Trang

Thứ Bảy, 1 tháng 9, 2018

Câu hỏi 59: Ân sủng là gì, và tại sao chúng ta cần đến ân sủng?

Câu hỏi 59: Ân sủng là gì, và tại sao chúng ta cần đến ân sủng?

Ân sủng là một quà tặng đến từ Thiên Chúa. Nó không thuộc về bản tính con người của chúng ta, và do đó, nó được gọi là siêu nhiên, hay vượt trên bản tính tự nhiên của chúng ta. Nó thuộc về Thiên Chúa. Nói một cách đơn giản, ân sủng chính là sự sống của Thiên Chúa ở trong bạn. Nguồn gốc của ân sủng là Thiên Chúa – một cách đặc biệt nhất, đó là công trạng của Đức Giêsu Kitô trên thập giá – và ân sủng là tuyệt đối cần thiết để đạt được sự sống. Ân sủng giúp chúng ta đạt được cùng đích tối hậu của cuộc đời chúng ta. Ân sủng luôn sẵn có cho mọi người vì ý muốn cứu độ phổ quát của Thiên Chúa: giáo lý cho rằng Thiên Chúa ban cho mỗi người cơ hội và khả thể được cứu độ. Dầu vậy, mỗi người sẽ lên thiên đàng hay xuống hoả ngục hoàn toàn phụ thuộc vào những quyết định và hành động cá nhân trong đời sống của họ. Thiên Chúa ban cho con người ân sủng đủ (hay “túc sủng”, “sufficient grace”) để được cứu độ, nhưng nó trở nên hữu hiệu (hay “hiệu sủng”, “efficacious grace”) đối với ai tự do đón nhận và hợp tác với ân sủng đó. Không ai bị tiền định phải sa hoả ngục hay bị kết án. Thiên Chúa vui thích khi mọi người được lên thiên đàng, nhưng vì chúng ta có ý chí tự do, nên Ngài tôn trọng quyết định của chúng ta ngay cả khi chúng ta khước từ Ngài, từ khước ân sủng của Ngài và thiên đàng, khi sống trong tội là chúng ta chọn làm như vậy.
Chúng ta phụ thuộc vào Thiên Chúa trong mọi sự. Chính hơi thở của chúng ta là một quà tặng từ Thiên Chúa. Lẽ dĩ nhiên, những khả năng cao hơn như tri thức, cũng phụ thuộc vào Thiên Chúa. Như các em thiếu nhi trong lớp giáo lý, chúng ta đã học từ thửa bé rằng chúng ta được tạo dựng để nhận biết, yêu mến và phụng sự Thiên Chúa và để chuẩn bị mình trong đời sống này để ở với Ngài trong đời sống vĩnh hằng. Khả năng này đòi hỏi quà tặng siêu nhiên của ân sủng để chúng ta có thể nắm bắt được chân lý vĩnh cửu về Thiên Chúa và về kế hoạch cứu độ của Người cho chúng ta. Vì tội nguyên tổ và vì bản tính nhân loại đã bị sa ngã và tổn thương, chúng ta không thể yêu mến như chúng ta được tạo dựng, vì thế khả năng yêu mến Thiên Chúa trên hết mọi sự là một quà tặng siêu nhiên của ân sủng. Tội nguyên tổ đã làm tổn thương bản tính nhân loại, nó làm mù tối trí năng, suy nhược ý chí, và làm lệch lạc những đam mê và cảm xúc của chúng ta. Điều này làm cho chúng ta trở nên yếu đuối trước tội lỗi và cám dỗ. Ân sủng của Thiên Chúa đền bù sự Sa Ngã của Adam và Eva, và ân sủng này thực sự đã chữa lành bản tính nhân loại đã bị tổn thương bằng cách soi sáng trí năng, củng cố ý chí và kiểm soát cảm xúc và đam mê của chúng ta. Sự thật, ngay cả khả năng làm sự thiện và các việc bác ái cũng phụ thuộc vào quà tặng của ân sủng Thiên Chúa. Cuối cùng, khả năng thoát ly khỏi tội lỗi, để được tha thứ, tuân giữ các giới răn, và ngay cả tránh tội, tất cả đều phụ thuộc vào ân sủng.
Thánh Tôma Aquinô, một thần học gia Công Giáo thế kỷ thứ 13, nói rằng ân sủng được xây dựng trên tự nhiên và hoàn thiện tự nhiên. Để sống trong sự hiện diện của Chúa, để tránh tội và để bền tâm vững chí, chúng ta cần ân sủng, nhưng vì ý chí tự do của chúng ta, chúng ta thường đánh mất ân sủng. Nhờ ân sủng, chúng ta trở nên nghĩa tử của Thiên Chúa, chi thể của thân thể mầu nhiệm của Người là Giáo Hội và thừa hưởng ngôi báu nước trời. Ân sủng nâng bản tính của chúng ta lên, giúp chúng ta chia sẻ một cách mật thiết đời sống của Thiên Chúa. Chính yếu nhờ bí tích rửa tội mà chúng ta trở thành đền thờ của Ba Ngôi Chí Thánh, và nhân tính của chúng ta được nâng lên.
Ân sủng tuyệt đối quan trọng vào phút cuối đời. Ân sủng chuẩn bị linh hồn cho Thiên Chúa. Để được cứu độ, chúng ta cần phải có ân sủng để bền chí đến cùng. Đức Giêsu nói với chúng ta trong các Phúc Âm rằng: “Kẻ nào bền chí đến cùng, kẻ ấy sẽ được cứu thoát”. Trong nền đạo đức Kitô giáo, thánh Giusu là bổn mạng của những kẻ chết lành, vì ngài bầu cử cùng Thiên Chúa cho chúng ta, để bền chí đến cùng trong giây phút chuyển tiếp cuối cùng từ cuộc đời này.
Chuyển ngữ: Nhóm Maiorica, Học viện Dòng Tên
Nguồn: Rev. John Trigilio JR., Ph.D., and Rev. Kenneth D. Brighenti, Ph.D., The Catholicism Answer Book- The 300 Most Frequently Asked Question, (Naperville, Illinois: Sourcebooks, Inc., 2007), 87-88.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét