Trang

Thứ Ba, 11 tháng 6, 2013

PHAOLÔ VỊ THÁNH CỦA MỌI THỜI 1


PHAOLÔ VỊ THÁNH CỦA MỌI THỜI

 "Phao-lô vị thánh của mọi thời” của Linh mục Kevin O’Shea CSsR, do Mai Tá lược dịch.

 

 Đôi lời dẫn nhập

 Viết tiểu sử về Lm Kevin O’Shea, CSsR vị thày dạy thần học kinh thánh từng có hơn 40 năm kinh nghiệm giảng dạy tại 4 đại học lớn ở Úc và Hoa Kỳ, vẫn là cố gắng không nhỏ. Bởi, từ hồi nào đến giờ, dù đã từng giảng thuyết về địa hạt triết lý và thần học kinh thánh cũng như giáo sử tại các trường nổi tiếng, Lm Kevin vẫn là vị giáo sư chân phương, bình dị với quyết tâm làm việc không ngưng nghỉ, suốt cả tháng ngày dài sau khi hồi hưu trở về Úc sống đời thầm lặng của một tu sĩ thuộc Hội dòng khá mọn hèn.
            Quả là, từ năm 1970 đến nay, Lm Kevin O’Shea vẫn đứng lớp mở các khoá học hàng năm về địa hạt rất chung chung bao gồm các môn triết lý, thần học, kinh thánh, tâm-lý-học và tư vấn tu-đức. Linh mục Kevin đem đến cho các học viên hầu hết là linh mục và tu sĩ cao niên, một cái nhìn súc-tích liên quan đến lĩnh-vực học-thuật đặt nặng lên đề-tài ông diễn giảng.
            Thêm vào đó, ông còn tiếp tục đào sâu nghiên-cứu không chỉ trong lĩnh-vực chuyên-biệt thôi, nhưng còn là giao-diện giữa tôn-giáo và khoa-học là địa-hạt ông đóng góp ở Úc và cả đến các buổi hội-thảo quốc tế, phần lớn ở châu Âu. Đề-tài mà linh mục Kevin O’Shea nghiên cứu lại là các chủ-đề liên quan đến Tin Mừng cũng như nghiên-cứu học thuật về Đức Giêsu Lịch-sử, Thần-học cứu-độ, Tạo-dựng, Thánh Thể, Khánh nhật, Hiện-đại tính, Tiền bạc, Của cải, Khoa học và tôn giáo, Viễn ảnh định-lượng về triết-lý thần-học, và Chúa Ba Ngôi. Mới đây không lâu, linh mục Kevin đặc biệt chú trọng đến các bài viết đương-đại về triết lý thần học nữa.   
            Ngoài chức năng giảng dạy tại các Đại-học Công-giáo, tác giả từng là Bề Trên Giám tỉnh Dòng Chúa Cứu Thế thuộc tỉnh dòng Canberra gồm các nước Úc, Tân Tây Lan và Đông Nam Châu Á, nữa. Hiện thời, dù ở tuổi 82, Lm Kevin O’Shea vẫn là giáo sư thỉnh-giảng và linh mục thừa-sai đại-phước chuyên thuyết giảng ở nhiều nơi, trên thế-giới. Loạt bài suy niệm về thánh Phaolô hôm nay là đề-tài giảng huấn về thần-học nhân dịp Năm Thánh Phaolô được Đức Bênêđíchtô 16 chọn cho năm phụng-vụ 2008-2009 tại Đại học Công giáo Strathfield, Sydney Úc Châu.  
            Tư-tưởng diễn tả trong sách này là ý/lời mang tính chất rất tư riêng nhưng vẫn là trào-lưu tư-tưởng mới-mẻ trong Giáo-hội, rất gần đây. Vẫn mong người đọc đón-nhận các ý/lời này trong tinh-thần thân thương, cởi mở và hiệp nhất.
  Mai Tá
 Những ngày chớm đông 2013 ở Úc.  
 Chương I
Giới thiệu một Phaolô lịch sử
Hồi Năm Thánh PhaoLô bắt đầu từ cuối tháng 6/2008 đến cuối tháng 6/2009, tôi có viết một luận văn nhỏ với đề tài: “đấng thánh của mọi thời”, định bụng mỗi tháng sẽ đưa ra một luận đề, để bà con mình có dịp mà suy nghĩ. Thật ra, mỗi tháng viết về thánh nhân tài ba như thế, nhiều lắm cũng chỉ chừng hơn mươi trang giấy, trong đó kèm cả thư tịch để đọc thêm, thì cũng chả là bao. Thành thử, ở đây, tôi chỉ đưa ra bản tóm lược gồm đôi giòng suy tư về cuộc đời thánh PhaoLô cũng như các thư từ chính yếu thánh nhân từng gửi cho giáo đoàn ở khắp nơi, thêm vào đó kể một vài dẫn chứng cho thấy thánh nhân là ai? Ngài sống cuộc sống thế nào?
Có lẽ ta cũng nên làm thế, cả vào khi Hội thánh không có ý định lập nguyên một năm để riêng ra mà mừng kính cuộc đời của thánh nhân chăng nữa, thì các cuộc biện luận thời trước về cuộc cải tân khiến mọi người chỉ muốn duy trì truyền thống Công giáo La Mã cùng quyết tâm chính-thống-hóa niềm tin đi kèm với các thừa-tác-vụ đang mờ dần vào quá khứ, nhất thứ là vào lúc có hiệp-định-thư Augusburg về những lầm-lỡ đại loại xảy vào năm 1999.  Hiện nay, lại có một số “viễn cảnh” khác và mới đây còn có “cảnh tượng” khá là tươi mát nhằm điểm tô cuộc đời của thánh nhân nữa. Điều này tạo cơ hội thuận lợi để ta có dịp đọc lại các tác phẩm cũng như bản văn do thánh nhân viết theo ánh sáng chỉ đường cùng bối cảnh chính trị, qua đó thánh nhân từng trải nghiệm cuộc sống rất riêng tư cũng như tạo ra tư-tưởng làm nên để chính mình dùng nó mà sống đời thực nghiệm. Nay, cũng là thời điểm thích hợp để ta có thêm cái nhìn thỏa-đáng về hoàn cảnh xã hội cũng như lý lẽ hầu nói lên thân thế sự nghiệp chuyên ghi thư gửi cộng đoàn của thánh nhân, rất trổi bật:

-          Tháng 7/2008: điểm then chốt lúc đầu;
-          Tháng 8/2008: dẫn nhập vào với thánh PhaoLô lịch sử;
-          Tháng 9/2008: nới rộng cuộc sống của thánh PhaoLô qua Công vụ
-          Tháng 10/2008: PhaoLô với tư cách người La Mã, Do Thái, kẻ kính sợ Chúa, và Kitô-hữu rất mực thước;
-          Tháng 11/2008: trải nghiệm về Đấng chết khổ nhục trên thập giá và đã sống lại. Đây là chìa khóa chính dẫn vào tư tưởng của thánh PhaoLô
-          Tháng 12/2008: thánh PhaoLô viết cho Maxêđônia: thư I Thessalônikê và thư Philliphê
-          Tháng 1/2009: ngã gục ở Athens (theo Công vụ)
-          Tháng 2/2009: Viết cho Achaika: thư I và II Côrinthô
-          Tháng 3/2009: Viết cho Anatôlia: thư Ga lát
-          Tháng 4/2009: Viết cho dân cư vùng thủ phủ: thư Rôma
-          Tháng 5/2009: Viết cho các nơi khác: thư Philêmôn, Côlôsê, Êphêsô
-          Tháng 6/2009: Dẫn giải PhaoLô theo tính chính trị ngày hôm nay


        
“Ai có thể tách ta ra khỏi tình yêu Đức Kitô? Phải chăng là gian truân, khốn khổ, đói rách, hiểm nguy, bắt bớ, gươm giáo? Như có lời chép: Chính vì Ngài mà mỗi ngày chúng con bị giết, bị coi như bầy cừu để sát sinh.

Nhưng trong mọi thử thách ấy, chúng ta toàn thắng nhờ Đấng đã yêu mến chúng ta. Đúng thế, tôi tin chắc rằng: cho dù sự chết hay sự sống, thiên thần hay ma vương quỷ lực, hiện tại hay tương lai, hoặc bất cứ sức mạnh nào, trời cao hay vực thẳm hay bất cứ loài thọ tạo nào khác, không gì tách được ta ra khỏi tình yêu Thiên Chúa thể hiện nơi Đức Kitô Giêsu, Chúa chúng ta.” (Rm 8: 35-39)

Sự giàu có, khôn ngoan và thông suốt của Thiên Chúa sâu thẳm dường nào! Quyết định của Người, ai dò cho thấu! Đường lối của Người, ai theo dõi được! Thật vậy, ai đã biết tư tưởng của Chúa? Ai đã làm cố vấn cho Người? Ai đã cho Người trước, để Người phải trả lại sau? Vì muôn vật đều do Người mà có, nhờ Người mà tồn tại và quy hướng về Người. Xin tôn vinh Thiên Chúa đến muôn đời! Amen. (Rm 11:33-36)

Viện bảo tàng nhỏ ở Colmar, Alsace là nơi gìn giữ rất kỹ các mảnh bàn thờ Isenheim từng phác họa năm 1510-1515 do nghệ sĩ truyền thống (chuyện này có lẽ cũng không đúng cho lắm) tác tạo dưới tên hiệu Grunewald.

Tác giả Martin Buber gọi đó là “bàn thờ Thần Khí Chúa ngự trị ở trời Tây.” Bên ngoài bức họa vĩ đại này vẽ lên bóng đen dày đặc thế giới về đêm. Ở chính giữa, có ảnh hình lớn phác hoạ thân xác người phàm bị người nước này hành hạ cho đến chết, cộng thêm vào đó là rào cản tính chính-thống của đạo giáo. Nơi đó, còn có thêm ảnh hình diện mạo rất khổ của Đức Giêsu rày đã chết. Và, ngay cạnh đó, là cảnh sống lại vinh hiển của Đức Kitô quang vinh không vương vấn bụi trần. Thân xác Ngài được tái-tạo bằng thứ ánh sáng uy-linh, có sắc mầu cầu vồng bao bọc tỏa chiếu rất sáng rực.

Thánh PhaoLô ở không xa Colmar là mấy. Chính thánh nhân đã gộp toàn cảnh vào làm một tổng thể rất đáng kể.


Đôi giòng trích dẫn viết về Phaolô thánh nhân

Sự thật rất thực là chúng ta khám phá ra rằng đây là nhân vật chuyên gây phiền toái nhưng lại toàn hảo.” (Tertullios bách hại thánh PhaoLô trước mặt Felix, Cv 24:5)

Thánh PhaoLô đơn giản chỉ là khuôn mặt đầy thảm-hại nhưng lại có ảnh hưởng lớn lao nhất trong lịch sử Tây phương.” (Robert Orlando, nhà làm phim nói về cuốn phim tài liệu mới của ông mang tựa đề:“Thánh PhaoLô: di cảo lịch sử vĩ đại chưa từng có”)

Một thế hệ mới gồm các nhà chú giải kinh thánh đã thách thức quan niệm cổ xưa rất thời thượng cứ muốn tìm hiểu xem thánh PhaoLô là ai? Giáo huấn của ngài có gì lạ?“ (K. Woodward, How to Read Paul 2000, Newsweek, số tháng Hai 1988 tr.65)

Thánh Phaolô là thiên tài thi ca thần-bí có khả năng diễn giải nền thần-học phong-phú rất phấn khởi. Thánh nhân là cây viết từng đem lại nhiều dấu-ấn cùng với các tác giả khác đã làm nên Tân-Ước. Thánh nhân còn là nhà tổ chức rất chuẩn, rực sáng và đầy ân lộc từng đóng góp nhiều điều cho Hội thánh mà nếu không có ông, hẳn có người sẽ tự hỏi không biết Đạo Chúa có còn hiện hữu nữa hay không? Và khi đó, Kitô-giáo có lẽ sẽ hoàn toàn khác hẳn.“ (G. Vermes, The Changing Faces of Jesus, Penguin, 2001)

Ngài là bậc mô-phạm về Đạo trổi trang nhất từ xưa đến nay mà lịch sử từng ghi chép.
Là, tín hữu đích thực đầu tiên chưa hề gặp Đức Giêsu bằng xương bằng thịt.” (B. Chilton)

Không có thánh Phaolô, hẳn là Kitô-giáo cũng chỉ là giáo-phái nhỏ bé lệ-thuộc Do-thái-giáo mà thôi.” (K. Armstrong)

Kitô-giáo có lẽ sẽ tàn tạ nếu không có thánh Phaolô chống đỡ.” (E. Stourton)

Thánh Phaolô chưa từng đi trước để bảo rằng: dân con thế kỷ 21 có lẽ cũng sẽ là cử-tọa của ngài. Thật ra, thánh nhân không mang trong đầu một ý tưởng nào tựa như thế, vì riêng ông vẫn nghĩ thế gian đang đi vào đoạn kết của mình.” (P.Eisenbaum)

Tôi chỉ là kẻ đớn hèn của Chúa, kẻ bé mọn trong các tông đồ.” (Lời Thánh nhân)

Giả như có người nào hỏi tôi rằng: Đức Giêsu Kitô chừng như đã nói điều gì với thánh Phaolô rồi, thì tôi nghĩ câu mà thánh nhân trả lời sẽ là: lời cảm ơn chân tình.” (John Dominic Crossan)

Phaolô đích thực là Phaolô rong ruổi đường dài, vốn dĩ là dân chài của đám nhân-loại khá kém cỏi, ngu dốt và tuyệt vọng; bởi, chính thánh nhân đã làm cho những người nghe lời mình cũng rong ruổi như mình từng rong ruổi theo họ, trong mạng lưới rối mù những lời lẽ khó hiểu và tuyệt vọng. Thiên Chúa của thánh nhân là Đức Chúa bí ẩn, mù mờ và cuối cùng cũng được biện giải như ai và ngài vẫn chăm lo từng li từng tí đến độ tinh xảo; và sốt sắng đến độ làm cho nhiều người phải lầm lẫn.” (Mark Given)

Là dân con xứ miền Địa-Trung-Hải từng đi đây đó suốt nhiều năm và là người hoạt động năng nổ từng cải biến/chuyển đổi người Do thái sống trong cộng đồng nhỏ bé giữa thế giới La- Hy rộng lớn, bao quát.” ( Richard Rohrbaugh)

Ngày nay, đối với ta, văn chương Kitô-giáo đã khởi đầu bằng các thư của thánh Phaolô tông đồ. Đây là tài liệu sớm sủa nhất của Kitô-giáo vẫn được coi là văn-bản độc lập, đó là thư thánh Phaolô. Có thể nói, thánh nhân là nhà sáng chế ra các thư luân-lưu cốt làm mẫu cho các thư kế tiếp của tín hữu Hội thánh tiên khởi.” (Moreschini-Norelli)

Rất thường tình, con người vẫn chạm mặt với những động thái kiểu “cơm không lành, canh không ngọt” vốn xuất tự các thư do thánh Phaolô viết, nhưng đó là những thời-khắc không mấy thích hợp. Cũng nên coi mấy thư ấy như các hiện tượng ngoại vi, hoặc như: cơn mưa phùn lẻ tẻ đổ xuống miệng núi đang phun lửa, mà thôi. Dù, ở thời khắc tệ hại đến như thế, đối với tôi, thánh Phaolô vẫn là diện mạo trung thực nhất trong số các khuôn mặt ta thấy được ở sách Tanakh, Tân Ước và Talmuds. Phaolô là con người mồm miệng lởm chởm, không hoàn mỹ nhưng lại có tính thuyết phục. Không như nhân vật nào khác trong Sách thánh và Talmuds, thánh nhân đã để lại cho ta những bài viết gửi từ nhiều người, nhưng lại do chính thánh nhân tạo nên. Thánh Phaolô là đấng khi ta gặp tận mặt và tỏ ra thanh thản với con người đầy góc cạnh như ông, và chỉ khi đó ông mới nói với ta qua thị kiến khá chênh chếch về Đức Giêsu lịch sử để rồi ta khởi đầu bằng hành trình lịch sử gặp toàn chuyện vui, thôi.” (Donald Akenson, Saint Saul: A Skeleton Key to the Historical Jesus)

Là nhà sáng lập đích thực của thế giới Đạo hạnh mang tên Kitô-giáo.” (G. Vermes)

Thánh nhân là tác giả trổi trang nhất viết về Kitô-giáo thời tiên khởi nhờ đó ta mới có cái nhìn rất sáng tỏ về Hội thánh thời ban đầu. Thánh nhân là giới trí thức sống trong bão táp. Là, con người luôn vượt trội đã kinh qua thế giới Địa Trung Hải, từng đột phá các thế lực kình chống Giáo hội qua thư từ, tựa xung-đột giải-quyết mọi rắc rối. Thánh nhân là nhà khắc-kỷ và thần-học-gia lỗi lạc, và cũng là người chiến đấu cả ở ngoài đường rất thành thạo. Thánh nhân, còn là con người bận rộn tại các tuyến, gặp phiền nhiễu cũng rất nhiều, đôi lúc còn nổi nóng và khùng điên vì tức giận. Lúc nào ông cũng như người muốn lao đầu vào các cuộc tranh luận sôi nổi. Ông không chống Do thái: nhưng lại phục vụ Thiên Chúa của người Do thái. Và tiếng Do thái ông nói là tiếng rút từ văn bản của ngôn ngữ gốc. Ông không là người chống đối phụ nữ: ông vẫn tôn trọng họ như những người bình quyền, cả vào khi họ phục vụ lẫn cuộc sống. Ông đề cao các lãnh tụ phụ nữ như Phoebe, Chloe và Giunia mà ông ám chỉ nhiều lần về các ngôn-sứ là phụ nữ trong thư Côrinthô; ông còn uỷ thác một số công việc cho các nữ thưà-tác-viên như Priscilla và Akila. Ông không dạy nữ giới phải biết im lặng và chỉ học hỏi trong vâng phục mà thôi (thư thứ nhất gửi Timôthê là bản mạo nhận, còn thư thứ nhất Côrinthô lại là văn kiện được thêm thắt cũng khá nhiều.) Ông là ai? Và ông đã làm gì?” (G. Wills, What Paul Really Meant)

Đọc thư thánh Phaolô viết giống như nhìn chồm trên vai người khách lạ để đọc thư viết cho những người mà mình không biết và ít khi nghe nói về người đó…” (M. Bird)
           


PHAOLÔ LỊCH SỬ


“Thánh Phaolô là thiên-tài về thi-ca thần-bí có khả năng diễn giải nền thần-học phong-phú rất phấn khởi. Thánh nhân là cây viết từng đem lại nhiều dấu-ấn cùng với các tác giả khác đã làm nên Tân-Ước. Thánh nhân còn là nhà tổ chức rất chuẩn, rực sáng và đầy ân lộc từng đóng góp nhiều điều cho Hội thánh mà nếu không có ông, hẳn có người sẽ tự hỏi không biết Đạo Chúa có còn hiện hữu nữa hay không? Và khi đó, Kitô-giáo có lẽ sẽ hoàn toàn khác hẳn.“ (G. Vermes, The Changing Faces of Jesus, Penguin, 2001)


Năm 2008, Đức Bênêđíchtô 16 tuyên bố thành lập Năm Thánh đặc biệt để mừng kính thánh Phaolô, khởi từ cuối tháng 6 năm 2008 và kết thúc vào cuối tháng 6 năm 2009. Đây là thời điểm rất thuận lợi để mọi người chúng ta có cái nhìn mới mẻ về thánh nhân. Và, cũng còn là cơ hội để ta có cái nhìn rất khác về sự sống lại trong cuộc đời những người dõi bước theo chân Chúa như thánh nhân từng khẳng định.

Tôi chịu cắt bì vào ngày thứ tám, thuộc dòng dõi Do thái, họ Ben-gia-min, là người Híp-ri, con của người Híp-ri; tuân giữ Lề luật thật đúng như người Pha-ri-sêu; lại nhiệt thành đến mức độ ngược đãi cả Hội Thánh; còn, sống đời công chính đúng theo Luật, thì chẳng ai có thể trách cứ được tôi. Nhưng, những gì khi xưa tôi cho là có lợi, thì nay, vì Danh Đức Kitô, tôi cho là thiệt thòi nhất. Hơn nữa, tôi coi tất cả mọi sự đều thiệt thòi, so với mối lợi tuyệt vời, là được biết Đức Kitô Giêsu, Chúa của tôi. Vì Ngài, mà tôi đành mất hết và tôi coi tất cả như cỏ rác để có được Đức Kitô và được kết hợp với Ngài. Để được vậy, không phải do sự công chính của riêng tôi, hoặc sự công chính nhờ vào luật Môsê đem lại, nhưng nhờ sự công chính do lòng tin vào Đức Kitô, tức sự công chính do Thiên Chúa ban, dựa trên lòng tin. Vấn đề là được biết chính Đức Kitô, nhất là biết Ngài quyền năng thế nào nhờ đã phục sinh, cùng thông phần những đau khổ của Ngài, nhờ trở nên đồng hình đồng dạng với Ngài trong cái chết của Ngài, với hy vọng có ngày cũng được sống lại từ trong cõi chết.” (Phil 3: 5-11)



QUÁ TRÌNH SỰ NGHIỆP

Thế giới Hy Lạp và La Mã cổ xưa, chỉ có chừng 10% dân số là biết đọc và biết viết. Đối với dân Palestin, số người này còn ít hơn nữa. Điều đó có nghĩa: 10% số người này làm nên xã hội gồm những người tuyển chọn trong dân, vào thời đó. Họ là những người sống ở thị thành, mà thôi. Các thủ lãnh Hội thánh tiên khởi, giống như thánh Phaolô, đều thuộc lớp người này.

Kitô-giáo thời tiên khởi không do lớp người đặc sủng sống ở miền quê dẫn dắt, mà do những người có học, tựa hồ các lãnh-tụ hội-đường vào thời trước như Gaius hoặc thủ quỹ các kho bạc thị thành như Erastus và/hoặc các nữ thương gia đạt thành quả như Lydia. 

Kết quả là, Hội thánh Chúa Kitô hồi thời tiên khởi đã để lại rất nhiều điều, cho hậu thế. Các lãnh tụ thời đó hầu hết là học giả hoặc các cây viết. Về sau, vào khoảng thập niên 70 sau Công Nguyên, toàn thể bốn thánh sử viết Tin Mừng đều là học giả ở bậc cao, rất tài giỏi. Trước đó, cũng nhiều vị có khả năng tương tự như Apôlô và Silas. Và, đặc biệt là thánh Phaolô. Không có thánh Phaolô, có lẽ những người khác cũng không tài nào làm được như thế và Tân Ước ta hiện có chắc cũng không tồn tại đến bây giờ. Và, Hội thánh thời tiên-khởi như ta biết, có lẽ cũng đã không hiện hữu. Phân nửa Tân Ước hầu như được nối kết với thánh Phaolô. Phân nửa sách Công Vụ và có lẽ còn hơn nữa đều do thánh Phaolô viết ra.

Ngày nay, chúng ta biết nhiều về thánh Phaolô là nhờ vào các sách và bài viết rất như thế. Ta biết về thánh Phaolô nhiều hơn biết về Đức Giêsu Kitô nữa. Bởi, Đức Giêsu Ngài chẳng viết cuốn sách nào hết. Chúa đi đây đó, cũng ít hơn thánh Phaolô từng đi. Tuổi thọ của Chúa, cũng chỉ bằng phân nửa tuổi đời của thánh nhân thôi. Và, khi Chúa qua đời, đến bốn mươi năm sau mới có người viết về cuộc đời công khai phục vụ của Chúa. Đàng khác, các sử liệu mới đây cho biết Đức Giêsu xuống thế làm người và trở thành người Do thái, là một cư dân sống ở miền Galilê cũng khá nghèo; và, Ngài chưa từng đến trường lớp nào để học một ai. Các thánh sử viết lên bốn cuốn Tin Mừng đều đã viết về Đức Giêsu theo cung cách tư riêng, đặc biệt. Bởi thế nên, ta mới khám phá ra ở bên dưới ảnh hình mà các thánh sử ghi lại về Chúa, giúp ta có được ảnh hình về nhân vật “Giêsu lịch-sử”. Nhưng với thánh Phaolô, thì lại khác. Ta biết nhiều về thánh Phaolô hơn và biết rõ những gì thánh nhân viết và cũng đã để lại cho hậu thế, rất nhiều điều. ( Còn tiếp kỳ sau)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét