Trang

Thứ Hai, 3 tháng 6, 2013

Kinh Thánh Trong Đời Sống Giáo Hội

Kinh Thánh Trong Đời Sống Giáo Hội

antonloiantonloi
Tầm quan trọng của Thánh Kinh đối với Giáo Hội [1]
Giáo Hội đã luôn tôn kính Thánh Kinh như đã tôn kính chính Thánh Thể Chúa: nhất là trong phụng vụ thánh, Giáo Hội không ngừng lấy bánh ban sự sống từ bàn tiệc Lời Chúa cũng như bàn tiệc Mình Chúa Kitô mà trao ban cho các tín hữu. Giáo Hội đã và vẫn luôn luôn coi Thánh Kinh cùng với Thánh Truyền như là quy luật tối cao cho đức tin của mình, bởi vì Thánh Kinh, được Thiên Chúa linh ứng và được ghi chép một lần cho mãi mãi, truyền đạt Lời của chính Thiên Chúa cách bất di bất dịch và làm vang dội tiếng Chúa Thánh Thần trong lời của các Ngôn sứ và các Tông đồ. Vì vậy, toàn thể công việc rao giảng trong Giáo Hội cũng như chính đạo Kitô phải được Thánh Kinh nuôi dưỡng và hướng dẫn. Quả thật, trong các sách thánh, Cha trên trời âu yếm đến gặp con cái và trò chuyện với họ. Trong Lời Thiên Chúa, có năng lực lớn lao có thể nâng đỡ và ban sinh lực cho Giáo Hội, còn đối với con cái Giáo Hội thì thành sức mạnh cho đức tin, lương thực cho linh hồn, nguồn sống tinh tuyền và trường tồn cho đời sống thiêng liêng. Bởi thế, lời nói sau đây hoàn toàn đúng về Thánh Kinh: “Thật vậy, lời Thiên Chúa sống động và linh hoạt” (Dt 4,12), “có sức xây dựng và ban phần gia nghiệp cho mọi người đã được thánh hoá” (Cv 20,32; x. 1 Tx 2,13).
 Cần có những bản văn và những bản dịch khác nhau [2]
Lối vào vào Thánh Kinh cần phải được rộng mở cho các Kitô hữu. Chính vì thế, ngay từ buổi đầu, Giáo Hội đã nhận làm của mình bản dịch Cựu Ước Hy-lạp cổ kính, được gọi là bản Bảy Mươi. Giáo Hội luôn quý trọng các bản dịch Đông phương khác và các bản dịch La-tinh, nhất là bản thường gọi là bản Phổ thông. Nhưng bởi vì Lời Thiên Chúa phải luôn tiện dụng cho mọi thời đại, Giáo Hội như một người mẹ ân cần lo liệu sao cho có các bản dịch thích hợp và đúng nghĩa sang các thứ tiếng, nhất là dịch từ nguyên bản các Sách Thánh. Nếu hoàn cảnh thuận tiện và được giáo quyền chấp thuận, các bản dịch đó được thực hiện với sự cộng tác của các anh em ly khai, thì mọi Kitô hữu đều có thể dùng được.
Nhiệm vụ tông đồ của các nhà thần học công giáo [3]
Hiền Thê của Ngôi Lời nhập thể, tức Giáo Hội, được Chúa Thánh Thần dạy dỗ, cố gắng hiểu biết Thánh Kinh ngày một sâu xa hơn, để không ngừng lấy Lời Chúa nuôi dưỡng con cái mình. Do đó, Giáo Hội có lý mà khuyến khích cả việc học hỏi các Thánh Giáo Phụ Đông phương cũng như Tây phương và các loại Phụng vụ thánh. Còn các nhà chú giải công giáo và những nhà nghiên cứu thần học phải chuyên hiệp lực, cố gắng dùng những phương thế thích hợp mà khảo sát và trình bày Thánh Kinh, dưới sự trông nom của Huấn Quyền thánh; công việc này phải được thực hiện thế nào để có đa số tối đa những người phục vụ Lời Chúa có thể cung cấp hữu hiệu cho dân Thiên Chúa lương thực Thánh Kinh có sức soi sáng tâm trí, củng cố ý chí và thiêu đốt lòng người yêu mến Thiên Chúa. Thánh Công đồng khuyên nhủ các con cái Giáo Hội chuyên nghiên cứu Thánh Kinh, hãy can đảm tiếp tục đến cùng công việc đã khởi sự tốt đẹp, với năng lực ngày ngày đổi mới, với trọn niềm hăng say, phù hợp với cảm thức của Giáo Hội.
Thánh Kinh và Thần học [4]
Khoa Thần học dựa trên lời Thiên Chúa đã được viết ra, cùng với Thánh Truyền, như dựa trên một nền tảng trường tồn; nơi Thánh Kinh, Thần học được củng cố hết sức vững chắc và luôn trẻ trung, nhờ nghiên cứu dưới ánh sáng đức tin tất cả chân lý tiềm ẩn trong mầu nhiệm Chúa Kitô. Thánh Kinh chứa đựng lời Thiên Chúa và vì được linh hứng nên thật sự là Lời Thiên Chúa; do đó, việc nghiên cứu Thánh Kinh phải là như linh hồn của khoa Thần học. Nhờ chính lời Thánh Kinh này, thừa tác vụ lời Chúa, gồm có việc giảng thuyết của các vị chủ chăn, việc dạy giáo lý và toàn thể giáo huấn Kitô giáo, trong đó bài diễn giảng trong phụng vụ phải chiếm ưu thế, được nuôi dưỡng lành mạnh và tăng cường sinh lực thánh thiện.  
Khuyên nhủ đọc Thánh Kinh [5]
Vì thế, tất cả các giáo sĩ, trước hết là các linh mục của Chúa Kitô và những ai phục vụ Lời Chúa cách chính đáng, với tư cách là phó tế hoặc giảng viên giáo lý, phải gắn bó với Thánh Kinh nhờ chuyên cần đọc Sách Thánh và học hỏi kỹ càng; nếu không, sẽ có người trong họ thành “kẻ rao giảng Lời Thiên Chúa bên ngoài uổng công, bởi vì họ không lắng nghe Lời đó trong lòng”, trong khi họ phải thông truyền, nhất là trong phụng vụ thánh, những kho báu vô tận của Lời Thiên Chúa cho các tín hữu đã được giao phó cho họ. Cũng vậy, Thánh Công đồng nhiệt liệt và đặc biệt khuyến khích mọi Kitô hữu, nhất là các tu sĩ, học được “sự hiểu biết tuyệt vời về Chúa Giêsu Kitô” (Pl 3,8) nhờ năng đọc Sách Thánh. “Thật vậy, không biết Thánh Kinh là  không biết Chúa Kitô”.  
Vậy ước gì họ sẵn lòng đi đến với chính bản văn Thánh Kinh, hoặc nhờ phụng vụ thánh đầy dẫy Lời Thiên Chúa, hoặc nhờ việc sốt sắng đọc Thánh Kinh hoặc nhờ những lớp học hỏi thích hợp và những phương tiện khác ngày nay đang phổ biến khắp nơi cách đáng mừng, với sự ưng thuận và chăm lo của các vị chủ chăn trong Giáo Hội. Nhưng họ nên nhớ rằng kinh nguyện phải có kèm theo việc đọc Thánh Kinh, để trở thành cuộc đối thoại giữa Thiên Chúa và con người, vì “chúng ta ngỏ lời với Người khi cầu nguyện, và chúng ta nghe Người nói lúc chúng ta đọc các sấm ngôn thần linh”.  
Các giám mục, là những người “gìn giữ giáo lý tông truyền”, có phận sự dạy cách thích hợp cho các tín hữu đã được uỷ thác cho các ngài biết sử dụng cho đúng các Sách Thánh, nhất là Tân Ước và trước hết là các sách Phúc Âm, nhờ các bản dịch Sách Thánh; các bản dịch này phải có kèm theo những lời giải thích cần thiết và đầy đủ, để con cái Giáo Hội có thể gặp gỡ Thánh Kinh cách bảo đảm và ích lợi, cũng như được thấm nhuần tinh thần Thánh Kinh.  
Hơn nữa, cũng nên xuất bản Thánh Kinh với các ghi chú thích hợp, tiện dụng cho cả những người ngoài Kitô giáo và thích nghi với hoàn cảnh của họ. Các vị chăn dắt linh hồn cũng như các Kitô hữu, dù trong bậc sống nào, cũng nên khôn ngoan phổ biến các bản ấy.
 Kết luận [6]
Vì thế, ước gì nhờ việc đọc và học hỏi Sách Thánh, “Lời Thiên Chúa được phổ biến mau chóng và được tôn vinh” (2 Tx 3,1), và kho tàng mạc khải, đã được uỷ thác cho Giáo Hội, ngày càng lấp đầy tâm hồn con người. Cũng như đời sống Giáo Hội được tăng trưởng nhờ năng tiếp xúc với mầu nhiệm Thánh Thể, cũng thế ta được phép hy vọng rằng đời sống thiêng liêng nhận được một sự thúc đẩy mới nhờ việc tăng thêm lòng sùng kính Lời Thiên Chúa, là Lời “tồn tại muôn đời” (Is 40,8; x. 1 Pr 1,23-25).  
Tất cả và từng điều đã được ban bố trong Hiến chế Tín lý này đều được các Nghị Phụ Thánh Công đồng chấp thuận. Và dùng quyền tông đồ Chúa Kitô trao ban, hợp cùng các Nghị Phụ khả kính, trong Chúa Thánh Thần, chúng tôi ph chuẩn, chế định và quyết nghị, và những gì đã được Thánh Công đồng quyết nghị, chúng tôi truyền công bố cho Danh Chúa cả sáng.  
(Trích Hiến Chế Tín Lý Mạc  Khải về Thiên Chúa)
Rôma, tại Đền Thánh Phêrô, ngày 18 tháng 11 năm 1965  
Tôi, PHAOLÔ Giám mục Giáo Hội Công giáo  
Tiếp theo là các chữ ký của các Nghị Phụ
(Nguồn: Đặc San Giáo Sĩ Việt Nam số 193) 

[1] Trong những bản thảo trước, số này mang tựa đề: “Nỗi bận tâm của Giáo Hội đối với Thánh Kinh”. Nhưng tựa đề này lại nghiêng về khía cạnh tự vệ. Sau đó các Nghị Phụ chấp nhận tựa đề hiện tại: “Giáo Hội tôn trọng Thánh Kinh”. Người ta chỉ có thể nói rõ hơn khi so sánh với Thân Thế Chúa; so sánh này gặp nhiều chống đối vì nhiều Nghị Phụ nghĩ rằng những khuynh hướng tân thời muốn giảm thiểu sự hiện diện Chúa trong phép Thánh Thể và hình như bản văn này khuyến khích. Nhưng Uỷ Ban vẫn duy trì bản văn vì sự so sánh này có tính cách cổ truyền và hơn nữa sự hợp nhất giữa Lời Chúa và bí tích lại rất quan trọng trong đời sống Giáo Hội (Phụng vụ). Tầm quan trọng của Thánh Kinh được diễn tả trong câu “cùng với Thánh Truyền, Thánh Kinh … là quy luật tối cao hướng dẫn đức tin”. Đây là một quy luật khách quan, vì được linh hứng (Thiên Chúa nói với chúng ta qua Thánh Kinh); thứ đến nó là quy luật bất biến, vì Thiên Chúa không thay đổi và – theo cách nói nhân loại – điều gì đã được viết thì đẽ được viết rồi. Bởi thế hậu quả là đời sống Giáo Hội luôn được nuôi dưỡng bởi cùng một nguồn mạch duy nhất, và điều đó được bảo đảm sự liên tục trong lịch sử cũng như sự bình đẳng trong các nền văn hoá khác nhau.
[2] Việc dịch Thánh Kinh ra các sinh ngữ là một nhu cầu truyền giáo (x. TG 22; MV 44), là một đòi hỏi của công giáo tính nơi Giáo Hội (x. GH 13) và là một đòi hỏi của việc hiệp nhất (x. GH 15, HN 14-17, 19-23). Mỗi Giáo Hội dịch Thánh Kinh ra tiếng bản xứ là làm giàu thêm cho Giáo Hội phổ quát, vì tất cả các bản dịch giả thiết một sự thấu hiểu mới về Mạc khải.
[3] Số này nhấn mạnh nhiệm vụ tông đồ của các thầy dạy trong Giáo Hội và khuyến khích các nhà chú giải và thần học cộng tác với nhau. Nhìn nhận tầm quan trọng của khoa học để đào sâu Lời Chúa, mặc dầu Giáo Hội có quyền quyết định tối hậu những nghi ngờ (Huấn Quyền) nhưng đồng thời lại đề phòng thứ khoa học (chú giải và thần học) quá cằn cỗi về phương diện mục vụ.
[4] Ở đây người ta bàn về vai trò Thánh Kinh trong Thần học. Vậy Thánh Kinh là nền tảng: là điểm khởi phát và là điểm quy chiếu. Thánh Kinh làm cho nền Thần học trẻ lại vì đem lại những đề mục và những viễn tượng mới. Thánh Kinh là “linh hồn của Thần học” (x. ĐT 16), là nguyên lý sự sống, là nguồn nghị lực của Thần học. Nhưng Thánh Kinh không phải là tất cả, vì Thần học cũng phải quan tâm đến Thánh Truyền, đến những suy tư của người khác, những trực giác của tín hữu v.v… và phải luôn luôn tạo nên những tổng hợp mới để hiểu thêm Thánh Kinh. Cũng vậy, tín điều phải quy chiếu về Thánh Kinh để thấu hiểu và đào sâu trong ánh sáng Thánh Kinh. 
[5] Lần đầu tiên trong lịch sử một Công đồng kêu gọi đọc Thánh Kinh. Những người phục vụ Lời Chúa: linh mục, phó tế, các người dạy giáo lý… mang một trách vụ lớn hơn. Tuy nhiên vài Nghị Phụ bối rối và coi lời khuyến khích tổng quát đọc Thánh Kinh là một mối nguy hiểm. Phải đọc “theo tinh thần của Giáo Hội”, vì vậy người ta nhấn mạnh đến kinh nguyện như là một câu đáp lại lời Thiên Chúa, Đấng nói trong Thánh Kinh.  Lãnh tụ của phong trào này là các giám mục, các ngài có bổn phận kiểm soát và khuyến khích. Sau cùng, Thánh Kinh được ban cho Giáo Hội để Giáo Hội mang đến cho mọi người, vậy phải khuyến khích các đợt xuất bản dành cho người ngoài Kitô giáo. Đó là một sáng kiến truyền giáo tốt đẹp.
[6] Số này là lời kết luận của chương VI, chứ không phải của tất cả Hiến chế. Tinh thần của đoạn này cũng là tinh thần truyền giáo sâu xa. Nên lưu ý việc chuyển tiếp từ việc đọc sách đến Lời Chúa trong câu thứ nhất, vì Thánh Kinh chứa đựng “kho tàng mạc khải” của Thiên Chúa cho Giáo Hội, và vì Giáo Hội sẽ luôn sống bằng Lời Chúa như chính Ngôi Lời.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét