Trang

Thứ Tư, 11 tháng 1, 2023

Triết gia Denis Moreau: sáu điều tôi thích nơi Đức Bênêđictô XVI

 Triết gia Denis Moreau: sáu điều tôi thích nơi Đức Bênêđictô XVI

Vào lúc mọi người ca ngợi và đánh giá triều giáo hoàng của Bênêđictô XVI, triết gia Denis Moreau đi ra khỏi lối mòn, ông có bản tổng hợp cá nhân và trìu mến về cảm nhận mình mắc nợ Joseph Ratzinger rất nhiều.

lavie.fr, Triết gia Denis Moreau, 2023-01-09

Denis Moreau, triết gia, giáo sư triết tại đại học Nantes.  THOMAS LOUAPRE

Trong những ngày gần đây, các nhà báo và người công giáo, mỗi người đều có ý kiến riêng của mình, ủng hộ hay phản đối triều giáo hoàng của Đức Bênêđictô XVI. Một công việc dễ làm vì đây là sự kiện độc đáo trong lịch sử của Giáo hội hiện nay: cái chết của giáo hoàng sau gần mười năm kết thúc triều giáo hoàng tốt đẹp của ngài, chúng ta đánh giá ngài muộn màng mà chúng ta đã không có vào thời điểm sau cái chết của người tiền nhiệm ngài.

Đức Bênêđictô XVI: một tang lễ thanh đạm và đầy xúc động

Không có gì độc đáo để thêm vào những gì tôi đã đọc đây đó, tôi sẽ không viết bài tổng kết. Và vì nói tốt thì tốt hơn là nói xấu, nên tôi sẽ chỉ nêu ra sáu điều tôi thích nơi ngài hoặc những điều ngài đã dạy và mang lại cho tôi. Đọc bài này quý độc giả sẽ hiểu vì sao cái chết của ngài lại ảnh hưởng đến tôi nhiều hơn cái chết của nữ hoàng Anh, hay ngay cả Pelé – dĩ nhiên Chúa biết tôi yêu Pelé biết chừng nào!

1- Cám ơn cha vì cha đã không giỏi quản lý

Nghịch lý thay, điều tôi thích nơi Đức Bênêđictô XVI, theo một nghĩa nào đó, ngài là một giáo hoàng khá tệ – ít nhất nếu bạn cho rằng giáo hoàng trước hết là “ông chủ” của Giáo hội công giáo. Ngài rõ ràng không giỏi trong việc cai trị và rõ ràng ngài không thích quyền lực (ít nhất là quyền của một giáo hoàng). Ngài không giống như người tiền nhiệm hoặc người kế nhiệm, cảm thấy thoải mái trước giới truyền thông hoặc trước đám đông, điều này rất dễ nhận thấy.

Chẳng hạn như, trong những tình cờ của cuộc sống, tôi có mặt ở Rôma vào ngày lễ nhậm chức của ngài. Tôi đến đó, thấy ngài trên màn hình khổng lồ ở Đền thờ Thánh Phêrô, cái nhìn của ngài là cái nhìn hoảng sợ của con thú bị săn mồi, tôi hiểu ngay đây sẽ là một giáo hoàng khác với giáo hoàng Gioan-Phaolô II, người quen ra trước công chúng như người dẫn chương trình. Sau đó, có lẽ chung quanh ngài không có những người có kỹ năng và chính trực nhất để giúp ngài làm nhiệm vụ của mình.

Tóm lại, ngài thấy mình làm nghề ‘ông chủ’ mà ngài không phù hợp, từ cái nhìn này, triều giáo hoàng của ngài không thiếu những sai lầm ngớ ngẩn, hỏng việc, lái trước đạp sau mà một số phương tiện truyền thông thiếu bác ái ác ý vui vẻ nhắc lại trong những ngày này: bài diễn văn ở Regensburg, dỡ bỏ vạ tuyệt thông cho một giám mục theo chủ nghĩa chính thống phủ định, không thể nắm vững một phần Giáo triều, tranh biếm họa trên bao cao su, vụ “Vatileaks”, v.v. Rõ ràng, họ có thể tìm thấy trong tất cả các tài liệu dồi dào này chất liệu để chỉ trích Đức Bênêđictô XVI tội nghiệp.

Nhưng những điều này lại làm tôi quý mến ngài, ngài là tấm gương tiêu biểu của một người cố gắng làm hết sức mình ở vị trí Chúa đã đặt, dù không muốn ở đó. Ở tầm vóc nhỏ của tôi, tôi là người không có năng khiếu tổ chức và quản lý những việc tôi phải làm, tôi cảm thấy mình gần gũi với ngài, và tôi yên tâm khi có người bạn đồng hành như ngài.

2- Cám ơn cha đã làm những gì cha có thể

Sau tất cả những im lặng và những việc khất lại ở cuối triều giáo hoàng Gioan-Phaolô II, tôi biết ơn Đức Bênêđíctô XVI vì cuối cùng ngài đã đập tay lên bàn nói “đủ rồi, không thể dung thứ được” về bạo lực tình dục, về ấu dâm trong Giáo hội. Nhưng than ôi (xem điểm trên), ngài không thể hoặc không biết cách đánh đủ mạnh, cũng như không thể hiện quyền hạn cần thiết để dọn dẹp chuồng ngựa Augias – đúng là ngài có việc phải làm. Nhưng ít nhất ngài đã cố gắng. Tôi nghi đó là lựa chọn của Vatican, nhưng để ghi câu trên mộ Đức Bênêđictô XVI, tôi muốn gợi ý câu 8 đoạn 14 Phúc âm Thánh Marcô: “Quod haec habuit, fecit” (Điều gì làm được thì cô đã làm).

3- Cám ơn cha vì cha đã tôn vinh lý trí trong đức tin

Với Đức Bênêđictô XVI, tôi đặc biệt mang ơn vì ngài đã kiên trì nhắc đi nhắc lại đặc tính thiết yếu của mối tương quan giữa đức tin và lý trí. Để tóm tắt thái độ của ngài về vấn đề này, chúng ta có thể nói, ngài đã quyết định xem trọng huấn thị trong Thư Thứ Nhất của Thánh Phêrô (3, 15): “Hãy luôn luôn sẵn sàng trả lời cho bất cứ ai chất vấn về niềm hy vọng của anh em”, có nghĩa phải luôn sẵn sàng giải thích với những ai hỏi mình về lý trí (trong tiếng hy lạp là logos, công cụ của các triết gia) do đó là về hy vọng có trong lòng bạn.

Ngay từ những năm 1990, khi ngài mới chỉ là hồng y Ratzinger, các bài viết của ngài về “tính hợp lý mở rộng” đã kéo tôi ra khỏi lối mòn của chủ nghĩa duy tín (chỉ đức tin thôi là đủ, lý trí và triết học là vô ích trong vấn đề tôn giáo) nơi tôi khi đó tự nhốt mình, trong một thời gian tôi từng tuyên bố bằng lòng với một đức tin mơ hồ, thậm chí mù quáng, một đức tin bị giảm xuống thành cảm giác và chỉ thu mình vào “nội tâm”, bằng lòng co cụm cho riêng mình, “được sống, được cảm nhận”, “được chân thực” – dĩ nhiên đó không phải là không có gì – nhưng không bao giờ suy nghĩ kỹ, và do đó tránh tránh mọi tranh luận.

Đức Bênêđíctô XVI làm cho tôi hiểu, một thái độ như thế là tai hại: nếu đối diện với những gì chất vấn mình hoặc chất vấn về đức tin của mình, người công giáo chỉ biết trả lời “tôi không biết”, “tôi cảm nhận nhưng tôi không có gì để nói”, sẽ không có gì đáng ngạc nhiên khi người khác xem mình là thành viên của một tà phái kỳ quái và thuyết duy tín này được diễn giải như một khuynh hướng bản sắc đối với chủ nghĩa cộng đồng, một sự co quặp vào chính mình, thiết lập giữa những người cùng máu mũ trong một tâm lý pháo đài bị bao vây.

Tất cả những hình thức co quặp này, về bản chất là không phù hợp với mục tiêu “phổ quát”, có nghĩa là “công giáo”, theo nghĩa từ nguyên của sứ điệp kitô giáo. Chống lại chủ nghĩa duy tín này, Đức Bênêđictô XVI sẵn sàng tranh luận (xem điểm 5), ngài cổ động một quan niệm về công giáo như một học thuyết chắc chắn không hoàn toàn hợp lý (ý thức hệ hay tầm nhìn nào của thế giới có thể tự hào về một phẩm chất như vậy?), nhưng hoàn toàn hợp lý, theo nghĩa là người ta có thể và có lý do để làm cho nó “có lý”.

Ngài làm cho sinh động vì ngài xác tín, chỉ có lý trí, tính phổ quát cho phép nó đối thoại mới có thể giao tiếp (theo nghĩa mạnh: chia sẻ, đặt chung), trao đổi, giải thích quyết định của mình, và nhờ đó thoát khỏi chủ nghĩa nhiệt tình lôi kéo một chiều, chủ nghĩa cuồng tín, chủ nghĩa ngu dân, đe dọa cho mọi tuyên xưng đức tin theo kiểu giáo điều hoặc bất cứ một diễn từ đức tin nào chỉ dựa trên nội tâm, không thể truyền đạt kinh nghiệm tôn giáo được.

Tôi cám ơn ngài đã làm cho tôi hiểu tất cả những điều này. Nếu không có ngài, tôi nghĩ tôi sẽ chóng thành người công giáo nhỏ nhen theo giáo điều và kiêu ngạo (cuối cùng có lẽ tôi vẫn thành người, ai biết được, nhưng theo một cách khác và chậm hơn nếu không có Joseph Ratzinger / Đức Bênêđictô XVI đã ở đó!).

4- Cám ơn cha đã là một giáo sư vĩ đại

Ngược với những gì chúng ta đọc gần như khắp nơi kể từ khi ngài qua đời, tôi không chắc Đức Bênêđictô XVI đã là “nhà thần học vĩ đại”. Một nhà thần học vĩ đại luôn đổi mới, họ định hình lại lãnh vực tư tưởng và phương pháp trong thần học, và từ đo thường tự đặt mình vào những giới hạn mà thời của mình xem là có thể chấp nhận được theo quan điểm giáo lý chính thống.

Bênêđictô XVI đúng hơn là giáo sư thần học vĩ đại (chúng ta có thể thấy sự khác biệt giống nhau này giữa “một triết gia vĩ đại” và “một giáo sư triết vĩ đại”), người chu đáo bảo vệ chính thống. Trong bối cảnh này, với những điểm quan trọng đặc biệt và đặc trưng, ngài có năng khiếu hiếm có khi trình bày cách sáng sủa, tinh tế và sắc thái những điều cốt yếu của giáo lý kitô giáo.

Chúng ta có thể thấy trong ba tập sách ngài viết về Chúa Giêsu, đáng ngưỡng mộ ở sự tinh tế và cân đối, nhưng không thực sự đổi mới trong lĩnh vực và thể loại văn học của kitô giáo. Chúng ta có thể nghĩ về thông điệp đầu tiên Thiên Chúa là tình yêu của ngài, tổng hợp một cách đáng kể mọi thứ theo một nghĩa đã từng được nói đến nhưng theo cách rải rác, rời rạc và không trang nhã. Chúng ta có thể nghĩ (và chúng ta không nói đủ về điều này kể từ khi ngài qua đời) về những lời nhắc nhở liên lỉ của ngài về học thuyết xã hội của Giáo hội.

Đức Bênêđictô… Và cho phụ nữ một tiếng nói

Đọc bài vở của Đức Bênêđictô XVI không chỉ đọc các thông điệp, mà còn cả các bài giảng, các diễn văn của ngài luôn là niềm vui bổ dưỡng, ngài nhắc lại những điều cốt yếu và “làm chúng ta phải suy nghĩ”. Vì thế với tôi, là người trí thức, triều giáo hoàng của ngài là bữa tiệc linh đình. Nhưng đây có lẽ cũng là một trong những giới hạn của ngài: về cơ bản là triều giáo hoàng “giảng dạy” và “tinh thần”, chủ yếu dành cho các học giả và trí thức. Và đâu chỉ có học vấn và trí thức trong cuộc sống, đúng không?

5- Cám ơn cha đã khai mở trí tuệ

Trong các bài viết của ngài, Đức Bênêđictô XVI đã nhân cách hóa lòng bác ái trí thức một cách mẫu mực. Đó gần như là thói quen trong phong cách của ngài: ngài luôn tìm kiếm điều tốt đẹp trong các luận điểm mà ngài không đồng ý.

Trái với hình ảnh hẹp hòi của một “Hồng y xe tăng, Panzerkardinal” mà chúng ta thường có về ngài, thật ra ngài có một tư duy cởi mở, theo cách ngài đứng về phía đối thủ hơn là gièm pha họ. Và trước những luồng tư tưởng đối lập, ngài luôn tìm cách xác định điểm quan tâm chung để có thể làm cơ sở thảo luận.

Như thế, một cách chưa từng có, chúng ta tìm thấy trong các bài viết, các thông điệp của ngài có những đoạn ngài nói tốt về các nhà tư tưởng vô thần như Nietzsche, Adorno, v.v. Đó là thái độ quảng đại, cao quý, điều tôi hiếm thấy trong các cuộc tranh luận trí tuệ và học thuật tôi từng tham dự. Và điều này thật tuyệt vời!

6- Cám ơn cha vì cha đã hích một cú không thể ngờ trước

Tôi xin kết thúc với một kỷ niệm cá nhân hơn. Vào đầu năm 2007, năm sinh nhật thứ 40 của tôi, tôi đang ở trong thời kỳ, nói một cách trí tuệ, tôi đang tìm lại chính mình một chút. Cho đến lúc đó, hầu hết các bài viết của tôi là những bài nghiên cứu học thuật về triết học thế kỷ 17.

Nhưng lúc đó, tuy không phủ nhận tất cả những hoạt động học thuật thuần túy đã rất hình thành này, tôi có một băn khoăn chung quanh câu hỏi: “Tôi, một trí thức công giáo, thực sự có hợp lý không nếu tôi vẫn tiếp tục viết một cách thuần túy học thuật các bài báo về ‘sự phát triển của học thuyết về bản chất nơi triết gia Descartes giữa những năm 1641 và 1644’ trong khi tôn giáo của tôi, ở đất nước của tôi đang ở trong tình trạng rất tệ không?”

Mùa xuân năm 2007, một Đức ông ở Rôma mời tôi tham dự một hội thảo của các học giả châu Âu, được tổ chức tại Vatican theo sáng kiến của Đức Bênêđictô XVI. Lúc đó tôi đã viết sách về lý thuyết bản chất của Descartes, bán được 250 quyển (gồm cả những quyển bố mẹ tôi mua), là giáo sư nhỏ ở trường đại học tỉnh bang, tôi rất ngạc nhiên khi được mời! Tôi trả lời Đức ông rằng tôi không có gì để nói về chủ đề dự kiến cho cuộc hội thảo. Ngài trả lời: “Không thành vấn đề, dù sao anh cũng nên đi.” Vậy thì tốt, đi Rôma là điều bạn không thể từ chối, họ trả mọi chi phí, chuyến đi, chỗ ăn chỗ ở, vậy thì phải đi.

Tôi ở đó ba ngày bên cạnh rất nhiều tên tuổi lớn của các đại học Âu châu, các triết gia, các thần học gia nổi tiếng. đã làm cho tôi bối rối thêm, “tôi làm cái quái gì ở đây, vì sao tôi lại được mời đến đây?”.

 

Sau khi làm một điều tra nhỏ, cuối cùng tôi biết ở Vatican luôn rất lộn xộn khi tổ chức một cái gì đó, họ đã có một ý tưởng kỳ lạ là hỏi ý kiến một tu sĩ lớn tuổi để xem ai là những nhân vật “quan trọng” trong tư tưởng kitô giáo ở Pháp. Vị tu sĩ này hẳn không biết nhiều trong lãnh vực này, nhưng đã tình cờ đọc bản dịch của tôi về Thánh Tôma Aquinô công bố vài năm trước, nên ông đưa tên tôi vào danh sách người “quan trọng”, điều này không đúng chút nào! Đôi khi đời sống thật khôi hài.

Nói tóm lại, tôi trải qua ba ngày choáng váng với cảm giác được “nâng cấp” như khi bạn ở trên máy bay mà tình cờ được lên ngồi… hạng nhất! Và cuối buổi hội thảo, nói như bà ngoại tôi hay nói, ‘đến thế là cùng’: Đức Bênêđictô XVI tiếp chúng tôi tại Vatican – đến mức này thì tôi phải nhéo mạnh vào người để biết chắc mình không nằm mơ.

Ngài có một bài phát biểu khuyến khích chúng tôi và cho chúng tôi hiểu, ngài trông cậy vào những học giả công giáo chúng tôi để bảo vệ kitô giáo và chúng tôi phải dám tham gia vào cuộc tranh luận công khai. Tôi không phải là người quá tin vào quan phòng, cũng không phải là người thấy “dấu hiệu” của Chúa ở khắp nơi nhưng ngày 24 tháng 6 năm 2007, trên chuyến bay từ Rôma về, tôi tin chắc tôi đã được hưởng lợi từ một nháy mắt nhỏ của Chúa Quan Phòng về chuyện này.

Di chúc thiêng liêng của Đức Bênêđictô

Tôi mở máy tính và viết vài trang đầu tiên những ý tưởng đã lởn vởn trong đầu gần đây và đó là quyển sách biện giải đầu tiên của tôi về “cứu rỗi”. Quyển sách không tệ lắm, kể từ đó tôi đã viết thêm một quyển nữa theo theo phong cách đó.

Như thế Đức Bênêđictô XVI rõ ràng là gốc rễ cho việc định hướng lại hành trình tri thức của tôi và của phần lớn những gì tôi đã viết trong 15 năm qua. Dĩ nhiên chính độc giả là người đánh giá xem tôi có làm tốt công việc của tôi hay không. Nhưng vì tôi rất vui khi viết những loại sách này và cảm thấy ít nhiều tìm được con đường của tôi khi viết những quyển sách này, nên về mặt trí tuệ, tôi cảm thấy mắc nợ ngài (và cả người tu sĩ lớn tuổi kỳ dị, tôi vẫn chưa biết tên ngài!).

Một “giáo hoàng tốt”?

Triều giáo hoàng của Đức Bênêđictô XVI có những thăng trầm, có những thành công thất bại, bóng tối và ánh sáng. Đức Bênêđictô XVI có phải là một “giáo hoàng tốt” không? Thành thật mà nói, tôi không biết, tôi bối rối trước những người trong những ngày này, bằng cách này hay cách khác, đưa ra câu trả lời dứt khoát cho câu hỏi này – chỉ vì tôi không chắc mình có ý tưởng rõ ràng về thế nào là một “giáo hoàng tốt”. Nhưng ngược lại, tôi tin chắc tôi có rất nhiều lý do để nói: “Cám ơn Đức Bênêđictô, ngài đã làm những gì có thể và với con, như thế là rất nhiều! Cám ơn Đức Bênêđictô XVI, cám ơn ngài!”

Marta An Nguyễn dịch

http://phanxico.vn/2023/01/11/triet-gia-denis-moreau-sau-dieu-toi-thich-noi-duc-benedicto-xvi/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét