Trang

Thứ Ba, 18 tháng 6, 2013

Tìm hiểu cách đọc Kinh Thánh (20)

Tìm hiểu cách đọc Kinh Thánh (20)



VKHOA GIẢI THÍCH THEO QUAN ĐIỂM TRIẾT HỌC
Một câu truyện vui kể rằng có một linh mục kia đang thao thao giảng trong thánh lễ. Ngài bước xuống khỏi giảng đài và tiến đến hàng ghế đầu. Ngài nói lớn: “Chúa dạy chớ giết người!” Tất cả mọi người phấn khích đáp lại tỏ vẻ đồng ý: “Amen. Amen.” Ngài tiếp: “Ngươi chớ trộm cắp!” Mọi người lại đồng thanh đáp: “Amen. Amen.” Ngài tiếp: “Ngươi chớ ngoại tình!” Lần này, có vài tiếng xầm xì rồi có tiếng cất lên: “Cha ơi, cha hãy tiếp tục giảng đi chứ đừng can thiệp vào chuyện riêng tư của chúng con.”
Câu truyện vui trên cho thấy phần nào một thực tế, đó là có Kitô hữu chấp nhận Lời Chúa chỉ bao lâu Lời ấy không “đụng nhược điểm” của họ. Nói theo tinh thần loạt bài này, các Kitô hữu đó chưa hiểu Lời Chúa cách thích đáng. Muốn hiểu Lời Chúa cách thích đáng đòi hỏi phải có một sự tương tác hòa nhập giữa bản văn và người đọc, tựa như một “đám cưới”, bản văn và người đọc không còn là hai nhưng chỉ là một, đến độ người đọc chấp nhận để cho thế giới thần linh của bản văn soi sáng, tác động và biến đổi đời sống của mình.[1]
Khoa giải thích (hermeneutics) là gì?
Sự kiện Kinh Thánh đến với chúng ta từ quá khứ khiến cho việc nghiên cứu lịch sử trở thành quan trọng. Sự kiện Kinh Thánh đến trong hình thức những bản văn viết làm cho việc phân tích văn chương và ngữ học trở thành cần thiết. Và sự kiện Kinh Thánh phải được hiểu bởi con người làm cho khoa giải thích trở thành cần thiết. Hạn từ “khoa giải thích” (hermeneutics) là lối mô tả một nghệ thuật và khoa học giải thích,[2] cụ thể là tất cả những gì loạt bài này đang cố gắng làm. Tiến trình giải thích không chỉ dành riêng cho Kinh Thánh nhưng còn áp dụng trong mọi lãnh vực cuộc sống con người.[3] Tuy vậy, hạn từ “khoa giải thích” nói cách hẹp, ám chỉ đến việc đưa bản văn Kinh Thánh cổ xưa vào đời sống thường ngày hôm nay, nghĩa là tìm hiểu ý nghĩa của bản văn (meant hoặc meaning) và rút ra những hệ luận từ cách hiểu đó cho con người hôm nay (mean hoặc significance). Đây chính là công việc các linh mục làm trong bài giảng. Còn nói cách rộng, “khoa giải thích” ám chỉ đến toàn bộ tiến trình giải thích bản văn Kinh Thánh. Đây là những gì loạt bài này đang cố gắng làm.
Tại sao cần khoa giải thích theo quan điểm triết học?
Bởi vì giải thích Kinh Thánh bao hàm một hành vi hiểu biết của con người giống như việc hiểu biết bất cứ bản văn viết cổ nào, việc giải thích Công giáo cũng đón nhận những đóng góp của các lý thuyết giải thích của triết học.
Khoa giải thích theo quan điểm triết học là gì?
Văn kiện Việc Giải Thích Kinh Thánh Trong Hội Thánh dành phần nhỏ bé nhưng quan trọng để thảo luận những đóng góp của “khoa giải thích theo quan điểm triết học.” Khoa giải thích theo quan điểm triết học này dựa trên thông tri con người (human communication) và việc giải thích nói chung (interpretation), nhằm phục vụ khoa giải thích Kinh Thánh. Khoa giải thích Kinh Thánh có chung nhiều ý tưởng với ngành triết lý, thường đón nhận những câu hỏi về tri thức luận, siêu hình và vấn nạn về sự thật trong cõi nhân sinh.
Ba triết gia tiêu biểu có ảnh hưởng đến khoa giải thích Kinh Thánh
Đó là Hans Georg Gadamer, Eric D. Hirsch và Paul Ricoeur đều của thế kỷ 20.
Hans Georg Gadamer: Theo Gadamer, khi một người muốn hiểu một bản văn, người đó bắt đầu với một sự hiểu biết nào đó về các từ, khái niệm, và các thực tại mà mà các từ muốn ám chỉ đến, bằng không thì không thể hiểu bản văn đó. Đây chính là ý nghĩa của từ “tiền thức” (pre-understanding). Hạn từ “tiền thức” ám chỉ tất cả những giả định độc giả đã có trước, trước khi tiếp cận bản văn, và họ sẽ mang chúng vào bản văn, hạn như các truyền thống (truyền thống Việt Nam, Công giáo, của tổ tiên, gia đình). Ví dụ: Truyền thống gia đình Công giáo sẽ làm cho một sinh viên đọc sách viết về thuyết tiến hóa khác với một sinh viên vô thần. Như vậy, Gadamer đã làm sáng tỏ mối liên hệ “tay ba” giữa tiến trình của (1) “tiền thức” và (2) “hiểu” (understanding) với (3) bản văn. Hơn nữa, “tiền thức” của một người dựa trên mối tương quan sống (life-relationship) của người đó với thực tại của cái mà bản văn nói tới. Ví dụ: Nếu một người Việt Nam đọc lịch sử cuộc chiến chống quân xâm lược Nguyên-Mông đầu thời Trần (tk 13), người đó sẽ có cách tiếp cận khác với một người Anh hoặc Pháp.
Đối với Gadamer, sự hiểu biết một bản văn đòi hỏi một cuộc tiếp xúc gặp gỡ giữa “tiền thức” của người đọc và những gì bản văn nói. Gadamer nhấn mạnh, “người giải thích buộc phải tham gia cuộc đối thoại với thực tại được nói đến trong bản văn. Tri thức (understanding) diễn ra trong sự hòa trộn những chân trời khác nhau của bản văn với người đọc bản văn (the fusion of horizons). Việc giải thích lúc đó chính là sự chia sẻ ý nghĩa chung giữa hai chân trời, để từ đó có một sự gặp gỡ hoặc tương tác giữa bản văn và người đọc. Xin được phép tạm đưa ra một hình ảnh minh họa (chắc chắn có phần khập khiễng). Đó là truyện cổ tích Người đẹp trong tranh. Truyện kể về chàng học trò tên là Tú Uyên gặp người đẹp tên là Giáng Kiều từ trong một bức tranh bước ra, và cả hai đã thành vợ chồng. Như vậy, nếu một người đóng kín mình trước thế giới và sứ điệp của bản văn, thì sự hiểu biết không thể xảy ra. Trái lại, nếu người đọc chấp nhận để cho cái nhìn của mình được đánh động cách nào đó, nếu người đọc chú ý xem xét tất cả những thông tin chi tiết mà bản văn cung cấp, hoặc chất vấn bản văn dựa trên cơ sở những gì đã biết cũng như chất vấn những gì mình đã biết dựa trên cơ sở những gì đã đọc, thì chỉ khi ấy sự hiểu biết mới bắt đầu.
Nhưng đó chưa phải là tất cả. Gadamer còn nhấn mạnh giai đoạn “áp dụng” (application) sau đó. Và lịch sử của việc áp dụng (hoặc “các ảnh hưởng”) bản văn có tác động trên cách độc giả nhìn bản văn. Nói chung, tiến trình giải thích giống như một vòng tròn xoay tròn xoay tròn, hoặc nói đúng hơn, như một vòng xoắn ốc, không chỉ xoay tròn nhưng còn không ngừng chuyển động dần lên cao. Như vậy, một người phải hiểu điều gì đó trước để có thể hiểu bản văn, nhưng cuộc đối thoại giữa tiền thức của người đọc và bản văn sẽ củng cố (confirm) điều họ biết hoặc có thể sẽ chống lại (contradict). Nhưng dù sao, trong trường hợp nào, tiền thức của người đọc sẽ được gia tăng thêm và nâng lên một tầm cao mới.
Như vậy, hiểu biết con người không bao giờ bắt đầu bằng một tờ giấy trắng hoàn toàn (tabula rasa). Không ai tiếp cận Kinh Thánh (hoặc bất cứ quyển sách nào có những tuyên bố chân lý có thể ảnh hưởng cuộc đời con người) hoàn toàn cách khách quan. Trái lại, họ sẽ mang theo một số tiền niệm và hướng về lập trường này hoặc lập trường kia. Tuy nhiên, hiểu biết con người không nhất thiết bị giới hạn trong phạm vi của tiền thức. Con người có khả năng tu chỉnh những quan niệm ban đầu. Họ có thể tiến xa dựa trên những gì đã gặt hái được khi đọc, thậm chí đạt đến một kết luận hoàn toàn ngược với tiền thức họ có thuở ban đầu.
Vì vậy, Gadamer nhấn mạnh rằng sự liên hệ sống động giữa chủ thể và đối tượng sẽ dẫn đến một sự “kết hợp biến đổi” (transforming union).
Bởi vì việc giải thích Kinh Thánh bao hàm tính chủ quan của người giải thích, nên chỉ có thể hiểu Kinh Thánh nếu có một liên hệ sống căn bản giữa người giải thích và đối tượng của ông. Mô tả của Gadamer về hiểu như “sự hòa trộn các chân trời khác nhau” đề xuất một sự “kết hợp biến đổi” giữa tiền thức của người đọc và nội dung của bản văn. Vì thế, một sự hiểu biết đích thực đòi hỏi một tương quan sâu xa giữa người đọc và thực tại mà bản văn nói đến. Theo Gadamer, “chỉ có thể có tri thức nếu có một ‘sự thuộc về’ (belonging), nghĩa là “một sự liên hệ căn bản giữa người giải thích với đối tượng được giải thích.” Nếu không có “sự thuộc về” hỗ tương này, mà trái lại chỉ có nghi ngờ, thù ghét hoặc thờ ơ, thì người đọc vẫn mãi chỉ là người ngoài cuộc, xa lạ với ý nghĩa của bản văn, và dĩ nhiên, không bao giờ có thể hiểu bản văn. Khái niệm của Gadamer về hiểu đi quá tri thức bề ngoài hoặc “khách quan”, nhưng có ý nói đến một sự hiểu biết sâu xa, nội tại vốn đòi hỏi phải có “đồng cảm” với thực tại đang tìm hiểu. Có thể nói Đức Mẹ Maria và các thánh chính là những minh họa sống động cho cách đọc Kinh Thánh này.[4]
Văn kiện Việc Giải Thích Kinh Thánh Trong Hội Thánh đã vận dụng những tư tưởng trên của Gadamer vào việc giải thích Kinh Thánh. Văn kiện nói: “Chỉ ai có một liên hệ sống động thật sự với điều mà bản văn nói đến mới hiểu đúng bản văn Kinh Thánh.” Còn “mối liên hệ sống động” và “sự thuộc về” thì sao? Văn kiện nói: “Một lối giải thích Kinh Thánh chân chính tiên vàn phải là một thái độ ân cần đón nhận ý nghĩa đã được đưa ra trong các biến cố, và nói cho cùng, trong chính con người Đức Giêsu.” Đó chính là vai trò vô cùng quan trọng của đức Tin trong việc giải thích Kinh Thánh. “Tin để hiểu!”
Eric D. Hirsch: Hirsch đã vay mượn khái niệm “chân trời” của Gadamer nhưng tập trung vào “chân trời” của bản văn. Hirsch định nghĩa chân trời của bản văn là một hệ thống những kỳ vọng, chờ mong và khả năng vốn là những giá trị cao quý trong nền văn hóa của tác giả. Ông phân biệt giữa nghĩa (meaning), là những gì bản văn nói đến trong phạm vi chân trời của nó, với ý nghĩa (significance) là những gì bản văn có thể nói với con người thuộc những nền văn hóa khác. Ông cho rằng khi phân tích bản văn, chúng ta có thể tìm được nghĩa khách quan của bản văn, nghĩa là những gì tác giả muốn chuyển tải (meaning). Đây chính là những gì chúng ta làm bằng phương pháp phê bình lịch sử, như nói ở bài trước. Còn ý nghĩa (significance) của bản văn? Đó là phận vụ của các linh mục giảng Lời Chúa trong thánh lễ, hoặc của các cá nhân và tập thể trong các nhóm học Kinh Thánh hoặc cầu nguyện.
Paul Ricoeur: Không như Hirsch, Ricoeur cho rằng khó có thể khôi phục lại tâm tư của tác giả, tâm trạng của các độc giả nguyên thủy cũng như khó có thể có được một lời giải thích dứt khoát và tuyệt đối cho một bản văn nào đó. Vì vậy, sự xung đột giữa các lời giải thích rất dễ xảy ra và với số lượng rất nhiều.
Dù không hoàn toàn đồng ý với những hồ nghi trên của Ricoeur, cha Harrington cũng ca ngợi những khám phá giá trị của Ricoeur về mối tương quan giữa người đọc và bản văn. Lý thuyết giải thích của Ricoeur có thể được tóm tắt trong ba từ khóa sau: khoảng cách (distanciation), đa dạng (multivalence) và lãnh hội (appropriation).
- Khoảng cách: Theo Ricoeur, một khi được viết ra và xuất bản, bản văn đã có khoảng cách với tác giả. Nó được tách khỏi ý tưởng của tác giả cũng như hoàn cảnh cụ thể khi nó được viết ra. Nó trở thành đối tượng mà bất cứ người nào đó có thể đọc và giải thích. Ý nghĩa của bản văn trở nên độc lập khỏi tác giả, độc giả cũng như hoàn cảnh nguyên thủy.
- Đa dạng: Tính đa dạng của bản văn muốn nói rằng một bản văn khi được viết ra hoặc xuất bản thì có thể được nhiều người đọc, và do đó có thể có nhiều cách đọc mới, thậm chí là vô số cách đọc, tùy theo các hoàn cảnh văn hóa xã hội mới. Đó là lý do Ricoeur nhấn mạnh sự xung đột trong các lời giải thích một bản văn. 
- Lãnh hội: Theo Ricoeur, đây là yếu tố quan trọng nhất của tiến trình giải thích. Khi phân tích kỹ lưỡng bản văn, người đọc sẽ có mối tương quan với thế giới mà bản văn trình bày. Khi giải thích bản văn, người đọc sẽ có thể hiểu bản thân mình tốt hơn. Nói cách khác, người đọc có thể hiểu bản thân rõ hơn và được biến đổi nhờ trung gian là bản văn.
Lối tiếp cận bản văn trên đây của Ricoeur đã tạo một đà phát triển mạnh cho lối giải thích Kinh Thánh lấy bản văn và người đọc làm trung tâm. Hai lối tiếp cận Kinh Thánh này đang ngày càng được ưa chuộng. Theo đó, các nhà giải thích nhấn mạnh cách thức mà bản văn ảnh hưởng đến đời sống người đọc, người đọc phản ứng thế nào với bản văn, được thay đổi thế nào nhờ bản văn, bị thách đố thế nào bởi bản văn, và bằng cách nào bản văn có thể đóng vai trò như một động lực giúp người đọc suy tư và thăng tiến trong đời sống.
Nhìn chung, Hội Thánh Công giáo luôn đánh giá tích cực những đóng góp của triết học trong suy tư thần học. Điều này một lần nữa được minh chứng trong khoa giải thích Kinh Thánh hiện đại. Vấn đề là làm sao để thêm nhiều Kitô hữu hôm nay đón nhận được lời dạy của Hội Thánh về cách đọc và giải thích cách đúng đắn Lời Chúa, để nhờ đó, Lời Chúa gieo vào lòng họ có thể “sinh hoa quả gấp trăm”. Đó chính là nguyện ước bé nhỏ của loạt bài này.
LM. JM. Mười Một, CSsR




[1] X. Chương 7 “How Do Catholics Interpret the Bible?” trong quyển How Do Catholics Read the Bible của cha Daniel J. Harrington, SJ., 95-102. Ngoài ra, bài này cũng dựa trên Chương 5 “The Contribution of Philosophical Hermeneutics” trong quyển Catholic Principles for Interpreting Scripture của Peter S. Williamson, 76-90. Cả Cha Harrington và Williamson đều phân tích phần “Các lý thuyết giải thích theo triết học” trong văn kiện Việc Giải Thích Kinh Thánh Trong Hội Thánh. Vì vậy, bài viết đây cũng chủ yếu dựa trên văn kiện này.
[2] Hermeneutics (Khoa giải thích) được gọi theo tên vị thần Hermes trong thần thoại Hy-lạp. Vị thần này mang đôi giày có cánh và có nhiệm vụ mang những sứ điệp của thần linh đến cho loài người. Hạn từ hermeneutics có vẻ ngày càng ít được sử dụng trong ngôn ngữ thường ngày và được thay bằng một từ thông dụng hơn đó làinterpretation (“giải thích”, nói chung). X. Understanding the Bible, A Basic Introduction to Biblical Interpretation của George T. Montague, 1, How Do Catholics Read the Bible của Harrington, SJ., 142, Interpreting the Bible của W. Randolph Tate, 163, và Hermeneutics, An Introduction của Anthony C. Thiselton, 1.
[3] X. hai bài trước đây về việc giải thích Kinh Thánh trong đời sống hằng ngày và như một ngành chuyên môn.
[4] Dù không hoàn toàn trùng khớp với vấn đề đang nói ở đây, nhưng cũng xin xem thêm Verbum Domini, “Các thánh và việc giải thích Kinh Thánh”, 48-49. 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét