Trang

Thứ Năm, 13 tháng 9, 2018

VHTK Thánh Phaolô Nguyễn Văn Mỹ, thầy giảng. 18.12


VUI HỌC THÁNH KINH
Thánh Phaolô Nguyễn Văn Mỹ, thầy giảng
Ngày 18 tháng 12

Tin mừng Mátthêu 10,17-22

17 "Hãy coi chừng người đời. Họ sẽ nộp anh em cho các hội đồng, và sẽ đánh đập anh em trong các hội đường của họ.18 Và anh em sẽ bị điệu ra trước mặt vua chúa quan quyền vì Thầy để làm chứng cho họ và các dân ngoại được biết.19 Khi người ta nộp anh em, thì anh em đừng lo phải nói làm sao hay phải nói gì, vì trong giờ đó, Thiên Chúa sẽ cho anh em biết phải nói gì:20 thật vậy, không phải chính anh em nói, mà là Thần Khí của Cha anh em nói trong anh em.

21 "Anh sẽ nộp em, em sẽ nộp anh cho người ta giết; cha sẽ nộp con, con cái sẽ đứng lên chống lại cha mẹ và làm cho cha mẹ phải chết.22 Vì danh Thầy, anh em sẽ bị mọi người thù ghét. Nhưng kẻ nào bền chí đến cùng, kẻ ấy sẽ được cứu thoát.


17 But beware of people, for they will hand you over to courts and scourge you in their synagogues,18 and you will be led before governors and kings for my sake as a witness before them and the pagans.
19 When they hand you over, do not worry about how you are to speak or what you are to say. You will be given at that moment what you are to say.
20 For it will not be you who speak but the Spirit of your Father speaking through you.
21 Brother will hand over brother to death, and the father his child; children will rise up against parents and have them put to death.
22 You will be hated by all because of my name, but whoever endures to the end will be saved.


I. HÌNH TÔ MÀU



* Chủ đề của hình này là gì ?
………………………………………………….
* Bạn hãy viết câu Tin mừng thánh Mátthêu 10,22
………………………………………………….
………………………………………………….
………………………………………………….
………………………………………………….

II. TRẮC NGHIỆM
A.
a1. Đức Giêsu cảnh báo anh em hãy coi chừng ai ? (Mt 10,27)
a. Người đời
b. Thế gian
c. Kẻ thù
d. Phái Pharisêu

a2. Người ta sẽ nộp anh em cho ai, và sẽ bị đánh đập trong các hội đường của họ ? (Mt 10,17)
a. Thượng tế
b. Các hội đường
c. Vua chúa
d. Quân La mã

a3. Vì danh Thầy, anh em sẽ bị mọi người làm gì ? (Mt 10,21)
a. Khinh bỉ
b. Thù ghét
c. Chế nhạo
d. Loại trừ

a4. Kẻ nào bền chí đến cùng, kẻ ấy sẽ được gì ? (Mt 10,22)
a. Thiên Chúa chúc phúc
b. Hưởng Nước Trời
c. Cứu thoát
d. Gọi là con Thiên Chúa

a5. Hãy coi chừng người đời. Họ sẽ nộp anh em cho các hội đồng, và sẽ làm gì anh em trong các hội đường của họ ? (Mt 10,17)  
a.  Bỏ tù
b.  Giết chết
c.  Đánh đập
d.  Xét xử

B. Thầy giảng Phaolô Nguyễn Văn Mỹ

b1. Thầy giảng Phaolô Nguyễn Văn Mỹ, Sinh năm 1798 tại Kẻ Non, Hà Nam, chịu tử đạo dưới triều vua nào ?
a. Vua Tự Đức (1847-1883)
b. Chúa Trịnh Sâm (1767-1782)
c. Vua Minh Mạng (1820-1841)
d. Vua Cảnh Thịnh (1782-1802)

b2. Thầy giảng Phaolô Nguyễn Văn Mỹ chịu tử đạo thế nào ?
a. Bị xử giảo                                   
b. Bị xử trảm
c. Bị thiêu sống                              
d. Bị xử lăng trì

b3. Thầy giảng Phaolô Nguyễn Văn Mỹ chịu tử đạo tại Sơn Tây vào năm nào ?
a. Năm 1773                                   
b. Năm 1838
c. Năm 1858                                   
d. Năm 1861

b4. Thầy giảng Phaolô Nguyễn Văn Mỹ được Đức Giáo Hoàng nào tôn phong lên bậc chân phước (1900) ?
a. Đức Giáo hoàng Piô X
b. Đức Giáo hoàng Lêô XIII
c. Đức Giáo hoàng Piô XII
d. Đức Giáo hoàng Gioan XXIII

b5. Thánh Phaolô Nguyễn Văn Mỹ được mừng kính vào ngày nào ?
a. Ngày 12 tháng 6               
b. Ngày 06 tháng 10
c. Ngày 17 tháng 9               
d. Ngày 18 tháng 12


III. Ô CHỮ 



Những gợi ý

01. Vì điều gì, anh em sẽ bị mọi người thù ghét ? (Mt 10,22)

02. Nhưng kẻ nào làm gì đến cùng, kẻ ấy sẽ được cứu thoát ? (Mt 10,22)

03. Kẻ nào bền chí đến cùng, kẻ ấy sẽ được gì ? (Mt 10,22)

04. Khi người ta nộp anh em, thì anh em đừng lo phải nói làm sao hay phải nói gì, vì trong giờ đó, ai sẽ cho anh em biết phải nói gì ? (Mt 10,19)

05. Khi người ta nộp anh em, thì anh em đừng lo phải nói làm sao hay phải nói gì, vì trong giờ đó, Thiên Chúa sẽ cho anh em biết phải nói gì: thật vậy, không phải chính anh em nói, mà là ai của Cha anh em nói trong anh em ? (Mt 10,19-20)

06. Vì danh Thầy, anh em sẽ bị mọi người làm gì ? (Mt 10,21)

07. Hãy coi chừng người đời. Họ sẽ nộp anh em cho các hội đồng, và sẽ làm gì anh em trong các hội đường của họ ? (Mt 10,17)  

Hàng dọc : Chủ đề của ô chữ này là gì ?


IV. CÂU THÁNH KINH HỌC THUỘC LÒNG

 “Vì danh Thầy,
anh em sẽ bị mọi người thù ghét”.
 Tin Mừng thánh Mátthêu 10,22

++++++++++++++++++++++

VUI HỌC THÁNH KINH
Thánh Phaolô Nguyễn Văn Mỹ, thầy giảng

I. HÌNH TÔ MÀU
* Chủ đề
Thánh Phaolô Nguyễn Văn Mỹ

* Tin mừng thánh Mátthêu 10,22

“Vì danh Thầy,
anh em sẽ bị mọi người thù ghét”.

II. TRẮC NGHIỆM
A.
a1. a. Người đời (Mt 10,27)
a2. b. Các hội đường (Mt 10,17)
a3. b. Thù ghét (Mt 10,21)
a4. c. Cứu thoát (Mt 10,22)
a5. c. Đánh đập (Mt 10,17)  

B. Thầy giảng Phaolô Nguyễn Văn Mỹ

b1. c. Vua Minh Mạng (1820-1841)
b2. a. Bị xử giảo
b3. b. Năm 1838
b4. b. Đức Giáo hoàng Lêô XIII
b5. d. Ngày 18 tháng 12


III. Ô CHỮ 

01. Danh Thầy (Mt 10,22)
02. Bền chí (Mt 10,22)
03. Cứu thoát  (Mt 10,22)
04. Thiên Chúa (Mt 10,19)
05. Thần Khí (Mt 10,20)
06. Thù ghét (Mt 10,21)
07. Đánh đập (Mt 10,17)  

Hàng dọc : Yêu Chúa

Gb. Nguyễn Thái Hùng




XIN XEM THÊM TẠI ĐÂY



++++++++++++++++++++++


Phaolô Nguyễn Văn Mỹ (1798 – 1838)


Phaolô Nguyễn Văn Mỹ, Sinh năm 1798 tại Kẻ Non, Hà Nam, Thầy giảng, bị xử giảo ngày 18 tháng 12 năm 1838 tại Sơn Tây dưới đời vua Minh Mạng. Đức Lêô XIII suy tôn ba thày Phaolô Nguyễn Văn Mỹ, Phêrô Trương Văn Đường và Phêrô Vũ Truật lên bậc chân phước ngày 27-05-1900. Ngày 19-06-1988, Đức Gioan Phaolô II suy tôn các ngài lên bậc Hiển thánh. Lễ kính vào ngày 18/12

Ba thày giảng cùng bị bắt một ngày, cùng bị giam một nơi, cùng tử đạo một giờ, cùng được suy tôn Chân Phước và Hiển Thánh một lượt là các thày: Phaolô Nguyễn Văn Mỹ, 40 tuổi; Phêrô Trương Văn Đường, 30 tuổi và Phêrô Vũ Truật, 21 tuổi.

Thánh Phaolô NGUYỄN VĂN MỸ - Thày giảng - (1798 – 1838)

Là người lớn tuổi nhất, thày Phaolô Mỹ như người anh cả, và là chỗ dựa cho hai thày giảng cùng bị giam chung. Trong một lá thư gửi cho thừa sai Marette, thày Đường viết : "… Từ ngày được diễm phúc chịu khó vì đức tin, thày Mỹ thay chúng con vẫn viết thư cho cha. Vì chúng con coi thày như thay mặt cha ở giữa chúng con…"

Phaolô Nguyễn Văn Mỹ chào đời năm 1798 ở làng Kẻ Non, còn gọi là Sơn Nga, huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam. Tên thật của cậu là Nguyễn Văn Hữu. Năm 13 tuổi, được phép cha mẹ, cậu Mỹ theo giúp việc Đức cha Giacôbê Longer Gia rồi sau giúp cha Luật xứ Kẻ Đầm bốn năm. Đến năm 19 tuổi, cậu theo học tại chủng viện Kẻ Vĩnh (Vĩnh Trị).

Khi làm thày giảng thực thụ, thày Mỹ được gửi đến giúp thừa sai Marette. Ít lâu sau, Đức cha Harvard Du giám quản giáo phận Tây Đàng Ngoài, đã chọn thày phụ giúp linh mục Cornay Tân, xứ Bầu Nọ, tỉnh Sơn Tây. Nhiều kinh nghiệm và khả năng, thày Mỹ đã hỗ trợ đắc lực cho vị thừa sai trẻ tuổi nhiệt thành, nhưng thường đau ốm nặng nề này. thày Mỹ luôn hoàn thành công tác mục vụ một cách chu đáo: Từ giảng lý tân tòng và trẻ em, đến khuyên bảo tội nhân hối cải. Khi tình hình cấm đạo lên cao độ, thày là vị tông đồ nhiệt thành và hữu hiệu, đi thăm từng gia đình để khích lệ các tín hữu sống đức tin, và còn hơn thế, được nhiều người ngoại giáo về đón nhận niềm tin Kitô giáo.

Thánh Phêrô TRƯƠNG VĂN ĐƯỜNG - Thày giảng - (1808 – 1838)

"Nhất định chúng tôi không đạp lên ảnh chuộc tội, vì như vậy là chọn cái chết đời đời cả linh hồn lẫn xác".

Lời nói trên cho ta thấy tâm tình của thánh Phêrô Đường, vị thày giảng đã hơn 20 năm dâng mình cho Chúa, để tìm kiếm hạnh phúc đích thực cho chính mình và ta nhân.

Sinh năm 1808 ở làng Kẻ Sở, xã Ninh Phú, huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam. Gia đình Phêrô Đường tuy nghèo nhưng nổi tiếng thánh thiện. Được cậu là linh mục Trương Văn Thi phụ trách xứ Sông Chảy đỡ đầu, nên ngay khi chú Đường mới 9 tuổi, cha Phương xứ Yên Tập đã nhận khai tâm cho chú vào đời sống tu trì. 15 tuổi, anh Phêrô Đường đã được gủi đến giúp xứ Bầu Nọ dưới quyền thừa sai Marette. Với sự khích lệ của cha, anh chuyên tâm học chữ Hán và Latinh để chuẩn bị cho tương lai.

Khả năng và nhân cách của anh Phêrô đường được xác nhận ngay năm sau. Anh được Đức cha Havard Du nhận vào bậc thày giảng dù mới 16 tuổi, thày giảng trẻ tuổi nhất. Thày tiếp tục giúp xứ Bầu Nọ thời cha Cornay Tân, cho đến ngày bị bắt. Tính tình vui tươi, hiền lành, thày được mọi người trong xứ mến chuộng.

Thánh Phêrô VŨ TRUẬT - Thày giảng - (1817 – 1838)

Thày Phêrô Vũ Truật, 21 tuổi, đáng lưu danh muôn thuở cho câu nói bất hủ, trả lời lại những viên quan chê dại dột lãng phí tuổi thanh xuân : "Chưa chắc là tôi dại. Ai khôn mới biết hiến mình cho chân lý, để chiếm hữu phần gia nghiệp muôn đời".

Phêrô Vũ Truật sinh năm 1817 ở làng Hà Thạch, họ Kẻ Thiếc, huyện Sơn Vy, trấn Sơn Tây. Gia đình anh rất nghèo, cha chết sớm, vốn liếng lại chẳng có, mẹ anh phải đầu tắt mặt tối suốt ngày,để nuôi ba con dại, nên Phêrô Truật không được đi học và gầy yếu xanh xao.

Tuy nhiên, anh Truật có lòng đạo đức, thường lui tới nhà thờ kinh lễ, nên được cha Tân chánh xứ Bầu Nọ chọn vào phục vụ những việc nhẹ trong xứ và tạo điều kiện cho ăn học. Dầu thế mặc lòng, anh Truật cũng chẳng bằng ai, phần trí khôn hơi chậm, phần hay bị đau ốm luôn, anh chỉ có thể biết đọc biết viết sơ sơ. Bù lại, anh rất thuộc kinh, nên đặc trách việc dạy kinh truyền khẩu cho các thiếu nhi nhỏ tuổi.

Mãi đến khi bị bắt giam trong ngục tù rồi, Đức cha Havard Du mới chứng nhận anh là thày giảng, vừa để lòng tin làm chứng cho đức tin. Thày Truật tuy không còn cơ hội để giảng bằng lời nói, nhưng thái độ kiên tín của thày chính là lời giảng có sức thuyết phục hơn nhiều.

Ba tấm lòng vàng

Ở Bầu Nọ có người ngoại giáo tên Đức cầm đầu một băng cướp đã bị bắt. Để nhẹ tội, y nói với vợ là Yến vu oan cho cha Cornay Tân tội tổ chức phản loạn. Chị ta liền giả vờ đến xin học đạo để dò xét những nơi cha thường trú ẩn. Khi biết được, chị ta liền giấu vũ khí trong vườn nhà cha, rồi đi mật báo cho các quan tỉnh Sơn Tây.

Ngày 20-6-1837, quan Sơn Tây phái 1500 quân lính đến làng Bầu Nọ, bắt linh mục Tân. Hai thày Mỹ và Đường cũng như anh Truật ngồi lẫn vào đám đông dân chúng bị tập trung nơi đình làng. Lính lục soát từ sáng tới trưa vẫn không thấy cha Tân đâu cả. Bà Yến liền bày cho họ bắt anh Truật và hai thày Mỹ, Đường, là những người thân thiết với cha xứ để tra hỏi.

Chiều hôm đó, lính phát hiện được cha đang ẩn trong bụi rậm. Nhưng để có thêm nhân chứng ghép tội cha, ba vị phụ tá này cũng bị áp giải với ngài hơn sáu dặm đường, về nhà lao tỉnh Sơn Tây. Tại công đường, ba vị đã khéo léo minh chứng cha xứ không theo giặc nổi loạn, và giải thích những lời đồn đại sai về đạo. Thí dụ quan hỏi : "Sao các ông móc mắt người chết để luyện bùa phép ?" Thày Mỹ trả lời : "Không lẽ quan tin những lời đồn đãi vô lý đó sao ? Bởi nếu chúng tôi làm như thế, cha mẹ vợ con họ đâu để cho chúng tôi yên. Vậy mà chúng tôi vẫn ra vào nhà họ, gặp gỡ thân ái và vui vẻ"

Các cuộc thẩm vấn thường đi liền với những tra tấn dã man. Đây là chứng thư của thày Mỹ: "Lính lột áo chúng tôi ra, bắt chúng tôi nằm xuống lấy dây thừng cột tay chân, rồi kéo căng cột vào bốn góc, nguyên sự căng nọc cũng làm chúng tôi đau đớn vô cùng, thế rồi họ bắt đầu đánh đòn… Cuối cùng họ không đánh bằng một chiếc roi nữa mà là cả bó. Mỗi lần đánh hằng trăm đầu roi mây in lằn trên da thịt chúng tôi, tạo nên nhiều vết thương đẫm máu…"

Riêng thày Truật vì ốm yếu nên được đeo gông nhẹ hơn và bị ít đòn hơn. Nhưng sau mỗi kỳ tra tấn cả ba người đều bị kiệt sức, phải khiêng về ngục thất. Ngày 20-9, lính canh tù loan tin cha Tân đã bị trảm quyết, và khuyên các thày bỏ đạo cả ba vị cùng nói : "Chúng tôi mừng vì thày chúng tôi được tử đạo, chúng tôi nguyện theo gương Ngài."

Giai đoạn này thày Mỹ ghi lại một lá thư : "Suốt bốn tháng liền chúng tôi bị gông cùm xiềng xích, chịu lính canh ngược đãi, phòng giam ẩm thấp hôi hám, ruồi muỗi tự do hoành hành, trên người thì đầy những vết thương bị tra tấn."

Tháng 10 bản án tỉnh Sơn Tây tâu vua Minh Mạng được chuẩn phê và gởi về. Nhưng thay vì giết ngay bản án quyết định "giam hậu" nghĩa là khoan xử chờ quyết định mới, bề ngoài có vẻ nhân đạo, nhưng thật ra bên trong rất thâm độc. Với thời gian nhiệt tình ban đầu có nguy cơ phai nhạt, vì tử tội luôn bị ám ảnh đến chuyện phải ngồi tù không biết đến bao giờ. Đàng khác sự chịu đựng con người có hạn, quá khổ đau, quá mòn mỏi, quá thất vọng, con người dễ bị lung lạc và dễ bị thay đổi ý định. Thực tế ba thày giảng phải chờ thêm 14 tháng, vị chi tất cả là một năm rưỡi bị giam cầm. Nhưng suốt thời gian bị giam cầm thử thách lâu dài đó, ba thày vẫn gắn bó với nhau trong nhẫn nại, can đảm và giữ mãi phúc tử đạo, mỗi sáng cũng như mỗi tối, các thày lớn tiếng đọc kinh Mân Côi chung, cầu nguyện chung, các đồ ăn thức uống, thuốc men nhận được ba vị chia sẻ cho lính canh, ai đến thăm đều được khuyên nhủ : "Anh em hãy sống hòa thuận với mọi người trong gia đình, làng nước, hãy là giáo hữu nhiệt thành, vì đời sống trần gian chẳng là bao. Chúng tôi đã vâng theo ý Chúa định đoạt, hy vọng mai này chúng ta sẽ đoàn tụ trên Nước trời"

Cha Triệu giả làm thường dân mang Mình Thánh Chúa cho các thày, đó quả là hồng phúc lớn lao. Ta thử đọc tâm sự của thày Đường gởi cho cha Marette trong thư : "Hôm nay là ngày trọng đại chúng con được rước Mình Thánh Chúa. Xin tạ ơn Chúa đã viếng thăm và làm vơi nhẹ những xiềng xích của chúng con… cửa Thiên Đàng đã gần kề, nghĩ đến hạnh phúc đang chờ đợi, chúng con chẳng còn ước ao sự gì khác nữa…"

Cùng Chiến Thắng Vinh Quang

Năm 1838, triều đình duyệt lại bản án và chỉ thị cho quan tỉnh Sơn Tây thi hành. Ngày 18-12 ba chứng nhân anh dũng bị điệu ra pháp trường ở Gò Vôi làng Mông Phụ, tỉnh Sơn Tây. Mỗi người mang trên ngực tấm thẻ ghi tên họ, nguyên quán, tội theo đạo Giatô, đã thú nhận, truyền xử trảm. Trên đường đến nơi hành quyết, như đã hẹn trước ba thày cùng làm dấu khi thấy cha Triệu đứng giữa dân chúng ban phép lành tha tội. Một người lính cho các Ngài uống rượu, ba vị cám ơn, uống nước trà và nói : "Thày giảng chúng tôi kiêng rượu như kiêng sắc dục và kiêng phản bội."

Đến nơi xử, ba thày nằm dài trên chiếu, quân lính quây thành một vòng tròn lớn, để ngăn cản dân chúng. Từng vị một bị trói chân vào cột và trói chéo tay ra sau lưng. Dây thừng tròng sẵn vào cổ. Giữa tiếng chiêng trống vang rền, theo lệnh quan mỗi tên lính nắm chặt đầu dây xiết thật căng, chờ tới khi tất cả tắt thở, máu ứa ra miệng. Sau đó lấy lửa đốt gan bàn chân để xác nhận các tử tội đã chết thật rồi. Cha Marette và giáo dân đưa thi hài ba thày về họ Kẻ Măng gần đấy tẩm liệm. Ngài dâng lễ cầu hồn tạ ơn Chúa đã cho các bậc tôi trung thắng trận khải hoàn.

Đức Lêô XIII suy tôn ba thày Phaolô Nguyễn Văn Mỹ, Phêrô Trương Văn Đường và Phêrô Vũ Truật lên bậc chân phước ngày 27-05-1900. Ngày 19-06-1988, Đức Gioan Phaolô II suy tôn các ngài lên bậc Hiển thánh.

Nguồn từ thư viện Đa Minh

Trường thi tử Đạo.
Thầy giảng Phaolô Nguyễn Văn Mỹ
Sinh Mậu Ngọ (1798) tỉnh lỵ Hà Nam
Giúp cha chu đáo thầy làm
Giảng rao lời Chúa toạ đàm tuyên xưng

Phaolô Mỹ Tin mừng rao giảng
Dám cả gan bội phản lệnh vua
Thừa sai Tây đến vào hùa
Trên đường lẩn trốn lính lùa bắt giam

Thầy được chọn lên làm Linh mục
Chúa quan phòng lãnh phúc hy sinh
Lệnh vua kết án tử hình
Thầy là Kẻ giảng gia đình trưởng nam

Khi quân lính vây làng Bầu Nọ
Báo cho nhà Cố trọ trốn đi
Mang đồ đạo giấu cấp kỳ
Các Thầy Kẻ giảng cùng đi đình làng

Xét lý lịch nghi can lục soát
Ðã tưởng chừng như thoát lưới thưa
Có bà tên Yến đứng thưa
Chỉ mặt Thầy Mỹ, dây dưa Truật, Ðường

Ba Thầy bị đả thương dở chết
Dù đòn roi bê bết không khai
Ðến chiều lính bắt Cố Ngài
Thầy trao đồ đạo một vài món thôi

Các Thầy phải liên hồi phơi nắng
Suốt ba ngày mang nặng gông xiềng
Sơn Tây đi bộ triền miên
Trên đường đói khát tối liền cùm chân

Nhốt ngục tối nhiều lần tra hỏi
Cả ba Thầy chẳng nói điều chi
Giảng rao lời Chúa thực thi
Chúng tôi cương quyết không gì đổi thay

Quan tức giận lột ngay quần áo
Trói giang tay nằm ráo dưới nhà
Ðánh đòn dọa nạt khảo tra
Bằng roi có móc thật là dã man

Sau trận đánh thịt tan xương nát
Nát như tương chẳng khác tổ ong
Ngón tay co rút cong cong
Lính khiêng bỏ lại nhốt trong nhà tù

Không tiếng nói êm ru ngục thất
Mở miệng ra chẳng nấc nên lời
Khò khè thở chẳng ra hơi
Quan quân ép buộc nhận lời trái sai

Chúng dụ dỗ nói hoài không đạt
Ðã đổi chiều bài bác Thánh Kinh
Hỏi han thế giới vô hình
Mai sau hỏa ngục luyện hình thấy chưa

Ðang khốn khổ sớm trưa liên tục
Có phải đây hỏa ngục trần gian
Chốn nào là nước Thiên Ðàng
Vua quan đang ngự huy hoàng phải không

Ðâu có thưởng kẻ gông đeo cổ
Chết nát thây chôn chỗ pháp trường
Theo tả đạo chốn viễn phương
Cải tà quy chánh pháp trường quan tha

Ba Thầy nói quan đà vô phúc
Phá đạo trời hỏa ngục trầm luân
Vua quan xuống đấy lãnh phần
Lý hình cứ xử chẳng cần thứ tha

Giữa pháp trường ta là lính Chúa
Người Tông đồ chan chứa ơn lành
Sẵn sàng vì Chúa vinh danh
Lệnh vua xử giảo nguyên lành xác thân

Lễ an táng thuộc phần giáo xứ
Tại Cao Mại nghĩa cử hương trầm
Các Cha tham dự âm thầm
Chôn gian nhà cuối thành tâm gia đình

Một bà góa nghĩa tình tên Tín
Bảy tháng sau thầm kín về Non
Như lời trăn trối lúc còn
Hồng ân tử đạo là con dân làng

Năm Mậu Tuất (1838) vẻ vang tử đạo
Ba chứng nhân giữ đạo đến cùng
Linh hồn về chốn thiên cung
Suy tôn Canh Tý (1900) vui chung Nước Trời

Lời bất hủ: Thầy Mỹ luôn hoàn thành công tác mục vụ một cách chu đáo, từ dạy giáo lý cho các tân tòng và trẻ em, đến khuyên bảo các tội nhân ăn năn hối cải.Nói về Thầy Mỹ, thầy Ðường viết: "Từ khi được diễm phúc chịu khó vì Ðức Tin, thầy Mỹ vẫn thay chúng con viết thư cho Cha (thừa sai Marette). Vì chúng con coi thầy Mỹ như thay mặt Cha ở giữa chúng con". Lần khác, quan tra hỏi và vu khống cho đạo, thầy Mỹ trả lời: "Không lẽ quan tin những lời đồn đại vô lý đó sao? Bởi vì chúng tôi làm như thế, cha mẹ, vợ con họ đâu để chúng tôi yên. Vậy mà chúng tôi vẫn ra vào nhà họ, gặp gỡ thân ái và vui vẻ".



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét