Theo hồng y Müller, Đức Bênêđictô XVI là Thánh Augutinô của thời đại chúng ta
lanuovabq.it, Riccardo Cascioli, 2023-01-09
“Đức Bênêđictô không nói về Chúa Kitô, nhưng ngài nói với Chúa Kitô. Nơi ngài có sự thống nhất giữa suy tư thần học ở mức độ cao nhất và linh đạo đi thẳng vào lòng người. Ngài biết rõ chuyên môn của ngài, nhưng ngài dùng nó không để làm cho mình cao hơn người khác nhưng để phục vụ cho lợi ích Giáo hội và đức tin của những người đơn sơ.” Lẫn lộn ư? Có quá nhiều tư tưởng chính trị trong Giáo hội ngày nay. “Như cố hồng y Martini đã nói: Giáo hội đã quay ngược lại 200 năm? Không thể được, Chúa Giêsu là viên mãn của mọi thời đại”.
Đối với tôi, giáo hoàng Bênêđictô gần như là Thánh Augutinô sống lại, dù tiến trình phong thánh sẽ xảy ra như thế nào, thực tế ngài đã là tiến sĩ Giáo hội. Hồng y Gerard Ludwig Müller có tất cả thẩm quyền cần có để nói như vậy: là thần học gia, ngài đã biên tập tất cả các công trình thần học của Joseph Ratzinger-Benedict XVI, và là một trong những người kế vị ngài với tư cách là bộ trưởng bộ Tín Lý. Ngài tiếp chúng tôi tại căn hộ gần Đền thờ Thánh Phêrô, là nơi ở của hồng y Ratzinger trong 24 năm, kể từ khi ngài được Đức Gioan-Phaolô II đưa về Rôma năm 1981 cho đến tháng 4 năm 2005, khi ngài lên làm giáo hoàng. Từ thời này, chỉ còn lại những cửa sổ kính màu của nhà nguyện nhỏ trong căn hộ được làm cho hồng y Ratzinger và tượng trưng cho Bí tích Thánh Thể.
Kính hồng y Müller, ngài thấy Thánh Augutinô nơi Đức Bênêđictô như thế nào?
Hồng y Müller. Tôi nghĩ Đức Bênêđictô XVI đại diện cho thần học thế kỷ 20 và 21 như Thánh Augutinô đại diện cho thời của ngài, các tác phẩm của Đức Bênêđictô là đức tin công giáo được giải thích phù hợp với người đương đại, một hình thức giải thích khác với phong cách của sách giáo khoa thần học. Còn với Thánh Augutinô, vấn đề không chỉ là năng lực trí tuệ, dù ngài là nhà thần học vĩ đại.
Như thế ‘bí mật’ là gì?
Giống như Thánh Augutinô, Đức Bênêđictô không xem Chúa Kitô như một chủ đề cần khai triển, ngài không nói về Chúa Kitô nhưng nói với Chúa Kitô. Trong quyển Tự thú của Thánh Augutinô, tất cả đều là đối thoại với Thiên Chúa, con người đối thoại với Thiên Chúa, giải thích về cuộc đời của mình. Như vậy, nơi Đức Bênêđictô XVI, có một hiệp nhất sâu xa giữa suy tư thần học ở cấp độ cao nhất và linh đạo đi thẳng vào tâm hồn, một hiệp nhất giữa trí tuệ và tình yêu. Ngài luôn nói điều đó, đức tin công giáo chúng ta không phải là lý thuyết về một chủ đề, nhưng đó là mối quan hệ, mối quan hệ với Chúa Giêsu, chúng ta dự vào mối quan hệ nội tại. Vì thế Đức Bênêđictô đã có thể mở lòng với mọi người. Và chúng ta đã thấy qua những ngày sau khi ngài qua đời và trong đám tang: ngài vẫn còn sống rất nhiều trong trái tim tín hữu, trái tim của nhiều người. Nhiều người nghĩ mười năm về hưu của ngài mọi người đã quên ngài; nhưng ngược lại ngài luôn ở trong ký ức của họ.
Theo cha, tác phẩm nào của Ratzinger-Benedict XVI thể hiện tốt nhất sự thống nhất này?
Ngài viết nhiều sách và tiểu luận, nhưng tôi nghĩ bộ ba tập sách Chúa Giêsu Nadarét (xuất bản khi ngài là giáo hoàng từ năm 2007 đến 2012) là chìa khóa để giải thích các chuyện khác. Quyển sách này thể hiện sự thống nhất giữa thần học nhận thức và thần học tình cảm, và khi tôi nói tình cảm, tôi không có ý nói tình cảm, mà là một biểu hiện của tình yêu, mối quan hệ với Chúa. Đây là lý do vì sao hàng triệu tín hữu không học thần học, không là chuyên gia triết học hay lịch sử tư tưởng châu Âu, những tín hữu đơn sơ cầu nguyện hàng ngày, đi nhà thờ và có mối liên hệ hàng ngày với Chúa Giêsu, đã có thể đọc và hiểu bộ ba này như chìa khóa trí tuệ, khôn ngoan và tình cảm để gặp Chúa Giêsu.
Cha là người đã biên tập tất cả các tác phẩm thần học của Đức Ratzinger-Benedict XVI, cha có thể cho chúng tôi biết yếu tố thống nhất trong thần học của ngài là gì không?
Chắc chắn là mối quan hệ với Chúa Kitô, ngay cả khi cần phải xác định rằng nó là một phần của chân trời Ba Ngôi, chứ không phải trong thuyết lấy Chúa Kitô làm trung tâm, điển hình của đạo tin lành. Và sau đó là mối quan hệ giữa đức tin và lý trí. Xuyên suốt lịch sử, luôn có những nỗ lực chống lại lý trí với đức tin, chỉ cần đọc lại cuộc tranh cãi giữa Origen và Celsus, hay cuộc thảo luận với các trí thức Tân Platon. Nhưng xu hướng này chắc chắn đã bén rễ đặc biệt kể từ thời Khai sáng, sự tôn vinh ánh sáng của lý trí chống lại ánh sáng của Mạc khải. Như ngài nói trong Chúc thư thiêng liêng, người ta cho rằng tất cả các kết quả của khoa học tự nhiên và nghiên cứu lịch sử, chẳng hạn phương pháp chú giải Kinh Thánh theo phê phán-lịch sử đều đi ngược đức tin kitô giáo đã được mạc khải. Như Đức Bênêđictô XVI chứng minh, đó là một khẳng định sai lầm. Ngài lớn lên và hình thành lương tâm của mình vào thời điểm bị chủ nghĩa vô thần hung hăng thống trị, bị chủ nghĩa phản nhân loại áp dụng trong chế độ quốc xã. Giáo dục công giáo của ngài đã làm cho ngài nhận ra ngay, không thể có sự hòa giải giữa đức tin và hệ tư tưởng quốc xã này, cũng như với những hệ tư tưởng phủ nhận Chúa khác. Khi thông điệp chống chủ nghĩa quốc xã của Đức Piô XI, Mit brennender Sorge (Với mối quan tâm nóng bỏng) ra đời, Joseph Ratzinger mới mười tuổi, nhưng sự mâu thuẫn giữa kitô giáo và chủ nghĩa quốc xã, cũng như các hệ tư tưởng vô thần khác, đã được giải thích rõ ràng ở đó. Khi một người phủ nhận Chúa, hậu quả rất rõ ràng: khủng bố jacobin, khủng bố gulag, lò hơi ngạt Auschwitz, cánh đồng chết chóc Katyn, nhưng cũng có cả phá thai và trợ tử. Đây là những tác động của chủ nghĩa nhân bản vô thần, như hồng y Henri De Lubac đã nói mà ngày nay chúng ta vẫn còn thấy ở Trung Quốc, Bắc Triều Tiên. Và các quốc gia hồi giáo cũng vậy: họ nói họ tin vào Chúa, nhưng tin theo nghĩa khác…
Và chúng ta nói đến bài phát biểu nổi tiếng của ngài ở Regensburg.
Chính xác, đây là trung tâm điểm triều giáo hoàng của ngài. Không hành động theo Logos, nghĩa là theo lý trí, là trái với bản chất của Thiên Chúa. Và cuối cùng chúng ta biện minh bạo lực nhân danh Chúa, Đấng tạo ra chúng ta.
Cha liên lạc thường xuyên với ngài kể cả sau khi ngài từ nhiệm. Điều gì làm cha ấn tượng về ngài?
Ngài là một người rất khiêm tốn, rất giản dị; ngài không kiêu hãnh và không tỏ ra mình là người quan trọng. Ngài không có sự kiêu ngạo điển hình của những người trí thức, những người sở hữu kiến thức, tự cho mình cao hơn người khác. Ngài biết rõ chuyên môn của ngài, nhưng ngài dùng nó không để làm cho mình cao hơn người khác nhưng để phục vụ cho lợi ích Giáo hội và cho đức tin của những người đơn sơ.
Trong di chúc thiêng liêng của ngài, ngài mời gọi tín hữu hãy kiên vững trong đức tin và không để mình bị mất phương hướng. Cha nghĩ điều gì tạo lẫn lộn trong Giáo hội ngày nay?
Theo những gì tôi thấy từ kinh nghiệm của tôi, tư tưởng chính trị và ý thức hệ đã thâm nhập quá nhiều vào Giáo hội công giáo. Tôi nhớ cố hồng y Martini – cũng là nhà chú giải Kinh Thánh xuất sắc – đã nói ngay trước khi qua đời rằng Giáo Hội đã chậm hơn 200 năm. Đây là lối chú giải hoàn toàn sai lầm. Giáo hội do Chúa Giêsu Kitô thành lập không thể đi sau thời đại, Chúa Giêsu là viên mãn của mọi thời đại. Đấng Kitô hôm qua, ngày nay và luôn mãi mãi. Thánh Irenaeus thành Lyon, nói với người theo thuyết trực tri cho rằng có một điều mới lạ đi trước, rằng nếu Logos của Chúa đã được mạc khải, thì không có điều mới lạ nào khác. Đây là điểm tham chiếu. Có một kitô giáo vào thời Trung cổ và có một kitô giáo vào thời trước đó, nhưng kitô giáo không bị ràng buộc vào bất kỳ thời điểm cụ thể nào. Khi đọc các tác phẩm của Thánh Augutinô, Thánh Basil, Thánh Irenaeus, tôi thấy đó là đức tin của chính tôi. Phong cách, hoàn cảnh có thể thay đổi, nhưng đức tin thì không. Đừng bối rối trước quá nhiều tiếng nói, phương hướng rõ ràng là nơi Chúa Giêsu Kitô và chân lý.
Di chúc thiêng liêng của Đức Bênêđictô
Trong thời gian này, chúng ta thấy có nhiều lẫn lộn được tạo ra xung quanh hình ảnh Giáo hoàng.
Huấn quyền phục vụ Mặc khải, huấn quyền không ở trên nó, như thông điệp Lời Chúa, Dei Verbum nói ở số 10. Không phải điều gì đó là sự thật vì Giáo hoàng nói như vậy, nhưng ngược lại: vì đó là sự thật, nên Giáo hoàng phải trình bày nó và giải thích cho Giáo hội. Quyền lực của Giáo hoàng không phải là một quyền lực chính trị, không tuyệt đối cũng không tương đối. Ngài có thẩm quyền giảng dạy dân Chúa, nhưng nhân danh Chúa Giêsu Kitô, chứ không theo thẩm quyền của chính ngài. Giáo hoàng không thể nói các quan hệ đồng tính luyến ái có thể được chúc phúc hay việc ly dị có thể được chấp nhận hay việc ngoại tình được biện minh vì nó ít nghiêm trọng hơn tội giết người. Giáo huấn của Giáo hội rất rõ ràng, chúng ta không thể lẫn lộn sự dữ khách quan với sự yếu đuối của con người. Sự hoán cải không hệ tại ở việc tương đối hóa các điều răn của Chúa.
Tuy nhiên, Giáo hội Đức gây áp lực mạnh mẽ theo hướng này và thái độ của Rôma không rõ ràng lắm.
Các tài liệu của Con đường thượng hội đồng (Đức) là dị giáo một cách công khai, chúng mâu thuẫn với Mạc khải như được thể hiện trong Kinh thánh và trong nhân học của Hiến chế Mục vụ Gaudium et Spes, quan niệm về con người được tạo dựng theo hình ảnh của Chúa và giống Chúa. Sự thống nhất của thể xác và linh hồn loại trừ sự tuyệt đối hóa tính dục này, chỉ là một nguồn khoái cảm tình dục.
Nhưng làm thế nào mà phần lớn các giám mục Đức lại xa quan điểm của Đức Bênêđictô XVI như vậy?
Một vai trò quan trọng do các nhà lãnh đạo của Ủy ban Trung ương của người Công giáo Đức (Zdk, ủy ban đại diện cho tất cả các dạng giáo dân ở Đức và có ảnh hưởng rất quan trọng đến lãnh đạo Giáo hội), do những người đã gây áp lực trên nhiều giám mục, được báo chí tự do, xã hội chủ nghĩa và cộng sản ủng hộ, rõ ràng họ rất vui mừng khi Giáo hội tự hủy diệt. Và cũng không may có một phức hợp chống la-mã đã tồn tại ở Đức trong 500 năm, lấy đạo tin lành Phổ làm quy chiếu, họ cảm thấy vượt trội về mặt trí tuệ so với tất cả các dân tộc ở miền Nam. Triết gia Hegel đã viết nhà nước Phổ là đỉnh cao của sự tự-phát triển của tinh thần tuyệt đối, như thể Chúa hiện thân trong nhà nước Phổ tin lành. Những ý tưởng ngu ngốc nhưng rất bám rễ. Vì thế nhóm này cho rằng họ là đầu tàu của Giáo hội hoàn vũ, như thể chúng ta đã phát minh ra Giáo hội một lần nữa. Khi chủ tịch hội đồng giám mục Đức nói “chúng tôi là Giáo hội công giáo nhưng khác biệt”, ngài muốn nói gì? Thánh Irenaeus nói: đức tin của Giáo hội tông truyền giống nhau trên khắp thế giới, ở Libya, ở Ai Cập, giữa những người Celt, ở Pháp, ở Tây Ban Nha. Các phong tục khác nhau, các ngôn ngữ khác nhau, nhưng tất cả chúng ta đều hiệp nhất trong cùng một đức tin, đó không phải là một chương trình do một ủy ban vạch ra, nhưng đức tin được Chúa Kitô mạc khải. Đó là những gì hợp nhất chúng ta.
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch
http://phanxico.vn/2023/01/13/theo-hong-y-muller-duc-benedicto-xvi-la-thanh-augutino-cua-thoi-dai-chung-ta/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét