Trang

Thứ Sáu, 20 tháng 1, 2023

Đức Bênêđictô XVI: Tình yêu dành cho phụng vụ

 

Đức Bênêđictô XVI: Tình yêu dành cho phụng vụ

 
  •  
  •  

Đức Bênêđictô XVI cử hành Lễ Mình Máu Thánh Chúa Kitô bên ngoài Vương Cung Thánh Đường Gioan Laterano, Rôma, ngày 0762007 (Alessandra Tarantino/AP)

ĐỨC BÊNÊĐICTÔ XVI:
TÌNH YÊU DÀNH CHO PHỤNG VỤ

LmJeffrey Kirby

WHĐ (18.01.2023) - Thật là một điều đáng để lưu tâm khi một giáo hoàng qua đời, dù đó là vị nguyên giáo hoàng. Ở nhiều khía cạnh, các ngài vượt lên trên sinh hoạt thường ngày của chúng ta, nhưng các ngài liên kết chặt chẽ với chúng ta với tư cách là mục tử, là người cha tinh thần của chúng ta. Khi một Đức Thánh Cha qua đời, điều đó ảnh hưởng đến chúng ta theo những cách mà chính chúng ta cũng phải ngạc nhiên. Điều này đặc biệt đúng khi chính vị giáo hoàng đã ảnh hưởng đến lối nghĩ của chúng ta, uốn nắn tinh thần môn đệ của chúng ta, hoặc truyền cảm hứng cho đời sống thiêng liêng của chúng ta.

Đối với nhiều tín hữu Công giáo và những người có thiện chí, Đức Bênêđictô XVI đúng là một nhân vật có tầm ảnh hưởng như vậy. Ngài là người nói năng nhẹ nhàng, nhưng hàm chứa một thông điệp lớn. Nhiều người phải cố gắng lắng nghe khi ngài nói, nhưng họ sẵn sàng làm điều đó vì những gì ngài nói.

Là một mục tử và thầy dạy, Đức Bênêđictô luôn tìm cách nói lên sự thật trong tình yêu. Ngài là một người yêu thích sự rõ ràng, nói năng và dạy dỗ một cách có hệ thống. Ngài sẵn sàng giữ vững lập trường về các điểm thần học khi mọi thứ là đúng và hợp lý, đồng thời, ngài sẵn sàng thừa nhận những điểm yếu hoặc những điểm cần phát triển trong lập luận của mình. Không có sự kiêu ngạo nào trong tinh thần của ngài cả.

Đức Bênêđictô là một người hoàn toàn tận hiến cho Chúa Giêsu Kitô. Từ kinh nghiệm của bản thân dưới thời Đức Quốc xã, ngài không ảo tưởng về các chương trình nghị sự chính trị, các phong trào xã hội, hoặc ngay cả các nhóm tư tưởng bên trong Giáo hội. Ngài quy phục sự thật ở bất cứ nơi nào sự thật được tìm thấy, cũng như ngài lập luận chống lại sự giả dối hoặc dối trá ở bất cứ nơi nào chúng bị phát hiện. Không một nhóm hoặc trường phái tư tưởng nào có thể khẳng định ngài cho riêng mình.

Và vì vậy, trong số rất nhiều điều được viết và nói về Đức Bênêđictô, ở đây xin nêu lên 3 điểm nổi bật:

1) Lòng yêu mến sâu xa đối với Phụng vụ thánh

Bí mật trong cuộc đời của Đức Bênêđictô như là môn đệ và linh mục của Chúa Giêsu Kitô là lòng yêu mến sâu xa đối với Phụng vụ thánh. Thật thế, Phụng vụ là nơi ngài gặp gỡ Thiên Chúalà nơi mà, như  một người hướng nội, ngài có thể ở với Thiên Chúa trong lòng Giáo hội. Vì Phụng vụ là chóp đỉnh và nguồn mạch của toàn bộ đời sống Kitô hữu, nên cũng có thể nói như vậy về cuộc đời của Đức Bênêđictô. Phụng vụ là nguồn mạch, là chóp đỉnh của cuộc đời ngài, có nghĩa là, Phụng vụ là khởi đầu và là kết thúc của mọi việc ngài thực hiện.

Trong Phụng vụ, chúng ta có tính chính thống, được hiểu một cách xứng hợp là “sự ngợi khen đúng đắn”, nghĩa là sự thờ phượng tốt lành và chân chính. Đức Bênêđictô nhận ra rằng chính chỉ từ sự ngợi khen đúng đắn, mà chúng ta có được học thuyết đúng đắn. Đức Bênêđictô không bỏ qua học thuyết đúng đắn, vì ngài hiểu sự cần thiết phải gặp gỡ Thiên Chúa trước, và rồi sau đó mới lắng nghe và nói về Ngài.

Trong thế giới hiện đại, có quá nhiều người khẳng định sự chính thống ở một thái cực này hoặc thái cực kia. Họ sẵn sàng bỏ qua những lời ngợi khen đúng đắn. Họ muốn uy quyền tuyệt đối của Thiên Chúa mà không cần đến Thiên Chúa. Do đó, học thuyết của họ nhanh chóng bị tạp nhiễm và trở thành ý thức hệ. Đức Bênêđictô, như là một linh mục và một học giả, có rất ít thời gian và sự kiên nhẫn dành cho ý thức hệ. Ngài đã nhìn thấy sự chuyên chế của ý thức hệ đối với trí tuệ và cuộc sống con người.

2) Sự tương tác hài hòa giữa Đức tin và Lý trí

Vì những giáo huấn của Đức Bênêđictô tuôn chảy từ cuộc gặp gỡ của ngài với Thiên Chúa, nên ngài có thể nhìn thấy sự tương tác hài hòa giữa Đức tin  Lý trí. Trong số nhiều chủ đề chính có thể thấy trong các bài viết, bài thuyết trìnhvà giáo huấn của ngài, nổi bật lên là mối liên hệ giữa đức tin và lý trí. Đức Bênêđictô lo ngại về thuyết duy lý, duy tín, và cuồng tín xảy ra khi đức tin hoặc lý trí khẳng định năng lực duy nhất đối với nhận ​​thức. Ngài thấy cả đức tin và lý trí đều cần thiết để tinh thần con người thăng hoa. Ngài nhận ra rằng bất kỳ mối bất hòa nào giữa đức tin và lý trí cần phải được hòa giải nếu thế giới đương đại muốn có thành tựu về mặt tinh thần.

3) Hành động đúng đắn

Với sự năng động giữa thờ phượng và giáo lý, Đức Bênêđictô đã nhìn thấy lời kêu gọi thiết yếu đối với tính chính thống, cụ thể là hành động đúng đắn. Ngài đã đắp khuôn cho toàn bộ giáo huấn giáo hoàng của mình về các nhân đức đối thần Tin, Cậy và Mến. Ngài kêu gọi tất cả các môn đệ hãy sống đạo đức và trung thành theo con đường của Đức Giêsu. Lối sống này kêu gọi các tín hữu chăm sóc người nghèo, người bệnh tật, và người bị bỏ rơi. Đức Bênêđictô đã đáp ứng lời kêu gọi này và đưa ra những giáo huấn quan trọng về học thuyết xã hội của Giáo hội.

Còn rất nhiều điều có thể nói về Đức Bênêđictô và chứng tá của ngài trong đời sống Giáo hộiTrên đây chỉ là 3 điểm đơn giảnđược rút ra từ cuộc đời và di sản của ngài với lòng ngưỡng mộ, đầy xúc động về những kỷ niệm, và lòng biết ơn thầm lặng đối với vị nguyên giáo hoàng, hoàn tất hành trình 95 năm cuộc đời mình.

Nt. Anna Ngọc Diệp, OP
Dòng Đa Minh Thánh Tâm
Chuyển ngữ từ: cruxnow.com (01. 01. 2023)


https://www.hdgmvietnam.com/chi-tiet/duc-benedicto-xvi-tinh-yeu-danh-cho-phung-vu-49167

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét