Trang

Thứ Sáu, 28 tháng 9, 2018

49-51 [Cẩm nang hỏi đáp triết học] Socrates


[Cẩm nang hỏi đáp triết học] Socrates


SOCRATES
(Ảnh từ Internet)
Câu 49 : Liệu Socrates có thực sự tồn tại?
Socrates thành Athen (460-399 TCN) vừa là một con người lịch sử, vừa là một nhân vật chính trong những đối thoại của Plato. Trong cả hai hình ảnh đó, ông đã kiện toàn các phương pháp của các nhà Ngụy biện (Sophist) trong nghệ thuật hùng biện, tranh luận và đối thoại. Tuy nhiên, xét như một nhân vật trong các đối thoại sau cùng của Plato, ông xuất hiện như một đại diện cho triết học trừu tượng của Plato.
Trong khi có vài tranh luận liên quan tới tầm ảnh hưởng của Socrates vốn là vị triết gia được Plato xây dựng nên, thì vẫn tồn tại lập luận vững chắc về cuộc đời của ông qua những sự thật hiển nhiên. Tất cả đều đồng ý rằng Socrates đã sống chính những nguyên tắc mà ông giảng dạy, như điều ông quan niệm “Một cuộc đời không thách đố là một cuộc đời không đáng sống.” Sophroniscus, cha của Socrates, là thợ đục đá ở Alopeke; và Phaenarete, mẹ ông là một bà đỡ. Chính Socrates cũng đôi lúc nói rằng phương pháp triết học của ông giống như hình thức đỡ đẻ. Trong Meno của Plato, ông sử dụng vai diễn này để rút ra chân lý minh nhiên từ một cậu bé nô lệ như một bằng chứng về sự hiện diện của những ý tưởng bẩm sinh trong linh hồn.
Sophroniscus là bạn của tướng quân thành Athen và vị chính khách nổi tiếng Aristides the Just (530–468 TCN), nhờ mối tương quan này mà Socrates đã kết nối được với giới lãnh đạo ở Athen. Ông đã dũng cảm phục vụ trong vai trò là một người lính bộ binh trong cuộc chiến Peloponnesian (431–404 TCN). Tuy nhiên, khi bị hút vào các hoạt động triết học, ông lại bắt đầu trở nên nghèo. Trong các tác phẩm sau đó về ông, Xantippe, vợ của Socrates, được mô tả như một người phụ nữ đanh đá, nhưng ông chăm sóc các con của ông, và ông xin các bạn của ông cung cấp cho chúng một nền giáo dục sau cái chết của ông.
Trong cuốn Biện hộ của Plato và Xenophon, Socrates bị kết án tử vì không tin vào các thần minh của thành bang, và giới thiệu những quyền năng thiêng liêng mới khác, cũng như đã làm tha hóa giới thanh niên.” Ông chết một cách bình thản khi tự mình uống thuốc độc, thay vì bỏ trốn theo sự sắp đặt của bạn hữu mà kết quả sẽ là một cuộc sống lưu vong. Ông đã khước từ cuộc lưu đày bởi vì đó là sự sỉ nhục. Ông đã tự nguyện ở lại Athen và chấp nhận những luật lệ ở đây trong suốt cuộc đời mình. Đối với ông, rời bỏ thành phố để tránh cái chết sẽ là sự bất trung. Socrates nói rằng ông không sợ chết, bởi vì ông chưa từng biết tới nó. Nếu không có cuộc sống đời sau, chết có nghĩa là đi vào giấc ngủ, và giả như cuộc sống đời sau tồn tại thì chết có nghĩa là giúp ông bước vào một phạm vi cao hơn – đó có thể sẽ là thiên đường. Một cách giải thích khác [về thái độ sẵn sàng đối với cái chết] là Socrates chẳng có gì nhiều để mất, bởi vì ông đã già rồi..
Câu 50: Điều nghịch lý nơi Socrates là gì?
Socrates nhất quyết  đưa ra những tuyên bố có vẻ trái nghịch với cảm nghĩ chung thời đó.
– Nghịch lý 1: Không ai muốn điều xấu nhưng rất nhiều người có những mục đích xấu hay tự bản chất họ là xấu. Điều này là do người theo đuổi điều xấu không biết đó là điều xấu. Hay nói khác đi, nguồn gốc sự dữ chính là sự không biết. [Socrates đồng nhất tri thức với đức hạnh. Ông nói, làm điều xấu là do vô tình, là sản phẩm của ngu dốt mà thôi].
– Nghịch lý 2: Là nạn nhân của bất công thì tốt hơn là thủ phạm gây ra bất công. Lý do là bởi vì công bình là một nhân đức căn bản và là một đặc tính của tất cả các nhân đức khác. Thủ đắc được nhân đức là mục tiêu chính yếu của cuộc đời, cũng như là con đường dẫn tới hạnh phúc. Do đó, hạnh phúc như là kết quả của đời sống công bình, là một vấn đề nội tâm vốn độc lập với ngoại cảnh.
Câu 51: Socrates châm biếm điều gì?
Cả trong đời thực và trong những giai thoại của Plato, Socrates thích lôi kéo thính giả của ông vào các cuộc tranh luận qua việc thể hiện mình chẳng biết điều gì. Lời sấm ở đền Delphi tuyên bố chẳng có kẻ nào thông thái hơn Socrates, mặc dầu ông luôn nói mình chẳng biết gì cả. (Sự kiện ông biết rằng khi nói rằng ông không biết gì sẽ giúp ông tách mình ra khỏi đám đông.)
Socrates khởi đầu cuộc đối thoại bằng việc đề cao nhân đức hay sự thông thái của người đối thoại. Nếu họ thực sự muốn bắt bẻ ông, ông sẽ nêu lên hàng loạt câu hỏi rất cẩn trọng. Từ “sự chất vấn” như thế, sẽ tỏ lộ ra rằng người đang nói biết rất ít về vấn đề mà có vẻ anh ta nghĩ rằng mình là chuyên gia. Khi ngay từ đầu nói rằng mình không biết gì hết, Socrates chẳng có gì để mất, trái lại, trong khi người chất vấn với ông hoặc đích thân bị bẽ mặt, hoặc bị vạch mặt giống như kẻ đạo đức giả hay tên bịp bợm.
Chuyển ngữ: Nhóm Maiorica, Học viện Dòng Tên
Nguồn: Naomi Zack, Ph.D., The Handy Philosophy Answer Book, (Visible Ink Press, 2010), 23-24.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét