Trang

Thứ Hai, 30 tháng 1, 2023

Đức Bênêđictô XVI: một dấu hiệu khác trên bầu trời?

 



Đức Bênêđictô XVI: một dấu hiệu khác trên bầu trời?

Ảnh chụp màn hình Twitter / Ant CH

fr.aleteia.org, Henri Quantin, 2023-01-25

Bạn nghĩ gì về cây thánh giá lạ lùng giữa đám mây trong tang lễ Đức Bênêđictô XVI? Nhà văn Henri Quantin nhớ lại, theo thần học gia sẽ là giáo hoàng tương lai, “hơn cả việc biết liệu một sự việc có nên được công nhận là phép lạ hay không, vấn đề luôn là “biết Chúa có còn là Chúa hay không”.

Người ta nói, lợi thế của người chết là họ không thể nói ngược chúng ta. Người ta cũng nói, bất tiện là họ không thể xác nhận cho chúng ta. Tuy nhiên, khi họ để lại các bài viết, chúng ta có thể tìm xem điều gì xác nhận những ý tưởng được gán cho họ sau khi họ qua đời, hoặc điều gì làm sáng tỏ các sự kiện người khác gán cho họ. Vì vậy, với Đức Bênêđictô XVI và dấu hiệu mà một số người đã nhìn thấy trên bầu trời trong tang lễ của ngài. Trên bầu trời, như thế là của Trời?

Thấy hay không thấy?

Trong quyển Đâu là Thiên Chúa của chúng ta, khi được hỏi về tính thực tế của các phép lạ, Joseph Ratzinger đã cho thấy sự cân bằng thông thường của ngài giữa đức tin và lý trí: “Chúng ta không được rơi vào quan điểm mê tín dị đoan về các phép lạ, như thể chúng ta có thể tùy ý khích động chúng. Không được tạo ra những công thức dễ dàng”, ngài viết trong thời gian đầu. Nhầm lẫn dấu hiệu thiêng liêng và hình ảnh tưởng tượng của Hollywood, nhầm lẫn giữa Chúa Kitô và Gérard Majax (xin lỗi các thế hệ trẻ không biết đó là ai), nhầm lẫn giữa cầu vồng trong Kinh thánh và tia chớp phát ra từ cây đũa thần của Voldemort, có nhiều điều cần phải cẩn thận. Tuy nhiên, bộ trưởng Bộ Giáo lý Đức tin đã không quên cảnh báo về lỗi ngược lại, mà theo nguyên tắc, giảm tầm hoạt động thần thánh: “Cũng không nên muốn biết tất cả và áp đặt Chúa những gì Ngài có thể làm”. Trên thực tế, không ai có thể một mình quyết định giới hạn quyền năng của Đấng Toàn Năng. Nói tóm lại, Joseph Ratzinger đã tiết lộ hai mặt của một logic luôn xem mình là Thiên Chúa: nhìn thấy các dấu hiệu của Ngài ở khắp nơi mà không kiểm tra hoặc khẳng định dứt khoát mình không nhìn chúng ở đâu hết.

Bất cứ ai từ chối nhìn thấy mọi thứ không ở trong tầm nhìn đã thiết lập trước của mình thì rất có thể sẽ không nhìn thấy gì cả.

Khi được hỏi ở cuối cùng quyển sách trên về việc làm mới lại lòng kính mến Đức Mẹ, Đức Bênêđictô XVI tương lai cũng theo đúng lộ trình đó: “Chắc chắn, trong tất cả những điều này có nhiều hình thức hiện ra giả và thông điệp sai. Vì thế chúng ta phải hết sức cẩn thận và đừng quá dễ dàng tin rằng siêu nhiên đang hoạt động. Ngược lại, một thái độ phê phán đích thực không nên làm chúng ta thờ ơ với thực tế. Bất cứ ai từ chối nhìn thấy mọi thứ không ở trong tầm nhìn đã thiết lập trước của mình thì rất có thể sẽ không nhìn thấy gì cả. Lấy ví dụ Lộ Đức, hồng y Ratzinger lưu ý, việc tuyệt đối từ chối siêu nhiên sẽ làm cho biến cố chưa từng có này bị bỏ sót: “Lúc đầu, người ta có thể nghĩ cô gái này đã tự tạo ra những ảo tưởng cho chính mình. Cuối cùng hóa ra chính Mẹ Maria đã thực sự tỏ hiện. Tóm lại, bất cứ ai nghi ngờ ảo ảnh ở mọi nơi cuối cùng sẽ đánh mất sự phong phú của chính thực tại.

 Phép lạ và vấn đề Chúa

Là một giáo sư trong sáng, Joseph Ratzinger nhắc chúng ta trên hết, không bao giờ chỉ một mình phép lạ mới là vấn đề, nhưng chính là hình ảnh chúng ta có về Thiên Chúa. Để hỗ trợ cho việc làm sáng tỏ này, ngài kể một giai thoại về hai nhà thần học tin lành. Người đầu tiên là Adolf von Harnack, rất tự do, đã buộc phải đón một đồng nghiệp truyền thống hơn ở Berlin là Adolf Schlatter, được bổ nhiệm đến đó để cân bằng ảnh hưởng của người đầu tiên. Ngược với tất cả mong chờ, hai người hợp tác suôn sẻ. Vì thế một ngày, Harnack nghĩ mình có thể nói để nhấn mạnh sự hiểu nhau sâu đậm của họ: “Vấn đề duy nhất ngăn cách chúng ta là vấn đề phép lạ.” Schlatter trả lời: “Không, đó là vấn đề của Chúa! Vấn đề phép lạ bao gồm vấn đề về Chúa. Ai không nhận ra phép lạ thì họ có một hình ảnh khác về Chúa.” Khi kể lại câu trả lời làm ngài vui này, Đức Bênêđictô XVI tương lai cho thấy không nên nhầm lẫn về những gì là vấn đề ở đây. Hơn cả việc biết liệu một sự việc có nên được công nhận là phép lạ hay không, vấn đề luôn là “biết Chúa có còn là Chúa hay không”. Vì chỉ những người ít nhất thừa nhận khả năng xảy ra phép lạ mới tin vào một Chúa có thể “theo cách mà Ngài muốn. Và điều gì tốt cho thế giới và khi Ngài muốn, tiếp tục mạc khải mình là Đấng Tạo Dựng và là Chúa trên thế giới”. Vì thế chỉ trong một chuyển động kép, thận trọng và cởi mở với các dấu hiệu trên trời thì chúng ta mới có thể, gần như vậy, tự hỏi về sự ngạc nhiên khi thấy ánh sáng lạ lùng xuất hiện giữa các đám mây trong tang lễ của Đức Bênêđictô XVI.

“Như lời khuyến khích từ Trên Cao”

Về việc liệu có biết giáo hoàng danh dự sẽ nói gì nếu ngài có thể nói, rõ ràng là không ai có thể nói được. Mặt khác, chúng ta có thể nhớ ngài đã nhận xét trong suốt cuộc đời của ngài về một dầu hiệu trên trời mà ngài sẽ là người nhận.

Khi vị tổng giám mục già đặt tay lên tôi, một con chim nhỏ, có lẽ là chim chiền chiện bay lên từ bàn thờ trong nhà thờ chính tòa.

Khung cảnh cũng diễn ra trong một thánh lễ – đúng là thời điểm đặc biệt để hợp nhất trời và đất – thánh lễ chịu chức  của ngài. Trong quyển sách Đời tôi, những kỷ niệm từ năm 1927 đến 1977, ngài mô tả chi tiết sau: “Khi vị tổng giám mục già đặt tay lên tôi, một con chim nhỏ, có lẽ là con chim chiền chiện, bay lên từ bàn thờ trong nhà thờ chính tòa và cất tiếng hót líu lo vui mừng; với tôi nó giống như lời khuyến khích từ Trên Cao.”

Không có gì ngoạn mục ở đây: không có tiếng ầm ầm trên cao hay hiệu ứng hào nhoáng, mà là một dấu hiệu cho thấy khi chúng ta muốn tìm thấy tất cả những gì siêu nhiên hơn vì không có gì được thực hiện để làm ra vẻ bên ngoài. Joseph Ratzinger nói: “Giống như một lời khuyến khích từ Trên Cao”, và chúng ta ngưỡng mộ sự khiêm tốn của “giống như” này, biến sự thận trọng kín đáo thành lời tạ ơn. Chắc chắn những người chưa bao giờ “để điều không thấm được đi vào thực tế”, họ không cần những dấu hiệu rõ rệt như con chim hót khi nó bay về phía bầu trời. Dấu lạ này, ít ra, được sự chấp thuận của người kể và xem ra đó là hình ảnh của “người đầy tớ khiêm nhường trong vườn nho của Chúa”. Tất nhiên, điều này không ngăn cản việc Chúa có thể gởi những dấu hiệu mà Ngài muốn và rằng luôn có một số giả định để quyết định những người được cho là giống Ngài nhất.

Marta An Nguyễn dịch

http://phanxico.vn/2023/01/30/duc-benedicto-xvi-mot-dau-hieu-khac-tren-bau-troi/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét