Năm đức tin với thánh Tôma - Bài 17: Lạy Cha chúng con ở trên trời
Các bài tìm hiểu về giáo lý của thánh Tôma Aquinô: Bài 17.
Sau những lời giới thiệu kinh Lạy Cha, thánh Tôma giải thích những lời đầu tiên, phân làm ba phần: 1/ Lạy Cha; 2/ của chúng con; 3/ ngự trên trời. Thật là một bài suy niệm súc tích về ý nghĩa của các lời mở đầu kinh nguyện.
- Trong phần thứ nhất, tác giả phân tích ý nghĩa của từ “Cha”: Chúa là cha theo nghĩa nào (ba lý do), và chúng ta có nghĩa vụ gì đối với Cha (bốn nghĩa vụ).
- Trong phần thứ hai, suy nghĩ đến từ “chúng con”, tác giả rút ta hai nghĩa vụ đối với tha nhân.
- Trong phần thứ ba, tác giả giải thích những ý nghĩa của “trời” và vạch ra những lý do tin tưởng khi đọc những lời ấy, dựa trên những ưu phẩm của Thiên Chúa: Ngài siêu việt uy quyền, nhưng cũng rất gần gũi thân mật.
----------
I. Lạy Cha
Kinh nguyện mà Chúa Giêsu dạy mở đầu bằng lời cầu: “Lạy Cha” (Pater). Chúng ta sẽ tìm hiểu hai vấn đề: Thiên Chúa là Cha theo nghĩa nào? Chúng ta có nghĩa vụ gì đối Cha?
A. Thiên Chúa là Cha
1. Trước hết, Thiên Chúa là Cha chúng ta dựa theo cách thức đặc biệt mà Ngài đã tạo dựng nên. Thật vậy chúng ta được dựng nên theo hình ảnh Thiên Chúa và giống như Ngài, điều mà Ngài đã không làm nơi những thụ tạo khác. Vì thế sách Đệ Nhị Luật đã viết: “chính Ngài là cha ngươi, Đấng dựng nên ngươi, Đấng tạo thành và củng cố” (Đnl 32, 6).
2. Thứ đến, Thiên Chúa là Cha dựa theo cách thức đặc biệt mà Ngài cai quản chúng ta. Dĩ nhiên, Thiên Chúa cai quản toàn thể vũ trụ, nhưng Ngài cai quản chúng ta bằng cách để cho chúng ta làm chủ chính mình. Đối với các loài khác, thì Ngài cai quản chúng như những nô lệ, còn đối với chúng ta thì Thiên Chúa trở nên như người thầy dạy dỗ chúng ta. Vì vậy sách Khôn ngoan đã viết: “Lạy Cha, chính Cha quan phòng hướng dẫn mọi vật” (Kn 14, 3), và “Ngài lấy lượng từ bi cao cả mà cai quản chúng con” (Kn 12,18).
3. Sau cùng, Thiên Chúa đích thực là người Cha, bởi vì Ngài đã nhận chúng ta làm nghĩa tử. Đối với những tạo vật khác, Thiên Chúa chỉ ban vài món quà lặt vặt, còn đối với loài người thì Ngài lại ban cho cả gia sản. Sở dĩ như vậy là bởi vì chúng ta là những con cái, mà “đã là con, thì cũng là thừa kế” (xc. Rm 8, 17). Thánh Phaolô nói thêm: “anh em đã không lãnh nhận Thần Khí khiến anh em trở thành nô lệ và phải sợ sệt như xưa, nhưng là Thần Khí làm cho anh em nên nghĩa tử, nhờ đó chúng ta được kêu lên: ‘Áp-ba! Cha ơi!’ ”(Rm 8,15).
B. Bốn nghĩa vụ của chúng ta
Bởi vì Thiên Chúa là Cha, nên chúng ta có bốn nghĩa vụ sau đây:
1. Thứ nhất, là con thì phải tôn kính cha. Chúa đã nói qua miệng ông Malakhi rằng: “nếu Ta là cha, thì đâu là lòng kính trọng Ta?” (Mk 1, 6). Lòng tôn kính cần được thể hiện qua ba khía cạnh: một, bổn phận của chúng ta đối vớiThiên Chúa; hai, bổn phận của chúng ta đối với bản thân; ba, bổn phận của chúng ta đối với tha nhân.
a) Trước hết, lòng tôn kính đối với Thiên Chúa được diễn tả qua lời ngợi khen chúc tụng, theo như thánh vịnh đã viết: "kẻ dâng hy lễ tạ ơn sẽ tôn kính Ta”(Tv 50, 23). Lời ngợi ca này không phải chỉ bằng môi miệng mà còn bằng tâm hồn nữa, để khỏi bị Chúa quở trách giống như dân Do thái: "Dân này chỉ đến gần Ta bằng miệng, tôn vinh Ta bằng môi, còn lòng chúng thì xa Ta lắm” (Is 29, 13).
b) Thứ hai, chúng ta tôn kính Thiên Chúa ngay trong chính bản thân của mình, giữ gìn thân xác được thanh sạch, như thánh Tông Đồ đã khuyên: “anh em hãy tôn vinh Thiên Chúa nơi thân xác anh em” (1 Cor 6, 20).
c) Cuối cùng, chúng ta tôn kính Thiên Chúa bằng cách phán đoán tha nhân cách công minh, bởi: “Ngài là vua uy dũng yêu chuộng công bình, Ngài thực hiện điều chính trực công minh” (Tv 99,4).
2. Nghĩa vụ thứ hai là bắt chước Thiên Chúa. Ngài phán với Giêrêmia rằng: “ngươi sẽ gọi Ta: ‘Cha ơi!’ Và ngươi sẽ không lìa xa Ta nữa” (Gr 3, 9). Việc bắt chước được thể hiện bằng ba cách thức:
a) Một là yêu mến Ngài, như thánh Phaolô đã nhắn nhủ: “anh em hãy bắt chước Thiên Chúa, vì anh em là con cái được Người yêu thương, và hãy sống trong tình bác ái” (Ep 5, 1-2). Hẳn nhiên là tình yêu này phải ngự trị trong tâm hồn chúng ta.
b) Hai là bắt chước Chúa qua việc thi thố lòng trắc ẩn thương xót, như Đức Giêsu đã dạy: “Anh em hãy có lòng nhân từ, như Cha anh em là Đấng nhân từ” (Lc 6, 36). Lòng trắc ẩn này luôn thể hiện trong mỗi việc làm của chúng ta.
c) Ba là bắt chước Chúa qua việc hướng đến sự hoàn thiện, bởi vì tình yêu và lòng trắc ẩn cần phải hoàn hảo: “anh em hãy nên hoàn thiện như Cha anh em trên trời là Đấng hoàn thiện” (Mt 5, 48).
3. Nghĩa vụ thứ ba là vâng phục Ngài vì là Cha của chúng ta. Thánh Phaolô đã dạy: “chúng ta có cha trần thế sửa dạy mà chúng ta vẫn tôn kính; chúng ta lại càng phải tùng phục Cha trên trời hơn nữa để được sống” (Dt 12, 9). Chúng ta phải vâng phục vì ba lý do.
a) Một, bởi vì Ngài có chủ quyền trên chúng ta. Thật vậy Ngài là Chủ tể của muôn loài muôn vật, vì thế dân Dothái đã khẳng định với Môsê dưới chân núi Sinai: “Tất cả những gì Chúa đã phán, chúng tôi sẽ thi hành và tuân giữ” (Xh 24, 7).
b) Hai, vì tấm gương mà Con của Ngài đã để lại qua việc tuân phục Chúa Cha cho đến chết trên thập giá (xc. Phil 2, 8).
c) Ba, vì chính lợi ích cho bản thân, như vua Đavít đã trả lời cho bà Mikhal khi bà khinh thường ông vì đã múa nhảy trước Hòm bia: “Tôi đã làm như vậy trước mặt Đức Chúa là Đấng đã lựa chọn tôi (xc. 2 Sm 6, 21).
4. Nghĩa vụ thứ bốn là kiên nhẫn trước những thử thách mà Chúa gửi đến như người cha chúng ta. Sách Châm ngôn đã viết: “Này con, chớ khinh thường khi Đức Chúa sửa dạy con, đừng chán ngán khi Người khiển trách. Vì Đức Chúa khiển trách kẻ Người thương, như người cha xử với con yêu quý” (Cn 3, 11-12).
II. Chúng con
Trong Kinh Lạy Cha, Đức Giêsu đã hướng dẫn chúng ta cách thưa chuyện với Cha của Người: chúng ta không chỉ gọi Thiên Chúa là “Cha” mà thôi, mà còn thân mật gọi Ngài là “Cha chúng con”. Điều này nảy sinh ra hai bổn phận đối với tha nhân.
Trong Kinh Lạy Cha, Đức Giêsu đã hướng dẫn chúng ta cách thưa chuyện với Cha của Người: chúng ta không chỉ gọi Thiên Chúa là “Cha” mà thôi, mà còn thân mật gọi Ngài là “Cha chúng con”. Điều này nảy sinh ra hai bổn phận đối với tha nhân.
1. Trước hết là tình yêu, bởi lẽ họ là những anh em của chúng ta; thực vậy, tất cả chúng ta đều là con cái Thiên Chúa, và như thánh Gioan đã nói, “ai không yêu thương người anh em mà họ trông thấy thì không có thể yêu mến Thiên Chúa mà họ không trông thấy” (1 Ga 4, 20).
2. Thứ đến là tôn trọng, bởi vì họ là con cái Thiên Chúa. Ngôn sứ Malakhi đã chất vấn: “tất cả chúng ta chẳng có cùng một Cha duy nhất đó sao? chẳng phải một Thiên Chúa duy nhất đã tạo dựng nên chúng ta đó sao? Vậy tại sao chúng ta lại khinh thường anh em mình, làm ô uế giao ước của cha ông?” Thánh Phaolô đã khuyến khích chúng ta: “hãy thi đua trong việc kính trọng lẫn nhau” (Rm 12, 10).
III. Đấng Ngự Trên Trời
Việc cầu nguyện đòi hỏi nhiều điều kiện, trong đó điều quan trọng nhất là sự tín thác. Thánh Giacôbê đã nhắc nhở ai muốn xin Chúa điều gì thì “hãy xin với lòng tín thác, không chút do dự” (Gc 1,6). Vì thế, khi dạy chúng ta cầu nguyện, Đức Giêsu đã trình bày hai điều gây ra lòng tin tưởng nơi chúng ta: một là lòng từ bi nhân hậu của Chúa Cha, hai là quyền năng vô hạn của Ngài.
- Lòng từ bi của Cha đã được nêu bật ở lời xin mở đầu: “Cha chúng con”. Chính Người cũng đã nói: “nếu anh em vốn là những kẻ xấu mà còn biết cho con cái mình của tốt của lành, phương chi Cha trên trời lại không ban Thánh Thần cho những kẻ kêu xin Người sao?" (Lc 11, 13).
- Quyền năng vô hạn của Ngài được nêu bật ở những lời “Đấng ngự trên trời”. Điều này đã được gợi lên nơi lời thánh vịnh: “Con ngước mắt hướng nhìn lên Chúa, Đấng đang ngự trên trời” (Tv 123, 1).
Cụm từ “ở trên trời” gợi lên ba điều:
1. Thứ nhất, cụm từ này hướng đến việc chuẩn bị cầu nguyện, tựa như những lời trong sách Huấn Ca đã khuyên: “trước khi cầu nguyện, bạn hãy chuẩn bị tâm hồn, để đừng tỏ ra như muốn thử thách Thiên Chúa” (Hc 18, 23). Vì thế khi nói “ở trên trời”, nghĩa là ngự trong vinh quang thiên giới, thì ta có thể hiểu về phần thưởng mà Đức Giêsu với các môn đệ: “phần thưởng dành cho anh em ở trên trời thật lớn lao” (Mt 5,12).
a) Việc chuẩn bị cầu nguyện được thực hiện bằng việc bắt chước những hữu thể trên trời, nghĩa là Cha trên trời, bởi lẽ người con phải bắt chước cha mình, như thánh Phaolô đã viết: “cũng như chúng ta đã mang hình ảnh người bởi đất mà ra, thì chúng ta cũng sẽ được mang hình ảnh Đấng từ trời mà đến” (1 Cr 15, 49).
b) Việc chuẩn bị cầu nguyện cũng đòi hỏi sự chiêm ngắm những sự trên trời nữa. Thực vậy, người ta thường có thói quen hướng tâm trí họ về nơi ở của cha mình và những người thân của mình, như những của Đức Giêsu: “kho tàng của anh ở đâu, thì lòng anh ở đó” (Mt 6 21). Cho nên thánh Tông Đồ có lý khi viết rằng: “Quê hương chúng ta ở trên trời” (Pl 3, 20).
c) Sau cùng, việc chuẩn bị cầu nguyện đòi hỏi lòng khao khát và ngưỡng mộ những sự trên trời, ngõ hầu chúng ta chỉ xin Đấng ngự trên trời ban cho chúng ta những sự trên trời, như lời thánh Phaolô: “hãy tìm kiếm những gì thuộc thượng giới, nơi Đức Ki-tô đang ngự bên hữu Thiên Chúa” (Col 3, 1).
2. Cụm từ “Đấng ở trên trời” cũng ám chỉ việc Thiên Chúa dễ dàng lắng nghe lời cầu nguyện chúng ta, bởi vì Ngài gần kề bên chúng ta. Như vậy “trời” được hiểu về các thánh, và “Cha chúng ta ở trên trời” muốn nói rằng Thiên Chúa cư ngụ giữa các thánh, bởi vì như ngôn sứ Giêrêmia đã nói: “Ngài ngự giữa chúng con” (Gr 14, 9). Tương tự như vậy, khi thánh vịnh nói rằng “Trời xanh tường thuật vinh quang Thiên Chúa”(Tv 18, 2) thì “trời” được hiểu về các thánh. Thiên Chúa ngự giữa các thánh theo ba cách thức:
a) nhờ đức tin, như thánh Phaolô đã viết: “Xin cho anh em, nhờ lòng tin, được Đức Ki-tô ngự trong tâm hồn” ( Ep 3, 17);
b) nhờ đức mến, bởi vì “ai ở lại trong tình yêu thì ở lại trong Thiên Chúa, và Thiên Chúa ở lại trong người ấy” (1 Ga 4, 16);
c) nhờ việc tuân giữ các giới răn, như có lời chép : “Ai yêu mến Thầy, thì sẽ giữ lời Thầy. Cha Thầy sẽ yêu mến người ấy. Cha Thầy và Thầy sẽ đến và ở lại với người ấy” (Ga 14, 23).
3. Cụm từ “ở trên trời” cũng gợi lên uy quyền của Đấng nhậm lời chúng ta cầu xin. Trong trường hợp này, từ ngữ “trời” ám chỉ bầu trời vật chất và hữu hình. Dĩ nhiên những lời này không có ý nói rằng bầu trời bao bọc Thiên Chúa, bởi vì đã có lời chép: “Này đây các tầng trời và tầng trời của các tầng trời không thể chứa nổi Ngài” (1V 8, 27), nhưng muốn diễn tả rằng:
a) Thiên Chúa nhìn thấu suốt và tinh tường, bởi vì Người thấy rõ từ trên cao: “Chúa lắng nghe lời kẻ nghèo hèn ... Chúa đưa mắt từ toà cao thánh điện, từ trời xanh đã nhìn xuống cõi trần” (Tv 102, 18.20).
b) Thiên Chúa nắm quyền uy cao cả, theo lời thánh vịnh 103, 19: “Chúa đặt ngai báu trên trời cao thẳm, quyền đế vương bá chủ muôn loài”.
c) Triều đại Người vững bền thiên thu, như lời thánh vịnh 102, 13.19: “Lạy Chúa, muôn đời Ngài ngự trị, trải bao thế hệ, thiên hạ nhắc đến Ngài. Điều này phải ghi lại cho đời sau được biết, dân hậu sinh phải ca tụng Chúa Trời”. Thánh vịnh này ám chỉ về Đức Giêsu Kitô khi nói rằng “ngai vàng Người thì tựa trời xanh”, có nghĩa là vĩnh cửu, giống như sự kéo dài của những ngày tháng ở trên trời vậy. Và ông Aristote đã nói rằng bởi vì trời không bị tiêu diệt cho nên tất cả mọi dân tộc đều cho rằng trời là chốn cư ngụ của các thần linh.
4. Vì thế những lời “Đấng ngự trên trời” mang lại cho ta niềm tin tưởng khi cầu nguyện, dựa trên ba lý do: a) quyền năng của Đấng mà chúng ta kêu cầu; b) tình thân thiết của Đấng mà chúng ta cầu xin; c) những điều kiện cần cho việc cầu nguyện.
a) Quyền năng của Đấng mà chúng ta kêu cầu được nổi bật qua những lời “Đấng ngự trên trời”, khi chúng ta hiểu trời là các tầng trời hữu hình và vật chất, mặc dù biết chắc rằng Thiên Chúa không bị giam hãm trong các tầng trời ấy, như chính Ngài đã nói: “Ta lại không làm cho trời đất đầy tràn hay sao?” (Gr 23, 14). Lời khẳng định “Thiên Chúa là Đấng ngự trên trời” nêu bật hai ưu phẩm là sức mạnh quyền năng và sự cao cả của Ngài.
(i) Sức mạnh quyền năng của Ngài loại bỏ sự sai lầm của những kẻ chủ trương rằng mọi sự xảy đến là tất yếu, ra như do sự chi phối của một số mệnh từ các tinh tú. Đối với họ, cầu xin điều gì với Thiên Chúa là điều vô ích. Tuy nhiên, ý kiến ấy thật là ngu xuẩn, bởi vì khi nói rằng Thiên Chúa là “Đấng ngự trên trời” là chúng ta khẳng định rằng Ngài làm chủ các tầng trời và các tinh tú, theo như thánh vịnh đã nói: “Chúa đặt ngai báu trên trời cao thẳm” (Tv 103,19).
(ii) Ưu phẩm thứ hai, sự cao cả của Thiên Chúa, chống lại tập quán của những kẻ tạo ra các hình ảnh tưởng tượng về Thiên Chúa khi họ cầu nguyện. Những lời “Đấng ngự trên trời” muốn nói rằng Thiên Chúa vượt lên trên những sự vật khả giác, Ngài cao cả vượt lên trên tất cả mọi loài, kể cả trí tuệ và các ước muốn của con người. Vì thế dù ta suy tưởng và mong ước thế nào đi nữa, thì nó vẫn thấp kém hơn so với Thiên Chúa. Vì vậy ông Gióp đã nói: “Thiên Chúa cao vời, làm sao ta hiểu thấu” (G 36, 26), và thánh vịnh cũng họa theo: “Chúa siêu việt trên hết mọi dân, vinh quang Ngài cao hơn các tầng trời” (Tv 113, 4); ngôn sứ Isaia đã công bố: “Các ngươi đem Thiên Chúa sánh với ai? Đặt hình ảnh nào bên cạnh Người cho tương xứng?” (Is 40, 18).
b) Cụm từ “Đấng ngự trên trời” nói lên tình thân thiết với Thiên Chúa, nếu chúng ta hiểu “trời” là các thánh. Nhiều người nghĩ rằng Thiên Chúa là Đấng cao cả cho nên Ngài chắng quan tâm chăm sóc những chuyện của con người. Tuy nhiên, cần phải nói ngược lại rằng: Thiên Chúa ở rất gần chúng ta, hơn thế nữa, Người hiện diện ngay trong thâm tâm chúng ta vậy. Vì thế lời kinh “Đấng ngự trên trời”, nghĩa là nơi các thánh, muốn nói đến tình thân thiết của Thiên Chúa, theo ý nghĩa của thánh vịnh đã được trưng dẫn trên đây: “Trời xanh tường thuật vinh quang Thiên Chúa” (Tv 19, 2), hoặc như lời ngôn sứ Giêrêmia: “Lạy Chúa, Ngài ngự giữa chúng con” (Gr 14, 9).
Những suy nghĩ vừa rồi gây tin tưởng cho chúng ta vì hai lý do.
(i) Một, bởi vì nó bảo đảm rằng Thiên Chúa gần gũi chúng ta, như vịnh gia đã giãi bày: “Chúa gần gũi tất cả những ai cầu khẩn Ngài” (Tv 145, 18), hoặc như Đức Giêsu đã khuyến cáo: “Còn anh, khi cầu nguyện, hãy vào phòng”, nghĩa là căn phòng của trái tim (Mt 6, 6).
(ii) Hai, bởi vì lời chuyển cầu của các thánh giúp chúng ta đạt được những gì chúng ta ước mong, theo như Gióp đã khuyên: “bạn hãy hướng về một vị thánh nào đó” (G 5, 1) hoặc thánh Giacôbê: “Anh em hãy cầu nguyện cho nhau ... bởi vì lời cầu của người công chính thì rất có giá trị” (Gc 5, 16).
c) Sau cùng, cụm từ “Đấng ngự trên trời” ám chỉ những điều kiện cần thiết của sự cầu nguyện. Thật vậy, lời cầu nguyện của chúng ta hội đủ các điều kiện cần thiết nếu hiểu “trời” theo nghĩa là những sự thiện hảo thiêng liêng và vĩnh cửu, tức là những điều tạo nên hạnh phúc vĩnh cửu của chúng ta. Có hai lý do:
(i) một, những lời ấy sẽ bùng cháy lòng chúng ta ước ao những sự trên trời. Thật vậy ước muốn của chúng ta phải hướng về nơi nào chúng ta có Cha, bởi vì ở đó có gia sản thừa kế của chúng ta. Thánh Phaolô đã nói với các tín hữu rằng: “Anh em hãy tìm kiếm những gì thuộc thượng giới, nơi Đức Ki-tô đang ngự bên hữu Thiên Chúa” (Col 3, 1) và thánh Phêrô cũng đã nói với chúng ta về “gia sản không thể hư hoại, không thể vẩn đục và tàn phai dành ở trên trời” (1 P 1, 4).
(ii) hai, vì như thế chúng ta sẽ uốn nắn cuộc đời, sao cho trở nên giống với Cha trên trời, như có lời viết: “Còn những kẻ thuộc về trời thì giống như Đấng từ trời mà đến” (1 Cor 15, 48). Ước ao những sự trên trời và sống giống như trên trời là hai điều chuẩn bị tâm hồn chúng ta cầu nguyện thích đáng và làm cho lời cầu trở nên đẹp lòng Chúa.
(ii) hai, vì như thế chúng ta sẽ uốn nắn cuộc đời, sao cho trở nên giống với Cha trên trời, như có lời viết: “Còn những kẻ thuộc về trời thì giống như Đấng từ trời mà đến” (1 Cor 15, 48). Ước ao những sự trên trời và sống giống như trên trời là hai điều chuẩn bị tâm hồn chúng ta cầu nguyện thích đáng và làm cho lời cầu trở nên đẹp lòng Chúa.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét