Trang

Chủ Nhật, 8 tháng 1, 2023

Đức Bênêđictô XVI: “Ngài luôn chiến đấu cho đức tin của những người đơn sơ”

 Đức Bênêđictô XVI: “Ngài luôn chiến đấu cho đức tin của những người đơn sơ”

lanuovabq.it, Nico Spuntoni, 2023-01-05


Giáo dân về Quảng trường Thánh Phêrô để dự tang lễ của Đức Bênêđictô

Phỏng vấn hồng y Thụy Sĩ Kurt Koch, chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh về Hiệp nhất kitô hữu.

Phong thánh Đức Bênêđictô XVI ngay lập tức? “Giáo hoàng sẽ quyết định, tôi nghĩ Đức Bênêđictô XVI sẽ là tiến sĩ Giáo hội với huấn quyền của ngài. Ngài luôn đấu tranh cho đức tin của những người đơn sơ. Tính trung tâm của câu hỏi về Chúa và học thuyết kitô học là hai điểm mạnh trong thần học của ngài”.

Một cuộc phỏng vấn với hồng y Koch, người mà bằng mọi giá Đức Ratzinger muốn hồng y về Vatican làm việc với ngài và sau đó hồng y đã trở thành một trong những cộng tác viên tin cậy nhất của ngài: “Tôi nói với ngài tôi không muốn rời giáo phận của tôi. Ngài trả lời: ‘Tôi hiểu anh, nhưng xin anh về’”.

Khi Trung tâm Schülerkreis mới ra đời, gồm các nhà thần học tuy không học với giáo sư Joseph Ratzinger, nhưng đã tự nghiên cứu sâu tác phẩm của ngài, Đức Bênêđictô XVI muốn hồng y Kurt Koch làm cố vấn. Hồng y được Đức Bênêđictô XVI cho là người đáng tin cậy nhất để có thể giải thích đúng đắn về Công đồng Vatican II và về cải cách phụng vụ. Là chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh về Hiệp nhất kitô hữu chắc chắn ngài là một trong những thành viên của Hồng y đoàn thân cận nhất với Đức Ratzinger. Hồng y trả lời phỏng vấn báo La Bussola tại văn phòng của ngài ở Via della Conciliazione để nói về hình ảnh người thầy của mình.

Trọng kính hồng y, xin cha cho biết một kỷ niệm cá nhân với Đức Bênêđictô XVI.

Hồng y Kurk Koch: Tôi biết ngài qua sách vở. Trên thực tế, khi bắt đầu học, tôi đã đọc tất cả sách của giáo sư Joseph Ratzinger, đặc biệt quyển Nhập môn Kitô giáo. Sau đó, khi làm giám mục giáo phận Bâle, tôi có liên hệ với ngài khi ngài làm bộ trưởng bộ Tín Lý. Năm 2010, khi là giáo hoàng, ngài gọi tôi về Rôma làm việc. Và cuộc gặp gỡ này rất thú vị với tôi. Xin cha cho chúng tôi biết chuyện này. Ngài mong muốn có tôi ở Giáo triều. Tôi trả lời sau mười lăm năm làm giám mục, thật không dễ để rời giáo phận. Câu trả lời của ngài: “Đúng, tôi hiểu cha, nhưng mười lăm năm là đủ. Tôi xin cha về đây.”

Ngài có giải thích lý do vì sao ngài muốn cha làm chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh về Hiệp nhất Kitô hữu không?

Có. Ngài nói với tôi, sau nhiệm kỳ của hồng y Walter Kasper, ngài muốn có một giám mục biết các cộng đồng giáo hội được sinh ra từ cuộc Cải cách không những chỉ qua sách vở mà còn qua kinh nghiệm cá nhân. Lý do này cho tôi hiểu, phong trào đại kết rất gần với trái tim ngài. Với tư cách là Chủ tịch Hội đồng Giáo hoàng, tôi cộng tác chặt chẽ với ngài và mỗi buổi gặp đều rất dễ chịu vì ngài rất quan tâm đến sự tiến bộ của phong trào đại kết. Sau đó, khi ngài là giáo hoàng danh dự, tôi đã có niềm vui được gặp ngài nhiều lần và đó luôn là một điều quý giá với tôi.

Ngài có tiếp tục quan tâm đến việc thúc đẩy sự hiệp nhất kitô hữu sau khi ngài từ nhiệm không?

Chúng tôi chủ yếu nói về công việc của các nhóm sinh viên, vì ngài muốn tôi là người cố vấn. Nhưng rõ ràng ngài rất quan tâm đến phần còn lại và câu hỏi của ngài là: “Mối quan hệ với Constantinople như thế nào? Mọi thứ với Matxcova ra sao? Mọi thứ với các Giáo hội Luther như thế nào?” Có, ngài luôn quan tâm.

Trong một bài cha viết nhân dịp sinh nhật thứ 90 của Đức Bênêđictô XVI, cha nhấn mạnh đến ngày sinh của ngài, một ngày thứ bảy Tuần Thánh và bây giờ ngài qua đời trong Tuần bát nhật Giáng sinh. Nhìn sự trùng hợp này như thế nào?

Đúng, thời điểm chính xác xảy ra trong mùa Giáng sinh, một mùa rất gần trái tim của ngài. Nhưng tôi nghĩ có một sự thật khác cần làm nổi bật: ngày bầu chọn ngài diễn ra cùng ngày với ngày bầu chọn giáo hoàng Lêô IX, và ngày ngài qua đời cùng ngày với giáo hoàng Silvestre. Thứ bảy Tuần Thánh rất quan trọng với ngài vì ngày này nói lên bối cảnh của mọi tín hữu: “Chúng ta đang trên đường đến Phục Sinh nhưng chúng ta chưa có kinh nghiệm về Phục Sinh. Và hôm nay, Đức Bênêđictô XVI có thể cử hành Phục Sinh, Phục Sinh và cuộc gặp gỡ với Thầy của mình.

Chúng ta tìm thấy gì trong tư tưởng và huấn quyền của Đức Joseph Ratzinger-Bênêđictô XVI về sự sống đời đời?

Mục tiêu của đời sống của người tín hữu kitô là sự sống đời đời. Giáo sư Joseph Ratzinger cho biết quyển sách được nghiên cứu nhiều nhất của ngài là quyển “Cánh chung học”. Cái chết và sự sống vĩnh cửu. Thông điệp thứ hai của ngài nói về hy vọng đã được ngài viết khi ngài là giáo hoàng. Niềm hy vọng kitô giáo là niềm hy vọng của phục sinh. Đây là mục tiêu của mọi kitô hữu: hoán cải cuộc sống trần thế để đạt tới sự sống vĩnh cửu.

Có những người xin phong thánh cho ngài ngay lập tức. Đức Bênêđictô XVI đã nhìn các thánh như thế nào và ngài đã đặt các thánh ở vị trí nào trong đời sống Giáo hội?

Ngài tin chắc các nhà cải cách thực sự của Giáo hội luôn là các thánh, vì sự thánh thiện là mục tiêu của đời sống người tín hữu kitô. Có một bài giảng rất hay, trong đó Đức Bênêđictô XVI nói thánh thiện không phải là tài sản riêng của một số ít nhưng là ơn gọi cho tất cả mọi người vì có rất nhiều hoa trong vườn của Chúa. Ngài so sánh sự kinh ngạc do thị kiến về một khu vườn với nhiều loại hoa khác nhau với sự kinh ngạc bao trùm chúng ta trước sự thông công của các thánh với nhiều hình thức thánh thiện. Các thánh thông công là chủ đề quan trọng với ngài nên ngài đã đề cập đến trong bài giảng thánh lễ khi bắt đầu sứ vụ Thánh Phêrô của ngài. Nhưng hiệp thông của con người cũng quan trọng không kém: trên thực tế, ưu tiên của ngài là suy tư về đức tin của cộng đồng giáo hội, chứ không phải về thần học.

Về phương diện này, vì sao ngày nay chúng ta vẫn còn nghe trong các bình luận về ngài, cho ngài là mục tử không có khả năng nói chuyện với các tín hữu đơn sơ, trong khi ngài luôn xem ngài và vai trò của giám mục như người bảo vệ đức tin của dân Chúa?

Ngài luôn chiến đấu cho đức tin của những người đơn sơ. Thần học là thứ yếu, đức tin là trên hết. Ngài lập luận, thần học được định hướng nhờ đức tin chứ không phải đức tin được định hướng nhờ thần học. Không thể nói ngài xa cách mọi người. Ngài không thiên về quan hệ với quần chúng mà thiên về quan hệ với cá nhân. Trên thực tế, ngài luôn chú ý đến những người đối thoại với ngài.

Có đúng không khi nói giáo hội học của Ratzinger dạy chúng ta Giáo hội không chỉ là một tổ chức xã hội?

Đúng. Đã có một định nghĩa rất hay về Giáo hội trong luận án tiến sĩ của ngài về Thánh Augutinô. Trong luận án này, ngài nói Giáo hội là dân Chúa sống trong nhiệm thể Chúa Kitô. Đó là một giáo hội học Thánh Thể: Giáo Hội là nơi các tín hữu cử hành Thánh Thể, dưới sự chủ sự của linh mục.

Những lời cuối cùng của ngài “Lạy Chúa Giêsu, con yêu Chúa” có đại diện cho trọng tâm linh đạo thần học của ngài không?

Trọng tâm thần học của ngài là câu hỏi về Thiên Chúa, nhưng không phải bất kỳ Thiên Chúa nào, nhưng một Thiên Chúa muốn tiếp xúc với thế giới, muốn có quan hệ với con người, yêu thương con người và tỏ mình ra trong sự cứu rỗi trước hết là ở Israel và nhất là nơi Chúa Giêsu Kitô. Trong Đức Giêsu Kitô, Thiên Chúa đã hiện ra khuôn mặt của Ngài. Tôi tin chắc khi Đức Bênêđictô XVI viết quyển sách về Chúa Giêsu thành Nadarét, ngài dành thời gian và sức lực trong triều giáo hoàng của ngài để biến nó thành di sản của ngài. Tính trung tâm của câu hỏi về Thiên Chúa và thuyết kitô học là hai điểm mạnh trong thần học của ngài. Và những lời cuối cùng, “Chúa Giêsu, con yêu Chúa,” là câu kết hoàn hảo cho toàn bộ cuộc đời và thần học của Đức Bênêđictô XVI.

Có chính đáng khi chúng ta mong chờ ngài được “phong thánh ngay lập tức” không?

Trước hết, chính Chúa là Đấng phán xét ai là người thánh thiện, vì thế chúng ta để Ngài phán xét. Thứ hai, giáo hoàng quyết định. Tôi nghĩ Đức Bênêđictô XVI là người thầy vĩ đại, là tiến sĩ của Giáo hội với thần học và huấn quyền của ngài, và với tôi, đó là điều quan trọng nhất. Nhưng tất cả chúng ta đều được gọi để nên thánh.

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch

http://phanxico.vn/2023/01/07/duc-benedicto-xvi-ngai-luon-chien-dau-cho-duc-tin-cua-nhung-nguoi-don-so/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét