Trang

Thứ Ba, 25 tháng 6, 2013

Tìm hiểu cách đọc Kinh Thánh (21)



Tìm hiểu cách đọc Kinh Thánh (21)


VIỆC GIẢI THÍCH ĐEM QUÁ KHỨ VÀO HIỆN TẠI[1]
Bạn đã xem bộ phim viễn tưởng Inkheart chưa? Nội dung chính của bộ phim là thế này: Khi Mo Folchart đọc câu truyện trong quyển Inkheart thì các nhân vật trong đó nhẩy ra khỏi trang sách (đúng theo nghĩa đen!), hạn như ngựa bạch có một sừng, khỉ có cánh,… Và điều này đã gây ra những vấn đề nghiêm trọng. Đáng sợ nhất đó là khi quyển sách lọt vào tay một tên đầu sỏ khét tiếng. Hắn muốn dùng câu truyện Bóng đen quái ác trong quyển sách để tàn phá thế giới. Mo và các nhân vật nhảy ra từ quyển sách đã phải liều mình để ngăn chặn âm mưu kia. Đặc biệt, sát cánh bên Mo là cô con gái thân yêu và tác giả quyển sách. Họ đã làm gì để cứu thế giới? Thưa: Tác giả đã viết lại câu truyện trong quyển sách của ông. Ông viết lại rằng Bóng đen bị chặn lại, kẻ xấu kia bị trừng phạt và sau đó những nhân vật nhẩy ra từ quyển sách được đưa trở về thế giới của họ. Chính cô con gái của Mo đã đọc lên tất cả những gì ông viết ra, cộng với phần viết thêm của cô; khi cô đọc tới đâu thì tất cả đều xảy ra như vậy, và sau cùng, họ đã cứu được thế giới khỏi thảm họa diệt vong! 
Có lẽ đây là bộ phim hay diễn tả sống động mối tương quan giữa tác giả, bản văn và độc giả. Cả ba đều có vai trò quan trọng làm cho ý nghĩa của câu truyện (bản văn) không bị vùi lấp trong tro tàn quá khứ, nhưng sống động và ảnh hưởng trong hiện tại nữa. Có thể nói mỗi khi câu truyện được đọc và được giải thích thì các nhân vật lại “nhảy vào” hiện tại. Hệ quả tốt hay xấu là tùy vào người đọc, như trường hợp trong bộ phim trên chẳng hạn. Như vậy, việc đọc và giải thích chính là chiếc cầu nối hai bờ quá khứ và hiện tại cho một bản văn. Nếu nói theo ngôn ngữ mạng thì việc giải thích là “cổng” thông giữa quá khứ và hiện tại.   
Lý thuyết giải thích bổ túc cho các phương pháp phê bình khác
Bởi vì trong Kinh Thánh, các Kitô hữu tìm ý nghĩa của các bản văn cổ cho hiện tại, nên công việc phê bình văn chương và lịch sử phải được tháp vào trong một mẫu giải thích vượt lên trên khoảng cách về thời gian giữa nguồn gốc của bản văn và thời hiện đại của chúng ta. Chính Kinh Thánh và lịch sử của việc giải thích Kinh Thánh đều cho thấy một cái khung (pattern) cho việc đọc lại các bản văn dưới ánh sáng của những hoàn cảnh mới.
Lý thuyết giải thích bổ túc cho các phương pháp phê bình Kinh Thánh, giúp ý nghĩa của bản văn Kinh Thánh có thể “đi xuyên thời gian” tới được các thế hệ tín hữu khác nhau. Cụ thể, các phương pháp văn chương chỉ có thể giải thích những gì ở trong bản văn. Các phương pháp lịch sử chỉ có thể xem xét những gì bản văn có ý nói trong quá khứ. Nhưng đối với các Kitô hữu, “Kinh Thánh là Lời Thiên Chúa nói với mọi thời đại kế tiếp nhau. Vì thế, không thể bỏ qua một lý thuyết giải thích giúp đưa các phương pháp phê bình văn chương và lịch sử vào trong một khuôn mẫu giải thích rộng hơn.”
Một lý thuyết giải thích là điều cần thiết để giải thích mối liên hệ giữa bản văn với thực tại cũng như giữa ý nghĩa trong quá khứ với ý nghĩa lúc này. (Khoa giải thích vì vậy được gọi theo tên vị thần Hermes, chiếc cầu nối và sứ giả mang ý của thần linh xuống cho loài người). Trong trường hợp Kinh Thánh là Lời Thiên Chúa, lý thuyết giải thích phải giải thích bằng cách nào những trang sách loài người này có thể là Lời Chúa cho dân Người, nghĩa là không chỉ là một tài liệu cổ xưa nhưng còn là lương thực nuôi sống hôm nay.
Không ai có thể hiểu hoặc áp dụng bất cứ tài liệu nào từ quá khứ mà không có bất cứ bước giải thích nào, nhằm bắc nhịp cầu giữa quá khứ và hiện tại. Ví dụ: Khi Tòa Thượng Phẩm Hoa Kỳ muốn giải thích Hiến Pháp liên quan đến “tự do ngôn luận” trên internet thì họ phải xem xét từ những luận cứ các ý tưởng của những người sáng lập, rồi hệ quả trước đây về pháp luật, cho đến lúc viết ra bản Hiến Pháp cũng như khi internet xuất hiện như một thực tại mới mẻ, để rồi sau đó mới áp dụng một tài liệu cổ 200 năm vào hoàn cảnh hôm nay. Rõ ràng Hiến Pháp Hoa Kỳ, dù được viết đã lâu, nhưng vẫn có cái gì đó để nói với con người hôm nay. Nhưng để hiểu bản Hiến Pháp đó thì người ta phải giải thích nó một cách khác với một bản văn mới viết trong thời gian gần đây.
Các lý thuyết giải thích hiện đại
Đó là các lý thuyết của Rudolf Bultmann, Hans Georg Gadamer và Paul Ricoeur.
Theo văn kiện Việc Giải Thích Kinh Thánh Trong Hội Thánh, Bultmann nhấn mạnh sự cần thiết phải có con đường nối kết giữa ý nghĩa thuộc quá khứ và ý nghĩa cho thời hiện tại, bởi vì có khoảng cách về lịch sử văn hóa giữa thế kỷ I và XX. Tuy nhiên, vì Bultmann biến triết học của ông thành quy tắc giải thích Kinh Thánh hơn là khí cụ giúp hiểu đối tượng chính, đó là Chúa Giêsu Kitô, nên lý thuyết của ông bị coi là không thích hợp.
Gadamer thì nhấn mạnh mối tương giao giữa “chân trời” của người giải thích và “chân trời” của bản văn. Sự tương giao giữa hai chân trời này (the fusion of horizons) xảy ra vào mỗi thế hệ độc giả, và hệ quả là, dĩ nhiên dẫn đến những chiều kích mới cho ý nghĩa của bản văn. Ví dụ trình thuật Sáng tạo trong sách Sáng Thế sau này được các nhóm bảo vệ môi trường sử dụng như nền tảng cho lập trường của họ. Phong trào nữ quyền cũng vậy.
Ricoeur thì nhấn mạnh nhu cầu phải giữ được thế cân bằng giữa những chiều kích khách quan và chủ quan trong việc giải thích. Chính vì có khoảng cách giữa bản văn và người đọc, nên các phương pháp văn chương trở nên cần thiết cho việc giải thích, để tôn trọng tính “khác” của bản văn. Tuy nhiên, “chỉ có thể có trọn vẹn ý nghĩa của một bản văn nếu bản văn đó được hiện thực hóa trong cuộc sống cụ thể của những độc giả đang tìm cách lãnh hội nó. Khởi đi từ hoàn cảnh của mình, độc giả được mời gọi khám phá những ý nghĩa mới, theo đường hướng của ý nghĩa nền tảng đã được bản văn nêu lên. Tri thức Kinh Thánh không được dừng lại ở ngôn ngữ, mà phải cố đạt tới thực tại mà ngôn ngữ trong bản văn muốn nói. Ngôn ngữ tôn giáo trong Kinh Thánh là một ngôn ngữ biểu tượng, ngôn ngữ này ‘thúc đẩy suy nghĩ’, một thứ ngôn ngữ mà người ta không ngừng khám phá được kho tàng ý nghĩa phong phú, một thứ ngôn ngữ nhắm tới một thực tại siêu việt nhưng đồng thời cũng đánh thức con người nghĩ đến những chiều kích sâu xa nhất trong cuộc đời của chính mình.”
Theo Ricoeur, một bản văn chỉ được hiểu trọn vẹn khi nó được “hiện thực hóa trong đời sống cụ thể của những người đang tìm cách lãnh hội nó.” Hiểu Kinh Thánh không phải chỉ là vấn đề hiểu từ ngữ hay khái niệm nhưng là “phải cố đạt tới thực tại mà ngôn ngữ trong bản văn muốn nói.”[2]
Ích lợi của các lý thuyết giải thích đối với khoa chú giải
Trong phần đánh giá khoa giải thích của Bultmann, Gadamer và Ricoeur, văn kiện kết luận rằng những bước giải thích nhằm bắc nhịp cầu giữa quá khứ và hiện tại không phải là chuyện tùy ý, nhưng là chuyện hết sức cần thiết: “Kinh Thánh là Lời Thiên Chúa nói với mọi thời đại kế tiếp nhau. Vì thế, không thể bỏ qua một lý thuyết giải thích giúp đưa các phương pháp phê bình văn chương và lịch sử vào trong một khuôn mẫu giải thích rộng hơn. Đó là vấn đề làm sao vượt qua khoảng cách giữa thời đại của các tác giả và những độc giả đầu tiên đọc các bản văn Kinh Thánh với thời hiện đại của chúng ta, cũng như vấn đề làm sao hiện tại hóa đúng các sứ điệp của các bản văn Kinh Thánh để nuôi dưỡng đời sống đức tin của các tín hữu. Vì thế, mọi loại chú giải các bản văn đều được mời gọi tự bổ túc nhờ một ‘khoa giải thích’, hiểu theo nghĩa hiện đại của từ này.”
Từ “hiện thực hóa” trong trích dẫn trên của văn kiện nói lên tất cả việc bắc cầu nối giữa quá khứ và hiện tại, vốn rất quan trọng đối với ngành giải thích Công giáo. Theo cách dùng của văn kiện, “hiện thực hóa” có nghĩa mang vào hiện tại (“actualization”, gốc từ tiếng Pháp chỉ “hiện tại = actuel”). Đây là lần đầu tiên hạn từ này trở thành quan trọng trong một văn kiện của Hội Thánh về Kinh Thánh. Văn kiện đã sử dụng thuờng xuyên hạn từ này và dành một phần chính của một chương cho đề tài này (IV.A).
Mẫu giải thích Kinh Thánh trong cả Kinh Thánh lẫn Truyền Thống đều chứng tỏ nhu cầu lấp đầy khoảng cách giữa ý nghĩa trong quá khứ (meant) và ý nghĩa cho hiện tại (mean): “Chính Kinh Thánh cũng như lịch sử việc giải thích Kinh Thánh cho thấy cần phải có một khoa giải thích, nghĩa là một thứ giải thích xuất phát từ thế giới ngày nay và ngỏ lời với thế giới ngày nay. Toàn thể các tác phẩm Cựu Ước và Tân Ước được coi như sản phẩm của một tiến trình dài, trong đó những biến cố nền tảng không ngừng tìm được một sự giải thích lại nhờ gắn liền với sinh hoạt của các cộng đoàn tín hữu.”
Những điều nói trên đây có những hệ luận quan trọng cho ngành giải thích Kinh Thánh hiện nay. Theo văn kiện, “Việc giải thích hoàn toàn trung thành với ý hướng thích đáng của bản văn Kinh Thánh khi nó không chỉ nhắm đến trung tâm của công thức để tìm ra thực tại đức tin được diễn tả ở đó, nhưng còn tìm cách nối kết thực tại này với kinh nghiệm đức tin trong thế giới hôm nay của chúng ta nữa.”
Nhận xét và kết luận
Nhìn chung, ích lợi của khoa giải thích theo quan điểm triết học thật rõ ràng. Dù vậy, văn kiện không đi sâu vào các vấn đề vẫn còn tranh luận về các lý thuyết này.
Một điều thú vị khác đó là văn kiện không bàn đến vai trò ý tác giả trong việc giải thích. Khoa giải thích của Gadamer và Ricoeur được trình bày trong văn kiện là tập trung vào bản văn (và ở mức độ nào đó là tập trung vào người đọc), hơn là tập trung vào ý tác giả. Dù cho rằng cần phải sử dụng phê bình lịch sử để tôn trọng “tha tính” của bản văn, Ricoeur cũng nói: “Không phải ý định của tác giả, được giả thiết nằm phía đằng sau bản văn, cũng chẳng phải hoàn cảnh lịch sử chung giữa tác giả và độc giả ban đầu của ông, cũng chẳng phải những trông chờ hoặc cảm nghĩ của các độc giả này, thậm chí chẳng phải việc họ hiểu về họ như hiện tượng lịch sử và văn hóa, nhưng những gì cần phải được lãnh hội đó là ý nghĩa của chính bản văn, được cưu mang theo cách thức năng động như một đà tư tưởng do chính bản văn mở ra. Nói cách khác, những gì cần được lãnh hội không gì khác hơn là sức mạnh mở ra một thế giới, một thế giới ôm ấp thực tại mà bản văn muốn nói đến.
Tuy nhiên, phương pháp phê bình lịch sử và ngành giải thích Công giáo kể từ Divino afflante Spiritu (1943) đã nhấn mạnh việc hiểu ý tác giả như nhiệm vụ hàng đầu. Làm sao dung hòa hai cái nhìn khác biệt này? Đề tài này sẽ được bàn đến trong phần nói về nghĩa đen (hoặc nghĩa theo chữ, nghĩa văn tự = the literal sense) ở bài sau.
Cái nhìn của khoa giải thích theo quan điểm triết học cho thấy một nhiệm vụ quan trọng đặc biệt đối với các nhà giải thích Công giáo, đó là nối kết việc sử dụng kiến thức khoa học với việc sử dụng những nguyên tắc thần học và đức tin. Khoa giải thích thật sự trở thành bản lề nối kết đức tin và lý trí. Trong lãnh vực giải thích, có thể liệt kê một số điểm sau:
Thứ nhất, việc thừa nhận vai trò của tiền thức cho thấy lối tiếp cận Kinh Thánh từ góc độ đức Tin Công giáo là chuyện chính đáng, đồng thời góp phần đối thoại với những ai tiếp cận Kinh Thánh từ một góc độ khác.
Hai, cái nhìn cho rằng để có thể hiểu đúng bản văn thì cần phải có sự liên đới hoặc thuộc về giữa bản văn và người giải thích là một thuận lợi cho đức tin và Kinh Thánh Kitô giáo. Hơn nữa, cái nhìn này cũng thúc đẩy sự nhìn nhận vai trò của cộng đoàn đức tin trong việc giải thích Kinh Thánh.
Ba, dù không giải quyết mọi vấn nạn, nhưng nguyên tắc cho rằng lý thuyết giải thích và tiền thức không được đối nghịch sứ điệp của Kinh Thánh (hoặc bất cứ điều gì tạo nên một phán đoán tiên thiên chống lại Kinh Thánh) chứng tỏ thật hữu ích nhằm ngăn ngừa những lối tiếp cận không phù hợp với Kinh Thánh.
Bốn, việc thừa nhận ý nghĩa của bản văn không bị giới hạn vào ý nghĩa của hoàn cảnh lịch sử quá khứ đã góp phần giải thoát việc giải thích khỏi não trạng duy sử hẹp hòi. Hơn nữa, nó cũng đề cao giá trị của truyền thống giải thích và mở cửa cho việc hiện thực hóa.
Năm, khả năng có đa nghĩa trong bản văn phù hợp với truyền thống lâu đời của Hội Thánh về bốn nghĩa trong Kinh Thánh.
Sau cùng, việc thừa nhận vai trò của khoa giải thích giúp bắc cầu từ ý nghĩa quá khứ (then) sang hiện tại (now) chứng tỏ việc giải thích Kinh Thánh vượt quá công việc của ngành khảo cổ. Khoa giải thích cũng có vai trò quan trọng trong việc giảng Lời Chúa hoặc dạy giáo lý vì đây là những lãnh vực áp dụng Kinh Thánh vào những hoàn cảnh và vấn nạn mới.
LM. JM. Mười Một, CSsR





[1] Nội dung bài này tiếp nối bài trước (nói về Việc giải thích theo quan điểm triết học) và dựa trên Chương 5 “The Contribution of Philosophical Hermeneutics” trong quyển Catholic Principles for Interpreting Scripture của Peter S. Williamson, 76-90. Williamson phân tích phần “Các lý thuyết giải thích theo triết học” trong văn kiện Việc Giải Thích Kinh Thánh Trong Hội Thánh. Vì vậy, bài viết đây cũng chủ yếu dựa trên văn kiện này.
[2] Xin đọc Verbum Domini, “Đức Maria, Mẹ của Ngôi Lời Thiên Chúa và Mẹ đức tin” (27-28), “Các thánh và việc giải thích Kinh Thánh” (48-49). 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét