Trang

Thứ Tư, 11 tháng 1, 2023

Chương 9: Phụ nữ và giáo dân trong Giáo hội

 

Phụ nữ và giáo dân trong Giáo hội


Phụ nữ và giáo dân trong Giáo hội

Chương 9: sách Công giáo trong tự do


Trích sách Công giáo trong tự do (Catholique en liberté, nxb. Salvator, 2019)

renepoujol.fr, René Poujol, 2021-12-2021

Một mặt là cuộc khủng hoảng ơn gọi, mặt khác là các vụ bê bối ấu dâm, đã khơi lại các cuộc tranh luận về vị trí của phụ nữ và giáo dân trong Giáo hội công giáo. Đây chắc chắn không phải là cách tốt nhất để đề cập đến cái gọi là “chức tư tế thông thường” của những người được rửa tội, đồng thời cũng là “các thầy tế lễ, các nhà tiên tri và các nhà vua”. Nhưng đây là một đòi hỏi mà bạn không thể nào quay lưng được!

Phụ nữ và giáo dân trong Giáo hội

Chúng ta lui về từ rất xa! Nhưng thực sự chúng ta có lui về thật không? Hiển nhiên Đức Phanxicô đã nhắc, cho đến nay nam nữ giáo dân vẫn là đa số trong Giáo hội, nhưng chúng ta chưa bao giờ thực sự rời bỏ một văn hóa phân biệt, một bên là Giáo hội giảng dạy với các thừa tác viên được truyền chức (linh mục và phó tế) và một bên là Giáo hội được dạy của một nhóm nhỏ tín hữu… Tuy nhiên, Công đồng Vatican II đã trải qua điều này. Tài liệu tham khảo Hiến chế Tín lý về Hội thánh, Lumen gentium, chắc chắn đặt chương nói về các linh mục trước chương dành cho giáo dân, nhưng cả hai đều được đặt trước một chương dài phát triển về “Dân Chúa”, bao gồm họ và liên kết họ qua khái niệm “chức tư tế thông thường của những người được rửa tội”. Ngắn gọn, nhắc lại lời ngạn ngữ đời xưa nói về những người trúng số, chúng ta có thể viết, một trăm phần trăm giáo sĩ đã bắt đầu từ việc mình là… giáo dân đã được rửa tội!

Tuy nhiên, ý tưởng về một phẩm giá chung thì còn lâu mới được hình thành trên thực tế, một nửa thế kỷ sau khi Công đồng kết thúc. Ba “thời điểm” trích từ cuộc đời nghề nghiệp của tôi có thể minh họa cho quan điểm của tôi.

Đúng, thể chế công giáo vẫn là thể chế giáo sĩ: ba minh họa

Tháng 10 năm 1987, tôi “đưa tin” cho báo Pèlerin về thượng hội đồng “Ơn gọi và sứ mệnh của giáo dân trong Giáo hội và trong thế giới” tại la-mã. Hai lần một ngày – nếu trí nhớ của tôi tốt – có một thông báo cho chúng tôi biết diễn tiến công việc trong phòng hội mà chúng tôi không được vào. Tôi vẫn nghe người phát ngôn của phòng họp báo nói với chúng tôi ngày hôm đó: “Một số can thiệp viên cảnh báo các Nghị phụ về nguy cơ nhường các trách nhiệm cụ thể cho giáo dân, dù đây đó chúng ta thấy có sự phục hưng vui vẻ trong ơn gọi linh mục.” Như thể chức tư tế thông thường của những người đã được rửa tội là nguồn gốc và nền tảng… cho cuộc khủng hoảng về ơn gọi! Và khi người ta biết điều gì đã xảy ra với sự “phục hưng” này ở các nước xưa cổ kitô giáo của chúng ta thì họ sẽ đánh giá cao sự sáng suốt của lời bình luận!

Ngày 14 tháng 9 năm 2008, Đức Bênêđíctô XVI tiếp tục chuyến tông du mục vụ tại Lộ Đức sau ba ngày ở Paris trước đó. Chương trình: một cuộc họp với tất cả các giám mục trong nhà bán nguyệt Thánh Bernadette, nơi các giám mục họp đại hội toàn thể hai lần một năm. Ở đó, trong một bài phát biểu hơi lủng củng, chắc chắn là do một số cộng tác viên chuẩn bị vì nó trái ngược với sự hoàn hảo các bài giảng và suy niệm của ngài, ngài đưa ra các vấn đề hiện tại của Giáo hội ở Pháp. Giữa sự ám chỉ, hơi lỗi thời về hồ sơ giáo lý và nhắc lại chuyến đi trước đó nhân dịp kỷ niệm 60 năm cuộc đổ bộ Normandie, ngài nhắc lại tính cấp bách của việc thức tỉnh các ơn gọi linh mục và tu trì, đồng thời mời gọi các giám mục hỗ trợ các linh mục. Không có gì tự nhiên hơn. Ngoại trừ các giáo dân ở phần lớn các giáo phận “điều hành công việc” hàng ngày… nhưng không một lời nào được nhắc đến. Khi tôi chia sẻ sự kinh ngạc của tôi với tổng giám mục Gérard Defois giáo phận Lille, ngài nói: “Một tầm nhìn về giáo hội của Giáo hội.” Tối cùng ngày, tôi nói lại sự khó hiểu của tôi trên đài KTO, tôi là khách mời của bà Philippine de Saint-Pierre. Việc này làm cho tôi có thêm một số bạn, trong đó có những người hâm mộ Đức Bênêđíctô XVI!

Ngày 27 tháng 1 năm 2012. Như mọi năm ngày Thánh Phanxicô Salê được tổ chức tại Annecy, quy tụ khoảng hai trăm nhà báo của các phương tiện truyền thông kitô giáo và các nhà truyền thông của giới công giáo. Tôi làm công việc này trong ba năm. Ngày hôm đó chương trình dự trụ có cuộc họp bàn tròn, tôi mời bốn blogger kitô giáo. Từ máy tính của tôi, tôi “giám sát” những gì các đồng nghiệp của tôi có mặt trong phòng truyền qua mạng xã hội. Khi đó tôi thấy trên trang Facebook của Giáo hội Pháp bức hình có chú thích: “Các cha Pierre de Charentenay và Pierre-Hervé Grosjean nói chuyện trong Ngày Thánh Phanxicô Salê.” Còn hai giáo dân Erwan le Morhedec (Koz) và Marc Favreau cũng tham gia cuộc trao đổi này đã không được cơ quan truyền thông của Hội đồng Giám mục Pháp (CEF) chú ý… Đâu có linh mục, đó có Giáo hội!

Tôi có thể cung cấp rất nhiều những chuyện tương tự như vậy. Một giáo sĩ mà tôi đã thỉnh nguyện để có tính thế tục trong Giáo hội, đã giải thích cho tôi, món quà lớn nhất mà Công đồng cho họ là nối kết lại với truyền thống phó tế. Cổ động để giáo dân trở thành như giáo sĩ, trong các trường hợp khác, người ta có thể “giáng chức” một số giáo sĩ bằng cách “giảm” họ (một thành ngữ may phước bây giờ đã bị bỏ) xuống thành giáo dân. Khốn khổ! Đúng, thể chế vẫn là thể chế giáo sĩ. Người ta nói với tôi, chẳng chết ai và cũng chẳng nguy hiểm gì nếu vẫn giữ tình trạng này, và thành phố Paris có được xây dựng trong một ngày đâu. Chắc chắn! Nhưng người ta có thể hình dung vào thời điểm mà Giáo hội có ý định huy động toàn thể Dân Chúa truyền giáo, các giáo sĩ và giáo dân cùng kết hiệp nếu không lẫn vào nhau thì giáo dân càng ngày càng được xem trọng.

Hành động “trong tinh thần kitô” hay “như một tín hữu kitô”?

“Chức tư tế chung của những người được rửa tội” là một trong những tái khám phá đẹp nhất của Công đồng Vatican II. Nhưng bản thân khái niệm này đã che giấu một mơ hồ lớn. Hầu hết mọi người, kể cả người công giáo vẫn nghe chữ ‘chức tư tế’ theo nghĩa linh mục và như thế họ trách nhiệm trong việc quản trị và hoạt động của các cộng đồng. Trong khi đó, vai trò của các giáo hữu kitô trước hết là hiện diện tại nơi họ sống và trong xã hội để làm chứng, mỗi người theo cách riêng của mình, cá nhân hoặc qua các phong trào và hiệp hội của họ, về những gì làm cho họ sống. Là một ‘blogger kitô giáo’ bắt nguồn từ lô-gích này.

Và theo quan điểm này, công giáo Pháp dù có những điểm yếu, nhưng vẫn vô cùng phong phú. Hãy để chúng tôi dám khiêu khích điều này: như trong xã hội dân sự, nơi thế giới liên kết thường có vẻ như giàu trí tưởng tượng và sáng tạo hơn so với giai cấp chính trị, các phong trào của Giáo hội dù trong lãnh vực giáo dục (tôi đặc biệt nghĩ đến phong trào hướng đạo rất thân yêu của tôi), các tổ chức từ thiện của Cứu trợ Công giáo, của Ủy ban Công giáo Pháp về Đoàn kết Phát triển Đất đai, của Hội nghị Saint-Vincent de Paul, hay thậm chí: gia đình, tâm linh, các Hội dòng Thánh Vinh Sơn, hoặc trong môi trường gia đình, thiêng liêng, nghề nghiệp… họ thường tự do và táo bạo hơn thể chế.

Ngược lại, khó để hiểu sự hiện diện của tín hữu kitô trong thành phố. Và chúng ta biết, phương thức hiện diện “tiềm ẩn hay rõ ràng” này có thể nuôi dưỡng những đam mê ở mức độ nào. Có cần viện dẫn sự khác biệt mà triết gia Jacques Maritain yêu thích, hành động “trong tinh thần kitô” hay “như tín hữu kitô”, là “muối của đất” hoặc “ánh sáng của thế giới” để áp dụng một biểu tượng gần với Kinh thánh không? Mỗi người đều có ý tưởng riêng của mình, đôi khi “không thể thương lượng” về vấn đề này.

Tôi nghĩ cũng cùng một người, vào những thời điểm khác nhau trong cuộc đời, họ có thể chọn thái độ này hay thái độ khác. Tôi bắt đầu viết blog Cath’lib trên Internet năm 2009, khi tôi rời chức vụ đứng đầu ban biên tập báo Pèlerin. Vì viết lách là dưỡng khí của tôi. Mỗi người một cơn nghiện! Rất nhanh chóng, bạn bè nói với tôi, họ đã rất ngạc nhiên như thế nào. Họ không nhận ra tôi, trong giọng điệu gay gắt hơn trong các bài đăng trước của tôi, bài mà biết tôi trong cương vị của người viết xã luận khôn ngoan cho tuần báo. Vì lý do đơn giản là với tư cách giám đốc biên tập, tôi hành động như “tín hữu kitô” ở tờ báo có từ một thế kỷ rưỡi nay trong đời sống của Giáo hội, tạp chí này có lịch sử riêng và có trách nhiệm đối với độc giả của mình. Trong khi với tư cách là một blogger, tôi đã diễn tả “trong tinh thần kitô”, không bị khuất phục trước mọi khuất phục, tôi chỉ trách nhiệm với tôi trong đối thoại mà tôi muốn mở ra với độc giả của tôi, độc giả hiểu rõ các cuộc tranh luận trong nội bộ Giáo hội chúng ta hơn là độc giả của tạp chí. Không khi nào trong những kinh nghiệm biên tập liên tiếp này, tôi cảm thấy mình bị phân liệt.

Những giáo dân được đào tạo… nhưng không được bổ dụng!

Tuy nhiên, giáo dân trong Giáo hội, hòn đá tảng nằm ở chỗ khác. Chính xác nó ở trong nội bộ, trong lĩnh vực quản lý và hoạt động của các cộng đồng, giáo xứ hoặc giáo phận trong một thời gian dài vẫn là độc quyền của các giáo sĩ, nơi có rất nhiều giáo dân, nơi mà đồng trách nhiệm giữa người này người kia vẫn còn mang dấu ấn của họ. Ai cũng biết có các giáo xứ mà cha xứ cai quản mọi việc, giáo dân chỉ đóng vai trò tiện ích. Có những giáo xứ khác họ phải làm trong điều kiện nhục nhã, trong các nhóm mục vụ do cha xứ nắm quyền. Và không có gì tệ cho bằng khi các giáo dân này đóng vai cha xứ! Đây đó mọi thứ trở nên phức tạp, với sự xuất hiện của các nam nữ giáo dân, những người vì sở thích cá nhân hoặc được giám mục của họ yêu cầu đã theo một khóa đào tạo thần học. Một trong những lý do thường dùng để biện minh cho bậc sống độc thân của linh mục là họ có thì giờ hơn để phục vụ cộng đồng. Nhưng thực tế này không phải là không có mặt trái khi linh mục vắt kiệt sức cho nhiệm vụ… và đột nhiên thấy mình đối diện với một giáo dân, mà nghịch lý thay họ lại có thì giờ đọc và đào tạo. Ở nước Pháp, con số giáo dân được đào tạo về thần học chắc chắn là một cơ hội lịch sử cho Giáo hội nhưng lại nhất thời vì họ sẽ già đi. Tuy nhiên, người ta chỉ cần lắng nghe để hiểu nhiều người trong số họ đã cay đắng hối tiếc, giám mục của họ không không đề nghị họ làm việc gì hoặc từ bỏ họ. Tuy nhiên, thường là vì sợ xúc phạm đến các linh mục của mình, những người đang trên bờ vực của kiệt sức, nhưng điều họ sợ hơn bất cứ điều gì, đó là mất đặc quyền của họ!

Phụ nữ trong Giáo hội: không phải là vấn đề trách nhiệm nhưng là công nhận

Đã từ lâu, tình trạng phụ nữ trong Giáo hội là kết tinh của sự bất mãn mạnh mẽ nhất. Họ có mặt khắp nơi trong đời sống giáo xứ. Chính họ là người tiếp nhận và dạy dỗ, làm sinh động nhà thờ và thường điều khiển phụng vụ ngày chúa nhật, họ đi thăm người bệnh, người lớn tuổi neo đơn, chuẩn bị lễ rửa tội, giúp gia đình có tang. Họ là nhân vật chủ chốt trong ban giáo lý. Đúng vào thời gian khi tôi là một phụ huynh trẻ, tôi được mời “dạy giáo lý”, với một giáo dân khác, tôi quen nghe cha xứ giới thiệu vào cuối thánh lễ “các nữ giáo lý viên”! Như thế cho thấy thiểu số bị ép không phải lúc nào cũng như chúng ta tưởng tượng! Chúng ta đừng đổ dầu vào lửa, nhưng giữa sự xem thường và thờ ơ, nhiều người mang một tấm lòng nặng trĩu. Khi chúng ta biết vai trò của rất nhiều bà mẹ trong việc đánh thức ơn gọi con trai họ, chúng ta có thể tự hỏi họ ước mong gì khi thấy bây giờ con họ vào một dòng tu mà họ biết từ bên trong, các dòng này chẳng quan tâm gì đến họ. Còn số phận của các nữ tu – họ cũng là giáo dân – trong nhiều thế kỷ, đây đó họ bắt đầu nổi dậy chống việc quá ghét phụ nữ của hàng giáo sĩ.

Nhưng chúng ta vẫn chưa ở trong tâm bão. Kiên nhẫn! Cũng như trong mọi cuộc cách mạng, không phải dân chúng là người nhảy lên tấn công các thành, nhưng là tầng lớp những người có học. Ngày nay có bao nhiêu phụ nữ trong Giáo Hội thích hợp để thực hiện những trách nhiệm không được giao phó cho họ? Có những trường hợp ngoại lệ may mắn. Tôi có thể làm chứng cho giáo phận Créteil của tôi, nơi có nhiều công việc của giáo phận được giao cho phụ nữ, ba phụ nữ ở trong  hội đồng giám mục, một trong số họ là bà Odile Rannou, (1), trong ba năm, bà là tổng thư ký Thượng Hội đồng, một trách nhiệm thường do các linh mục hoặc các linh mục tổng đại diện hoặc chính giám mục đảm trách. Cũng trong thời điểm này, nhiều người còn nhớ ngày lịch sử năm 2008, khi bà Christine Pedotti và bà Anne Soupa quyết định đệ đơn kiện tổng giám mục André Vingt-Trois, giáo phận Paris lên tòa án địa phương, vị hồng y mới phong nói một câu không đúng: “Mặc váy thôi chưa đủ, phải có cái gì trong đầu”. Ủy ban Váy ra đời từ bước đi này. Một cụm từ càng vụng về hơn khi ngày nay có nhiều nữ thần học gia được Giáo hội lắng nghe qua lời nói đặc biệt, tự do và can đảm của họ. Đó là hai phụ nữ đồng sáng lập Hội đồng công giáo của những người nói tiếng Pháp đã được rửa tội (CCBF) trong lĩnh vực giáo hội học hoặc phổ biến Kinh thánh, Sơ Véronique Margron và Marie-Jo-Thiel về các vấn đề đạo đức và ấu dâm, bà Anne-Marie Pelletier về chú giải Kinh thánh và nhiều người khác! Một phúc lành cho Giáo hội chúng ta!

Còn phụ nữ trong lãnh vực phụng vụ, họ có được hiển thị không?

Nhưng hãy đi thẳng vào vấn đề. Các vấn đề mà phụ nữ đặt ra cho thẩm quyền ngày nay chủ yếu liên quan đến sự hiện diện và khả năng hiển thị của họ ở nơi phụng vụ dành riêng cho nam giới. Bắt đầu bằng việc, ở đây ở đó không để các em bé gái giúp lễ, các em chỉ phục vụ cho “cộng đồng.” Như thử họ sợ các em sẽ làm cho các bạn nam nhỏ của mình mất tập trung vào một ơn gọi khả dĩ, hoặc tệ hơn, các em bé gái sẽ nung nấu một ước muốn cá nhân nào đó để tự mình gia nhập chức tư tế!

Quý vị hãy nhìn nhóm linh mục này tụ tập xung quanh bàn thờ và quý vị tìm phụ nữ! Tôi có khiêu khích không? Có chủ đích! Có phụ nữ nào chuẩn bị lâu dài cho một cặp vợ chồng trẻ làm lễ rửa tội cho con mình mà được phép lên bàn thờ vào ngày cử hành, bên cạnh linh mục, khi lễ rửa tội được cử hành như một phần của thánh lễ ngày chúa nhật không? Từ việc đọc các bài đọc phụng vụ đã được mở rộng cho họ đến phần chú giải Tin Mừng trong bài giảng, có một bước không thể vượt qua. Vì bài giảng dành cho linh mục hoặc phó tế đã được chịu chức. Ngay cả khi họ không giỏi và nếu họ đến từ nước ngoài, trình độ ngoại ngữ của họ kém đến mức đôi khi không thể nghe được. Dù chúng ta biết, trong một vài giáo xứ có các nam nữ giáo dân có kỹ năng và phẩm cách đảm nhận công việc này. Đồng thời, khi Giáo hội mời gọi phân định “các đặc sủng” cá nhân của từng người để phục vụ cộng đồng, thì Giáo hội từ chối tôn vinh những người trong số họ mà việc thực thi không phù hợp với các tiêu chuẩn quy định của bộ giáo luật. Công ty nào sẽ tồn tại trong tình trạng quản lý yếu kém như vậy?

Chủ nghĩa sô-vanh nam hay sự thiếu hiểu biết của các tín hữu?

Tôi đã nói về lòng biết ơn của tôi với giáo phận Créteil và xác nhận, tôi không hề có ý định xin tị nạn chính trị ở một giáo phận lân cận. Điều này không nhất thiết phải xảy ra ở mọi nơi trên nước Pháp. Chưa hết, khi nói đến phụ nữ và vị trí của họ trong Giáo hội, Thượng hội đồng giáo phận được tổ chức từ năm 2014 đến năm 2016 đã bị đánh dấu bằng một thất bại kép. Trong số mười bốn “định hướng” kết quả từ cuộc tham vấn giáo phận, một trong số đó được xây dựng như sau: “Đánh giá cao các ơn gọi của phụ nữ trong Giáo hội.” Thật không may, trong số ba đề xuất được đưa ra bỏ phiếu để xác nhận định hướng này, chỉ một đề xuất được bỏ phiếu, một đề xuất thứ hai bị từ chối, không đạt được 66% số phiếu yêu cầu. Nó chính xác đề nghị “tận dụng mọi khả năng mà phụng vụ cung cấp cho chúng ta để làm hiển thị các phụ nữ và các sứ vụ họ làm trong việc loan báo Tin Mừng và xây dựng nhiệm thể Chúa Kitô”. Phản ứng sô-vanh nam của các giáo sĩ được ủy nhiệm trong thượng hội đồng hay sự thiếu hiểu biết về những gì là thách thức của hội đồng? Câu hỏi vẫn còn bỏ ngỏ.

Còn đề xuất thứ ba, nó hoàn toàn bị rút khỏi cuộc biểu quyết của các đại biểu về sự can thiệp của nhà giáo luật. Chúng ta xem sự táo bạo: “Chúng tôi khuyến khích giám mục của chúng tôi vận động để các phụ nữ này có thể được gọi làm phó tế vĩnh viễn. Có phải là yêu cầu giám mục phong chức phó tế cho phụ nữ không? Không! Chỉ đơn giản là xin ủng hộ cho phụ nữ làm phó tế. Tôi thấy mình như nhảy ra khỏi ghế và cầu xin, với giọng nói bị nghẹn, cho quyền được nói lên cảm thức đức tin, sensus fidei. Vô ích! Vì tôi là một thành viên của ban thư ký Thượng Hội đồng, sự can thiệp này sẽ làm tôi bị khiển trách sau này, một cách sắc bén, vì đã vi phạm nghĩa vụ phải kềm mình. Bốn năm sau, sự việc này vẫn còn trong tim tôi như một vết thương! Vì vậy, tại một trong những giáo phận cởi mở nhất ở Pháp, cũng như khi Đức Phanxicô khởi xướng lại ý tưởng suy tư tự do về nữ phó tế, ba trăm đại diện của một thượng hội đồng giáo phận đã không thể tiếp nhận chủ đề này bởi vì, trong phạm vi giáo triều, Bộ Giám mục đã ban hành, hai mươi năm trước, một sắc lệnh cấm các giám mục chấp nhận bất kỳ cuộc tranh luận nào thuộc về thẩm quyền riêng của huấn quyền la mã! Khốn khổ!

Các bí tích… trong khi chờ đợi các bí tích?

Cuối cùng, một ngày nào đó chúng ta cũng sẽ phải nhìn vào việc quản lý các bí tích, dành riêng cho các linh mục. Tuyên úy nhà tù nào, giáo dân nào, lại không có nguyện vọng sâu xa muốn rửa tội cho người mà họ đã chuẩn bị bí tích từ lâu? Tuyên úy bệnh viện nào sẽ xức dầu cho người mà họ đã đồng hành trong nhiều tháng? Sự cần thiết phải làm luật, những gì bị giáo luật cấm thì ở Châu Mỹ La tinh đã làm khi một linh mục có trách nhiệm với một giáo xứ có hai trăm ngàn linh hồn. Và nếu ngày mai nó xảy ra với tôi, một giáo dân đơn thuần, thấy mình gặp một người bị tai nạn trên đường đang hấp hối nói với tôi họ xin được tha tội… Tôi sẽ nói với người đó, với tất cả tấm lòng khiêm tốn, nhân danh anh em tín hữu của người đó, tôi tha thứ cho người đó, và tôi cầu nguyện xin Chúa tha thứ cho anh. Tôi xem đây là việc đơn giản thực hiện chức tư tế thông thường của những người đã rửa tội…

Nhưng chúng ta đừng tiêu cực quá độ. Cây của những chuyện không thể được, mà tôi mong muốn chỉ tạm thời, không nên che giấu khu rừng của những khả năng bị coi thường quá mức. Có nhiều khả năng để các giáo dân tín hữu sống chức tư tế thông thường của những người đã được rửa tội. Chúng ta phải khám phá lại điều mà Hội đồng Công giáo về những người được rửa tội (CCBF) đã tôn vinh từ lâu và đâu là thừa tác vụ của chúc phúc. Nếu một người có thể tức giận quá mức để “nguyền rủa” người anh em của mình, thì điều đó cũng có nghĩa, theo một cách tương tự, người đó cũng có thể chúc phúc theo sáng kiến riêng của họ. Cha Henri-Jérôme Gagey, nhà thần học, là tổng đại diện giáo phận Créteil (2), đã từng kể cho tôi nghe giai thoại: cha được mời ăn cơm trong một gia đình. Trước khi mọi người vào chỗ, chủ nhà hỏi cha có muốn ban phép lành cho bữa ăn và khách mời không. Cha trả lời, một linh mục không nhất thiết phải làm việc này và sẽ tốt nếu chính ông làm các cử chỉ và nói lời chúc phúc như người do thái làm theo truyền thống của họ. Người công giáo đã quên quá nhiều về sự tồn tại của thứ được gọi là bí tích. Có nhiều gia đình mà các cặp vợ chồng trẻ không kết hôn theo tôn giáo và các em bé sinh ra không được rửa tội. Chúng ta phải khám phá lại, như Cha Jean Casanave gợi ý: “Sẽ táo bạo khi cử hành ngày sinh trước khi rửa tội, tình yêu trước khi dâng mình vào hôn nhân, sự kiện thể thao trước khi xác nhận, trái đất, cây nho, nước và lúa mì trước bí tích Thánh Thể”. Biết rằng các phép lành như vậy, không bí tích, các giáo dân thường có thể làm.

Và có lẽ một ngày nào đó chúng ta sẽ phải tự vấn lại bản thân, ít nhất là ở các vùng nông thôn, về việc bãi bỏ các buổi tụ họp ngày chúa nhật nếu không có linh mục, ADAP. Các buổi họp này cho phép các tín hữu nhóm họp ngày chúa nhật, chung quanh Lời Chúa, rước lễ và thể hiện sự tồn tại của một cộng đồng. Để không có nguy cơ nhầm lẫn với thánh lễ, các buổi tụ họp này đã bị cấm và các tín hữu được mời dự thánh lễ ở cộng đoàn thị trấn lân cận. Với hiệu quả tức thì là thánh lễ truyền hình Ngày của Chúa cho những người không thể đi dự lễ được. Và để xóa bỏ mọi dấu vết của các cuộc tụ họp ngày chúa nhật ở nhiều làng.

  1. Hiện nay bà không còn là thành viên của Hội đồng giám mục
  2. Chức vụ cha không còn đảm trách.

Marta An Nguyễn dịch

http://phanxico.vn/2023/01/11/phu-nu-va-giao-dan-trong-giao-hoi/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét