Trang

Thứ Ba, 31 tháng 1, 2023

Chương 14 Thế tục, tất cả là thế tục, chỉ có thế tục…

 Thế tục, tất cả là thế tục, chỉ có thế tục…

Chương 14 sách Công giáo trong tự do

Trích sách Công giáo trong tự do (Catholique en liberté, nxb. Salvator, 2019)

renepoujol.fr, 2022-01-15

Nếu chủ nghĩa thế tục của Nhà nước đảm bảo quyền tự do tin hay không tin của mọi người, thì nó chưa bao giờ mang nghĩa một loại thế tục nào đó của xã hội, do bản chất đa nguyên của nó. Và từ chối quyền thể hiện bản sắc tôn giáo của người dân trong tư cách là công dân, là cách chắc nhất để củng cố các chủ nghĩa cộng đồng mà chúng ta đang đấu tranh. Một trăm ngày trước cuộc bầu cử Tổng thống Pháp, đây là thành tích cần phải giữ gìn và canh như canh sữa đun trên lửa.

Chương này mở đầu cho phần thứ ba và phần cuối của quyển sách, tôi chọn chất vấn đồng bào tôi và xã hội tôi đang sống. Quan điểm của tôi? Để nhắc lại cho các kitô hữu để họ không độc quyền về nhân đức và quan tâm đến lợi ích chung nhưng ước mong đức tin của họ vào Thiên Chúa siêu việt, nuôi dưỡng một chất vấn đạo đức và thiêng liêng trong việc phục vụ nhân loại, và không nên loại bỏ chúng trong các cuộc tranh luận công khai.

Thế tục, tất cả là thế tục, chỉ có thế tục…

Sự cám dỗ có thể rất mạnh khi chúng ta xem trọng đối thoại liên tôn và cởi mở với nó, như một vấn đề cụ thể đối với tín hữu và sẽ không liên quan đến xã hội. Và, đối với người công giáo, có thể thấy trong đó công trình đổi mới của Công đồng Vatican II và sau đó của Đức Gioan-Phaolô II đã chủ động trong cuộc họp tại Assisi. Chúng ta thường không biết có một Nghị viện Tôn giáo Thế giới được tổ chức lần đầu tiên tại Chicago năm 1893, nhân dịp Triển lãm hoàn vũ quy tụ gần cả trăm linh đạo. Vào đầu năm 2015, khi phụ trách Thư Hàng tuần xã hội Pháp (Lettre des Semaines sociales de France) mà tôi là thành viên Hội đồng quản trị, tôi đã gặp ông Samuel Grzybowski, khi đó 23 tuổi, đồng sáng lập và chủ tịch đầu tiên của Cùng tồn tại (Coexister), một hiệp hội trẻ liên kết các tín ngưỡng. Tôi muốn hỏi anh về quyển sách anh vừa xuất bản1, trong đó anh kể Chuyến đi vòng quanh thế giới về các cách giữ đạo liên tôn (Inter-Faithtour) năm 2013 với bốn người bạn từ các truyền thống tôn giáo và triết học khác nhau: một người do thái, một hồi giáo, một người theo thuyết bất khả tri và một người vô thần (Victor Grèzes, người mà tôi đã nói), khám phá các cách giữ đạo liên tôn ở khoảng bốn mươi quốc gia. Anh là người công giáo. Và tôi ấn tượng bởi nhận xét mạnh mẽ của anh: “Tôi rút tỉa được ở chuyến đi vòng quanh thế giới này, xác tín rằng đối thoại giữa các tôn giáo và giáo phái, dù hữu ích và cần thiết đến đâu, nó không phục vụ cho toàn xã hội, nhưng ngày nay lại ngược lại, cách tiếp cận phi tín ngưỡng của nó mang lại cho nó một vai trò công ích trong việc phục vụ cuộc sống chung.”

Chủ nghĩa thế tục của Nhà nước cho rằng thế tục của xã hội là hoàn toàn phi lý.

Đã có tất cả trực giác về một phong trào từ nay mở rộng hoàn toàn, nhưng sẽ rất nhanh chóng đụng với những bản sắc của các tôn giáo khác nhau cũng như với những người ủng hộ một chủ nghĩa thế tục đấu tranh. Trong một thời gian, điều này đã làm cho hiệp hội Cùng tồn tại rút lại sự chấp thuận của họ trong tư cách là một hiệp hội vì lợi ích chung, một công chức nhiệt tình của Bộ Tài chính đã đánh giá – một cách lạm dụng – rằng các tham chiếu rõ ràng của họ đến các truyền thống tôn giáo hoặc tín ngưỡng khác nhau là đụng chạm đến chủ nghĩa thế tục. Khi chỉ hai ngày sau cuộc tấn công vào tòa soạn báo Charlie Hebdo, lời kêu gọi “Chúng ta đoàn kết” của tám mươi nhân vật hàng đầu ký tên, cô Radia Bakkouch, chủ tịch của hiệp hội trẻ, trong một diễn đàn cô đã bị chỉ trích, rằng hiệp hội “muốn thay thế sự trung lập thế tục bằng sự chung sống của các tôn giáo”. Như thể chủ nghĩa thế tục đòi hỏi sự biến mất của tính đa dạng, sự u minh hỗ tương và sự không đối thoại.

Chúng ta thực sự đang ở trọng tâm của sự nhầm lẫn được duy trì trong một số môi trường xem rằng ngoài thỏa hiệp lịch sử năm 1905 đánh dấu sự tách biệt giữa các Giáo hội và Nhà nước, chủ nghĩa thế tục, với tư cách là một triết học nhân văn vô thần, vẫn luôn là một cuộc chiến cần tiếp tục chiến đấu. Rằng chủ nghĩa thế tục của Nhà nước sẽ bao hàm chủ nghĩa thế tục của xã hội, điều này hoàn toàn vô lý. Như thể các công dân của đất nước này bị thu lại thành những người lính nhỏ bé giản dị của Nhà nước, đơn màu và trần trụi, không giới tính, không bản sắc, không khuôn mặt và không linh hồn. Cũng chính những người tự mừng cho một nước Pháp giàu đa dạng cũng không có khả năng mở sự phong phú này cho tính đa nguyên của những xác tín tôn giáo. Cũng chính những người cầu xin công nhận quyền của người thiểu số trong mọi lĩnh vực lại muốn hạn chế quyền của các tôn giáo với lý do 63% người Pháp nói rằng họ không theo tôn giáo nào và do đó các tín hữu sẽ không còn là chính họ nữa… họ chỉ là thiểu số! Quý vị chịu khó đi tìm chỗ sai lầm! Cũng chính những người có ý định lên án mọi hình thức chủ nghĩa cộng đồng nào không phù hợp với luật pháp của Nhà nước sẽ mạo hiểm củng cố nó một cách khách quan, dồn họ đến với nhau để tự do chia sẻ những gì làm cho họ sống, và những gì làm họ bị cấm nói trước công chúng.

Chủ nghĩa vô thần nhà nước ở thế kỷ 20 là: Hitler, Stalin, Mao, Pol Pot…

Chủ nghĩa thế tục này dường như xuất hiện lại từ năm 2014, dưới sự chỉ đạo của ông François Baroin, ở vị trí chính thức của Hiệp hội các Thị trưởng Pháp2. Trong suốt lịch sử nước Pháp, và cho đến ngày nay ở một số khu vực trên thế giới, các tôn giáo đã hoặc là một yếu tố bạo lực và chia rẽ, với thực tế là họ tuyên bố nắm giữ chân lý và áp đặt nó với sự đồng lõa của các lực lượng chính trị, thật đáng tiếc đó là một thực tế. Đơn vị hiệp nhất  của nước Pháp hầu như không tồn tại trong các cuộc chiến tranh về tôn giáo và chúng ta nợ Nhà nước trong việc Nhà nước đã thành công bình định đất nước bằng vũ lực. Chúng ta đừng bao giờ quên điều này. Tuy nhiên, luật phân tách năm 1905 càng là luật tôn trọng những xác tín của mỗi người, trong đó luật đảm bảo quyền tự do ngôn luận; cũng như theo tôi, dường như không thể chấp nhận được khi tuyên bố áp đặt lên công dân một triết lý chính thức, dù đó là triết lý nhân văn. Bởi vì, kinh nghiệm cho thấy, sau đó chúng ta nhanh chóng trôi qua, từ một triết học không bị khuất phục đối với các giáo điều tôn giáo, đến một triết học tuyên bố phủ nhận chúng hoặc ít nhất là cấm các công dân chấp nhận tham khảo một cách công khai và tập thể nơi công cộng. Đây là cánh cửa mở ra cho một chủ nghĩa vô thần của Nhà nước mà từ thế kỷ 20, chúng ta đã không giữ được ký ức rằng nó thực sự phục vụ hòa bình, chung sống và dân chủ. Chỉ cần nghĩ đến hàng trăm triệu cái chết do các bàn tay của Hitler, Stalin, Mao và Pol Pot cộng lại là hiểu.

Nhà thờ chính tòa Créteil: một không gian văn hóa được thành phố đồng tài trợ… trong chủ nghĩa thế tục!

Vậy mà trong một tài liệu tháng 12 năm 2014, Đại Đông phương Pháp đề xuất danh sách 25 biện pháp để một nước Cộng hòa thế tục, tiến xa hơn nữa, ‘chấm dứt việc tài trợ công cho các hoạt động tôn giáo dù dưới hình thức văn hóa’. Ngày 20 tháng 9 năm 2015, tôi tham dự lễ khánh thành nhà thờ chính tòa mới Créteil trong giáo phận của tôi. Cùng có mặt, ngoài ông Bernard Cazeneuve, bộ trưởng Bộ Nội vụ phụ trách thờ phụng, ông Laurent Cathala, phó thị trưởng đảng Xã hội của Créteil, ông Christian Favier, chủ tịch Cộng sản của Hội đồng Bộ. Ngày hôm đó, người này người kia đều nhắc lại vì sao thị trấn Créteil và sở Val-de-Marne đã tài trợ cho chương trình văn hóa của nhà thờ mới (phòng trưng bày, khán phòng và hội nghị) trong sự tôn trọng nghiêm túc của chủ nghĩa thế tục và luật pháp của nước Cộng hòa.

Sau đó, ngày 7 tháng 10, tôi điều khiển chương trình ở gian giữa của chính nhà thờ này, chung quanh Thông điệp về sinh thái Laudato Si của giáo hoàng, một cuộc tranh luận công khai có phó thị trưởng MoDem của Plessis-Trévise và thị trưởng cộng sản của hạt Champigny. Có phải đã có “một hoạt động bao gồm việc thờ phụng được trình bày dưới dạng văn hóa” không? Ai, trong cuộc sống thực, phục vụ tốt nhất chủ nghĩa thế tục và sống cùng nhau: các quan chức được bầu chọn của Val-de-Marne hay anh em của đường Cadet?

“Nhiều người đến với Charlie hơn là đến với thánh lễ?”

Cuộc tấn công của hồi giáo vào tòa soạn báo Charlie Hebdo ngày 7 tháng 1 cùng năm đã đẩy cuộc tranh luận về chủ nghĩa thế tục lên cao điểm. Liệu có thể chấp nhận được, trong một nền dân chủ tự do, một số kẻ khủng bố lạnh lùng đến ám sát các nhà báo nhân danh Allah không? Không, câu hỏi thậm chí không nên đặt ra. Và phản ứng của người dân Pháp, vào ngày chúa nhật sau đó là ở tầm cao của sự phủ nhận này. Nhưng có cần thiết như thế, cả hồi giáo và chủ nghĩa hồi giáo, để cho rằng hạn chế người này để triệt người kia tốt hơn không? Có cần thiết, như một số “cây bút vĩ đại” của báo chí Pháp trong những ngày sau đó tuyên bố đưa “quyền báng bổ” vào luật không? Mặc dù đây là quyền tự do được đảm bảo cho mọi công dân, mà việc thực hiện quyền tự do này không phải là đối tượng của bất kỳ quyền truy tố nào trước tòa án sao? Tại sao muốn chuyển thành luật khách quan những gì là và phải là một tự do?

Số báo “lịch sử” của Charlie Hebdo được xuất bản một ngày sau vụ tấn công (bán được bảy triệu bản) chạy các trang trung tâm: “Chúa nhật 11 tháng 1 năm 2015, nhiều người đến với Charlie hơn là đến với thánh lễ.” Như thế nước Pháp sẽ nhờ cuộc tuần hành này để đẩy lui chủ nghĩa mù quáng công giáo sao? Nhưng mối liên hệ với cuộc tấn công là gì? Hàng trăm ngàn tín hữu hôm đó lạnh lùng bỏ thánh lễ ngày chúa nhật để đi tuần hành. Tôi có mặt! Một số nói họ là Charlie, một số khác thì không, như tôi! Họ thấy trong đám đông những người bạn hồi giáo, những người cũng là công dân nước Pháp, dù đôi khi họ bị bầm dập vì tranh biếm họa và lo lắng sợ mọi người quay lại chống họ, giữ hình ảnh những kẻ sát nhân chỉ vì những kẻ này xưng mình là hồi giáo. Tôi nhớ tôi đã đi lang thang mấy giờ đồng hồ liền ở Paris với linh mục Gilles Godlewski, cha quản nhiệm nhà thờ chính tòa Créteil cùng với vài giáo dân khác và một phái đoàn của nguyện đường hồi giáo do giáo sĩ Sheikh Ilyes hướng dẫn. Và chúng tôi gặp một đại diện của Phong trào do thái tự do Pháp. Ngày đó, chúng tôi không phải là công dân hạng hai “bất chấp” tôn giáo chúng tôi và sự từ chối đòi quyền báng bổ thế tục, tự do và bắt buộc.

Chỉ chưa đầy một tuần để chứng kiến hố thẳm của sự bất hòa mở ra lại

Vì thế vào ngày 10 và 11 tháng 1, nước Pháp cảm thấy tự hào về một sự hiệp nhất vừa được tìm lại. Và chỉ chưa đầy một tuần để chứng kiến hố thẳm của sự bất hòa mở ra lại. Chúng ta sẽ cho rằng những kẻ khủng bố là đúng phải không? Liệu chúng ta có củng cố hoang tưởng về một chủ nghĩa thế tục vốn chỉ có thể xây dựng trên sự phủ định, sự xóa sổ nơi công cộng, của các tôn giáo có hàng ngàn năm tuổi, về những minh triết mà xã hội chúng ta mắc nợ một phần những điều tốt đẹp nhất của họ không? Chúng ta có thực sự muốn ngày mai thấy lời tiên tri của nhà văn Michel Houellebecq trong quyển tiểu thuyết Tuân phục Submission của ông: sự kết hợp thiêng liêng, cuối cùng đã chiến thắng, của một kitô giáo và hồi giáo bực tức, trên đống đổ nát của nước Cộng hòa? Mặc dù phần lớn, những người theo kitô giáo và hồi giáo nhận ra mình trong đó, ngay cả khi họ yêu cầu một số cân nhắc dành cho họ.

Làm sao mà không cảm thấy day dứt những ngày sau đó khi đọc trên mạng xã hội những dòng tâm sự đầy thương cảm của các trí thức: nhà văn, triết gia, nhà xã hội học; của những người “thiện tâm”, cởi mở và rộng lượng, những người theo chủ nghĩa nhân văn, những người theo chủ nghĩa cộng hòa, thừa nhận rằng họ đã cam chịu im lặng trong một cuộc tranh luận bất khả thi, nơi mà chính ý tưởng tôn trọng người khác và niềm tin của họ dường như trở nên báng bổ với những tín điều mới và quan niệm chuyên chế về tự do ngôn luận và chủ nghĩa thế tục. Chúng ta có hy vọng đảm bảo một vài chiến thắng ý thức hệ quyết định nào đó trước sự im lặng của những người chỉ đơn giản kêu gọi lý trí và tình huynh đệ không?

Có phải mười hai cái chết của báo Charlie Hebdo, tự xưng là “tạp chí vô trách nhiệm”, để đòi hỏi từ nay việc giảng dạy đạo đức thế tục trong trường phải thoát khỏi mọi liên hệ bất kỳ nào giữa tự do và trách nhiệm không? Có cần thiết phải giải thích cho học sinh các trường trung học và đại học của chúng ta, rằng việc đốt các nhà thờ ở Niger, cướp phá nhà của giáo dân kitô giáo, cái chết của mười người do bị trả thù, là cái giá hợp lý nếu xét về quyền bất khả xâm phạm của báo Charlie Hebdo để có thể biếm họa nhà tiên tri không? Không, trong mắt tôi Charlie không phải là nước Pháp, Charlie không phải là quốc gia, Charlie không phải là hiện thân của lương tâm nước Pháp hay tự do ngôn luận. Charlie, trong số những yếu tố khác, không phải là không có tài năng hoặc dũng cảm, là một trong những yếu tố cấu thành. Chỉ như thế! Muốn thuyết phục chúng tôi ngược lại là phỉnh phờ. Đúng, tạp chí Charlie Hebdo sẽ có thể tiếp tục viết một cách tự do. Vì chúng ta giữ quyền công dân, đưa ra tranh cãi về sự thánh hóa quyền tự do ngôn luận mà họ tuyên bố là phục vụ, giống như bất kỳ hình thức thánh hóa nào. Nếu bất kỳ tôn giáo nào đều có thể bị chỉ trích và đặt vấn đề, thì quyền tự do ngôn luận được dựng lên như một giáo phái mới cũng nên có thể làm.

Do đó, gắn bó của tôi với chủ nghĩa thế tục, một phần, được liên kết với quyền tự do bày tỏ tín ngưỡng mà nó cho phép và đảm bảo ở nơi công cộng, mà không có bất kỳ ưu tiên nào. Vẫn cần dùng quyền tự do này để không đụng với kiểu đọc thế tục và loại trừ của những người trong giới truyền thông. Sự tự do hành động của họ giả định chúng ta có thể diễn đạt trong một ngôn ngữ dễ hiểu, những gì chúng ta muốn nói. Trong ba mươi lăm năm làm báo, tôi đã biết hai loại hình đại diện. Đã có nhiều lần tôi từ chối lời mời tham dự một số chương trình truyền hình, nơi tôi bị cho là người công giáo vì nghĩa vụ, một loại kẻ vô dụng hữu ích bị chế giễu mà không bị trừng phạt (điều này không xảy ra với người do thái cũng như người hồi giáo) và với sự đồng thuận của công chúng. Công giáo nhưng không khổ dâm! Quá tệ cho đa nguyên! Nhưng ai là người thực sự quan tâm khi nói đến các tôn giáo?

Chúa Giêsu kết hôn với bà Maria Mađalêna hay là Ngài ở với Thánh Gioan?

Nhưng tôi có một kỷ niệm thú vị về những nỗ lực ít nhiều thành công khác. Khi phim Mật mã Da Vinci chuyển thể từ quyển tiểu thuyết ăn khách của tác giả Dan Brown ra rạp, tôi được mời lên truyền hình để nói quan điểm của nhà báo công giáo về chủ đề trọng tâm của quyển tiểu thuyết: hôn nhân của Chúa Giêsu với bà Maria Mađalêna, người mà hậu duệ bí ẩn đến tận chúng ta.

Trên sàn quay của chương trình Ngừng lại trên các hình ảnh (Arrêt sur Images), tôi cố gắng giải thích vào thời Chúa Giêsu, được kết hôn và có nhiều con cháu là ơn lớn nhất có thể có cho một giáo sĩ do thái như Ngài. Nếu Chúa Giêsu kết hôn thì sao các thánh sử cùng chia sẻ những giá trị này lại im lặng? Để không làm cho Vatican giận hai mươi thế kỷ sau ư? Nghiêm trọng hơn, tôi cố gắng giải thích trước ống kính, nếu Chúa Giêsu muốn vâng lời, khó nghèo và khiết tịnh, đó là để đánh dấu sự tự do tuyệt đối của Ngài – và mời chúng ta làm như vậy – đối diện với những gì luôn xảy ra ở mọi thời, và ngày nay hơn bao giờ hết, đã và vẫn là nguồn gốc của bạo lực giữa con người: quyền lực, tiền bạc và tình dục. Và không phải ngẫu nhiên mà chúng ta muốn khám phá lại đời sống đan tu, hoàn toàn dựa trên ba lời khấn vâng lời, khó nghèo và khiết tịnh. Một lời kêu gọi gởi đến chúng ta để kiềm chế những xung động có thể trở nên phá hoại người khác và cả cho chính chúng ta. Nhìn thấy ánh mắt ngờ vực của ông Daniel Schneidermann khi tôi đang nói, tôi hiểu đoạn này sẽ bị cắt bỏ khi dựng phim… và chính xác là vậy!

Vài ngày sau, trên kênh C8, ông Jean-Marc Morandini cố gắng làm cho tôi thừa nhận, cuộc hôn nhân này của Chúa Giêsu là một xác suất mà tôi không thể từ chối… không để cho tôi có một xác suất của tôi. Biết khán giả của kênh là ai và tôi không chắc sẽ gặp độc giả của báo Pèlerin ở đó, tôi dám phản công. Tôi nói với ông, cuộc hôn nhân của Chúa Giêsu với bà Maria Mađalêna là một luận cứ xưa cổ. Ngày nay, các nhà nghiên cứu giỏi nhất quan tâm nhiều hơn đến giả thuyết Chúa Giêsu có một thỏa ước với Thánh Gioan, hai người đàn ông độc thân ở với nhau… Và tôi đã tận dụng hiệu ứng của sự ngạc nhiên để nói những gì tôi cần phải nói!

Sử dụng tốt chủ nghĩa thế tục ở trên đài.

Tạm để chuyện đùa sang một bên, trong một xã hội quá ngột ngạt bởi chủ nghĩa tiêu dùng và chủ nghĩa vật chất, chủ nghĩa thế tục có thể là cơ hội để giáo dân nói với những người cùng thời rằng, việc đi tìm Chúa, tìm đời sống thiêng liêng, tìm sự nhưng không trong tình yêu, được nhận được chia sẻ, cũng có thể mang lại ý nghĩa cho cuộc sống chúng ta. Không phải “sửa chữa” vì lợi ích cho các Giáo hội hay cho các tôn giáo nhưng để phục vụ nhân loại trong chiều kích thực sự của nó.

Ở Sylvanès (Aveyron), văn hóa phục vụ cho chủ nghĩa đa nguyên.

Trong thế giới văn hóa, chủ nghĩa thế tục cũng thể hiện một lý tưởng gặp gỡ nơi các truyền thống tôn giáo và tâm linh khác nhau có thể đối thoại với nhau và sống chung với xã hội và thế giới nghệ thuật. Đó là những gì tu viện Sylvanès, gần thành phố quê hương tôi, ở phía nam Rouergue đã sống hơn bốn mươi năm nay. Và tôi vẫn còn vô cùng biết ơn linh mục dòng Đa Minh André Gouzes và Michel Wolkowitsky đã làm cho tu viện dòng Xitô có từ thế kỷ thứ 12 này trở thành nơi mở cửa cho đối thoại và sáng tạo, trong một tam hợp hiệu quả giữa các tiết mục âm nhạc cảm hứng công giáo với sự phong phú của các truyền thống tôn giáo và tâm linh thế giới, với xã hội thế tục vốn là thực tế của chúng ta. Sự gắn bó của tôi với nơi này, qua nhiều tác phẩm xuất bản khác nhau và với tư cách thành viên ban quản trị, do xác tín, không phải không có khó khăn hoặc đôi khi kháng cự, những gì tốt nhất mà chủ nghĩa thế tục có thể đại diện cho sự phục vụ của đất nước, khi chúng ta hiểu giáo dân có thể phục vụ nó với lòng trung thành, quảng đại và không vụ lợi.

Rằng các tôi tớ Chúa không xem mình là vua Xêda và Xêda không xem mình là Chúa.

Ngày 9 tháng 4 năm 2018, giống như nhiều người Pháp, tôi tò mò muốn biết tổng thống Emmanuel Macron sẽ nói gì với các giám mục Pháp chào đón ông ở Học viện Bernardins, Paris. Ông có dùng giọng điệu thông đồng quá đáng như cựu tổng thống Nicolas Sarkozy được bầu là kinh sĩ danh dự năm 2007 ở nhà thờ Lateran, Rôma; hay khoảng cách cố ý khinh thường của cựu tổng thống François Hollande không? Tôi thích bài diễn văn của ông hơn. Dù trong tư cách là một công dân, người công giáo, đôi khi tôi cũng muốn ông nói với Hội đồng Giám mục Pháp hay với người tín hữu một cách khác hơn. Ông biết, vì ông có văn hóa, rằng kể từ Công đồng Vatican II, Giáo hội đã tự xác định mình là “dân của Chúa” và như thế với thuật ngữ này không đủ tiêu chuẩn cho các cơ quan điều khiển mình. Việc phân biệt hai điều này sẽ giúp chúng ta có thể tôn vinh tốt hơn một thực tế mà theo mặc định, đã bị mờ nhạt: tính đa nguyên trong các ý kiến trong chính lòng của người công giáo Pháp.

Ngay ngày hôm sau, tôi nghe nói, để bày tỏ “cảm nhận mối dây liên kết giữa Giáo hội và Nhà nước đã bị tổn hại thì quan trọng là phải sửa chữa nó”, như thử một tấn công vào luật năm 1905. Tôi đã không nhận ra điều đó, một tách biệt ngụ ý một sự phủ nhận thực tế, vì khi đó nó là vấn đề về mối quan hệ giữa quyền lực công và những người có trách nhiệm việc phụng tự. Về phần tôi, tôi thích nguyên thủ Quốc gia công nhận giữa người công dân và Quốc gia cũng tồn tại những cộng đồng cùng thân cận trong cấu trúc quốc gia, trong đó có Giáo hội công giáo; tôi thích ông tố cáo biếm họa của một đạo công giáo bị giảm xuống thành những chiến binh thiểu số thù địch với Nhà nước; tôi thích nghe ông khẳng định rằng rễ cây, dù đó là rễ kitô giáo cũng ít quan trọng hơn nhựa sống nuôi dưỡng rễ cây; tôi thích lời nhắc nhở của ông, rằng con người, bản sắc và số phận của nó là vấn đề thực sự và duy nhất của thế kỷ đang bắt đầu của chúng ta; tôi thích sự tôn vinh cho sự dấn thân chiến đấu của người công giáo trong tất cả các lĩnh vực của đời sống liên kết và cũng như sự tiếc nuối đôi khi nó được thực hiện bằng cách bỏ rơi lĩnh vực chính trị; tôi thích lời mời dành cho các tín hữu cũng chia sẻ những bất ổn của thế giới đương đại; tôi thích ông gọi Giáo hội là “không hợp thời” và do đó có tính tiên tri, chú ý đến việc nhắc lại linh đạo để con người đặt câu hỏi về ý nghĩa của cuộc sống… Và ngược với lời kết án ông ở một số môi trường, tôi không tìm thấy trong nhận xét của nguyên thủ quốc gia bất kỳ một lời nói nào nhượng bộ người công giáo, điều này làm cho người ta nghĩ ông đã vượt ra ngoài đối thoại cộng hòa đơn giản. Ngày đó, mọi người đều hiểu, nhất là với luật đạo đức sinh học, ông bảo vệ quyết định theo hướng không nhất thiết phải là hướng mong muốn của các giám mục và những người đã chia sẻ các phân tích với họ.

Chúng ta sẽ không bao giờ có thể lập lại cho đủ: người giáo dân ít có lý do hơn để thù địch với chủ nghĩa thế tục – ngay cả khi nó vẫn còn là một cuộc đấu tranh – bởi vì họ tìm thấy nguồn gốc của nó trong các sách Phúc âm. “Hãy trả cho Xêda những gì của Xêda, và cho Chúa những gì của Chúa”, đó là những gì xây dựng chủ nghĩa thế tục. Nhưng điều này giả sử, vừa tôi tớ Chúa thì không cho mình là người thay thế Xêda, và Xêda không tự nhận mình là Chúa.

  1. Samuel Grzybowski, Mọi con đường đều dẫn đến người khác Tous les chemins mènent à l’autre, nxb. L’Atelier, 2015.)
  2. Ban giám đốc từ năm 2021 do David Lisnard, người kế nhiệm ông đảm nhận.

Marta An Nguyễn dịch

http://phanxico.vn/2023/01/31/the-tuc-tat-ca-la-the-tuc-chi-co-the-tuc/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét