Năm Đức Tin theo thánh Tôma - bài 3
Các bài tìm hiểu về giáo lý của thánh Tôma Aquinô: Bài 3.
Đề tài: Tôi tin kính Đức Chúa Trời là Cha phép tắc vô cùng dựng nên trời đất
Sau nhập đề tổng quát về đức tin, thánh Tôma bắt đầu giải thích kinh Tin kính quen gọi là“tín biểu các thánh tông đồ”. Từ thế kỷ IV, một lưu truyền kể lại rằng các thánh tông đồ trước khi chia tay nhau đi giảng đạo thì đã họp nhau để thảo ra kinh Tin kính: mỗi vị xướng lên một câu, và tổng cộng là có 12 câu. Thánh Tôma cũng chịu ảnh hưởng của lưu truyền ấy, vì thế ngài chia kinh Tin kính làm 12 phần (gọi là articulus: ví như các khúc của thân thể). Các cuộc nghiên cứu lịch sử gần đây đã cho thấy rằng lưu truyền này không có cơ sở. Cấu trúc của các kinh Tin kính gồm ba phần, tương ứng với công trình cứu độ của Ba Ngôi Thiên Chúa: Chúa Cha là Đấng Tạo dựng, Chúa Con là Đấng Cứu thế (phần này dài nhất), Chúa Thánh Thần là Đấng Thánh hóa (xem Sách Giáo lý Hội thánh Công giáo, số 190-191). Ta có thể phân phối lại 12 mục như sau: Đức Chúa Cha (mục 1), Đức Chúa Con (các mục 2-7), Đức Chúa Thánh Thần (các mục 8-12).
Trong mục thứ nhất, thánh Tôma nêu bật ba điểm: 1/ Thiên Chúa là đấng quan phòng. 2/ Chỉ có một Thiên Chúa. 3/ Thiên Chúa là Đấng Tạo dựng muôn vật. Ở điểm thứ hai, tác giả nhắc đến bốn hình thức đa thần trên lý thuyết và trong thực hành (và chúng ta vô tình cũng mắc phải). Ở điểm thứ ba, sau khi đã điểm qua ba chủ trương trái nghịch với niềm tin vào việc tạo dựng, thánh nhân còn thêm năm hệ luận thực tiễn của việc tuyên xưng Thiên Chúa tạo thành.
---------
Điều thứ nhất mà các người tín hữu phải tin là có một Thiên Chúa.
I. Thiên Chúa cai quản mọi loài thụ tạo
Nên lưu ý đến hạn từ Thiên Chúa. “Thiên Chúa” có nghĩa là Đấng cai quản và quan phòng của mọi loài thụ tạo. Tin có một Thiên Chúa là tin vào một Đấng cai trị và quan phòng hết thảy mọi loài thụ tạo. Ngược lại, nếu một người tin rằng mọi sự xảy ra cách ngẫu nhiên thì tức là không tin có Thiên Chúa.
1. Thiên Chúa cai quản thiên nhiên
Tuy nhiên, không ai quá ngu muội đến nỗi không tin rằng các thụ tạo thiên nhiên lệ thuộc vào sự cai trị, sự quan phòng, và sự sắp đặt của một Đấng nào đó, đang khi chúng được quy định theo một trật tự và thời gian nhất định. Thật vậy chúng ta nhìn thấy mặt trời, mặt trăng, các ngôi sao và các thành phần khác của thiên nhiên đều tuân theo một dòng chảy nhất định, mà dòng chảy này sẽ không thể xảy ra nếu chúng là kết quả của ngẫu nhiên.
Cho nên, nếu ai không tin vào sự hiện hữu của Thiên Chúa thì quả là kẻ ngu muội như lời thánh vịnh (13,1) đã nói: Kẻ ngu si tự nhủ ‘làm chi có Chúa Trời’.
2. Thiên Chúa là Đấng Quan phòng
Tuy nhiên có một số người, mặc dù tin Thiên Chúa cai quản và quy định các vật thiên nhiên, nhưng đồng thời lại không nhìn nhận sự quan phòng của Thiên Chúa đối với các hành vi của con người; họ cho rằng Thiên Chúa không tác động đến các hành vi của con người bởi vì họ nhìn thấy rằng trên đời này người tốt phải chịu nhiều đau khổ còn người xấu thì lại thành đạt. Tình trạng này là bằng chứng loại trừ sự quan phòng của Thiên Chúa chăm sóc con người. Vì thế, sách Gióp (22,14) nói thay cho họ rằng: “Thiên Chúa chỉ dạo quanh trên vòm trời và Người chẳng quan tâm đến những việc của chúng ta”.
Nhưng ai nghĩ như thế thì là rất ngu xuẩn. Có thể so sánh họ như một kẻ không biết tí gì về y học; khi thấy bác sĩ cho bệnh nhân này uống nước và bệnh nhân kia uống rượu (tùy theo những đòi hỏi của y khoa) thì họ cho rằng ông ta bạ đâu làm đó chứ chẳng có lý do gì hết. Thực vậy, một cách tương tự, Thiên Chúa, do sự quan phòng của Người đã sắp đặt những điều cần thiết cho con người, vì những lý do chính đáng: vì thế mà Người để cho người tốt phải ưu phiền và để cho người độc ác được thành đạt. Ai nghĩ rằng điều này xảy ra theo ngẫu nhiên thì thật là một người ngu muội, vì sự lầm lẫn của họ bắt nguồn từ chỗ không biết tài nghệ và những lý do của đường lối cai quản của Thiên Chúa. Chính vì thế mà sách Giop (11,6) ước nguyện: “Ước chi Người dạy cho bạn những sâu thẳm của sự khôn ngoan và những định luật đa dạng của Người”.
Vì vậy, chúng ta phải tin chắc rằng Thiên Chúa không chỉ cai trị và sắp đặt các sự vật thiên nhiên mà còn cả các hành vi của con người nữa. Trong Thánh vịnh (93,7-10) có lời chép: “Kẻ dữ bảo rằng: Chúa đâu có thấy, Thiên Chúa nhà Giacóp chẳng lưu tâm! Hãy biết rằng, này quân đần độn nhất trên đời ! bao giờ mới nên khôn, hỡi đồ ngu xuẩn? Đấng từng gắn đôi tai há lại không nghe được? Đấng nặn thành cặp mắt chẳng lẽ không thấy gì?... Tư tưởng phàm nhân, Chúa đều biết cả”.
Thiên Chúa thấy tất cả mọi sự, Người thấy mọi tư tưởng của chúng ta, mọi điều bí ẩn trong lòng chúng ta. Vì lý do này, con người buộc phải làm điều thiện, vì tất cả mọi suy nghĩ và hành động của họ đều bày tỏ trước mắt Chúạ. Vì thế, thánh tông đồ nói “Tất cả mọi sự đều trần trụi và phơi bày trước cặp mắt của Ngài” (Dt 4,13).
II. Chỉ có một Thiên Chúa duy nhất
Hơn nữa, chúng ta phải tin rằng Thiên Chúa, Đấng sắp đặt và cai trị mọi sự, là một Thiên Chúa duy nhất. Đây là bằng chứng: các vấn đề của con người chỉ được sắp đặt một cách hợp lý khi chỉ có một người cai quản và điều khiển đám đông. Thực vật, khi có nhiều vị lãnh đạo thì thường gây ra sự tranh chấp giữa các thuộc cấp. Do đó, vì sự cai quản của Thiên Chúa thì vượt trên sự cai quản của loài người, cho nên rõ ràng là thế giới này không phải được cai quản bởi nhiều thần thánh, nhưng chỉ bởi một mình Thiên Chúa mà thôi.
1. Những lý do khiến người ta tin vào nhiều thần thánh (đa thần)
Có bốn lý do khiến người ta tin vào nhiều thần thánh.
a) Lý do đầu tiên là vì trí khôn loài người yếu kém. Thật vậy có những người trí không yếu kém khiến họ không có khả năng để vượt qua thế giới vật chất này, vì thế họ không tin có một thế giới nào nữa ngoài các vật thể khả giác. Do đó, họ thán phục các vật thể đẹp đẽ và cao quý, và thờ lạy chúng như thần thánh. Trong số những thụ tạo được tôn thờ, có những vật thể ở trên trời, tựa như mặt trời, mặt trăng, và các ngôi sao. Những người dốt nát như vậy cũng giống như kẻ đến cung điện để thăm đức vua, và tưởng rằng kẻ nào ăn mặc đẹp nào hoặc một người đang thi hành công vụ mà mình gặp thì đó là vua. Về phần những người này, sách Khôn Ngoan (13,2) nói “Chúng tưởng rằng…. mặt trời và mặt trăng… hoặc vòng quỹ tinh sao là các thần cai quản thế giới”. Nhưng Thiên Chúa đã tuyên bố rằng: “Hãy ngước mắt lên trời và cúi nhìn xuống đất; này trời sẽ tan rã như làn khói, và đất sẽ rách tươm như manh áo cũ, và dân cư trên đó sẽ chết như ruồi. Nhưng ơn cứu độ của Ta sẽ trường tồn vạn kỷ, và đức công chính của Ta sẽ không suy chuyển bao giờ” (Is 51,6).
b) Lý do thứ hai khiến người ta tin vào nhiều thần thánh là do thói nịnh hót của con người. Có một số người thích tâng bốc các kẻ quyền quý và các vua chúa, nên đã trao cho các vị này sự tôn kính chỉ xứng đáng dành cho Thiên Chúa mà thôi; họ suy phục, lệ thuộc những người ấy, phong làm thần thánh sau khi chết hoặc ngay cả khi còn sống. Chúng ta đọc trong sách Giu-đi-tha như thế này (5,29): “Các vị thân hào của Holopher bảo nhau: hãy để cho mọi quốc gia biết rằng Na-bu-cô-đô-nô-xo là vị thần trên mặt đất này, và ngoài người ra không có một vị thần nào khác.”
c) Lý do thứ ba khiến người ta tin vào nhiều thần thánh là do tình cảm nhục dục đối với con cái và bà con họ hàng. Có những người vì quá yêu mến những người bà con họ hàng của mình nên đã dựng tượng những người này sau khi họ chết, và thờ kính những bức tượng này như thần thánh. Về việc này, Sách Khôn ngoan có chép (14,21): “Những người lụy phục tình cảm của mình, hay phải luỵ phục quyền bính, thường gán cho đá cho gỗ danh hiệu chỉ dành cho một Đấng duy nhất thôi.”
d) Lý do thứ bốn khiến người ta tin vào nhiều thần thánh là do sự độc ác của ma quỷ. Ma quỷ là kẻ ngay từ đầu đã muốn bằng Thiên Chúa. Vì thế, nó tự nhủ: “ Ta sẽ lên trời: Ta sẽ dựng ngai vàng của ta trên cả các vì sao của Thiên Chúa; Ta sẽ ngự trên núi Hội Ngộ, chốn bồng lai cực bắc; Ta sẽ vượt ngàn mây thẳm, sẽ nên như Đấng Tối Cao.” (Is 14,13) Nó không bao giờ từ bỏ lòng ao ước này, cho nên nó cố gắng hết sức để được con người phụng thờ và dâng lễ tế cho nó. Không phải ma quỷ hài lòng vì con chó hoặc con mèo được con người dâng hiến cho mình, nhưng nó thích thú vì được con người thờ kính như Thiên Chúa. Vì thế, nó nói với Chúa Giêsu: “Tôi sẽ cho ông tất cả những thứ này, nếu ông sấp mình thờ lạy tôi.” (Mt 4,9). Cũng vì muốn được tôn kính như thần linh, cho nên ma quỷ nhập vào hàng ngũ các thần tượng, và trả lời thay cho chúng. Vì thế Thánh vịnh (95,5) nói: “các thần tượng của các dân ngoại là ma quỷ”[1] và thánh Phao-lô Tông đồ cũng viết cho dân Corintô: “Những đồ cúng mà dân ngoại cúng tế là cúng cho ma quỷ, chứ không phải cho Thiên Chúa.”
B. Những người thuộc thuyết đa thần là ai?
Thật là kinh tởm khi con người thờ lạy các thần linh khác thay vì thờ Chúa. Thế nhưng nhiều người đã thường xuyên phạm tội ấy, vì lý do này hay lý do khác như vừa kể. Đành rằng họ không nói hay không nghĩ rằng có nhiều thần, nhưng mà việc họ làm cho thấy ngược lại.
1. Những người tin rằng các thiên thể chi phối đến ý muốn con người; những người lựa chọn ngày lành tháng tốt để làm việc; đó là những kẻ tôn phong các thiên thể làm chúa cai quản những vật khác. Chúa đã cảnh báo chúng ta về lối cư xử ấy: “Đừng run sợ trước những điềm trời, cho dù chư dân run sợ trước những điềm đó, vì các phong tục của chư dân thật là hư ảo” (Gr 10,2).
2. Cũng vậy, những người thần phục các vua chúa trần gian hơn là Thiên Chúa, hoặc là suy phục vua chúa khi luật lệ của họ trái nghịch với giới răn Chúa; đó là những kẻ tôn phong các vua chúa trần gian lên làm các thần của họ, đang khi mà Sách Công vụ Tông đồ có chép (5,29): “Chúng ta phải vâng lời Thiên Chúa hơn vâng lời người phàm.”[2]
3. Cũng vậy, những người yêu thương con cái hoặc bà con họ hàng hơn Thiên Chúa thì chứng tỏ qua việc làm rằng họ tin vào nhiều thần linh. Cũng thế, những ai thích ăn uống hơn Chúa, thì thánh Tông Đồ nói: “Chúa của họ thờ là cái bụng.” (Pl 3,19)
4. Những người thực hành ma thuật và bùa phép thì tưởng rằng ma quỷ là thần thánh, vì họ cầu khẩn ma quỷ điều mà duy chỉ một mình Thiên Chúa mới có thể ban cho, tức là sự hiểu biết điều kín nhiệm hoặc những chuyện tương lai.
III. Thiên Chúa tạo dựng trời đất
Như đã trình bày ở trên, trước tiên chúng ta phải tin là chỉ có một Thiên Chúa duy nhất; thứ hai chúng ta phải tin là Thiên Chúa chính là Đấng Tạo hóa, dựng nên trời đất, dựng nên những vật hữu hình và vô hình.
Chẳng cần phải dùng những luận cứ tinh vi, cứ dùng một thí dụ đơn sơ đã đủ để làm sáng tỏ chân lý: tất cả mọi vật đều do Thiên Chúa sáng tạo và dựng nên. Giả sử một người đang đi vào một căn nhà và cảm thấy có hơi nóng ở hành lang, càng tiếp tục đi sâu vào, anh ta cảm thấy sức nóng càng tăng lên, thì tất nhiên anh ta sẽ tin rằng có một ngọn lửa ở trong căn nhà, ngay cả khi anh ta không nhìn thấy ngọn lửa đang phát ra tất cả mọi sức nóng ấy.
Điều tương tự cũng sẽ xảy ra cho những ai quan sát thế giới này. Quả thật, anh ta sẽ quan sát thấy rằng tất cả mọi vật được sắp xếp theo những mức độ tốt đẹp và ưu tuyển của chúng, và anh thấy rằng vật nào càng gần Thiên Chúa thì càng đẹp và ưu tuyển hơn. Các thiên thể thì đẹp hơn và cao quý hơn các vật thể ở dưới trần thế, những vật thể vô hình thì đẹp hơn và cao quý hơn các vật thể hữu hình. Vì thế chúng ta phải tin rằng tất cả những vật thể này bắt nguồn từ một Thiên Chúa, Đấng đã ban cho mỗi vật sự hiện hữu và sự ưu tuyển riêng của chúng. Sách Khôn ngoan (13,1.5) có nói: “Hết thảy những ai không chịu nhìn nhận Thiên Chúa, tự bản chất là những kẻ ngu si. Từ những vật hữu hình tốt đẹp, chúng không đủ khả năng nhận ra Đấng hiện hữu, và khi chiêm ngắm bao công trình, chúng không nhận biết Đấng Hoá Công; bởi vì các thụ tạo càng lớn lao đẹp đẽ thì càng giúp nhận ra Đấng tạo dựng”. Vì thế, chúng ta phải chấp nhận tất cả những gì hiện hữu trên thế giới này đều xuất phát từ Thiên Chúa.
A. Những sai lầm liên quan đến việc tạo dựng
Liên quan đến chân lý này, cần phải tránh ba sai lầm sau đây:
1. Sự sai lầm của những người theo phái Ma-ni-kê
Những người này cho rằng mọi thụ tạo hữu hình được sáng tạo bởi Tà thần. Từ đó, họ khẳng định rằng Thiên Chúa chỉ sáng tạo những vật vô hình. Họ rơi vào sự sai lầm này bởi vì, trong khi khẳng định Thiên Chúa là sự Thiện tuyệt đối (điều này đúng), họ cho rằng những gì xuất phát từ sự Thiện thì tự bản chất nó phải là sự thiện và (vì không biết phân biệt thế nào là tốt và thế nào là xấu) họ cũng tin rằng những cái gì là xấu dưới một phương diện nào đó thì cũng hoàn toàn là xấu. Ví dụ, họ nói rằng lửa (vì nó đốt cháy) và nước (vì nó làm ngạt thở) thì bản chất là xấu, và các sự vật hữu hình khác cũng vậy. Cho nên, xét thấy rằng không có vật nào trong những sự vật khả giác là hoàn toàn tốt, nhưng mỗi vật về một phương diện nào đó là xấu và khiếm khuyết, cho nên họ khẳng định rằng những vật hữu hình được làm ra không phải do Thiên Chúa tốt do một vị thần xấu.
Chống lại những người theo phái Ma-ni-kê, thánh Âu-tinh dùng ví dụ sau đây: Giả sử một người đi vào nhà của một ông thợ và anh ta bị thương do đụng phải những dụng cụ của ông thợ, và rồi trách mắng ông thợ là độc ác vì đã sở hữu những dụng cụ này, thì anh ta sẽ là một kẻ khùng, bởi vì ông thợ giữ những dụng cụ này để mà làm việc. Cũng vậy, thật là ngu muội khi nói rằng một thụ tạo là xấu vì nó có hại về một phương diện nào đó, bởi lẽ nó có hại với người này nhưng lại có ích đối với người kia. Sự sai lầm của phái Ma-ni-kê đi ngược với Đức tin của Giáo hội. Vì thế, chúng ta khẳng định rằng Thiên Chúa đã dựng nênmuôn vật hữu hình và vô hình. Thật vậy, chúng ta đọc trong Sách Sáng thế (1,1) “Từ lúc khởi đầu, Thiên Chúa đã sáng tạo trời đất.” và trong Tin mừng thánh Gioan (1,3): “Nhờ Ngôi Lời, mọi vật được tạo thành.”
2. Đối lại với lời Kinh thánh về việc thế giới do Thiên Chúa tạo dựng là sai lầm thứ hai: đó là những người cho rằng thế giới này hằng hữu. Thánh Phêrô đã đặt câu nói này trên miệng họ (2Pr 3,4): “Vì từ ngày các bậc cha ông an nghỉ, mọi sự vẫn y nguyên như khi trời đất mới được tạo thành.” Họ bị đưa đến sai lầm này bởi vì họ không hình dung được thế giới này có một sự khởi đầu như thế nào. Vì thế, ông Maimonides nói rằng, họ giống như đứa trẻ được đưa ra một hòn đảo ngay sau khi được sinh ra, và không hề thấy một phụ nữ mang thai và sinh đẻ là như thế nào. Khi đứa trẻ đã lớn, nếu có ai giải thích cho anh ta về việc con người được thụ thai như thế nào, được cưu mang trong dạ mẹ như thế nào, được sinh ra trong thế giới như thế nào, thì ắt hẳn anh ta sẽ không tin người ấy, bởi vì anh ta cho rằng con người không thể nằm trong dạ mẹ. Cũng vậy, nhìn về tình trạng hiện tại của thế giới, một số người không chịu tin rằng thế giới này có một lúc khởi đầu.
Điều này cũng trái ngược với niềm tin của Giáo hội, và vì thế, để đẩy lui sự sai lầm, chúng ta tuyên xưng rằng Thiên Chúa là: Đấng tạo thành trời đất, vì nếu trời và đất được tạo thành, tất nhiên là không phải lúc nào chúng cũng hiện hữu. Vì thế, chúng ta đọc thấy trong thánh vịnh (148,5): “Người ra lệnh, là hết thảy được tạo thành.”
3. Sai lầm thứ ba liên quan đến sự tạo dựng là của những người khẳng định rằng: Thiên Chúa tạo dựng thế giới từ chất liệu có sẵn.
Lý do của sự sai lầm này là tại vì họ muốn đo lường khả năng của Thiên Chúa theo chính khả năng của loài người chúng ta. Nhận thấy rằng con người không thể làm ra được cái gì mà không có chất liệu có sẵn, nên họ nghĩ rằng đối với Thiên Chúa cũng vậy. Do đó, họ cho rằng khi tạo dựng mọi vật, Thiên Chúa đã dùng chất liệu có sẵn để tạo nên mỗi vật tùy theo sự sắp xếp của Ngài. Nhưng điều này không đúng. Con người không thể chế tạo cái gì mà không cần chất liệu có sẵn bởi vì họ là nguyên nhân đặc thù, và chỉ có thể mang lại một hình thể này hay hình thể nọ vào chất liệu này hay chất liệu nọ đã được cung cấp bởi một người khác. Thực vậy, khả năng của con người bị giới hạn vào hình thể, và vì thế chỉ có thể là nguyên nhân của hình thể. Còn Thiên Chúa là Nguyên nhân phổ quát của tất cả mọi vật: Người không chỉ tạo dựng hình thể mà cả chất liệu nữa. Ngài tạo dựng mọi vật từ hư vô.
Do đó, để đẩy lui sự sai lầm này, chúng ta khẳng định: Đấng tạo dựng trời đất. Vì tạo dựng(creare) và làm ra (facere) có nghĩa khác nhau, “tạo dựng” là làm cái gì từ hư vô, còn “làm ra” thì sản xuất cái gì từ chất liệu đã có. Vì thế, nếu Thiên Chúa tạo dựng một cái gì đó từ hư vô, thì chúng ta phải tin rằng Ngài có thể tái tạo mọi cái nếu tất cả bị phá hủy. Vì thế Ngài có thể cho người mù được thấy, cho kẻ chết sống lại, và làm những phép lạ khác tương tự như vậy. Tác giả sách Khôn ngoan nói với Chúa thế này (12,18): “Vì Ngài có thể sử dụng quyền năng bất cứ khi nào Ngài muốn”.
B. Những lợi ích của việc tin vào Thiên Chúa là Đấng sáng tạo
Việc tin vào Thiên Chúa là Đấng Sáng Tạo mang lại cho chúng ta năm hệ luận thực tiễn:
1. Nó dẫn chúng ta đến việc nhận biết Đấng uy nghi thánh thiện
Thật vậy, tác nhân thì lớn hơn tác phẩm. Vì Thiên Chúa là Đấng Sáng Tạo ra tất cả mọi vật, do đó Ngài cao cả hơn mọi thụ tạo, như trong Sách Khôn ngoan (13,3-4) có chép: “Nếu loài người say mê những vẻ đẹp đó mà coi là thần minh, thì cần phải biết rằng Chúa Tể của những vật đó còn đẹp hơn biết mấy, vì chính Đấng sáng tạo mọi loài là tác giả của muôn vẻ đẹp. Nếu quyền năng và sức mạnh của những vật kia làm cho họ kinh ngạc thì họ phải hiểu rằng Đấng làm nên những vật đó còn mạnh mẽ hơn biết chừng nào”. Do đó tất cả những gì chúng ta hiểu được hoặc nghĩ về Thiên Chúa thì vẫn luôn nhỏ bé hơn Thiên Chúa. Chúng ta đọc trong sách Gióp (36,26) rằng: Đúng vậy, “Thiên Chúa thật cao vời, Ngài vượt qua sự hiểu biết của chúng ta.”
2. Nó dẫn chúng ta đến việc tỏ lòng biết ơn đối với Thiên Chúa
Nghĩ đến Thiên Chúa là Đấng tạo dựng muôn loài sẽ dẫn chúng ta đến việc tỏ lòng biết ơn đối với Thiên Chúa. Bởi vì Thiên Chúa là Đấng tạo dựng tất cả mọi vật, nên chắc chắn tất cả những cái chúng ta là và tất cả những cái chúng ta có đều xuất phát từ Thiên Chúa. Vì thế, thánh Tông Đồ nói với các tín hữu Corinto (1 Cr 4,7): “Bạn có cái gì mà bạn đã không nhận lãnh?”. Và chúng ta đọc trong thánh vịnh (23,1): “Thiên Chúa làm chủ trái đất cùng muôn vật muôn loài, làm chủ hoàn cầu với toàn thể dân cư.”. Vì thế, chúng ta tạ ơn Ngài và lặp lại với vịnh gia (Tv 115,12): “Tôi biết lấy chi đền đáp Chúa bây giờ vì mọi ơn lành Ngài đã ban cho?”.
3. Nó khuyến khích chúng ta kiên nhẫn trong nghịch cảnh
Bởi vì mặc dù tất cả mọi loài thụ tạo đều xuất phát từ Thiên Chúa và vì thế chúng tốt lành tự bản chất, nhưng nếu trong một cách nào đó, chúng làm ta bị tổn thương và làm ta đau khổ, thì chúng ta phải tin rằng sự đau khổ này xuất phát từ Thiên Chúa. Tuy nhiên, tội lỗi không xuất phát từ Thiên Chúa, bởi vì Ngài chỉ có thể là nguồn gốc của một sự xấu khi nó hướng đến điều thiện. Do đó, nếu mọi sự đau khổ mà con người chịu xuất phát từ Thiên Chúa, thì họ phải chịu đựng một cách kiên nhẫn. Vì những đau khổ thanh tẩy tội lỗi, hạ bệ những người xấu, thúc đẩy người tốt đến với tình yêu của Thiên Chúa. Ong Gióp (2,1) đã nói: “Tại sao chúng ta đón nhận điều lành từ Thiên Chúa, còn điều dữ lại không biết đón nhận?”
4. Nó thúc đẩy chúng ta sử dụng các thụ tạo một cách hợp lý
Khi chiêm ngắm Thiên Chúa là Đấng Tạo dựng mọi sự, chúng ta được thúc giục hãy sử dụng các thụ tạo cách khôn ngoan. Thật vậy, chúng ta phải sử dụng các thụ tạo đúng với mục đích mà Thiên Chúa đã làm nên chúng. Thiên Chúa tạo dựng vì hai mục đích: trước hết là vì vinh quang của Thiên Chúa, vì sách Châm ngôn (16,4) nói: “Đức Chúa đã làm nên mọi sự vì chính Ngài” (tức là vì vinh quang của chính Ngài); và thứ đến, vì lợi ích của chúng ta, như ông Môsê tuyên bố:“Những cái mà Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi sáng tạo ra là để phục vụ cho mọi dân mọi nước” (Đnl 4,19). Vì thế, chúng ta phải sử dụng các sự vật để làm vinh danh Thiên Chúa, nghĩa là làm hài lòng Thiên Chúa, và cũng vừa có lợi cho chính chúng ta, sao để tránh phạm tội. như vua Đavit đã nói: “Mọi sự là của Ngài; và chúng con dâng lên Ngài những cái chúng con đã lãnh nhận được từ tay Ngài” (1Sbn 29,14). Vì thế, tất cả những gì bạn có, dù là tri thức hay sắc đẹp, bạn phải quy vào tất cả và sử dụng tất cả cho vinh quang Thiên Chúa.
5. Nó giúp chúng ta nhận ra phẩm giá con người
Thật vậy, Thiên Chúa tạo dựng mọi vật vì của con người như nói ở thánh vịnh (8,8): “Chúa đã đặt mọi sự dưới chân con người”. Sau các thiên thần, thì con người là loài thụ tạo giống Thiên Chúa nhất. Ngài đã tuyên bố trong sách Sáng thế (1,26): “Chúng ta hãy làm ra con người theo hình ảnh chúng ta, giống như chúng ta.” Ngài không nói điều này khi dựng nên trời, hoặc các tinh tú, nhưng khi dựng nên con người. Và lời này không nhằm đến thể xác nhưng đến phía linh hồn bất hủy hoại và được ban cho ý chí tự do; vì thế nhờ linh hồn mà con người giống Thiên Chúa hơn mọi thọ tạo khác.
Do đó, chúng ta phải nhận ra rằng sau các thiên thần, con người trổi vượt hơn tất cả mọi loài thụ tạo khác; vì vậy chúng ta không được phép đánh mất phẩm giá của mình vì tội lỗi hoặc vì những ao ước tháo thứ đối với những vật hữu hình, là những vật thấp hèn hơn chúng ta và được Chúa làm nên để phục vụ chúng ta. Chúng ta phải hướng dẫn các hành vi của mình hợp với mục đích mà Thiên Chúa đã tạo nên chúng ta, bởi vì Thiên Chúa đã dựng nên con người để cai trị tất cả mọi loài trên mặt đất và phục tùng Ngài. Vì thế chúng ta phải cai trị và chế ngự mọi loài trên mặt đất, đồng thời chúng ta phải phục tùng Thiên Chúa bằng cách vâng lời và phục vụ Ngài, và nhờ vậy chúng ta sẽ đạt được sự hoan lạc của Thiên Chúa, là điều Ngài đã thương ban cho chúng ta.
-----------------------------------------
[1] Theo bản dịch Vulgata: ommes dii gentium doemonia
[2] Cv 5, 29.
[2] Cv 5, 29.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét