy hiểm, sẽ khô héo. Còn về phần tôi, là tín hữu kitô, là một trách nhiệm tôi chọn lựa.

Bà viết trong quyển sách của bà, ngày mai tùy thuộc vào cách chúng ta sống trong hiện tại. Ý của bà là gì?

Cách tôi sống, cách tôi tự vấn bản thân mỗi ngày, cách tôi đào sâu và cố gắng hiểu, đó là những gì xây dựng ngày mai. Và sau đó là yêu thương, học để yêu thương. Chúng ta nói rất nhiều về tình yêu, chúng ta đặt tình yêu trong mọi chuyện. Nhưng chữ tình yêu rất mạnh. Chúng ta không bao giờ yêu một cách trọn vẹn. Thường chúng ta yêu người khác là cho chính mình, hiếm khi cho chính họ. Vì chúng ta không bao giờ thực sự yêu người khác nếu chúng ta không học yêu chính mình. Tôi hy vọng sẽ chết trong tình yêu, cho đến cuối đời tôi, trong mọi trường hợp, tôi sẽ học cách yêu.

Bà ca ngợi tuổi trẻ, nhưng giai đoạn chúng ta đang sống làm cho chúng ta ước mong ca ngợi tuổi già. Ở tuổi già, và những gì chúng ta đã mất đi nhanh chóng trong vài tháng qua, vì giãn cách thể lý giữa các thế hệ.

Đúng, đó là sự thật, tất cả những ký ức bị dập tắt một cách nhanh chóng kể từ đầu đại dịch. Chúng ta phải mừng tuổi già! Khi chúng ta đến một độ tuổi nhất định, chúng ta có xu hướng nghĩ rằng cái chết là lối thoát cho chúng ta, nhưng lối thoát luôn là ngày mai. Dù ở tuổi nào, đời sống là thiêng liêng, và mỗi chúng ta đều có trách nhiệm với ngày mai. Tất cả bắt đầu qua chúng ta, có một khởi đầu trong mỗi chúng ta, chúng ta mang cả thế giới cho đến hơi thở cuối cùng.

Bà đã sống gần một thế kỷ, làm thế nào để bà so sánh hai sự kiện thế giới trọng đại đánh dấu sự khởi đầu và kết thúc cuộc đời của bà?

Tôi cảm thấy như tôi đã trải qua những thử thách trong giai đoạn chúng ta đang sống. Không phải vì loại vi-rút này, nhưng ở chỗ nó ẩn chứa: mối đe dọa chia rẽ, nỗi sợ hãi người khác ngày càng tăng, giữa người ả rập, người do thái. Chúng ta không bao giờ được đặt tất cả mọi người vào cùng một rọ, nhưng cẩn thận để không bị ảnh hưởng. Tôi có thể lựa chọn và tôi không phải chịu trạng thái tâm lý mà tôi đang sống trong thời kỳ này, nhưng nó rất đòi hỏi. Khi chúng ta tiêu cực trong thảo luận, không phải lúc nào chúng ta cũng nhận ra, chúng ta đang nêu ra uẩn khúc của người khác, thay vì nói lên tất cả nét đẹp có trong họ. Cuộc sống của tôi đã chứng minh cho tôi thấy, ngay trong những điều tồi tệ nhất cũng có điều gì đó tốt đẹp, và tôi tin chắc điều này. Ai cũng chờ điều đó được bộc lộ cho mình, tôi luôn nhận được theo cách mà tôi được đón nhận.

Marta An Nguyễn dịch

http://phanxico.vn/2021/04/26/magda-hollander-lafon-duy-chi-mot-cai-nhin-cung-co-the-cuu-mot-con-nguoi/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét