Trang

Thứ Sáu, 14 tháng 6, 2013

Thần học hội nhập văn hóa – Thần học bản vị hóa (tt)

Thần học hội nhập văn hóa – Thần học bản vị hóa (tt)

Lm. Giuse Vũ Kim Chính
Trong bài trước chúng ta đã có dịp xét qua những mô hình thần học bản vị hóa và các mô hình phúc âm hóa như là những bước tiến hành dẫn tới thần học bản vị hóa. Bây giờ chúng ta tìm hiểu những môi trường mà Giáo Hội hiện nay đang sống để phản tỉnh bản vị hóa của mình.
3. MÔI TRƯỜNG BẢN VỊ HÓA CỦA GIÁO HỘI
Như bài trước chúng ta đã khẳng định: đã là con người tất phải sống trong một nền văn hóa nào đó, dù khi đó họ có thể sống trong giai đoạn hội nhập hoặc ý thức hóa hay đang “làm” văn hóa. Nếu phản tỉnh thêm họ sẽ nhận ra được giai đoạn nào họ cũng (hoặc ý thức hay vô ý thức) phải cần một niềm tin làm căn bản. Niềm tin (lý tưởng) và văn “hóa” (động tính) là hai bình diện của một thực thể, song phương hỗ tương nhau. Chính vì thế văn hóa mới có chiều hướng phát triển và ngược lại, niềm tin mới có những hình thức cụ thể. Giáo Hội Công Giáo sau công đồng Vaticanô II đã trở thành Giáo Hội năm châu. Lấy năm châu là môi trường để phản tỉnh bản vị hóa chúng ta, một đàng không phản đối những khả thể phạm trù khác như “nam-bắc”, “đông-tây” v.v… cũng có thể dùng làm “phạm vi” để bàn luận, một đàng khác công nhận tính cách “đại cương” của nó.
a. Giáo Hội Tây Phương:
Bản vị hóa trong môi trường Tục Hóa
Nói chung, tục hóa là một tiến trình lấy “chủ thể hóa” và “độc lập hóa lý trí” làm căn bản phát huy trào lưu “Ánh Sáng” (Aufklarung). Chủ thuyết này đã đồng hóa “văn hóa” với “văn minh”. Nếu văn minh này công nhận “khoa học” làm tiêu chuẩn, thì nền văn hóa đó trở thành văn minh kỹ thuật. Do đó những gì phản lại với “khoa học”, với sự tiến bộ của “kỹ thuật” đều bị coi là đồ phế thải, là quá trình. Trong mạch sống tục hóa này, tôn giáo, và cả tới giá trị nhân văn truyền thống, đều bị triệt hóa hay ít nhất chỉ được coi là thứ yếu. August Comte có thể đại biểu cho đường hướng này, khi ông chủ trương ba giai đoạn lịch sử nối tiếp đào thải nhau: tôn giáo, siêu hình học, khoa học. Ðó là chưa nói tới những tư tưởng gia vô thần coi tôn giáo như là sản phẩm của óc tưởng tượng con người. Nếu con người có thể tưởng tượng ra “thần thánh” được, thì khi đó con người sẽ là chủ thể của thần thánh đó. Tới đây lập trường chủ thể hóa con người và độc tôn hóa lý trí đã đạt tới tuyệt đỉnh.
Giả thuyết của tục hóa như A. Comte đã chủ trương cho tới nay không những không thực hiện, trái lại càng ngày con người càng cảm thấy mặt trái của một nền văn hóa độc tôn khoa học. Nghiên cứu kỹ tôn giáo, ta sẽ thấy tôn giáo mà các triết gia vô thần công kích không phải là Kitô giáo mà là một thứ tôn giáo do họ tự biến chế ra mà thôi. Nếu chứng minh Thiên Chúa hiện hữu chỉ có ý nghĩa thực trên tiền đề: Ðức tin tìm kiếm lý trí (fides quaerens intellectum) thì theo đó, những nhà vô thần cũng không thoát được tiền đề trên. Nhưng họ lấy lý lẽ gì chứng minh không có Thiên Chúa? Nếu không có Thiên Chúa thì tại sao họ phản đối? Dù sao đi nữa, giáo hội Tây Phương không thể qui hồi cuộc sống trước khi xẩy ra phong trào tục hóa (như nhiều người công giáo bảo thủ thường chủ trương) và cũng không thể sống như thể không có phong trào tục hóa được. Văn minh tục hóa đã trở thành một thực thể thuộc nền văn hóa tây phương. Ở trong môi trường văn hóa này, giáo hội Tây phương không phản tỉnh để tìm “bản vị hóa” cho mình được.
Giáo hội Tây phương đang sống trong cơn khủng hoảng: một số đông Kitô hữu đã trở thành tín hữu hữu danh vô thực. Vì trong thực tế họ đã sống theo niềm tin tục hóa rồi. Một số khác bị những giáo phái mới thu hút. Một số khác do dự, hay còn đang trên đường tìm kiếm chân lý (trong số này cũng kể cả những người “vô thần” đang khát khao Thiên Chúa chân thật). K. Rahner và Zerfass đã mô tả hiện trạng này như sau: Giáo hội Tây phương đang sống trong “mùa đông”. Nói theo cách tích cực, mùa đông là cơ hội tốt để bắt đầu lại, một dấu hiệu mùa xuân tới. Theo hướng này, tục hóa không chỉ đem lại những hậu quả tai hại, ngược lại cũng có thể nhờ đó tín hữu công giáo trở thành “chín chắn”, “trưởng thành”. Hiểu như thế giáo hội không thể tiếp tục mơ tưởng một giáo hội quần chúng (mà phần lớn là nương theo dòng) như xưa, nhưng cần nhận định rõ: Kitô giáo là những người “được chọn” để “chọn lựa”. Nói cách khác, đường hướng mục vụ bản vị hóa là cho “thiểu số” nhưng “cao phẩm”. Trong giáo hội thiểu số nhưng đầy sức sống này, mỗi người mới thật là một chứng nhân tích cực, mỗi Kitô hữu là một vị truyền giáo để “tái thiết” văn hóa tây phương. Giáo hội bắt đầu sống từ việc giáo dục trong gia đình, từ đoàn thể ở “hạ tầng”, nơi xứ đạo. Nhờ đó giáo hội mới thực sự thành “Ánh sáng muôn dân”, như giáo hội nguyên thủy, chớ không phải đống lửa tàn. Xưa kia Giáo Hội Tây Phương đã có công đưa sức sống mình đi truyền giáo qua các nơi khác, ngày nay họ có thể nhận lại sức sống truyền giáo của các nơi khác đó để tái thiết Giáo Hội địa phương mình.
b. Giáo Hội La Tinh Mỹ Châu:
Bản vị hóa của giáo hội người nghèo
Giáo hội La Tinh Mỹ Châu (La Mỹ) đang gặp phải những vấn đề nan giải: Tại Châu Mỹ La Tinh có hơn 200 triệu người sống tứ cố vô thân, ngày nay vất vưởng ở đầu đường xó chợ. Trong những người này chắc có một con số không ít là nạn nhân trong số từ 13 tới 18 triệu người chết đói mỗi năm trên cả thế giới. Ðiều chắc chắn là họ thuộc vào số 1/5 nhân loại sống thiếu ăn, thiếu mặc. “Chưa có bao giờ có nhiều người sống vương giả như ngày nay. Nhưng cũng chưa có bao giờ có nhiều người sống trong khốn cùng và đói khát như ngày nay. Con số người chết đói vượt xa con số người tử thương trong hai trận thế chiến vừa qua. Chưa bao giờ con người ý thức về sự phân phối tài sản bất công như ngày nay. Chúng ta phải làm gì đây? Ðứng trước vấn nạn trên, giáo hội La Mỹ qua hai cuộc họp hội đồng giám mục thượng đỉnh ở Medellin và Puebla đã bày tỏ rõ đường hướng bản vị hóa của mình: Trước tiên các giám mục nhận định tình trạng bất công trên chỉ là những hiện tượng đã đâm rễ sâu trong cơ cấu xã hội và lịch sử văn hóa La Mỹ, vì vậy phải tìm hiểu tận gốc mới biết được và nhờ đó mới trị được căn bệnh. Cơ cấu trên đã bị chế độ thực dân xưa và chế độ tân thực dân ngày nay khống trị. Cụ thể là nước Mễ Tây Cơ, một phần ba số tiền chính phủ mượn ở ngân hàng quốc tế, lại bị những lỗ hổng của tư bản (tư nhân hay công ty quốc tế) dẫn ra ngoại quốc. Dẫn đi đâu? Chắc có một số nhập vào kho ngân hàng Thụy Sĩ (theo thống kê năm 1984 có khoảng 230 tỉ Frank Thụy Sĩ). Nói cách khác, tình trạng xã hội La Mỹ không thể giải quyết được theo thuyết “kém mở mang”, (desarrollo) vì căn nguyên thực sự của trình độ thiếu mở mang này là họ “bị lệ thuộc” các nước La Mỹ là “thuộc địa” là “vệ tinh” của các cường quốc. Thuộc tính này đã hoành hành trong lịch sử và trở thành một phần của văn hóa La Mỹ. Sự ý thức nay đã đặt giáo hội La Mỹ trước một quyết định: đứng hẳn về phía người nghèo để thành giáo hội của người nghèo hầu theo chân Ðức Kitô “giải phóng” những dây trói đang ràng buộc người nghèo khó, bị ức hiếp: “chân lý giải phóng con người”. Mỗi người đều được Chúa tạo thành theo hình ảnh Ngài và được Ðức Kitô cứu chuộc, nên đều có nhân vị như nhau. Nhân vị này phải được khẩn định bắt đầu bằng quyền sống tối thiểu, từ đó mới có thể hội nhập văn hóa cũng như cải thiện văn hóa. Trong kỳ công du qua bốn nước La Mỹ (Urugay, Bollivia, Peru, Paraguay) từ 7 đến 19 tháng 5, năm 1988, Ðức Gioan Phaolô II đã nhấn mạnh sự tương quan giữa văn hóa và chủ thuyết nhân bản cũng như những giá trị của các nền văn hóa địa phương thiểu số mà trong quá khứ đã bị khinh rẻ hay quên sót. Phúc âm hóa văn hóa La Mỹ tức là bản vị hóa tất cả những giá trị nhân bản của các nền văn hóa cổ truyền để cùng phát triển và hòa hợp (intergral). Cụ thể hóa, chương trình thực hiện bản vị hóa này được các nhà thần học giải phóng mô tả như sau: Trong đời sống Kitô hữu thường nhật ý thức được những hiện trạng bất công và tìm rõ nguyên do. Như vậy cần coi đời sống thực tiễn có quyền ưu tiên trên lý thuyết. Nhờ vậy mục vụ có một sự lựa chọn rõ ràng: đứng với người nghèo và sống cho người nghèo. Tất cả những điều nói trên đều nhằm tới mục đích theo chân Ðức Kitô để tiếp tục chương trình nhập thể hầu giải thoát của Ngài như tinh thần Luca 4, 18-24 và tinh thần tám mối phúc thật. Vì giáo hội là giáo hội thuộc về người nghèo, nên người nghèo phải có một chỗ quan trọng trong giáo hội: Giáo hội trở thành sức sống trong cộng đoàn căn bản Kitô hữu (basic Christian Community), và qua họ Giáo Hội bản vị hóa mình.
c. Giáo Hội Phi Châu:
Bản vị hóa trong văn hóa đa dạng
Mặc dầu giáo hội Phi Châu cũng có những vấn đề nghèo khó, có người bị đàn áp như ở La Mỹ, nhưng bản vị hóa của giáo hội Phi Châu là bản vị hóa của những nước truyền giáo, đặc biệt là trong việc phúc âm hóa văn hóa đa dạng. Văn hóa này một thời gian khá dài bị coi như “mọi rợ”, thiếu “nhân bản”. Hay dùng ngôn ngữ của L. Lévy Bruhl: văn hóa phi châu thuộc về “giai đoạn tiền luận lý học” (prelogic). Bởi vậy các nhà truyền giáo trước kia cũng bị ảnh hưởng tiên kiến này coi việc truyền giáo là gạt bỏ mọi “mê tín” của nền văn hóa nguyên thủy cổ hủ để bắt đầu từ “số không” (tabula rasa). Dần dần các nhà truyền giáo bị các phong trào phản kháng chủ nghĩa thực dân độc lập ảnh hưởng, đổi thái độ chủ trương “Thần học chủng tộc” (ethno-theology) và “thần học thích ứng” (adaptation theology). Nhưng vì thần học chủng tộc dựa theo những kết quả nghiên cứu của người Âu Châu, nên chỉ chấp nhận những gì hợp “lý luận”, hợp “khoa học”, nên không hiểu thấu được giá trị văn hóa thuần túy của Phi Châu. Cũng vì thế chủ trương thần học thích ứng chỉ thực hiện hời hợt theo cách thế bên ngoài hơn là bản vị hóa.
Bản vị hóa văn hóa đa dạng là một nhiệm vụ khó khăn phức tạp, vì một đàng phải tìm hiểu đúng đắn những nền văn hóa thuần túy của Phi Châu, đồng thời không được coi những nền văn hóa này như những di vật của bảo tàng viện, nghĩa là đã qua và thiếu sống động. Ðàng khác cũng không được phép coi những nền văn hóa này là “tiền thân”, là “bàn đạp” để đưa tới việc hợp lý hóa, giáo hội còn phải tránh vết xe cực đoan của “Giáo Hội Phi Châu độc lập”; họ mặc dù chấp nhận Kitô Giáo, nhưng hoàn toàn hiểu Kitô Giáo dưới lăng kính Phi Châu, nên Kitô Giáo bị tha hóa và trở thành một mớ quan niệm chắp vá, thiếu hệ thống. Vì thế không được giới thần học coi trọng.
Trong cuộc công du Phi Châu lần thứ năm (từ ngày 23-4 tới ngày 6-5 năm 1989) Ðức Gioan Phaolô II đã thăm viếng bốn quốc gia: Madagascar, Reunion, Zambia và Malawi. Nhân dịp này, ngài đã nhấn mạnh việc bản vị hóa phải được đặt trên nền văn hóa được phong phú hóa do những góp phần mới, nhưng đồng thời không mất rễ thực của nó”. Ngài nhắn nhủ các giám mục địa phương tìm cách đưa phúc âm thấm nhập vào đời sống dân bản xứ, khám phá ra “Sức Sống” (Batu) khôn ngoan được biểu tả nơi các cách ngôn, tâm tình đối với Thượng Ðế và lòng biết ơn đối với các bậc tiền nhân cũng như những giá trị nhân bản của gia đình, xã hội. Như vậy nguồn sống đó giúp phúc âm gia nhập vào mỗi nền văn hóa cụ thể và khẩn định giá trị này hầu trở thành một sức sống mới, phát huy truyền thống tốt đẹp nhất, góp phần vào nền văn hóa chung của nhân loại. trong chiều hướng này không những chỉ tránh những tiền kiến gây nên tranh chấp, nhưng đồng thời quan tâm tới những vấn đề mới đang thành hình trong nền văn hóa Phi Châu, như thái độ đối với những người bị bệnh AIDS. Vấn đề tranh chấp các ý thức hệ chính trị, vấn đề trang trải nợ nần quốc tế, vấn đề người tị nạn… “Ðức Kitô cần tới bằng chứng tình yêu của các con để phúc âm càng ngày càng đâm rễ sâu trong văn hóa của các con”. Tóm lại, “Nguồn Sống” được phát huy trong đa dạng là nền tảng và phương châm của bản vị hóa Phi Châu.
Giáo Hội Á Châu:
Bản vị hóa giữa các tôn giáo
Không cần phải nhắc lại, chúng ta cũng thừa biết những vấn đề nóng hổi ở Âu Châu, La Mỹ, Phi Châu, không nhiều thì ít đều có thể là vấn đề của một giáo hội địa phương nào đó ở Á Châu. Dầu vậy, giáo hội Á Châu tuy cũng là giáo hội truyền giáo như ở Phi Châu, nhưng nền tảng văn hóa đa dạng này đã được các tôn giáo có tính cách quốc tế và cổ truyền “bản vị hóa” rồi, nên nói tới bản vị hóa giáo hội Á Châu là bàn tới việc đối thoại giữa các tôn giáo.
Khoảng 2/3 tổng số nhân loại hiện nay thuộc về các tôn giáo khác. Phần lớn các tôn giáo này sống ở Á Châu. Nói cách cụ thể: Năm 1985 Á Châu có 2.874 triệu dân. trong số đó số người Công Giáo chỉ chiếm 72 triệu, tức là 0.9%. Nếu cộng thêm 24 triệu các giáo hội Kitô giáo khác thành 1.74% tổng số!
Sống trong một môi trường tối thiểu tuyệt đối này, lẽ đương nhiên giáo hội phải tiếp xúc với các tôn giáo khác. Trước kia Giáo Hội tây phương lấy tiêu chuẩn: “ngoài giáo hội không có ơn cứu rỗi” (extra ecclesia nulla salus) và hiểu theo nghĩa cơ cấu hẹp hòi, nên coi tất cả các tôn giáo khác đều là tà đạo, từ Công Ðồng Vaticanô II trở đi quan niệm “giáo hội” và ơn “cứu rỗi” đã được phản tỉnh lại, coi Chúa Kitô là trung tâm của mọi ơn. Người cứu chuộc mọi người. Người tới để chứng thực Chúa là Ðấng tạo hóa, yêu thương mọi tạo vật, nhất là con người, “hình ảnh của Thiên Chúa”, mang trong mình “tiếng lương tâm” luôn thôi thúc họ tìm Ngài, làm theo ý Ngài, cả những khi họ chưa nhận ra Ngài. K. Rahner đã gọi những người Thiện Tâm là “Kitô hữu vô danh”. Trong tuyên ngôn “Nostra Aetate”, Công đồng khi nhắc tới “Ấn độ giáo”, “Phật giáo” và “các tôn giáo khác” đã khẳng định: “Với lòng kính trọng chân thành, Giáo hội xét thấy những phương thức hành động và lối sống, những huấn giới và giáo thuyết kia, tuy rằng có nhiều điểm khác nhau với chủ trương mà Giáo hội duy trì, nhưng cũng thường đem lại ánh sáng của Chân Lý, Chân Lý chiếu soi cho hết mọi người”.
Trong tài liệu “Niềm tin và bản vị hóa”, ủy ban thần học quốc tế đã đặc biệt quan tâm tới việc đối thoại với các tôn giáo khác và coi đó như là một trong bốn vấn đề quan trọng nhất của bản vị hóa: “Ðối thoại với các tôn giáo khác là một phần linh động của đời sống Kitô hữu”, vì sự đối thoại này đặt trên căn bản tin tưởng: “Chúa Thánh Linh hiện hữu và hoạt động trên toàn thế giới, gọi mỗi nền văn hóa siêu vượt chính mình”. Cụ thể, “bản vị hóa” của giáo hội Á Châu là nghiên cứu các tôn giáo bạn để hiểu thấu đáo giáo lý và cuộc sống đạo của họ để tránh những ngộ nhận hay tiên kiến, nhờ đó có thể học hỏi nơi họ cách diễn đạt nào phù hợp với Kitô giáo, nhất là trên lãnh vực tu đức, nhờ đó có thể hợp tác để phát huy Nhân Bản.
4. THAY LỜI KẾT LUẬN
Tới đây chúng ta đã thảo luận vai trò văn hóa trong cuộc sống mỗi người cũng như mỗi nền văn hóa đều nhằm giúp con người đạt tới nhân bản toàn diện. Ðối với người Công giáo mẫu mực của nền nhân bản toàn diện này là Ðức Giêsu Kitô. Bản vị hóa tức là một cuộc hành trình phúc âm hóa mỗi nơi và mỗi thời, nhờ đó người Công Giáo sống dưới ánh sáng chân lý phúc âm nhận ra những khía cạnh nhân bản đặc thù của mỗi văn hóa, qua đó luyện lọc và hoàn hảo hầu giúp mỗi nền văn hóa thăng hóa chính mình.
Người Việt Nam ở hải ngoại sống rải rắc khắp nơi trên thế giới, nên bản vị hóa đối với chúng ta là một vấn đề phức tạp. Chúng ta phải nhận diện bản vị hóa nơi mà chúng ta đang sống. Như trên chúng ta nói tới những trọng tâm khác nhau ở Âu Mỹ, La Mỹ, Phi Châu và Á Châu. Còn ở Ðại Dương Châu thì sao? Xin dành câu hỏi này để anh chị em thảo luận, vì đó là môi trường sống của các người Công Giáo Việt Nam tại đây. Có lẽ phần diễn đạt bản vị hóa của bốn Châu khác giúp anh chị em so sánh để tìm ra những điểm dị đồng và tính cách đặc thù của văn hóa nơi mình sống.
Chúng ta không những cần nhận diện nền văn hóa ở Ðại Dương Châu, và đặc tính bản vị hóa của nó, nhưng là người Việt, chúng ta có cội rễ văn hóa riêng của chúng ta. Bởi đó bản vị hóa đối với người Công Giáo Việt Nam càng khó khăn phức tạp hơn: làm sao chúng ta hội nhập văn hóa ở đây mà không mất gốc? Làm sao đưa tinh thân nhân chứng nhân bản của tiền nhân bổ túc và hòa đồng với nền văn hóa ở đây? Làm sao tinh thần phúc âm giúp chúng ta tổng hợp và tinh luyện những bảng giá trị, nếp sống, phong tục… khác nhau này? Hy vọng qua những bài khác, chúng ta nhận thức được vấn đề bản vị hóa của chúng ta hơn.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét