Tìm hiểu cách đọc Kinh Thánh (19)
NGƯỜI CÔNG GIÁO PHÂN TÍCH KINH THÁNH NHƯ THẾ NÀO?
Truyện cổ tích Cây tre trăm đốt kể rằng có anh chàng nhà nghèo kia tốt bụng và siêng năng làm việc bị một lão nhà giàu lừa gạt. Lão hứa nếu anh tìm được cây tre trăm đốt thì sẽ gả cô con gái cho anh. Bụt đã hiện ra giúp anh này và dạy đọc “Khắc nhập!”, “Khắc xuất!” để có được cây tre trăm đốt. Nhờ Bụt giúp đỡ, anh nhà nghèo đã trừng trị được lão nhà giàu kia và cưới được vợ hiền. Trong đời sống đức tin, nói một cách nào đó, để việc đọc Kinh Thánh đem lại nhiều lợi ích thiêng liêng cao quý cho mình, các Kitô hữu cũng cần hô “Khắc xuất!” và “Khắc nhập!” đối với bản văn Kinh Thánh. “Khắc xuất!” ám chỉ việc phân tích chi tiết bản văn Kinh Thánh, và ngược lại, “Khắc nhập!” là gói ghém tất cả mọi chi tiết lại thành một ý.
Trước hết, “Khắc xuất!” ám chỉ việc phân tích bản văn Kinh Thánh. Ngày nay, từ “phân tích” mang nét nghĩa “khoa học” và “khách quan”, nhưng gốc Hy-lạp của từ này mang âm hưởng “tháo rời cái gì đó ra thành từng mảnh rồi tập trung vào từng mảnh một”, tương tự như làm cho cây tre trăm đốt rời ra thành từng đốt một vậy.[1]
Vì Hội Thánh Công giáo tin Kinh Thánh là Lời Thiên Chúa trong ngôn ngữ loài người, nên khi tìm hiểu Kinh Thánh, người đọc cần áp dụng các phương pháp phân tích văn chương và lịch sử, gọi chung là phương pháp phê bình lịch sử.[2] Sau đây chúng ta cùng áp dụng phương pháp phân tích văn chương và lịch sử để phân tích đoạn Mt 11,25-30.
25 Vào lúc ấy, Đức Giê-su cất tiếng nói : “Lạy Cha là Chúa Tể trời đất, con xin ngợi khen Cha, vì Cha đã giấu không cho bậc khôn ngoan thông thái biết những điều này, nhưng lại mặc khải cho những người bé mọn. 26 Vâng, lạy Cha, vì đó là điều đẹp ý Cha. 27 Cha tôi đã giao phó mọi sự cho tôi. Và không ai biết rõ người Con, trừ Chúa Cha ; cũng như không ai biết rõ Chúa Cha, trừ người Con và kẻ mà người Con muốn mặc khải cho. 28 Tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng. 29 Anh em hãy mang lấy ách của tôi, và hãy học với tôi, vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường. Tâm hồn anh em sẽ được nghỉ ngơi bồi dưỡng. 30 Vì ách tôi êm ái, và gánh tôi nhẹ nhàng.”
CÁC PHƯƠNG PHÁP VĂN CHƯƠNG (còn gọi là “đồng đại”)[3]
Trước hết, ta hô “Khắc xuất!” để “tháo rời” bản văn Mt 11,25-30 thành bảy “đốt” (yếu tố), rồi chúng ta sẽ tập trung vào từng “đốt” đó như sau:
1. Bối cảnh: Đoạn Mt này nằm trong một phần lớn hơn, đó là hai chương 11 và 12. Hai chương này cho thấy nhiều người Do-thái từ khước Chúa Giêsu. Đoạn Mt này nhắm giải thích tại sao lời dạy khôn ngoan của Chúa Giêsu cần được đón nhận như từ Thiên Chúa mà đến, cũng như giải thích tại sao một số người khước từ Chúa Giêsu.
2. Từ ngữ và hình ảnh: Hình ảnh “Cha” và “Chúa Tể trời đất” cho thấy tương quan gần gũi của Chúa Giêsu với Thiên Chúa và uy quyền của Thiên Chúa trên vũ trụ. Sau đó là cặp đối kháng giữa mạc khải và giấu kín, người thông thái và bé mọn. Các từ ngữ và hình ảnh này làm cho lời mời gọi của Chúa Giêsu trong Mt 11,28-30 mang cấu trúc “đồng quy”: (A) gánh nặng (11,28a) – (B) nghỉ ngơi (11,28b) – (C) Chúa Giêsu là thầy dạy khôn ngoan – (B) nghỉ ngơi (11,29b) – (A) gánh nặng (11,30). Cấu trúc này làm nổi bật ý nghĩa Chúa Giêsu có những lời dạy khôn ngoan từ Thiên Chúa và cho người đang gánh nặng nề và mệt mỏi được nghỉ ngơi.
3. Các nhân vật: Chúa Giêsu là nhân vật chính. Ngoài ra có Chúa Cha và người bé mọn. Người bé mọn là người được Chúa Giêsu mạc khải cho sự khôn ngoan của Chúa Cha để nhờ đó họ được nghỉ ngơi.
4. Cấu trúc: Có ba đơn vị văn chương nhỏ: 11,25-26; 11,27; và 11,28-30. Ba đơn vị này cũng được xếp “đồng quy”: (A) những người nhận mạc khải (11,25-26); (B) Chúa Giêsu là người mạc khải tối hậu của Thiên Chúa (11,27); và (A) những người nhận mạc khải (11,28-30). Cấu trúc này làm nổi bật chủ đề Chúa Giêsu mang đến sự khôn ngoan từ trời.
5. Văn thể: Tương tự các phần khác trong Kinh Thánh, Mt 11,25-30 cũng có phần “tạ ơn” (11,25-26), “tuyên bố” (11,27) và “mời gọi” (11,28-30).
6. Nội dung: Mt 11,25-30 xác quyết rằng Người Con Giêsu thật đáng tin tưởng, không chỉ như bậc thầy khôn ngoan, nhưng còn như người mang mạc khải tối hậu của Chúa Cha. Những ai từ khước Người và lời dạy của Người sẽ không thể hiểu Người cũng như nguồn gốc sự khôn ngoan của Người. Trái lại, những ai khiêm tốn sẽ hiểu Người, một vị thầy “hiền lành và khiêm nhường”.
7. Chức năng: Trong toàn bộ Tin Mừng Mt, Chúa Giêsu được trình bày như một bậc thầy khôn ngoan. Nhưng Người thường bị từ khước và nhất là sau cùng bị đóng đinh trên thánh giá. Mt 11,25-30 đóng vai trò như chìa khóa nhằm giải thích sự tăm tối khủng khiếp đó (đặc biệt hai chương 11 và 12). Thật vậy, Mt 11,27 có thể được xem như một trong những lời khẳng định thần học trung tâm của toàn bộ Tin Mừng Mt.
NHỮNG PHƯƠNG PHÁP LỊCH SỬ (còn gọi là “dị đại, dị thời”)[4]
Những nét giống nhau và bối cảnh
Tin Mừng Mt được coi là có nhiều “chất Do-thái” nhất trong các Tin Mừng. Vì vậy, chúng ta sẽ xem xét Mt 11,25-30 có những nét nào giống với Do-thái giáo. Khi chúng ta hiểu được những nét đó trong Do-thái giáo có ý nghĩa gì thì chúng ta sẽ hiểu chính xác hơn Mt 11,25-30. Cụ thể có ba nét giống nhau sau đây:
1. Mt 11,25-30 bắt đầu bằng công thức “Con xin tạ ơn Cha” (11,25). Đây chính là một truyền thống của Do-thái giáo khi bắt đầu cầu nguyện, luôn tạ ơn vì hồng ân Thiên Chúa đã ban. Ở đây, Chúa Giêsu tạ ơn Chúa Cha đã sai Người đến ban lời mạc khải cho loài người.
2. Lời tuyên bố của Chúa Giêsu về tương quan đặc biệt của Người với Chúa Cha (11,27) thật sự là một lời vô cùng cao cả trong Mt (sánh bằng với Tin Mừng Ga). Nhưng trong Mt, lời mô tả này về con người Chúa Giêsu như bậc thầy khôn ngoan có nét giống với Khôn Ngoan được nhân cách hóa như một con người trong truyền thống Do-thái giáo.
3. Lời mời gọi của Chúa Giêsu (11,28-30) hãy mang lấy ách của Người cũng thật giống một truyền thống khôn ngoan của Do-thái giáo, cụ thể là sách Huấn Ca (hoặc Sirắc). “Ách” không chỉ cho thấy đời sống nông nghiệp nặng nhọc thời xưa, mà trong văn chương Do-thái còn có ý ám chỉ một tiến trình học hỏi khôn ngoan đầy vất vả. Điều lạ lùng ở đây là “ách Chúa êm ái và gánh Chúa nhẹ nhàng”.
Lịch sử bản văn Tin Mừng
Hội Thánh Công giáo tin rằng bản văn Tin Mừng đã trải qua ba giai đoạn để có được hình thức sau cùng như hôm nay. Ba giai đoạn đó là: 1/ Cuộc đời và giáo huấn của Chúa Giêsu, 2/ Giáo huấn truyền khẩu thời Hội Thánh sơ khai, 3/ Các sách Tin Mừng. Vì vậy, để hiểu đúng một bản văn Tin Mừng, chúng ta cần đọc theo ba giai đoạn trên. Cụ thể, đoạn Mt 11,25-30 cho chúng ta một minh họa rất tốt như sau:
Giai đoạn 1 – Chúa Giêsu: Các Tin Mừng đều trình bày Chúa Giêsu như một bậc thầy khôn ngoan Do-thái. Người sử dụng nhiều văn thể và đề tài thông dụng thời bấy giờ để giảng dạy. Mt 11,25-30 thật phù hợp với cái nhìn này về con người Chúa Giêsu.
Giai đoạn 2 – Giáo huấn truyền khẩu thời Hội Thánh sơ khai: Đối với các Kitô hữu, Chúa Giêsu còn hơn một bậc thầy khôn ngoan. Người là Con Thiên Chúa. Các phân tích văn chương Mt 11,25-30 còn cho thấy có nhiều nguồn dữ liệu khác nữa, hạn như nguồn Q (từ chữ Quelle, tiếng Đức có nghĩa là “nguồn”), đó là đoạn 11,25-26,27; từ tài liệu riêng của thánh Mátthêu (11,28-30); rồi của các thánh Máccô và Gioan. Điều này chứng tỏ trong khoảng thời gian giữa Chúa Giêsu và các sách Tin Mừng được hoàn chỉnh như hôm nay (từ năm 30-70 CN) đã có nhiều truyền thống lưu chuyển cách sống động trong Hội Thánh.
Giai đoạn 3 – Các sách Tin Mừng: Như vậy, từ các phân tích trên, chúng ta thấy bản văn Mt 11,25-30 như hôm nay là kết quả mồ hôi nước mắt của thánh Mátthêu. Ngài đã biên soạn nhiều tài liệu đang có trong Hội Thánh lúc đó, để nhắm diễn đạt một chủ đề thần học của ngài về Chúa Giêsu như người mang mạc khải tối hậu của Chúa Cha cho con người.
CÁC PHƯƠNG PHÁP THẦN HỌC
Trên đây, chúng ta đã hô “Khắc xuất!” để phân tích chi tiết Mt 11,25-30. Bây giờ là bước thứ hai. Chúng ta cùng hô “Khắc nhập!” để ráp các “đốt” trở lại thành một cây tre duy nhất, nghĩa là đọc Mt 11,25-30 như một tổng hợp thần học từ những phân tích trên. Điều này giúp đưa bản văn cổ xưa vào cuộc sống hôm nay. Nói cách khác, phần hai này tìm cách trả lời câu hỏi: “Bản văn Kinh Thánh đó nói gì với con người hôm nay?” Nếu không có bước “Khắc nhập!” này thì bước “Khắc xuất!” bên trên có thể chỉ mang tính cách phá hoại bản văn Kinh Thánh hơn là phục vụ Lời Chúa cũng như đời sống thiêng liêng của các Kitô hữu.
Như vậy, bước “Khắc nhập!” này có thể được gọi là “hiện tại hóa” Lời Chúa. Và chính ở điểm này chúng ta cần tập trung vào cái gọi là “thần học Kinh Thánh”. Thần học Kinh Thánh tập trung vào các tư tưởng thần học (hoặc các chủ đề) và những đóng góp của bản văn Kinh Thánh cũng như giá trị ý nghĩa dài lâu của bản văn Kinh Thánh. Thần học Kinh Thánh dựa trên các phân tích văn chương và lịch sử như đã giải thích ở trên.
Mt 11,25-30 thật dồi dào về các chủ đề. Xin liệt kê chỉ năm chủ đề. Đó là: 1/ Tạ ơn theo nghĩa Kinh Thánh nghĩa là quy về Thiên Chúa và tuyên xưng công khai mọi điều Người đã làm cho ta. 2/ Thiên Chúa thường hành động qua những con người bé mọn. 3/ Chúa Giêsu không chỉ là bậc thầy khôn ngoan nhưng còn là chính Khôn Ngoan của Thiên Chúa, có tương quan độc nhất vô nhị với Thiên Chúa. 4/ Chúa Giêsu mang khôn ngoan thật của Thiên Chúa đến cho con người. 5/ Những ai vất vả nặng nề có thể tìm được nghỉ ngơi nơi Chúa Giêsu.
Sau cùng, mỗi chủ đề trên đây có thể được dùng để làm khởi đầu cho những tìm hiểu và triển khai sâu rộng hơn, tùy theo khả năng trình độ và đam mê học hỏi của mỗi người. Nhất là như Hiến chế Dei Verbum đã nói, “việc nghiên cứu Kinh Thánh phải là như linh hồn của khoa thần học” (24), nên các khám phá của thần học Kinh Thánh cũng có thể được sử dụng để làm khởi đầu cho các ngành thần học khác, hạn như tín lý, luân lý, mục vụ,…
LM. JM. Mười Một, CSsR
[1] Bài viết chủ yếu là bài lược dịch Chương 4 “How Do Catholics Analyze the Bible?” trong quyển How Do Catholics Read the Bible của cha Daniel J. Harrington, SJ., 49-64.
[2] “Vì trong Kinh Thánh, Thiên Chúa đã nhờ loài người và dùng cách nói của loài người mà phán dạy, nên để thấy rõ điều chính Ngài muốn truyền đạt cho chúng ta, nhà chú giải Kinh Thánh phải cẩn thận tìm hiểu điều các tác giả Sách Thánh thật sự có ý trình bày và điều Thiên Chúa muốn diễn tả qua lời lẽ của các ngài” (DV 12).
[3] Gọi là “đồng đại” (synchronic) vì nó quan tâm tìm hiểu bản văn trong hình thức sau cùng hoặc hiện đang có.
[4] Dị đại / thời (diachronic) vì tập trung vào lịch sử của bản văn, nhất là bối cảnh lịch sử và các nguồn.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét