Simone Weil: người canh gác trong thời kỳ đen tối
la-croix.com, Elodie Maurot, 2021-02-21
Đôi kính cận khôn ngoan, nụ cười kín đáo, dáng dấp thon thả… Thật khó tưởng tượng đằng sau bề ngoài yếu ớt này Simone Weil lại có một đời sống nội tâm mãnh liệt đến như thế: một tinh thần đòi hỏi trong chính suy tư của mình, nhiệt thành với công lý, ngọn lửa đức tin.
Nói về người vừa là triết gia, vừa là nhà thần bí vĩ đại này, văn hào Albert Camus đã viết: “Bà là tinh thần cao cả duy nhất của thời đại chúng ta”. Sau chiến tranh, nhà văn Camus là người dẫn dắt in ấn các ấn bản đầu tiên của bà ở nhà xuất bản Gallimard. Trước khi lên đường đi nhận giải Nobel năm 1957, nhà văn đến mặc niệm ở phòng của bà gần Luxembourg, thủ đô Paris. Làm sao tác giả của Dịch Hạch (La Peste) lại không xúc động trước cuộc sống nhất quán này, trước sự dấn thân của bà với người lao động, với những dân tộc bị đô hộ, những người cộng hòa Tây Ban Nha, rồi đến những người kháng chiến của nước Pháp Tự do, năm 1943, Simone Weil qua đời ở Anh vì bệnh lao, bà mới 34 tuổi. Trong cuộc đời ngắn ngủi này, “tình yêu và sự thật gặp nhau, công lý và hòa bình bắt tay nhau”, như lời hứa thánh vịnh 84 đã viết. Và sự kết hợp này làm cho các tác phẩm còn dang dở tỏa sáng rực rỡ.
Cô bé Simone sinh ra ở Paris năm 1909, trong một gia đình do thái hội nhập và không theo đạo. Cha của Simone là bác sĩ và theo chủ nghĩa vô thần, ông có những tư tưởng tiến bộ. Bà mẹ là người có học thức, nồng ấm và sinh động. Cùng với người anh là André, sau này là nhà toán học nổi tiếng, Simone lớn lên trong một gia đình xem trọng giáo dục. Rất sớm, sự linh hoạt của trí thông minh ngoại hạng đã biểu lộ. Năm 1925, Simone học văn chương ở trường Henri-IV, bà theo lớp triết của triết gia lừng danh người Pháp Alain, ông đánh giá cô học trò nhỏ của mình “vượt trội so với những người cùng thế hệ, nhưng vượt rất xa”. Năm 1928, bà vào trường Cao đẳng Hành chánh ở đường Ulm. Từ đó tính khí của bà đã hiện rõ, trọn vẹn, không khoan nhượng. Bà Florence de Lussy, người giữ thư khố, cùng với ông André A. Devaux điều khiển việc in ấn các tập sách đầu tiên trong toàn bộ tác phẩm của bà nhấn mạnh: “Có điều gì đó kỳ lạ ở Simoe Weil, một hành vi không bình thường mà tất cả những ai biết bà vào thời điểm đó đều nhận thấy. Và nơi bà đi qua, các cân bằng – thường là ngụy biện – bị đảo lộn. Bà tạo mối quan tâm…”.
Chướng khí và nổi loạn, Simone thách thức hệ thống phân cấp của nhà trường. Sau khi bà học xong, ông Célestin Bouglé, viện trưởng trường Cao đẳng đường Ulm danh tiếng đã không tiếc khi thấy nữ giáo sư trẻ trợ giảng khoa triết ra đi, người mà ông đặt tên “Trinh nữ đỏ” vì những xác tín vô chính phủ của bà, bà về Puy-en-Velay để làm giáo viên. Sau này bà viết về ông: “Tôi không thể ngụy tạo, ngay cả giảm nhẹ những phán xét mà theo tôi không đủ cơ sở. Khi tôi muốn điều gì thì nó mạnh hơn cả tôi: cây bút của tôi không thể không viết”.
Bên cạnh “những người ở dưới thấp”
May mắn thay, nhiệt tình của bà có định hướng. Từ khi còn nhỏ, Simone đã để hết tâm sức để đi tìm sự thật. Bà tin vào sự thật và trên hết là khả năng mỗi người có thể bước vào “vương quốc của sự thật”, “họ chỉ cần khao khát sự thật và luôn chú tâm để đạt được”. Theo bà, việc đi tìm này không thể tách rời với cuộc chiến vì công lý, cùng với những người yếu thế, “những người ở dưới thấp”, những công nhân bà dạy trong các lớp tối và những người bà cùng đi biểu tình với họ. Triết gia Robert Chenavier, người hướng dẫn xuất bản toàn bộ tác phẩm của bà nhấn mạnh trong một bức thư bà viết cho nhà văn Georges Bernanos năm 1938: “Từ khi còn nhỏ, tình cảm của tôi đã hướng về những người thuộc tầng lớp bị khinh miệt trong hệ thống phân cấp xã hội”. Ông giải thích: “Đối với Simone Weil, sự thật luôn mang tính thử nghiệm, nó không phải là một ý tưởng. Để tìm ra sự thật, bạn phải tự bày tỏ. Và đó là dấn thân của bà”.
Vào thời của bà, Simone Weil không bỏ lỡ bất kỳ một cuộc chiến nào, trong những xáo trộn của thời kỳ giữa các cuộc chiến, bà cho thấy sự phân định sáng suốt khác thường của mình. Gần với chủ nghĩa xã hội cách mạng, chủ nghĩa Mác phê phán, ngay từ đầu những năm 1930, bà đã làm sáng tỏ các ngõ cụt của chủ nghĩa cộng sản ở Nga. Năm 1932, sau chuyến đi Đức, bà tố cáo sự nguy hiểm của chủ nghĩa Hitler. Năm 1936, bà tham gia lực lượng cộng hòa chống Franco ở Tây Ban Nha. Trong những năm 1930, bà có nhiều bài báo nói lên sự bất công của chủ nghĩa thực dân.
Áp bức xã hội và nỗi bất hạnh của người lao động là trọng tâm mối quan tâm của bà. Trong quyển Suy ngẫm về nguyên nhân của tự do và áp bức xã hội (Réflexions sur les causes de la liberté et de l’oppression sociale, 1934), bà phê phán lô-gích hủy diệt của chủ nghĩa tư bản, sự thống trị của đồng tiền và những ảo tưởng về sự tiến bộ. Bà cho thấy (đã) sự cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên, báo động về nguy hiểm của một kỹ thuật tách rời khỏi bất kỳ một suy tư nào về điều tốt đẹp. Ngay sau khi viết bản văn trên, bà vào làm việc trong nhà máy. Ở xưởng Alsthom và Renault, bà thấy sự nô lệ của công việc làm dây chuyền, “sự nghiền nát tâm hồn của hệ thống máy móc tàn khốc của hoàn cảnh.” Đó là cuộc gặp gỡ của bất hạnh. Bà viết trong cuốn Tự truyện tâm linh vào năm 1942: “Ở trong nhà máy, lẫn lộn dưới mắt của tất cả và trước mắt của tôi là khối người vô danh, nỗi bất hạnh của người khác đã xâm nhập vào da thịt và tâm hồn tôi. Ở đó, tôi mãi mãi nhận dấu ấn của chế độ nô lệ.”
Thử thách của công việc dây chuyền
Qua cuộc hành trình của cái ác này, nhà triết học vô thần trẻ tuổi, được nuôi dưỡng bởi tư tưởng Hy Lạp đến gần với kitô giáo. Vào mùa hè sau khi rời nhà máy, bà đến một ngôi làng ven biển ở Bồ Đào Nha, bà chứng kiến sự khốn khổ của một nhóm phụ nữ vợ của ngư dân, họ hát những bài thánh ca mang “một nỗi buồn da diết” : “Ở đó, tôi bỗng nghiệm ra, chắc chắn kitô giáo là đạo tiêu biểu của người nô lệ, mà người nô lệ thì không thể vào đạo, và tôi cũng ở trong số những người khác.” Năm 1937, trong một chuyến đi đến Assisi, bà đi qua con đường Thánh Phanxicô, người anh em của người nghèo. Sau đó, năm 1938, tại Solesmes, bà cảm thấy mình dự cùng với Chúa của các Tin Mừng. Bà cho biết: “Chính Chúa đã xuống và chiếm lấy tâm hồn tôi.” Bà giải thích: “Trong lần Chúa đột ngột nắm giữ lấy tôi này, cả giác quan và trí tưởng tượng đều không tham dự phần nào trong việc này. Tôi chỉ cảm thấy qua đau khổ là sự hiện diện của một tình yêu tương tự như tình yêu mà chúng ta đọc nơi nụ cười của khuôn mặt người thân yêu.”
Sau đó đời sống thiêng liêng của bà được mở rộng nhưng không cắt đứt với các dấn thân trước đó của bà. Bà tập trung vào ngày Thứ sáu Tuần thánh và thánh giá của Chúa Kitô, một tình yêu từ Thiên Chúa, Đấng bỏ quyền năng của mình và hạ mình xuống thế làm người. Thần học gia Michel Fédou, giáo sư tại Trung tâm Sèvres Dòng Tên ở Paris nhấn mạnh: “Bà vừa có kinh nghiệm, vừa xác tín, chúng ta dự phần vào bất hạnh, rằng Chúa Kitô đã sống điều này theo cách độc nhất và Người mở ra cuộc sống qua chính con đường này.”
Lòng thương xót thiêng liêng và sự dịu dàng mang lại sức mạnh sẽ là nhịp đập cho tâm linh của bà. Bà viết trong Tình yêu của Chúa và nỗi bất hạnh (L’Amour de Dieu et le Malheur) : “Lòng trắc ẩn đối với những người bất hạnh là điều không thể. Khi điều này xảy ra thật, thì đó là một phép lạ đáng ngạc nhiên hơn là phép lạ đi trên mặt nước, chữa lành người bệnh và thậm chí là sự sống lại của người chết.”
Trong sự hỗn loạn của Thế chiến thứ hai, một lần nữa, Simone Weil không tránh được thử thách. Năm 1942, bà quyết định đến London để phục vụ nước Pháp Tự do. Nhưng, trong mô hình thu nhỏ phản kháng ở London, bà bị lạc lõng. Người ta không biết để người phụ nữ trẻ yếu ớt này làm việc gì, người mơ một sứ mệnh anh hùng, người nhảy dù vào đất Pháp. Bất chấp mọi thứ, bà làm việc cho dự án một bản thảo sẽ được tuyên bố về nghĩa vụ và bổn phận đối với con người, điều này dẫn đến tác phẩm Bám rễ (L’Enracinement), tác phẩm nổi tiếng nhất của bà.
Nhưng bất hạnh siết gọng kềm của nó. Simone Weil cảm thấy lo lắng vì không thể làm điều tốt như bà mong muốn. Bà từ chối không ăn để tỏ tình đoàn kết với đồng bào của mình đang thiếu thốn đủ thứ. Bà yếu dần và sau đó bị bệnh lao. Bà qua đời một mình ở một nhà điều dưỡng ở Ashford (Kent) ngày 24 tháng 8 năm 1943.
Bà viết một trong những bức thư cuối cùng của mình: “Tôi trải qua một sự xé lòng ngày càng nặng thêm, vừa trong trí óc, vừa trong trái tim do không thể suy nghĩ cả về sự thật là sự bất hạnh của con người, sự trọn hảo của Chúa và mối liên hệ giữa cả hai.”
Marta An Nguyễn dịch
http://phanxico.vn/2021/04/08/simone-weil-nguoi-canh-gac-trong-thoi-ky-den-toi/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét