Câu hỏi 62. Vì sao cần các biểu tượng và nghi lễ?
Con người được tạo dựng với một thân xác thể lý phải chết và một linh hồn thiêng liêng bất tử. Hiện sủng đến với chúng ta qua nhiều cách, một trong những con đường của hiện sủng là các á bí tích. Một trong những hình thức của các á bí tích là cử hành hay nghi lễ. Cách thức cử hành các bí tích, các tập quán văn hoá và nghi lễ, rất quan trọng. Thời gian, sức lực, sự chú tâm cần được thể hiện khi các bí tích được cử hành vì đó là lúc gặp gỡ với Thiên Chúa. Các cử hành thánh và nghi lễ, như sự thánh hiến trong thánh lễ, tôn thờ và phép lành Thánh Thể,… giúp người tín hữu nâng mình ra khỏi đời sống trần thế để chiêm ngắm thiên đàng. Lòng sùng kính, tuần cửu nhật kính các thánh và những nghi lễ tương ứng cũng rất quan trọng với các Kitô hữu trên hành trình hành hương về quê trời.
Các nghi lễ và biểu tượng của chúng cũng rất quan trọng vì con người là những thụ tạo hữu hình. Chúng ta là một hợp nhất của xác và hồn. Linh hồn cần thân thể để mang thông tin tới trí năng ngang qua năm giác quan. Tâm trí của chúng ta không thể biết nóng hay lạnh nghĩa là gì nếu trước hết ta không kinh nghiệm những cảm giác này nơi thân thể. Chúng ta thờ phượng Thiên Chúa Tối cao không chỉ nơi tâm trí mà con nơi thân xác của chúng ta. Quả thật, thân xác của chúng ta là đền thờ của Chúa Thánh Thần. Do đó, các nghi lễ trong các cử hành chuyển tải những cảm xúc sâu xa nhất của chúng ta tới Thiên Chúa ngang qua lời nói, hành vi và cử chỉ. Trong suốt các cử hành nghi lễ, người Công Giáo làm dấu thánh giá và phép lành với nước thánh; họ cúi mình trước sự hiện diện đích thực của Đức Giêsu trong Nhà Tạm; họ được gợi hứng bởi một bức ảnh thánh; họ thắp nến sáng để thông truyền lời cầu nguyện của họ. Những biểu tượng và nghi lễ đóng một vai trò hết sức quan trọng trong thờ phượng, lòng đạo đức và đời sống thiêng liêng của người Công Giáo.
Chúng ta ca ngợi Thiên Chúa qua ngũ quan. Thị giác – một ngôi thánh đường đẹp với các cửa sổ bằng kính màu, các bức hoạ trên tường, ảnh tượng – kể chuyện đức tin cho con người. Xúc giác – hôn bình an, quỳ gối, bái gối, cúi đầu, phủ phục và rảy nước thánh – chuyển tải những hành động thánh của việc cầu nguyện. Vị giác – hương và nến sáng – mang con người đến với một thế giới khác: lãnh địa của thần linh. Hương trầm đi kèm với lời nguyện của chúng ta dâng lên Thiên Chúa; mùi hương thơm ngát là một biểu tượng của niềm vui của chúng ta dâng lên Thiên Chúa. Nhờ việc cảm nếm, trong khi đón nhận bí tích Thánh thể, chúng ta được cảm nếm trước bàn tiệc nước trời Giêsu đã dọn sẵn cho chúng ta. Cuối cùng là âm thanh, không chỉ từ việc công bố Lời Chúa và việc đọc lời cầu nguyện, mà còn trong việc hát thánh ca. Thánh Augustine, vị giám mục và thần học gia thế kỷ thứ tư đã từng nói: “Hát là hai lần cầu nguyện.”
Đức Giêsu Kitô là Ngôi Lời hiện hữu từ thuở đời đời và đã mặc lấy xác phàm. Nhân tính của Ngài đã nâng nhân tính của chúng ta lên. Vì thế, khi thờ phượng Thiên Chúa qua các giác quan của thân thể, chúng ta đang tuyên xưng mầu nhiệm Nhập Thể.
Chuyển ngữ: Nhóm Maiorica, Học viện Dòng Tên
Nguồn: Rev. John Trigilio JR., Ph.D., and Rev. Kenneth D. Brighenti, Ph.D., The Catholicism Answer Book- The 300 Most Frequently Asked Question, (Naperville, Illinois: Sourcebooks, Inc., 2007), 90-91.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét