Trang

Thứ Bảy, 22 tháng 6, 2013

Giao ước (1): Từ khóa giúp hiểu Thánh Kinh

Giao ước (1): Từ khóa giúp hiểu Thánh Kinh


 Làm thế nào để đọc “Giao Ước” Thánh Kinh?
Các bạn hăng hái đọc Thánh Kinh, nhưng mau chóng bỏ cuộc, vì gặp phải những “tảng đá” – từ ngữ, tình huống, câu chuyện xa lạ – khiến không thể vượt qua được.
Các bạn không cô đơn đâu, vì các chuyên viên nghiên cứu Thánh Kinh cũng gặp như thế. Nhưng họ vượt qua được, vì họ có “la bàn”.
La bàn đó là từ – Giao Ước.
Giao ước là câu trả lời cho câu hỏi: Trọn bộ Thánh Kinh nói về cái gì về? Giao ước giải thích lý do tại sao Thiên Chúa nói và làm như thế trong Thánh Kinh.
Nếu bạn hiểu giao ước rồi thì mọi sự sẽ đâu vào đó.

Nguyên tắc: Thánh Kinh và Thánh Truyền
Làm sao để đọc và hiểu Thánh Kinh, mà không rơi vào tình trạng suy diễn áp đặt?
Trong Bữa Tiệc Ly, Chúa Yêsu xác định chính mình như Giao Ước Mới. Mỗi lần cử hành Thánh Lễ, chúng ta nghe Chúa Yêsu nói: “Chén này là chén máu Thầy, máu giao ước mới và vĩnh cửu” (x. Mt 26,28; Lc 22,20).
Đức Hồng Y Jean Danielou, SJ, chuyên gia Phụng Vụ, đã ghi nhận: “Chúng ta không nên quên thực tế ‘Giao ước’ là một trong những Danh của Chúa chúng ta trong Kitô giáo thời sơ khai, theo văn bản của tiên tri Isaia: “Ta đã nắm tay ngươi, đã gìn giữ ngươi và đặt làm giao ước với dân, làm ánh sáng chiếu soi muôn nước (Is 42,6)” (x. Danielou. “Bí tích và lịch sử cứu độ”).
Các Giáo Phụ của Giáo Hội – các giám mục và các nhà lãnh đạo Giáo Hội trong những thế kỷ đầu tiên sau các Tông Đồ – hiểu lịch sử Thánh Kinh là hành trình thiết lập hàng loạt các giao ước giữa Thiên Chúa với những người Người lựa chọn, và đỉnh điểm là Giao Ước Mới của Đức Yêsu.
Thánh Irênê – giám mục Lyon, Pháp – vào cuối thế kỷ thứ hai, cho rằng, để hiểu “Chương trình và kế đồ cứu rỗi nhân loại của Thiên Chúa, chúng ta phải hiểu một số giao ước của Thiên Chúa với loài người và cũng là các nhân vật đặc biệt của mỗi giao ước” (x. Chống lạc thuyết, cuốn I, Chương 10, số 3).
Ngày nay Giao Ước xưa kia được thể hiện rõ trong Kinh nguyện Thánh Thể IV:
“Cha đã dựng nên con người giống hình ảnh Cha và cắt đặt trông coi vũ trụ … Rồi khi con người mất tình nghĩa với Cha vì không vâng phục, Cha đã không bỏ rơi con người trong sự chết … Một lần nữa Cha đã lập giao ước với con người, và … khi tới thời viên mãn, Cha đã sai Con Một của mình đến để cứu chuộc chúng con…”
Đó là một bản tóm tắt ngắn gọn khái quát tất cả những gì bạn sẽ tìm thấy trong Thánh Kinh.
Đức hồng y Yves Congar, OP viết: “Mối quan hệ quan trọng mà Thiên Chúa muốn thiết lập với những con người là Giao Ước”. Ngài nói thêm: “Nội dung và ý nghĩa của Thánh Kinh là kế hoạch giao ước của Thiên Chúa, cuối cùng sẽ nhận ra trong Chúa Yêsu Kitô … và trong Giáo Hội”.
Giáo Lý của Giáo Hội Công Giáo gọi: “Thiên Chúa của Giao Ước” (số 401) và mô tả Người là Thiên Chúa, Đấng “đến gặp con người đã giao ước” (số 309).
Tình yêu giao ước của Thiên Chúa được thể hiện trong việc tạo ra thế giới (số 288). Sách Giáo Lý nói, mỗi người chúng ta được gọi bước vào giao ước với Đấng Tạo Hóa của mình, với đức tin và tình yêu mà không ai khác có thể thay thế được (số 357).

 
Giao Ước là gì?

Sự khác biệt giữa Giao Ước và Hợp đồng
Chúng ta đã xác nhận giao ước là một từ khóa để đọc và hiểu Thánh Kinh. Đó cũng là khái niệm trung tâm giúp chúng ta hiểu và sống Lời Chúa và đón nhận các bí tích trong Giáo Hội.
Nhưng giao ước là gì?
Hãy bắt đầu với hạn từ này. Giao ước, tiếng Latin là convenire (có nghĩa “đến với nhau” hoặc “đồng ý”), tiếng Anh là covenant.
Đôi khi chúng ta sử dụng từ “giao ước” thay thế cho từ “hợp đồng”.
Nhưng đó là cách dung sai. Hạn từ “hợp đồng” không tương đồng với hạn từ “giao ước” trong Thánh Kinh. Tiêng Hipri là “Berith” và tiếng Hy Lạp là “Diatheke”.
Sự khác biệt giữa giao ước và hợp đồng trong Cựu Ước rất rõ ràng. Nó rõ đến mức nó khác nhau như “mại dâm” (hợp đồng) với “hôn nhân” (giao ước). Hoặc giữa việc “sở hữu” một người nô lệ (hợp đồng) với “có” một người con trai (giao ước).
Có hai khác biệt lớn giữa khái niệm hợp đồng và các khái niệm giao ước trong Thánh Kinh.
Đầu tiên, các hợp đồng liên quan đến lời hứagiao ước liên quan đến tuyên thệ.
Bạn làm một hợp đồng để mua một căn nhà,… và bạn hứa với người bán: “Tôi hứa với anh rằng tôi sẽ trả số tiền mua ngôi nhà này cho anh”. Người bán, đến lượt họ sẽ hứa: “Tôi hứa với anh rằng nếu anh trả tiền cho tôi như đã thỏa thuận, tôi sẽ giao cho anh nhà của tôi”.
Bạn sẽ ký tên trên hợp đồng để bảo đảm cho lời hứa của mình.
Còn giao ước có nhiều điều khác hơn. Trong một giao ước, bạn phải nâng cấp lời hứa lên. Không chỉ làm một văn bản, nhưng bạn phải cậy nhờ đến một thẩm quyền cao hơn – bạn gọi Thiên Chúa là nhân chứng của bạn trong giao ước.
Hãy suy nghĩ về những lời tuyên thệ. Lời thề của một nhân chứng trong một phiên tòa tại các nước Phương Tây thường: “Tôi hứa sẽ nói toàn bộ sự thật và không gian dối, xin Thiên Chúa giúp tôi”.
Bạn đã hứa bạn nói sự thật. Bạn cũng đã xin Chúa giúp bạn giữ lời hứa đó. Từ đây lời tuyên thệ của bạn không chỉ có vị thẩm phán nghe, mà tay ba: bạn, thẩm phán và Thiên Chúa. Từ bây giờ tại tòa án, nếu bạn nói dối, bạn không chỉ phải đi tù, mà bạn còn phải chịu trách nhiệm về sự trừng phạt của Thiên Chúa. Mặt trái của việc yêu cầu được Thiên Chúa giúp đỡ trong một lời tuyên thệ, bạn chấp nhận sự phán xét của Chúa. Bạn nói, có hiệu lực: “Tôi sẽ bị nguyền rủa nếu tôi không nói sự thật”.
Các vị tổng thống của Hoa Kỳ khi tuyên thệ nhậm chức đã đặt tay trên Thánh Kinh, và (trước đây) ngay tại chương 28 của sách Đệ Nhị Luật. Chương nói về các phúc lành và sự rủa sả. Chúng ta đã yêu cầu họ phải thề để duy trì hiến pháp để được chúc phúc hoặc nếu không sẽ bị rủa sả.
Ngay cả trong xã hội đề cao thế tục, chúng ta vẫn giữ lại các yếu tố lâu đời về tuyên thệ. Chúng ta cần các bác sĩ, nhân viên cảnh sát, quân nhân và công chức phải thề. Tại sao? Bởi vì chúng ta phụ thuộc vào họ, chúng ta đặt cuộc sống của chúng ta trong tay họ. Chúng ta muốn họ thề với Chúa rằng họ sẽ làm tốt công việc của họ. Chúng ta muốn họ biết rằng họ sẽ phải trả lời trước một thẩm quyền cao hơn.
Bạn biết không chữ “thề” dịch từ chữ Sacramentum của tiếng Latin. Chữ này chúng ta thuòng gọi là “bí tích”! Như vậy bí tích cũng là lời tuyên thệ.
Sự khác biệt lớn thứ hai giữa hợp đồng và các giao ước: hợp đồng là trao đổi tài sản, còn giao ước là trao đổi con người.
Hợp đồng liên quan đến việc bạn hứa sẽ trả một số tiền nhất định và đối tác ký hợp đồng với bạn để cung cấp một sản phẩm hoặc dịch vụ nhất định.
Giao ước thì có nhiều điều khác. Khi mọi người tham gia vào một giao ước, họ nói: “Tôi là của bạn và bạn là của tôi”. Trong hợp đồng, bạn trao đổi một cái gì đó mà bạn có – một kỹ năng, một phần tài sản, tiền bạc. Trong một giao ước bạn trao đổi chính con người bạn, bạn tự trao mình cho người khác.
Hôn nhân là một giao ước. Người đàn ông thề với người phụ nữ: “Anh là của em mãi mãi”. Người phụ nữ thề với người đàn ông: “Em là của anh mãi mãi”.

Ý nghĩa của Giao Ước trong Thánh Kinh
Bây giờ chúng ta đã sẵn sàng để xem cách giao ước hoạt động trong Thánh Kinh.
Các giao ước trên khắp thế giới thời cổ đại có nhiều nét tương đồng với giao ước trong Thánh Kinh.
Bạn sẽ tìm thấy các giao ước xưa có một hình thức nhất định: Có một phần mở đầu giới thiệu các giao ước, tiếp theo là xem xét lịch sử của mối quan hệ giữa hai bên, sau đó một loạt các quy định nhằm mô tả các nghĩa vụ của hai bên, cùng với một danh sách các phúc lành và lời nguyền rủa cho việc duy trì hoặc phá vỡ giao ước. Thông thường, các giao ước được “phê chuẩn” trong một buổi lễ long trọng. Tại buổi lễ đó có công bố nội dung và bằng chứng giao ước, sau đó là ăn uống.
Những gì Thiên Chúa nhắm đến trong việc đưa ra các giao ước này? Người đang xây dựng tín nhiệm trong quan hệ họ hàng linh thánh. Người nói với dân Người, “Ta sẽ là Thiên Chúa của chúng và chúng sẽ là dân của Ta … Ta sẽ là Cha cho anh chị em và anh chị em sẽ được nên con trai và con gái Ta”.
Bởi giao ước của Người, Thiên Chúa thăng hoa các thụ tạo của Người lên tình trạng của con cái Thiên Chúa. Qua giao ước, Đấng Tạo Hóa trở nên Cha của một gia đình. Loài người đang được chuyển đổi từ một cái gì đó là thể chất và tự nhiên thành một cái gì đó linh thánh và siêu nhiên. Con người đang được thay đổi từ chỉ đơn thuần là một loài thụ tạo được chia sẻ một số đặc điểm và đặc tính của Thiên Chúa đến tình trạng là anh chị em cùng chung một gia đình của Thiên Chúa là Cha.
Đường dây câu chuyện của Thánh Kinh được diễn ra trong bối cảnh của gia đình Thiên Chúa.
Thánh Kinh bắt đầu với giao ước của Thiên Chúa với Adam và Eva (mặc dù từ giao ước không được sử dụng). Bởi những trang cuối cùng của Thánh Kinh, chúng ta thấy rằng Giao Ước Mới, Thiên Chúa đã thực hiện trong Chúa Yêsu đã đón nhận toàn bộ thế giới.

 
Giới thiệu về các Giao ước của Thánh Kinh

Một số Giao Ước Thánh Kinh
Chúng ta thấy có sáu giao ước chính trong Thánh Kinh
  • Adam và Eva (Sáng thế 1,26-2,03)
  • Noe và gia đình của ông (Sáng thế 9,8-17)
  • Abraham và con cháu ông (Sáng thế 12,1-3; 17,1-14; 22,16-18)
  • Môsê và dân Israel (Xuất hành 19,5-6; 3,4-10; 6,7)
  • Đavit và Vương quốc Israel (2 Samuel 7,8-19)
  • Chúa Yêsu và Giáo Hội (Matthêu 26.28; 16,17-19)
Điều quan trọng là biết nội dung các giao ước này cũng như những gì Thiên Chúa hứa và những gì mà những người tham gia vào các giao ước được yêu cầu phải làm/phải giữ.

Các nhân vật của Giao Ước Thánh Kinh
Bây giờ chúng ta sẽ làm nổi bật một số điểm đặc biệt của mỗi điều khoản trong giao ước. Chúng ta cần nhớ năm đặc điểm sau đây của mỗi giao ước.
* Trung gian giao ước (Thiên Chúa giao ước với con người qua ai/cái gì?) và vai trò của người trung gian trong giao ước (trung gian đại diện)
* Các phúc lành được hứa trong giao ước
* Các điều kiện (hoặc nguyền rủa) của giao ước
* Dấu chỉ của của giao ước
* Các mô hình – gia đình của Thiên Chúa

Giao ước với Adam (Sáng thế 1,26-2,03)
Từ “giao ước” không được sử dụng, nhưng câu chuyện của Adam và Eva được kể bằng ngôn ngữ “giao ước”. Adam là trung gian giao ước trong vai trò của mình như là người chồng. Đức Chúa Trời hứa ban phúc – sinh con đầy mặt đất và cai quản vũ trụ. Thiên Chúa thiết lập một dấu hiệu giao ước để được ghi nhớ và tôn vinh – ngày Sabát, ngày thứ bảy.
Và Thiên Chúa đòi một điều kiện buộc họ phải tiếp tục thực hiện nghĩa vụ của mình theo giao ước là họ không ăn trái của cây biết điều thiện và điều ác. Thiên Chúa buộc một lời nguyền cho sự bất tuân – rằng họ chắc chắn sẽ chết.
Bởi việc này, gia đình Thiên Chúa là gia đình giới hạn.

Giao ước với ông Noe (Sáng thế 9:8-17)
Từ “giao ước” được sử dụng trong trường hợp của ông Noe. Thiên Chúa hứa sẽ không bao giờ hủy diệt thế giới bằng lũ lụt nữa. Giao ước được thực hiện với tất cả nhân loại, thông qua trung gian hòa giải là ông Noe, trong vai trò là người cha của gia đình mình.
Giao ước bao gồm phúc lành cho ông Noe và gia đình của mình. Còn điều kiện phải tuân theo là không uống máu của bất kỳ loài động vật nào (x. St 9, 4), không đổ máu con người (St 9, 5). Dấu hiệu của giao ước là cầu vồng trên bầu trời. Bởi giao ước này, hộ gia đình của Thiên Chúa thành một gia đình mở rộng.

Giao ước với Abraham (Sáng thế 12:1-3; 17:1-14; 22:16-18)
Thiên Chúa thề sẽ cho Abraham một vùng đất tuyệt vời và ban phúc cho con cháu ông, những người sẽ trở thành một quốc gia vĩ đại. Thiên Chúa làm cho Abraham thành trung gian hòa giải của giao ước trong vai trò đại diện cho mình như là thủ lĩnh. Thiên Chúa hứa ban các phúc lành là đất – quốc gia làm gia nghiệp, cho có nhiều con cháu, và thông qua con cháu Abraham, chúc lành cho tất cả mọi người thuộc các quốc gia trên trái đất.
Dấu hiệu của giao ước là dấu hiệu của cắt bì. Cắt bì cũng là điều kiện mà Abraham và con cháu ông phải tuân theo để giữ giao ước. Bởi giao ước này, gia đình của Thiên Chúa là có một hình thức “bộ lạc/sắc tộc”.

Giao ước với Môsê (Xuất hành 19,5-6; 3,4-10; 6,7)
Giao ước này, được thực hiện qua trung gian hòa giải của Môsê trong vai trò đại diện của mình, đồng thời cũng là thủ lãnh giải phóng Israel. Thiên Chúa thề sẽ là Đức Chúa Trời của Israel và Israel thề sẽ thờ phượng một mình Thiên Chúa. Các phúc lành được hứa rằng họ sẽ là những người quý giá và được Thiên Chúa tuyển chọn.
Các điều kiện của giao ước là họ phải giữ pháp luật và điều răn của Thiên Chúa.
Dấu hiệu giao ước là lễ Vượt Qua, trong đó mỗi năm kỷ niệm như ngày sinh nhật của quốc gia Israel. Bởi giao ước này, gia đình của Thiên Chúa trở thành “dân thánh, một dân chuyên lo tế tự, dân tư tế”.

Giao ước với Đavit (2 Samuel 7,8-19)
Thiên Chúa hứa sẽ thiết lập giao ước với “nhà” Đavit hoặc vương quốc mãi mãi, thông qua người thừa kế của Đavid. Đavit cũng là trung gian hòa giải. Đavit trong vai trò của vị vua được Thiên Chúa hứa sẽ làm cho nên con Thiên Chúa (thiên tử). Dấu chỉ là con cái kế nghiệp Đavit. Điều kiện là nếu làm sai sẽ bị đánh phạt, nhưng vương triều sẽ không bao giờ bị mất.
Bởi giao ước này, gia đình của Thiên Chúa phát triển thành một đế chế hoàng gia, một vương quốc.

Giao Ước Mới của Đức Yêsu (Matthêu 26,28; 16,17-19)
Giao ước thứ sáu và cuối cùng được thực hiện bởi trung gian là Chúa Yêsu, Đấng nhờ chết trên Thánh Giá và Phục Sinh của Ngài đã trở nên thượng tế của gia tộc vương giả và đáp ứng tất cả những lời hứa của Thiên Chúa đã được thực hiện trong các giao ước trước đó.
Các tiên tri, đặc biệt là Ysaia và Yêrêmia, đã dạy cho Israel hy vọng về một Đấng Cứu Thế sẽ mang lại “một giao ước mới”, nhờ đó luật pháp của Thiên Chúa sẽ được viết trong tim của những người đàn ông và đàn bà (x. Yêrêmia 31,31-34; Hipri 8,8 -12).
Các điều kiện của giao ước là những người đàn ông và đàn bà tin vào Chúa Yêsu, được rửa tội, ăn và uống Máu Thịt của Chúa trong hy lễ Tạ Ơn, và sống theo tất cả những gì Ngài dạy. Bí Tích Thánh Thể là dấu hiệu của Giao Ước Mới. Bởi giao ước này, Thiên Chúa thiết lập gia đình trong dạng thức phổ quát (katholicos trong tiếng Hy Lạp, nghĩa là “công giáo”) vương quốc trên toàn thế giới, là Giáo Hội Chúa Yêsu kêu gọi, thiết lập.


Thánh Kinh: Một cái nhìn toàn cảnh

Một cuốn sách của Giao Ước
Qua sáu giao ước, chúng ta có một nhìn toàn cảnh của về toàn bộ Thánh Kinh với những câu chuyện về nguồn gốc và số phận của nhân loại.
Nếu chúng ta nhìn Thánh Kinh là “cuốn sách của giao ước” thì chúng ta có một cái nhìn hoàn toàn mới.
Thánh Kinh, không đơn giản là một sưu tập những tập thơ riêng biệt, những sách lịch sử và những lời tiên tri được viết trong suốt nhiều thế kỷ, nhưng đó là một cuốn sách kể về một câu chuyện duy nhất. Đó là câu chuyện của tình yêu Thiên Chúa đối với dân Ngài. Đó là câu chuyện của kể về Thiên Chúa từ từ và kiên nhẫn mạc khải kế hoạch của mình cho thế giới. Ngài dạy dân Ngài biết lý do tại sao con người được sinh ra – chia sẻ cuộc sống với Ngài, là một thành phần gia đình của Ngài, là con cái của Ngài.
Đọc Thánh Kinh từ đầu đến cuối như “cuốn sách của giao ước”, chúng ta thấy rằng với mỗi giao ước, Thiên Chúa cho thấy thêm một chút về chính mình Ngài và thêm một chút về mối quan hệ, mà Ngài muốn có với con người, cho đến cuối cùng trong Chúa Yêsu, Ngài cho chúng ta thấy rằng Ngài muốn chúng ta chia sẻ tất cả với Ngài, là tham gia vào trung tâm của Thiên Chúa Ba Ngôi.


Giúp nhớ lại những gì đã đọc

1. Theo cha Yves Congar, “nội dung và ý nghĩa” của Thánh Kinh là gì?
2. Hai sự khác biệt lớn giữa các giao ước và hợp đồng là gì?
3. Thiên Chúa đang làm gì thông qua giao ước của Ngài không?
4. Sáu giao ước chính của Thánh Kinh là gì?
5. Năm khía cạnh mà cần phải được ghi nhớ về các giao ước trong Thánh Kinh là gì?
6. Từ tiếng Hy Lạp phổ quát là gì? Những gì từ đó cho chúng tôi biết về Giáo Hội mà Chúa Yêsu thành lập?
7. Hãy trình bày các mô hình gia đình Thiên Chúa qua sáu giao ước và cho biết suy nghĩ của bạn về sự thay đổi các mô hình này.
AN THANH, CSsR
Viết theo tài liệu của St. Paul Center

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét