Đời một cụ già 95 tuổi, lại rơi vào phạm trù gây tranh cãi, hiển nhiên sẽ có nhiều điều để nói về trong dư luận quần chúng, nhất là dư luận truyền thông lề phải lề trái. Đức Bênêđíctô XVI hẳn đã không tránh được lẽ thường tình này.



Hủy các ghi chép bản thân

Truyện đầu tiên, theo Đức Tổng Giám Mục Georg Gänswein là Đức Bênêđíctô XVI đã ra lệnh phải hoàn toàn hủy mọi ghi chép tư riêng của ngài, “không một ngoại lệ và không một chỗ hở nào”. Một lênh tương tự cũng đã được Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đưa ra. Nhưng vị thư ký của ngài là Stanislaw Dziwisz đã không tuân lệnh, trái lại đã giữ lại cho nghiên cứu lịch sử. Đức Tổng Giám Mục Gänswein không nói gì về việc ngài có bất tuân mệnh lệnh của Đức Bênêđíctô thứ 16 hay không, nhưng có cho hay ngài có nhận được lệnh phải trao cho ai thứ gì, nhất là từ thư việc của ngài, từ bản thảo các cuốn sách tới các tài liệu của Công Đồng Vatican II và các thư từ. Đức Tổng Giám Mục cũng nhận được lệnh phân phối gia tài vật chất của Đức cố Giáo Hoàng. Đức Tổng Giám Mục cho hay Đức cố Giáo Hoàng đã thay đổi các mệnh lệnh này nhiều lần và lần cuối cùng là năm 2021.

Bị từ chối Mình Thánh

Theo JD Flynn của The Pillar, một video đang được phát tán trên các mạng xã hội cho thấy một người đàn ông bị từ chối Mình Thánh bởi một linh mục trong thánh lễ an táng Đức Bênêđíctô thứ 16. Cho đến nay, dù được The Pillar yêu cầu, văn phòng báo chí Tòa Thánh vẫn chưa đưa ra lời bình luận. Theo video này, một người đàn ông trung niên tiến đến chỗ cho rước lễ, qùy xuống, bỏ khăn trùm đầu, ngẩng mặt lên để rước lễ kiểu cũ tức trên lưỡi, linh mục cho rước lễ hỏi ông ta điều gì đó, sau đó linh mục rút Mình Thánh lại, ông ta đứng lên, hình như cố gắng để được rước lễ, nhưng không được, ông ta bình thản đi xuống.

Vì cử chỉ qùy gối và rước lễ bằng miệng là cử chỉ thường thấy trong Thánh Lễ trước Vatican II, Thánh lễ mà Đức Đức Bênêđíctô thứ 16 cho phép một cách nồng nhiệt, trong khi Đức Phanxicô hạn chế cũng một cách nồng nhiệt không kém, nên đã phát sinh nhiều suy đoán không có gì là tích cực cả. JD Flynn thì cho rằng lý do không cho rước lễ thì nhiều lắm, chứ không phải chỉ có một: có thể người đàn ông này đã chịu lễ trong thánh lễ này rồi, hoặc có thể ông ta nói điều gì đó bị vị linh mục cho là không thích đáng, có thể ông ta say rượu hoặc một điều gì đó không xứng đáng rước lễ.

JD Flynn cho rằng các lý do trên có vẻ xa xôi. Tại sao lại phải hỏi người rước lễ, trừ khi linh mục đọc “Mình Thánh Chúa Kitô” mà ông ta không biết thưa “Amen”, ngược lại nói một điều bất xứng, nhưng tại sao lại đứng lên và cố gắng xin rước lễ một lần nữa. Thành thử cách giải thích dễ dàng nhất là tại vì qùy gối và rước lễ trên lưỡi, nhưng qùy gối và rước lễ trên lưỡi được rất nhiều người Công Giáo thực hành, ngay tại giáo xứ tôi, thành thử khó hiểu lý do ông ta bị từ chối Mình Thánh.

Kinh nguyện Thánh Thể 3

JD Flynn cũng cho biết trong những ngày trước Thánh Lễ An Táng, có cuộc tranh luận về cách thế thích đáng để tôn vinh “vị giáo hoàng hưu trí” ngay trong việc cử hành phụng vụ, trong đó có việc sử dụng Kinh Nguyện Thánh Thể 3 thay vì Kinh Nguyện Thánh Thể 1 là Kinh Nguyện chính thức gọi là Kinh Nguyện Rôma, có từ thế kỷ thứ 7 và là Kinh Nguyện duy nhất trong Lễ Nghi Latinh cho tới tận thế kỷ 20. Tuy nó được thường xuyên sử dụng trong các Thánh lễ Chúa Nhật và là một phương thức dùng cho các thánh lễ cầu hồn.

Vậy mà một số người trên mạng xã hội cho việc sử dụng hình thức hiện đại hơn (có từ Vatican II) là “đáng buồn”, “đáng xấu hổ” và “một điều ô nhục”. Một số người cho là một việc làm mất mặt vị giáo hoàng đã làm rất nhiều để mở rộng việc tiếp cận với các hình thức cũ hơn của Thánh Lễ. Dù trên thực tế, Đức Đức Bênêđíctô thứ 16 thường cử hành Thánh lễ với Kinh Nguyện Thánh thể 3, vả lại Kinh Nguyện này có phần chi tiết hơn trong lời cầu nguyện cho người quá vãng.

Có điều, chính JD Flynn cũng thừa nhận là hình thức cử hành Thánh Lễ An táng Đức Đức Bênêđíctô thứ 16 không trọng cũng không hèn (Not fish or fowl). Tuy ngài là Giáo Hoàng nhưng qua đời trong tư cách “Giáo Hoàng Hưu trí”, một tước hiệu lạ mà ít nhiều do chính ngài tạo ra. Khi một Giáo Hoàng tại vị qua đời, việc này để lại một lỗ hổng ở thượng tầng phẩm trật và chúng ta thương tiếc không những cái chết của một cá nhân mà là việc trống tòa.

Chào giã từ “Cha Bênêđíctô”

Để qua một bên bút chiến và chính trị nhân cách của các nhà bình luận, người Công Giáo bình thường cảm nhận bản chất bản thân, hơn là định chế, cái chết và tang lễ của ngài.

JD Flynn đã hầu truyện một số người trong số hàng trăm ngàn người tới viếng xác ngài quàn tại Vương Cung Thánh Đường Thánh Phêrô, tất cả đều cho ông hay một câu truyện khác về lý do tại sao họ đến để kính viếng ngài: phần lớn là các lý do bản thân, về việc Đức Bênêđíctô thứ 16 trong tư cách nhà văn, nhà tư tưởng, và nhà lãnh đạo đã in đậm dấu ấn của ngài ra sao trong cuộc sống của họ.

Một nữ tu từ Nigeria phát biểu, “đối với tôi, ngài là một vị thánh”. Ngài có khả năng vĩ đại trong việc truyền đạt tình yêu của ngài đối với Thiên Chúa và nhất là tình yêu Thiên Chúa dành cho chúng ta.

Một sinh viên từ Nam Hàn nói cô đang đi du lịch thì nghe tin Đức Bênêđíctô thứ 16 qua đời: “Tôi thấy ngài đã qua đời, và tôi ngay lập tức muốn được thấy ngài. Trong Nhà thờ, tôi cầu nguyện: ‘Tạm biệt Cha, thưa Cha, tạm biệt Cha”.

Điều làm JD Flynn ngạc nhiên là con người được báo chí tường thuật là thích được gọi là “Cha Bênêđíctô” lúc về hưu nay quả đã được toại nguyện.

‘Phong thánh tức khắc!’

Về cuối thánh lể an táng Đức Bênêđíctô thứ 16, trước khi quan tài ngài được khiêng trở lại bên trong Nhà thờ Thánh Phêrô, những tiếng hô tự phát “Phong thánh ngay lập tức” (Santo Subito) vang lên giữa đám đông và được hưởng ứng vang dội.

JD Flynn bèn đi kiếm những người hô vang và hỏi họ tại sao họ lại sẵn sàng gọi Đức Bênêđíctô thứ 16 là thánh. Họ cho biết: các trước tác và gương sáng của ngài đã thay đổi đời họ. Một người Công Giáo Pháp cho biết: “Ngài là đá tảng. Một điều gì đó vững vàng, một điều gì đó chân thật. Ngài là người chúng tôi tín thác. Ngài là đá tảng đối với tôi”. Đối với họ, ngài là một mục tử, một người để lại một dấu ấn sâu xa và bản vị sâu sắc trên đời sống nhiều người.

Đoán đúng phoong phoóc

Cha Raymond J. de Souza, ngày 31 tháng 12, ngay sau khi Đức Bênêđíctô thứ 16 qua đời, có nhắc lại Lễ an táng Thánh Gioan Phaolô II trong đó Đức Hồng Y Joseph Ratzinger vừa là chủ tế vừa là vị giảng thuyết. Phần lớn các bài giảng lể an táng một vị Giáo Hoàng đều tan biến trong làn gío thoảng. Nhưng bài giảng của Đức Hồng Y Ratzingzer đã nói nhiều về cuộc đời Đức Gioan Phaolô II một cách lỗi lạc như thường lệ...

Còn Đức Phanxicô? Ngài sẽ nói gì trong thánh lễ an táng Đức Bênêđíctô thứ 16? Cha de Souza tự hỏi. Theo cha, Đức Phanxicô thừa nhận sự vĩ đại của Đức Bênêđíctô như một linh mục, học giả và mục tử. Đức Phanxicô thường nói tới Đức Bênêđíctô một cách rất âu yếm, qúy mến và ca ngợi, nên không hoài nghi gì là ngài sẽ có khả năng, nhân danh toàn thể Giáo Hội, bày tỏ tình yêu của ngài cho vị Giáo Hoàng quá cố.

Nhưng liệu ngài có làm thế hay không? Cha de Souza không nghĩ vậy: Vì Đức Phanxicô thích sử dụng các chủ đề từ Kinh Thánh. Trong các bài giảng phong thánh, kể cả các vụ phong thánh cho các Đức Gioan XXIII, Gioan Phaolô II, và Phaolô VI, chỉ có rất ít dòng nói về vị thánh mới.

Bài giảng Thánh lễ an táng của Đức Bênêđíctô thứ 16 đã chứng minh trọn vẹn điều trên, làm nản lòng nhiều người.

Vô tiền khoáng hậu?

John L. Allen Jr. của CruxNow cho hay một số người nghĩ rằng việc một vị Giáo Hoàng chủ trì thánh lễ an táng cho một vị Giáo Hoàng khác, cụ thể là Đức Giáo Hoàng Phanxicô an táng vị tiền nhiệm, Đức Bênêđíctô thứ 16, là chuyện tuyệt đối chưa bao giờ có. Thực ra thì đã có rồi: đó là chuyện của Đức Piô VI, vị Giáo Hoàng bị quân đội Napoléon bắt đưa và tống giam tại Pháp và chết tại nơi đất quê người tại Valence năm 1799. Xác ngài được chôn tại một nghĩa trang dân sự ở Valence mà không có nghi thức an táng. Trong một sỉ nhục tột độ, mộ phần được đánh dấu bằng hàng chữ “Công dân Giannangelo Brashchi”, tên riêng của vị Giáo Hoàng sau đó mới thêm “cũng được gọi là Giáo Hoàng”.

Gần hai năm sau, vào hôm vọng Lễ Giáng sinh năm 1801, nhà cầm quyền Pháp mới cho phép thi hài của Đức Piô VI được khai quật và đưa về Vatican. Một lễ an táng Công Giáo long trọng đã được tổ chức cho ngài vào ngày 19 tháng Hai năm 1802 tại Vương cung Thánh đường Thánh Phêrô, trước sự hiện diện của vị kế nhiệm, Piô VII.

Thành thử lễ an táng của Đức Bênêđíctô thứ 16 vào ngày 5 tháng 1 năm 2023 không phải là lần đầu tiên một vị Giáo Hoàng tham dự Thánh Lễ an táng cho một vị Giáo Hoàng khác.

Tuy nhiên, các sử gia ghi nhận rằng Đức Piô VII thực sự không “cử hành” thánh lễ an táng cho Đức Piô VI; việc này được ủy thác cho Đức Hồng Y Leonardo Antonelli, là vị Hồng Y đầu tiên do Đức Piô VI tấn phong năm 1775. Trình thuật lúc đó nói rằng Đức Piô VII hiện diện và “phụ giúp” trong thánh lễ.

Như thế, thánh lễ an táng Đức Bênêđíctô thứ 16 cũng na ná như thế, khi Đức Phanxicô không “cử hành” Thánh Lễ mà là Đức Hồng Y Giovani Battista Re, niên trưởng Hồng Y đoàn. Đức Phanxicô, theo một nghĩa nào đó, cũng chỉ “phụ giúp” giảng lễ và đọc các lời cầu nguyện, một sự “phụ giúp” tuy có nhiều hơn Đức Piô VII.

Có thể vì mấy giấc này, vì chứng đau đầu gối, Đức Phanxicô có thói quen “chủ trì” các Thánh Lễ đại trào cách đó, chứ không thực sự trực tiếp “cử hành”, như trong Thánh Lễ đầu năm, trong đó ngài chủ trì, với Đức Hồng Y Parolin làm chủ tế. Tuy thế, ta cũng nên lưu ý, sau Vatican II, có hình thức đồng tế. Nên cũng khó mà quả quyết là ngài không “cử hành”. Đúng hơn, nên nói ngài không phải là chủ tế.
 
Vietcatholic News