Trang

Thứ Bảy, 22 tháng 6, 2013

Giao ước (3): Abraham, cha chúng ta



 Tổng quan
Lịch sử cứu độ – câu chuyện mà Thánh Kinh – nói về các giao ước, tạo thành “xương sống” hay “cấu trúc xương” của Thánh Kinh.
Trong thế giới cổ đại, những thỏa thuận được lập trong các mối quan hệ gia đình. Các giao ước của Thiên Chúa trong Thánh Kinh cũng tương tự như vậy. Thiên Chúa thiết lập quan hệ gia đình với các thụ tạo của Ngài, những con người được dựng nên theo hình ảnh và giống như Ngài. Do đó trong giao ước, Thiên Chúa đã – và vẫn là – Cha của một gia đình. Qua các giao ước của Thánh Kinh, Ngài ban phúc lành – một phần ân sủng thần linh của cuộc sống Ngài – trên những người Ngài kết ước. Nhờ phúc lành này, Thiên Chúa làm cho chúng ta thành những người thừa kế và là con đích thật – con trai và con gái – của Ngài.
Chúng ta đang nghiên cứu lịch sử này để hiểu rõ hơn và để sống tốt hơn Giao Ước Mới, mà Ngài đã ban cho chúng ta trong con người là Chúa Yêsu Kitô, mà chúng ta được tháp nhập vào nhờ Bí Tích Rửa Tội. Tất cả các giao ước chúng ta đọc trong lịch sử Cựu Ước của Thánh Kinh được dùng để báo trước, và chỉ về Giao Ước Mới.
Khởi đầu Thánh Kinh, do hậu quả tội nguyên tổ của Ađam và Eva, gia đình Thiên Chúa đã bị vỡ và chia rẽ. Do vậy có một sự căng thẳng liên tục giữa những con người với Thiên Chúa là nghi ngờ lời hứa của Thiên Chúa, và con người tìm cách tự tôn vinh mình, có nghĩa là, sống bên ngoài gia đình của Thiên Chúa. Những người “gọi Danh Thiên Chúa”, nghĩa là, những người mong muốn sống như con cái của Ngài (x. St 4,26) ít đi.
Sự căng thẳng này đạt đến đỉnh điểm là tháp Babel. Trước đó, Ađam và Eva, những người đã tìm cách sống không cần có Thiên Chúa, để tự mình nên “như các vị thần”. Thời nay những người đàn ông và đàn bà cũng hành động như thế (x. St 11).
Nhưng ngay sau câu chuyện Babel, chúng ta thấy xuất hiện Abram hay Abraham. (Để đơn giản, chúng ta sẽ gọi là “Abraham”, mặc dù tên ông là “Abram” cho đến khi Thiên Chúa thay đổi tên ông – x. St 17,5).
Abraham được kêu gọi từ bỏ những cách cố gắng đề cao bản thân hay tự làm hiển danh mình. Nếu Abraham tin và vâng phục Thiên Chúa, thì Ngài hứa sẽ làm cho danh ông được nên cao trọng (x. St 12,2).
Với Abraham, lịch sử nhân loại sẽ trở thành lịch sử cứu độ. Còn lịch sử của chúng ta đang đi đến kết cục là chết. Chết là trở về với bụi đất, nơi từ đó con người đầu tiên được tạo ra (x. St 1,19; GLCG 1079-1080). Bởi lòng trung thành, Abraham trở thành cha của một thế hệ mới, một thế hệ những người sống trong niềm tin vào lời hứa của Thiên Chúa.
Abraham, được Thiên Chúa hứa sẽ cho làm “cha đẻ của một loạt các quốc gia” (x. St 17,5). Thông qua con cháu của mình, Abraham sẽ là người mang phúc lành của Thiên Chúa cho tất cả các quốc gia trên trái đất (x. St 12,3). Phúc lành Thiên Chúa muốn ban là gì? Đó là tặng phẩm “được làm con Thiên Chúa”. Mọi lời hứa của Thiên Chúa được thực hiện trong Chúa Yêsu, làm người, như chúng ta đọc trong dòng đầu tiên của Tân Ước, “Con của Abraham” (x. Mt 1,1).

Abraham, cha của chúng ta
Những lời hứa lớn
Giao ước của Thiên Chúa với Abraham có ba phần, và nó bắt đầu với ba lời hứa: làm cho Abraham nên một quốc gia vĩ đại (x. St 12,1), cho danh Abraham nên lớn lao (x. 12,2), và làm cho Abraham nên nguồn ban phước cho tất cả các thế giới (x. St 12,3).
Sau này các lời hứa được “nâng cấp” thành giao ước của Thiên Chúa. Thiên Chúa thề không chỉ làm cho Abraham một quốc gia vĩ đại, mà Ngài còn hứa giải thoát cho hậu duệ của Abraham khỏi áp bức của các quốc gia ngoại bang và ban cho họ một phần đất cụ thể (x. St 15,7-21). Không chỉ tên là tên Abraham sẽ tuyệt vời, mà Thiên Chúa còn thề ước thề sẽ làm cho Abraham nên “cha đẻ của một loạt các quốc gia” – một triều đại hoàng gia – “vua sẽ xuất phát từ Abraham” (x. St 17,1-21).
Thiên Chúa nâng lời hứa thứ ba bằng cách thề sẽ làm cho dòng dõi Abraham “đông như sao trời, như cát bãi biển”. Trong con cháu của Abraham “tất cả các quốc gia trên trái đất sẽ cầu phúc cho nhau được như Abraham” (x. St 22,16-18).
Chúng ta nhìn tương lai của lịch sử cứu độ sẽ thấy Thiên Chúa thực hiện ba giao ước này.
Abraham được nên một quốc gia vĩ đại trong cuộc Xuất Hành, khi các giao ước Ngài làm với Môsê. Thiên Chúa làm cho con cháu của Abraham thành một quốc gia và sở hữu đất đã hứa với Abraham (x. St 46,3-4). Chúng ta sẽ thấy rõ điều này khi đọc sách Xuất hành và Đệ nhị luật.
Lời thề thứ hai của Thiên Chúa được hoàn thành khi Đavit được làm vua (x. 2Sm 7,9) và một triều đại muôn đời (x. Tv 89,3-4; 132,11-12).
Và cuối cùng, các giao ước này chỉ đến với chúng ta trong Chúa Yêsu. Giao Ước Mới của Ngài thực hiện lời hứa của Thiên Chúa, làm cho con cái của Abraham nên nguồn phúc lành cho tất cả các quốc gia. Đó là lý do tại sao trong dòng đầu tiên của Tân Ước, chúng ta thấy dòng chữ “Chúa Yêsu Kitô … con của Abraham” (x. Mt 1,1).

 
Người con yêu quý
Trong hai thánh ca Tin Mừng nổi tiếng của Đức Maria (Magnificat – Lc 1,46-55) và của ông Dacaria (Benedictus – Lc 1,68-79), chúng ta thấy sự xuất hiện của Chúa Yêsu như Đấng hoàn thành những lời hứa của Thiên Chúa đã thề với Abraham (so sánh Lc 1,55. 72-73 với St 12,3 13,15  22,16 -18).
Chúa Yêsu là hậu duệ của Abraham, trong đó các phúc lành được làm con Thiên Chúa sẽ được ban cho tất cả các quốc gia trên thế giới. Chúa Yêsu chỉ cho thấy một biểu tượng của Ngài trong sự ra đời của Isaac: “Abraham cha của các ông nức lòng nhìn thấy ngày của tôi, ông đã nhìn thấy nó và nó rất vui”. Tất nhiên, Abraham đã không thấy theo nghĩa đen là nhìn thấy ngày của Chúa Yêsu. Ông vui mừng khi sinh ra người thừa kế của ông là Isaac (x. St 17,7). Nhưng Chúa Yêsu muốn nói với chúng ta rằng trong Isaac chúng ta sẽ thấy một điềm báo sinh về Ngài.
Bắt đầu từ trong Thánh Kinh cho đến các tác phẩm của Giáo phụ như thánh Augustinô. Nhiều người đã nhìn thấy sự kết nối sâu sắc giữa cuộc sống của Isaac và cuộc đời Chúa Yêsu. Isaac được sinh ra là một phép lạ – một người đàn ông 100 tuổi và vợ cằn cỗi của mình. Vì vậy, Chúa Yêsu được sinh ra bởi quyền năng của Chúa Thánh Thần. Như Isaac chịu cắt bì để tham gia vào thành viên gia đình những người được Thiên Chúa tuyển chọn, do đó, là Chúa Yêsu (x. Lc 2,21).
Có một biểu tượng, thậm chí còn sâu sắc hơn trong các thử nghiệm khủng khiếp mà Thiên Chúa ban cho Abraham – đó là hiến tế người con trai duy nhất yêu quý của mình, Isaac. Câu chuyện này từ lâu đã được xem là điềm báo cho Người Con yêu dấu duy nhất của Thiên Chúa chết trên thập giá ở đồi Golgotha.
Đầu tiên, câu chuyện nhắc nhiêu lần các từ “cha” và “con/con trai” (x. St 22). Isaac được mô tả là người con yêu dấu của Abraham (x. St 22,2.12.16). Còn trong Tân Ước chúng ta sẽ tìm thấy Thiên Chúa sử dụng những từ tương tự – “Con yêu dấu của Ta” – để chỉ Chúa Yêsu tại hai điểm quan trọng trong cuộc đời: trong Phép Rửa và Biến Hình của Ngài (x. Mt 3,17; 17,5).
Ngôn ngữ này không phải là ngẫu nhiên. Đó là đầu mối với những gì đang xảy ra trong câu chuyện Abraham, là một trong những khó khăn nhất để hiểu toàn bộ Thánh Kinh. Nếu không có đầu mối này, chúng ta sẽ rút ra kết luận tàn nhẫn: Làm thế nào Thiên Chúa có thể yêu cầu bất cứ ai hy sinh con trai duy nhất của mình? Thiên Chúa là ai mà đòi hỏi một bài kiểm tra lòng trung thành như thế?
Nhưng thử nghiệm này, cũng như nhiều điều được viết trong Cựu Ước, đã được viết như một “con số” để dạy chúng ta một bài học về kế hoạch yêu thương của Thiên Chúa (1Cr 1,11; Rm 4,23-24). Các tác giả Tân Ước hiểu rõ rằng câu chuyện này không phải là về một Thiên Chúa tàn nhẫn đã yêu cầu các tín hữu làm những điều kinh hoàng để phục vụ Ngài. Họ biết rằng trong câu chuyện của cha Abraham và con Isaac, Thiên Chúa đã được tiết lộ cho chúng ta một cái gì đó thuộc về mầu nhiệm làm Cha của Thiên Chúa, của chính Ngài.
Thiên Chúa hai lần ca ngợi lòng trung thành của Abraham – “Ngươi không từ chối hiến tế con trai yêu quý của mình” (x. St 22,12,15). Thánh Phaolô trích dẫn bản dịch Hy Lạp (bản LXX) nói chính xác về cuộc thương khó – “Đến như chính Con Một, Thiên Chúa cũng chẳng tha, nhưng đã trao nộp vì hết thảy chúng ta. Một khi đã ban Người Con đó, lẽ nào Thiên Chúa lại chẳng rộng ban tất cả cho chúng ta?” (Rm 8:32). Chúng ta cũng có thể nghe thấy một tiếng vang của lời khen ngợi Thiên Chúa trong Thánh Kinh nổi tiếng từ Tin Mừng Gioan: “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban con một của Ngài …” (x. Ga 3,16).
Tuy có khác, tinh tế hơn: Ví dụ, miền núi, nơi Thiên Chúa bảo Abraham để thực hiện sự sát tế là núi Moriah, là nơi Menkisêđê – Salem ở. Trong thực tế, truyền thống Do Thái cho rằng Moriah là nơi vua Solomon xây dựng đền thờ của Chúa (x. 2Sb 3,1). Sự thật, truyền thống Do Thái cho rằng cái tên “Yerusalem” xuất phát từ lòng tin của Abraham vào Thiên Chúa “sẽ ban cho” (x. St 22,8; tiếng Do Thái = yir’eh hoặc jira) Salem (bình an).
Đồi Golgatha, nơi Chúa Yêsu bị đóng đinh, là một trong những ngọn đồi của vùng Moriah. Và như Isaac mang củi (gỗ) để hiến tế chính mình, và cũng vậy, Chúa Yêsu sẽ vác thập giá (gỗ) của Ngài và của những người liên kết Ngài. Truyền thống Do Thái cho rằng khi tổ phụ Abraham hiến tế Isaac theo lệnh Thiên Chúa, Isaac trong độ tuổi từ 27 đến 35. Điều này cho thấy một sự trùng hợp giữa Isaac và Chúa Yêsu – cả hai cùng độ tuổi, cả hai tự do chấp nhận cái chết của chính mình như một của lễ dâng cho Thiên Chúa.
Abraham nói với đầy tớ rằng: “Chúng tôi sẽ tôn thờ Chúa và sau đó trở về với các ngươi” (x. St 22,5), nghe như một lời hứa về sự phục sinh. Tại sao Abraham nói “chúng ta”, nếu ông nghĩ Isaac sẽ bị giết? Thư gửi tín hữu Do Thái giải thích rằng đó là vì Abraham đã có niềm tin vào sự sống lại: “17Nhờ đức tin, khi bị thử thách, ông Abraham đã hiến tế Isaac; dù đã nhận được lời hứa, ông vẫn hiến tế người con một.18Về người con này, Thiên Chúa đã phán bảo: Chính do Isaac mà sẽ có một dòng dõi mang tên ngươi.19Quả thật, ông Abraham nghĩ rằng Thiên Chúa có quyền năng cho người chết trỗi dậy. Rốt cuộc, ông đã nhận lại người con ấy như là một biểu tượng”. (Hr 11,17-19). Trong thực tế, Isaac được tha, còn Chúa Yêsu sẽ chết trong mồ đến “ngày thứ ba” (x. St 22,04).

Các dấu hiệu của xác thịt và Thần Khí
Abraham tin rằng Thiên Chúa sẽ ban lại người con trai yêu quý duy nhất cho mình. Và bởi đức tin này, ông tôn trọng nghĩa vụ của mình trong giao ước đã ký kết với Thiên Chúa.
Điều kiện Abraham phải làm trong giao ước với Thiên Chúa là tin vào lời hứa của Ngài. Đức tin là như vậy đối với những ai sẽ tham gia vào Giao ước mới được thực hiện trong Chúa Yêsu.
Chúng ta thấy điều này ghi rõ trong các Thư của thánh Phaolô, đặc biệt là trong các thư của gửi tín hữu Rôma và Galat. Ông Abraham, được thánh Phaolô nói là “cha đẻ của tất cả … những người tin” (Rm 4,11-12). Thánh Kinh nói về ông Abraham: “đức tin làm cho Abraham nên công chính”. Đây cũng là điều kiện cần thiết cho chúng ta. Chúng ta cũng phải tin tưởng vào lời hứa của Thiên Chúa, “tin vào Chúa Yêsu, Chúa chúng ta, Đấng đã phục sinh từ cõi chết (x. Rm 4,9. 23-24).
Các phúc lành Thiên Chúa đã hứa ban cho trên thế giới thông qua các hậu duệ của Abraham đến với chúng ta qua niềm tin của chúng ta vào Thập Giá và sự Phục Sinh của Chúa Yêsu. Sự hiến tế của Chúa Kitô mang đến cho chúng ta “phúc lành của Abraham” (x. Gl 3,14). Những ơn phúc của cha chúng ta – tổ phụ Abraham – là dòng chảy trong chúng ta ngang qua bí tích Rửa Tội, và là dấu hiệu của Giao Ước Mới. Nó như cắt bì là dấu hiệu của giao ước của Thiên Chúa lập với Abraham.
Thiên Chúa buộc thực hiện việc cắt bì như là một dấu chỉ lời thề giao ước của Ngài, để Ngài làm cho con cháu của Abraham một triều đại vương giả: “Vì vậy, giao ước ta sẽ ở trong xác thịt của ngươi như một giao ước đời đời” (x. St 17,1-14). Nhưng thánh Phaolô dạy, dấu chỉ giao ước này bằng xương bằng thịt chỉ để tượng trưng cho dấu chỉ linh thánh là bí tích mà chúng ta lãnh nhận để tham gia vào giao ước mới, vào gia đình vương giả của Thiên Chúa.
Điều các tiên tri đã nói “cắt bì của trái tim” đã trở thành một dấu chỉ của sự hiến dâng cả đời mình cho Thiên Chúa (x. Đnl 10,16; Gr 4,4; so sánh với Rm 2,25-29; 1Cr 7,18-19). Ngôn sứ Giêrêmia cho biết, luật pháp của Giao Ước Mới sẽ được ghi khắc trong tâm khảm (x. Gr 31,31-34).
Điều này xảy ra trong bí tích Rửa Tội, đó là “cắt bì của Đức Kitô” (x. Cl 2,11) và cắt bì thật sự (x. Pl 3,3). Như cắt bì là dấu hiệu của con cháu Abraham, thì “cắt bì mới” – Bí tích Rửa tội – là dấu hiệu của thành viên trong Giáo Hội, dân mới của Thiên Chúa.
Do đó những gì Thiên Chúa hứa với ông Abraham được hoàn thành trong Giáo hội – đó là đoàn dân đông đúc không ai có thể đếm hết được, từ mọi quốc gia, mọi chủng tộc. Đó là kết quả của lời chúc phúc và ơn cứu độ của Thiên Chúa dành cho ông Abraham (x. St 15,5 và Kh 7, 9-10).

Chúc phúc của Shem
Thiên Chúa hứa chúc lành cho Abraham. Chúng ta biết những phúc lành này được thực hiện trong hàng con cháu của ông, đặc biệt là trong Chúa Yêsu. Nhưng trong sách Sáng thế, phúc lành thực tế Abraham chỉ nhận được cách bí ẩn từ vua Salem-thượng tế Menkisêđê (x. St 14,18-20).
Như vậy nghĩa là sao?
Chúng ta nhận thấy, Thiên Chúa quan tâm đặc biệt đến “con trai đầu lòng” trong sách Sáng Thế – bắt đầu với Ađam, người gây ra tội nguyên tổ. Ađam sinh người con đầu là Cain – trở thành kẻ giết người đầu tiên.
Trong thế giới cổ đại, con trai đầu lòng là người được thừa kế duy nhất của tất cả các tài sản, quyền lực của người cha. Việc nhận được phúc lành của cha mình là mục tiêu của mỗi người con trai. Trong Thánh Kinh, điều “tự nhiên” này được chuyển thành “siêu nhiên”.
Thiên Chúa ban phúc lành của Ngài trên thế giới thông qua người con “đầu lòng” – ông Ađam. Nhưng đến Ađam, thông qua niềm tự hào cá nhân và sự bất tuân phục Thien Chúa, không sống theo những nghĩa vụ của người được quyền thừa kế. Vì vậy, Đức Chúa Trời đã lập một người con “đầu lòng” khác là ông Noê, người đã được chứng minh là “một người đàn ông tốt và vô tội” (x. St 6,9).
Thông qua sự thành tín của ông Noê, Thiên Chúa mới lập giao ước giữa Ngài với các loài thụ tạo và gia đình nhân loại (x. St 9,1-17). Như người đầu tiên được sinh ra, ông Noê cũng ngã vào tội lỗi (x. St 9,20-22). Tuy nhiên, bất chấp sự bất trung của con người, Thiên Chúa vẫn luôn trung thành với giao ước của Ngài. Vì vậy, Ngài quay sang một người con đầu lòng mới là Shem, người công chính đầu tiên được sinh ra sau giao ước với ông Noê.
Shem nhận được những lời chúc phúc từ ông Noê – “Chúc tụng Thiên Chúa, Thiên Chúa của Shem!” – Đánh dấu lần đầu tiên trong Thánh Kinh Thiên Chúa được xác định tương quan với một con người cụ thể (x. St 9,26-27). Thiên Chúa được chỉ định là “Đức Chúa Trời của Shem” – một dấu hiệu cho thấy Shem là người công chính và uy thế trước mặt Thiên Chúa.
Tuy nhiên, sau đó Shem biến mất. Không giống như các người con đầu lòng khác – Ađam, Cain, Noê – chúng ta không thấy ông Shem rơi vào sự ô nhục của tội lỗi. Trong thực tế, chúng ta không nghe bất cứ điều gì thêm về ông Shem – ngoại trừ việc ông có con trai và mười thế hệ sau, một trong những hậu duệ của ông là Thêra sinh ra ba người con trai, mà người con đầu lòng là Abraham (x. St 11,26 -27).
Điều làm cho nhiều người thắc mắc là sau lụt hồng thủy, phúc lành của Chúa không được lưu truyền. Không thấy Shem trao điều đó cho ai kế thừa kế?
Sáng thế 11, 10-26 cho biết, khi Shem 100 tuổi thì sinh ra Arpachshad. Khi Arpachshad 290 tuổi thì Abraham được sinh ra, là cháu đời thứ 10 của Shem. Đó là mối liên hệ giữa Shem và Abraham
Mối quan hệ này rất quan trọng đối với các giáo sĩ Do Thái cổ đại và những người phiên dịch Thánh Kinh thuộc Kitô giáo trong nhiều thế kỷ đầu, trong đó có lẽ là tác giả của Thư gửi tín hữu Hipri là quan trọng nhất. Đó cũng là chìa khóa để tìm ra những gì đang xảy ra giữa Abraham và Menkisêđê được nói đến ở chương 14 sách Sáng thế.
Theo một truyền thống lâu đời của người Do Thái giáo và Kitô giáo thì một trong những bí ẩn đó là Menkisêđê đích thực là Shem, tộc trưởng vĩ đại, người thừa kế chính của các phúc lành của Thiên Chúa đã hứa ban sau lụt hồng thủy.
Chúng ta sẽ xem xét một số đầu mối trong các bản văn Thánh Kinh. Cần chú ý cẩn thận các vương quốc được nêu danh vào đầu của sách Sáng Thế ở chương 14, đặc biệt là sự truy về nguồn gốc gia phả của các con trai ông Noê là Shem, Yaphết và Kham.
Sôđôm, Gôatma và Yêbulom được xem là hậu duệ của vương quốc Canaan, con trai do loạn luân giữa Kham và mẹ mình (vợ ông Noê) (x. St 10,6.19). Sinê là một vương quốc hậu duệ của Kham (x. St 10,06.10). Êlam xuất hiện là hậu duệ từ Shem (x. St 10,22). Và vương quốc của Golom (trong tiếng Do Thái, nghĩa là “các quốc gia”) xuất hiện là hậu duệ của Yaphết, cha của “các quốc gia hàng hải” (x. St 10,5).
Chiến tuyến được lập trong Sáng thế chương 14 thật khó hiểu, nhưng đây là những gì đã xảy ra: các vua của Êlam, phối hợp với ba vương quốc khác, đánh bại một liên minh của các vua của Sôđôm, Gôátma, Yêbulom và Xoa (x. St 14,17). Kế đó đến lượt Abraham đánh bại liên minh do vua Êlam dẫn đầu, để cứu cháu trai của ông là Lót, người đã bị bắt giữ như một tù nhân chiến tranh trong cuộc chiến trước đó.
Kết quả là, Abraham, con cháu của Shem trở thành người cai trị con cháu của Kham và Yaphết như ông Noê đã tiên báo (x. St 9,25-27).
Chính xác tại thời điểm này, Menkisêđê xuất hiện. Và những gì ông làm gì là vang lại những lời chúc phúc trên Abraham y như lời chúc phúc mà ông Noê đã nói với ông Shem (x. St 14,19-20).
 
Nguồn gốc tư tế
Tất cả điều này có nghĩa là gì?
Nếu Menkisêđê, có nghĩa là “vua của công chính” (x. Hr 7,02), thực sự là Shem, con trai lớn của ông Noê, người đã lãnh phúc lành của Thiên Chúa ban cho Nôê, được chính ông Noê truyền lại, thề đến mình, ông Shem chuyển phúc lành đó cho ông Abraham. Sự lưu truyền phúc lành của người đầu tiên được gọi là công chính này cho phép ân sủng tiếp tục truyền từ Abraham đến Isaác (x. St 25,5) và đến Yacốp (x. St 27,27-29).
Với phúc lành này, Menkisêđê là người đầu tiên trở thành vua và tư tế. Điều này sẽ trở thành một sự kiện rất quan trọng cho các kế hoạch và ý nghĩa của những phần còn lại của Thánh Kinh (mở ra lộ trình thoát tội, trở về với thánh thiêng).
Menkisêđê là thượng tế tối cao và cũng là một vị vua. Nếu ông cũng là con trai đầu lòng của Noê, thì việc ông ban phúc lành cho Abraham như thế là “tấn phong”, để Abraham cũng trở thành, không chỉ có một người con trai đầu lòng công chính, mà còn là tư tế của Thiên Chúa Tối Cao.
Trong sách Sáng Thế, chúng ta thấy Abraham xây bàn thờ và kêu cầu danh của Đức Chúa (x. St 12,8; 13,4). Đây là việc làm của tư tế. Do đó, với phúc lành đã nhận, nhiệm vụ tư tế trở thành một phần phẩm tính của Abraham và là một phần của di sản triều đại Thiên Chúa đã hứa với ông Abraham. Chúng ta sẽ thấy Isaac theo bước chân của cha mình (x. St 26,25).
Ở đề tài kế tiếp, đọc về các giao ước với Môsê, chúng ta sẽ thấy quốc gia Israel được hình thành như “con trai đầu lòng” của Thiên Chúa (x. Xh 4,22) và một “vương quốc tư tế” (x. Xh 19,6).
Khi giao ước với Đavit, chúng ta sẽ thấy vua Đavit và con trai ông, Solomon, được coi là con trai “đầu lòng” (x. Tv 89,6), người được xem vừa là vua, vừa là tư tế (x. 2Sm 6,12-19; 1V 3,15; 8,62-63). Điều thú vị là, trong Cựu Ước, Menkisêđê được xem như là một nhân vật tương trưng báo trước về vua Đavit, người được tuyên bố là “một tư tế muôn đời theo phẩm hàm Menkisêđê” (x. Tv 110,4).
Chú ý, ông Menkisêđê xuất hiện từ hư không. Ông không có gia phả và nguồn gốc. Trước đây, từ “Salem” không được đề cập. “Salem”, như chúng ta thấy sau đó trong Thánh Kinh, là một hình thức ngắn của tên thành đô Yerusalem, của dân vương giả và tư tế được Thiên Chúa lựa chọn (x. Tv 76,2).
Cuối cùng, trong Tân Ước, Chúa Yêsu được coi là con đầu lòng, tư tế tối cao và là vua (x. Hr 1,2-13; 5,5-6). Và Ngài cũng được xem tư tế thuộc dòng Menkisêđê (x. Hr 7). Hình ảnh Menkisêđê đem bánh và rượu ra để tạ ơn Thiên Chúa trước khi tuyên bố những lời chúc phúc trên Abraham, cho thấy ông là tư tế của Thiên Chúa tối cao (x. St 14,18).
Chúa Yêsu cũng sẽ dùng bánh và rượu để tượng trưng cho giao ước mới. Các thánh Giáo Phụ dễ dàng nhìn thấy các hành động của Menkisêđê báo trước bí tích Thánh Thể. Và phụng vụ của Giáo Hội phản ánh truyền thống này trong lời nguyện Thánh Thể đầu tiên (Kinh tạ ơn I), trong đó đề cập đến “bánh và rượu” của thượng tế Menkisêđê (x. GLCG 1333).
Các anh chị em của Chúa Yêsu trong Giáo Hội, “được tháp nhập vào người con đầu lòng” (x. Hr 12,23), cũng trở thành một dân tư tế và vương giả (x. 1Pr 2,9; Kh 1,6).
Tất cả những điều này đưa chúng ta trở lại vườn địa đàng, nơi khởi đầu lịch sử nhân loại. Điều thú vị là Ađam được đặt trong vườn “để nuôi dưỡng và chăm sóc cho vườn” (x. St 2,15).
Trong các văn bản gốc tiếng Do Thái,  từ “abodah” và “Shamar” được dung liên quan sứ vụ tư tế. Có hai lần trong sách Dân số, hai từ này được dùng như là “phục vụ” và “miễn trách nhiệm”. Nó được sử dụng để mô tả các nhiệm vụ của thầy Lêvi, các tư tế được chỉ định cho Israel (x. Ds 3,7-8; 8,26; 18,5-6).
Ađam xuất hiện và được mô tả như một tư tế đầu tiên. Lệnh phải “sinh nở và cai quản” (x. St 1,28) có hiệu lực, được ông thực hiện để là cha đẻ của một người tư tế. Đây là số phận của nhân loại. Một số phận mà cuối cùng sẽ đạt được trong Chúa Yêsu – “Người con đầu lòng” vương giả và tư tế (x. Hr 1,6; 5,5-6).

Thời đại của Tổ phụ
Yacob, người em
Với câu chuyện của Abraham chúng ta bước vào trang lịch sử cứu độ. Phần còn lại của sách Sáng thế (chương 12-50) là những câu chuyện kể về các tổ phụ, những người sáng lập ra dân được chọn. Trong Sáng thế 12-25, chúng ta sẽ thấy Abraham và hai con trai của mình, Ismael và Isaac. Rồi Sáng thế, từ 25,19-36,43, chúng ta nghe kể riêng về câu chuyện của Isaac và hai con trai của ông là Êsau và Yacob. Sách Sáng thế kết luận, với câu chuyện của 12 người con của Yacob trong các chương 37-50. Họ là khởi đầu của các chi tộc Israel. Và đặc biệt là ông Yuse, con trai của Yacob.
Isaac lớn lên kết hôn với Rebekah. Như bà Sarah, cô Rebekah cũng hiếm muộn. Cũng giống như ông Abraham, Isaac được Chúa hứa ban cho có con (x. St 25,21; 15,3). Ba Rebekah mang thai song sinh. Từ trong bụng mẹ, cặp song sinh đã chiến đấu với nhau. Thiên Chúa nói cho Rebekah biết, mỗi đứa sẽ là một quốc gia, nhưng đứa em, Yacob, sẽ thống trị anh, Êsau (x. St 25,23).
Đây là một âm mưu hoán đổi trong sách Sáng Thế. Trước đây chúng ta thấy người thừa kế luôn là “con trai đầu lòng”. Nhưng sự chọn lựa đó trở nên thất bại cho Thiên Chúa, ngay trong vườn Eden. Sau đó, Thiên Chúa chuyển sang yêu thích người con thứ hay con út hơn: Abel được ưa chuộng hơn Cain. Isaac được chọn chứ không phải Ismael. Con trai thứ của Yacob là Yuse đã trở thành anh hùng trong những chương sau của sách Sáng thế, trong khi Ruben, con đầu lòng của Yacob, đã tìm cách bảo vệ Yuse khỏi các anh em khác (x. St 37).
Tại sao Thiên Chúa làm điều này? Thiên Chúa chọn người trẻ tuổi, người yếu đuối và tội lỗi để cho thấy lịch sử cứu độ được quản lý bởi ân sủng và tình yêu được ban nhưng không của Ngài. Thánh Phaolô cho chúng nguyên tắc chung của Thiên Chúa khi chọn lựa:  “Nhưng khi các con bà chưa sinh ra, và do đó chưa làm gì tốt hay xấu, thì Thiên Chúa đã nói với bà: Thằng anh sẽ làm tôi thằng em. Như vậy là để giữ vững kế hoạch Thiên Chúa đã tự do chọn lựa, mà chọn không dựa vào việc người ta làm, nhưng dựa vào ý Thiên Chúa là Ðấng kêu gọi. Như có lời chép: Ta yêu Yacob mà ghét Êsau (Rm 9,11-13).
Câu chuyện dẫn dắt từ việc Êsau ham ăn, bán quyền trưởng nam của mình để đổi lấy bát cháo: “Lần kia, Yacob đang nấu cháo, thì Êsau từ ngoài đồng về, mệt lả. Êsau nói với Yacob: ‘Cho anh ăn món đo đỏ kia với, vì anh đang mệt lả’. Vì thế người ta đặt tên cho nó là Êđôm.  Yacob nói: ‘Anh hãy bán quyền trưởng nam của anh cho em trước đã!’ Êsau nói: ‘Anh đang sắp chết, thì quyền trưởng nam có ích gì cho anh?’ Yacob nói: ‘Vậy anh thề ngay với em đi’. Êsau liền thề và bán quyền trưởng nam của mình cho Yacob. Bấy giờ Yacob cho Êsau bánh và cháo đậu. Êsau ăn uống, rồi đứng dậy đi. Êsau đã coi thường quyền trưởng nam” (St 25,29-34).
Sự lừa dối của Yacob bị Hôsê và Yêrêmia chỉ trích (x. Hs 12,4; Gr 9,03), và Yacob sẽ bị “trả đủa” ngay trong văn bản của sách Sáng thế, là ông sẽ bị chú Laban của mình lừa, không kết hôn với Rakhel người mà Yacob yêu nhưng phải kết hôn với Lêa, con gái đầu lòng của Laban (x. St 29,25). Và sau đó, khi Yuse, con trai của ông bị bán làm nô lệ, những người con trai khác của ông sẽ đánh lừa ông bằng cách ngâm áo Yuse trong máu dê, rồi tin cho ông hay Yuse bị thú dữ ăn thịt rồi. Sự trớ trêu này chắc chắn việc ông dung da dê để đánh lừa Isaac như tường thuật của sách sáng thế (so sánh St 27,15-16 và 37,31-33).
Nhưng nói dối Yacob cũng không ra khỏi được kế hạoch của Thiên Chúa. Thiên Chúa đã chọn Yacob hơn Êsau (x. Ml 3,1; Rm 9,13). Thông qua Yacob, Thiên Chúa sẽ mở rộng phúc lành Ngài đã ban cho Abraham (x. St 28,3-4). Thiên Chúa xác nhận điều này trong chiêm bao Yacob thấy một chiếc thang lên trời (x. St 28,10-15). Sau này, Chúa Yêsu sẽ áp dụng chiếc thang của giấc mơ này cho chính Ngài, nghĩa là trong Ngài trời và đất nối kết, con người và Thiên Chúa đáp ứng với nhau. Chúa yêsu là những gì Yacob đã thấy như là “cửa ngõ thiên đàng” (Ga 1,51; St 28,17).
Thiên Chúa thay đổi tên của Yacob thành Israel sau một cuộc đấu tranh suốt đêm đầy bí ẩn. Tên Israel có nghĩa là “Kẻ chiến đấu với Thiên Chúa” (x. St 35,10, Hs 12,5).

Yuse và Yuđa
Mười hai người con của Yacob – sinh từ hai người vợ của ông là Lêa và Rakhel – hình thành mười hai chi tộc Israel (x. St 47,27; Đnl 1,1).
Trong câu chuyện của Yuse và các anh em của mình, chúng ta sẽ lại thấy Thiên Chúa chọn người trẻ (con thứ) thực hiện kế hoạch cứu rỗi của Ngài.
Yuse là hình bóng Chúa Yêsu. Những gì xảy ra với Yuse không chỉ báo trước những gì sẽ xảy ra với con cái Israel, nhưng còn báo trước sự đau khổ và cứu rỗi của Chúa Yêsu giành cho chúng ta. 
Yuse là nạn nhân của sự ghen tị và sự từ chối của những người anh em của ông, cùng là con cái Israel, và được bán với mức giá của một tên nô lệ (so sánh St 37,28 và Mt 26,14-15). So sánh những lời nói của anh em ông Yuse với những lời của những tá điền ác trong dụ ngôn của Chúa Yêsu (x. St 37,20; Mt 21,38) chúng ta sẽ thấy rõ sự báo trước này.
Tuy nhiên, cả ông Giuse và Chúa Yêsu đều tha thứ cho anh em của họ và cứu họ khỏi cái chết. Vua Pharaô của Ai Cập nói với tôi tớ của mình phải làm bất cứ điều gì Yuse nói với họ. Chúng ta cũng thấy Đức Maria sẽ vang vọng lại những lời này khi nói với các gia nhân tại tiệc cưới ở Cana hãy làm bất cứ điều gì Chúa Yêsu nói họ làm (so sánh St 41,55 Ga 2,5).
Việc Yuse giải thích cho các anh em về câu chuyện đời mình cho chúng ta thấy ngay cả những con người có kế hoạch độc ác, thì Thiên Chúa vẫn có thể sử dụng để đạt tới mục đích kế hoạch cứu độ của Ngài (x. St 50,19-21).
Cuốn sách đầu tiên của Thánh Kinh kết thúc với hình ảnh ông Israel trên giường hấp hốivà ban phúc lành cho các con. Để một – Yuđa, ông hứa hẹn một triều đại vương giả đời đời (x. St 49:9-12). Chúng sẽ cai trị mọi dân tộc trên thế giới – một hình ảnh tương trưng báo về Chúa Yêsu, Đấng Mêsia từ dòng tộc Yuđa là chính dòng tộc sinh ra các vị vua David và Solomon (x. 2Sm 8,1-14; 1V 4,20-21).
Chúa Yêsu sẽ đến như hoàng tử của hoàng tộc David (x. Mt 1,1-16) và sư tử nhà Yuđa (x. Kh 5,5).
Điều quan trọng cần nhớ, khái niệm “đất” mà chúng ta nói đến rất nhiều trong các giao ước “không thuộc về riêng cho các vị trí địa lý của thế giới ngày này”, như Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã nói trong bài giảng đặc biệt của mình về Abraham.
Khi chúng ta đọc câu chuyện Abraham và những câu chuyện tiếp theo, chúng ta cần phải lưu tâm, như Đức Thánh Cha nói: “Như Abraham, các tín hữu chấp nhận lời mời gọi của Thiên Chúa để hướng tới một miền đất hứa không thuộc về thế gian này … Trong đức tin của Abraham, Thiên Chúa toàn năng đã thực sự lập một giao ước vĩnh cửu với nhân loại, và thực hiện dứt khoát giao ước đó trong Chúa Yêsu Kitô”.
 
Câu hỏi nghiên cứu
1. Ba phần của giao ước Thiên Chúa làm với Abraham là gì?
2. Truyền thống cổ xưa của Giáo Hội xem sự hy sinh của Isaac tương tự như sự hy sinh của Chúa Kitô trên thập giá như thế nào?
3. Tại sao các khái niệm về “con trai đầu lòng” và “tư tế” quan trọng cho sự hiểu biết ý định và ý nghĩa của Thánh Kinh?
4. Các Giờ Kinh Phụng Vụ của Giáo Hội luôn có các bài thánh ca Tin Mừng Benedictus của ông Dacaria (x. Lc 1,68-79) trong kinh sáng và bài Magnificat của Mẹ Maria (x. Lc 1,46-55) trong kinh chiều. Cả hai lời cầu nguyện chiêm ngắm sự xuất hiện của Chúa Yêsu như là việc thực hiện các giao ước của Thiên Chúa với Abraham. Bạn hãy cầu nguyện theo hai bài ca này và xin Chúa giúp bạn hiểu thêm cách đầy đủ “lời hứa với cha ông chúng ta, cho Abraham và con cháu đến muôn đời”.
An Thanh, CSsR
Viết theo tài liệu của St Paul Center

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét