Trang

Chủ Nhật, 2 tháng 6, 2013

Năm Đức Tin theo thánh Tôma - Bài 6



Năm Đức Tin theo thánh Tôma - Bài 6
Các bài tìm hiểu về giáo lý của thánh Tôma Aquinô: Bài 6.

MẦU NHIỆM THẬP GIÁ
Sau khi đã suy niệm về Đức Kitô là Con Thiên Chúa, là Lời Nhập thể, hôm nay chúng ta bước sang Mầu nhiệm Thánh giá: “(Tôi tin kính Đức Giêsu Kitô) chịu nạn đời quan Phongxiô Philatô, chịu đóng đinh trên cây thánh giá, chết và táng xác”.
Bài hôm nay mang tính cách suy niệm thiêng liêng nhiều hơn là diễn giảng đạo lý. Trước hết, Thánh Tôma giải thích rằng: khi nói đến Đức Giêsu chịu chết thì phải phải hiểu rằng cái nhân tính, chứ thiên tính thì không thể chết được. Kế đó, tác giả trình bày sự cần thiết và ích lợi của cái chết trên Thập giá, qua việc kể ra 6 phương được cho sự dữ và 5 bài học về nhân đức.
***
I. CÁI CHẾT CỦA ĐỨC KITÔ THẬT KHÓ HIỂU
Cũng như người Kitô hữu cần phải tin vào sự Nhập thể của Con Thiên Chúa, thì họ cũng cần phải tin vào cuộc khổ nạn và cái chết của Người, vì như Thánh Grêgoriô đã nói:“Chúng ta sinh ra đời chẳng có ích lợi gì nếu chúng ta không được cứu chuộc”.
Tuy nhiên, việc Đức Kitô chết vì chúng ta là một chân lý vượt quá trí khôn của chúng ta, thậm chí chúng ta không thể nào mường tượng được. Thánh Phaolô ám chỉ điều này khi nói: “Vì chính vào thời các ngươi, Ta sắp làm một việc, một việc mà các ngươi sẽ chẳng tin, nếu không có ai kể lại cho các ngươi” (Cv 13,41). Ngôn sứ Khabacuc (1,5) cũng viết: “Một việc đã được làm vào thời các ngươi, nhưng không ai tin khi được nghe kể lại”. Thật vậy, ân huệ và tình yêu của Thiên Chúa đối với chúng ta quá lớn lao đến nỗi chúng ta không thể hiểu hết những gì Người đã làm cho chúng ta. Tuy nhiên, chúng ta không phải tin rằng Đức Kitô đã chết về thiên tính; chỉ có bản tính loài người nơi Đức Kitô chết mà thôi. Vì Ngài chết không phải như là Thiên Chúa, mà với tư cách là con người. Chúng ta có thể giải thích điều này qua 2 ví dụ.
1) Ví dụ thứ nhất dựa theo chính chúng ta. Khi một người nào chết, thì linh hồn tách ra khỏi thân xác, cho nên linh hồn không chết nhưng là thân xác hoặc nhục thể chết mà thôi. Một cách tương tự như vậy, khi Đức Kitô chết, thì không phải là thiên tính của Người chết, mà là nhân tính của Người.
Người ta có thể đưa ra vấn nạn là những người Do Thái không giết thiên tính của Đức Kitô, thì thử hỏi khi giết Đức Giêsu thì tội của họ có nặng hơn so với việc giết một người khác không. Tôi xin trả lời rằng, nếu đức vua mặc một chiếc áo, thì ai xúc phạm đến cái áo ấy thì cũng bị mang tội như là đã xúc phạm đến chính đức vua vậy. Vì thế, những người Do Thái không thể giết Thiên Chúa, nhưng vì giết bản tính loài người mà Đức Kitô đã mặc lấy, thì cũng bị trừng phạt như là họ đã giết thiên tính của Người vậy.
2) Một ví dụ khác. Như chúng ta đã nói ở trên, Con Thiên Chúa là Lời của Thiên Chúa, và ta có thể sánh Lời Thiên Chúa nhập thể như là lời của đức vua được viết trên tờ giấy. Vì thế, nếu một người xé tờ giấy trên đó viết lời của đức vua, thì anh ta có thể bị coi là phạm tội như anh ta đã xé bỏ lời của đức vua. Cho nên, khi những người Do Thái giết một Người là Thiên Chúa thì cũng bị coi là phạm tội nặng như thể họ đã giết chính Lời của Thiên Chúa.
II. TẠI SAO ĐỨC KITÔ CHỊU ĐAU KHỔ VÌ CHÚNG TA?
Nhưng có cần Ngôi Lời Thiên Chúa phải chịu đau khổ vì chúng ta không? Thưa là rất cần, và có thể cho thấy 2 lý do về sự cần thiết ấy. Điều làm cho nhu cầu trở nên tối cần thiết có thể được quy vào 2 lý do: thứ nhất bởi vì là một phương dược chữa trị tội lỗi; thứ hai là làm gương cho chúng ta noi theo.
A. Phương dược chữa lành
Trước hết, những đau khổ của Đức Kitô là một phương dược cứu chữa chúng ta khỏi những sự dữ mà ta phải gánh chịu do tội lỗi gây ra.
Tội lỗi gây ra năm sự dữ:
1) Vết nhơ tội lỗi
Vì khi một người phạm tội thì họ làm nhơ bẩn linh hồn. Cũng như nhân đức là vẻ đẹp của linh hồn thế nào, thì tội là vết nhơ của linh hồn. Sách Baruch (3,10) nói: “Vì đâu, Israel hỡi, vì đâu ngươi phải nương thân trên đất thù địch, phải hao mòn nơi xứ lạ quê người?... phải nằm chung với những người ở trong âm phủ.” Điều này đã được xoá bỏ nhờ cuộc khổ nạn của Đức Kitô, bởi vì Đức Kitô nhờ cuộc khổ nạn của mình đã chuẩn bị một cuộc tắm trong máu để rửa sạch các tội nhân. Thánh Gioan viết: “Người đã lấy máu mình rửa sạch tội lỗi chúng ta” (Kh 1,5). Linh hồn được rửa sạch nhờ máu Đức Kitô trong Bí tích Rửa Tội, bởi vì Bí tích Rửa Tội nhận được quyền năng tái sinh nhờ máu Đức Kitô. Do đó, khi một người tự làm cho mình ra ô uế bởi tội lỗi, thì họ làm nhục Đức Kitô, và tội lỗi của họ trở nên nặng hơn trước khi chịu Phép Rửa Tội theo như thứ gửi Hípri: “Ai khinh thường luật Môsê, theo lời chứng của hai hay ba người, thì sẽ bị xử tử thẳng tay. Phương chi kẻ đã chà đạp Con Thiên Chúa, đã xúc phạm đến Máu Giao ước đã thánh hiến mình và nhục mạ Thần Khí ban ân sủng; thì anh em thử nghĩ xem, kẻ ấy đáng chịu hình phạt ghê gơm hơn biết mấy!” (Dt 10,28-29).
2) Cơn thịnh nộ của Thiên Chúa
Thứ hai, vì tội lỗi mà chúng ta mất ơn nghĩa với Thiên Chúa. Thật vậy, một người xác thịt yêu thích vẻ đẹp của xác thịt, thì Thiên Chúa cũng yêu thích vẻ đẹp thiêng liêng, là vẻ đẹp của linh hồn. Do đó, khi linh hồn bị tội lỗi làm nhơ bẩn, thì Thiên Chúa bị xúc phạm và giận ghét người tội lỗi. Sách Khôn Ngoan (14,9) nói: “Thiên Chúa ghét kẻ bất chính và sự bất chính của nó”. Nhờ cuộc khổ nạn, Đức Kitô xoá bỏ sự giận ghét này, bởi vì Ngài đã đền bồi Thiên Chúa Cha về tội lỗi. Bởi vì con người tự mình không thể đền bù lỗi lầm của mình, nhưng tình yêu và sự vâng lời của Đức Kitô còn lớn hơn tội lỗi và sự bất tuân của người đầu tiên. Thánh Phaolô nói: “Khi chúng ta còn thù nghịch với Thiên Chúa, chúng ta đã được hoà giải với Người nhờ cái chết của Con của Người” (Rm 5,10).
3) Tình trạng yếu đuối
Thứ ba, tội lỗi làm chúng ta suy yếu. Con người sau khi đã sai lỗi lần đầu thì tưởng rằng mình có thể giữ mình khỏi phạm tội lần nữa, nhưng thực tế lại xảy ra hoàn toàn trái ngược lại, bởi vì tội đầu tiên làm cho nó bị suy yếu và càng có khuynh hướng phạm tội. Tội lỗi càng thống trị họ, và nếu để tuỳ thuộc sức mình chứ không nhờ quyền năng của Chúa thì họ rơi vào tình trạng không thể trỗi dậy được, giống như một người nhảy xuống giếng. Vì thế, sau khi phạm tội, bản tính của chúng ta trở nên yếu đuối và hư hỏng, và do đó con người càng dễ phạm tội hơn. Nhưng Đức Kitô đã làm giảm bớt sự yếu đuối và tật nguyền này, mặc dù Người không xoá bỏ nó hoàn toàn. Cuộc khổ nạn của Người đã tăng sức cho con người và suy giảm tội lỗi, đến nỗi chúng ta không còn bị tội lỗi thống trị nữa. Nhờ sự giúp đỡ của ân sủng Thiên Chúa được ban trong các Bí tích, mà hiệu năng đến từ cuộc khổ nạn của Đức Kitô, chúng ta có khả năng cố gắng thoát khỏi tội lỗi của mình. Vì thế, Thánh Phaolô nói: “Con người cũ nơi chúng ta đã bị đóng đinh vào thập giá với Đức Kitô, như vậy, con người do tội lỗi thống trị đã bị huỷ diệt” (Rm 6,6). Vì trước khi Đức Kitô chịu khổ nạn, rất ít người không mắc tội trọng, nhưng sau đó, có nhiều người đã và đang sống mà không mắc tội trọng.
4) Món nợ hình phạt
Thứ tư, do tội lỗi, chúng ta buộc phải chịu hình phạt. Sự công bình của Thiên Chúa đòi hỏi rằng bất kể ai phạm tội thì đều phải bị trừng phạt, và hình phạt được đo lường bởi tội lỗi. Thế nhưng lỗi của tội trọng thì vô hạn, xét vì nó chống lại sự thánh thiện vô cùng khi nó vi phạm những mệnh lệnh của Thiên Chúa, cho nên sự trừng phạt do tội trọng gây ra thì cũng vô cùng.
Nhưng nhờ cuộc khổ nạn của mình, Đức Kitô đã giải thoát chúng ta khỏi sự trừng phạt này và Người đã tự mang nó vào thân thể mình. Thánh Phêrô viết trong thư thứ nhất (2,24):“Chính Người đã mang vào thân thể những tội lỗi của chúng ta” (tức là hình phạt vì tội lỗi chúng ta). Bởi vì quyền năng cuộc khổ nạn của Đức Kitô vĩ đại đến nỗi nó đủ để xóa bỏ tất cả mọi tội lỗi trên toàn thế giới, cho dù con số đó bất tận. Vì thế mà những người lãnh Phép Rửa Tội thì được thanh tẩy hết mọi tội lỗi. Cũng nhờ đó mà linh mục tha thứ mọi tội lỗi; và ai càng hoà đồng với cuộc khổ nạn của Đức Kitô thì họ càng được tha thứ và càng được đáng được ân sủng.
5) Bị trục xuất ra khỏi vương quốc
Những ai xúc phạm đến đức vua của họ thì bị buộc phải rời khỏi vương quốc, và do đó, vì tội lỗi mà con người phải bị xua đuổi ra khỏi thiên đàng. Vì lý do này, ngay sau khi phạm tội, Adam đã bị đuổi ra khỏi vườn địa đàng và cánh cửa đã đóng lại.
Nhưng nhờ cuộc khổ nạn của mình, Đức Giêsu đã mở cánh cửa đó ra và triệu hồi những người bị lưu đày trở về vương quốc. Thật vậy, khi cạnh sườn của Đức Giêsu bị đâm thâu thì cửa thiên đàng được mở ra, và nhờ máu của Người đổ xuống, các vết nhơ tội lỗi được thanh tẩy sạch, Thiên Chúa đã được nguôi giận, sự yếu đuối của con người được xoá bỏ, sự trừng phạt của họ được đền bồi, và những người bị lưu đày được kêu gọi trở về vương quốc. Vì thế, Đức Kitô đã lập tức trả lời cho người trộm lành nài xin: “Tôi bảo thật anh, ngay hôm nay, anh sẽ được ở với tôi trên Thiên Đàng” (Lc 23,43). Điều này đã không được hứa hẹn trước đó với một ai khác, không với Adam, không với Abraham, không với Đavid, nhưng “hôm nay”, tức là khi cửa thiên đàng được mở ra, thì người trộm lành đã xin ơn tha thứ, đã nhận được. Vì thế, Thánh Tông đồ đã có thể viết cho người Do Thái (10,19): “Nhờ máu Đức Giêsu đã đổ ra, chúng ta được mạnh dạn bước vào cung thánh.”
B. Mẫu gương về các nhân đức
Như chúng tôi vừa trình bày, cuộc khổ nạn của Đức Kitô là một phương dược rất hữu hiệu chống lại những sự dữ mà chúng ta mắc phải do tội lỗi, ngoài ra còn nó còn có ích lợi cho chúng ta một mẫu gương.
Như Thánh Augustinô nói, cuộc khổ nạn của Đức Giêsu đủ để dạy cho chúng ta một mẫu gương trong hết mọi hoàn cảnh của cuộc sống. Thật vậy, bất cứ ai muốn sống trọn lành thì chỉ cần khinh chê những gì Đức Giêsu đã khinh chê trên Thánh Giá và ao ước những gì Người đã ước ao. Không có một nhân đức nào mà chúng ta không tìm thấy mẫu gương trên cây Thánh Giá.
1) Đức ái
Bạn tìm một mẫu gương về đức ái ư? Thánh Gioan đã chỉ cho thấy: “Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình” (15,13), và Đức Giêsu đã thực hiện điều này trên cây Thánh Giá. Nếu Người đã ban mạng sống của mình vì chúng ta, thì chẳng có gì là gian khổ khi chúng ta phải chịu đựng bất cứ một sự dữ vì Người. Vịnh gia (115,12) đã hát: “Biết lấy chi đền đáp Chúa bây giờ vì mọi ơn lành Người đã ban cho?”
2) Đức kiên nhẫn
Bạn tìm một mẫu gương về đức kiên nhẫn ư? Bạn sẽ tìm thấy một mẫu gương hoàn hảo nhất nơi Thánh Giá. Vì đức kiên nhẫn được chứng tỏ cách cao vời bằng 2 cách: hoặc bằng cách kiên trì chịu đựng những điều dữ dằn hoặc bằng cách chịu đựng những cái có thể tránh được nhưng lại không tránh.
Thế nhưng trên Thánh giá, Đức Giêsu đã chịu đựng những đau khổ dữ dằn, vì thế có thể áp dụng lời của ông Gieremia trong sách Ai Ca (1,12): “Này tất cả những ai qua lại, hãy nhìn kỹ mà xem, có nỗi khổ nào so sánh được với nỗi khổ của Đức Chúa giáng trên tôi”, và Người đã chịu đựng một cách kiên nhẫn bởi vì “bị nguyền rủa, Người không nguyền rủa lại, chịu đau khổ mà chẳng ngăm đe” (1 Pr 2,23). “Như chiên bị đem đi làm thịt, như cừu câm nín khi bị xén lông, người chẳng hề mở miệng” (Is 53,7).
Ngoài ra, Người đã có thể tránh những đau khổ nhưng lại không tránh, như chính Người đã nói với ông Phêrô trong vườn Cây Dầu: “Hay anh tưởng là Thầy không thể kêu cứu với Cha Thầy và lập tức Cha sẽ cấp cho Thầy hơn mười hai đạo binh thiên thần sao?” (Mt 26,53) Do đó, sự chịu đựng của Đức Kitô trên cây Thập Giá thật là vĩ đại: “Hãy kiên trì chạy trong cuộc đua dành cho ta, mắt hướng về Đức Giêsu là Đấng khai mở và kiện toàn lòng tin. Chính Người đã khước từ niềm vui dành cho mình, mà cam chịu khổ hình thập giá, chẳng nề chi ô nhục” (Dt 12,1-2).
3) Đức khiêm nhường
Bạn tìm kiếm mẫu gương về đức khiêm nhường ư? Hãy nhìn lên Đấng chết treo trên cây Thánh Giá. Mặc dù là Thiên Chúa, nhưng Người đã chịu để cho Phongxiô Philatô xét xử và chịu chết. Chúng ta có thể nói về Người: “Vụ án của Người đã bị xét xử như vụ án của kẻ tội phạm” (x. G 36,17). Thật giống như vụ án của kẻ tội phạm bởi vì những kẻ thù của Người có thể nói: “Chúng ta hãy kết án cho Nó chết nhục nhã” (Kn 2,20). Ông Chủ đã muốn chết vì tôi tớ của Mình và sự sống của các Thiên Thần đã chịu sát tế vì con người. Thánh Phaolô đã viết: “Đức Kitô Giêsu đã hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, và chết trên Thánh giá” (Pl 2,8).
4) Đức vâng lời
Bạn muốn tìm kiếm mẫu gương về đức vâng lời ư? Hãy đi theo Đức Kitô, Đấng đã vâng lời Chúa Cha cho đến chết. Thánh Tông đồ viết cho các tín hữu Rôma (5,19): “Cũng như vì một người duy nhất đã không vâng lời Thiên Chúa, mà muôn người thành tội nhân, thì nhờ một người duy nhất đã vâng lời Thiên Chúa, muôn người cũng sẽ thành người công chính.”
5) Khinh chê của cải trần gian
Bạn muốn tìm mẫu gương về sự khinh chê của cải trần gian ư? Hãy đi theo Đấng là Vua các Vua và Chúa các Chúa, nơi Người có tất cả mọi kho tàng sự khôn ngoan (x. Cl 2,3), thế mà trên Thánh giá, Người bị trần truồng, nhạo báng, đánh đòn, đội mão gai, uống giấm chua và mật đắng, và cuối cùng chịu chết. Do đó, đừng quan tâm tới y phục hoặc của cải của bạn, vì “quân lính đã chia áo của tôi” (Tv 21,19), cũng đừng quan tâm tới danh dự, bởi vì “chính Tôi phải chịu cười nhạo và bị đập đánh”; cũng đừng quan tâm đến chức vị, bởi vì chúng kết một vòng gai và đội lên đầu tôi; cũng đừng quan tâm tới khoái lạc, vì “lúc con khát nước, chúng lại cho uống giấm chua” (Tv 68,22). Vì thế, khi chú giải thư Dothái (12,2) “Người đã khước từ niềm vui dành cho mình, mà cam chịu khổ hình thập giá, chẳng nề chi ô nhục”, Thánh Augustinô nói: “Con người Giêsu Kitô đã khinh chê mọi của cải trần gian để dạy cho biết những gì phải khinh chê”.
Nguồn: Đaminh VN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét