Trang

Thứ Tư, 11 tháng 1, 2023

Chương 5 : Nói lên đức tin của tôi hay đức tin của Giáo hội?

 Nói lên đức tin của tôi hay đức tin của Giáo hội?

Chương 5 sách Công giáo trong tự do


 

Trích sách Công giáo trong tự do (Catholique en liberté, nxb. Salvator, 2019)

Thời gian vào Mùa Vọng là thời gian người công giáo được mời gọi để tuyên xưng đức tin nơi Đấng Kitô. Sự “trở về với đức tin chân chính” có vẻ như siêu hiện thực với những ai nhìn vào niềm tin thực sự của các tín hữu, những xác tín và câu hỏi của chính mình…

Nói lên đức tin của tôi hay đức tin của Giáo hội?

Từ những năm sinh viên của tôi, tôi vẫn còn nhớ lần đi tĩnh tâm ở giáo xứ đại học đường Valade, Toulouse, nơi tôi thường hay đến và nơi chúng tôi có hai cha tuyên úy, cha Robert Boucher Dòng Tên, và hồng y-tổng giám mục tương lai Bernard Panafieu, giáo phận Marseille. Cuối tuần đó có cha Dòng Tên đến giúp, và bây giờ tôi không còn nhớ tên, nhưng cha đã nói hai câu, giờ đây vẫn còn trong trí nhớ của tôi, hai câu làm tôi suy nghĩ trong một thời gian dài và bây giờ tôi vẫn còn suy nghĩ. Bằng chứng cha đã hoàn thành sứ vụ cao cả của cha. Đặt câu hỏi về tính hữu ích của cầu nguyện, chủ đề của ngày hôm đó nếu trí nhớ của tôi còn tốt, linh mục đã nói như sau: “Cầu nguyện chẳng ích gì. Chính vì thế mà nó quan trọng.” Nhưng câu thứ hai mới làm sáng tỏ quan điểm của tôi. Trong những năm sau Công đồng Vatican II, khi tôi bắt đầu để dành tiền túi để mua các tài liệu về công đồng, khi các tài liệu này dần dần được nhà xuất bản Centurion phát hành, linh mục đã triển khai suy nghĩ này trước chúng tôi: “Chúng ta không thể tưởng tượng được tầm mức các bản dịch của các văn bản phụng vụ được dịch sang tiếng bản xứ. Kể từ ngày người công giáo bắt đầu hiểu những gì người ta nói cho họ nghe về đức tin của họ, họ sẽ bước vào một cuộc chất vấn bất tận và bổ ích.” Cha nói đúng.

“Xem lại” kinh Tin Kính mà ngày nay các tín hữu đang tranh luận

Tôi sẽ không xem lại các quy tắc của thánh lễ ở đây. Nhưng để đưa ra sự bối rối mà đôi khi chỉ đơn thuần  Kinh Tin Kính cũng làm cho tôi khó chịu. Có gì tự nhiên hơn cho người tín hữu khi họ có thể đọc chính xác những gì họ tin? Một lần nữa, tôi không tự cho mình là thần học gia ở đây, điều mà tôi không phải. Tôi chỉ đơn giản và khiêm tốn cố gắng giải mã, từ kinh nghiệm của chính tôi, điều mà ngày nay theo tôi, dường như đang gây tranh cãi cho nhiều tín hữu đến mức có thể giải thích cho cơn khủng hoảng gặm nhắm Giáo hội, chứ không chỉ do các tội phạm ấu dâm. Như thế thì quá đơn giản. Tôi đã nêu lên những câu hỏi mà một số tín điều công giáo có thể gợi lên. Tôi sẽ dừng lại ở đây, để minh họa quan điểm của tôi, về việc lên công thức cho Kinh Tin Kính, tôi không tự cho mình là tác giả hay đưa ra phân tích đầy đủ về các câu hỏi mà Kinh Tin Kính khơi lên nơi người này người kia. Lúc viết các dòng này, tôi nhớ lại một buổi đi bộ chầm chậm ở vườn Élysée thời tổng thống François Mitterrand, vào một ngày 14 tháng 7 đầy nắng, cùng với giám mục Jean-Michel di Falco, khi đó là phát ngôn viên của Hội đồng Giám mục Pháp, người cũng như tôi, đến bữa tiệc ở vườn tổng thống sớm một chút… Trong khi đi dạo trên bãi cỏ công viên, chúng tôi thảo luận về kết quả của một cuộc khảo sát của báo Người Hành hương (Le Pèlerin) phát động về đức tin của người tín hữu. Và tôi còn nghe ngài tâm sự bằng một giọng nhẹ nhàng nhưng chắc nịch: “Họ tin hay không tin không quan trọng. Chỉ có đức tin của Giáo hội mới tính!” Đó là điều mà Giáo hội hình thành trong các văn bản của mình.

Mỗi người đến với Kinh Tin Kính bằng sự nhạy cảm, bằng lịch sử cá nhân, bằng nghi ngờ và xác tín của mình.

Tuy nhiên, ngay sau khi chúng ta đi ra khỏi bản kinh bằng tiếng la-tinh Credo in unum Deum, Patrem omnipotentem, factorem caeli et terrae, visibilium omnium et invisibilium… thì mọi thứ trở nên phức tạp. Và thậm chí còn hơn thế nếu chúng ta hoán đổi Kinh Tin Kính thường đọc trong các buổi lễ, được gọi là Kinh Tin Kính Các Tông Đồ, vì đó là kinh được cho là phản ánh đức tin của các tông đồ Chúa Giêsu, khác với Kinh Tin Kính của Công đồng Nixê-Conxtăntinốp sau này, xuất phát từ hai công đồng đại kết đầu tiên năm 325 và năm 381. Trong tuổi vị thành niên của tôi, kết quả của những tranh luận lớn gợi lên bản chất của Chúa Kitô đã cho tôi hương vị kỳ diệu: “Tôi tin kính một Thiên Chúa duy nhất là Chúa Cha toàn năng, Đấng tạo thành trời đất, muôn vật hữu hình và vô hình.

Tôi tin kính một Chúa duy nhất là Đức Giêsu Kitô, Con một Thiên Chúa, sinh bởi Chúa Cha từ trước muôn đời: Người là Thiên Chúa bởi Thiên Chúa, ánh sáng bởi ánh sáng, Thiên Chúa thật bởi Thiên Chúa thật; được sinh ra mà không phải tạo thành, đồng bản tính với Đức Chúa Cha. Nhờ Người mà muôn vật được tạo thành”. Và ở đó tôi hiểu, người tín hữu trung thực của thiên niên kỷ đầu tiên này có thể tự vấn, nhưng vẫn trung thành tin cậy vào đức tin của Giáo hội khi cần thiết.

Mỗi người đến với Kinh Tin Kính bằng sự nhạy cảm, bằng lịch sử cá nhân, bằng những nghi ngờ và xác tín của mình. Về phần tôi, lạ lùng thay, tôi luôn dính chặt vào ý tưởng hiệp thông các thánh, có thể vì chúng ta có kinh nghiệm “trần thế” nhờ sự hỗ trợ nhân bản và tinh thần được chia sẻ với những người có cùng đức tin và yêu thương nhau trong tình anh em. Để xóa tội có thể dẫn xuống địa ngục hoặc lên thiên đàng, tôi hoàn toàn tin tưởng vào lòng thương xót vô hạn của Chúa và tôi muốn tin, một ngày nào đó, tôi sẽ gặp lại những người tôi thương yêu, “để muôn đời ca tụng” (bài hát của André Gouzes), ngay cả khi sự sống lại của xác thịt làm tôi bối rối.

Một niềm đam mê kỳ lạ với trinh tiết…

Tôi cũng tự hỏi về vũ trụ học thần thánh này, nơi mà từ muôn thuở, Người Con ngự trị bên Người Cha trong khi chờ ngày, xin tha cho tội  xấc xược của tôi, một điều gì đó cuối cùng sẽ xảy ra làm xáo trộn trật tự đẹp đẽ này: Ngày  Phán Xét Cuối Cùng. Tôi sẽ chỉ trích dẫn trong Kinh Tin Kính này, việc gợi lên sự đồng trinh của Đức Maria rất gần với các câu chuyện thần thoại lương dân, mà tôi không còn cho đó là quan trọng, dù ngày nay trong Giáo hội, nó không còn biện minh cho sự mê hoặc lạ lùng về trinh tiết – và từ đó là nỗi kinh hoàng của tình dục – như thể cuộc sống lý tưởng cho bất kỳ người phụ nữ tử tế nào là sống như một trinh nữ và chết… như một vị thánh!

Điểm khó khăn của tôi, tôi không phải là đồ đệ của triết gia Michel Onfray, là tin Chúa Giêsu thực sự sinh ra thời vua Hêrôđê, chịu khổ nạn, chịu chết và được táng xác. Việc Ngài xuống địa ngục, theo tôi, dường như đến từ một văn hóa không còn là văn hóa thực sự của chúng ta nữa và làm cho ý nghĩa câu đó trở nên mờ nhạt với chúng ta, chỉ vì sự đa nghĩa của từ địa ngục. Còn với sự Sống lại của Ngài mà theo Thánh Phaolô, nếu không có sự sống lại thì đức tin của chúng ta vô nghĩa, tôi gắn chặt vào đó với một đức tin cháy bỏng. Mặc dù nó đưa tôi trở lại sự chia cách vẫn còn của tôi, và trong một thời gian dài, giữa suy nghĩ của triết gia Simone Weil, chúng ta có thể từ bỏ tôn giáo của mình nếu tôn giáo này không phải sự thật, và chứng từ của nhà văn Dostoyevsky khẳng định ngược lại, nếu Chúa Giêsu không phải là Sự thật, thì ông thà ở với Chúa Giêsu hơn là với Sự thật.

Tạo Dựng như một công trình khai phá mà con người được tạo thành để làm người tiếp nối

Về nguồn gốc vạn vật, với tôi, từ lâu chính ý tưởng sáng tạo đã là một tiến trình khai phá, đặc biệt qua những kỳ quan khó lường của thiên nhiên, nhưng cũng liên tục mà con người được liên kết với ý chí thần thánh. Tôi thích trong Thông điệp Chúc tụng Chúa Laudato Si, Đức Phanxicô nói về bảo vệ tạo dựng, ý tưởng con người không phải là kẻ săn mồi, nhưng là văn hóa mà con người là nghệ nhân – trong đó các tôn giáo trong sự đa dạng của mình – là một phần không thể thiếu của tạo vật cần được bảo vệ, do đó đây không phải là công việc chỉ có một mình Chúa làm.

Rằng Chúa Giêsu là con một của Chúa Cha làm tôi yên tâm. Và tôi tuyên xưng, chính Chúa Giêsu trước hết, hơn là với Chúa Cha, mà tôi mới có được sự dịu dàng, cha Pierre thường nói với tôi, cha chỉ khám phá Chúa Kitô trong Phúc Âm ở thời kỳ sau, cũng như cha đã bị cuốn hút bởi Chúa của Cựu Ước. Còn về Chúa Thánh Thần, tôi nghĩ tôi cảm nhận sự hiện diện của Ngài, đối với tôi, Ngài vẫn là một bí ẩn, là tất cả nhưng không phải là  một vấn đề. Nhưng tôi yêu Ba Ngôi Thiên Chúa đối thoại một Chúa có Ba Ngôi mà không ai tự cho mình là đủ. Và điều này mạc khải cho chúng ta, bản chất của chính chúng ta chỉ có ý nghĩa trong sự hiệp thông và gặp gỡ.

Những câu hỏi thực sự của tôi là về Thiên Chúa “toàn năng”

Thực chất, những câu hỏi đích thực của tôi là về Thiên Chúa “toàn năng” được nhắc đến hai lần trong Kinh Tin Kính. Vì dường như với chúng ta, trên thực tế Ngài là một Thiên Chúa mong manh, chấp nhận một khi đã trao tự do cho con người là có thể làm cho nó quay lại chống mình, từ chối tình yêu mà không nên bị trừng phạt vì bất kỳ một kết án địa ngục nào. Trừ khi người đó lầm với ý tưởng, người chối Chúa, người hết lòng hết sức từ chối Chúa, có thể thấy với tự do mình được ban, họ có thể sống đời đời không có Chúa, xa Chúa. Đó chỉ có thể được xem là nỗi đau khổ khôn tả của những ai đích thực tin vào Chúa. Nhưng, làm ơn, xin đừng có lửa thiêu, đừng có quỷ có sừng… nhưng đơn giản chỉ là sự trống rỗng. Nếu đức tin là “ơn của Chúa” thì làm sao Chúa của tình yêu lại có thể lên án địa ngục cho người từ chối món quà đức tin?

Nếu Chúa không phải là Đấng Tối Cao này, mà theo hình ảnh tuyệt đẹp của nhà văn Christian Bobin, “Đấng Tối Thấp” thì vì sao lại tiếp tục giới thiệu Ngài là Đấng Toàn Năng trong Kinh Tin Kính cho chúng tôi? Toàn năng nhưng không kềm được phần này của cái ác mà không gán cho tự do của con người. Tôi tin các nhà thần học có câu trả lời này. Nhưng nó không mang lại cho tôi một an ủi nào. Và cũng không mang lại gì hơn cho nhân vật trong quyển tiểu thuyết của tôi. Trên bài viết về Kinh Tin Kính này, quý vị nghĩ sẽ thấy tôi. Tôi có đang biện hộ cho việc viết lại Kinh Tin Kính không? Thành thật mà nói, tôi sẽ không mạo hiểm khi tôi thấy có những cuộc chiến phi lý có thể tạo ra chỉ vì một câu chống lại rất nhỏ trong sách giáo lý Giáo hội công giáo. Một ngày nọ, người cha của một thiếu niên giải thích cho tôi, ông đã rút con trai ra khỏi Hướng đạo Pháp, mà tôi là trưởng nhóm chỉ vì một trưởng hướng đạo nói với ông thủ dâm không phải là tội trọng… Quý vị hình dung nếu chúng ta bắt đầu xem lại Kinh Tin Kính! Vậy thì diễn giải làm sao để con người của thế kỷ 21 này dễ hiểu? Với tất cả lòng kính trọng Đức Phaolô VI vĩ đại, “Kinh Tin Kính của Dân Chúa” được công bố ngày 30 tháng 6 năm 1968 tại Quảng trường Thánh Phêrô vào lúc cao điểm của cuộc tranh cãi về giáo lý Hà Lan đã làm nản lòng những người có thiện tâm nhất.

Chỉ một người công giáo trên hai nói rằng họ tin vào Chúa…

Như người bạn đồng hành của tôi trong vườn Élysée, Kinh Tin Kính thể hiện đức tin của Giáo hội. Tôi chỉ đơn giản yêu cầu tự do – thực tế là tôi đã luôn cho tôi tự do, giống như nhân vật trong quyển tiểu thuyết của tôi – để tiếp tục, trong nội tâm của tôi, nuôi dưỡng những xác tín cũng như các nghi ngờ và thắc mắc của tôi. Và tôi tin, về cơ bản, đây là điều mà tín hữu của thế kỷ này cũng đòi hỏi. Đồng ý – và tại sao lại không đồng ý với các giáo phái kitô giáo khác – trên cùng một “cốt lõi của đức tin” (Jean Delumeau) mà chung quanh nó, mỗi người có tự do vun trồng sự khác biệt của mình. Đồng thời, tôi nhận thức rõ việc đặt vấn đề về nội dung của Kinh Tin Kính này chỉ thực sự có ý nghĩa đối với một số ít tín hữu. Từ lâu cuộc thăm dò dư luận đã cho chúng ta thấy một thực tế có phần huyền bí này – theo nghĩa mặc khải – rằng chỉ có một trên hai người công giáo nói họ tin vào Chúa và phần lớn họ vẫn tin Chúa như một “sức mạnh, một năng lực, một tinh thần…” chứ không phải một Chúa riêng tư mà họ có thể đến với Ngài trong lời cầu nguyện và hơn thế nữa với sự sống lại của Chúa Kitô, mà như Thánh Phaolô nói, nếu không có sự sống lại thì “đức tin của chúng ta trống rỗng; chỉ một phần ba tin vào khái niệm đồng trinh của Đức Mẹ và tin vào Chúa Ba Ngôi; và một phần mười tin vào sự sống lại của thể xác. Những con số này có từ tháng 1 năm 2007 (cuộc khảo sát của CSA cho báo Thế giới các Tôn giáo) nhưng có ít khả năng cấu trúc đức tin của tín hữu đã thay đổi nhiều kể từ đó.

Đi từ một đức tin bị hạn chế lâu dài và “bắt buộc” sang một đức tin tự do và cá nhân

Một số người sẽ nghĩ: liệu người ta có thể tiếp tục cho mình là công giáo khi xa với đức tin của Giáo hội mà mình vẫn tuyên xưng mình thuộc về không? Nhưng liệu đức tin của tín hữu có được đảm bảo tốt hơn, trong nội tâm của họ khi đạo công giáo là tôn giáo chính thức của đa số người Pháp không? Họ thực sự tin gì trong những lời tuyên xưng đức tin nào mà Giáo hội đòi hỏi ở họ? Khi mọi bất đồng trở thành nghi ngờ trong mắt của một thể chế quyền lực, ngoại trừ một số nhà tư tưởng tự do, ai sẽ mạo hiểm nói lên? Đối với tôi, một câu hỏi khác có vẻ thú vị hơn: điều gì có thể thúc đẩy nam giới, nữ giới ngày nay vẫn kiên trì cho mình là người công giáo khi không có gì bắt buộc họ phải làm như vậy? Sức nặng của thói quen, của bản sắc của chữ công giáo với một nền văn hóa đã mất hết chiều kích tôn giáo, một hoài niệm đơn thuần sẽ qua đi với họ, mối lo âu gượng nhẹ với tương lai trong trường hợp… hoặc sự gắn bó cứu họ với người tên là Giêsu, dù sao cũng nói với họ hay hỏi họ về Thiên Chúa, cha của Ngài?

Có sự thừa nhận của một thuộc về mà cuối cùng họ sẽ cảm thấy khi không truyền đi theo một cách nào đó không? Có lẽ là một chút trong số những lời giải thích này. Có nên ngạc nhiên về sự bùng nổ của việc tuân thủ vào tín điều kitô khi cả một cộng đồng thấy mình được mời gọi chuyển từ một đức tin bị hạn chế và “bắt buộc” từ lâu sang một đức tin tự do và cá nhân không? Khi đó, “dưới sự thuận lợi của việc kiểm kê”, không còn là đòi hỏi của nhân vật trong tiểu thuyết mà là câu hỏi chung của rất nhiều người. Nó đưa Giáo hội về câu hỏi tối hậu này: đằng sau việc công bố một tín điều bất di bất dịch của mình, Giáo hội có tự tạo cho mình phương tiện dạy giáo lý cho phép những người đã rửa tội làm cho thích hợp lại trong sự thật, theo ngôn ngữ của thế kỷ không?

 “Đức tin muốn hiểu những gì nó tin. (linh mục Dòng Tên Bernard Sesboué)

Trong quyển sách Làm thế nào Chúa Giêsu lại thành Thiên Chúa (Comment Jésus est devenu Dieu, nxb. Fayard, Paris, 2010), tác giả Frédéric Lenoir đã biện minh cho luận điểm rằng niềm tin vào thiên tính của Chúa Giêsu Kitô chỉ xuất hiện muộn (thế kỷ thứ 4 đến thế kỷ thứ 5) trong đức tin của Giáo hội, qua các công đồng đại kết được các hoàng đế triệu tập và những gì thu được từ các quan điểm chính trị hơn là thần học. Trong một tác phẩm nhỏ có ý nghĩa như một câu trả lời (1), nhà thần học Dòng Tên Bernard Sesboué đã nhắc lại, thiên tính của Chúa Kitô, giống như mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi, đã được đảm bảo ngay từ thế kỷ thứ nhất và thách thức trong bốn công đồng đại kết đầu tiên không nhằm mục đích giảm bớt tranh cãi, nhưng là chuyển thành các loại “hiện đại” của thế giới hy lạp, vốn đã trở thành vùng đất truyền giáo, các niềm tin cho đến lúc đó đã được hình thành bằng bằng ngôn ngữ sêmita. “Đức tin đã có thể tìm ra cách để thể hiện bản thân một cách chặt chẽ và dễ hiểu về mặt văn hóa với tâm trí người hy lạp và la-tinh. Công việc này rất vất vả và khó khăn, nhưng người ta có thể nói về một ‘hội nhập văn hóa’ thành công. Đồng thời, các tín hữu kitô ý thức hơn cách tin có suy nghĩ hơn”. Và linh mục viết thêm: “Đức tin muốn hiểu những gì nó tin.” Đây có phải thêm một lần nữa, mười lăm thế kỷ sau, thách thức thực sự của việc truyền bá phúc âm không? Truyền lại đức tin sang một ngôn ngữ có thể tiếp cận được với văn hóa của thế kỷ 21 để trả lời cho cảm nhận của nhiều tín hữu cho rằng họ không “hiểu” những gì người ta mang đến cho họ để họ tin!

Đôi khi tôi nghĩ đến các bạn của tôi, những người mà tôi đã mài đủng quần với họ trên băng ghế nhà thờ ngày xưa và tự hỏi điều gì làm cho họ còn gắn bó với một đức tin chung của chúng ta. Và hành trình của họ thật lạ lùng! Không nghi ngờ gì, giống như nhân vật trong tiểu thuyết của tôi, theo cách riêng của họ, họ đã khẳng định “quyền được kiểm kê” của họ và có lẽ, vào cuối cuộc kiểm kê này, họ sẽ tách ra khỏi Giáo hội. Tuy nhiên, tôi biết họ thường trung thành, hơn cả tôi, với tinh thần của các Mối Phúc và với Phúc âm thánh Mátthêu: “Ta đói và các con đã cho Ta ăn…”

Và tôi không nghi ngờ, họ đã truyền những “giá trị” này cho con cái của họ. Nghĩ rằng có lẽ đó là điều chính. Và rằng, dù sao đức tin cũng là món quà của Chúa?

1- Bernard Sesboué, Chúa Kitô, Chúa và Con của Chúa: Trả lời tự do cho Frédéric Lenoir, Lethielleux, Paris, 2010 (Christ, Seigneur et fils de Dieu: Libre réponse à Frédéric Lenoir).

Marta An Nguyễn dịch

http://phanxico.vn/2022/12/15/noi-len-duc-tin-cua-toi-hay-duc-tin-cua-giao-hoi/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét