Trang

Chủ Nhật, 2 tháng 6, 2013

Năm Đức Tin theo thánh Tôma - bài 4



Năm Đức Tin theo thánh Tôma - bài 4
Các bài tìm hiểu về giáo lý của thánh Tôma Aquinô: Bài 4.
Tôi tin kính Đức Giêsu Kitô là Con Thiên Chúa
-------------
Như đã nói trong bài trước, thánh Tôma chia kinh Tin kính làm 12 đoạn. Đoạn 1 bàn về Thiên Chúa tạo dựng. Từ đoạn 2 trở đi, chuyển sang Đức Kitô và lần lượt trình bày về sáu tín điều: 1/ Đức Kitô là Con Thiên Chúa. 2/ Mầu nhiệm Nhập thể. 3/ Mầu nhiệm Tử nạn. 4/ Mầu nhiệm Phục sinh. 5/ Mầu nhiệm Thăng thiên. 6/ Quang lâm.
Trong bài hôm nay, chúng ta tìm hiểu lời tuyên xưng thứ nhất: “Tôi tin kính Đức Giêsu Kitô là Con Một của Thiên Chúa Cha và là Chúa chúng ta”.
1/ Trước hết, thánh Tôma trưng dẫn nền tảng Kinh thánh của tín điều: “Đức Kitô là Con Thiên Chúa”. Kế đến, tác giả kể ra ba lạc thuyết trái nghịch với tín điều: Photinus (+376), Sabellius (+220), Arius (+336), được xếp theo thứ tự luận lý chứ không theo thứ tự thời gian (chối đức Kitô không phải là con Thiên Chúa; chối đức Kitô khác biệt với Chúa Cha; chối đức Kitô đồng bản thể với Chúa Cha.
2/ Thánh nhân giải thích nguồn gốc của đức Kitô: Ngài là “Lời của Thiên Chúa”, được “sinh ra” theo kiểu như là Lời, tương tự phần nào như lời phát sinh từ trí tuệ khi ta suy nghĩ. Kết luận thực hành: chúng ta phải đón nhận Lời Thiên Chúa như thế nào? Đức Maria là một mẫu gương của việc đón nhận.
------------
I. ĐỨC KITÔ LÀ CON THIÊN CHÚA
Người Kitô hữu không chỉ cần phải tin vào một Thiên Chúa duy nhất, là Đấng tạo thành trời đất và muôn vật, nhưng họ cũng còn phải tin rằng Thiên Chúa là Cha và Đức Giêsu Kitô là Con thật của Ngài.
A. Bằng chứng Thánh Kinh
Như Thánh Phêrô đã nói, đây không phải là một truyện hoang đường, nhưng là một sự kiện chắc chắn được chứng thực qua những lời nói trên núi: “Khi chúng tôi nói cho anh em biết quyền năng và cuộc quang lâm của Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, thì không phải chúng tôi dựa theo những chuyện hoang đường thêu dệt khéo léo, nhưng là vì chúng tôi đã được thấy tận mắt vẻ uy phong lẫm liệt của Người. Quả thế, Người đã được Thiên Chúa là Cha ban cho vinh quang và danh dự, khi có tiếng từ Đấng tuyệt vời vinh hiển phán với Người: ‘Đây là con yêu dấu của Ta, Ta hết lòng qúy mến’. Tiếng đó, chính chúng tôi đã nghe thấy từ trời phán ra, khi chúng tôi ở trên núi thánh với Người” (2 Pr 1,16-18).
Hơn nữa, trong nhiều dịp, Đức Giêsu Kitô đã gọi Thiên Chúa là Cha và tự xưng mình là Con Thiên Chúa. Các tông đồ và các thánh Giáo phụ đã liệt chân lý này vào số các tín điều buộc phải tin, khi các ngài tuyên xưng: Tôi tin kính Đức Giêsu Kitô là Con Một của Đức Chúa Cha, nghĩa là Con Thiên Chúa.
B. Các lạc thuyết liên quan đến điểm giáo lý này
Tuy nhiên, đã có những lạc giáo đã sai lầm về đức tin vào Đức Giêsu là Con Thiên Chúa.
1/ Photinus
Ong Photinus khẳng định rằng Đức Kitô là con Thiên Chúa cũng tương tự như bất cứ người đức độ nào, vì đã sống một cuộc đời thánh thiện và đã thực thi ý muốn của Thiên Chúa, cho nên xứng đáng được Thiên Chúa nhận làm nghĩa tử. Cũng vậy, theo ông, Đức Kitô, vì đã sống một cuộc đời đức hạnh và thực thi ý muốn của Thiên Chúa nên xứng đáng được gọi là con Thiên Chúa, và ông chủ trương rằng Đức Kitô không hiện hữu trước Đức Trinh Nữ Maria nhưng mà chỉ bắt đầu hiện hữu từ khi được Đức Maria thụ thai trong lòng.
Như vậy, ông Photinus mắc phải hai sai lầm. Thứ nhất vì ông phủ nhận “Đức Kitô là Con Thiên Chúa do bản tính”. Thứ hai, ông khẳng định rằng “Đức Kitô bắt đầu hiện hữu trong thời gian, xét theo toàn thể thực hữu”, trong khi đức tin của chúng ta dạy rằng, Đức Kitô là Con Thiên Chúa do bản tính, và Ngài đã có từ đời đời, dựa theo các chứng tích rõ ràng trong Kinh thánh.
Thực vậy, ngược lại sự sai lầm thứ nhất, Thánh Kinh không chỉ khẳng định rằng Đức Kitô là Con Thiên Chúa, mà còn thêm rằng Ngài là Con Một của Thiên Chúa: “Con Một của Thiên Chúa là Đấng hằng ở nơi cung lòng Chúa Cha, chính Ngài đã tỏ cho chúng ta biết” (Ga 1,18). Ngược lại sự sai lầm thứ hai, chính đức Giêsu Kitô đã tuyên bố (Ga 8,58): “Quả thật, quả thật, tôi nói cho các ông, trước khi có Abraham thì tôi đã có. Dĩ nhiên, ông Abraham đã hiện hữu trước Đức Trinh Nữ Maria. Vì lý do này, để chống lại sai lầm thứ nhất, các thánh Giáo phụ đã thêm vào trong một tín biểu khác, sau những lời “Tôi tin kính Đức Giêsu Kitô” là những lời: “Con duy nhất của Thiên Chúa”; và chống lại sai lầm thứ hai, các Giáo phụ thêm vào: Sinh bởi Đức Chúa Cha từ trước muôn đời.
2/ Sabellius
Mặc dù ông này tuyên bố rằng “Đức Kitô hiện hữu trước Đức Trinh Nữ Maria”, nhưng ông nói rằng “Ngôi Cha không khác Ngôi Con; chính Chúa Cha đã nhập thể; vì thế Ngôi Cha với Ngôi Con cũng là một”. Chủ trương này thật là sai lầm, bởi vì nó phá hủy mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi và trái ngược với những lời của Chúa Giêsu: “Tôi không phải là một mình, nhưng có tôi và Đấng đã sai tôi” (Ga 8, 16).
Quả vậy, không ai lại có thể được sai đi do chính mình. Do đó Sabellius đã sai lầm, và vì thế, Kinh Tin Kính của các Giáo phụ (Công đồng Nixêa) đã thêm vào: Thiên Chúa bởi Thiên Chúa, Ánh sáng bởi Ánh sáng, nghĩa là chúng ta phải tin rằng Chúa Con phát xuất bởi Chúa Cha, và Chúa Con là Ánh sáng phát xuất từ Chúa Cha là Ánh sáng.
3/ Arius
Ong Arius nhìn nhận Đức Kitô có trước Đức Trinh Nữ Maria, và Ngôi vị của Chúa Cha khác biệt với ngôi vị của Chúa Con, nhưng ông đã gán cho Đức Kitô ba điểm sai sự thật. Thứ nhất, Con Thiên Chúa là một thụ tạo; thứ hai, Ngài là thụ tạo cao nhất trong các loài thụ tạo được Thiên Chúa dựng nên, Ngài không hằng hữu, nhưng đã được Thiên Chúa tạo dựng trong thời gian như là một thụ tạo cao quý nhất; và thứ ba, Chúa Con không đồng bản tính với Chúa Cha, và vì thế Ngài không phải là Thiên Chúa thật.
Nhưng một lần nữa, điều này là sai lầm và ngược lại với chứng cớ Thánh Kinh. Bởi vì trong Thánh Kinh chúng ta thấy Chúa Giêsu nói rằng: “Chúa Cha và Tôi là một” (Ga 10,30) nghĩa là đồng bản tính). Do đó, cũng như Chúa Cha hằng hữu, thì Chúa Con cũng vậy; và cũng như Chúa Cha là Thiên Chúa thật, thì Chúa Con cũng vậy. Vì vậy, khi Arius khẳng định “Đức Kitô là một thụ tạo”, thì các Giáo phụ đã tuyên xưng trong Tín biểu (Công đồng Nixêa) rằng: Ngài là Thiên Chúa thật bởi Thiên Chúa thật. Và khi Arius cho rằng “Đức Kitô không có từ muôn đời nhưng được tạo dựng trong thời gian”, thì ngược lại, các Giáo phụ tuyên xưng rằng: (Ngài) được sinh ra mà không phải tạo thành. Và để chống lại lời khẳng định của Arius cho rằng “Đức Kitô không đồng bản thể với Chúa Cha”, các Giáo phụ đã thêm vào rằng: (Ngài) đồng bản tính với Chúa Cha.
Như vậy, rõ ràng chúng ta phải tin rằng Đức Kitô là Con một của Thiên Chúa; Ngài là thật là Con của Thiên Chúa; Ngài cũng hằng hữu như Chúa Cha; Ngôi vị của Chúa Con khác biệt với Ngôi vị của Chúa Cha; và Chúa Con đồng bản tính với Chúa Cha. Trong cuộc sống hiện tại, chúng ta tin những chân lý này bằng đức tin, nhưng trong cuộc sống vĩnh cửu chúng ta sẽ được tận mắt chứng kiến điều đó. Do đó, để an ủi chúng ta, chúng tôi xin nói thêm ít điều.
II. ĐỨC KITÔ LÀ LỜI CỦA THIÊN CHÚA
A. Có thể hiểu điều này như thế nào?
Chúng ta nhận thấy rằng mỗi loại có cách thức “sinh ra” khác nhau. Sự sinh ra ở nơi Thiên Chúa thì khác với sự sinh ra nơi các hữu thể khác, vì vậy chúng ta không chỉ có thể hiểu được đôi chút về sự sinh ra nơi Thiên Chúa nhờ sự sinh ra của những loài thụ tạo gần giống với Thiên Chúa nhất. Mà, như đã trình bày ở trên, không có gì giống Thiên Chúa bằng linh hồn con người, và ở đó sự sinh ra diễn ra như thế này: khi một người suy nghĩ trong trí tuệ, thì chúng ta gọi một ý niệm[1]. Ý niệm xuất phát từ trí tuệ giống như từ một người cha: người ta gọi đó là “lời” của linh hồn hoặc của con người. Như vậy linh hồn sinh ra lời của mình khi suy nghĩ. Cũng vậy, Con Thiên Chúa chẳng qua cũng là Lời của Thiên Chúa, không phải như một lời được thốt ra bên ngoài (bởi vì lời nói ra ngoài thì qua đi), nhưng là lời được thai nghén bên trong. Do đó, Lời của Thiên Chúa cũng đồng bản tính với Thiên Chúa và ngang hàng với Thiên Chúa.
Vì thế, khi nói về Lời của Thiên Chúa (Ga 1,1), thánh Gioan đả phá ba lạc thuyết đã kể trên. Thứ nhất là lạc thuyết của Photinus khi thánh Gioan nói rằng: “Lúc khởi đầu đã có Ngôi Lời”; thứ hai là lạc thuyết của Sabellius khi thánh nhân nói: “Ngôi Lời ở với Thiên Chúa”; và thứ ba là lạc thuyết của Arius khi nói: “và Ngôi Lời là Thiên Chúa”.
Nhưng lời ở nơi Thiên Chúa thì không như lời ở nơi chúng ta. Nơi chúng ta, lời là một phụ thể, còn nơi Thiên Chúa, Lời của Thiên Chúa đồng nhất với chính bản thân Ngài, vì nơi Thiên Chúa không có gì mà không là yếu tính của Ngài. Tuy nhiên, không ai được nói rằng, Thiên Chúa không có Lời, vì như vậy sẽ dẫn đến kết luận là Thiên Chúa không có trí tuệ. Do đó, cũng như Thiên Chúa luôn luôn hiện hữu, thì Lời của Ngài cũng luôn luôn hiện hữu.
Và cũng như một người thợ thủ công chế tạo ra mọi tác phẩm dựa theo khuôn mẫu đã có ở trong trí tuệ, nghĩa là lời của mình; tương tự như vậy, Thiên Chúa dựng nên mọi vật nhờ Lời của Ngài, ví như khoa học hoặc tài nghệ của Ngài, vì thế thánh Gioan (1,3) nói: “Nhờ Ngôi Lời, vạn vật được tạo thành”.
B. Chúng ta phải đáp trả lời của Thiên Chúa như thế nào?
Nếu Lời của Thiên Chúa là chính Con của Ngài, và mọi lời của Thiên Chúa đều mang một nét tương tự nào đó với Ngôi Lời, thì:
1. Chúng ta phải sẵn lòng nghe những lời của Thiên Chúa.
Thật vậy, nếu chúng ta sẵn lòng nghe những lời của Thiên Chúa thì đó là một dấu hiệu cho thấy rằng chúng ta yêu mến Thiên Chúa.
2. Chúng ta cũng phải tin vào những lời của Thiên Chúa. Nhờ thế, Lời của Thiên Chúa (tức là Đức Kitô, Đấng là Lời của Thiên Chúa) cư ngụ trong lòng chúng ta, theo lời thánh Phaolô: “Nguyện xin Đức Kitô ngự trong tâm hồn anh em nhờ lòng tin” (Ep 3,17). Cũng vậy, Chúa với người Pharisêu rằng: “Lời của Thiên Chúa không ở mãi trong lòng các ngươi” (Ga 5,38).
3. Chúng ta phải suy niệm liên lỉ Lời của Thiên Chúa đang ngự trong lòng chúng ta. Thật vậy, tin thì chưa đủ, cần phải suy niệm nữa; nếu không thì sự hiện diện của Lời Chúa ở trong ta sẽ chẳng mang ích lợi gì. Quả thế, việc suy niệm như vậy là một phương thế trợ giúp tuyệt vời để chống lại tội lỗi, như vịnh gia đã nói: “Tôi giữ kỹ lời của Người nơi đáy lòng tôi, để khỏi lỗi phạm đến người” (Tv 118,11). Người công chính thực hành việc suy niệm không ngơi, như thánh vịnh có chép rằng: “Người ấy sẽ suy gẫm mãi lề luật của Chúa suốt ngày đêm” (Tv 1,1), và thánh Lu-ca cũng nói về Đức Trinh nữ Maria rằng: “Người ghi nhớ tất cả những lời ấy, và suy đi nghĩ lại trong lòng” (Lc 2,19.51).
4. Chúng ta phải truyền đạt Lời của Thiên Chúa cho những người khácbằng cách khuyên nhủ, thuyết giảng, và thúc giục họ. Vì vậy, thánh Phaolô viết cho giáo đoàn Ê-phê-sô rằng: “Anh em đừng bao giờ thốt ra những lời độc địa, nhưng chỉ nên nói những lời tốt đẹp, để xây dựng và làm ích cho người nghe” (Ep 4,29). Và với cộng đoàn Cô-lô-xê, thánh nhân viết: “Ước chi lời Đức Kitô ngự giữa anh em thật dồi dào phong phú. Anh em hãy dạy dỗ khuyên bảo nhau với tất cả sự khôn ngoan” (Cl 3,16). Và trong thư gửi cho ông Ti-mô-thê: “Hãy rao giảng lời Chúa, hãy lên tiếng, lúc thuận tiện cũng như lúc không thuận tiện; hãy biện bác, ngăm đe, khuyên nhủ, với tất cả lòng nhẫn nại và chủ tâm dạy dỗ” (2 Tm 4,2).
5. Chúng ta phải thực hành những lời của Thiên Chúa, như thánh Giacôbê đã nhắn nhủ: “Anh em hãy đem Lời ấy ra thực hành, chứ đừng nghe suông mà lừa dối chính mình” (Gc 1,22).
Năm lời khuyên nêu trên đã được Đức Trinh Nữ Maria tuân thủ một cách tuần tự, khi mẹ sinh ra Ngôi Lời của Thiên Chúa. Trước tiên, mẹ đã lắng nghe những lời của thiên sứ: “Thánh Thần ngự xuống trên bà” (Lc 1,35). Thứ hai, mẹ đã ưng thuận lời thiên sứ bằng đức tin khi đáp lại : “Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa” (Lc 1,38). Thứ ba, mẹ đã mang Lời nhập thể Ngài trong lòng. Thứ bốn, mẹ đã sinh ra Ngài. Thứ năm, mẹ đã nuôi nấng dưỡng dục Ngài. Vì thế, Hội thánh ca ngợi rằng: “Duy Đức Trinh nữ đã nuôi dưỡng Vua các thiên thần bằng sữa bởi trời”2.
 
---------------------------------------------------
1 Trong tiếng Latinh, “ý niệm” là conceptus, cùng một gốc với sự thụ thai.

2 Đáp ca bài đọc IV kinh đêm lễ 1 tháng giêng theo Sách nguyện dòng Đaminh: “ipsum regem Angelorum sola virgo lactabat ubere de caelo pleno”.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét