Bài Giảng của Đức Thánh Cha trong thánh lễ đại trào Chúa Nhật Lời Chúa lần thứ tư 22/1/2023
Lúc 9 giờ 30 sáng Chúa nhật, ngày 22 tháng Giêng năm 2023, tức là mùng Một Tết Quý Mão, Đức Thánh Cha Phanxicô đã chủ sự thánh lễ tại Đền thờ thánh Phêrô, nhân dịp Chúa nhật Lời Chúa lần thứ tư, với sự tham dự của khoảng 6.000 tín hữu.
Chúa nhật Lời Chúa, năm nay có chủ đề là một câu trích từ Thư Thứ Nhất của Thánh Gioan: “Chúng tôi loan báo cho anh chị em điều chúng tôi đã thấy” (1 Ga 1: 3).
Đồng tế với Đức Thánh Cha, có hơn 20 Hồng Y và giám mục cùng với khoảng 150 linh mục. Trong thánh lễ, Đức Thánh Cha đã chủ sự nghi thức trao ban tác vụ giáo lý viên, đọc sách, giúp lễ cho 8 giáo dân nam nữ, đến từ các nước Ý, Congo, Phi Luật Tân, Mễ Tây Cơ và xứ Wales, Anh quốc.
Trong bài giảng, Đức Thánh Cha nói:
Lời Chúa dành cho tất cả mọi người. Tin Mừng trình bày cho chúng ta Chúa Giêsu luôn luôn di chuyển, trên đường đến với tha nhân. Không có dịp nào trong cuộc đời công khai của mình, Ngài cho chúng ta ý tưởng rằng Ngài là một thầy dậy đứng yên, một giáo sư ngồi trên ghế; ngược lại, chúng ta nhìn thấy Ngài như một người lữ hành, chúng ta thấy Ngài như một người hành hương, đi qua các thị trấn và làng mạc, bắt gặp những khuôn mặt và câu chuyện của họ. Đôi chân của Người là đôi chân của sứ giả loan báo tin mừng về tình yêu của Thiên Chúa (x. Is 52:7-8). Bản văn ghi nhận rằng tại Galilêa Dân Ngoại, trên hải trình, bên kia sông Giođan, nơi Chúa Giêsu rao giảng, có một dân tộc chìm trong bóng tối: dân ngoại, đúng thế dân ngoại, nam nữ từ các vùng và các nền văn hóa khác nhau (x. Mt 4: 15-16). Bây giờ họ cũng có thể nhìn thấy ánh sáng. Và như thế Chúa Giêsu “mở rộng ranh giới”: Lời Chúa, là Lời chữa lành và vực dậy, không chỉ dành cho những người công chính Israel, mà còn cho tất cả mọi người; Ngài muốn đến với những người ở xa, Ngài muốn chữa lành bệnh tật, Ngài muốn cứu vớt những kẻ tội lỗi, Ngài muốn quy tụ những con chiên lạc và nâng đỡ những tâm hồn mệt mỏi và bị áp bức. Nói tóm lại, Chúa Giêsu 'vươn tay' ra để nói với chúng ta rằng lòng thương xót của Thiên Chúa dành cho tất cả mọi người. Chúng ta đừng quên điều này: Lòng thương xót của Thiên Chúa dành cho mọi người, cho mỗi người chúng ta. Mỗi người có thể nói: “Lòng thương xót của Chúa dành cho tôi”.
Khía cạnh này cũng là cơ bản đối với chúng ta. Nó nhắc nhở chúng ta rằng Ngôi Lời là ân sủng dành cho mọi người; do đó, chúng ta không bao giờ có thể hạn chế lĩnh vực hoạt động của Lời Chúa, vì ngoài mọi tính toán của chúng ta, Lòng Thương Xót phát sinh một cách tự phát, bất ngờ và không đoán trước được (x. Mc 4:26-28), theo cách thức và thời điểm mà Chúa Thánh Thần biết trước. Hơn nữa, nếu ơn cứu độ dành cho tất cả mọi người, kể cả những người xa cách và lạc lối nhất, thì việc loan báo Lời Chúa phải trở thành ưu tiên chính của cộng đồng giáo hội, như đã từng dành cho Chúa Giêsu. Xin đừng để xảy ra việc chúng ta tuyên xưng một Thiên Chúa với trái tim rộng mở, nhưng lại trở thành một Giáo hội với trái tim khép kín – tôi dám nói rằng điều này sẽ là một tai họa; xin đừng xảy ra việc chúng ta rao giảng ơn cứu độ cho mọi người, nhưng lại làm cho con đường tiếp nhận nó trở nên phi thực tế; ước gì chúng ta không nhận ra mình trong tình trạng được kêu gọi loan báo Nước Trời, nhưng lại sao nhãng Lời Chúa, đánh mất chính mình trong quá nhiều hoạt động hoặc thảo luận thứ yếu. Chúng ta hãy học nơi Chúa Giêsu để đặt Lời Chúa ở trung tâm, mở rộng ranh giới của chúng ta, cởi mở với mọi người và cổ vũ những kinh nghiệm gặp gỡ Chúa, nhận ra rằng Lời Chúa “không gói gọn trong những công thức trừu tượng hoặc tĩnh lặng nhưng có một sức mạnh năng động trong lịch sử được tạo thành từ những con người và sự kiện, lời nói và hành động, diễn biến và căng thẳng”. [1]
Bây giờ chúng ta hãy đến khía cạnh thứ hai: Lời Chúa, được ngỏ với mọi người, kêu gọi mọi người hoán cải. Thực vậy, Chúa Giêsu lặp đi lặp lại trong lời rao giảng của Người: “Anh em hãy sám hối, vì Nước Trời đã đến gần “ (Mt 4:17). Điều này có nghĩa là sự gần gũi của Thiên Chúa không phải là không quan trọng, sự hiện diện của Ngài không bỏ mặc mọi sự như chúng vốn có, không ủng hộ một cuộc sống yên lặng. Ngược lại, Lời của Người lay động chúng ta, làm chúng ta bối rối, thúc đẩy chúng ta thay đổi, hoán cải. Lời Người đẩy chúng ta vào tình trạng khủng hoảng vì Lời Chúa “sống động, hữu hiệu và sắc bén hơn cả gươm hai lưỡi: xuyên thấu chỗ phân cách tâm với linh, cốt với tuỷ; lời đó phê phán tâm tình cũng như tư tưởng của lòng người.” (Dt 4:12) Như một lưỡi gươm, Lời xuyên thấu vào cuộc sống, giúp chúng ta phân biệt được những cảm xúc và suy nghĩ của con tim, nghĩa là giúp chúng ta nhìn thấy đâu là chỗ cho ánh sáng của sự tốt lành và đâu là bóng tối dày đặc của những tệ nạn và tội lỗi để chúng ta có thể chống lại. Khi nhập vào chúng ta, Lời biến đổi tâm trí chúng ta; thay đổi chúng ta và đưa dẫn chúng ta hướng cuộc đời mình về Chúa.
Đây là lời mời gọi của Chúa Giêsu: Thiên Chúa đã đến gần anh chị em; hãy nhận ra sự hiện diện của Ngài, nhường chỗ cho Lời Người, và anh chị em sẽ thay đổi cách nhìn của mình về cuộc sống. Tôi cũng có thể diễn đạt như thế này: hãy đặt cuộc đời anh chị em dưới Lời Chúa. Đây là con đường Giáo Hội chỉ cho chúng ta. Tất cả chúng ta, ngay cả các mục tử của Giáo hội, đều ở dưới thẩm quyền của Lời Chúa. Không phải theo sở thích, khuynh hướng và ý thích riêng của chúng ta, nhưng dưới Lời Chúa duy nhất uốn nắn chúng ta, hoán cải chúng ta và mời gọi chúng ta hiệp nhất trong Giáo hội duy nhất của Chúa Kitô. Vì vậy, thưa anh chị em, chúng ta có thể tự hỏi: Cuộc sống của tôi tìm thấy phương hướng ở đâu, nó rút ra định hướng từ đâu? Từ nhiều “lời” mà tôi nghe được, từ các ý thức hệ, hay từ Lời Chúa hướng dẫn và thanh tẩy tôi? Những khía cạnh nào trong tôi đòi hỏi phải thay đổi và hoán cải?
Cuối cùng – bước thứ ba – Lời Chúa, được ngỏ với mọi người và kêu gọi chúng ta hoán cải, biến chúng ta thành những sứ giả. Thật vậy, Chúa Giêsu đi dọc bờ biển Galilê và gọi Simon và Anrê, hai anh em làm nghề đánh cá. Với Lời của Người, Chúa mời gọi họ đi theo Người, nói với họ rằng Người sẽ biến họ thành “những tay đánh lưới người” (Mt. 4,19): không còn chỉ là những chuyên gia về thuyền, lưới và cá, mà còn là những chuyên gia tìm kiếm người khác. Và cũng giống như khi chèo thuyền và đánh cá, họ đã học cách rời bờ biển và thả lưới xuống vực sâu, giống như cách họ sẽ trở thành những tông đồ có khả năng chèo thuyền trên biển cả của thế giới, ra ngoài gặp gỡ anh chị em của họ, và loan báo niềm vui Tin Mừng. Tính năng động của Lời Chúa lôi kéo chúng ta vào “tấm lưới” tình yêu của Chúa Cha và làm cho chúng ta thành những tông đồ được thúc đẩy bởi một ước muốn không thể dập tắt là đưa tất cả những người chúng ta gặp vào thuyền Nước Trời. Đây không phải là chiêu dụ tín hữu vì chính Lời Chúa kêu gọi chúng ta, không phải lời của chính chúng ta.
Hôm nay chúng ta cũng lắng nghe lời mời gọi hãy trở thành những tay đánh lưới người: chúng ta hãy cảm nhận rằng chính Chúa Giêsu mời gọi chúng ta công bố Lời của Người, làm chứng cho Lời ấy trong cuộc sống hàng ngày, sống Lời ấy trong công bằng và bác ái, được mời gọi để “mang lại xương thịt” cho Lời ấy bằng cách dịu dàng quan tâm đến những người đau khổ. Đây là sứ mệnh của chúng ta: hãy trở thành những người tìm kiếm những ai lạc lối, bị áp bức và nản lòng, không phải để mang lại cho họ chính chúng ta, nhưng là niềm an ủi của Lời Chúa, lời loan báo đột phá của Thiên Chúa, Đấng biến đổi cuộc sống, hãy mang lại niềm vui được biết rằng Ngài là Cha của chúng ta và Ngài nói với mỗi người chúng ta, hãy mang đến vẻ đẹp của câu nói: “Anh chị em ơi, Thiên Chúa đã đến gần anh chị em, hãy lắng nghe và anh chị em sẽ tìm thấy trong Lời của Người một món quà tuyệt vời!”
Thưa anh chị em, tôi muốn kết thúc bằng cách cảm ơn những người làm việc để bảo đảm rằng Lời Chúa được chia sẻ, công bố và đặt ở trung tâm cuộc sống của chúng ta. Xin cảm ơn những người nghiên cứu và đào sâu vào sự phong phú của Lời Chúa. Xin cảm ơn các nhân viên mục vụ và tất cả các Kitô hữu tham gia vào công việc lắng nghe và truyền bá Lời Chúa, đặc biệt là các thầy đọc sách và giáo lý viên. Hôm nay tôi sẽ trao các chức vụ này cho một số anh chị em. Xin cảm ơn những người đã chấp nhận nhiều lời mời mà tôi đã đưa ra để mang Phúc Âm theo họ khắp mọi nơi và đọc nó mỗi ngày. Và cuối cùng, tôi đặc biệt cảm ơn các phó tế và linh mục của chúng ta. Xin cảm ơn anh em thân mến, vì anh em đã không để cho dân thánh của Chúa bị tước mất sự nuôi dưỡng của Lời Chúa. Cảm ơn anh chị em đã dấn thân suy gẫm về Lời Chúa, sống Lời Chúa và công bố Lời Chúa. Cảm ơn anh chị em vì sứ vụ của anh chị em và sự hy sinh của anh chị em. Ước gì niềm vui ngọt ngào được loan báo Lời cứu độ là niềm an ủi và phần thưởng cho tất cả chúng ta.
[1] Lời Chúa trong Đời sống và Sứ mệnh của Giáo hội, Tài liệu làm việc cho Đại hội Thường kỳ lần thứ XII của Thượng Hội đồng Giám mục, 2008, số. 10.
Source:Dicastero per la Comunicazione - Libreria Editrice Vaticana
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét